Người ta đùa rằng nếu một cô gái không đẹp, hãy khen cô ấy dễ thương, nếu cô ấy không đẹp cũng không dễ thương, hãy khen cô ấy thật đặc biệt. Hồi mình còn trẻ cũng vô tình áp dụng cách này, khác ở chỗ mình không mấy khi nhận định ai đó là “đặc biệt”. Dù rằng mỗi người đều có điểm đặc biệt riêng, mỗi người đều khác nhau mà, nhưng với mình thì một cô gái đặc biệt không nhất thiết phải khác biệt quá nhiều với tất cả các cô gái khác, mà đặc biệt là khi cô ấy chủ động thể hiện một số đặc tính nào đó, hoặc tự mình hình thành nên một phần tính cách một cách chủ động. Đó là một dạng khí chất có tính chủ động, được hình thành bởi sự kiểm soát cá nhân. Những cô gái như vậy thật đặc biệt.
Khí chất là tập hợp những điều người khác có thể cảm nhận về một người, có thể phát ra từ ngoại hình, tính cách, cử chỉ, lời nói, dáng điệu… Như vậy ai ai cũng đều có khí chất cả, chỉ là bình thường thì những đặc điểm của khí chất biểu hiện quá nhạt nhòa, không có gì khác biệt với người khác quá nhiều, nên chỉ những người nào có khí chất thật sự đặc biệt mới được nhận định là “có khí chất”.
Khí chất tất nhiên có ở cả nam và nữ. Ở người nam thì là thành thật, hiền lành, nóng nảy, dũng mãnh, âm hiểm, cam đảm, hèn nhát… Đẹp trai cũng là một loại khí chất. Nhưng nếu chỉ đẹp một cách chung chung như búp bê thì không gọi là khí chất, có người đẹp một cách nhẹ nhàng như làn gió xuân, có người dịu êm như đồng cỏ mùa thu, có người đẹp buồn như cơn mưa mùa hạ, có người lạnh lùng như băng tuyết mùa đông, có người lịch lãm đúng với từ quý ông, có người cuồng dã như một chiến sĩ sẵn sàng xung trận.. những nét đẹp có tính riêng biệt cao như vậy mới gọi là khí chất.
Ở người nữ cũng có những nét tương tự như vậy về ngoại hình. Nhưng khí chất không chỉ ở ngoại hình mà còn có những đặc tính bên trong như tính tình, cử chỉ, lời nói, cách ứng xử… những điều này không phải là tiếp xúc mới lộ ra, nếu một người rèn luyện cho họ một thứ gì đó thật sự riêng, như là sự bao dung, dịu dàng đến một mức đủ cao, thì không cần thể hiện chi cả, chỉ cần sự hiện diện của họ cũng đủ thể hiện cho hai từ “dịu dàng” rồi. Khi mình khen một người “đặc biệt”, đó không phải vì lấy lòng họ mà không biết nói gì, mà là mình thấy ở họ một điểm nào đó nổi trội hơn người khác, một sự khác biệt, một loại khí chất.
Có người thì đặc biệt bởi giọng nói, nụ cười. Tương truyền thời nhà Chu có mỹ nhân Bao Tự là một người đẹp mang nét u buồn, mà nàng cũng thật là u buồn, chẳng bao giờ nở nụ cười. Nhà vua tìm rất nhiều cách khiến cho nàng nở nụ cười nhưng rất khó, một cách hiệu quả trong đó là âm thanh xé lụa. Mỹ nhân này lại thấy vui khi nghe tiếng người khác xé tấm lụa, và đôi lúc nở nụ cười. Nhà vua thấy vậy thích lắm, nên mua thật nhiều lụa về xé để thấy được nụ cười hấp dẫn kia. Đúng là “nhất tiếu thiên kim” vậy. Nụ cười của Bao Tự cũng được ví von là “nụ cười xé lụa”.
Đa phần khí chất của một người được bồi dưỡng dựa trên những thế mạnh sẵn có, người nào tính vốn dịu dàng thì phát triển càng thêm dịu dàng, người nào cương mãnh hoạt bát thì càng bay nhảy. Tuy nhiên cũng có một số loại khí chất thuần túy do rèn luyện mà ra. Ví như có người vốn hấp tấp, vội vã, ồn ào, bổ bã, nhưng gặp phải một vài thất bại hay biến cố nào đó, hoặc được cao nhân chỉ dạy, dần dần rèn luyện chính mình điềm đạm, trầm tĩnh, như trở thành con người khác, lúc đó khí chất phát ra là sự trầm tĩnh, đáng tin cậy.
Lại có người xinh đẹp như tiên, nhưng trong đầu nhiều toan tính, nên khí chất tỏa ra khiến người say mê nhưng đề phòng, thậm chí có phần khinh thị. Có người vẻ ngoài nhu nhược đáng thương, nhưng bên trong mạnh mẽ, tự tin cũng tỏa ra khí chất khiến người khác nể nang, kiêng kỵ.
130_Ban ve khi chat
Như trên đã nói, là người ai cũng có khí chất, nhưng thiên sinh khác nhau nên có người thật nổi bật, có người thật bình thường. Nếu biết quan sát và nhận ra chính mình có những đặc điểm nào, mình muốn mình là người như thế nào, tập trung phát triển những đặc tính mình thích trở thành một thứ thật mạnh mẽ đến mức có thể phát ra ngoài, thì người đó trở thành “người có khí chất”.
Đó cũng là một ứng nghiệm của cách nói “người khác sẽ nhìn bạn như cách bạn nhìn nhận chính mình”. Bạn nghĩ bạn đáng thương, người khác cũng sẽ thấy bạn đáng thương, hoặc đáng tội nghiệp, hoặc dễ bị ăn hiếp.. Muốn mình như thế nào trong mắt người khác, chính mình phải tin tưởng điều đó trước. Muốn hình ảnh của mình ra sao, chính mình phải chủ động phát triển, bồi dưỡng những đặc tính đó cả bên ngoài và bên trong mới được.
Bồi dưỡng khí chất của bản thân đến mức có thể trở nên nổi bật, để người khác nhìn nhận là “người có khí chất” là một chuyện, còn cần phải chú ý và luyện tập đến mức thu phát tự nhiên để tránh phiền phức trong những hoàn cảnh không thích hợp. Ví như người cương mãnh thì được môi trường quân đội ưa thích, nhưng lại khó khăn trong chốn quan trường. Hay những người có khí chất quyến rũ người khác, nếu lúc nào cũng tỏa ra khắp mọi nơi thì thật phiền phức, chỉ quyến rũ đúng người, đúng chỗ sẽ hay hơn. Người thẳng thắn thành thật cũng dễ mất lòng người khác.
Bạn muốn người khác nhìn nhận bạn là người như thế nào? Điểm mạnh nhất có thể gọi là “khí chất” của bạn là gì? Nếu phát triển một đặc tính nào đó thành khí chất, thì đó sẽ là gì?
Hôm nay đúng ra mình sẽ nói một chút về quyển “Khí chất bao nhiêu, hạnh phúc bấy nhiêu” của tác giả Vãn Tình, nhưng loanh quanh một chút hết 1000 chữ rồi, khi nào có dịp lại bàn tiếp vậy.
29.01.2020
Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo
Hôm nay mùng 4 tết, nhiều người đã rời quê lên thành phố lớn, chuẩn bị trở về với cuộc sống tất bật thường nhật. Ai đó nói chơi là chỉ còn ba trăm mấy chục ngày nữa là lại đến tết rồi. Nghe tưởng đâu dài, nhưng quay qua quay lại là tết nữa thiệt đó, ai muốn làm gì thì làm ngay đi.
Bạn mình, Nguyễn Mai Thương đại nhà báo, năm nay không về nhà ăn tết, luyện phim tình cảm mấy ngày, đầu năm đã tung một status thấm đẫm tâm tư, kết bằng một câu “anh à, đừng hứa khi vui”.

Em à, không lẽ em không biết người ta thường chỉ hứa cho vui?

Ông bà xưa nói “nói trước, bước không qua”, đó là xuất phát từ kinh nghiệm dân gian, sau này cũng có người nghiên cứu khoa học về hiện tượng này, họ bảo rằng khi mình tuyên bố một điều gì đó một cách cụ thể hóa (bằng chữ viết hay tiếng nói) thì não mình sẽ mặc định xem như việc đó đã được thực hiện rồi, cũng tức là mình sẽ có xu hướng ít tiến tới thực hiện việc mình đã nói ra.
Tất nhiên đó chỉ là một mặt, tác dụng của bộ não không phải là tất cả. Mặt khác của những lời hứa là một khi nói ra thì sẽ có sự “chứng giám” của thiên địa, hay ít nhất là của người nghe lời hứa đó, khiến cho người nói ra một khi nhớ lại khoảnh khắc mình nói lời hứa đó thì sẽ có động lực đi thực hiện nhiều hơn.
Nếu như hai yếu tố trên xem như cân bằng, bù trừ cho nhau, thì việc thực hiện lời hứa chủ yếu là ở người nói ra lời hứa đó, hay là mức độ xem trọng của người nói ra lời hứa dành cho người nghe lời hứa kia.
Mình rất xem trọng lời hứa, dù là một hứa hẹn vu vơ kiểu “bữa nào cà phê nghen”, người nào nói với mình câu đó mà chưa rủ mình cà phê lần nào, 4-5 năm sau mình vẫn nhớ. Cũng vì vậy nên mình rất ít khi tuyên bố hay hứa hẹn điều gì, một khi đã nói ra thì mình đều sẽ làm đúng như vậy. Hôm bắt đầu làm cái loạt video 30 ngày dậy sớm, mình video đầu tiên của mình cũng là một video tuyên bố sẽ làm, và mình làm đúng như vậy. Mấy bài viết cho em này cũng vậy, mấy lời hứa hẹn với người thương cũng vậy.. Mình không hứa khi vui hoặc buồn, mình hứa khi mình sẽ thực hiện điều đó bằng tất cả khả năng của mình.
Đời nhiều chuyện trớ trêu, ghét của nào trời trao của nấy cũng đúng. Mình ghét nói dối thì gặp người nói dối, mình không thích thất hứa thì toàn bị người ta hứa hẹn cho vui, từ chuyện tầm phào cho đến những điều quan trọng. Có người thất hứa từ lần này đến lần khác, thay lời hứa này bằng lời hứa nọ, rốt cuộc không thực hiện bất cứ một lời nào…
129_Dung hua khi vui
Với người mình yêu thương thì sự quan tâm và xem trọng là mấy trăm phần trăm trở lên, mà nếu họ không thương mình thì họ đâu có xem trọng như vậy. Có nhiều lúc họ hứa hẹn chỉ vì để hóa giải một tình huống nào đó, có thể là quá vui, có thể là quá buồn, có thể là cảm thấy có lỗi… Rồi sau đó tỉnh táo lại, rồi thời gian dần trôi đi, lời hứa thì càng nặng nề và động lực để thực hiện lời hứa thì dần yếu lại, rồi lại có chuyện A, chuyện B nào đó xen vào, thế là họ lựa chọn quên luôn. Nhưng vì cảm giác xấu hổ, ngại ngùng vì đã nói ra lời hứa với mình, nên họ chọn cách xa lánh mình luôn thể.

Nói đi thì nói lại, người ta nói ra những “lời hứa cho vui” là việc của họ, nhưng chọn tin tưởng họ và cảm thấy tổn thương thì đâu phải việc của họ đâu?

Đây không phải là đổ lỗi nạn nhân. Mình buồn thì buồn, nhưng cũng cần nhận rõ buồn đây cũng chính là do mình thôi. Lúc họ hứa hẹn, đa phần mình đều biết đó là lời hứa cho vui, nhưng mình vẫn tin tưởng ở số phần trăm rất thấp rằng họ sẽ cao hứng mà thực hiện, một lúc nào đó. Chẳng phải người ta có hát là “Tôi xin người cứ gian dối, nhưng xin người đừng lìa xa tôi” đó sao.
Khi mình yêu người đó thì không chỉ một phần trăm, mà một phần nghìn, một phần vạn khả năng mình cũng nắm lấy, thậm chí không có khả năng nào mình cũng vẫn chờ đến khi có một chút khả năng xuất hiện, huống chi là một lời “hứa cho vui”.
Nhớ lại mấy lời hứa đó, rồi lại nhớ đến chuyện người ta đã quay lưng chối bỏ lời của họ, xa lánh chính mình, buồn chứ, mà đâu có giận được gì. Cũng do mình chọn tin, cũng do mình tự khổ. Có khi mình còn tìm mọi lý do để biện hộ cho người ta, dù mình sẽ chẳng bao giờ biết đáp án thật sự, hoặc chẳng bao giờ chấp nhận đáp án rành rành ngay trước mắt: họ có yêu mình đâu.
Điều mình vẫn làm trước những cơn đau như vậy là lặng im mà cảm nhận, không trốn tránh, cũng chẳng khoét sâu thêm. Không suy diễn những gì mình không rõ, chỉ cần biết là người ta hứa, rồi không làm vậy thôi. Hành động trong lúc khổ đau nhiều khi còn tai hại hơn là hứa trong lúc vui nữa, mình cũng không muốn gây thêm khổ cho một ai mà.
Thôi thì hứa cho vui cũng được, miễn có chút cố gắng, có chút tích cực thực hiện lời hứa là đủ rồi. Người cứ hứa cho vui, mình đau cũng cứ vui. Mỗi lần như vậy, tự hứa về sau trân trọng lời hứa của chính mình hơn là đủ rồi.
Nishan Panwar có câu: Thế giới này có rất nhiều người tốt, nếu bạn không tìm thấy, hãy là một người tốt.
Ừ thì thế giới này người ta hứa cho vui kệ họ, mình đừng vậy, mình nha.
28.01.2020
Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo
Có những hôm đến 11 giờ vẫn chưa viết chữ nào nhưng mình vẫn rất tự tin, bắt tay vào viết 30 phút là xong một bài. Hôm nay mình đã suy nghĩ cả ngày, tối về khá mệt, ngủ một giấc từ 8:00 đến 9:30 dậy mở máy lên viết. 10:00 mình cảm nhận được là mình không thể viết một chủ đề nào cho trọn vẹn cả, cứ ngồi như vậy đến 12:00 cũng không tập trung được, nhưng mình không muốn bỏ qua nên bài này sẽ như một kiểu brain storming – ghi chép lại tất cả những thứ rời rạc xuất hiện trong đầu mình lúc này, cũng có thể có liên quan với nhau, hoặc không.
Hôm nay có hẹn cà phê với thằng bạn, nhưng không thấy nó gọi. Buổi chiều mình tranh thủ ngồi đọc cho hết quyển “Cảm ơn người lớn” của Nguyễn Nhật Ánh. Quyển này là của em gái mình tặng hôm sinh nhật mình, nó nói nó rất thích nên mình đọc cho xong để tặng lại nó, mai nó lên Sài Gòn. Cũng rất lâu rồi mình không đọc văn của Nguyễn Nhật Ánh, đọc “Cảm ơn người lớn” này cũng còn nhận ra nhiều nét cũ, mà cũng rất mới. Mình thấy vẫn hay nhưng không đủ thu hút và dẫn dắt cảm xúc của mình như lúc đọc “Trại hoa vàng”, “bồ câu không đưa thư”. Không có điều gì khiến mình đồng tình hay phản đối, không có gì quá mới mẻ cũng không quá nhàm chán, chỉ là đọc vậy thôi. Nói chung là hay.
Nhìn lại thì mình cũng không sử dụng nhiều chức năng của Facebook lắm, đặc biệt là chức năng group. Có rất nhiều các nhóm khác nhau, dễ dàng để tham khảo, thảo luận dành cho những người có cùng quan tâm, nhưng mình chỉ kết nối với mọi người qua hình thức profile là chính. Mình quá lười để làm page và group, dù cũng có admin ở một vài nơi mấy chục nghìn thành viên, nhưng lâu rồi không hoạt động gì. Mấy năm trở lại đây các group trên FB phát triển khá tốt, thành viên chia sẻ và thảo luận khá sôi nổi, nếu tham gia có lẽ cũng có thêm nhiều thứ thú vị, mà mình không quan tâm. Hôm nay lướt qua một vài group cảm nhận điều này nên nói lại thế thôi chứ vẫn chưa hứng thú lắm. Mình có xin vô một vài nhóm để xem thử, chắc cũng chỉ làm tàu ngầm thôi chứ chả post hay comment gì.
“Theo tình, tình chạy. Chạy tình, tình theo”. Mình thấy biểu hiện của câu này khá nhiều, mỗi lần thấy lại mắc cười. Có người được quan tâm săn đón thì hững hờ lạnh nhạt, cảm thấy phiền phức, rồi cũng chính người đó tỏ ra quan tâm người khác lại bị lạnh nhạt thờ ơ. Có người thì giả lả duy trì mối quan hệ không sâu không cạn, người thì thả thính tràn lan mà chỉ chấp nhận một con mồi không thèm thính của họ. Mình vẫn nghĩ là nếu cho một người quá nhiều sự quan tâm mà họ không cần thì không nên cho nữa, điều đó vừa phí công mình, vừa làm cho họ phải nhận thêm nhân quả. Nghĩ là nghĩ vậy thôi chứ có mấy loại tình cảm nếu có thể dùng lí trí để kiểm soát thì chẳng còn ý nghĩa gì nữa rồi.
Facebook hôm nay: nhiều người vẫn tiếp tục đăng hình tết, người thì than tết hết rồi mà vẫn chỉ ngủ cả ngày thôi, một số thì đăng tin về corona như là sắp tận thật sự, ngược lại vài người bắt đầu trấn an, một số thì đăng các kiến thức khoa học, nguồn tin uy tín để tham khảo, cũng có người bắt đầu đăng các tin kiểu “Corona đã về tỉnh A rồi”. Anh chị em làm gì thì làm, đừng có đăng mấy tin kiểu “nghe nói” như vậy, rất có hại, trước mắt là phiền phức cho anh chị em đó. Chia sẻ với nhau cách phòng tránh, thông tin cần thiết là đủ rồi, còn có ca bệnh nào, ca tử vong nào ở đâu thì phải thật chính xác mới được, đăng mấy tin gây hoang mang vậy không nên chút nào đâu.
128_May suy nghi roi rac
Thời gian. Cũng là nhìn facebook, mình thấy bọn trẻ sinh năm 2000 giờ cũng 20 tuổi rồi. Nội dung tụi nó đăng trên facebook cũng chả khác gì bọn trẻ 95-96, người lớn hết rồi. Lớn hơn một chút thì bắt đầu than ế, kêu ồ tuổi 30 đến rồi.. Có người thì đăng ảnh con mới sinh, một tuổi, hai tuổi, ba tuổi… bạn cùng thời với mình có đứa con học cấp 1 rồi. Lướt qua từng hoàn cảnh, từng lứa tuổi, lại thấy mình đúng với cái tên mình đặt trong ngoặc của facebook mình: người ngoài cuộc. Mình chả dính được vào nhóm nào. Cuộc đời mình đến lúc này có ba giai đoạn, như ba cuộc đời khác nhau vậy. Giai đoạn đi học từ 1985 đến 2003, thì cũng chỉ đi học vậy thôi, không có gì đặc biệt. À lúc này có đọc truyện với chơi game là nhiều. Giai đoạn 2003-2005 là một bước chuyển, đoạn này tìm hiểu internet, học làm web, làm forum, quen nhiều bạn mới, lông bông chưa đi học đại học. Từ 2006-2014, đoạn này đi học, đi làm, yêu một người, có nhiều thay đổi nhưng cũng chỉ linh tinh, va vấp nhiều chỗ, phạm nhiều lỗi lầm, bắt đầu đọc sách. Đọc Osho, Thích Nhất Hạnh, tìm hiểu về thiền, đọc nhiều thứ triết học và thần học khác, có chút tẩu hỏa nhập ma, cũng gây tổn thương cho vài người và chính mình vì mấy cái mới lạ này. Rồi kết thúc tình yêu 9 năm trong mơ hồ. Rồi cưới vợ, được 2 năm thì li hôn. Đoạn này cũng vẫn mơ hồ trôi theo thời gian vậy. 2015 bắt đầu viết bài, rồi dịch sách, viết sách, viết báo… làm những thứ trước đó mình không nghĩ mình sẽ làm. Mới đây mà 5 năm rồi, đoạn này giống như một cuộc đời khác vậy. Nhiều lúc cũng nhìn lại bản thân, không rõ mình hiện tại và mình của trước đây giống nhau và khác nhau chỗ nào, cái nào mới thật sự là mình, rồi tương lai mình sẽ ra sao. Nhiều lúc thấy mấy đứa nhỏ hơn mình 5-6 tuổi có vẻ già hơn cả mình, cảm giác thật lạ. Có quá nhiều thay đổi và khác biệt, chỉ có một điều vẫn chưa từng thay đổi là niềm tin rằng dù có chuyện gì xảy ra mình vẫn luôn sống tốt.
Mình thấy quá nhiều nhóm người khác nhau, có người chỉ quan tâm những niềm vui hiện tại, có người thì cuồng tín, người thì tự nhận mình là đấng cứu thế, tu luyên theo phái này phái kia. Nhiều người đang nói về những thứ siêu nhiên như năng lượng vũ trụ, lightworker, Chúa, mẹ Trái Đất… Mấy ngày nay Corona phát tán thì các nhóm này càng hoạt động mạnh hơn. Mình thấy người ta thật sự tin tưởng vào điều họ đang tin tưởng luôn. Giai đoạn này đúng là lúc loài người đang tách ra thành nhiều nhóm khác nhau về bản chất. Có lẽ đúng như Harari nói, loài Homo Sapien chỉ còn tồn tại vài chục năm nữa, và sẽ bị thay thế bằng loại mới Homo Deus.
Mình có một cảm giác rất kỳ diệu là khi mình có thể hiểu, thông cảm và hòa nhập với bất kỳ nhóm nào, bất kể sự khác biệt là gì, haha. Mình hiểu tất cả bọn họ đang nghĩ gì. Mà thường thì mình không thích hòa nhập với nhóm nào hết.
Mình có cảm giác sắp sửa giải phóng bản thân khỏi trạng thái rối loạn này rồi, chỉ là không biết tác nhân của sự giải phóng đó sẽ là gì. Có điều hiện tại cũng rất tốt.
À, hôm nay vẫn là tết. Chúc mừng năm mới.
27.01.2020
Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo
Hôm nay là mùng 2 tết Canh Tý 2020. Mình xem một lần khóa học của Yuval Noah Harari giảng về các nội dung trong Sapiens, lại đọc một chút “cảm ơn người lớn” của Nguyễn Nhật Ánh, rồi xem vài clips của Alain de Botton, về nhà ăn cơm, đi loanh quanh, chơi đánh bài, xem người ta đăng ảnh lên FB...
Từ hơn 8 giờ đến 10:30 tối, mình ngồi đây nhìn quanh FB, có lúc ngồi im mà vẫn không biết viết gì, tâm trạng có hơi loạn vì có khá nhiều suy nghĩ vụn vặt mà không tập trung được vào cái nào cả.
Đầu tiên mình nghĩ tại sao có nhiều người đã và đang nói những điều đúng, hay, rõ ràng như Harari mà lại có rất ít người nghe, người xem, người quan tâm tìm hiểu đến vậy. Mình lại nghĩ hay là mình thử nói lại những nội dung mà mình thấy hay, biết đâu dùng ngôn ngữ của mình thì có thể chia sẻ thêm được với một số người. Mà đó cũng là một phần lí do ban đầu mình viết. Rồi lại nghĩ thôi cứ để tùy duyên, mọi thứ sẵn ra đó mà, ai tìm thì sẽ thấy. Mình giới thiệu qua là được rồi, mình còn phải đi tìm thứ của riêng mình nữa, mình không nên làm cái máy phiên dịch.
Điều khiến mình thấy khó chịu là có quá nhiều tin tức mới về Coronavirus, trong đó một số tin rõ ràng mang ý đồ phá hoại, gây loạn cho xã hội. Còn có kẻ buôn thần bán thánh cũng nhân cơ hội, lấy danh Corona để thu hút tín đồ. Những kẻ mang tâm địa lợi dụng đại dịch để làm những chuyện như vậy thật là đáng sợ.
Mình rất thích xem các phim tận thế, zombie, đọc hầu như tất cả truyện có thể có về chủ đề này, nhưng mình chưa bao giờ mong nó xảy ra ở hiện thực.
Nhân tính có những mặt vô cùng xấu xa, đáng ghê tởm sẵn sàng biểu hiện ra khi mọi thứ vượt ngoài tầm kiểm soát, vậy mà có một số người lại cố tình phá hoại để đạt mục đích riêng. Nhìn cách chúng hào hứng khi lợi dụng đại dịch để làm mọi thứ càng tệ hơn lên, mình thấy thật vô nhân tính. Những kẻ này khi biến loạn xảy ra, sẽ không còn là người.
Mặt khác mình cũng có chút lo âu về tính hư thực trong chuyện này, không biết tình hình thực tế ở Trung Quốc ra sao và thiệt hại của đại dịch Corona sẽ đến mức độ nào.
Trên mạng là vậy, ngoài đời mọi người vẫn đang ăn tết bình thường. Nhìn những tấm ảnh sum họp, ăn uống, vui chơi bình thường ngày tết của mọi người, tự nhiên lại không biết năm sau có còn được như vậy không? Những khuôn mặt vui vẻ tươi cười này sẽ biến đổi ra sao khi đối mặt với những điều kinh khủng như là một đại dịch không thể kiểm soát. Những người dân ở Vũ Hán đang ăn tết như thế nào?
Những tổn hại mà virus Corona này có thể gây ra, dù nghiêm trọng đến đâu đi nữa, đối với mình cũng không đáng ghê tởm bằng chuyện nó có thể bị phóng đại, làm giả tin tức để gây bạo loạn, để cướp phá của những con người có ý đồ lợi dụng, ăn theo. Mình mong tất cả những ai theo dõi tin tức về chuyện này cần phải thật sự bình tĩnh và nghiêm túc tìm hiểu từ nhiều nguồn, trước hết là có biện pháp bảo đảm an toàn cho bản thân và gia đình, sau đó là quan sát tình hình ở địa phương mình sống xem có dấu hiệu của dịch bệnh hay không để ứng phó đúng đắn, chứ không nên lan truyền sự sợ hãi bằng cách share tin do bọn ghê tởm bịa ra.
127_Dau nam hon loan
Tất cả mọi sự phát triển đều cần phải vượt qua kiểm tra. Những khi tâm trạng của mình đạt tới một cảnh giới yên bình, thanh thản thì sẽ lại có chuyện gì đó xảy đến giúp mình kiểm tra xem mình đã thật sự yên bình hay chưa. Xã hội loài người này cũng vậy, mấy năm gần đây nó phát triển quá nhanh đến nỗi nhiều người vẫn chưa kịp thích nghi, sẽ có những bài kiểm tra mà tất cả mọi người cùng phải vượt qua.
Tại sao người ta không thức tỉnh, mình không biết. Tại sao người ta không quan tâm tìm hiểu những điều hay dù nó luôn sẵn có, mình cũng không biết. Tại sao người ta tin tưởng và ủng hộ bọn buôn thần bán thánh, mình cũng không biết. Có lẽ là chưa đến lúc. Nếu có một bài kiểm tra thật lớn mà rất nhiều hoặc tất cả mọi người phải cùng đối mặt, thì sẽ có bao nhiêu người vượt qua?
Nghĩ lại thì chưa có cái tết nào lạ lùng như tết năm nay. Một vài người đã bắt đầu hòa nhập không khí “ăn tết, chơi tết”, còn ít người thì nói hết tết rồi. Với mình thì mọi thứ vẫn không có gì vui hay buồn hơn cả. Một phần là vì ngày nào mình cũng viết bài một tiếng. Tác dụng của điều này là khiến cho mọi ngày của mình đều như nhau, không có ngày nào quá vui hay quá buồn, tết cũng vậy.
Năm nay nếu không có việc viết bài này, chắc là tết của mình sẽ chán và hoang mang hơn nhiều lắm. Chuyện gì xảy ra cũng có lý do của nó, và kết quả thì chỉ có làm mới biết thôi.
Mới trước tết mình còn viết bài ăn tết nhẹ nhàng, mà đến nay lại thấy không còn nhẹ nhàng được nữa. Đây có lẽ là lần đầu mình thật sự cầu cho thế giới bình an.
26.01.2020
Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo
Hôm nay là ngày đầu năm Canh Tý. Mình hơi bất ngờ khi được nhiều người gửi lời chúc mừng qua facebook, một số ở comment, nhiều người chúc qua tin nhắn, có người gửi flash, có người copy tin nhắn hàng loạt, cũng nhiều người tự viết chúc riêng cho mình.
Có một số bạn bè hơi khó chịu khi nhận được những câu chúc được copy và gửi cho cả danh bạ, họ cảm thấy như vậy là không có lòng thành, thà đừng chúc còn hơn. Còn mình thì thấy cũng vẫn vui như thường, thậm chí mình còn đáp lại bằng một câu chúc tự viết dành riêng cho người đó. Nếu mình nhận được một sự khó chịu, trả lại một thái độ khó chịu thì sự khó chịu đã nhân đôi rồi, hà huống chi mấy chuyện nhỏ như vậy là cơ hội để mình tập bình thản trước cảm xúc của mình.
Mỗi năm mình đều viết gửi Tuổi Trẻ một bài nói về Tết, năm nay cũng vậy, bài năm nay được đăng sáng mùng một này. Năm nay mình nói về việc ăn tết nhẹ nhàng cho vui.
Quay lại với những lời chúc, hồi đầu năm tết Tây cũng có người chúc mừng năm mới, mà ít hơn. Mình cũng có chúc một chút. Lúc đó ai chúc mình thì mình đáp lại “Happy new year”, còn tết ta thì mình nói “chúc mừng năm mới”.
126_Nhung loi chuc dau nam
1. Sức khỏe: Đây là ý mình hay đưa vào trong lời chúc nhiều nhất. Thường những lời chúc mình sẽ căn cứ vào những gì mà người đó cần nhất để chúc, cũng kèm theo những mong muốn tốt đẹp mà mình muốn dành cho người đó nhất: người thì chúc buôn may bán đắc, người thì chúc thăng tiến trong công việc, người thì chúc xinh tươi trẻ khỏe… Điều mình mong muốn nhất luôn là sức khỏe. Có sức khỏe thì chưa chắc là có mọi thứ, nhưng mà có mọi thứ mà không có sức khỏe thì khổ vô cùng. Nhưng sức khỏe lại là thứ người ta xem nhẹ hơn các yếu tố như phát tài, thăng quan, xinh đẹp, may mắn. Không phải họ không nghĩ nó quan trọng, nhưng vì thói quen lúc nào cũng chú ý ra bên ngoài, muốn đạt được các mục tiêu, muốn thỏa mãn thú vui của bản thân, thậm chí khi rảnh rỗi cũng tìm việc làm giết thời gian nên không chú ý đến tình trạng của bản thân, đem sức khỏe ra để đánh đổi tất cả mọi thứ hấp dẫn khác, nên dù căn bản sức khỏe như thế nào thì cũng ít ai quan tâm chăm sóc bản thân mà chỉ luôn hao phí. Vậy nên mình chúc mọi người sức khỏe, không chỉ là mong muốn họ sống trong những hoàn cảnh, điều kiện tốt cho sức khỏe mà con mong muốn mọi người chú ý đến tình trạng sức khỏe cả tinh thần và thể chất của bản thân.
2. Niềm vui: Dù mình luôn mong sẽ càng có nhiều người giác ngộ, nhận ra những niềm vui trong đời chỉ là ảo ảnh của việc cảm xúc được thỏa mãn và nó là những cơn khát vô tận. Nhưng không thể nói điều mất hứng đó trong những lời chúc được, mình vẫn mong người ta sẽ có được những niềm vui, những điều có thể khiến họ có thêm động lực sống, khiến họ yêu đời hơn, dù chỉ là trong một vài khoảnh khắc. Niềm vui trong đời thường chỉ là khi người ta đạt được điều gì đó mà họ mong muốn, yêu thích, không hơn. Người ta cứ chạy từ mục tiêu này đến mục tiêu khác, năm này qua năm khác. Mình mong rằng những niềm vui có thể mang đến tác động tích cực cho họ, để một lúc nào đó rảnh rang và thanh thản, người ta chú ý đến tâm trí của chính mình, và cảm nhận được trạng thái hạnh phúc mà không phải những niềm vui trần thế. Có khi những niềm vui ngắn ngủi đó cũng giúp người ta được ít nhiều. Nếu không thì ít ra họ cũng vui. Vậy nên mình chúc mọi người có nhiều niềm vui trong năm mới.
3. May mắn: Thuận lợi trong công việc, mọi việc suôn sẻ… là những dạng khác của may mắn trong lời chúc của mình. Cũng giống với niềm vui, mình thật tâm mong người được chúc sẽ có may mắn, nhưng không phải may mắn theo cách nghĩ của họ. Mình nghĩ ai cũng cần may mắn cả, khi người ta đã sẵn sàng chuẩn bị mọi thứ thật tốt, thì may mắn sẽ mang đến cho họ cơ hội tiến xa nhất có thể, khi người ta gặp rắc rối, xui rủi, thì may mắn có thể khiến họ thiệt hại ít nhất. Một người càng chủ động trong mọi sự phát sinh xung quanh thì may mắn càng phát huy giá trị lớn nhất dành cho họ. May mắn nhất vẫn là trong những sự kiện sắp sửa phát sinh kia, người ta có thể nhận ra đâu là phần của mình, đâu là phần của người khác, và đâu là phần thuộc về vận số. May mắn là khi người ta có thể biết ơn tất cả những điều xuất hiện quanh đời ngoài bản thân họ, là khi người ta có thể bình thản với thành bại, được thua. Khi người ta có thể hiểu được may mắn, họ sẽ nhìn thấy nó hiện hữu quanh mình, mọi thứ đều là cơ duyên, tác động lên thứ này thì dẫn đến nhiều thứ khác, và những thứ từ nơi khác chạy đến cũng là do tác động nào đó… Nói một cách đơn giản là khi hiểu may mắn người ta sẽ biết ơn và nhận đủ mọi may mắn đến với mình, nhưng cũng không thật sự mong cầu may mắn nữa.
4. Bình an: Mình cũng hay cầu chúc điều này, nhưng không thường xuyên bằng ba điều trước. Nguyên nhân là vì khi có đủ sức khỏe, niềm vui và may mắn, thường người ta cũng sẽ bình an. Mình chúc sức khỏe, niềm vui, may mắn, người ta hiểu theo ý của họ cũng tốt, còn nếu được như những cầu chúc trong ý của mình, thì người ta chắc chắn sẽ bình an.
Dù là ý nghĩa nào đi nữa thì những lời chúc cũng là tình cảm tốt đẹp mà chúng ta dành cho nhau dịp tết, mỉm cười và trân trọng, rồi trao trở lại yêu thương.
Chúc mọi người một năm mới nhiều sức khỏe, niềm vui và may mắn.
25.01.2020
Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo
Đây là link bài báo hôm nay:

Ta ăn tết nhẹ nhàng cho vui được không? - Tuổi Trẻ Online

Hôm nay ba mươi tháng Chạp năm Tân Hợi, mình lại livestream trong lúc viết bài với mong muốn có ai người ra câu hỏi hay chủ đề nào để viết cho hôm nay. Kết quả có vài người comment nhưng chỉ xoay quanh việc sao mình chưa cạo râu là chính. Công ty cấp nước làm ăn chán quá, ngày tết mà cúp nửa ngày chảy nhỏ nhỏ nửa ngày. Lúc chiều về định cạo râu mà không có nước, nên để luôn. Live một lúc thì nghe tiếng nước chảy, thế là lại đi cạo râu. Quay lại vẫn chưa biết sẽ viết gì, bèn vào “On this day” của FB xem có gợi ý nào hứng thú hơn không, thấy mấy câu chuyện hồi trước mình đăng trên page “Vui một tí” nói về buông bỏ. Nghĩ lại thì cuối năm như lúc này, buông bỏ cũng là một chủ đề hợp lí để bàn.
Có một nghịch lý là khi người ta muốn buông bỏ thứ gì đó, thì thứ đó chắc chắn còn đang ở trong tâm trí họ. Vậy nghĩ đến việc buông bỏ thứ đó là đang nhắc lại, đang khắc sâu thêm hay có thể dần khiến nó phôi phai, hay khiến bản thân mình thấu hiểu và buông?
Thường thì điều gì khổ đau, tiêu cực người ta mới mong muốn buông bỏ, quên đi, hay nói cách khác là có đau thì sẽ buông. Về đau và buông, có hai câu chuyện như sau:
Câu chuyện 1: Một cô gái đến tìm một nhà sư, cô hỏi: Thưa thầy, con muốn buông một vài thứ mà không thể, con mệt mỏi quá. Nhà sư đưa cho cô gái 1 cốc nước và bảo cô cầm, đoạn ông liên tục rót nước sôi nóng vào cốc, nước chảy tràn ra cả tay, làm cô bị phỏng, cô buông tay làm vỡ cốc. Lúc này nhà sư từ tốn nói: Đau rồi tự khắc sẽ buông.
Đúng là có những chuyện mình biết là sẽ tổn thương, đau khổ, nhưng vẫn cố chịu đau, chỉ khi nào đau đến một mức độ không thể chịu được thì mới buông. Đứng ở góc độ người ngoài, mình không thể hiểu thấu như nhà sư trong câu chuyện, nên thật không dám rót nước nóng vào cái cốc mà cô đang cầm, sợ làm tổn thương cô, và chẳng có cách nào giúp cô buông bỏ được. Những chuyện mà cô đang níu giữ khiến cô thấy nặng nề, khó chịu, nhưng chưa hẳn được nóng như nước sôi có thể khiến cô đau đớn và bất ngờ để buông tay lập tức, thứ mà cô đang giữ cũng quý giá hơn nhiều so với cái cốc kia, nên chuyện đợi đau mới buông là điều rất khó. Tất nhiên chiều ngược lại “Đau rồi khắc sẽ buông” cũng có đạo lý. Chỉ là mình có thể khiến một người đau đớn để cho họ buông sao? Hay là lại nói ngược lại: sở dĩ bạn đang níu kéo một niềm đau chính là vì bạn chưa đủ đau?
Câu chuyện 2: Một chàng trai đến tìm nhà sư, anh hỏi: Thưa thầy con muốn buông xuôi vài thứ nhưng con do dự quá, con mệt mỏi vô cùng. Nhà sư đưa anh ta 1 cái tách và bảo anh cầm, đoạn ông rót đầy tách trà nóng vừa mới pha xong. Chàng trai nóng quá nhưng anh vẫn không buông tay mà chuyển từ tay này sang tay kia cho đến khi nguội đi rồi uống và cảm nhận thấy rất ngon. Lúc này nhà sư từ tốn nói: Cứ đau là buông thì con đã bỏ lỡ những cái tốt đẹp sau đó rồi.
Cuộc đời này cũng vậy, ngược lại với những người ở câu chuyện thứ nhất, có những chuyện vốn nên buông bỏ nhưng không cách nào buông, cũng có những chuyện khiến người ta đau đớn, nhưng vẫn đáng níu giữ.
Nhiều người có trong tay những thứ đáng quý trọng, như là tình thân, tình bạn, tình yêu, sự tin tưởng… nhưng chỉ vì một vài sự khó chịu nho nhỏ nào đó mà đã vội buông tay, hoặc đánh đổi những thứ phù phiếm khác. Trong khi nếu như họ nhận ra giá trị của những thứ đang khiến họ phiền lòng kia như chàng trai quý trọng nước trà trong tách, tìm cách xoay sở một chút, chịu đựng một chút thì có thể đã không buông nhầm những điều khiến họ phải hối tiếc về sau.
125_Cuoi nam buong bo
Người ta thường chỉ buông bỏ như một cách tạm lãng quên, có những chuyện “buông bỏ” năm nay rồi nhưng năm sau gặp điều tương tự hoặc là nhớ lại thì vẫn mới nguyên, thậm chí còn sâu đậm, khổ đau hơn trước.
Đa phần những nỗi khổ hay niềm vui trong đời, nếu đã từng xảy ra thì đều là chuyện đã qua, tốt nhất là nên buông bỏ. Nhưng những món nợ ân tình, tình nghĩa và tình cảm thì không giống vậy, nếu buông bỏ nhầm một thứ có giá trị thật sự cũng chính là đang giữ lại niềm hối tiếc thật lâu.

Đừng buông bỏ như cách tạm lãng quên hay như là chạy trốn.

Buông bỏ chỉ có thể thật sự xảy ra khi người ta tiếp xúc, đối diện và hiểu thấu đến tận cùng, như là nước sôi rót vào tay, thì mới có thể chọn cách ứng xử thích hợp nhất là buông tay hoặc đổi tay chờ nước nguội.
Nhìn lại những gì đã qua, hãy thật tâm tha thứ cho những lỗi lầm của chính mình, nhưng phải nhớ những tổn thương mà lỗi lầm đó gây ra cho bản thân hay cho người khác, để không tái phạm nữa.
Những gì người khác gây ra cho mình, hãy nhìn lại thật kỹ, rồi bỏ qua. Đó là những cốc nước sôi, chỉ có nóng bỏng mà không hề giá trị, không cần phải cầm trong tay để tổn thương chính mình và còn làm vỡ cái cốc nữa. Không muốn buông thì tốt nhất là đừng cầm nó lên.
Những gì người khác làm cho mình thì giống như nước trà ngon trong ly vậy, dù có chút nóng thì cũng đừng vội buông, hãy tìm cách ứng xử cho tốt sẽ có vị thơm ngọt về sau.
Một năm đã qua đi, những gì đã xảy ra cũng không thể thay đổi được, chỉ có thể nhìn lại và hiểu cho đúng, rồi tạm biệt thôi.
Mong chúng ta có thể hiểu và buông, để nhẹ nhàng bước qua năm mới, ứng xử với những điều mới tới một cách hợp lí hơn, mạnh mẽ và minh triết hơn.
Chúc mừng năm mới.
24.01.2020
Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo
Mỗi khi có ai đó hỏi mình “Dạo này có gì vui không?”, mình trả lời mỗi người mỗi khác, nhưng câu mình luôn muốn nói nhất là: Chỉ cần không có gì buồn là mình đều vui cả, thậm chí đôi khi mình vui ngay cả trong lúc đang buồn luôn.
Mình quan sát những trạng thái vui, mừng, hào hứng… của bản thân đến mức mình có thể “giả lập” các trạng thái đó nếu muốn. Nghĩa là có thể tự khiến mình cảm thấy vui giống như lúc đang có chuyện vui thật sự vậy. Cho nên không cần phải có gì vui thì mình mới vui.
Tuy là vậy, mình lại càng trân trọng bất cứ niềm vui nào xảy ra với mình hơn nữa. Có rất nhiều điều nhỏ nhỏ có thể khiến mình cảm thấy vui. Và cũng từ khi mình để ý đến niềm vui theo cách đó, mình thấy cuộc sống này đúng là tràn ngập niềm vui, những niềm vui nho nhỏ.
Sáng nay thức dậy, mở điện thoại lên thì thấy Việt Anh – Admin Spiderum nhắn tin: "Có bạn Diep Nguyen donate cho anh 100k, đại ka cho em xin stk hoặc momo mai em bắn nhé :3".. Wow, thật ngạc nhiên. Mình biết chế độ donate của Spiderum có lâu rồi mà hông tưởng tượng một ngày sẽ có người gửi tiền ủng hộ mình qua Spiderum luôn đó. Và mình lại nằm xuống để cảm nhận cái “wow” đó thêm một chút rồi mới trả lời tin nhắn cho Việt Anh. Xong mình thức dậy và đăng thêm một status để ghi lại niềm vui bất ngờ đó.
Hồi tuần trước mình đăng mấy số tài khoản của mình lên Facebook, biên ra một cái status “đòi nợ” cho vui, hông ngờ có một người gửi cho mình 10k qua tài khoản và ghi là lì xì tết. Lúc đó mình cũng thấy bất ngờ và vui như vậy.
Không phải lúc nào nhận tiền mình cũng thấy vui, có khi chỉ thấy bình thường, thậm chí có những lần nhận vì tình nghĩa, những lần nhận mà thấy không đáng công sức mình bỏ ra. Tiền lương gia sư, tiền dịch sách, tiền nhuận bút, tiền thưởng.. đa số các khoản tiền với mình đều chỉ là những sự kiện bình thường, nhưng mấy khoản nho nhỏ bất ngờ này mình lại thấy vui ghê.
Khi viết báo, mình không vui vì nhuận bút, mà vì bài viết của mình được nhiều người đọc hơn, có nhiều người phản hồi, đôi khi những bài đó có tác dụng quảng bá hình ảnh của tỉnh, tác dụng nâng cao ý thức người dân hoặc kêu gọi sự thay đổi tích cực nào đó, những điều đó khiến mình vui. Có lần một đoạn trích trong bài báo của mình được đưa vào đề thi học kỳ của một trường ở Sài Gòn, lần đó mình cũng vui lắm. Một bài khác thì được một trích dẫn trong một trường hợp khá trang nghiêm. Nhìn chung mỗi khi thấy những điều mình nói hay viết được người khác công nhận thì vui một chút.
124_nhung niem vui nho nho
Niềm vui khi nhận được tiền ủng hộ như lần này là một cảm giác khác, không chỉ đơn thuần là cảm thấy những điều mình chia sẻ có ích, mà đó là cảm giác được công nhận nhiều hơn. Đến đây, bạn đừng nghĩ mình truy cầu cảm giác đó, đó không phải là mục đích của mình, nhưng nếu tự nhiên mà có, thì mình vui thôi.
Giống như Đen Vâu hát “Con gấu kiếm ăn đủ, thì nó mới có thể ngủ đông”. Một người phải đảm bảo cuộc sống, ít nhất là không bị cơm áo buộc ràng nữa thì mới có thể yên tâm theo đuổi những điều cao xa hoặc cá nhân hơn một chút. Mình không đủ giỏi, chưa tạo được giá trị nào để trao đổi bằng tiền cho cuộc sống, mình cũng chưa từng nghĩ một ngày có thể kiếm đủ tiền bằng việc viết sách, làm diễn giả hay có kênh youtube triệu view. Mình kiếm tiền bằng những cách khác và vẫn làm những việc này cho vui. Vì làm cho vui nên không được thì cũng vui, được thêm gì đó thì càng vui.
Đen lại hát “Nếu mỗi người cho tao một ngàn, là tao sẽ có ngay một tỷ đồng. Lấy tiền đó lên vùng xa, xây được mấy cái lớp học vỡ lòng.” Khúc này mình thấy hơi ngây thơ. Mỗi người có thể cho một like, một share, mấy trăm view, nhưng để mỗi người cho một ngàn là rất khó, thậm chí là không thể. Và ngay cả khi có thể, nhận một tỷ đồng từ người khác, mình nghĩ đó cũng không phải là niềm vui mà là trách nhiệm rồi.
Có lần mình đã thử lập một cái kênh nhận donation và viết một bài, đại khái nói rằng nếu những ai từ trước đến giờ nhận được giá trị tích cực nào đó từ mình thì có thể gửi lời cảm ơn cụ thể bằng 10, 20 ngàn gì đó cũng được qua kênh đó. Và kết quả cũng hơi ngoài dự đoán của mình một chút: có 01 người gửi 20k, một người gửi 50k qua kênh đó, một người là bạn cũ rất lâu không liên lạc, một người thì giấu tên.
Có một điều rất khó hiểu là người ta vẫn quan niệm rằng thứ cao quý thì nó phải không liên quan đến tiền. Miễn phí mới là cao quý. Và người ta quý trọng ai đó thì thường họ chỉ khen ngợi, biết ơn, chứ không cho tiền.
Từ mấy yếu tố trên mà nói, việc một người chủ động gửi tiền cho mình như bạn Diep Nguyen của Spiderum hay người bí ẩn gửi lì xì hôm trước, dù không biết là vì nguyên nhân gì cũng là một chuyện rất bất ngờ và mình thấy rất vui.
Mình thấy ý nghĩa nhất là khi những người giỏi có thể chỉ tập trung làm điều mà họ giỏi nhất, thích nhất, và được người khác ủng hộ, trả tiền để họ sống mà không cần phải làm việc khác, mỗi người thực hiện tốt nhất chức năng của mình để trao đổi lẫn nhau như vậy. Ngày nay cũng có nhiều streamers làm được điều đó, các kênh ủng hộ cũng hoạt động khá tốt để tiếp nhận và chuyển tiền, và người xem cũng bắt đầu quen với việc ủng hộ. Các hình thức gây quỹ để phát hành sách, gây quỹ để thực hiện hoạt động gì đó cũng thu hút kinh phí rất tốt.
Vậy nên chuyện mình không được nhiều người ủng hộ bằng tiền, một phần là do quan niệm nói trên, một phần là do giá trị của mình mang đến chưa đủ nhiều.
Mình viết báo, viết blog, làm video youtube, livestream trên facebook… đủ thứ hết. Nhưng vì mục đích của mình không phải là tiền, nên mọi thứ mình làm đều tùy duyên, tùy hứng và không “chuyên nghiệp”. Bởi vậy chỉ cần ai đó thấy vui, thấy tốt là mình vui một chút rồi, ai đó quan tâm lì xì, ủng hộ tiền như bạn Diep Nguyen thì mình vui thêm chút nữa.
Lại là Đen Vâu hát “Khi mày yêu cuộc đời, cuộc đời cũng sẽ yêu mày đắm say”. Cuộc đời nhiều thứ đáng yêu quá. Cảm ơn tất cả.
23.01.2020
Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo
Hôm nay mình làm mới một chút, vừa livestream trên facebook vừa “Viết cho em”. Lâu rồi mới lại livestream, được thấy nhiều bạn ít gặp xuất hiện lại, cũng vui vui. Có mấy bạn đưa chủ đề để mình viết hôm nay, và mình chọn câu hỏi “Làm sao để ăn ngon, ngủ ngon” của em Nguyễn Quốc Khánh.
Cái webcam này mình mua mấy tuần trước, khi đó dự định sẽ dời lịch “viết cho em” lên buổi sáng sớm, tầm 5h-6h, còn buổi tối sẽ livestream để đọc sách, trò chuyện khoảng 2 tiếng 8h-10h. Do chưa sắp xếp được thời gian với lại chưa thấy thực sự thích thú nên chưa làm. Hôm nay lại nghĩ hay là trong lúc viết bài mình vừa livestream chơi, vừa nhờ mọi người gợi ý chủ đề vừa xem có gì vui lúc live không, để có động lực mà thực hiện dự định lúc trước.
Quay lại với “làm sao để ăn ngon, ngủ ngon”, trước hết hình dung thế nào là “ngon”. Đó là một loại trạng thái khi cảm giác của bản thân mình hòa hợp, trùng khớp vơi cảm giác mà món ăn, giấc ngủ đó mang lại, khi mình có thể hoàn toàn chìm vào trong đó, tận hưởng những gì mà món ăn, giấc ngủ đó có.
Về “ăn ngon”, có hai yếu tố chính giúp mình đạt được trạng thái “ngon” đó. Một là bản thân của món ăn đó ngon. Nếu xét chung trên cảm nhận của người ăn, thì có những món ăn sẽ mang hương vị đậm đà, cảm giác sảng khoái cho người ăn hơn so với các món ăn khác. Cảm giác ngon này sẽ dễ xuất hiện hơn khi mình ăn các món “ngon” hơn. Yếu tố thứ hai chính là sự tập trung của bản thân vào việc ăn một món ăn nào đó. Cùng là một món ăn, nhưng khi mình ăn nó một cách “có chánh niệm”, tập trung hoàn toàn vào việc nhai, nuốt, cảm nhận kỹ lưỡng món ăn đó mà không phải lo nghĩ về công việc, nhớ người yêu, hờn ghen, sợ hãi… thì món ăn đó sẽ ngon hơn so với bình thường.
Đó là hai yếu tố chính: bản thân của món ăn và cách ăn của mình. Về món ăn thì phải nói đến cách chế biến nữa, nếu cùng một loại nguyên liệu mà cách chế biến khác nhau cũng sẽ ngon dở khác nhau, lượng ăn khác nhau cũng ảnh hưởng đến độ ngon của món ăn. Về cách ăn thì ngoài việc ăn một cách bình tĩnh, tập trung để cảm nhận hương vị, người ta còn chịu ảnh hưởng của cơn đói. Mình hay nói đói thì ăn cái gì cũng ngon, nhưng đó cũng không phải là thật sự ngon mà là cảm giác thỏa mãn cơn đói mà thôi.
Nói về ăn thì phải nói đến cảm giác thèm ăn. Có một câu chuyện nổi tiếng về một vị tướng đang dẫn cánh quân khát nước, sắp kiệt sức. Ông tướng bèn nghĩ ra một kế và thông báo với quân sĩ rằng cánh rừng phía trước có rất nhiều cây mơ, cố gắng đi đến đó thì mọi người đều sẽ được ăn mơ giải khát. Thế là quân sĩ nghĩ đến trái mơ, ứa nước miếng ra, vượt qua cơn khát. Điều đáng nói trong câu chuyện đó là mọi người trong quân đều đã từng ăn trái mơ. Nếu một người chưa từng ăn mơ, có thể sẽ không có tác dụng. Cảm giác thèm khát dành cho món ăn thường chỉ xuất hiện đối với những món mình ưa thích, hay ăn. Ví dụ như mình có thể thèm ăn mì gói, cơm chiên, thịt kho… hơn là tôm hùm, bào ngư, vi cá. Đơn giản là vì các món thường ngày mình hay ăn thì mình dễ liên tưởng đến nó hơn, nhìn thấy nó hoặc tưởng tượng đến nó là “thèm”. Còn các món sơn hào hải vị thì không phải là không ngon bằng món thường ăn, nhưng vì chả mấy khi ăn, nên nhớ lại cảm giác cũng khó, lấy đâu ra mà thèm. Đặc biệt là có những món hợp với người này mà người khác không thể ăn được, ví dụ như sầu riêng, hoặc có những người ăn phở mà không rau, không hành vậy.
123_Lam sao de an ngon ngu ngon
Trên lý thuyết thì ăn món gì cũng có thể ngon và có thể không ngon, nhưng so về các yếu tố ảnh hưởng thì bản thân món ăn cũng có thể tác động đến tinh thần con người, ví dụ như người ta nói khi buồn thì ăn socola sẽ mập vậy đó.
Ngủ ngon là một giấc ngủ mang đến cho mình cảm giác bình yên, thoải mái, nhẹ nhàng, khi ngủ dậy không thấy mệt mỏi. Muốn có giấc ngủ ngon cần ngủ vừa đủ. Những ngày tết này không biết làm gì mà ngủ thiệt nhiều thì sẽ càng mệt thêm. Hoặc khi có nhiều việc cần làm, hoặc mê chơi games, mê coi phim mà ngủ chỉ có 3-4 tiếng thì không thể nào ngon được. Ngủ đúng giờ và đủ giấc là điều kiện cơ bản, nhưng cũng không phải là đầy đủ, vì giấc ngủ ngon liên quan rất nhiều đến tình trạng thể chất và tinh thần của mình. Vậy nên muốn ngủ ngon thì phải ăn uống đầy đủ, luyện tập đầy đủ, không lo lắng, căng thẳng.. từng yếu tố tác động đến thể chất hay tinh thần của mình đều sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Để ngủ ngon, mình có thể khắc phục những hạn chế trong các yếu tố nêu trên, cũng có thể tập cách ngủ cho ngon bằng việc ngồi thiền 30 phút trước khi ngủ, giữ cho cơ thể yên lặng, thăng bằng, rồi từ từ đi vào giấc ngủ một cách chủ động. Nếu luyện tập đủ nhiều, đến một lúc chỉ cần mình nằm xuống và muốn ngủ là có thể ngủ được ngay trong vòng 1 phút, khi đó thì sẽ dễ có giấc ngủ ngon hơn. Nếu mình hay gặp ác mộng thì càng cần phải tập luyện, ăn uống để tăng sức khỏe tinh thần và thể chất lên, ngồi thiền để nhận diện các phiền não của mình, để nó không theo mình đi vào giấc ngủ, thì sẽ có thể ngủ ngon.
Ông bà mình vẫn nói “ăn được ngủ được là tiên”, không phải chỉ vì ngày xưa ăn uống khó khăn, mà rõ ràng ngày nay để ăn ngon, ngủ ngon cũng không phải là chuyện dễ. Những món ăn được cho là ngon hiện nay chủ yếu là kích thích vào vị giác bằng chất ngọt, béo, chua, cay quá liều. Còn giấc ngủ thì hiếm hoi đến nỗi được ngủ mà không cần báo thức đã là một ân huệ.
Tết đến rồi, mong mọi người có thể thảnh thơi một chút, để quan tâm đến bản thân, tập ăn, tập ngủ cho ngon.
22.01.2020
Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo