Kết quả hình ảnh cho cuộc sống và tình yêu

Anh muốn cùng em nói về vũ trụ
về dãy ngân hà, những tinh hệ xa xôi
muốn cùng em thong thả cạnh nhau ngồi
nhìn vạn vật hồi sinh sau tiếng nổ

Anh muốn cùng em nói về đau khổ
của muôn loài khi trót được sinh ra
để thương yêu nâng nhẹ mỗi ngày qua
ta cùng ngắm cả bức tranh tạo hóa

Chỉ một điều anh không muốn nói ra
yêu thương đó trong ta bao giờ cạn
đất trời bao la nhưng cũng là hữu hạn
còn tình người có biên giới không em?

16/7/2016
Nhất Bảo
Sáng nay khi đồng hồ báo thức reo lúc 4:24, tôi tỉnh dậy và thấy người lạnh toát, trời thì rả rích mưa. Bước ra khỏi phòng, không khí bên ngoài ẩm và lạnh hơn làm tôi hắt xì liên tục. Trong vừa đánh răng rửa mặt mà nước mũi chảy ròng ròng, hỉ ra mãi không hết, lại hắt xì gần chục cái, đầu nóng lên... Cơn sốt đến nhanh như một cơn mưa rào giữa trời đang nắng gắt.

Tôi lấy cái áo mặc vào, xức dầu lên thái dương và mũi, uống một ly trà nóng rồi chui vào góc phòng, bỏ qua mấy chủ đề hôm qua nghĩ tới, tôi kể cho các bạn nghe câu chuyện về sức khỏe của tôi.

Sức khỏe, hay sức sống của một người giống như đồ thị hình sin, hay hình tượng hơn là như một quả đồi thấp vậy, khi lên đến đỉnh cao là lại bắt đầu đi xuống, khác nhau ở độ cao và chiều rộng của đỉnh đồi thôi. Tôi không rõ mình đã đến đỉnh đồi chưa, nhưng có những dấu hiệu của sự suy giảm về sức khỏe và sức đề kháng rõ rệt.


Độ 3-4 năm trở lại đây, tôi rất hay bệnh vặt. Cứ mỗi mùa mưa hay trời trở lạnh là lại bị cảm lạnh, ho, đau họng. Có những cơn ho kéo dài mấy tuần khiến tôi rất mệt và nhức đầu. Tôi bắt đầu ngại những cơn mưa và cũng còn đi nhiều ngoài nắng - những điều trước đây tôi chưa bao giờ phải quan tâm.

Hồi nhỏ tôi rất ưa tắm mưa, cứ mưa lớn lớn chút là tắm. Sau lớn lên lúc học cấp hai, cấp ba tôi cũng ít khi nào mang theo áo mưa đi học, đi về gặp mưa là tắm luôn thôi. Ra trường, đôi lúc cũng dầm mưa chạy luôn về nhà, hoặc đôi khi mặc áo mưa chạy vòng vòng thành phố, coi mưa chơi vậy thôi. Mấy chuyện đó ngày xưa tôi làm mà chẳng nghĩ ngợi gì, chỉ thấy mát mẻ, thoải mái vậy thôi. Ngày nay, tôi thấy mưa như thấy những cơn cảm lạnh...

Hồi mười mấy tuổi tôi có học Karatedo được ít lâu, khi đó ngày nào cũng hít đất, nhảy xổm, luyện quyền hơn 2 tiếng mà vẫn thoải mái vô tư. Bây giờ hít liên tục 5-7 cái là nằm luôn đó, đứng tấn thì 2 phút là chân run muốn xỉu, đấm đá vài cái là gập người thở dốc như sắp hết hơi. Chỉ còn mỗi đi bộ là khá bền, đi khoảng 10km vẫn ổn, chắc do cái này ít tốn sức nhất.

Sau mấy năm học đại học và ngồi văn phòng, tôi tăng 20kg, sức khỏe giảm 30-40%. Quá trình này cũng không phải dễ dàng gì, đó là cả một sự tiêu hao có bài bản.

Thay vì vận động và tập võ, tôi ngồi máy tính mỗi ngày 14-15 tiếng. Vào đoạn thời gian mê game, có khi tôi chơi 2 ngày liên tục không nghỉ. Thức trắng đêm, chơi game đến 6-7 giờ sáng thì ngủ, 1-2 giờ trưa thức dậy ăn uống rồi tiếp tục chơi... Sau khi nghỉ game cũng vẫn thức đến hơn 2 giờ mới ngủ, nhiều khi chẳng để làm gì, vừa ngồi đọc truyện vừa ngủ gục, vậy mà nhất định không chịu lên giường trước 2 giờ. Ngày nào cũng hít đủ một khoanh nhang muỗi 8 tiếng, không sót ngày nào.

Thức đêm thì đói, đói thì ăn. Nào là các loại bánh snack, bánh ngọt, mì gói, nước ngọt, đôi khi thêm cả trái cây cho đỡ ngán. Đêm nào cũng ăn, có nhiều lúc nhìn bịch rác còn lại sau mỗi đêm mà tôi cũng ớn, không hiểu sao mình ăn được vậy luôn.

Thức đêm tất nhiên cũng có cái hay và hấp dẫn riêng của nó, nhưng tập thành thói quen rồi thì đến lúc chán ngán vẫn bỏ rất khó. Điều này làm tôi giảm sức khỏe, giảm đề kháng, và tăng cân. Tăng hẳn 20kg nhé, tập trung chủ yếu ở bụng, đùi, mông -_-

Tôi nhớ hoài, trong quyển “The time machine” của H. G. Wells có mô tả về thế giới tương lai, nơi loài người tiến hóa và chia thành hai thế giới. Một thế giới của những người lao động chân tay và sống nơi u tối, họ phát triển các cơ, lông lá như những con thú. Còn thế giới của những kẻ quý tộc, giàu có thì các cơ thoái hóa, chỉ có bộ não là phát triển, tay chân teo tóp lại như người ngoài hành tinh và sức khỏe yếu vô cùng.

Đôi lần tôi cũng cảm giác mình đang thoái hóa đi như vậy, trên ghế, trước máy tính, mà chẳng giàu lên chút nào.

Người ta tiêu hao sức khỏe để đổi lấy tiền, sau này chữa bệnh, còn tôi phung phí sức khỏe vì cái gì? Chẳng có câu trả lời nào nhưng tôi vẫn không dừng lại được.

Nếu hỏi một người bình thường điều gì là quý nhất trong cuộc sống, có lẽ họ sẽ nói là tình yêu, sự nghiệp, danh vọng, niềm tin hay một điều gì đó, rất ít người nhớ rằng sức khỏe mới là cái gốc để họ thực hiện tất cả mọi điều trên.

Tôi thấy nhiều người trẻ cũng như tôi ngày trước, khi đang có sức khỏe thì tiêu phí vô tư, đêm thức ngày ngủ là chuyện bình thường, thậm chí còn một số trò tiêu phí nhanh hơn một chút. Đôi khi muốn khuyên mà chẳng biết làm sao.

Cũng như việc chơi game, có những trò chơi rất là vô bổ, chẳng ý nghĩa gì, nhưng chỉ có đứa nào chơi rồi mới biết, còn mấy đứa chưa chơi thì nói nó chẳng tin. Lúc còn sức khỏe dồi dào chẳng đứa nào tưởng tượng được đến lúc mình suy yếu sẽ ra sao, dù có bao nhiêu tấm gương trước mắt cũng vậy.

Tôi cũng có phần may mắn. Tiền vốn còn lại của tôi chính là việc hễ thật sự muốn làm điều gì là tôi làm được. Đang thức 2-3h sáng mỗi đêm, tôi làm ra thử thách 30 ngày dậy sớm, thế là cứ 10h-11h tôi đi ngủ, nằm xuống là ngủ được luôn, và cứ nghe đồng hồ reo là thức. Sau khi thực hiện thành công thử thách đó, tôi vẫn tiếp tục dậy lúc 4:30 mỗi ngày, mấy ngày sau này tôi tập thể dục, đọc sách và viết một chút gì đó mỗi sáng. Những cảm nhận và chia sẻ từ thử thách dậy sớm này tôi có làm video mỗi ngày, post trên youtube:

https://www.youtube.com/playlist?list=PLYagToaLb5DKFwTAkR8Ad7xNT8Veqo3P7

Sức khỏe là gốc, nó không chỉ ảnh hưởng đến các hoạt động vật lý mà còn tác động nhiều đến tinh thần chúng ta. Có sức khỏe tốt thì tinh thần cũng tốt, nó giúp ta chịu được áp lực và suy nghĩ được nhiều điều hay hơn... Rèn luyện sức khỏe thì tùy vào điều kiện và sở thích của mỗi người, nhưng quan trọng nhất là giữ gìn, đừng hoang phí.

Tôi nghĩ rằng từ sau #The30EarlyDays, tôi sẽ ngừng việc hoang phí sức khỏe và tập nhiều thói quen tốt hơn. Không chắc rằng hiện giờ nếu luyện tập và ăn uống hợp lý thì có thể nâng cao sức khỏe hay không, nhưng ít nhất tôi sẽ giữ cho nó đi xuống chậm nhất có thể.

Hôm nay tôi kể câu chuyện này, hi vọng những bạn trẻ hữu duyên đọc được có thể xem xét lại tình trạng của bản thân, và thay đổi ít nhiều, bỏ qua thói quen xấu, tránh hoang phí sức khỏe và tập trung làm những việc có ích cho cuộc đời của chính các bạn nhiều hơn.

Còn nếu không, thì ai cũng có một đời, cuộc đời nào rồi cũng sẽ qua thôi.

Chúng ta cũng chỉ là những hạt bụi trong sa mạc cuộc đời, ai có thể quan tâm mình, thay đổi mình, ngoài chính mình đây chứ.

Nếu mình còn bỏ mặc mình, thì người khác cũng chỉ lướt qua thôi.

Nhất Bảo
Rất nhiều bạn sau một thời gian đọc các bài viết của mình và cảm thấy hứng thú, thì đều có chung một câu hỏi: “Anh làm nghề gì?” hay “Công việc hiện tại của anh là gì?”... Sáng nay mình muốn nói vài dòng về công việc.

Đa phần mọi người trong xã hội, khi sinh ra thì được nuôi dưỡng và lớn lên thì phải tự nuôi thân, rồi nuôi thế hệ tiếp theo, và cứ thế. Vậy nên mỗi người đều phải chọn cho mình một nghề (có người vài nghề) để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Có câu “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, “một nghề cho chín con hơn chín nghề”, có thể hiểu rằng những ai giỏi ở một nghề nào đó thì hoàn toàn có thể sống nhờ nó, và thậm chí được tôn vinh, còn những ai làm nghề không tinh thì phải làm hai, ba, bốn, thậm chí là chín nghề mới đủ sống. Hay ngược lại, những ai không tập trung tâm sức vào một nghề thì sẽ khó có được vinh quang hay tiền bạc.


Tôi là kẻ “chín nghề” như thế đó.


Đôi khi tôi thấy khá vui khi được hỏi “Anh có phải nhà văn/nhà báo/nhà thơ/nhà giáo... không?” Nhưng sau niềm vui đó là một khoảng lặng vì câu trả lời luôn là “không phải”. Có một số ít người thì ngạc nhiên khi tôi nói tôi sống ở Trà Vinh “Ơ, đó giờ em cứ tưởng anh ở SG hay HN chứ”...

Thật lòng tôi không biết nên cảm kích vì họ nghĩ tốt về tôi, hay chê trách họ sao cứ luôn tìm cách “dán nhãn” lên cuộc sống.

Với những lối mòn về tư duy, nhìn nhận về cuộc sống toàn bằng “kinh nghiệm” như vậy, thì sau niềm vui vì “được hiểu lầm” là nhà văn, nhà báo, lại là nỗi lo lắng, bất an. Tôi cứ lo là sau khi họ biết rõ nghề nghiệp, nơi sống của tôi, liệu họ có phủ nhận những điều mà họ từng cho là hay, là đúng trước đó? Kiểu: “Mày không phải nhà báo nên chắc thông tin này không thật” “Mày không phải nhà tâm lý học nên cách nhìn này có vẻ chủ quan, phán bừa hả?” Tôi thật lo lắng lắm, hehe.

Một người “dân quê” thì không thể có tư duy và cách cư xử như một người thành thị, không thể “học đòi” tao nhã hay sao? Hay phải là một nhà văn mới được viết văn, là một nhà thơ mới có quyền mơ mộng? Phải tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ tâm lý gì đó mới có quyền cho người khác lời khuyên, và phải kết hôn, li hôn mới được nói đúng về hạnh phúc?

Để “sống với đam mê” thì người ta cần phải “sống” trước đã. Những người kiếm không ra tiền từ đam mê, thứ mà thậm chí còn phải tiêu thêm tiền, thì phải tìm một hoặc vài công việc khác để nuôi sống bản thân và gia đình, rồi sau còn bao nhiêu thời gian, tiền bạc, mới tính đến đam mê. Cũng có khi lao vào cuộc đời tấp nập, chợt nhớ lại thì tuổi đã về chiều. Đam mê ngày nào giờ chỉ còn là một thoáng trầm tư trong ánh mắt.

Thậm chí trước đây còn có nhiều người từng nghi ngờ và phán xét rằng tôi là thành phần “ăn không ngồi rồi, lo chuyện thiên hạ” vì thấy tôi “suốt ngày” lên mạng nói chuyện đời. Với những ai đọc status và coi FB tôi mà nói vậy thì tôi không có gì giải thích, hehe. Chỉ là những ai yêu mến tôi xin cứ an tâm, tôi không phải thuộc “đối tượng không có nghề nghiệp ổn định” như trong các chương trình nói về tội phạm hay thanh niên lêu lổng trên Tivi đâu, tôi cũng có một nghề ổn định, các bạn cứ biết vậy trước đã.

Tôi rất ngưỡng mộ những ai có tài năng đủ để kiếm sống bằng tài năng và sống với đam mê của họ, vì thực tế số này rất ít. Đa phần mọi người không thể kiếm đủ tiền bằng việc “do what you love” nên những người hạnh phúc kế tiếp chính là khi họ “love what you do”.

Tôi không uống rượu, không hút thuốc, ít đi cà phê, không đam mê du lịch, ăn uống cũng không đòi hỏi gì nhiều, mua sắm hưởng thụ cũng có chi dùng nấy... Hàng tháng có lẽ ngoài tiền ăn, chi phí của tôi đa phần tính vào phí điện, nước, internet mà thôi. Những điều này không phải vì tôi kiếm ít tiền nên buộc mình tiêu ít, đơn giản chỉ là không có nhu cầu thôi. Về quan niệm tiêu dùng có lẽ để bàn sau, ở đây chỉ xét về nhu cầu thôi nhé. Nhu cầu cao nhất của tôi là rảnh rỗi, tôi trả tiền để thế giới đừng phiền đến tôi haha.

Ông anh tôi từng có định nghĩa: Người thành công là người có đủ thời gian và tiền bạc để làm điều họ muốn.

Tôi không thuộc dạng may mắn có thể kiếm tiền từ đam mê của mình, ngược lại khả năng kiếm tiền thuộc dạng kém cỏi. Nhưng cũng may, điều tôi muốn trong đời không quá lớn lao. Người ta hỏi tôi vì sao anh rảnh rỗi vậy? Vâng, nếu bạn không phiền, rảnh rỗi chính là mục tiêu sống của tôi. Tất cả những việc tôi làm, mục đích chỉ là để mình được rảnh rỗi. Vậy rảnh rỗi để làm gì? Để làm những việc mà bạn đang thấy đây thôi: để nhìn ngắm, để giao lưu, để suy ngẫm và viết ra những gì mình thích.

Với tôi, nghề nghiệp là công cụ kiếm tiền, để tích lũy tiền bạc như trong câu “Người thành công là người có đủ thời gian và tiền bạc để làm điều họ muốn” Tất nhiên vẫn cần có những khoản tích lũy, đầu tư... để không phải làm nô lệ cho đồng tiền nữa, đây là câu chuyện về quản lý tài chính. Tôi biết điều mình muốn ở cuộc sống này là gì: chính là có đủ thời gian. Vậy nên công việc là để giải quyết vấn đề tiền bạc.

Đến đây, có thể nhiều người cho rằng tôi bi quan yếm thế, sống mà không biết cống hiến cho xã hội, ai cũng như tôi thì xã hội làm sao phát triển, vân vân... Tôi lại cho rằng, người ta cống hiến nhiều nhất, hiệu quả nhất cho xã hội chính là khi họ được làm những gì họ thật sự yêu thích. Nếu họ phải làm điều gì đó, dù đóng góp cho xã hội nhiều hơn, nhưng họ cũng tiêu phí từ xã hội rất nhiều. Chúng ta nghĩ tiêu phí là tốt, chúng ta kích cầu và mua sắm và tiêu xài thì xã hội càng phát triển... nhưng ta không nhận ra những gì mình đang tiêu phí không cần thiết đó đều đến từ thiên nhiên, từ môi trường. Chúng ta giết trái đất để có được nhà lầu, xe hơi. Chúng ta tìm đến những bãi biển hoang sơ để biến chúng thành bãi rác... Đấy là đóng góp cho xã hội, có lẽ vậy, nhưng cho cuộc sống của con người thì chưa hẳn vậy đâu. Đó lại là một câu chuyện khác.

Nói vậy không có nghĩa là tôi phải làm những việc nhàm chán, khó chịu để kiếm tiền, thật ra tôi cũng có phần yêu thích chúng. Những việc có thể kể ra như: viên chức nhà nước, giáo viên tiếng Anh, bán mỹ phẩm, viết báo, dịch thuật... Có lúc tôi làm một việc, có khi hai việc, có khi tất cả cùng lúc, tùy hứng thú và cơ duyên chứ chưa bao giờ phải làm vì thiếu tiền cả.
Đây tôi có nói về công việc bán mỹ phẩm, nếu bạn quan tâm: http://ask.fm/NhatBaoVN/answers/136450251788

Về công việc là vậy, tôi vẫn yêu thích những việc mình làm trong thời gian rảnh rỗi hơn. Tôi thích các bài viết mình viết trên mạng, những video trên youtube, và thích thử thách 30 ngày dậy sớm vừa qua. Những điều đó, trước hết vì bản thân thôi, sau đó là mang đến những giá trị miễn phí cho người cần. Và tôi sẽ tiếp tục làm vậy chừng nào còn có thể.

Nếu bạn quan tâm, xin hãy nhìn vào bản thân từng việc tôi làm, từng lời tôi nói, có ý nghĩa nào với bạn hây không. Đừng quan tâm đến chuyện tôi làm gì để sống, trừ khi bạn có ý định cho tiền tôi, haha.

Chúc một ngày tốt lành!

Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo
Hôm qua tôi chợt nảy ra ý định này, hôm nay tôi thực hiện nó. Tôi sống chưa lâu, chưa nhiều nhưng cũng đã kinh qua vài ba chuyện thành công và muôn ngàn thất bại, tôi thấy điều này vô cùng quan trọng: hành động. 

Mọi chuyện sẽ thuận lợi và khả năng thành công sẽ cao hơn nếu ta biết lên kế hoạch và phân phối tài nguyên hợp lý. Tuy nhiên một kế hoạch dù tốt đến đâu cũng chỉ là kế hoạch mà thôi.

Đã từng rất nhiều lần tôi nghĩ mình sẽ làm một điều gì đó có ý nghĩa, thú vị, hoặc mang đến thành công nào đó cho cuộc đời mình, hoặc giúp ích cho người xung quanh... Tôi đã từng có hàng ngàn, hàng triệu suy nghĩ như vậy bất chợt đến vào những khoảnh khắc khác nhau trong đời. Khi chúng đến, tôi cảm thấy một luồng năng lượng tươi mới, mạnh mẽ tuôn chảy trong người. Đôi lúc những ý tưởng đó kích thích bộ não luôn tỉnh táo khiến tôi không tài nào ngủ được.

Nhưng rồi tôi đã chưa bao giờ bắt đầu... và những ý tưởng trôi vào quên lãng, còn lại tôi với những nuối tiếc cùng hiện thực ngày một nặng nề hơn.

Một trong những quyển sách mà tôi yêu thích nhất, và hay giới thiệu với bạn bè khi có dịp, là quyển “Eat that frog” của Brian Tracy (tựa đề tiếng Việt là “Để hiệu quả trong công việc”). Tôi rất thích khái niệm “ăn ếch sống” trong sách này: Nếu mỗi ngày ta phải ăn một con ếch sống, hãy ăn nó ngay, và sau đó ta sẽ trải qua một ngày thoải mái khi biết rằng điều tồi tệ nhất trong ngày đã qua đi, thay vì cứ mãi chịu áp lực vì bổn phận nặng nề nhất vẫn chưa được thực hiện. Nếu đó là một thứ nhiệm vụ mà ta bắt buộc phải hoàn thành, ta sẽ hoàn thành nó một cách tệ nhất. Điều nguy hiểm hơn chính là có những điều không ai bắt buộc ta như đọc sách, dọn dẹp nhà cửa, tập thể dục, ngồi thiền, quan tâm người thân... Nếu những điều đó là những con ếch mà ta phải ăn, và ta cứ trì hoãn, trì hoãn, và chúng sẽ nặng nề, nặng nề hơn cho đến khi ta trốn chạy khỏi chúng.

Một ý tưởng đã sinh ra, nếu bị trì hoãn hoặc không được thực hiện, sẽ trở nên nặng nề hơn, khó bắt đầu hơn nếu ta lại nghĩ về chúng lần hai. Giảm cân là một ví dụ điển hình. Lần đầu tiên ta sẽ rất hăng hái, khả năng bắt đầu sẽ rất cao. Nhưng nếu ta trì hoãn, bỏ cuộc, hoặc thất bại ở lần thử đầu tiên... thì khả năng có lần thứ hai sẽ thấp hơn, tâm lý sẽ càng lúc càng nặng nề hơn. Những việc khác cũng vậy. Đó là một lý do vì sao bắt đầu ngay lại quan trọng như vậy.

Những thất bại vì sự trì hoãn, hoặc những áp lực phải chịu không đáng có vì những bổn phận phải làm, tôi và bạn đều quá rõ, nên sau đây tôi nói ra vài thành công vì đã bắt đầu ngay khi ý tưởng còn đang “nóng hổi”.

1. Thành công gần đây nhất có ý nghĩa với tôi chính là việc hoàn thành thử thách “30 ngày dậy sớm” - #The30EarlyDays. Tôi đã giới thiệu khá đầy đủ và chi tiết trong các videos trên Youtube và trong Album ảnh:
https://www.facebook.com/nhatbaovn/media_set?set=a.1143788435679640.1073741870.100001454839746&type=3
https://www.youtube.com/watch?v=g6teZtxBCKg&list=PLYagToaLb5DKFwTAkR8Ad7xNT8Veqo3P7&index=1

2. Ngày này năm 2015, tôi đang có mặt tại Sài Gòn để chuẩn bị nhận giải thưởng “bạn đọc làm báo cùng Tuổi Trẻ 2015”.




Được nhận giải này là một bất ngờ với tôi, nhưng đó cũng là kết quả từ sự bắt đầu. Trước đó tôi chưa bao giờ viết một bài báo nào. Tối hôm đó, thấy Facebook cùng share đoạn clip về học sinh đánh nhau, tôi tường thuật sơ bộ về vụ việc và nêu lên cảm nhận của mình về việc không nên phát tán những clip bạo lực đó, và gửi báo Tuổi Trẻ. Bài viết đó đã mang lại cho tôi giải thưởng, mà nó còn là minh chứng cho thành công chỉ vì dám khởi đầu.
http://tuoitre.vn/tin/ban-doc/20150310/nan-quay-roi-tung-clip-tiep-tay-cho-bao-luc-hoc-duong/718553.html

http://tuoitre.vn/tin/ban-doc/20150620/tuoi-tre-hanh-phuc-khi-duoc-ban-doc-lua-chon/764085.html

Năm 2016, tôi cũng được nhận một giải thưởng “Bạn đọc làm báo cùng Tuổi Trẻ” của tháng 3/2016 với bài viết kêu cứu cho Ao bà Om. Bài này cũng là một sự tình cờ, tôi ghé lại ao, dùng điện thoại chụp ảnh và quay clip. Ban đầu cũng không định viết, nhưng có người thầy gợi ý: Hay là Bảo viết bài báo về việc này đi, thế là tôi viết. Tôi không phải dân chuyên nghiệp, ảnh tôi chụp cũng không đẹp hay rõ nét, video quay cũng không dàn dựng cắt ghép gì. Khác biệt duy nhất chỉ là tôi đã khởi đầu và theo đuổi, tôi là người đầu tiên viết về nó chứ không phải là những người chuyên nghiệp khác. 

Sau đó tôi cũng viết một số bài báo khác, tất cả đều nhờ sự khởi đầu ngày hôm đó.

3. Kênh Youtube cũng là một thành công đối với riêng bản thân tôi. Trên đó, tôi cũng có một bài về sự bắt đầu. Muốn làm một điều gì đó, cứ làm đi. Khởi đầu luôn là quan trọng nhất. Khi làm mới biết chỗ nào hay, chỗ nào dở mà hiệu chỉnh, hoàn thiện, hoặc biết chuyện đó có thật sự hợp với mình hay không.

Hiện nay www.youtube.com/NhatBaoVN đã có gần 70 Videos, 141 Subscribers và 28.644 lượt xem. Đó không phải là một thành công lớn. Nhưng sẽ chẳng có gì nếu tôi không bắt đầu làm. Thành công này đơn giản chỉ là tôi đã chiến thắng bản thân, vì tôi đã khởi đầu và theo đuổi.

4. Hơn 40 bài viết về những chủ đề khác nhau cũng là một thành công khác của sự khởi đầu chống trì hoãn. 
Ngày trước tôi tham gia quản lý một fanpage khá lớn, lúc đó tôi chỉ post các status ngắn và dịch các danh ngôn, trích dẫn hay. Được các anh em trong page khuyến khích, tôi đã viết “bài viết” đầu tiên, và từ đó hơn 40 bài tiếp theo được ra đời và được đón nhận khá tốt. Đôi khi có người gửi lời cảm ơn tôi vì một bài viết nào đó - điều mà sẽ không bao giờ có nếu tôi không bắt đầu.
Ngày nay, các bài viết đó tôi đã đăng lại về blog cá nhân http://nhatbaovn.blogspot.com/
Còn rất nhiều những chuyện nhỏ nhặt khác nữa mang lại niềm vui cho tôi và một số người xung quanh, đơn giản chỉ bằng việc khởi đầu và kiên trì theo đuổi.




Một bạn tìm thấy "30 ngày dậy sớm" từ Google. Tôi thấy việc làm của mình dần mang lại hiệu quả tích cực.


  1. Bắt đầu dậy sớm ngày đầu tiên, lặp lại sự bắt đầu đó ở ngày hôm sau...và tôi có “30 ngày dậy sớm”. Thử thách này đang được nhiều bạn cùng thực hiện và tìm thấy động lực từ nó. Tôi rất vui.
  2. Bắt đầu viết bài, và tiếp tục viết, đến nay tôi có khoảng 60-70 bài.
  3. Bắt đầu quay và upload video lên youtube, tôi có 70 videos.
  4. Bắt đầu viết và gửi bài cho Tuổi Trẻ, tôi có những giải thưởng (điều này có phần may mắn).

Tất cả những điều nói trên có một điểm chung nhất: chúng sẽ không bao giờ có nếu tôi không bắt đầu.

Hôm nay, tôi vẫn duy trì việc dậy lúc 4:30, thay vì update album ảnh và quay video như lúc còn thử thách, tôi tập thể dục (mục tiêu là hít đất và gập bụng, mỗi ngày tăng thêm 1 cái). Và tôi nghĩ mình muốn làm thêm một việc, là mỗi sáng thức dậy viết vài dòng về một điều gì đó, hoặc chỉ là những suy nghĩ chợt hiện ra trong ngày.

Hôm nay tôi viết về sự khởi đầu, với hi vọng tất cả những ai có được ý tưởng nào đó đều sẽ bắt đầu, và kiên trì đi đến thành công.
Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo
Hôm trước có một bạn hỏi mình mấy câu về vấn đề "làm sao để nói ra điều mình muốn nói". Mình xin chia sẻ lại cho bạn nào cần. Những ý này có thể áp dụng cho nhiều việc khác.



- Làm sao để có thể nói chuyện thu hút người khác, bằng nhiều chủ đề khác nhau?

 Cần có niềm tin, có tư tưởng riêng mình. Có thể hiểu là cần tìm ra một số lý luận cơ bản làm trụ cột, làm lăng kính để nhìn vào những sự việc khác nhau trong cuộc sống.

- Có thể cụ thể hơn chút không? Em thì ko thể lí luận gì nhiều! Nhưng chỉ mong mình ít nhất ko im lặng mãi thế này!

Tức là theo em thì điều gì là đúng, là cơ bản mà mọi thứ vận hành xung quanh nó, hay hầu hết mọi thứ. Ví dụ như luật nhân quả, thuyết vô thường của Phật, hay thuyết vô vi của Lão Tử, hay là sự nhiệm màu của Thiên Chúa, quyền năng của Thánh Ala...bất cứ cái gì. Khi có 1 niềm tin rồi em sẽ nhìn mọi việc, nói ra được mọi điều dưới góc nhìn đó.

- Em ko theo bất cứ đạo nào! Chỉ có 1 niềm tin vào những thứ mình mong muốn

Đó chỉ là ví dụ thôi. Vì sao em lại muốn nói? Nói về chuyện gì? Nói để làm gì?

- À đơn giản là cảm giác cứ giam mình trong cái nhà tù do mình tạo ra

nhà tù đó như thế nào

- À! E chỉ sống 1 cuộc sống đi làm xong về hầu như ko nói chuyện với ai!

thế em muốn nói về chuyện gì

- Có cách nào để giao tiếp với mọi người thật tốt, kể cả ngừời thân?

Thì mình cứ nói ra rồi từ từ quan sát, hiệu chỉnh. Đừng hỏi làm sao mà hãy làm đi!



- Bây giờ có cách nào tập trước ko a?

Thì mấy người xung quanh em đó, nói chuyện với họ. Từ từ thôi, ban đầu nghe người ta nói rồi tham gia vô. Học hỏi thêm nhiều kiến thức để có cái mà nói, đi cafe với bạn bè, add friend trên fb nhiều hơn, suy nghĩ gì thì viết ra trên status fb, nếu nghĩ nhiều thứ thì viết thành bài viết luôn.. Coi các video bài nói chuyện của các diễn giả... nhiều thứ lắm, em cứ làm đi, đừng ngồi suy nghĩ làm gì, cởi mở lên!

- Cũng đại loại là hiểu rồi nhưng nếu mà hay thì chắc phải khiến người ta chán trước rồi 1 thời gian sau mới khác phải ko? Nói chung cảm ơn a vì đã giúp đỡ.

Ừ muốn hay thì phải tập chứ. Nhưng chắc chắn là không thể nào cứ im lặng rồi nói ra 1 phát là hay liền được. Cho dù một người nào đó có thật sự rất hay, nhưng cũng phải có thời gian thích ứng, phải lựa cách nói cho người ta hiểu mới được.

- À nhưng theo đánh giá của a! A có phải 1 người điềm đạm? Nói nhìu liệu sẽ mất chất ko?

Anh không quan tâm ^^ đừng có suy nghĩ người khác sẽ nhìn mình thế nào

- Đúng rồi ha

Như hôm nay em chịu pm hỏi anh cũng là 1 sự khác biệt rồi đó, ko phải sao. Với người khác cũng vậy, có thể phản ứng của họ sẽ không như em mong muốn, hoặc tốt hơn. Cho nên đừng nghĩ gì hết, thấy điều gì cần làm thì làm, rồi sau đó quan sát và sửa đổi.

Vậy đó, em cứ suy nghĩ và thực hiện đi. Quan sát người khác và quan sát bản thân mình, không ngừng thay đổi.

- Uhm, thank a


Chuyện học tiếng Anh cũng giống như vậy, đừng nghĩ làm gì mà hãy làm đi! Làm rồi sẽ có cách. Phải lao vào làm thì mới biết điều gì hợp với mình, điều gì không hợp...

Tất nhiên không phải mọi chuyện cứ lao đầu vào làm là được, nhưng có những việc như vậy, không hề rõ ràng cho đến khi ta thật sự bước lên đường theo đuổi nó.

Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo

Mình có người bạn sống ở Fiji - một quốc gia thuộc châu Đại dương mà khi mới nghe mình phải hỏi wikipedia mới biết. Bạn mình mới sinh em bé, chúc mừng bạn.

Bạn kể: ở Fiji, nhân viên y tế được huấn luyện để làm công tác tư tưởng tích cực cho các bà mẹ 03 việc:

1. Khuyến khích sinh thường; 

2. Vận động cho con bú sữa mẹ hoàn toàn ít nhất 01 năm và nói không với sữa công thức, cũng như không nên cho bé bú bình vì khi quen bú bình sẽ không bú mẹ nữa (thay vào đó họ hướng dẫn cách hút, bảo quản và cho bé uống sữa mẹ mỗi khi mẹ có việc không cho bú được);

3. Sau khi sinh 6 tuần sẽ có người tới trao đổi về dự định sinh con tiếp theo và cách kế hoạch hóa gia đình.

Bạn bảo rằng bạn yêu ngành y tế ở Fiji hết sức, dù cơ sở hạ tầng ở đó vẫn chưa bằng Việt Nam.



Ở Việt Nam mình, quảng cáo sữa thì thôi rồi, đủ thứ tuyệt vời, nào là tăng trí thông minh, tăng canxi, thiếu điều uống vô thành siêu nhân nữa thôi. Nhan nhãn và ra rả trên truyền hình. Trẻ con thì lớp 5, lớp 6 to bằng cha, bằng mẹ hết.. 

Một số bà mẹ trẻ thì chọn sinh mổ để đỡ đau dù họ hoàn toàn có khả năng sinh thường. Họ thường chia sẻ với nhau cách giữ dáng nhiều hơn bàn nhau xem sữa nào là tốt cho con. Rồi thì dứt sữa sớm chuyển sang bú bình để giữ cho ngực đẹp. Con "lớn" chút thì gửi ông bà hoặc người trông trẻ...

Ngành y tế thì đang phát triển nhanh, nhưng theo hướng đáp ứng nhu cầu nhiều hơn là mang đến những gì thật sự tốt đẹp. Và những clip quảng cáo long lanh vẫn đang thu hút biết bao người - những người muốn chăm lo cho con mình thật tốt, muốn đem đến những điều tốt đẹp nhất cho con, ít nhất là như con hàng xóm.

Tất nhiên đây chỉ là một góc nhỏ trong bức tranh chung - hi vọng là vậy.
Nhất Bảo
(Ảnh của bạn mình)
Nếu mọi người đều được phát miễn phí 10 triệu đồng mỗi tháng thì sao?
Bắt đầu từ việc Phần Lan xem xét việc trợ cấp 800 Euro/tháng cho mỗi công dân của nước mình, và Đức, Hà Lan cũng đang thí điểm trợ cấp trên quy mô nhỏ. Tôi thấy thú vị và khó khăn khi nghĩ về một mức trợ cấp cao như vậy cho tất cả người dân trên thế giới này. Rồi thế giới sẽ ra sao nếu điều đó xảy ra?
Sẽ không còn từ thiện nữa, hoặc gần như vậy khi mọi người đều có 10 triệu/tháng. Không còn ăn xin, trộm chó, cắp gà...? Rất nhiều người sẽ nghỉ việc, bỏ công việc họ làm vì thu nhập chuyển sang làm công việc mà họ thích được làm?
Nhưng nếu được tự do lựa chọn, ai sẽ là nông dân, ai là ngư dân, ai là người quét rác? Và bao nhiêu người sẽ thoải mái ngồi ăn chờ chết bên những game online hay những bộ phim truyền hình và gameshow? Nếu được lựa chọn, người ta sẽ chọn gì cho mình?
Những nước như Phần Lan, Hà Lan, Thụy Điển... có lẽ có thể thực hiện thành công mô hình thiên đường đó. Công dân của họ sẽ làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu thật đó. Nhưng phần lớn những sản phẩm mà họ thụ hưởng lại đến từ những nước nghèo hơn.
Nếu tất cả mọi người đều có 10 triệu, thì 10 triệu có ý nghĩa gì? Có thể mua một cái bánh mì sao?

Chung quy lại có lẽ vẫn là vấn đề ý thức. Với mức độ ý thức như hiện nay thì việc chu cấp tiền như vậy rất có thể làm cho xã hội loạn thêm lên.
Đa phần các nền kinh tế được vận hành bằng ham muốn và sợ hãi: Ham muốn hưởng thụ và nỗi sợ nghèo khó. Mọi người dù nghèo khó hay khá giả đều chạy trên một vòng tròn mà Robert Kiyosaki gọi là "rat race" - khi người ta phải không ngừng kiếm tiền mà không bao giờ thấy đủ.
Mọi người đang cùng chạy, trên vòng tròn của bản thân, và cùng nhau tạo thành một "rat race" toàn quốc, toàn thế giới. Khi nào vòng chạy này còn quay, khi nào con người còn tham lam và sợ hãi, đổ bao nhiêu tiền cũng không đủ được.
Nếu những nước giàu liên hợp lại, tạo thành khu vực của người giàu, có thể một ngày không xa thế giới sẽ chia thành 2 phần rõ rệt: Bên giàu thì điều khiển kinh tế và quân sự, bên nghèo thì cung cấp lương thực và dịch vụ
Rồi mọi chuyện sẽ lại về đâu?
(Ảnh: Andrew J. Nilsen)
Dạo này có phong trào chê bai, dè bỉu một số đề tài cấp tiến sĩ của rất nhiều những bạn sinh viên, hoặc chưa từng là sinh viên. Tôi chê phong trào này.

Đề tài đầu tiên được đưa lên có lẽ là đề tài "Đặc điểm giao tiếp với dân của chủ tịch UBND xã", sau khi bội thu một lượng like và share, nhiều đề tài khác nhanh chóng được bổ sung, đội ngũ chê bai cũng dần dần đông đảo...



Có đề tài tôi thấy rất hay, cũng nằm trong số bị công kích đó là đề tài cách dịch câu bị động từ tiếng Anh sang tiếng Việt. Trong tiếng Việt vốn không có thể loại câu bị động, nên việc dịch các câu bị động từ Anh sang Việt đôi khi nghe rất ngu ngơ, dịch hay và đúng nghĩa rất khó.

Thế mà cũng bị chê, có lẽ nhiều người nghĩ: Ôi xời, tao lớp 6 đã học câu bị động, khó gì! Này nhé, ví dụ như "It's hard to be a stupid person when we are surrounded by gieniuses" thì dịch là "Nó thì khó là một thằng ngốc khi chúng ta được bao quanh bởi những thiên tài". Đấy, dễ ợt, thế mà cũng tiến sĩ!



Trong mắt các bạn, đề tài tiến sĩ là phải khủng bố cỡ nào? Nghiên cứu về lỗ đen vũ trụ? Về điểm chung của 18000 loại virus? Hay làm cách nào để con người bay 1 phát được 10 vạn tám ngàn dặm như tề thiên?

Nhiều người lại có cùng câu hỏi: đề tài này giúp ích gì cho cuộc sống? Đọc cái này mình thấy giống lý luận của mấy bạn học sinh lười: "Tôi làm gì với môn hình học không gian sau khi tốt nghiệp? Ra chợ kêu bán một kg cam hình học không gian được không?". À, thật ra câu đó nếu muốn đặt đúng thì cần phải hỏi là "Bán 1.000 hình học không gian cam được không?" mới đúng nghĩa nhé.

Môn hình học không gian, hay vật lý, hóa học... có thể không trực tiếp giúp ích cho cuộc sống của bạn thật, nhưng các ngành khoa học đó nghiên cứu về những sản phẩm mà bạn đang sử dụng, những gì tạo nên cuộc sống bên ngoài và bên trong bạn. Học qua chúng để hiểu rõ bản thân và môi trường sống của mình hơn không phải điều nên làm sao? Tôi không bàn về tiêu chuẩn của giáo dục phổ thông bao nhiêu là đủ nên sẽ không nói thêm về điều này nữa.

Quay lại với luận án tiến sĩ, tôi không dám khẳng định những đề tài trên là hoàn toàn phù hợp để nghiên cứu ở mức độ tiến sĩ. Tôi cũng không nói rằng cơ chế công nhận thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ta hiện nay thật tuyệt vời. Điều tôi muốn nói là đừng nên đơn giản đánh giá một đề tài chỉ bằng việc đọc qua tựa của nó, bởi điều đó chỉ cho thấy sự hời hợt và GATO (ghen ăn tức ở) của người phê phán mà thôi.

Người chê càng đông thì càng nhiều hời hợt. Và với những đức tính đó, ai trong số họ sẽ thành tiến sĩ ở tương lai?


Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo
Mới đây (lại) có một clip học sinh đánh nhau được phát tán rần rần, trong đó mô tả rằng bạn nam đánh bạn nữ là do bạn nữ quay cảnh mẹ bạn nam làm lao công rồi phát tán lên mạng. Chỉ vậy thôi. Like và share và bình luận chửi rủa rần rần.

Không biết hên hay xui, mà người thân của bạn nữ trong clip xem được và đính chính. Hóa ra đây là clip đánh nhau từ mấy năm trước, và nội dung chẳng có chút lâm li bi đát như trong "kịch bản" kia.
Tôi thật sự không biết những người share và chửi kia nghĩ gì, cảm nhận ra sao khi biết sự thật. Nhưng tôi thấy mấy vụ như vậy nhiều lắm.

Cách đây lâu lâu có hình một người đàn ông trung niên bị đánh máu me bê bết chụp cùng với con gà, bọn câu like biên lại nội dung cũng mê li lắm, dân tình cũng share nhiệt tình lắm, rốt cuộc cũng phát hiện ra là chuyện tào lao.

Dân mình chuyện tốt rất ít share, có share cũng chả ai quan tâm, cứ hễ đánh nhau, chửi nhau, hoặc tai nạn, người bệnh, người chết là share nhiệt liệt - không cần biết thiệt hay giả!

Có nhiều ảnh kiểu "cụ già cần giúp" hay mấy clip đánh nhau giống như kể trên, từ đời nào được moi lên up lại, hoặc chôm bên Trung Quốc sang cũng vẫn câu share vô cùng tốt.



Hài nhất của vụ Like và share phải kể đến phong trào "ngày nắm tay" do một trang báo mạng phát động từ hồi mấy năm trước. Tự nhiên lòi đâu ra cái ngày hay đáo để, thế là người người thi nhau up ảnh nắm tay kiểu yêu nhau thắm thiết, người thì hỏi ai nắm tay mình không, người thì nắm tay xã giao, người thì nắm tay thân ái... Từ sáng tới trưa mà không khí FB cứ như ngày Valentine ấy. Rốt cuộc cũng có người nói ra đây là ngày nước Nhật nắm tay nhau tưởng niệm các nạn nhân của hai quả bom nguyên tử. A vui ghê.

Cách đây ít lâu có vụ "share nhận iPhone", một cái page giả làm Apple (lúc đó Apple không hề vào facebook) rồi up hình mấy cái điện thoại lên, kêu là ai share sẽ "có cơ hội" nhận iPhone, comment màu muốn nhận. Lúc đó cả thế giới mấy triệu người bị dụ. Người ta chỉ cần share chả cần biết nó thật hay không, cứ nghĩ "chả mất gì biết đâu lại được". Cũng không ai buồn vào trang web chính thức của Apple kiểm tra thông tin luôn...

Mới đây thì lại tới vụ "share nhận Porsche". Một cái fanpage tào lao mà đến nỗi đường link còn chưa được rút gọn, đăng một cái tin tào lao kèm cái ảnh tào lao mà được mấy chục ngàn share, rồi comment nào trắng sang trọng, đen lịch lãm... Quá dễ thương luôn!

Trước đó vừa có vụ thằng hotboy kia kêu share đi cho thẻ điện thoại, xong đã đời nó còn nói "dân mình nghèo quá, tham quá, buồn quá". Mình thấy nó nói đúng.

Tin người là tốt, nhưng làm ơn đừng ban phát lòng tin vì nó miễn phí, được không vậy?
Nhiều trường hợp là vậy nhưng sợi dây kinh nghiệm của dân mạng không phải là dài mà là họ không bao giờ rút, cứ "thà giết lầm hơn bỏ sót", share đi rồi tính.

Lâu lâu mình cũng hay vào thăm FB của mọi người, thấy ai mà toàn share mấy hình bệnh tật, máu me, chết chóc là mình sợ lắm.

Nói nhỏ nghe nè: bạn share cái gì là bạn thu hút cái đó về phía bạn đó. Vậy nhe.


Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo
Từ vụ việc điều tra vụ khủng bố tại San Bernadino, Cục điều tra Liên bang Mỹ FBI yêu cầu hãng Apple tạo ra một hệ điều hành mới, bỏ qua một số tính năng bảo mật và tạo một "chìa khóa vạn năng" để unlock iPhone phục vụ cho việc điều tra của chính phủ, Apple phản đối lệnh này. Dưới đây là bản dịch thông điệp trên website của Apple.




Một thông điệp gửi khách hàng của chúng tôi
Chính phủ Hoa Kỳ vừa yêu cầu Apple thực hiện một hành động chưa từng có tiền lệ, có thể đe dọa đến sự bảo mật của quý khách hàng của chúng tôi. Chúng tôi phản đối lệnh này vì những tác động của nó có thể vượt xa yêu cầu hợp pháp cần thiết.
 Đây là lúc cần thảo luận công khai, và chúng tôi muốn quý khách hàng của mình và người dân trên toàn nước Mỹ hiểu rõ về mối đe dọa này.

Nhu cầu mã hóa thông tin (Encryption)
Điện thoại thông minh, điển hình là iPhone, đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống của chúng ta. Mọi người dùng điện thoại để lưu trữ một lượng cực kỳ lớn thông tin cá nhân, từ những cuộc hội thoại cá nhân đến hình ảnh, nhạc, các ghi chú, thời gian biểu, danh bạ, thông tin tài chính, tình trạng sức khỏe, thậm chí là những nơi chúng ta từng đến và nơi ta định đến.

Tất cả những thông tin đó cần được bảo vệ khỏi hackers và những tên tội phạm muốn truy cập, trộm cắp và sử dụng chúng mà chưa có sự đồng ý của chủ nhân, hoặc chủ nhân không hề hay biết. Khách hàng mong muốn Apple và những công ty công nghệ khách làm tất cả những gì có thể để bảo vệ thông tin cá nhân của mình, và công ty Apple chúng tôi cam kết nghiêm túc bảo vệ an toàn cho những thông tin đó.

Nguy hại đối với việc bảo mật thông tin cá nhân có thể đặt ta vào những mối nguy hiểm khôn lường. Đó là lí do vì sao việc mã hóa thông tin trở nên vô cùng quan trọng với tất cả chúng ta.

Trong nhiều năm, chúng tôi đã dùng kỹ thuật mã hóa để bảo vệ thông tin cá nhân của khách hàng, vì chúng tôi tin rằng đó là cách duy nhất để thông tin được an toàn. Thậm chí chính bản thân chúng tôi cũng không truy cập vào những thông tin đó, vì chúng tôi cho rằng nội dung chứa trong những chiếc iPhone không phải là việc của mình.

Vụ án San Bernardino

Chúng tôi đã bị sốc và vô cùng phẫn nộ bởi hành động khủng bố chết chóc ở San Barnardino tháng Mười hai vừa qua. Chúng tôi tiếc thương những sinh mạng mất đi và muốn đòi lại công bằng cho tất cả những ai bị ảnh hưởng của chuyện đó. Cục điều tra FBI yêu cầu sự giúp đỡ của chúng tôi trong những ngày lần theo dấu vết vụ tấn công, và chúng tôi đã làm tất cả những gì có thể để hỗ trợ chính phủ trong việc xử lý tội ác kinh khủng này. Chúng tôi không có chút cảm thông nào cho những kẻ khủng bố.

Khi FBI yêu cầu cung cấp những dữ liệu chúng tôi sở hữu, chúng tôi đã cung cấp. Apple tuân thủ những trát lệnh hợp lệ và các yêu cầu khám xét trong vụ án Bernardino. Chúng tôi cũng cung cấp những kỹ sư của Apple sẵn sàng tư vấn cho FBI, và chúng tôi đề xuất những ý tưởng tốt nhất cho những cuộc điều tra của họ.

Chúng tôi vô cùng tôn trọng công tác nghiệp vụ của FBI, và chúng tôi tin rằng mục đích của họ là tốt. Trên quan điểm đó, chúng tôi đã làm tất cả trong năng lực của mình và trong giới hạn của luật pháp để hỗ trợ FBI. Nhưng giờ đây chính phủ Hoa Kỳ lại yêu cầu chúng tôi thứ mà chúng tôi thật sự không có, thứ mà chúng tôi cho rằng quá nguy hiểm để tạo ra. Họ yêu cầu chúng tôi chế tạo một “cửa sau” (backdoor) trên iPhone.

Cụ thể là FBI muốn chúng tôi tạo ra một phiên bản hệ điều hành iPhone mới, bỏ qua một số tính năng bảo mật quan trọng và cài đặt nó trên một chiếc iPhone được phục hồi trong quá trình điều tra. Phần mềm chưa tồn tại này nếu nằm trong tay kẻ xấu có thể dùng để mở khóa bất kỳ iPhone nào mà không cần phải là chủ sở hữu của nó.

FBI có thể dùng những thuật ngữ, từ ngữ khác để mô tả công cụ này, nhưng không gì khác hơn là: Xây dựng một phiên bản iOS có thể bỏ qua bảo mật và điều này không gì khác hơn là tạo ra một backdoor. Và khi chính phủ biện minh rằng công cụ này chỉ được sử dụng trong vụ án này thôi, thì cũng chẳng có gì bảo đảm cho việc kiểm soát nó.

Nguy cơ cho việc bảo mật thông tin

Có thể ai đó cho rằng việc tạo ra một backdoor trên chỉ một iPhone là giải pháp đơn giản, rõ ràng. Nhưng điều đó bỏ qua cả những nền tảng cơ bản của việc bảo mật kỹ thuật số và tầm quan trọng của những gì chính phủ đang yêu cầu trong trường hợp này.
Trong thế giới công nghệ số ngày nay, “chìa khóa” cho một hệ thống được mã hóa là một mẩu thông tin có khả năng mở khóa dữ liệu, và nó cũng phải được bảo vệ an toàn như những gì nó đang bảo vệ. Khi thông tin đó có người biết được, hoặc là cách bỏ qua bảo mật được tìm ra, việc mã hóa thông tin có thể bị khai thác bởi bất kỳ ai biết được thông tin đó.

Chính phủ đề nghị rằng công cụ này chỉ dùng một lần duy nhất, với một chiếc điện thoại duy nhất. Nhưng điều đó hoàn toàn không đúng sự thật. Một khi được tạo ra, công nghệ đó có thể bị sử dụng hết lần này đến lần khác, trong bất kỳ thiết bị nào. Trong thế giới thực, nó có thể được xem như một chiếc chìa khóa vạn năng có thể mở hàng triệu ổ khóa – từ ổ khóa nhà hàng, ngân hàng, cửa hàng cho đến nhà dân. Không một người sáng suốt nào có thể chấp nhận việc đó.

Chính phủ đang yêu cầu Apple hack chính những khách hàng của chính mình và phá hoại hàng thập niên phát triển bảo mật trong việc bảo vệ thông tin khách hàng của chúng tôi – bao gồm mười triệu công dân Mỹ - khỏi những hacker thành thạo và những tội phạm công nghệ cao. Khôi hài thay, những kỹ sư đã xây dựng nên hệ thống mã hóa mạnh mẽ trên iPhone để bảo vệ khách hàng có thể bị ra lệnh làm yếu đi sự bảo vệ đó và làm giảm đi sự an toàn của khách hàng.

Chúng tôi không thấy một tiền lệ nào mà một công ty Mỹ bị buộc phải để lộ thông tin khách hàng của mình cho một nguy cơ tấn công vô cùng cao như vậy. Nhiều năm qua, các chuyên gia an ninh quốc gia và chuyên gia mật mã đã cảnh báo và phản đối chuyện làm suy yếu sự mã hóa thông tin. Điều này sẽ làm hại đến những công dân lương thiện và tuân thủ luật pháp, những người chủ yếu dựa vào những công ty như Apple bảo vệ thông tin cá nhân của họ. Bọn tội phạm và kẻ xấu vẫn sẽ mã hóa, sử dụng những công cụ sẵn có cho chúng. 


Một tiền lệ nguy hiểm

Thay vì yêu cầu một hành động lập pháp thông qua Quốc hội, FBI đang đề xuất việc sử dụng chưa từng có của đạo luật All Writs năm 1789 để biện minh cho việc mở rộng quyền lực của mình.

Chính phủ muốn chúng tôi loại bỏ các chức năng bảo mật và thêm vào những tính năng mới cho hệ điều hành, cho phép mật mà có thể được nhập bằng điện tử. Điều này khiến cho iPhone có thể bị mở khóa dễ dàng hơn bằng kỹ thuật “brute force” – thử nhập hàng ngàn hay hàng triệu tổ hợp khác nhau bằng một máy tính hiện đại, tốc độ cao.

Chính phủ đang có nhiều tác động với những yêu cầu nói trên. Nếu họ có thể sử dụng đạo luật All Writs để khiến iPhone dễ bị bẻ khóa hơn, chính phủ có thể có khả năng truy cập bất kỳ thiết bị nào và thu thập thông tin trong đó. Chính phủ có thể mở rộng phạm vi riêng tư này và yêu cầu Apple xây dựng phần mềm giám sát để chặn các tin nhắn của bạn, truy cập các thông tin sức khỏe hay dữ liệu tài chính của bạn, theo dõi địa điểm của bạn, hay thậm chí kết nối với microphone hay camera trên điện thoại của bạn mà bạn không hề hay biết.

Chúng tôi rất nghiêm túc và xem trọng việc chống lại yêu cầu này. Chúng tôi cảm thấy mình phải nói lên và đối mặt với những gì chúng tôi cho là quá đáng, lừa dối từ chính phủ Hoa Kỳ.

Chúng tôi đang chống lại những yêu cầu của FBI bằng sự tôn trọng sâu sắc nhất với nên dân chủ Mỹ và tình yêu dành cho đất nước này. Chúng tôi tin rằng tốt nhất là mọi người nên dừng lại và xem xét những ảnh hưởng có thể có.

Dù chúng tôi tin mục đích của FBI là tốt, nhưng sẽ là sai trái nếu chính phủ buộc chúng tôi chế tạo backdoor trên những sản phẩm của mình. Và hơn hết, chúng tôi e rằng yêu cầu này có thể xâm hại đến quyền tự do và dân chủ mà chính phủ được lập ra để bảo vệ.

Tim Cook
 Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo dịch