Mười một giờ ba mươi. Trinh phóng xe một mình trên đại lộ vắng tênh. Đêm mùa hè vắng vẻ, những cơn gió ngược chiều làm cô cười khẽ. Khoảnh khắc này thật thoải mái và bình yên.

Lác đác vài chiếc xe ngược chiều. Chỉ mình cô phóng xe dưới ánh đèn vàng chóe. Dường như chưa bao giờ cô cảm thấy ít cô đơn như thế. Cũng đúng, người ta cô đơn không phải khi ở một mình, mà là khi thiếu vắng một sự quan tâm họ mong đợi từ ai đó. Không còn ai, cô đơn cũng mất dần theo.

Cô đơn đi rồi thì cơn khát lại đến. Cuộc đời con người cứ đan xen những điều như thế: giữa thực và ảo, giữa những gì cao xa thần thánh với những điều trần tục, bản năng. Cô ghé qua cửa hàng 24h mua một lon bia. Cũng nên ăn mừng một tí, mừng cho bước tiến trong mối quan hệ của cô và cái thành phố đông đúc, xa lạ này.

Cho cuộc ăn mừng nho nhỏ này, cô quay xe và đến một chỗ đông người hơn. Dù có trốn tránh bao lâu thì cũng phải trở về, cô muốn đối mặt với mọi thứ bằng một tâm thái vui tươi nhất. Bật nắp lon bia, uống từng hớp nhỏ. Nhìn từng người đi qua trên phố, cô nhớ những người đi qua cuộc đời mình. Từng ngụm bia trôi qua cổ họng, khi thì ngọt ngào, khi thì đắng nghét.

Hơn nửa lon, cô dừng lại, xỏa tóc ra, lắc lắc đầu một chút. Cô nhớ lại thì ra đây là cuộc ăn mừng. Uống vì cô và vì thành phố - hai kẻ vừa nảy sinh tình cảm với nhau. Những xúc cảm ban đầu chẳng phải luôn đẹp lắm sao. Cô dốc lon bia và uống cạn trong một hơi dài, thật ngọt.

Không ngờ bia cũng có khi ngọt ngào như vậy, còn ngọt hơn nhiều lời nói của những gã trai. Cô lẩm bẩm nói sau nụ cười khó hiểu.



Niềm vui xa lạ vừa thoáng qua đi, những phút suy tư và nỗi buồn lại tới. Có lẽ chúng ta chẳng bao giờ thoát khỏi nỗi buồn của chính mình, ta chỉ tìm cách đẩy chúng ra xa, chôn giấu vào một miền ký ức nào đó mà thôi.

Trinh lại nhớ về Hoàng, người yêu đầu tiên. Mấy năm tuổi trẻ và đam mê thoáng qua, mắt cô sáng ngời lên rất lạ. Cô nhớ về những xao xuyến bâng khuâng, những buổi hẹn hò giữa hai môn học. Hai người bên nhau như hình với bóng, có lúc cũng bàn chuyện tương lai, lên đại học thì thế nào, khi nào cưới nhau… Đúng là trẻ con, Trinh lại cười, một nụ cười như giễu cợt, mà cũng như thông cảm, bao dung.

Vì sao người ta phải lớn? Yêu nhau như trẻ con chẳng phải vui sao.

Năm đó là năm cuối cấp, bao nhiêu bài vở chất chồng, rồi áp lực chọn trường, chọn ngành, rồi thi cử, điểm sàn, tỷ lệ chọi…Trinh và Hoàng cũng ít có dịp gần nhau. Hoàng gần đây hơi khác lạ, luôn tỏ ra nhớ nhung, nồng nhiệt thái quá. Rồi một ngày Hoàng nói muốn hai người thật sự là “của nhau”. Trinh hơi bối rối, nhưng vô cùng kiên quyết. Cô chẳng phải là người quá truyền thống, cũng không có ý nghĩ “giữ cho đêm tân hôn”. Nhưng không phải lúc này. Cô nhìn Hoàng và nói từng câu, thật nhỏ nhẹ và rõ ràng

Tình cảm của Trinh dành cho Hoàng ra sao Hoàng cũng biết mà. Chúng ta là của nhau, nhưng chuyện đó để sau có được không. Trinh chưa sẵn sàng lúc này.

Khi nào mới là thời gian thích hợp? Tụi mình yêu nhau 2 năm rồi.

Trinh chưa biết, nhưng không phải bây giờ. Tụi mình cũng vui vẻ mà, Hoàng chỉ vì chuyện đó thôi sao?!

Giọng nói Trinh bỗng đanh lại như tiếng gầm gừ trong cổ họng. Trinh giật mình. Hoàng cũng giật mình. Rồi như tỉnh lại, Hoàng cười cười.

Ừ, Hoàng xin lỗi, có lẽ gần đây nhiều chuyện bức bối quá. Thôi mình đi dạo cho mát đi.
Họ đi dạo nhưng không hề mát, chẳng ai để ý xem những cơn gió đã trốn đi đâu, vì mỗi người đều chạy theo những suy nghĩ riêng mình.

Từ hôm đó, họ gặp nhau ít hơn, vì bài vở, vì những lớp học thêm, luyện thi không cùng giờ hay vì một khúc mắc không biết đường khai mở. Chiều Chủ nhật, được nghỉ lớp toán, nếu là trước đây thì Trinh đã nhắn cho Hoàng, hỏi Hoàng đang ở đâu và gọi đến cùng đi. Hôm nay Trinh đạp xe quanh phố một mình, định bụng sẽ đi ăn chút gì rồi chờ cho đến lớp học kế tiếp. Cô thấy Hoàng như đang ở một nơi nào xa lắm. Rồi như có một sự linh ứng nào đó, trước mặt cô là Hoàng – Hoàng chở Hân đi ra từ nhà nghỉ Chung Thủy ngay trước mặt. Họ đi cùng chiều và chạy vội nên không thấy Trinh. Trinh lấy điện thoại chụp vội một tấm ảnh, gửi email cho Hoàng cùng với một lời nhắn: Chúc Hoàng đậu đại học, tạm biệt.

Đó là tin nhắn cuối cùng, Hoàng cũng không hồi âm, không giải thích và không còn liên lạc nào nữa. Nhiều lúc Trinh tự hỏi không biết có cuộc chia tay nào êm đềm như thế không?

Lên Đại học, Trinh hoạt bát hơn xưa, đã biết trang điểm và chăm sóc bản thân chút ít cộng thêm tính hay cười và ăn nói có duyên nên thu hút khá nhiều chàng trai theo đuổi. Những cái tên vụt lướt qua: Trung, Toàn, An, Thắng… Quá nhiều sự hấp dẫn, chinh phục nhưng chẳng thấy chân tình. Thành phố này vội vã làm cho người dân của nó chỉ thích đánh nhanh thắng nhanh? Những kiểu tán tỉnh và hứa hẹn thì vô cùng phong phú, nhưng mục đích thì cũng chỉ như nhau. Đó cũng là bình thường, Trinh không khinh ghét họ vì điều đó, chỉ là không có cảm giác, nên phải cách xa thôi.

Xã hội tạo ra nhiều con người tinh quái, nhưng cũng còn bỏ lại đâu đó những kẻ khù khờ. Thanh là một tên như thế. Trinh đã biết tên khờ cùng lớp thích mình từ giữa năm nhất. Thế nhưng hắn chỉ thỉnh thoảng nhìn lén từ phía xa, khi cô nhìn lại thì bối rối cúi gằm xuống như đang đọc một thứ gì đó rất chăm chú trên mặt bàn vậy. Kệ. Nhát đến nỗi không dám làm quen thì chịu thôi.

Hồi sáng này vô tình đi chung thang máy. Đến chiều, thấy một số lạ nhắn tin: Trinh, tóc bạn thơm thật. Thanh.

Nghĩ đến đây, Trinh lại cười, rồi lấy điện thoại soạn tin: Cảm ơn nha. Chúc ngủ ngon, ngố.

Khen tóc thơm? Nghe cũng hay hay.

Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo
23/3/2015

Từ hôm 13/11 tới nay, "khủng bố" dần trở thành từ khóa phổ biến nhất. Qua phong trào #prayforParis người ta ít nhiều biết thêm thông tin về khủng bố, về IS và về nhiều nạn nhân của khủng bố khác ngoài Paris. Ngay cả những người theo đạo Hồi cũng là nạn nhân.

Cũng từ sau vụ 13/11, nhiều nhân vật tình nghi bị bắt, một số vũ khí và âm mưu bị phơi bày và nhiều vụ khủng bố bất thành khác xuất hiện trên truyền thông đại chúng.



Ngoài Pháp, nhiều nước châu Âu cũng đang trong tình trạng chống khủng bố cao độ, điển hình như ở Bĩ. Ngay cả Mỹ cũng xảy ra tranh luận về việc tạm thời thắt chặt chính sách nhập cư để ngăn ngừa nguy cơ khủng bố.

Có thể nói toàn thế giới đang đấu tranh, hay ít ra đang quan tâm đến khủng bố nói chung và IS nói riêng, theo cách này hay cách khác.

Trước sự nổi tiếng tầm cỡ thế giới của IS, mới đây hôm 21/11, Al Qeada - tổ chức lừng danh của trùm khủng bố Bin Laden - lên tiếng khẳng định sự tồn tại của mình bằng vụ tấn công một khách sạn ở Mali làm hơn 20 người chết.

Hai tổ chức khủng bố hàng đầu đang thi nhau dùng tính mạng dân thường để khẳng định sự tồn tại và nâng tầm ảnh hưởng của mình.

Khủng bố, mục đích của nó chính là khủng bố - là gây hoang mang, hoảng loạn, sợ hãi và qua đó tuyên truyền danh tiếng của thủ phạm.

Nếu chúng ta hoang mang, sợ hãi, hoảng loạn... nghĩa là ta đã bị khủng bố. Và nếu ta bằng cách nào đó là truyền những điều trên cho người khác, ta cũng là khủng bố.

22/11/2015
Nhất Bảo
Cần gì để viết? Câu trả lời chính xác nhưng có phần đơn giản và không kém phần lãng xẹt chính là:Cần giấy, bút và biết chữ. Nếu bạn không tìm được giấy và bút thì dùng tạm bàn phím cũng không sao, miễn sao ghi ra chữ là viết được rồi.



Thật ra điều đó đúng, mà chưa đủ. Vấn đề là bạn muốn viết về điều gì, trong bài viết của bạn có nội dung gì, lập luận ra sao, dẫn chứng thế nào và quan trọng nhất là mang đến giá trị gì cho người đọc. Điều này có thể rất khác nhau: Có thể là thơ, văn, kịch, tin tức, suy ngẫm, triết lý, vân vân và vân vân. Điều kiện đủ để có một bài viết hay một bài thơ, bài văn hoặc một quyển sách, theo tôi là giá trị cốt lõi bên trong của nó. Nghĩa là chỉ cần bạn có một giá trị nào đó muốn nói, muốn truyền đạt thông qua những con chữ của mình thì bạn có thể viết.

“Người khôn nói vì họ có điều muốn nói; Kẻ dại nói vì họ cần phải nói điều gì đó.” – Plato

Để viết văn, ngay cả học giả Nguyễn Hiến Lê viết cuốn “Luyện văn” cũng phải chia làm 3 tập, mỗi tập dày mấy trăm trang! Tôi viết bài này không phải để bàn về cách viết một bài luận, bài thơ hay bài văn, vì tôi thấy mình chưa có gì để nói trong lĩnh vực này. Tôi chỉ muốn chia sẻ với mọi người câu chuyện viết lách của bản thân tôi, và qua đó là một vài ý kiến về những điều cần thiết cho một người muốn bắt đầu viết nhưng vẫn chưa thật sự cầm bút hay đặt tay lên bàn phím.

Tôi viết…

Hồi tiểu học, khi được chọn đi thi học sinh giỏi hai môn văn và toán, cha tôi bảo tôi đừng thi văn, con trai phải học toán, phải học các môn tự nhiên thì mới là con trai. Trong suốt mấy năm trung học cơ sở, tôi được nghe thêm rằng “sau này làm gì thì làm, đừng làm nhà văn hay nhà báo”, thế nên càng ngày tôi càng xa lánh môn văn. Thế nhưng thành tích môn văn và anh văn của tôi cũng rất khá, do tôi có hứng thú tự nhiên với hai môn này.

Mỗi đầu năm học, khi vừa mua bộ sách giáo khoa mới là tôi đọc trong mấy ngày cho xong hết từ đầu đến cuối các quyển sách: Sử, địa, giáo dục công dân và đặc biệt là sách văn và anh văn. Cứ sách nào có nhiều chữ là tôi đọc hết. Lúc đó thì chả có gì chơi, với lại ham cái mới, muốn xem mình sẽ học những gì trong năm thôi chứ tôi không cho rằng mình có khái niệm “ham đọc sách” hay gì cả. Nhưng thực tế thì việc đọc này giúp tôi học tốt và dễ dàng hơn rất nhiều!

Về chuyện làm “tập làm văn” làm bài viết hay là những bài luận sau này trên đại học của tôi, tôi đềulàm theo hướng dẫn hết! Nghĩa là phải cảm thấy căm hờn khi đọc một bài dịch, cảm thấy đau khổ trước cảnh nghèo, chua xót cho thân phận con người trong xã hội… Đối với các bài luận thì đỡ hơn, nhưng họ cũng chỉ đưa ra chủ đề có sẵn và tôi cứ việc chọn một bên mà ủng hộ, đưa ra lý lẽ và dẫn chứng là xong. Điểm các bài luận của tôi khá cao vì đơn giản là tôi áp dụng đầy đủ những gì giáo viên dạy.

Nói tóm lại là sau hai mươi năm đi học từ nhỏ đến lớn điều tôi học được chính là: Viết văn cần phải có chủ đề, phải có mở bài, thân bài và kết bài, phải có dẫn chứng, lý lẽ hỗ trợ cho ý mình muốn nói và phải nêu được quan điểm cá nhân mình trong bài viết. Mấy điều này tôi nghĩ ai cũng được học hết.
Tôi biết đọc sách có lẽ là từ năm 22 tuổi, đến nay được 6 năm, tôi có nhiều thời gian rảnh lắm nên tôi đọc đủ thứ: Từ tiểu thuyết tình cảm, kiếm hiệp, dã sử, sách dạy kinh doanh, nghệ thuật sống, truyện trinh thám, sách tâm lý, tôn giáo, triết học hoặc những cuốn trộn lẫn tất cả những điều kể trên. Mấy năm đầu là khoảng thời gian tôi chán đời, ghét đời lắm, cho nên tôi đọc đủ thứ, tìm cái mình thấy hay trong đó và liên hệ với những gì đã biết, suy nghĩ thêm về nó nhưng không tin một chút gì trong sách cả. Quá trình này đã hình thành nên một cái gì đó trong tôi.

Rồi tôi bắt đầu “viết” bằng cách viết những dòng status trên facebook. Ban đầu tôi chỉ đưa mấy câu trích dẫn mà mình thấy hay, rồi nêu vài ý nghĩ của bản thân mình hay diễn giải, minh họa thêm chút ít. Rồi dần dần tôi chỉ viết những ý nghĩ của mình là chính. Chỉ là vài ba câu ngắn thôi (vì thật ra trên facebook mà viết dài cũng không ai đọc – ít ra trong danh sách bạn bè của tôi lúc đó là như thế).

Việc “tỏ ra triết lý” và “dạy đời” thì tất nhiên là nhận được vô số chỉ trích, góp ý này kia rồi, có một số bạn khá thân bắt đầu “lơ” đi.. Nhưng tôi cũng nhận được không ít lời động viên, khích lệ từ những người bạn chưa bao giờ gặp mặt. Điều này cũng làm tôi nhận thức sâu hơn về chuyện hợp tan, yêu ghét trên đời… Và tôi vẫn cứ viết.

Rồi đến ngày 16/2/2014, vì thực hiện lời hứa với một người bạn mà tôi gửi một cái “status” hơi nhiều chữ của mình lên Triết Học Đường Phố. Lúc gửi, tôi nghĩ: “Ừ thì mình thực hiện lời hứa rồi, đã gửi, còn được đăng hay không thì không phải do mình.” Và hôm sau, tôi thấy bài viết đầu tiên của mình – một cái status nhiều chữ về hình xăm xuất hiện trên trang chủ của Triết Học Đường Phố, thế là tôi lại gửi thêm một bài khác, thử xem được đăng không. Đó là bài “Ta chạy vì điều gì?”, bài này không ngờ được hơn 500 likes và xếp vào mục “bài nổi bật”. Thế là tôi bắt đầu viết. Các bài viết của tôi nói về đủ thứ chủ đề: Tình yêu, cuộc sống, thành công, đam mê, sợ hãi… Cứ mỗi ngày một bài khoảng hơn 1000 từ, đến nay đã được 26 bài liên tục.

Khi tôi viết liên tục với tốc độ 1 bài/ngày, thái độ của bạn bè tôi với việc này rất khác nhau. Có người ủng hộ, có người ngạc nhiên, có người nghi ngờ và có người dè bỉu. Có người khuyên tôi nên viết chậm lại, cứ viết ào ào như vậy thì làm sao mà có “chất” được. Nhiều lý do đến nỗi tôi cũng đâm ra nghi ngờ và tự hỏi: “Ngày mai liệu mình có thể viết một bài gì đó nữa hay không?” Nhưng rồi tôi vẫn viết tiếp mỗi ngày mà chẳng thấy gì khó khăn hay khó chịu, vì tôi có những yếu tố sau đây.

Những yếu tố cần có để viết

1. Hiểu và biết cách vận dụng ngôn ngữ. Điều đầu tiên mà ta cần để viết là ngôn ngữ, viết cho đúng chính tả, đúng ngữ pháp, đôi khi dùng các biện pháp so sánh và những điển tích nhất định. Quan trọng nhất là khả năng diễn đạt đúng những gì mình muốn nói thành chữ, thành câu. Muốn có điều này cần phải đọc, phải học và phải để tâm vào việc đọc, việc học đó.

2. Có phương pháp. Điều này tùy vào việc bạn viết văn, thơ, tiểu thuyết hay nghiên cứu khoa học mà dùng phương pháp khác nhau. Dù là công việc sáng tạo cỡ nào cũng cần có phương pháp của nó, nếu bạn muốn “think outside the box” cũng tốt thôi, nhưng bạn phải biết “the box” là cái gì trước. Ví dụ như các bài viết của tôi thường bắt đầu bằng một đoạn dẫn, sau đó là giới thiệu chủ đề muốn nói, triển khai các ý rồi kết luận (đơn giản kiểu tập làm văn ấy mà, nhưng đó cũng là phương pháp).

3. Có đủ kiến thức nền tảng. Bạn không cần phải là chuyên gia trong mọi lĩnh vực, nhưng ít nhất cần phải hiểu rõ điều bạn đang muốn nói đến trong bài viết. Nếu sử dụng một chi tiết mơ hồ trong bài viết thì phải sử dụng với ý tứ trào phúng hoặc dùng nó để minh họa hay hướng đến vấn đề chính của bài viết.

4. Có nội dung. Viết hay, viết dở, viết đúng, viết sai… để đó tính sau. Trước hết là khi đọc một bài viết cần phải biết bạn đang muốn nói về điều gì. Ý bạn là gì khi viết bài này? Tránh kiểu nói nước đôi “cái này cũng đúng mà cái kia cũng không sai”. Có thể là vậy thật, nhưng theo bạn thì bạn ủng hộ cái nào?!

5. Có giá trị cốt lõi. Điều này khó có thể thấy qua một bài viết mà phải thông qua nhiều bài viết. Ví dụ như giá trị cốt lõi của đạo Phật là: Vô ngã, nhân quả, vô thường, từ bi. Nghĩa là dù tồn tại ở dạng kinh văn hay pháp thoại thì những gì đạo Phật nói ra đều phải xoay quanh những cái lõi nói trên. Điều này rất quan trọng, bạn phải xác định giá trị cốt lõi của mình là gì, nó sẽ giúp bạn nhìn mọi vấn đề một cách có hệ thống, một cách nhất quán.

6. Có lòng tin. Nếu không có lòng tin chắc tôi đã bỏ cái “thói” viết status triết lý dạy đời, cũng không bao giờ dám viết lên mấy bài viết kiểu “Sống sao không uổng kiếp phù du” hay là “Đam mê là gì, làm sao để giữ lửa đam mê?”. Hãy giữ vững lòng tin và làm điều bạn cho rằng có ý nghĩa, miễn là nó không tổn hại lợi ích của ai! Nếu cứ quan tâm tới thị phi thì bạn chẳng bước đi nổi đâu. Và đã không quan tâm đến khen chê của thiên hạ thì bạn cũng đừng bao giờ tự chế diễu bản thân mình kiểu “mình làm sao mà viết được, bày đặt viết này kia người ta cười cho.” Tự tin lên nhé!

7. Có một khởi đầu. Hãy đặt bút xuống và viết, hãy đặt tay lên bàn phím và gõ những ký tự đầu tiên. Nếu bạn đã có đủ những yếu tố trên thì bạn sẽ ngạc nhiên với những gì mình làm được. Việc có đủ hay chưa chẳng thể nào xác định được khi bạn chưa thật sự viết. Nếu bạn thích, hãy viết bài viết đầu tiên của bạn ngay đi.

 Hãy viết thứ mà chính bản thân bạn muốn đọc. Và nhớ rằng bạn sẽ không bao giờ biết mình có thể làm được gì đến khi bạn thật sự làm điều đó!

Chúc bạn thành công.

Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo

Máy vi tính thật sự là một phát minh vĩ đại, nó ảnh hưởng đến tất cả mọi hoạt động trong cuộc sống và tạo ra thêm rất nhiều ngành, nghề, lĩnh vực. Nhưng nó chỉ thật sự trở nên gần gũi với người dân khi Bill Gates cùng các cộng sự tạo nên hệ điều hành đầu tiên và sau đó là các phiên bản Windows – những giao diện giúp người dùng khai thác, sử dụng và gần gũi với máy tính nhiều hơn. Rồi mạng internet xuất hiện để mọi người chia sẻ dữ liệu với nhau, truyền thông tin cho nhau, rồi các loại trò chơi trực tuyến, các mạng xã hội ra đời dần dần hình thành nên một thứ mà chúng ta gọi là “thế giới ảo”. Và đã là thế giới thì tối thiểu phải có hai thứ: Ánh sáng và bóng tối.

Ánh sáng ở đâu? Hãy nhìn quanh và bạn có thể dễ dàng thấy ánh sáng khắp nơi. Loài người là sinh vật sống trong ánh sáng. Ngay cả việc bạn có thể đọc những dòng này cũng là một phần ánh sáng của công nghệ thông tin. Nơi nào có ánh sáng thì nơi đó có bóng tối. Về bản chất thì bóng tối cũng như ánh sáng, nhưng bởi vì nó là cái gì người ta không thể nhìn thấu, là thứ người ta sợ hãi, xa lánh nên nó trở thành nguyên liệu tốt nhất cho những câu chuyện ma, chuyện kinh dị và dần dần thành hiện thân của cái ác, cái xấu. Đó là do chúng ta làm cho ánh sáng và bóng tối thành như vậy chứ chẳng có thánh thiện hay tà ác nào ở đây.

Internet, game online hay mạng xã hội cũng như vậy. Khi đã tạo ra một “thế giới ảo” thì ta cần biết nó cũng có ngày và đêm, cũng có ánh sáng và bóng tối. Ngày thì làm việc, đêm thì nghỉ ngơi. Sáng ngắm bình minh, chiều ngắm hoàng hôn, tối thì ngắm trăng sao. Đó mới là cách hưởng thụ cuộc sống.Thế nhưng có một số lập luận lại chỉ ra bóng đêm nguy hiểm thế này, tai hại thế kia để kéo theo rằng ánh sáng cũng chả ra gì và nên từ bỏ cái “thế giới ảo” để “trở về cuộc sống thực”?!

Ảo hay thực là cách bạn sống, không phải là thế giới mà bạn sống trong đó.

Bạn cho rằng không nên suốt ngày cắm đầu vào máy tính hay điện thoại, kéo kéo từng trang mạng xã hội, chúi mũi vào các video, không nên gửi tâm trạng vào các dòng status, không nên trò chuyện với những người bạn quen biết trên mạng xã hội… vì những điều đó là không thật? Bạn khuyên nên tắt máy tính, chạy ra ngoài xã hội, gặp gỡ người thật, làm những việc thật… thì mới là thật?! Liệu có chắc rằng những người nghe lời khuyên của bạn khi bỏ cái “thế giới ảo” này để chạy sang “thế giới thật” lại không trở thành những kẻ ngồi lê đôi mách, tụ tập chơi bời, quậy phá nhậu nhẹt…?

Cũng giống như nói về vấn đề “cai nghiện facebook” của một số bạn, tôi từng nói là: Một ngày của chúng ta ai cũng có 24 giờ thôi, nếu bạn thật sự muốn cuộc sống thú vị hơn thì cứ tìm việc thú vị, có ích mà làm, tự nhiên thời gian dành cho facebook sẽ giảm lại hoặc không còn nữa. Còn nếu bạn không có việc gì khác để làm thì bỏ facebook rồi bạn cũng sẽ tìm đến một thứ khác để giết thời gian thôi.

Quan trọng hơn là nhiều người do muốn đạt mục đích lại lập luận một cách lệch lạc, lấy cái hay của thế giới này so với cái dở của thế giới kia. Giống như một người vô công rỗi nghề, thích ăn diện, show hàng, khoác lác… từ thế giới ảo nhảy qua thế giới thực một phát là trở thành con ngoan trò giỏi, thanh niên gương mẫu vậy. Cách so sánh đó mới “ảo” làm sao!




Nếu bạn là một người năng động, thích tiệc tùng, tụ tập, cười đùa với bạn bè, hãy nghe Criss Jami nói câu này:

“Telling an introvert to go to a party is like telling a saint to go to hell.”
Nghĩa là: “Bảo một người hướng nội đi dự tiệc cũng giống như bảo một vị thánh xuống địa ngục vậy.”

Nếu muốn tìm hiểu thêm thế nào là người hướng nội, và họ khác với những người hướng ngoại như thế nào, hãy xem video “The power of an introvert” của Susan Cain. (có phụ đề tiếng Việt)

Điều tôi muốn nói qua những trích dẫn trên là: Sự khác biệt, sự phù hợp và sự lựa chọn. Đừng đắm mình trong thế giới ảo để chìm sâu trong đó nếu bạn không thật sự muốn như vậy. Nếu bạn biết mình đang làm gì và đó thật sự là cuộc sống mà bạn chọn, bạn hạnh phúc với nó, thì tại sao không?! Bạn vẫn có thể có nhiều bạn bè, vẫn có thể tạo ra giá trị trong thế giới ảo này, và những giá trị đó là giá trị thực. Đừng quan niệm giá trị ảo thì không phải là giá trị. Bạn nghĩ rằng Google là những cổ máy trong một cái xưởng khổng lồ thôi sao? Không, Google đâu phải những cổ máy đó, Google là cái ảo nhưng nó mang đến giá trị thật, nó nuôi sống và giúp ích cho hàng triệu triệu người.

Lại nói, trong “cuộc sống thực” này mọi người đều sống thật hay sao? Bao nhiêu người sống vì cách nhìn của người khác, sống theo chuẩn mực của người khác, làm việc và học tập vì lý tưởng của người khác? Bao nhiêu người chết vì cái “sĩ diện hão”? Ở xã hội thực này lại thiếu những cái “ảo” đó hay sao?! Người ta đối xử với nhau bằng chân tình cả sao, tiếp xúc với nhau thì không lừa dối nhau, tổn thương nhau sao? Những người yêu, người vợ, người chồng ngoài đời này lừa dối, phụ bạc nhau ít sao?

Nếu nhìn một cái nhìn hư ảo, thì cuộc đời này có cái gì là thật đâu bạn. Tất cả mọi thứ đều chỉ là mây gió thoảng qua thôi. Điều quan trọng để xác định một thứ gì đó là thật hay ảo đối với bản thân ta chính là ta có thật sự đặt tâm trí mình vào đó hay không, ta có đang “sống” trong đó hay không. Nơi nào ta sống thật, nơi đó là thế giới thật.






Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo