Trong quá trình công tác và tham dự các tập huấn về khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp, tôi có điều kiện tiếp xúc với các bạn sinh viên và những doanh nghiệp trẻ, qua đó thấy được khá nhiều "lầm tưởng" của các bạn sinh viên nói riêng và giới trẻ nói chung (ngay cả một số bạn đã có doanh nghiệp riêng) về khởi nghiệp và làm giàu.

Lầm tưởng #1: Khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh

Mấy năm gần đây từ khởi nghiệp (start-up) được dùng nhiều đến mức người ta mở một quán cà phê, một xe bánh mì, một quầy bánh tráng trộn cũng tự gọi là khởi nghiệp. Tôi không phải đang chê các ví dụ nói trên về mặt quy mô của việc kinh doanh của họ, vấn đề ở đây chỉ là khái niệm khởi nghiệp được dùng chưa chính xác mà thôi.

Trong một cuộc điều tra nhỏ, tôi hỏi các bạn sinh viên về ý tưởng "quán cà phê khởi nghiệp", rằng theo các bạn thì đến quán cà phê này bạn có thể nhận được lợi ích gì, không ít bạn trả lời rằng đến "cà phê khởi nghiệp" sẽ được ... giới thiệu việc làm.

Khi một người bắt đầu sản xuất, mua bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, ta gọi đó là khởi sự kinh doanh (to do business, to start an entrepreneurship): mở quán cơm, mở khách sạn, dịch vụ photocopy, trung tâm dạy tiếng Anh... những mô hình tương tự với những thứ đã và đang hoạt động, đầu tư tiền bạc, thời gian, chất xám... để sinh lợi gọi chung là khởi sự kinh doanh.


Việc khởi sự kinh doanh được gọi là start-up khi: 1. Quá trình kinh doanh ở giai đoạn bắt đầu; 2. Phải có một hoặc nhiều yếu tố sau: sáng tạo, mới lạ, ứng dụng khoa học công nghệ mới hoặc tạo ra hình thức kinh doanh mới, phân khúc thị trường mới...

Một điểm khác biệt giữa khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp là ở khâu đầu vào của kế hoạch kinh doanh, khởi sự kinh doanh dựa vào những nguồn lực nội tại từ chủ doanh nghiệp là chính (ý tưởng, mối quan hệ, vốn...) trong khi đó khởi nghiệp dựa vào chính là giá trị khác biệt mà họ có thể tạo ra (core value, "bird in hand"), từ đó mới kêu gọi vốn (từ các nhà đầu tư thiên thần (angel investors), quỹ đầu tư mạo hiểm và các mối quan hệ khác).

Ở đầu ra cũng lại có sự khác biệt: các doanh nghiệp khởi sự kinh doanh cung cấp sản phẩm, dịch vụ mà thị trường cần, nhưng là những cái đã có với chất lượng và giá cả phù hợp, cạnh tranh với các sản phẩm, dịch vụ cùng phân khúc khách hàng, cùng thị trường tiêu thụ. Trong khi start-up đưa ra sản phẩm, dịch vụ mới, tập trung chủ yếu giải quyết những nhu cầu của khách hàng còn chưa được giải quyết (jobs to be done) với giá cả và chất lượng hoàn toàn mới.

Lầm tưởng #2: Làm chủ, không làm thuê

Với "hiện tượng" khởi nghiệp hiện nay, càng lúc càng có nhiều sinh viên bỏ học, hoặc ra trường rồi bỏ bằng đại học để "khởi nghiệp". Các bạn xem thường việc đi làm thuê với tư tưởng "nếu bạn không tự xây ước mơ của mình, người khác sẽ thuê bạn xây ước mơ của họ" (Tony Gaskins). Điều đó đúng, nhưng ước mơ của bạn là gì? Chỉ muốn là một chủ doanh nghiệp, là một doanh nhân start-up dù không có gì khác trong tay?
Làm chủ tất nhiên oai hơn làm thuê, nhưng quan trọng là làm điều gì phù hợp với bản thân bạn mới là tốt nhất. Làm thuê có ngày nghỉ, có người trả lương, có thể học hỏi kinh nghiệm, thất bại cùng lắm là mất việc. Làm chủ trăm nghìn thứ phải lo. Nếu bạn chỉ muốn sở hữu một công việc kinh doanh riêng, chỉ muốn làm doanh nhân, thì trừ khi nhà bạn quá giàu, hãy nghĩ lại.

Khởi sự kinh doanh cũng tốt, khởi nghiệp cũng được, vấn đề là bạn cần tìm hiểu kỹ càng và chính xác công việc mình đang muốn làm, và xem bản thân có đáp ứng hay chưa. Nếu chưa có "bird in hand" nào để tạo ra giá trị mới, chưa giải quyết được "job to be done" nào cho khách hàng tiềm năng, thì cần nghiên cứu tiếp.
Làm thuê với mức lương xứng đáng, phúc lợi tốt, có thời gian để dành cho những sở thích, đam mê, gia đình, bè bạn... chẳng phải thoải mái hơn sao? Ai cũng làm chủ thì ai làm thuê chứ?

Lầm tưởng #3: NGU (Never Give Up)

Bạn có một ý tưởng kinh doanh mới lạ, độc đáo, đột phá, chưa từng có... Bạn tạo ra một phần mềm ưu việt, tiện lợi, hỗ trợ khách hàng giải quyết vấn đề tuyệt vời nhất... Bạn sản xuất ra một sản phẩm mà ai cũng sẽ muốn mua.. Và bạn nghĩ rằng bạn nhất định phải thành công với nó! Bạn sẽ kiên trì theo đuổi và không bao giờ từ bỏ? Đó chính là hành trình của nhiều start-up từ bàn tay trắng làm nên nợ nần.

Có lẽ ở lần thứ 1000, 10.000 bạn sẽ thành công đó, nhưng mất bao lâu để đến được đó, và bạn có tiền, có đồng sự cùng đi sao?

Sự thật là, để khởi nghiệp cần phải tranh thủ kiểm chứng ý tưởng, sản phẩm, dịch vụ của mình để nếu có thất bại thì phải thất bại một cách nhanh chóng và ít tổn thất nhất! Đó là tinh thần fail fast trong khởi nghiệp.

Nguồn ảnh: knowledgehut blog

Khi sản phẩm, dịch vụ của ta còn trong giai đoạn ý tưởng, nó luôn luôn tuyệt vời. Nhưng mọi thứ đều phải được kiểm chứng bằng thực tiễn, dựa vào đánh giá của khách hàng, sự tiếp nhận của thị trường...

Đừng bao giờ cho rằng một sản phẩm, dịch vụ của mình đưa ra thì nhất định phải thành công. Đừng dồn tất cả trứng vào một rổ, đừng cược mọi thứ trong một ván.

Build - Measure - Learn

Thay vào đó, hãy lập kế hoạch, chuẩn bị tốt, đưa vào thử nghiệm, rút ra bài học, cải tiến sản phẩm, tiếp tục thử nghiệm... cho đến khi giải quyết được nhu cầu của khách hàng, được thị trường tiếp nhận. Trong quá trình đó, có thể sản phẩm, dịch vụ của bạn đã trở thành một thứ hoàn toàn khác so với ý tưởng ban đầu. Hãy ứng dụng mô hình Build - Measure - Learn như trên. Đừng NGU mà hãy luôn thay đổi để phù hợp và phát triển. Sản phẩm bán được cho khách hàng là sản phẩm tốt cho doanh nghiệp (chưa bàn khía cạnh đạo đức kinh doanh).

Trên đây là 3 lầm tưởng cơ bản của sinh viên và các bạn trẻ khởi nghiệp mà tôi quan sát được, xin chia sẻ cùng các bạn.

Dù có khởi nghiệp hay không, làm chủ hay làm thuê, mong bạn luôn có nhiều may mắn và an vui.

Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo

Rất lâu trước đây mình có đọc một bài viết, đại ý là nhận thức của con người chỉ tự nhiên phát triển đến độ 13-14 tuổi gì đó, còn lại phần sau là do người đó tự chăm sóc, học hỏi mà nên. Bởi thế sự trưởng thành của mỗi người cần tự thân quan tâm và vun đắp là chính.

Vậy nên tuổi đời có thể không tỉ lệ thuận với sự trưởng thành, nếu như đó là một người bảo thủ, thích bám vào các khái niệm và đi theo đám đông để được an toàn.

Ngày trước có một quyển sách mà mình không nhớ nội dung nhưng vẫn luôn rất ấn tượng về cái tựa "Già quá sớm, khôn quá muộn".

Cũng vẫn là ngày trước, lúc mình mới ra đời, mới tiếp xúc internet, học hỏi được nhiều thứ mới, trở nên "mục hạ vô nhân", lại xem thường những người "có lớn mà không có khôn". Gần đây mình mới hối hận về thái độ đó.

Nếu chủ động học hỏi và quan sát bản thân, người ta sẽ trưởng thành, có thể trưởng thành hơn cả tuổi của mình, tuy nhiên cũng có rất nhiều điều mà chỉ có đi qua cuộc sống, thật sự trải qua, chỉ có thời gian và tuổi tác mới có thể mang lại cho một người.

Người ta có thể không chủ động học hỏi, không chủ động trưởng thành, cũng không nhận thức được thay đổi trong con người họ, nhưng đâu ai biết được một người đã thật sự trải qua những câu chuyện riêng gì?

Mình nghĩ một người càng trưởng thành thì càng hiểu rõ câu "Kính lão đắc thọ" vậy.

Nhất Bảo

Hồi tôi 18 tuổi, một ngày người yêu tôi bảo "Tự nhiên dạo này em cảm giác không muốn yêu ai nữa". Thế là tôi tự ái, hỏi ý em là gì, em muốn chia tay sao? Cô ấy xác nhận, thế là chia tay. Sau đó cũng vì tự ái, tôi từ chối khi cô ngỏ lời quay trở lại.

Ngày trước, tôi đả kích rất nhiều thứ mình không hiểu. Chẳng hạn như tôi không hiểu được vì sao người ta có thể chủ động chia tay trong khi vẫn còn yêu. Quá vô lí. Làm sao có thể khi hai người vẫn yêu nhau, nhưng một người lại lựa chọn từ bỏ vì nghĩ đó là điều tốt hơn cho cả hai? Không phải việc "có nhau" là tốt nhất hay sao? Bỏ đi cái tốt nhất thì làm sao còn tốt hơn được? Ngày đó tôi cho rằng tốt nhất vẫn là còn yêu thì phải luôn cố gắng ở bên nhau.

Rất nhiều thứ khác tôi có thể thấy, có thể lí giải, nhưng không thể hiểu (hay nói đúng hơn là "cảm") được cảm giác của những người trong cuộc khi họ lựa chọn, hành động theo cách họ đã làm.

Tôi không hiểu sao người ta cứ phải thể hiện mình thế này, thế khác để được người khác công nhận, tung hô, trong khi sự tung hô đó cũng chỉ là đầu môi, giả dối. Tôi không hiểu sao người ta lựa chọn từ bỏ cuộc sống của mình, dù có gì xảy ra thì không phải còn sống là vẫn còn có thể làm khác đi sao? Tôi không hiểu sao những cặp đôi hoàn hảo lại chia tay. Tôi không hiểu vì sao người ta có thể đi copy bài viết, thơ văn của người khác xong ký tên và tự nhận đó là của mình. Tôi không hiểu sao người ta có thể lừa dối nhau vì những chuyện rất nhỏ, rời bỏ nhau dù chẳng có chuyện gì...

Sau này, có đôi lần chính tôi rơi vào những trạng huống mà tôi cho là vô lí nhất, qua đó tôi hiểu rằng một điều gì đó khi đã xảy ra, thì dù xuất phát từ nguyên nhân gì, kết quả gì đi nữa, nó cũng là một tồn tại. Có nhiều chuyện khi nó đã xảy ra thì tất cả phân tích hay phán xét cũng chỉ là những thứ đến sau..

Thế nên tôi bớt công kích và nói về những điều mình chưa từng trải, có chăng cũng chỉ là cảm nhận, là suy nghĩ về điều đó, không phải là khẳng định hay phủ định, bởi vì cuộc đời này có rất nhiều điều xảy đến mà không cần phải hợp lí với ai, chỉ những người thật sự trải qua mới hiểu, hoặc không.

Một sáng thức dậy tự dưng muốn chia tay. Một ngày đẹp trời lại không thiết sống. Muốn bỏ đi thật xa. Muốn trộm cắp hay đốt nhà. Tất cả những ý muốn vô lí khác đều có thể xảy đến, chỉ là mình có chủ động tiếp nhận nó, từ chối nó, hoặc bị động tiếp nhận nó hay không.

Tôi dần tiếp nhận rằng mình không thể lí giải hết mọi sự, mà điều mình có thể "cảm" lại càng ít hơn, bởi vì khi chính mình ở trong những tình huống vô lí, có cảm xúc vô lí, làm ra những hành động vô lí, lại hoàn toàn hợp lí, hoặc không quan tâm lí là cái gì luôn.

Có rất nhiều điều chỉ có chân chính trải qua mới rõ. Mà cuộc đời thì quá ngắn. Than ôi.

Nhất Bảo
No automatic alt text available.

Chẳng mấy khi chúng ta đủ kiên trì để hỏi chính bản thân câu hỏi đó. Thay vào đó, ta hỏi thầy bói, pháp sư, hoặc các app trên Facebook kiểu "cuộc đời bạn màu gì"... kiểu để nghe cho vui, rồi quên, rồi thôi.

Mấy hôm nay tôi dự một khóa học, giảng viên cũng hỏi mọi người câu hỏi đó: mục tiêu cuộc đời bạn là gì? Theo anh thì mỗi người đều nên thiết lập một mục tiêu để vươn tới trong đời, để mang đến ý nghĩa cho cuộc đời mình. Cách xác định mục tiêu đúng đắn như sau: Mục tiêu hợp lí của cuộc đời sẽ được chọn trong tập hợp con là giao của ba tập hợp: điều bạn thích nhất + điều bạn làm tốt nhất + điều xã hội cần.

Theo tôi đó là một cách hay, thực tế là tôi cũng hướng dẫn một số bạn trẻ xác định theo cách đó, nhưng vấn đề phát sinh nhiều lắm: điều mình thích thì mình không giỏi, điều mình giỏi thì xã hội không cần, điều xã hội cần thì mình không thích... Ba tập hợp kia không phải lúc nào cũng giao nhau, và không phải tập hợp những điều giỏi, điều thích của mỗi người đều đủ lớn. Điều bạn làm giỏi nhất là hát, nhưng không đủ để trở thành ca sĩ, đại khái vậy.

Thế thì điều kiện cần thiết để khiến một người trở nên thành công là gì? Kiên trì. Điều này tôi cũng đồng ý với giảng viên. Chỉ cần kiên trì thì sẽ có lúc thành công. Có thể thành công lớn hay nhỏ, ở tuổi 20 hay tuổi 70, còn tùy, nhưng không có kiên trì thì không bao giờ thành công được.

Lại nói về sự thay đổi. Giảng viên hướng dẫn cho một học viên cách thay đổi bản thân, bằng việc lấy đà rất nhỏ. Ví dụ như học viên có thói quen thức dậy lúc 6h30, thì lần đầu tiên thay đổi là 6h27. Vừa đến đó thì có người bảo: nếu vậy chắc tới năm sau em mới thức được lúc 6h. Có thể lắm, nhưng nếu không làm thì năm sau bạn vẫn thức dậy lúc 6h30 như cũ. Ví dụ này có rất nhiều. Nhiều người hỏi tôi cách học tiếng Anh, tôi chỉ dẫn xong thì lại hỏi có cách nào nhanh hơn không. Tôi bảo cứ kiên trì đi rồi vài tháng hoặc 1 năm sau em sẽ giỏi. Họ im lặng cho qua rồi 2-3 năm sau vẫn như cũ, thậm chí quên hết luôn rồi.

Quay lại mục tiêu cuộc đời. Giảng viên hỏi: thế các anh chị đã biết cách xác định mục tiêu, các anh chị có muốn thay đổi, hoặc đặt ra mục tiêu cho đời mình theo cách này không? Tôi nghe một câu trả lời thật nhỏ: Với tôi thì quá muộn rồi.

Theo bạn, người trả lời "với tôi thì quá muộn" kia bao nhiêu tuổi? Người đó lớn hay nhỏ hơn bạn? Còn với bạn thì sao?

Nếu đặt ra mục tiêu, tìm ra lẽ sống cho đời mình là quá muộn, thì phần còn lại của cuộc đời này, ta định dùng để làm gì đây?

Nhất Bảo

Có người hỏi tôi: gần đây em thấy mình thay đổi, dường như không còn là chính mình nữa. Cảm xúc nhạt hơn, gần như không xúc động vì những thứ từng xúc động trước đây. Coi hài cũng không vui, nghe những bài hát cũ cũng không còn cảm giác, cả người yêu cũng vậy. Em vẫn ăn uống, sinh hoạt bình thường như trước. Em có bị làm sao không?

Image result for đạo

Tôi đã trao đổi xong với bạn, và muốn viết bài này để bàn thêm về đạo, về các học thuyết, lí thuyết và cách chúng ta tương tác với chúng ra sao.

Rất nhiều người bảo rằng hạnh phúc nhất là được là chính mình, tôi là chính tôi.. nhưng rất ít người biết rõ chính mình là gì, biết rõ họ là ai, nên “là chính mình” lại được diễn dịch thành “khác với người khác”, hoặc “giống một nhóm nào đó”. Người ta không ở lại với chính mình mà luôn hướng ra bên ngoài để tìm kiếm, so sánh, đánh giá... rồi lạc lối.

Con người luôn luôn thay đổi. Khác nhau là ở ít hay nhiều, và quan trọng là bản thân người đó có nhận ra không. Người bạn trong câu chuyện trên đã đọc qua nhiều sách về đạo, thiền, nên biết tự quan sát bản thân và nhận ra sự thay đổi đó trên chính bản thân mình.

Khi một người tiếp xúc với lí luận, học thuyết, kiến thức, thông tin mà họ yêu thích, họ sẽ bị thu hút và đắm chìm vào trong đó, không ít người sẽ đồng hóa nó với chính mình, xem nó là chính mình.  Tất nhiên đạo lí do người khác dạy, kể cả đó là bậc thánh cao đến đâu, cũng thể nào là “chính mình” được. Thế nên sẽ có những lúc người đó “giật mình” tỉnh lại và tự hỏi đây là đâu, tôi là ai.

Đạo là con đường mỗi người phải tự mình đi, trước hết là để tìm thấy chính mình. Tất cả đạo lí, giáo lí trên đời chỉ là phương pháp, phương hướng, cách thức mà không phải là con đường đó. Con đường của một tín đồ có thể trùng ngay con đường của vị giáo chủ đã đi qua trước đó, hoặc không.

Đạo mơ hồ ở chỗ con đường đó ta chỉ có thể nhìn thấy dưới chân và vài bước ở phía trước, không bao giờ biết được còn bao xa nữa thì đến nơi cần đến, cũng không dễ gì biết con đường mình đang đi có thật sự là đạo của mình không. Chỉ có kiên cường đi tới và không ngừng tự hỏi mà thôi.

Có một đạo lí chung là: Tất cả mọi con đường đều gặp nhau ở điểm cuối. Thế nên đa phần những người bắt đầu “tu luyện” đều bám thẳng một đường mà tiến lên. Thế giới muôn màu, thiên hạ trăm đường vạn lối. Nếu chỉ đi một đường, không tránh khỏi việc phủ định, ác cảm, chối bỏ những gì không cùng đường với chính mình. Đó chính là điều những người mới nhập đạo và chưa đắc đạo phải đánh đổi - phủ định sự đúng đắn của những tồn tại khác trong vũ trụ. Nếu đi đến tận cuối con đường, khi đắc đạo, họ chính là vũ trụ, họ sẽ lại bao dung và công nhận mọi tồn tại khác ngoài chính mình. Thế nhưng trên một con đường có bao nhiêu người mới bước vào, bao nhiêu người đang đi và mấy người đi tới?

Khi tiếp xúc hoặc nghiên cứu, áp dụng một kiến thức, đạo lí mới, thì bị nó ảnh hưởng là chuyện rất thường tình. Lúc học Phật tôi nghĩ về vô ngã, vô thường, từ bi, nhân quả; Lúc đọc Kinh thánh thì luôn nghĩ về giải thoát, cứu rỗi, yêu thương, nhiệm màu; Đọc Osho thì tự hỏi về tình yêu, gia đình, giác ngộ; Ở Lão Tử thì là triết lí vô vi; Ở mấy ông dạy làm giàu thì là việc suy nghĩ có thể thay đổi cuộc đời như thế nào; Ở mấy trang phản động thì là “à thì ra sự việc còn có thể nhìn theo cách như thế”. Tất nhiên lúc mới tiếp xúc thì rất đam mê, ham hố, nên luôn nghĩ đó là chân lí, đó là chính mình, kiểu “à, mình cũng nghĩ như vậy, đây là suy nghĩ của mình, tư tưởng của mình, đạo của mình, chỉ là trước giờ mình không nhận ra”. Tất nhiên sau một thời gian thì lại nhận ra là không phải. Mà quan trọng là không phải ai cũng có thể nhận ra, chỉ những người chú ý quan sát bản thân trước khi trầm mê quá sâu và bị các tư tưởng đồng hóa.

Một số bạn trẻ rất ngây thơ, khi mới tiếp xúc với thế giới bên ngoài một ít, quay lại cho rằng những người khác các bạn là lạc hậu, ngu ngốc, là con cừu gì đó. Cũng có thể đúng vậy, nhưng nếu họ là cừu trắng thì bạn cũng chỉ là cừu đen mà thôi. Cực đoan thì rất dễ, trung dung mới khó.

Tóm lại, mọi thứ mà ta nhìn thấy, nghe thấy, đọc được, viết ra được đều là pháp - là công cụ để ta nương nhờ, sử dụng mà tìm ra đạo của riêng mình. Đắc đạo cũng không phải là phi thăng thành tiên thành phật, mà là tìm thấy chính mình, hiểu rõ thế giới bên trong và bên ngoài theo cách của mình. Muốn vậy thì cần phải học hỏi, cần phải suy nghiệm và kiểm chứng thật nhiều. Trong quá trình đó, muốn không đánh mất luôn chính mình, không bị đồng hóa thành một phần của ai khác, thì cần nhớ rõ chính mình và những thứ mình đang học, đang đọc, đang viết không phải là một.

Bài này đến đây là hết, cũng chỉ là một chút luận bàn thôi. Mong có thể giúp được những người anh em thiện lành gặp khó khăn trong quá trình học đạo.

NGUYỄN HUỲNH NHẤT BẢO
13/11/2018
Kết quả hình ảnh cho tin rác facebook

Trong bài viết này mình muốn chia sẻ một cách đơn giản nhất 3 bước lọc thông tin độc hại và trách nhiệm của mỗi người khi bấm nút share.

Điểm chung của truyền thông là nó cho ta thấy những gì nó muốn ta thấy. Ta cần nhắc mình điểm này để không sa lầy vào những cái bẫy của truyền thông.

Đưa ra sự thật là một chuyện, nhưng đưa góc cạnh nào của sự thật về phía độc giả, và dùng sự thật đó để hướng đến điều gì lại là chuyện khác. Người đọc thông minh trước hết chắt lọc ra sự thật (facts) trong những thông tin hỗn độn đó và chọn cách hiểu, cách phản ứng của riêng mình.

Phần trên là nói về các dạng truyền thông tạm xem là nghiêm túc, chính thống. Ngoài ra còn có rất nhiều dạng truyền thông tạp nham và độc hại, điều chúng mong muốn không gì khác hơn là thời gian của người đọc, chỉ vậy thôi. Còn chuyện người đọc buồn chán hay sợ hãi, u uất hay thậm chí là phạm tội thì đó là tác dụng phụ không mong muốn mà thôi.

Có nhiều cách, nhiều tầng lưới để lọc bỏ những dạng truyền thông độc hại này. Tầng lọc sơ đẳng nhất gồm có ba thứ: Tựa đề (tít), nội dung chính và tên miền.

1. Nhìn tựa đề: Tựa đề thường gây ấn tượng mạnh và thô thiển. Nội dung thường có độ kích thích cao. Tên miền thường dài và vô duyên. Ví dụ: Trai khôn không lấy gái miền Tây (yếu tố phân biệt vùng miền, phân biệt giới tính, công kích cá nhân hoặc một nhóm người, thường câu share để chửi). Hoặc: Kinh hoàng phát hiện đỉa giấu trong BVS TQ (Yếu tố an toàn vệ sinh, sức khỏe, thường gắn mác Trung Quốc). Hoặc: Phẫn nộ cảnh cháu gái đánh chửi bà cố nội (Yếu tố lợi dụng lòng thương hại hoặc căm phẫn của đám đông trước hành vi trái đạo đức (tưởng tượng))..

2. Nhìn tên miền: Nhìn vào tên miền thì thấy "tinhot24h.me" hoặc "tintucgaysoc.com" đại loại thế.

Thường thường, bằng cách nhìn tên miền đơn giản nhất, bạn có thể loại bỏ khá nhiều trang nhảm ra khỏi cuộc đời rồi. Tốt nhất là đọc những trang uy tín trước. Những trang trong tên miền có ".vn" đôi lúc cũng rất nhảm, huống gì...

3. Đọc nội dung: Về nội dung, mấy trang này nó toàn xào nấu, đưa tin từ đời nào + trí tưởng tượng của bọn nó thêm vào. Mục tiêu của mấy tin đó thì ngoài câu view chỉ có câu share. Nhiều bạn share về để chửi, để vận động người khác chửi chung. Thật ra nó đâu có quan tâm, bạn share là bạn giúp nó rồi. Còn các bạn share để cảnh báo càng đáng thương hơn, vì bạn share chuyện nó bịa ra để không chỉ bản thân bạn hoang mang mà người thân, những người tin tưởng bạn cũng hoang mang vì bạn.

Tóm lại, nếu nhìn qua một thông tin có: 1. Tựa đề gây sốc; 2. Nội dung vô căn cứ, gây sốc; 3. Tên miền lạ hoắc, nhảm nhí = Dứt khoát không share. Cách đối phó hiệu quả nhất với thể loại tin này gồm 6 chữ: bỏ qua, bỏ qua, bỏ qua! Không bàn, không chửi, không share nhé.

Đó là mức độ đơn giản nhất.

Tinh vi hơn, có những trang nó lồng những bài tốt (nghĩa là bài dựa trên sự thật, có đầu tư viết lách đàng hoàng) với những bài do bọn nó tưởng tượng (mục đích thật sự của nó). Lúc này trách nhiệm của một người share trở nên nặng nề hơn, vì mình phải hiểu đại khái về nơi mình share một bài nào đó. Nếu mình share một bài hay, đúng, hợp lý từ cái nguồn độc hại, thì đó là lợi bất cập hại, mình đang quảng bá cho sự độc hại vậy.

Bài này chủ yếu mình chia sẻ ở mức độ đơn giản thôi. Rất mong bà con dùng 3 cách sàng lọc trên khi đọc báo mạng, và khi nhấn nút share để cho thế giới mạng của chúng ta trong sạch lành mạnh hơn. Có ai đọc bài này mà hiểu và áp dụng mức độ đơn giản là mình mừng rồi, còn mức độ phức tạp thì khi khác bàn sau vậy.

Mong bà con share bài này càng nhiều càng tốt. Hãy bảo vệ chính mình và người thân khỏi cơn bão thông tin độc hại này.

NHẤT BẢO
Kết quả hình ảnh cho niềm tin

Có người hỏi tôi: Em được biết về Luật hấp dẫn, sau đó em thực hành bằng cách mua vé số và tin mình sẽ trúng giải đặc biệt, nhưng em chẳng bao giờ trúng một giải nào. Không lẽ Luật hấp dẫn không đúng?

Tôi chỉ vào chậu cây gần đó và bảo: Em hãy hình dung niềm tin của em là một con kiến. Nếu em muốn hấp dẫn một mẩu nhỏ lá cây thì điều đó sẽ khả thi và có thể thành hiện thực trong thời gian sớm nhất. Nhưng nếu con kiến muốn kéo cả chậu cây về nơi nó muốn thì sẽ ra sao?

Tôi không thích người ta cười cợt về niềm tin kiểu "thắng bằng niềm tin", "sống bằng niềm tin"... những trò đùa không vui kiểu đó chỉ làm phai nhạt niềm tin vốn đã quá ít ỏi của con người trong xã hội này.

Niềm tin có thể thu hút điều ta muốn, biến ước mơ thành hiện thực, vấn đề là niềm tin của ta nhỏ hay lớn và thời gian duy trì trong bao lâu. Một con kiến nếu muốn kéo một chậu cây có thể cần cả đời hoặc vài đời cũng không đủ. Nhưng ai bắt ta phải là con kiến?

Nếu niềm tin lớn mạnh như một người trưởng thành, thì việc dời chậu cây không phải là bất khả. Tương tự đối với con người cũng vậy, có những việc chỉ cần là người là làm được, nhưng có những điều lớn lao vĩ đại, cần phải có niềm tin mạnh mẽ hơn người bình thường.

Điều đó có thể xảy đến với ta, ngay lúc này, năm sau hoặc trong một kiếp người khác nữa không chừng. Niềm tin có thể vô cùng yếu ớt hay mạnh mẽ, nó không cần phải có căn cứ nào, chỉ đơn giản ta dám tin, thật sự tin và kiên định với niềm tin đó hay không.

Tôi không dám khẳng định niềm tin là vạn năng, bất hủ, nhưng cười cợt và đánh mất niềm tin trong cuộc sống thì thật sự là một việc đáng buồn.

NHẤT BẢO

Hình ảnh có liên quan

Tại sao Bill Gates bỏ học rồi được nhà trường gọi lại trao bằng tiến sĩ danh dự? Bởi vì khi đó những gì ông làm ra được mọi người công nhận, khi đó cái tên Bill Gates có giá trị hơn cả học vị Tiến sĩ rồi.

Bill bỏ học vì ông muốn tập trung làm một việc cần làm, nghĩa là ông biết mình cần làm gì rồi mới bỏ học.

Nói đúng ra đó là không theo học tại trường đại học nữa mà thôi. Những gì ông học hỏi và nghiên cứu khi đó còn nhiều hơn rất nhiều lần so với chương trình ở trường. Tất cả những ai bỏ học (mà thành công) đều như vậy cả. Còn những người bỏ học chỉ vì chán học, bạn cũng biết họ đang ở đâu rồi.

Einstein cũng nói đừng nên đánh giá con cá về khả năng leo cây của nó. Có thể bạn nghĩ bạn là cá, bạn không cần học leo cây, phí. Nhưng có khi nào bạn chỉ là một con khỉ lười biếng, nghe được điều đó nên tự nhận mình là cá và "dỗi cả thế giới" hay không?

Dù cho bạn có là cá thật, muốn mọi người đánh giá bạn bằng khả năng bơi, ít nhất bạn cũng cần phải khiến người ta công nhận bạn là cá!

Có bạn thì chê trách nền giáo dục, chê nội dung dư thừa, chê chế độ đánh giá không đúng năng lực... Những điều đó có thể bạn đúng, nhưng hãy nghĩ một mặt khác: đó là những tiêu chuẩn mà xã hội đặt ra, những yêu cầu mà bạn cần hoàn thành nếu muốn được xã hội công nhận theo một cách thông thường nhất. Những logarit, tích phân, hình học không gian, sinh vật đơn bào, đa bào... đơn giản là những đề mục cho một khóa thi vào trường đời theo con đường phổ thông nhất mà xã hội này có thể đưa ra cho bạn.

Một con đường hoàn toàn theo ý mình, chỉ có thể do mình xây dựng nên thôi.

“Phổ thông” là con đường được xây dựng sẵn cho tất cả mọi người, có thể nó còn nhiều ổ gà, bãi lầy... nhưng nó phù hợp với số đông. Nó như một tấm lưới sàn lọc những ai muốn lọt qua để đi tiếp về phía xã hội kia. Hãy xem xã hội là một nhà tuyển dụng, và chương trình phổ thông, đại học là những yêu cầu nhà tuyển dụng đưa ra. Bạn có hỏi nhà tuyển dụng là tại sao đưa ra yêu cầu như vậy, hoặc yêu cầu họ thay đổi nội dung yêu cầu được không? Được, mà phải giỏi - phải khiến người ta công nhận bạn giỏi.

Bạn không muốn đi con đường phổ thông mà xã hội xây dựng cho mọi người? Cũng được, vậy đi đường nào? Bạn nói học những môn “không có áp dụng gì trong thực tế” làm lãng phí thời gian và công sức của bạn. Vậy công sức và thời gian đó dùng vào việc gì sẽ có ích hơn?
Tóm lại, không biết làm gì thì lo học trước đi.

NHẤT BẢO
Kết quả hình ảnh cho SỨC KHỎE

Sáng nay khi đồng hồ báo thức reo lúc 4:24, tôi tỉnh dậy và thấy người lạnh toát, trời thì rả rích mưa. Bước ra khỏi phòng, không khí bên ngoài ẩm và lạnh hơn làm tôi hắt xì liên tục. Trong vừa đánh răng rửa mặt mà nước mũi chảy ròng ròng, hỉ ra mãi không hết, lại hắt xì gần chục cái, đầu nóng lên... Cơn sốt đến nhanh như một cơn mưa rào giữa trời đang nắng gắt.

Tôi lấy cái áo mặc vào, xức dầu lên thái dương và mũi, uống một ly trà nóng rồi chui vào góc phòng, bỏ qua mấy chủ đề hôm qua nghĩ tới, tôi kể cho các bạn nghe câu chuyện về sức khỏe của tôi.

Sức khỏe, hay sức sống của một người giống như đồ thị hình sin, hay hình tượng hơn là như một quả đồi thấp vậy, khi lên đến đỉnh cao là lại bắt đầu đi xuống, khác nhau ở độ cao và chiều rộng của đỉnh đồi thôi. Tôi không rõ mình đã đến đỉnh đồi chưa, nhưng có những dấu hiệu của sự suy giảm về sức khỏe và sức đề kháng rõ rệt.

Độ 3-4 năm trở lại đây, tôi rất hay bệnh vặt. Cứ mỗi mùa mưa hay trời trở lạnh là lại bị cảm lạnh, ho, đau họng. Có những cơn ho kéo dài mấy tuần khiến tôi rất mệt và nhức đầu. Tôi bắt đầu ngại những cơn mưa và cũng còn đi nhiều ngoài nắng - những điều trước đây tôi chưa bao giờ phải quan tâm.
Hồi nhỏ tôi rất ưa tắm mưa, cứ mưa lớn lớn chút là tắm. Sau lớn lên lúc học cấp hai, cấp ba tôi cũng ít khi nào mang theo áo mưa đi học, đi về gặp mưa là tắm luôn thôi. Ra trường, đôi lúc cũng dầm mưa chạy luôn về nhà, hoặc đôi khi mặc áo mưa chạy vòng vòng thành phố, coi mưa chơi vậy thôi. Mấy chuyện đó ngày xưa tôi làm mà chẳng nghĩ ngợi gì, chỉ thấy mát mẻ, thoải mái vậy thôi. Ngày nay, tôi thấy mưa như thấy những cơn cảm lạnh...

Hồi mười mấy tuổi tôi có học Karatedo được ít lâu, khi đó ngày nào cũng hít đất, nhảy xổm, luyện quyền hơn 2 tiếng mà vẫn thoải mái vô tư. Bây giờ hít liên tục 5-7 cái là nằm luôn đó, đứng tấn thì 2 phút là chân run muốn xỉu, đấm đá vài cái là gập người thở dốc như sắp hết hơi. Chỉ còn mỗi đi bộ là khá bền, đi khoảng 10km vẫn ổn, chắc do cái này ít tốn sức nhất.

Sau mấy năm học đại học và ngồi văn phòng, tôi tăng 20kg, sức khỏe giảm 30-40%. Quá trình này cũng không phải dễ dàng gì, đó là cả một sự tiêu hao có bài bản.

Thay vì vận động và tập võ, tôi ngồi máy tính mỗi ngày 14-15 tiếng. Vào đoạn thời gian mê game, có khi tôi chơi 2 ngày liên tục không nghỉ. Thức trắng đêm, chơi game đến 6-7 giờ sáng thì ngủ, 1-2 giờ trưa thức dậy ăn uống rồi tiếp tục chơi... Sau khi nghỉ game cũng vẫn thức đến hơn 2 giờ mới ngủ, nhiều khi chẳng để làm gì, vừa ngồi đọc truyện vừa ngủ gục, vậy mà nhất định không chịu lên giường trước 2 giờ. Ngày nào cũng hít đủ một khoanh nhang muỗi 8 tiếng, không sót ngày nào.

Thức đêm thì đói, đói thì ăn. Nào là các loại bánh snack, bánh ngọt, mì gói, nước ngọt, đôi khi thêm cả trái cây cho đỡ ngán. Đêm nào cũng ăn, có nhiều lúc nhìn bịch rác còn lại sau mỗi đêm mà tôi cũng ớn, không hiểu sao mình ăn được vậy luôn.

Thức đêm tất nhiên cũng có cái hay và hấp dẫn riêng của nó, nhưng tập thành thói quen rồi thì đến lúc chán ngán vẫn bỏ rất khó. Điều này làm tôi giảm sức khỏe, giảm đề kháng, và tăng cân. Tăng hẳn 20kg nhé, tập trung chủ yếu ở bụng, đùi, mông -_-

Tôi nhớ hoài, trong quyển “The time machine” của H. G. Wells có mô tả về thế giới tương lai, nơi loài người tiến hóa và chia thành hai thế giới. Một thế giới của những người lao động chân tay và sống nơi u tối, họ phát triển các cơ, lông lá như những con thú. Còn thế giới của những kẻ quý tộc, giàu có thì các cơ thoái hóa, chỉ có bộ não là phát triển, tay chân teo tóp lại như người ngoài hành tinh và sức khỏe yếu vô cùng.

Đôi lần tôi cũng cảm giác mình đang thoái hóa đi như vậy, trên ghế, trước máy tính, mà chẳng giàu lên chút nào.

Người ta tiêu hao sức khỏe để đổi lấy tiền, sau này chữa bệnh, còn tôi phung phí sức khỏe vì cái gì? Chẳng có câu trả lời nào nhưng tôi vẫn không dừng lại được.

Nếu hỏi một người bình thường điều gì là quý nhất trong cuộc sống, có lẽ họ sẽ nói là tình yêu, sự nghiệp, danh vọng, niềm tin hay một điều gì đó, rất ít người nhớ rằng sức khỏe mới là cái gốc để họ thực hiện tất cả mọi điều trên.

Tôi thấy nhiều người trẻ cũng như tôi ngày trước, khi đang có sức khỏe thì tiêu phí vô tư, đêm thức ngày ngủ là chuyện bình thường, thậm chí còn một số trò tiêu phí nhanh hơn một chút. Đôi khi muốn khuyên mà chẳng biết làm sao.

Cũng như việc chơi game, có những trò chơi rất là vô bổ, chẳng ý nghĩa gì, nhưng chỉ có đứa nào chơi rồi mới biết, còn mấy đứa chưa chơi thì nói nó chẳng tin. Lúc còn sức khỏe dồi dào chẳng đứa nào tưởng tượng được đến lúc mình suy yếu sẽ ra sao, dù có bao nhiêu tấm gương trước mắt cũng vậy.

Tôi cũng có phần may mắn. Tiền vốn còn lại của tôi chính là việc hễ thật sự muốn làm điều gì là tôi làm được. Đang thức 2-3h sáng mỗi đêm, tôi làm ra thử thách 30 ngày dậy sớm, thế là cứ 10h-11h tôi đi ngủ, nằm xuống là ngủ được luôn, và cứ nghe đồng hồ reo là thức. Sau khi thực hiện thành công thử thách đó, tôi vẫn tiếp tục dậy lúc 4:30 mỗi ngày, mấy ngày sau này tôi tập thể dục, đọc sách và viết một chút gì đó mỗi sáng. Những cảm nhận và chia sẻ từ thử thách dậy sớm này tôi có làm video mỗi ngày, post trên youtube:

https://www.youtube.com/playlist?list=PLYagToaLb5DKFwTAkR8Ad7xNT8Veqo3P7

Sức khỏe là gốc, nó không chỉ ảnh hưởng đến các hoạt động vật lý mà còn tác động nhiều đến tinh thần chúng ta. Có sức khỏe tốt thì tinh thần cũng tốt, nó giúp ta chịu được áp lực và suy nghĩ được nhiều điều hay hơn... Rèn luyện sức khỏe thì tùy vào điều kiện và sở thích của mỗi người, nhưng quan trọng nhất là giữ gìn, đừng hoang phí.

Tôi nghĩ rằng từ sau #The30EarlyDays, tôi sẽ ngừng việc hoang phí sức khỏe và tập nhiều thói quen tốt hơn. Không chắc rằng hiện giờ nếu luyện tập và ăn uống hợp lý thì có thể nâng cao sức khỏe hay không, nhưng ít nhất tôi sẽ giữ cho nó đi xuống chậm nhất có thể.

Hôm nay tôi kể câu chuyện này, hi vọng những bạn trẻ hữu duyên đọc được có thể xem xét lại tình trạng của bản thân, và thay đổi ít nhiều, bỏ qua thói quen xấu, tránh hoang phí sức khỏe và tập trung làm những việc có ích cho cuộc đời của chính các bạn nhiều hơn.

Còn nếu không, thì ai cũng có một đời, cuộc đời nào rồi cũng sẽ qua thôi.

Chúng ta cũng chỉ là những hạt bụi trong sa mạc cuộc đời, ai có thể quan tâm mình, thay đổi mình, ngoài chính mình đây chứ.

Nếu mình còn bỏ mặc mình, thì người khác cũng chỉ lướt qua thôi.

NHẤT BẢO

Sáng nay có bạn pm cho mình, bảo rằng bạn luôn bị điểm kém trong môn writing nhưng không biết phải khắc phục từ đâu để nâng cao điểm số. Nhân đây mình chia sẻ lại một số ý đã trả lời với bạn để những bạn nào cần tham khảo nhé.

Muốn biết nguyên nhân bị điểm thấp, hay làm thế nào để đạt điểm cao, cần lưu ý và khắc phục ở những điểm trừ. Sau đây là những điểm trừ có thể gặp trong môn viết, từ cơ bản nhất đến nâng cao nhất. Các lỗi càng cơ bản càng bị trừ nhiều điểm nhé.

Cơ bản nhất chính là lỗi chính tả và ngữ pháp. Không giống môn nói hay nghe có thể “thông cảm” một số lỗi ngữ pháp hoặc phát âm, môn viết cực kỳ quan trọng chính tả và ngữ pháp. Muốn nâng cao chỉ số này thì chỉ có cách là học nhiều, tập viết nhiều mà thôi. Nên chú ý viết câu càng đơn giản càng tốt để tránh sai ngữ pháp, chưa quen thì cứ viết câu đơn (chủ ngữ, động từ, tân ngữ) là được rồi. Chú ý dùng thì cho hợp trình tự thời gian nữa là ổn (chủ yếu là hiện tại đơn, tiếp diễn, hoàn thành, quá khứ đơn, tương lai đơn, đôi khi quá khứ hoàn thành thôi). Lỗi này với những giáo viên nghiêm khắc có thể trừ 0,5-1đ/lỗi.

Qua được lỗi chính tả và ngữ pháp chính là lỗi về ngữ nghĩa. Có nghĩa là cách diễn đạt không theo văn phong tiếng Anh. Trường hợp này xảy ra là do người viết nghĩ theo tiếng Việt rồi dịch ra. Nên biết vốn từ tiếng Việt của ta chênh lệch rất lớn với tiếng Anh, nếu dịch ra thì chắc chắn ta sẽ không đủ từ vựng (nên phải tra từ điển, rồi dẫn đến viết một bài văn kiểu google translation). Muốn biết ví dụ buồn cười về nghĩ tiếng Việt, viết tiếng Anh bạn cứ chép một bài văn lên google translate là rõ. Nhiều bạn viết như vậy luôn đó. Muốn không mắc lỗi này thì nên tập suy nghĩ bằng tiếng Anh, dùng vốn từ của riêng mình để diễn đạt điều muốn nói. (ví dụ như bạn không biết chữ “resize” có thể dùng “edit something size”)

Sai cấu trúc. Một paragraph cần gì, một essay là như thế nào... những yêu cầu cơ bản nằm trong kiến thức nền khi viết hay nói đơn giản là công thức của bài văn mà bạn được yêu cầu viết chính là lỗi tiếp theo cần khắc phục. Dù bạn viết văn hoa cỡ nào mà paragraph không có topic sentence (hoặc topic sentence không chuẩn) cũng bị trừ điểm nặng. Một essay cũng vậy, các đoạn phải bổ sung, hỗ trợ hoặc tương phản nhau, phải kết dính với nhau thành một khối và mở đầu bằng opening paragraph, kết thúc bằng concluding, phải có thesis statement đạt yêu cầu. Nên nghiên cứu kỹ phần lý thuyết được học về vấn đề này.

Viết lạc đề và không trôi chảy. Vấn đề tưởng như dễ ăn này lại khiến nhiều bạn bị trừ điểm do không hiểu rõ đề bài, hoặc do chọn ý sai dẫn đến lan man, không bám sát nội dung cần nói. Chú ý tập trung vào từng paragraph, viết ngắn gọn và bám theo topic sentences của các paragraphs. Nên dùng các từ chuyển tiếp câu, đoạn (firstly, secondly, however, on the other hand....) để dẫn dắt người đọc cũng như chính mình.

Dùng các biện pháp nghệ thuật hoặc điểm ngữ pháp được dạy. Cái này áp dụng cho các bạn học sinh, sinh viên dùng để “qua môn” nhé. Lưu ý làm sao chèn vào những gì được học trước đó (các thì, cách so sánh, cấu trúc...) vào bài viết thì sẽ được điểm cao hơn.

Có quan điểm cá nhân. Tùy vào chủ đề mà thêm vào cảm nhận cá nhân nhiều hoặc ít. Dùng thêm những hình ảnh bóng bẩy, các thành ngữ... sẽ là những điểm cộng.

Khắc phục đươc 6 điểm nêu trên điểm viết của bạn sẽ cải thiện vô cùng đáng kể, trên 6 điểm là chắc, hehe. Cứ làm từ thấp đến cao nhé, có nền tảng mới xây lên được. Ngoài ra thì nên đọc các bài viết mẫu để làm quen cách hành văn tiếng Anh, học hỏi cách triển khai và phân tích, học từ vựng... Kiến thức nền (background knowledge) cũng rất quan trọng nhưng là phần phụ thêm thôi, bạn đọc nhiều thì chủ đề nào cũng viết được. Và phải viết nhiều thì mới quen được. Khi quen rồi thì mọi thứ chỉ như công thức giải toán vậy, áp dụng vào là giải được bài thôi.

Chúc bạn đạt điểm cao với môn Writing nhé.

NGUYỄN HUỲNH NHẤT BẢO


Tôi may mắn được nghe một câu chuyện đơn giản về hạnh phúc từ khi còn nhỏ. Vì nó rất đơn giản nên tôi hiểu ngay, nhưng để chấp nhận nó thì mãi sau này tôi mới làm được.

Chuyện kể rằng một buổi sáng đẹp trời, mèo mẹ thấy mèo con chạy khắp sân, đôi lúc lại xoay vòng vòng, nó đang đuổi bắt cái đuôi của chính nó. Mèo mẹ hỏi mèo con vì sao lại làm vậy. Mèo con trả lời rằng có người nói cho nó biết hạnh phúc nằm trên cái đuôi của nó. Mèo mẹ cười và nói rằng con đừng đuổi theo nó nữa, hãy cứ bước đi bình thường và nó sẽ đi theo con.
Hạnh phúc là thứ người ta đi tìm nhiều hơn người ta có, mà lúc có thì họ lại không hay.

Hạnh phúc là thứ người ta cố định nghĩa nhiều hơn là cảm nhận.

Người ta mê nó tới mức đặt ra một ngày gọi là "quốc tế hạnh phúc" nữa kia.

Bạn có hạnh phúc không?

Lần cuối cùng bạn hạnh phúc là khi nào?

Cần phải có điều gì, ở trong tình trạng nào thì bạn mới hạnh phúc?


Một câu chuyện khác của nhà Phật cũng nói về hạnh phúc: nó là sự từ bỏ cái tôi và ham muốn.

Tôi cho rằng một khái niệm nhầm lẫn cơ bản và phổ biến nhất là "truy cầu hạnh phúc".

Hạnh phúc không cần phải truy cầu, nó cần dừng lại và cảm nhận. Hãy để dành năng lượng của sự truy cầu đó cho việc khác. Hãy làm việc gì đó khi bạn muốn làm việc đó, không phải làm để có hạnh phúc. Sự truy cầu nào cũng chỉ dẫn đến hai kết quả: thành công hoặc thất bại. Thành công không đồng nghĩa với hạnh phúc, dù đôi lúc cũng có sự nhập nhằng, kéo theo.

Nếu bạn đặt hạnh phúc ở một mục tiêu nào đó ở nơi xa, thì khi bạn đạt đến mục tiêu đó, hạnh phúc của bạn sẽ chạy ra xa hơn nữa. Và bạn lại tiếp tục quá trình "truy cầu hạnh phúc". Điều khổ nhất chính là bạn chẳng bao giờ thấy hạnh phúc trong cả quá trình gian khổ đó, để rồi đến đích cũng không gặp hạnh phúc luôn.

Hạnh phúc không phải là một điều kiện
Bậc cha mẹ hạnh phúc khi thấy con cái thành đạt. Người yêu hạnh phúc khi thấy người mình yêu hạnh phúc. Đây có vẻ như là những lý do thiêng liêng và cao thượng mà con người ta bất chấp vì nó mà hi sinh. Nhưng đó lại là một sai lầm, là một ràng buộc, một điều kiện của hạnh phúc. Con cái không thành đạt thì cha mẹ khổ? Người kia phải hạnh phúc để người này được hạnh phúc?

Chúng ta chỉ đang ràng buộc nhau bằng những sợi tơ mềm mại hoặc những sợi gai xù xì, ta kéo nhau về phía mà ta cho là hạnh phúc, trong khi cả quá trình là một sự khổ đau.

Hạnh phúc là một trạng thái tự thân
Để có một gia đình hạnh phúc, một xã hội hạnh phúc, mỗi con người cần phải tự nhận thức hạnh phúc của bản thân. Tồn tại đã là một loại hạnh phúc, được hít thở là một hạnh phúc, cơ thể khỏe mạnh là hạnh phúc... tập trung vào những gì ta đang có là hạnh phúc.

Đừng bao giờ tập trung vào những gì ta đã mất, ta chưa có, ta muốn có... tất cả những điều đó đều không thật, đều là khổ đau.

Hạnh phúc là sự lan tỏa
Khi đã nhận thức được hạnh phúc của bản thân mình, đã hạnh phúc, thì mỗi người sẽ tỏa ra năng lượng hạnh phúc đến người xung quanh.

Cha mẹ cần phải hạnh phúc thì mới mong san sẻ hạnh phúc cho con cái họ, nếu con cái thất bại, cha mẹ sầu lo buồn khổ thì chẳng phải làm cho sự việc càng phức tạp, khó xử hơn sao? Chưa kể là nếu vì vậy mà đau bệnh thì càng thêm rối. Cần phải vững vàng, vui vẻ thì mới làm chỗ dựa cho người khác được. Cần phải có hạnh phúc thì mới có thể cho đi. 

Thật ra, có một cách để truy cầu hạnh phúc.
Mỗi người đều không dễ dàng đạt được hạnh phúc tự thân, không dễ dàng nhận ra hạnh phúc bên trong mình. Nếu cần phải làm một điều gì đó để đạt được hạnh phúc, để nhận ra hạnh phúc bên trong bản thân mình thì điều đó chỉ có thể là: làm cho người khác hạnh phúc.

Như đã nói trên, một người hạnh phúc mới có thể làm cho người khác hạnh phúc. Ngược lại, nếu ta có thể làm cho một ai đó hạnh phúc, thì ta cũng đã có phần hạnh phúc của mình trong đó rồi. Đây là một sự thực tập, một thí nghiệm của sự tốt đẹp.

Hãy nghĩ về những điều tốt đẹp, hãy nói lời hay, hãy hành động giúp người và cảm nhận xem người mà ta giúp có hạnh phúc không. Nếu người đó hạnh phúc thì bạn thành công rồi. Hãy thật cẩn thận đừng tạo ra những ràng buộc và điều kiện (như đã nói ở trên).

Rồi sau cùng, tất cả chúng ta đều sẽ nhận ra, hạnh phúc là vô điều kiện, hạnh phúc là vô cầu.

Và hạnh phúc là nhận ra điều đó càng sớm càng tốt.

Chúc bạn hạnh phúc, bây giờ.

NGUYỄN HUỲNH NHẤT BẢO

Mình vừa thấy mấy bạn nữ share một tin cảnh báo có thể bị "trộm tóc" ngoài đường, với mấy bạn tóc dài, vì nghe nói bây giờ tóc bán có giá.

Cách đây gần một năm, nhà mình bị cướp con chó. Chính xác là cướp. Hai thằng đó bắt con chó ngay trước mặt mẹ mình. Tới nay mẹ mình còn ám ảnh.

Vài hôm trước thì có một page nào đó đưa cái clip tổng hợp những màn cướp giật ngoài đường. Rồi TV thì đưa clip dạy cách phòng thủ khi bị giật đồ, thậm chí là bị giật trẻ con giữa đường.

Cướp tóc, nghe khó tin và khó tưởng tượng đến vậy. Bọn chúng còn cướp cả trẻ con đấy thôi. Đỡ nhất là bán làm con nuôi, cũng là ít nhất vì nguy cơ bị lộ cao. Tiếp đến là chăn dắt ăn xin. Và tệ hơn là mổ xẻ lấy nội tạng mà bán.

Tại sao xã hội chúng ta lại đi đến bước này? Nguyên nhân do đâu? Chỉ hai từ thôi: dục vọng.

Ngày nay, không một thằng trộm chó, bán ma túy, bắt cóc trẻ con, cướp của giết người nào phải làm những việc đó để có tiền mua gạo cho mẹ già hay mua sách cho con thơ đi học cả. Bọn nó kiếm tiền để ăn chơi, hoặc để trả nợ từ những cuộc chơi trước đó. Tất cả là dục vọng.

Dục vọng còn đến từ chính chúng ta - những người đang hưởng thụ và tìm kiếm sự hưởng thụ ngày càng nhiều, quá nhiều hơn mức cần thiết.

Vì sao có trộm tóc, nếu không có nhu cầu mua tóc giả? Vì sao có trộm chó, nếu nhu cầu ăn thịt chó không quá cao so với số thịt mà mấy quán thịt chó có thể có bằng con đường chân chính không trộm cắp? Vì sao có chuyện buôn bán nội tạng?

Rồi đến chuyện ăn uống ngày nay cũng đang nóng sốt. Hôm nay TV đưa tin người ta có thể bị xử tù nhiều năm nếu dùng chất cấm trong chăn nuôi, nhưng còn nhiều bất cập, vì không biết nên xử lý người nuôi hay đầu nậu thu mua. Chưa kể đến rất rất nhiều vụ tẩm hóa chất độc hại vào thức ăn để bảo quản, đổi màu, nhuộm màu... Không phải vì ta muốn ăn nhiều, ăn nhanh, ăn rẻ sao? Không phải người nuôi muốn nhanh xuất chuồng, muốn rau năng suất cao, muốn bảo quản lâu sao? Không phải người bán buôn muốn lời nhiều hơn sao? Không phải dục vọng cả hay sao?

Chính là một chuỗi dài những dục vọng đã đưa chúng ta đến ngày nay.

Vì lẽ đó, mỗi người chúng ta có thể cứu lấy thế giới này bằng cách giảm bớt dục vọng của bản thân, bỏ qua những nhu cầu hưởng thụ không cần thiết, thậm chí là hi sinh bớt những nhu cầu cần thiết nữa. Đó là cứu mình và cứu người vậy.

Nếu ta cảm thấy tất cả nhu cầu hưởng thụ của bản thân mình là chính đáng, là cần thiết, thì tất cả những người khác cũng vậy. Rồi chúng ta sẽ giết nhau như vậy.

NGUYỄN HUỲNH NHẤT BẢO

Bên Tây, người ta hay tạo ra các tình huống rồi quay video để ghi lại phản ứng của những người vô tình tham gia, kiểu như rơi ví tiền, nhờ vả... Mình thấy việc hay hơi khó chịu sao đó, tuy nhiên có vài tình huống cũng hay mà mình sẽ kể cho bạn nghe đây.

Image result for hãy lấy nếu bạn cần

Tình huống 1: Một anh nọ mặc cái áo khoác dán đầy những tờ USD lên đó, cầm theo một tấm bảng "Hãy lấy nếu bạn cần". Ban đầu mọi người thấy lạ, chỉ nhìn rồi thôi, có lẽ là sợ mang tiếng tham lam, vì anh đeo tiền đứng giữa phố, và có lẽ vì đó chỉ toàn những tờ 1-2 đô. Sau đó có người đến hỏi và thử lấy vài tờ.. rồi người thứ hai, người thứ ba..

Anh đeo tiền hơi bất ngờ vì đó là những người ăn mặc tươm tất, lịch sự, có cả những người chạy bộ tập thể dục cũng ghé lại lấy tiền. Anh hỏi họ có thật sự cần số tiền đó không? Họ bảo có, tôi cần mua ABC gì gì đó...

Đến khi số tiền trên áo anh vơi hơn phân nửa, anh gặp một người vô gia cư. Người này đến và hỏi anh ta có thể lấy ít tiền không, anh đeo tiền đáp có, anh cứ lấy tự nhiên. Và anh vô gia cư lấy xuống trên áo 2 tờ 1 đô. Anh cảm ơn và định bước đi, anh đeo tiền thấy vậy kêu lại hỏi: này anh ơi, anh chỉ cần nhiêu đó thôi à, sao anh không lấy thêm, vẫn còn nhiều mà, cứ tự nhiên đi.

Anh vô gia cư từ chối: Không, tôi chỉ cần nhiêu đây để mua thức ăn thôi, 2 đô là đủ, anh hãy để lại cho những người khác.

Tình huống 2: Một anh cầm tờ giấy tìm con gái bị lạc đến gặp anh vô gia cư đang cầm tấm bảng ngồi xin tiền trên đường và hỏi liệu anh có vô tình nhìn thấy bé gái không... Anh vô gia cư bảo không thấy. Khi anh tìm con quay đi, anh vô gia cư kêu lại và bảo anh kia đưa mình tờ giấy có hình đứa bé, anh ta sẽ tìm giúp và nếu thấy sẽ gọi điện cho. Anh tìm con đưa tờ giấy và ít tiền lẻ để anh vô gia cư có thể gọi điện thoại khi tìm thấy. Và sau đó, những gì anh vô gia cư làm là để tấm bảng xin tiền của mình xuống, cầm tờ giấy có hình đứa bé ngồi ngoài đường suốt 3-4 tiếng liền.

Họ theo dõi anh đến tối, rồi quay lại nói rằng đây chỉ là tình huống thử thách và tặng anh 200 đô. Họ hỏi vì sao anh lại giúp tìm đứa bé mà anh không quen biết, thay vì xin tiền mua cơm cho mình. Anh bảo rằng đó là việc tốt duy nhất mà anh có thể làm trong khả năng của anh, anh muốn đứa bé gặp lại gia đình nó.

Tại sao những hành động tốt đẹp lại đến từ những người cùng khổ như vậy?

Ở tình huống 1, người ta có câu nói: “chỉ có những người thực sự thiếu thốn mới hiểu được giá trị của việc sẻ chia”. Đó cũng là một ý. Nhưng hãy nhìn những người đến lấy tiền trước đó, có ai trong số họ thiếu thốn 1-2 đô? Nhưng họ vẫn đến lấy, còn anh vô gia cư biết hôm nay không biết ngày mai lại lấy đúng phần mình cần thôi. Sự khác biệt đó gọi là biết đủ. Nếu cảm thấy đủ, thì bao nhiêu cũng đủ. Nếu còn ham muốn thì bao nhiêu cũng thiếu, bao nhiêu cũng khó khăn. Trong tình huống này, tôi thấy anh vô gia cư tự tại biết bao, vui vẻ thoải mái biết bao so với những người đến lấy tiền trước đó. Anh đã đủ, còn họ mãi thiếu.

Tình huống 2, anh tìm con đã hỏi tât cả mọi người anh gặp trên phố, nhưng họ đều nhìn qua, nói không thấy rồi thôi, thậm chí có người còn không thèm nhìn. Còn anh vô gia cư lại giành cả ngày để giúp đỡ. Điều đó xảy ra ngoài việc anh là người tốt, muốn làm việc tốt, còn là vì anh rảnh. Ngoài việc mưu sinh tìm cái ăn anh chẳng có mối quan tâm, trách nhiệm nào. Tôi tự hỏi con người chúng ta vì sao bận bịu đến vậy? Và chúng ta bận đến mức phải dẹp lòng tốt của mình sang một bên. Cuối cùng vì cái gì?

Ở cả hai trường hợp, con người vì vương mang quá nhiều gánh nặng, quá nhiều nỗi lo, dần dần trở nên thiếu thời gian quan tâm giúp đỡ người khác và luôn cảm thấy mình thiếu thốn, luôn muốn nhiều hơn những gì mình thật sự cần.

Nếu người ta thấy được rằng họ chẳng sở hữu thứ gì thật sự, nếu mọi người đều có được tâm thái của những người vô gia cư kia, không quá coi trọng trách nhiệm, quyền lợi, tài sản...mà họ cho là "của mình", thì có lẽ ai ai cũng sẵn sàng giúp đỡ người khác, ai ai cũng thấy đủ, ai ai cũng tự tại giữa đời này.

Cách đây khá lâu, tôi có viết một bài về “Ba điều cần thiết cho cuộc sống không sợ hãi”, ba điều đó là: niềm tin, nụ cười và nhân quả. Có niềm tin, biết mỉm cười và hiểu nhân quả sẽ giúp cuộc sống ta trở nên thanh thản, tinh thần mạnh mẽ hơn. Hôm nay thức sớm nói thêm về niềm tin.


Với tôi, niềm tin là những gì liên quan đến sự tin tưởng của bản thân mình, do đó đôi khi nó có thể là đức tin về tâm linh, là sự tin tưởng một người nào đó, sự tự tin ở bản thân và cũng có thể là hi vọng.

Câu hỏi tôi thường gặp nhất chính là “Có nên hoàn toàn tin tưởng một người nào đó hay không?”. Câu trả lời là bạn tin chính mình đến đâu thì tin người đến đấy, hoặc ít hơn. Niềm tin không phải là thứ mang ra đánh cược, cũng không phải giao hết trách nhiệm cho người mình tin tưởng, để rồi sau đó buông một câu “Tui đã lầm tin anh/em”.

Image result for Blessed are those who have not seen and yet believed

Trao niềm tin đúng cách không phải là hỏi xem “Người này có đáng tin không” mà nên tự hỏi “Mình có dám tin họ hay không”. Đó là kết quả của cách nhìn người của bản thân mình, và dự liệu những hậu quả có thể có - Mình có dám, và có khả năng gánh chịu những hậu quả đó hay không. Điều này đúng ngay cả trong những trường hợp đặc biệt như yêu từ cái nhìn đầu tiên hoặc yêu người không nên yêu gì đó. Khi trao đi niềm tin mà không kịp xem xét, không có khả năng xem xét bất cứ điều gì khác thì chỉ cần nghĩ đến một điều: Mình có chấp nhận hậu quả của việc này được không? Tin tưởng thật sự là vô oán, vô hối.

Jesus Christ nói “Phúc cho ai không thấy mà tin”. Nếu thấy mới tin, thì niềm tin đó phụ thuộc vào cái “thấy”. Mà trong cái thấy đó có biết bao nhiêu lừa dối, liệu mình có thấy đúng hay không? Vì cần phải thấy mới dám tin, nên ta luôn nghi ngờ, sợ hãi.

Niềm tin đến từ những gì được nghe, được thấy, bị thuyết phục... chỉ là những niềm tin giả tạm, nó sẽ sụp đổ ngay khi những tác nhân bên ngoài thay đổi, hoặc ta nhận ra mình nhìn nhầm. Niềm tin thật sự phải xuất phát từ bên trong, nó là cái luôn đúng, là cái sâu thẳm nhất.

Có những niềm tin xuất hiện một cách tự nhiên, vô thức. Từ nhỏ đến giờ, tôi vẫn luôn tin rằng mình sẽ sống tốt dù có bất cứ chuyện gì xảy ra với cuộc đời này hay với chính bản thân tôi. Niềm tin đó không có một cơ sở nào cả, nó chính là cơ sở cho mọi thứ.

Có những niềm tin được hình thành qua nhận thức. Điều quan trọng là những nhận thức này không phải đến từ kiến thức bên ngoài mà từ sự hiểu biết về chính mình. Kiến thức, thông tin là để giúp ta tìm hiểu, nhận định những vấn đề liên quan, chúng có tác dụng bổ trợ cho những niềm tin hình thành từ nhận thức. Như đã nói trên, muốn tin tưởng người thì phải tin tưởng mình, muốn tin tưởng mình thì phải hiểu mình. Muốn hiểu mình thì phải quan sát những phản ứng, suy nghĩ của bản thân với những tác nhân đến từ môi trường, xã hội, phải có những phút giây tĩnh lặng để quan sát nội tâm, để trò chuyện với chính mình. Đó là con đường hình thành nên niềm tin nhận thức.

Hi vọng cũng là một dạng niềm tin, nó là tin tưởng vào một điều có thể xảy đến trong tương lai. Mặt tốt của nó là khiến người ta can đảm tiếp tục sống, động viên, khích lệ người ta cố gắng ở hiện tại, bỏ qua quá khứ... Tuy nhiên, rất nhiều hi vọng cũng là nguồn gốc của thất vọng, khi người ta không đạt được đều mình mong muốn, hoặc đạt được nhưng nó không giống những gì họ tưởng tượng ban đầu... Hi vọng cũng là thứ rất nguy hiểm, ví dụ như khi những người nô lệ có hi vọng vào sự sống, họ sẽ không nổi dậy. Hi vọng có thể khiến người ta nhụt chí. Trong các truyện về chiến tranh Trung Quốc, có hình ảnh “đập nồi, dìm thuyền”: trước trận tử chiến không có nhiều hi vọng thắng, vị tướng quân sau khi điều binh lính sang sông đã ra lệnh đập nồi, dìm thuyền, tức là chặn hết đường lui, chỉ còn một đường chiến thắng là có thể sống. Đôi khi chặt đứt mọi hi vọng cũng là một dạng động lực vô cùng mạnh mẽ vậy.

Thật ra, nếu đủ tin tưởng ở bản thân thì ta sẽ chẳng cần hi vọng. Những hi vọng có đến cũng chẳng thể động viên hay khiến ta lo lắng nhiều hơn, vì ta đủ tin tưởng rồi. Hi vọng cũng chỉ gây thất vọng mà thôi, tin vào chính mình mới có thể bình tĩnh, ung dung trước mọi sự.

Niềm tin trong tâm linh, tôn giáo cũng vậy. Các vị giáo chủ là những bậc giác ngộ, họ hiểu về bản thân, về xã hội, về các quy luật của vũ trụ, họ biết cách làm con người trở nên an lạc, hạnh phúc, và họ truyền bá những tư tưởng của mình cho nhân loại. Tôi từng tự hỏi rằng, những vị giáo chủ nếu sinh ra ở thời đại ngày nay, liệu họ có gia nhập tôn giáo của chính mình không?

Nhiều người gia nhập các tôn giáo vì muốn có nơi ký thác niềm tin của bản thân mình. Ngay cả các giáo hội cũng khuyên tín đồ điều đó. Với tôi, thái độ tốt nhất dành cho tôn giáo là nghiên cứu, học hỏi, nương nhờ. Tôi nghiên cứu giáo lý, học hỏi đạo lý và nương nhờ các phương pháp tu luyện (như thiền), đôi khi là đức tin của các giáo chủ để hoàn thiện đức tin của bản thân và tìm hiểu sâu hơn về chính mình. Tôi không ký thác niềm tin của bản thân cho một ai khác.

Đừng hi vọng để rồi thất vọng. Trước tin mình rồi hãy tin người. Trao đi là chấp nhận mất đi. Muốn tin mình thì phải hiểu mình. Muốn hiểu mình thì phải bình tĩnh, kiên nhẫn, đừng tin vì thấy hay nghe, đừng trao niềm tin của mình lung tung để rồi chẳng biết tin vào đâu nữa.

Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo
Related image

Nhiều năm trước, có một người thầy kể với tôi rằng mỗi sáng thức dậy mặc áo đi làm, ông thường tự nhắc bản thân bằng cách nói thầm mỗi lần cài từng cúc áo: Nhân - Lễ - Nghĩa - Trí - Tín. Đó là những phẩm chất cần có của người quân tử, mà theo ông là những phẩm chất cơ bản của con người. Hình ảnh đó khiến tôi ấn tượng mãi đến hôm nay, mỗi khi mặc áo sơ mi là nhớ.

Với tôi, hai điều quan trọng nhất là "Nhân" và "Tín". Nhân tất nhiên là hàng đầu. Sinh ra là người những ai cũng phải làm người thì mới thành người được. Không phải nhân loại thì mặc nhiên là người đâu. Chữ nhân luôn cần tự nhắc, cần tìm hiểu, rèn luyện và thực hành. Nhân đạo, nhân hậu, chân thành, tử tế, yêu thương mọi người, mọi loài và bản thân mình.

Lễ, Nghĩa, Trí là những điều quan trọng, nhưng với tôi chỉ là những thứ phụ thêm, trang trí thêm cho đẹp, có thì tốt, nhiều ít cũng không sao.

Trong xã hội, người ta lại thường khoe ra cái Lễ, cái Nghĩa, cái Trí của họ để chứng tỏ bản thân, vì Nhân và Tín vốn là những thứ bên trong, rất khó chứng minh mà là phải luôn luôn cố gắng, cả đời cố gắng nhắc nhở và thực hành.

Chính việc có hay không chữ Tín trong mỗi người lại khiến Lễ, Nghĩa, Trí có phải là những trò hài hay không.

Có người bảo tôi rằng chưa bao giờ thấy tôi thất hứa, để ý mới thấy rằng tôi rất ít khi hứa hẹn với ai điều gì. Đúng vậy, tôi cực kỳ ít hứa hẹn. Ngay cả khi người yêu hỏi rằng "anh sẽ yêu em mãi mãi chứ?" tôi cũng chỉ trả lời "Anh chưa biết nữa, chuyện đó để thời gian chứng minh đi."

Tôi chưa bao giờ ưa nói dối, hay những lời hứa hẹn cho qua, dù biết có những khi tất cả những gì người khác cần chỉ là một lí do, để cùng nhau lừa dối thực tại, để quên đời trong một phút giây thôi.

Nếu bạn nói ít và nghĩ nhiều thì tự nhiên lời nói của bạn sẽ chính xác, tinh tế, có trọng lượng hơn. Nếu bạn hứa ít và làm nhiều thì lời hứa của bạn có giá trị hơn vậy.

Với tôi, một người dù có ưu tú cỡ nào, Lễ, Nghĩa, Trí càng cao mà lại là người bất Tín, thì cũng không đáng quan tâm. Một người không giữ nổi một lời hứa nhỏ, thì họ nói về những điều to lớn, hoặc là nói yêu thương có khác nào thổi bong bóng đâu: buông ra là xẹp, thổi nhiều nổ luôn.

Xã hội ngày càng bất tín, người ta càng cần người khác mang đến niềm tin cho họ bằng những hợp đồng, những thứ này nọ để chứng minh, và họ càng bị lừa nhiều hơn. Chữ Tín là một giá trị vô hình, không phải là hợp đồng, hóa đơn, nhà lầu xe hơi hay những lời hoa mỹ.

Một người nếu sống bất Tín, thì sẽ luôn nghi ngờ thế giới xung quanh, khiến họ luôn bất an và sẽ càng bất Tín. Lễ, Nghĩa, hay Trí có thể cao, thấp với nhiều biểu hiện khác nhau bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng Tín thì chỉ có thể là không hoặc có. Một người nếu không có Tín, tôi sẽ rất khó tin họ có lòng Nhân.

Sống bất Tín, người ta sẽ nghi ngờ chính bản thân, xem nhẹ bản thân và từ đó sống một cuộc đời thấp hơn cuộc đời của chính họ. Ngược lại, càng trọng chữ tín người ta sẽ càng trọng bản thân hơn, sống tốt và hướng thượng. Trọng chữ Tín không phải là để người khác coi trọng, mà là để tự trọng lấy mình.

Mặc một chiếc áo sơ mi, nếu quên cài cúc đầu hay cúc cuối có thể không quan trọng bằng 3 cúc giữa. Thế nhưng đừng nhầm lẫn giữa phương tiện và mục đích. Nhẩm theo từng cúc áo chỉ là cách để tự nhắc mình, không phải thứ tự của tầm quan trọng. Lễ, Nghĩa, Trí là những thứ không thể thiếu, nhưng chủ yếu là để cho người khác nhìn thôi. Nhân và Tín thường dễ bỏ qua nhất, nhưng lại là cơ bản nhất của mỗi người. Đó là những giá trị cần có để cho chính mình, là giá trị quan trọng nhất. Hãy giữ lấy, giữ lấy.

Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo
Trong đời người, từ khi sinh ra cho đến lúc làm nhân vật chính trong đám tang của mình, chúng ta đều vô tình hay cố ý chạy theo các nấc thang nhu cầu, từ thấp đến cao, có khi bị áp đặt phải theo, có lúc vì tham vọng chứng tỏ bản thân, có khi thật sự ham thích, có lúc chỉ đơn giản là bị cuốn theo đám đông và sợ cô đơn vậy.

Cũng giống như các giá trị đạo đức, cái hay của giáo dục là tạo ra những chuẩn mực để phân chia loài người thành các nhóm khác nhau, là đưa ra những bậc thang cao thấp để người ta biết xã hội đang coi trọng các giá trị nào mà cố gắng đạt tới nếu muốn được gọi là thành đạt.

Tháp nhu cầu của Maslow bắt đầu với những nhu cầu về mặt sinh học cơ bản nhất cho đến nhu cầu chứng tỏ bản thân và các nhu cầu về tinh thần, tâm linh khác. Nhiều người hiểu rằng "là con người thì phải có nhu cầu như thế", cũng tức là họ nghĩ nhu cầu thích chứng tỏ bản thân, thích thể hiện là một phần tất yếu của con người. Không đâu, tháp nhu cầu đó là kết quả của thống kê, nó là sản phẩm đến sau chứ không phải hoàn toàn là quy chuẩn định đặt mà con người phải đi theo đó.

Tháp nhu cầu của Maslow

Nếu chúng ta đi theo các quy chuẩn của con người, chúng ta sẽ sống như con người - giống loài luôn đi tìm hạnh phúc trong đau khổ, cuộc hành trình bất tận. Đạo đức, giáo dục, các loại thống kê hay chuẩn mực khác, đều tốt nếu ta biết sử dụng chúng chứ không phải áp chúng lên làm gánh nặng cho mình.

Các loại nấc thang là hữu ích nếu ta muốn leo lên đâu đó, và nếu ta đặt đúng nơi cần leo. Hơn hết, tất cả những thứ đó đều dựa trên đa số, trên những gì đã được thể hiện ra, chứ không phải là những gì nên có, trong khi mỗi người đều là một thực thể riêng biệt, tự do.

Về hai loại đạo đức

Từ nhỏ, mình được dạy về các phẩm chất đạo đức, rằng làm người cần có đức tính này kia, gương người tốt việc tốt các kiểu. Mình không hiểu vì sao những đức tính đó lại là tốt, chỉ biết nếu làm vậy người khác sẽ công nhận mình là người tốt. Trở thành một người đạo đức, sống đời sống đạo đức, xuất phát điểm là vì được công nhận. Vì nếu có hành vi xấu, trái đạo đức, thì sẽ bị rầy la quở mắng, trách phạt...

Chính vì không hiểu vì sao đạo đức lại là điều tốt, và sau này lại thấy ở mỗi nơi khác nhau có các kiểu đạo đức khác nhau, nên mình quay ra phản cảm với những gì gọi là chuẩn mực và đạo đức, cho đến khi mình đọc được một bài viết của nhà báo Đức Hoàng (trên FB Hoàng Hối Hận).

Theo cụ Hoàng, đạo đức có hai loại là đạo đức tự nguyện (moral) và đạo đức tối thiểu (ethic). Đạo đức tự nguyện là những giá trị nhận thức tự thân của mỗi người, thế nào là tốt, thế nào là xấu theo quan điểm của bản thân người đó. Đạo đức tối thiểu là những quy chuẩn của xã hội. Ví dụ moral là thấy cụ già băng qua đường thì tiến lên giúp đỡ, còn ethic là thấy cụ già băng qua đường thì không được tông chết cụ.

Và chúng ta khổ là vì nhầm lẫn giữa ethic và moral, thường khi gộp làm một. Ta đem các chuẩn mực tốt xấu của bản thân mình áp dụng lên người khác, nếu họ không có đức tính đó thì ta bảo họ là người xấu. Trong khi đó, moral cần phải xuất phát từ bên trong mỗi người và được thực hiện bằng các nguồn lực của chính bản thân người đó. Nghĩa là nếu anh không cảm thấy muốn giúp cụ già qua đường, muốn nhường ghế cho phụ nữ trên xe bus thì anh không buộc phải làm thế để trở thành người tốt, đó là moral của riêng anh.

Trường hợp chỉ trích những người giàu bỏ tiền tỷ ra để mua một món gì đó, sao không dùng tiền đó giúp người nghèo cũng là một dạng biến moral trở thành ethic.

Phân biệt rõ ràng giữa moral và ethic cũng giúp ta hiểu rõ chính mình hơn và ít áp đặt tư tưởng lên người khác, ít làm khổ nhau hơn. Ví dụ như về vấn đề mại dâm, ethic ở những vùng khác nhau là khác nhau, có vùng công nhận nó như một nghề, có vùng xem nó là một thứ xấu xa đồi bại. Công nhận hay bài trừ, đó là ethic của từng vùng. Còn tham dự hay đứng ngoài, đó là moral của chính mình. Moral của ta có thay đổi theo ethic không? Nghĩa là nếu ta ở một vùng mà mại dâm là hợp pháp thì ta có mua-bán dâm không? Vậy thì ta là người tốt hay người xấu? Đâu mới là moral thật sự?
Tóm lại: Những gì ta làm khi hoàn toàn tự do, bằng chính các nguồn lực của bản thân là moral, cách ta tuân thủ những quy luật của xã hội nơi ta sống là ethic.

Tốt hay xấu tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố, nhưng trước hết cần phân biệt rõ ràng để tránh áp đặt, hoang mang.

Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo


Từ nhỏ tôi được nghe rằng con người vốn thiện, do xã hội dạy họ điều ác thôi. Tôi đã nghe điều đó mà không hỏi xem những cái ác trong xã hội từ đâu mà tới? Xã hội là gì nếu không phải là tập hợp những con người?!

Hồi nhỏ, tôi được dạy phải kính trọng và yêu thương những người lớn tuổi, bất kể ngoại hình hay xuất thân của họ ra sao. Tôi sống cạnh bến xe, nơi có rất nhiều dân lao động nghèo. Tôi yêu quý và hầu như tìm thấy điểm tốt ở tất cả mọi người. Với tôi, dù họ có xấu trong mắt người khác, bản chất họ vẫn tốt đẹp đó thôi.

Nhà tôi có nuôi một con gà trống, do người nhà dưới quê đem cho để làm thịt ăn, nhưng thấy nó đẹp nên để nuôi luôn. Một ngày tôi định rải cơm cho nó ăn mà không thấy, tôi đi ra đường tìm. Tới bên lề bến xe, tôi thấy một đám đông, trong đó có nhiều chú, bác tôi biết đang vây quanh, hò hét: “Đá đi, đá chết nó, mạnh lên...” Tự dưng có linh cảm chẳng lành, tôi chen vào vòng vây, thì thấy bên trong là con gà của mình đang đá với một con gà khác. Nhìn sứt lông, chảy máu, tìm đường chạy ra thì bị đẩy trở vào, tôi hoang mang không biết làm sao. Tôi nhìn kỹ xem nó phải con gà của mình không, và hỏi một người “Chú ơi, gà của ai vậy chú?” “Không biết, có đá thì coi đi, đang hay”. Tôi lao vào giữa vòng vây ôm lấy con gà, xua con gà kia đi. Đám đông hò hét “Mày làm gì vậy, đang đá mà” .... nhiều câu nữa tôi không nghe rõ. Tôi chỉ cố la lên “Gà của tao, gà của tao”. Mãi một lúc sau có mấy người nhận ra tôi rồi đám đông mới tản đi.

Càng về sau, khi cuộc sống dần phát triển, con người văn minh hơn, họ bắt đầu phê phán những hủ tục như tế sống động vật, những thứ mà trước đó được xem là linh thiêng, truyền thống.

Có một dạo, tôi nghe về những vụ tai nạn xe khách, tàu hỏa do dân dọc đường ném đá... để mua vui! Bạn nghĩ thú vui khi ném đá vào xe khách đang chạy, có thể giết hàng chục người như vậy là được dạy hay tự nhiên? Không phải hành động ném đá đâu, là cái thú vui đàng sau hành động đó. Rồi cả những trò bạo hành, biến thái... để làm gì nếu không phải để mua vui? Vui ư? Niềm vui đó không hề được dạy. Người ta chỉ có thể dạy làm cách nào để tìm vui trong cái lương thiện hơn thôi, còn niềm vui được hành hạ, giết chóc chính là cái “tự nhiên”.

Mạng xã hội cũng có trò ném đá, cũng là nơi con người thể hiện cái ác nguyên thủy bên trong mỗi người. Điều này có lẽ mỗi người đọc bài này cũng biết ít hay nhiều.

Không thể dùng hình ảnh một đứa trẻ mới sinh để đại diện cho “nhân tính”. Đứa trẻ hoàn toàn chưa đủ nhận thức và năng lực để thể hiện cái ác của con người. Một đứa trẻ nếu không được dạy dỗ hướng thiện, hoàn toàn có thể biểu hiện ra những thú vui hoang dã như hành hạ người khác, hành hạ động vật, đập phá đồ đạc hay tự hại bản thân.

Đa phần cái thiện không phải tự nhiên, nó là quá trình đấu tranh và lựa chọn. Khi đói và có thức ăn, bản tính tự nhiên là ăn hết, chỉ có qua giáo dục, nhận thức và suy nghĩ mới khiến người ta biết nhường nhịn, sẻ chia. Đối mặt với quyền lợi, bản chất tự nhiên là tranh giành phần mình, chỉ có đầu tranh với chính mình mới khiến người ta biết bao nhiêu là đủ.

Xã hội không dạy người ta ác, nó chỉ dạy người ta cách làm điều ác mà thôi. Ác hay không là động lực, là sự thôi thúc bên trong họ, đó mới là bản chất.

Hãy nhìn lại chính mình, nhìn những người xung quanh, ta sẽ thấy người thiện chính là do họ chiến thắng cái ác bên trong và sẽ thấy sự thỏa mãn khi làm ác, mong muốn làm ác của con người rõ ràng hiển hiện.

Trở thành một con người tốt đẹp hơn con người vốn có, là một chuỗi lựa chọn và đấu tranh. Phải nhìn rõ ra điều đó, ta mới trở về được bên trong chính mình, vì những tính ác đó là những trở lực tồn tại tự nhiên trong mỗi người. Sâu tận bên trong con người là cái thiện, là cái rỗng không, nhưng cái lõi đó lại bị bao bọc bởi muôn vàn lớp ác - cũng là những thứ tồn tại tự nhiên được sinh ra cùng với con người.

Nếu chỉ nói con người vốn thiện thì không bao giờ bỏ được những cái ác kia, chỉ có nhìn nhận nó, nhận ra rằng con người có nhiều cái ác tự nhiên thì mới đấu tranh, trừ bỏ, và quay về với cái thiện, về với chính mình - hoặc cũng không phải là chính mình nữa, là một cái ta tốt đẹp hơn.

Nhất Bảo