Có người hỏi tôi: gần đây em thấy mình thay đổi, dường như không còn là chính mình nữa. Cảm xúc nhạt hơn, gần như không xúc động vì những thứ từng xúc động trước đây. Coi hài cũng không vui, nghe những bài hát cũ cũng không còn cảm giác, cả người yêu cũng vậy. Em vẫn ăn uống, sinh hoạt bình thường như trước. Em có bị làm sao không?

Image result for đạo

Tôi đã trao đổi xong với bạn, và muốn viết bài này để bàn thêm về đạo, về các học thuyết, lí thuyết và cách chúng ta tương tác với chúng ra sao.

Rất nhiều người bảo rằng hạnh phúc nhất là được là chính mình, tôi là chính tôi.. nhưng rất ít người biết rõ chính mình là gì, biết rõ họ là ai, nên “là chính mình” lại được diễn dịch thành “khác với người khác”, hoặc “giống một nhóm nào đó”. Người ta không ở lại với chính mình mà luôn hướng ra bên ngoài để tìm kiếm, so sánh, đánh giá... rồi lạc lối.

Con người luôn luôn thay đổi. Khác nhau là ở ít hay nhiều, và quan trọng là bản thân người đó có nhận ra không. Người bạn trong câu chuyện trên đã đọc qua nhiều sách về đạo, thiền, nên biết tự quan sát bản thân và nhận ra sự thay đổi đó trên chính bản thân mình.

Khi một người tiếp xúc với lí luận, học thuyết, kiến thức, thông tin mà họ yêu thích, họ sẽ bị thu hút và đắm chìm vào trong đó, không ít người sẽ đồng hóa nó với chính mình, xem nó là chính mình.  Tất nhiên đạo lí do người khác dạy, kể cả đó là bậc thánh cao đến đâu, cũng thể nào là “chính mình” được. Thế nên sẽ có những lúc người đó “giật mình” tỉnh lại và tự hỏi đây là đâu, tôi là ai.

Đạo là con đường mỗi người phải tự mình đi, trước hết là để tìm thấy chính mình. Tất cả đạo lí, giáo lí trên đời chỉ là phương pháp, phương hướng, cách thức mà không phải là con đường đó. Con đường của một tín đồ có thể trùng ngay con đường của vị giáo chủ đã đi qua trước đó, hoặc không.

Đạo mơ hồ ở chỗ con đường đó ta chỉ có thể nhìn thấy dưới chân và vài bước ở phía trước, không bao giờ biết được còn bao xa nữa thì đến nơi cần đến, cũng không dễ gì biết con đường mình đang đi có thật sự là đạo của mình không. Chỉ có kiên cường đi tới và không ngừng tự hỏi mà thôi.

Có một đạo lí chung là: Tất cả mọi con đường đều gặp nhau ở điểm cuối. Thế nên đa phần những người bắt đầu “tu luyện” đều bám thẳng một đường mà tiến lên. Thế giới muôn màu, thiên hạ trăm đường vạn lối. Nếu chỉ đi một đường, không tránh khỏi việc phủ định, ác cảm, chối bỏ những gì không cùng đường với chính mình. Đó chính là điều những người mới nhập đạo và chưa đắc đạo phải đánh đổi - phủ định sự đúng đắn của những tồn tại khác trong vũ trụ. Nếu đi đến tận cuối con đường, khi đắc đạo, họ chính là vũ trụ, họ sẽ lại bao dung và công nhận mọi tồn tại khác ngoài chính mình. Thế nhưng trên một con đường có bao nhiêu người mới bước vào, bao nhiêu người đang đi và mấy người đi tới?

Khi tiếp xúc hoặc nghiên cứu, áp dụng một kiến thức, đạo lí mới, thì bị nó ảnh hưởng là chuyện rất thường tình. Lúc học Phật tôi nghĩ về vô ngã, vô thường, từ bi, nhân quả; Lúc đọc Kinh thánh thì luôn nghĩ về giải thoát, cứu rỗi, yêu thương, nhiệm màu; Đọc Osho thì tự hỏi về tình yêu, gia đình, giác ngộ; Ở Lão Tử thì là triết lí vô vi; Ở mấy ông dạy làm giàu thì là việc suy nghĩ có thể thay đổi cuộc đời như thế nào; Ở mấy trang phản động thì là “à thì ra sự việc còn có thể nhìn theo cách như thế”. Tất nhiên lúc mới tiếp xúc thì rất đam mê, ham hố, nên luôn nghĩ đó là chân lí, đó là chính mình, kiểu “à, mình cũng nghĩ như vậy, đây là suy nghĩ của mình, tư tưởng của mình, đạo của mình, chỉ là trước giờ mình không nhận ra”. Tất nhiên sau một thời gian thì lại nhận ra là không phải. Mà quan trọng là không phải ai cũng có thể nhận ra, chỉ những người chú ý quan sát bản thân trước khi trầm mê quá sâu và bị các tư tưởng đồng hóa.

Một số bạn trẻ rất ngây thơ, khi mới tiếp xúc với thế giới bên ngoài một ít, quay lại cho rằng những người khác các bạn là lạc hậu, ngu ngốc, là con cừu gì đó. Cũng có thể đúng vậy, nhưng nếu họ là cừu trắng thì bạn cũng chỉ là cừu đen mà thôi. Cực đoan thì rất dễ, trung dung mới khó.

Tóm lại, mọi thứ mà ta nhìn thấy, nghe thấy, đọc được, viết ra được đều là pháp - là công cụ để ta nương nhờ, sử dụng mà tìm ra đạo của riêng mình. Đắc đạo cũng không phải là phi thăng thành tiên thành phật, mà là tìm thấy chính mình, hiểu rõ thế giới bên trong và bên ngoài theo cách của mình. Muốn vậy thì cần phải học hỏi, cần phải suy nghiệm và kiểm chứng thật nhiều. Trong quá trình đó, muốn không đánh mất luôn chính mình, không bị đồng hóa thành một phần của ai khác, thì cần nhớ rõ chính mình và những thứ mình đang học, đang đọc, đang viết không phải là một.

Bài này đến đây là hết, cũng chỉ là một chút luận bàn thôi. Mong có thể giúp được những người anh em thiện lành gặp khó khăn trong quá trình học đạo.

NGUYỄN HUỲNH NHẤT BẢO
13/11/2018
Kết quả hình ảnh cho tin rác facebook

Trong bài viết này mình muốn chia sẻ một cách đơn giản nhất 3 bước lọc thông tin độc hại và trách nhiệm của mỗi người khi bấm nút share.

Điểm chung của truyền thông là nó cho ta thấy những gì nó muốn ta thấy. Ta cần nhắc mình điểm này để không sa lầy vào những cái bẫy của truyền thông.

Đưa ra sự thật là một chuyện, nhưng đưa góc cạnh nào của sự thật về phía độc giả, và dùng sự thật đó để hướng đến điều gì lại là chuyện khác. Người đọc thông minh trước hết chắt lọc ra sự thật (facts) trong những thông tin hỗn độn đó và chọn cách hiểu, cách phản ứng của riêng mình.

Phần trên là nói về các dạng truyền thông tạm xem là nghiêm túc, chính thống. Ngoài ra còn có rất nhiều dạng truyền thông tạp nham và độc hại, điều chúng mong muốn không gì khác hơn là thời gian của người đọc, chỉ vậy thôi. Còn chuyện người đọc buồn chán hay sợ hãi, u uất hay thậm chí là phạm tội thì đó là tác dụng phụ không mong muốn mà thôi.

Có nhiều cách, nhiều tầng lưới để lọc bỏ những dạng truyền thông độc hại này. Tầng lọc sơ đẳng nhất gồm có ba thứ: Tựa đề (tít), nội dung chính và tên miền.

1. Nhìn tựa đề: Tựa đề thường gây ấn tượng mạnh và thô thiển. Nội dung thường có độ kích thích cao. Tên miền thường dài và vô duyên. Ví dụ: Trai khôn không lấy gái miền Tây (yếu tố phân biệt vùng miền, phân biệt giới tính, công kích cá nhân hoặc một nhóm người, thường câu share để chửi). Hoặc: Kinh hoàng phát hiện đỉa giấu trong BVS TQ (Yếu tố an toàn vệ sinh, sức khỏe, thường gắn mác Trung Quốc). Hoặc: Phẫn nộ cảnh cháu gái đánh chửi bà cố nội (Yếu tố lợi dụng lòng thương hại hoặc căm phẫn của đám đông trước hành vi trái đạo đức (tưởng tượng))..

2. Nhìn tên miền: Nhìn vào tên miền thì thấy "tinhot24h.me" hoặc "tintucgaysoc.com" đại loại thế.

Thường thường, bằng cách nhìn tên miền đơn giản nhất, bạn có thể loại bỏ khá nhiều trang nhảm ra khỏi cuộc đời rồi. Tốt nhất là đọc những trang uy tín trước. Những trang trong tên miền có ".vn" đôi lúc cũng rất nhảm, huống gì...

3. Đọc nội dung: Về nội dung, mấy trang này nó toàn xào nấu, đưa tin từ đời nào + trí tưởng tượng của bọn nó thêm vào. Mục tiêu của mấy tin đó thì ngoài câu view chỉ có câu share. Nhiều bạn share về để chửi, để vận động người khác chửi chung. Thật ra nó đâu có quan tâm, bạn share là bạn giúp nó rồi. Còn các bạn share để cảnh báo càng đáng thương hơn, vì bạn share chuyện nó bịa ra để không chỉ bản thân bạn hoang mang mà người thân, những người tin tưởng bạn cũng hoang mang vì bạn.

Tóm lại, nếu nhìn qua một thông tin có: 1. Tựa đề gây sốc; 2. Nội dung vô căn cứ, gây sốc; 3. Tên miền lạ hoắc, nhảm nhí = Dứt khoát không share. Cách đối phó hiệu quả nhất với thể loại tin này gồm 6 chữ: bỏ qua, bỏ qua, bỏ qua! Không bàn, không chửi, không share nhé.

Đó là mức độ đơn giản nhất.

Tinh vi hơn, có những trang nó lồng những bài tốt (nghĩa là bài dựa trên sự thật, có đầu tư viết lách đàng hoàng) với những bài do bọn nó tưởng tượng (mục đích thật sự của nó). Lúc này trách nhiệm của một người share trở nên nặng nề hơn, vì mình phải hiểu đại khái về nơi mình share một bài nào đó. Nếu mình share một bài hay, đúng, hợp lý từ cái nguồn độc hại, thì đó là lợi bất cập hại, mình đang quảng bá cho sự độc hại vậy.

Bài này chủ yếu mình chia sẻ ở mức độ đơn giản thôi. Rất mong bà con dùng 3 cách sàng lọc trên khi đọc báo mạng, và khi nhấn nút share để cho thế giới mạng của chúng ta trong sạch lành mạnh hơn. Có ai đọc bài này mà hiểu và áp dụng mức độ đơn giản là mình mừng rồi, còn mức độ phức tạp thì khi khác bàn sau vậy.

Mong bà con share bài này càng nhiều càng tốt. Hãy bảo vệ chính mình và người thân khỏi cơn bão thông tin độc hại này.

NHẤT BẢO
Kết quả hình ảnh cho niềm tin

Có người hỏi tôi: Em được biết về Luật hấp dẫn, sau đó em thực hành bằng cách mua vé số và tin mình sẽ trúng giải đặc biệt, nhưng em chẳng bao giờ trúng một giải nào. Không lẽ Luật hấp dẫn không đúng?

Tôi chỉ vào chậu cây gần đó và bảo: Em hãy hình dung niềm tin của em là một con kiến. Nếu em muốn hấp dẫn một mẩu nhỏ lá cây thì điều đó sẽ khả thi và có thể thành hiện thực trong thời gian sớm nhất. Nhưng nếu con kiến muốn kéo cả chậu cây về nơi nó muốn thì sẽ ra sao?

Tôi không thích người ta cười cợt về niềm tin kiểu "thắng bằng niềm tin", "sống bằng niềm tin"... những trò đùa không vui kiểu đó chỉ làm phai nhạt niềm tin vốn đã quá ít ỏi của con người trong xã hội này.

Niềm tin có thể thu hút điều ta muốn, biến ước mơ thành hiện thực, vấn đề là niềm tin của ta nhỏ hay lớn và thời gian duy trì trong bao lâu. Một con kiến nếu muốn kéo một chậu cây có thể cần cả đời hoặc vài đời cũng không đủ. Nhưng ai bắt ta phải là con kiến?

Nếu niềm tin lớn mạnh như một người trưởng thành, thì việc dời chậu cây không phải là bất khả. Tương tự đối với con người cũng vậy, có những việc chỉ cần là người là làm được, nhưng có những điều lớn lao vĩ đại, cần phải có niềm tin mạnh mẽ hơn người bình thường.

Điều đó có thể xảy đến với ta, ngay lúc này, năm sau hoặc trong một kiếp người khác nữa không chừng. Niềm tin có thể vô cùng yếu ớt hay mạnh mẽ, nó không cần phải có căn cứ nào, chỉ đơn giản ta dám tin, thật sự tin và kiên định với niềm tin đó hay không.

Tôi không dám khẳng định niềm tin là vạn năng, bất hủ, nhưng cười cợt và đánh mất niềm tin trong cuộc sống thì thật sự là một việc đáng buồn.

NHẤT BẢO

Hình ảnh có liên quan

Tại sao Bill Gates bỏ học rồi được nhà trường gọi lại trao bằng tiến sĩ danh dự? Bởi vì khi đó những gì ông làm ra được mọi người công nhận, khi đó cái tên Bill Gates có giá trị hơn cả học vị Tiến sĩ rồi.

Bill bỏ học vì ông muốn tập trung làm một việc cần làm, nghĩa là ông biết mình cần làm gì rồi mới bỏ học.

Nói đúng ra đó là không theo học tại trường đại học nữa mà thôi. Những gì ông học hỏi và nghiên cứu khi đó còn nhiều hơn rất nhiều lần so với chương trình ở trường. Tất cả những ai bỏ học (mà thành công) đều như vậy cả. Còn những người bỏ học chỉ vì chán học, bạn cũng biết họ đang ở đâu rồi.

Einstein cũng nói đừng nên đánh giá con cá về khả năng leo cây của nó. Có thể bạn nghĩ bạn là cá, bạn không cần học leo cây, phí. Nhưng có khi nào bạn chỉ là một con khỉ lười biếng, nghe được điều đó nên tự nhận mình là cá và "dỗi cả thế giới" hay không?

Dù cho bạn có là cá thật, muốn mọi người đánh giá bạn bằng khả năng bơi, ít nhất bạn cũng cần phải khiến người ta công nhận bạn là cá!

Có bạn thì chê trách nền giáo dục, chê nội dung dư thừa, chê chế độ đánh giá không đúng năng lực... Những điều đó có thể bạn đúng, nhưng hãy nghĩ một mặt khác: đó là những tiêu chuẩn mà xã hội đặt ra, những yêu cầu mà bạn cần hoàn thành nếu muốn được xã hội công nhận theo một cách thông thường nhất. Những logarit, tích phân, hình học không gian, sinh vật đơn bào, đa bào... đơn giản là những đề mục cho một khóa thi vào trường đời theo con đường phổ thông nhất mà xã hội này có thể đưa ra cho bạn.

Một con đường hoàn toàn theo ý mình, chỉ có thể do mình xây dựng nên thôi.

“Phổ thông” là con đường được xây dựng sẵn cho tất cả mọi người, có thể nó còn nhiều ổ gà, bãi lầy... nhưng nó phù hợp với số đông. Nó như một tấm lưới sàn lọc những ai muốn lọt qua để đi tiếp về phía xã hội kia. Hãy xem xã hội là một nhà tuyển dụng, và chương trình phổ thông, đại học là những yêu cầu nhà tuyển dụng đưa ra. Bạn có hỏi nhà tuyển dụng là tại sao đưa ra yêu cầu như vậy, hoặc yêu cầu họ thay đổi nội dung yêu cầu được không? Được, mà phải giỏi - phải khiến người ta công nhận bạn giỏi.

Bạn không muốn đi con đường phổ thông mà xã hội xây dựng cho mọi người? Cũng được, vậy đi đường nào? Bạn nói học những môn “không có áp dụng gì trong thực tế” làm lãng phí thời gian và công sức của bạn. Vậy công sức và thời gian đó dùng vào việc gì sẽ có ích hơn?
Tóm lại, không biết làm gì thì lo học trước đi.

NHẤT BẢO
Kết quả hình ảnh cho SỨC KHỎE

Sáng nay khi đồng hồ báo thức reo lúc 4:24, tôi tỉnh dậy và thấy người lạnh toát, trời thì rả rích mưa. Bước ra khỏi phòng, không khí bên ngoài ẩm và lạnh hơn làm tôi hắt xì liên tục. Trong vừa đánh răng rửa mặt mà nước mũi chảy ròng ròng, hỉ ra mãi không hết, lại hắt xì gần chục cái, đầu nóng lên... Cơn sốt đến nhanh như một cơn mưa rào giữa trời đang nắng gắt.

Tôi lấy cái áo mặc vào, xức dầu lên thái dương và mũi, uống một ly trà nóng rồi chui vào góc phòng, bỏ qua mấy chủ đề hôm qua nghĩ tới, tôi kể cho các bạn nghe câu chuyện về sức khỏe của tôi.

Sức khỏe, hay sức sống của một người giống như đồ thị hình sin, hay hình tượng hơn là như một quả đồi thấp vậy, khi lên đến đỉnh cao là lại bắt đầu đi xuống, khác nhau ở độ cao và chiều rộng của đỉnh đồi thôi. Tôi không rõ mình đã đến đỉnh đồi chưa, nhưng có những dấu hiệu của sự suy giảm về sức khỏe và sức đề kháng rõ rệt.

Độ 3-4 năm trở lại đây, tôi rất hay bệnh vặt. Cứ mỗi mùa mưa hay trời trở lạnh là lại bị cảm lạnh, ho, đau họng. Có những cơn ho kéo dài mấy tuần khiến tôi rất mệt và nhức đầu. Tôi bắt đầu ngại những cơn mưa và cũng còn đi nhiều ngoài nắng - những điều trước đây tôi chưa bao giờ phải quan tâm.
Hồi nhỏ tôi rất ưa tắm mưa, cứ mưa lớn lớn chút là tắm. Sau lớn lên lúc học cấp hai, cấp ba tôi cũng ít khi nào mang theo áo mưa đi học, đi về gặp mưa là tắm luôn thôi. Ra trường, đôi lúc cũng dầm mưa chạy luôn về nhà, hoặc đôi khi mặc áo mưa chạy vòng vòng thành phố, coi mưa chơi vậy thôi. Mấy chuyện đó ngày xưa tôi làm mà chẳng nghĩ ngợi gì, chỉ thấy mát mẻ, thoải mái vậy thôi. Ngày nay, tôi thấy mưa như thấy những cơn cảm lạnh...

Hồi mười mấy tuổi tôi có học Karatedo được ít lâu, khi đó ngày nào cũng hít đất, nhảy xổm, luyện quyền hơn 2 tiếng mà vẫn thoải mái vô tư. Bây giờ hít liên tục 5-7 cái là nằm luôn đó, đứng tấn thì 2 phút là chân run muốn xỉu, đấm đá vài cái là gập người thở dốc như sắp hết hơi. Chỉ còn mỗi đi bộ là khá bền, đi khoảng 10km vẫn ổn, chắc do cái này ít tốn sức nhất.

Sau mấy năm học đại học và ngồi văn phòng, tôi tăng 20kg, sức khỏe giảm 30-40%. Quá trình này cũng không phải dễ dàng gì, đó là cả một sự tiêu hao có bài bản.

Thay vì vận động và tập võ, tôi ngồi máy tính mỗi ngày 14-15 tiếng. Vào đoạn thời gian mê game, có khi tôi chơi 2 ngày liên tục không nghỉ. Thức trắng đêm, chơi game đến 6-7 giờ sáng thì ngủ, 1-2 giờ trưa thức dậy ăn uống rồi tiếp tục chơi... Sau khi nghỉ game cũng vẫn thức đến hơn 2 giờ mới ngủ, nhiều khi chẳng để làm gì, vừa ngồi đọc truyện vừa ngủ gục, vậy mà nhất định không chịu lên giường trước 2 giờ. Ngày nào cũng hít đủ một khoanh nhang muỗi 8 tiếng, không sót ngày nào.

Thức đêm thì đói, đói thì ăn. Nào là các loại bánh snack, bánh ngọt, mì gói, nước ngọt, đôi khi thêm cả trái cây cho đỡ ngán. Đêm nào cũng ăn, có nhiều lúc nhìn bịch rác còn lại sau mỗi đêm mà tôi cũng ớn, không hiểu sao mình ăn được vậy luôn.

Thức đêm tất nhiên cũng có cái hay và hấp dẫn riêng của nó, nhưng tập thành thói quen rồi thì đến lúc chán ngán vẫn bỏ rất khó. Điều này làm tôi giảm sức khỏe, giảm đề kháng, và tăng cân. Tăng hẳn 20kg nhé, tập trung chủ yếu ở bụng, đùi, mông -_-

Tôi nhớ hoài, trong quyển “The time machine” của H. G. Wells có mô tả về thế giới tương lai, nơi loài người tiến hóa và chia thành hai thế giới. Một thế giới của những người lao động chân tay và sống nơi u tối, họ phát triển các cơ, lông lá như những con thú. Còn thế giới của những kẻ quý tộc, giàu có thì các cơ thoái hóa, chỉ có bộ não là phát triển, tay chân teo tóp lại như người ngoài hành tinh và sức khỏe yếu vô cùng.

Đôi lần tôi cũng cảm giác mình đang thoái hóa đi như vậy, trên ghế, trước máy tính, mà chẳng giàu lên chút nào.

Người ta tiêu hao sức khỏe để đổi lấy tiền, sau này chữa bệnh, còn tôi phung phí sức khỏe vì cái gì? Chẳng có câu trả lời nào nhưng tôi vẫn không dừng lại được.

Nếu hỏi một người bình thường điều gì là quý nhất trong cuộc sống, có lẽ họ sẽ nói là tình yêu, sự nghiệp, danh vọng, niềm tin hay một điều gì đó, rất ít người nhớ rằng sức khỏe mới là cái gốc để họ thực hiện tất cả mọi điều trên.

Tôi thấy nhiều người trẻ cũng như tôi ngày trước, khi đang có sức khỏe thì tiêu phí vô tư, đêm thức ngày ngủ là chuyện bình thường, thậm chí còn một số trò tiêu phí nhanh hơn một chút. Đôi khi muốn khuyên mà chẳng biết làm sao.

Cũng như việc chơi game, có những trò chơi rất là vô bổ, chẳng ý nghĩa gì, nhưng chỉ có đứa nào chơi rồi mới biết, còn mấy đứa chưa chơi thì nói nó chẳng tin. Lúc còn sức khỏe dồi dào chẳng đứa nào tưởng tượng được đến lúc mình suy yếu sẽ ra sao, dù có bao nhiêu tấm gương trước mắt cũng vậy.

Tôi cũng có phần may mắn. Tiền vốn còn lại của tôi chính là việc hễ thật sự muốn làm điều gì là tôi làm được. Đang thức 2-3h sáng mỗi đêm, tôi làm ra thử thách 30 ngày dậy sớm, thế là cứ 10h-11h tôi đi ngủ, nằm xuống là ngủ được luôn, và cứ nghe đồng hồ reo là thức. Sau khi thực hiện thành công thử thách đó, tôi vẫn tiếp tục dậy lúc 4:30 mỗi ngày, mấy ngày sau này tôi tập thể dục, đọc sách và viết một chút gì đó mỗi sáng. Những cảm nhận và chia sẻ từ thử thách dậy sớm này tôi có làm video mỗi ngày, post trên youtube:

https://www.youtube.com/playlist?list=PLYagToaLb5DKFwTAkR8Ad7xNT8Veqo3P7

Sức khỏe là gốc, nó không chỉ ảnh hưởng đến các hoạt động vật lý mà còn tác động nhiều đến tinh thần chúng ta. Có sức khỏe tốt thì tinh thần cũng tốt, nó giúp ta chịu được áp lực và suy nghĩ được nhiều điều hay hơn... Rèn luyện sức khỏe thì tùy vào điều kiện và sở thích của mỗi người, nhưng quan trọng nhất là giữ gìn, đừng hoang phí.

Tôi nghĩ rằng từ sau #The30EarlyDays, tôi sẽ ngừng việc hoang phí sức khỏe và tập nhiều thói quen tốt hơn. Không chắc rằng hiện giờ nếu luyện tập và ăn uống hợp lý thì có thể nâng cao sức khỏe hay không, nhưng ít nhất tôi sẽ giữ cho nó đi xuống chậm nhất có thể.

Hôm nay tôi kể câu chuyện này, hi vọng những bạn trẻ hữu duyên đọc được có thể xem xét lại tình trạng của bản thân, và thay đổi ít nhiều, bỏ qua thói quen xấu, tránh hoang phí sức khỏe và tập trung làm những việc có ích cho cuộc đời của chính các bạn nhiều hơn.

Còn nếu không, thì ai cũng có một đời, cuộc đời nào rồi cũng sẽ qua thôi.

Chúng ta cũng chỉ là những hạt bụi trong sa mạc cuộc đời, ai có thể quan tâm mình, thay đổi mình, ngoài chính mình đây chứ.

Nếu mình còn bỏ mặc mình, thì người khác cũng chỉ lướt qua thôi.

NHẤT BẢO

Sáng nay có bạn pm cho mình, bảo rằng bạn luôn bị điểm kém trong môn writing nhưng không biết phải khắc phục từ đâu để nâng cao điểm số. Nhân đây mình chia sẻ lại một số ý đã trả lời với bạn để những bạn nào cần tham khảo nhé.

Muốn biết nguyên nhân bị điểm thấp, hay làm thế nào để đạt điểm cao, cần lưu ý và khắc phục ở những điểm trừ. Sau đây là những điểm trừ có thể gặp trong môn viết, từ cơ bản nhất đến nâng cao nhất. Các lỗi càng cơ bản càng bị trừ nhiều điểm nhé.

Cơ bản nhất chính là lỗi chính tả và ngữ pháp. Không giống môn nói hay nghe có thể “thông cảm” một số lỗi ngữ pháp hoặc phát âm, môn viết cực kỳ quan trọng chính tả và ngữ pháp. Muốn nâng cao chỉ số này thì chỉ có cách là học nhiều, tập viết nhiều mà thôi. Nên chú ý viết câu càng đơn giản càng tốt để tránh sai ngữ pháp, chưa quen thì cứ viết câu đơn (chủ ngữ, động từ, tân ngữ) là được rồi. Chú ý dùng thì cho hợp trình tự thời gian nữa là ổn (chủ yếu là hiện tại đơn, tiếp diễn, hoàn thành, quá khứ đơn, tương lai đơn, đôi khi quá khứ hoàn thành thôi). Lỗi này với những giáo viên nghiêm khắc có thể trừ 0,5-1đ/lỗi.

Qua được lỗi chính tả và ngữ pháp chính là lỗi về ngữ nghĩa. Có nghĩa là cách diễn đạt không theo văn phong tiếng Anh. Trường hợp này xảy ra là do người viết nghĩ theo tiếng Việt rồi dịch ra. Nên biết vốn từ tiếng Việt của ta chênh lệch rất lớn với tiếng Anh, nếu dịch ra thì chắc chắn ta sẽ không đủ từ vựng (nên phải tra từ điển, rồi dẫn đến viết một bài văn kiểu google translation). Muốn biết ví dụ buồn cười về nghĩ tiếng Việt, viết tiếng Anh bạn cứ chép một bài văn lên google translate là rõ. Nhiều bạn viết như vậy luôn đó. Muốn không mắc lỗi này thì nên tập suy nghĩ bằng tiếng Anh, dùng vốn từ của riêng mình để diễn đạt điều muốn nói. (ví dụ như bạn không biết chữ “resize” có thể dùng “edit something size”)

Sai cấu trúc. Một paragraph cần gì, một essay là như thế nào... những yêu cầu cơ bản nằm trong kiến thức nền khi viết hay nói đơn giản là công thức của bài văn mà bạn được yêu cầu viết chính là lỗi tiếp theo cần khắc phục. Dù bạn viết văn hoa cỡ nào mà paragraph không có topic sentence (hoặc topic sentence không chuẩn) cũng bị trừ điểm nặng. Một essay cũng vậy, các đoạn phải bổ sung, hỗ trợ hoặc tương phản nhau, phải kết dính với nhau thành một khối và mở đầu bằng opening paragraph, kết thúc bằng concluding, phải có thesis statement đạt yêu cầu. Nên nghiên cứu kỹ phần lý thuyết được học về vấn đề này.

Viết lạc đề và không trôi chảy. Vấn đề tưởng như dễ ăn này lại khiến nhiều bạn bị trừ điểm do không hiểu rõ đề bài, hoặc do chọn ý sai dẫn đến lan man, không bám sát nội dung cần nói. Chú ý tập trung vào từng paragraph, viết ngắn gọn và bám theo topic sentences của các paragraphs. Nên dùng các từ chuyển tiếp câu, đoạn (firstly, secondly, however, on the other hand....) để dẫn dắt người đọc cũng như chính mình.

Dùng các biện pháp nghệ thuật hoặc điểm ngữ pháp được dạy. Cái này áp dụng cho các bạn học sinh, sinh viên dùng để “qua môn” nhé. Lưu ý làm sao chèn vào những gì được học trước đó (các thì, cách so sánh, cấu trúc...) vào bài viết thì sẽ được điểm cao hơn.

Có quan điểm cá nhân. Tùy vào chủ đề mà thêm vào cảm nhận cá nhân nhiều hoặc ít. Dùng thêm những hình ảnh bóng bẩy, các thành ngữ... sẽ là những điểm cộng.

Khắc phục đươc 6 điểm nêu trên điểm viết của bạn sẽ cải thiện vô cùng đáng kể, trên 6 điểm là chắc, hehe. Cứ làm từ thấp đến cao nhé, có nền tảng mới xây lên được. Ngoài ra thì nên đọc các bài viết mẫu để làm quen cách hành văn tiếng Anh, học hỏi cách triển khai và phân tích, học từ vựng... Kiến thức nền (background knowledge) cũng rất quan trọng nhưng là phần phụ thêm thôi, bạn đọc nhiều thì chủ đề nào cũng viết được. Và phải viết nhiều thì mới quen được. Khi quen rồi thì mọi thứ chỉ như công thức giải toán vậy, áp dụng vào là giải được bài thôi.

Chúc bạn đạt điểm cao với môn Writing nhé.

NGUYỄN HUỲNH NHẤT BẢO


Tôi may mắn được nghe một câu chuyện đơn giản về hạnh phúc từ khi còn nhỏ. Vì nó rất đơn giản nên tôi hiểu ngay, nhưng để chấp nhận nó thì mãi sau này tôi mới làm được.

Chuyện kể rằng một buổi sáng đẹp trời, mèo mẹ thấy mèo con chạy khắp sân, đôi lúc lại xoay vòng vòng, nó đang đuổi bắt cái đuôi của chính nó. Mèo mẹ hỏi mèo con vì sao lại làm vậy. Mèo con trả lời rằng có người nói cho nó biết hạnh phúc nằm trên cái đuôi của nó. Mèo mẹ cười và nói rằng con đừng đuổi theo nó nữa, hãy cứ bước đi bình thường và nó sẽ đi theo con.
Hạnh phúc là thứ người ta đi tìm nhiều hơn người ta có, mà lúc có thì họ lại không hay.

Hạnh phúc là thứ người ta cố định nghĩa nhiều hơn là cảm nhận.

Người ta mê nó tới mức đặt ra một ngày gọi là "quốc tế hạnh phúc" nữa kia.

Bạn có hạnh phúc không?

Lần cuối cùng bạn hạnh phúc là khi nào?

Cần phải có điều gì, ở trong tình trạng nào thì bạn mới hạnh phúc?


Một câu chuyện khác của nhà Phật cũng nói về hạnh phúc: nó là sự từ bỏ cái tôi và ham muốn.

Tôi cho rằng một khái niệm nhầm lẫn cơ bản và phổ biến nhất là "truy cầu hạnh phúc".

Hạnh phúc không cần phải truy cầu, nó cần dừng lại và cảm nhận. Hãy để dành năng lượng của sự truy cầu đó cho việc khác. Hãy làm việc gì đó khi bạn muốn làm việc đó, không phải làm để có hạnh phúc. Sự truy cầu nào cũng chỉ dẫn đến hai kết quả: thành công hoặc thất bại. Thành công không đồng nghĩa với hạnh phúc, dù đôi lúc cũng có sự nhập nhằng, kéo theo.

Nếu bạn đặt hạnh phúc ở một mục tiêu nào đó ở nơi xa, thì khi bạn đạt đến mục tiêu đó, hạnh phúc của bạn sẽ chạy ra xa hơn nữa. Và bạn lại tiếp tục quá trình "truy cầu hạnh phúc". Điều khổ nhất chính là bạn chẳng bao giờ thấy hạnh phúc trong cả quá trình gian khổ đó, để rồi đến đích cũng không gặp hạnh phúc luôn.

Hạnh phúc không phải là một điều kiện
Bậc cha mẹ hạnh phúc khi thấy con cái thành đạt. Người yêu hạnh phúc khi thấy người mình yêu hạnh phúc. Đây có vẻ như là những lý do thiêng liêng và cao thượng mà con người ta bất chấp vì nó mà hi sinh. Nhưng đó lại là một sai lầm, là một ràng buộc, một điều kiện của hạnh phúc. Con cái không thành đạt thì cha mẹ khổ? Người kia phải hạnh phúc để người này được hạnh phúc?

Chúng ta chỉ đang ràng buộc nhau bằng những sợi tơ mềm mại hoặc những sợi gai xù xì, ta kéo nhau về phía mà ta cho là hạnh phúc, trong khi cả quá trình là một sự khổ đau.

Hạnh phúc là một trạng thái tự thân
Để có một gia đình hạnh phúc, một xã hội hạnh phúc, mỗi con người cần phải tự nhận thức hạnh phúc của bản thân. Tồn tại đã là một loại hạnh phúc, được hít thở là một hạnh phúc, cơ thể khỏe mạnh là hạnh phúc... tập trung vào những gì ta đang có là hạnh phúc.

Đừng bao giờ tập trung vào những gì ta đã mất, ta chưa có, ta muốn có... tất cả những điều đó đều không thật, đều là khổ đau.

Hạnh phúc là sự lan tỏa
Khi đã nhận thức được hạnh phúc của bản thân mình, đã hạnh phúc, thì mỗi người sẽ tỏa ra năng lượng hạnh phúc đến người xung quanh.

Cha mẹ cần phải hạnh phúc thì mới mong san sẻ hạnh phúc cho con cái họ, nếu con cái thất bại, cha mẹ sầu lo buồn khổ thì chẳng phải làm cho sự việc càng phức tạp, khó xử hơn sao? Chưa kể là nếu vì vậy mà đau bệnh thì càng thêm rối. Cần phải vững vàng, vui vẻ thì mới làm chỗ dựa cho người khác được. Cần phải có hạnh phúc thì mới có thể cho đi. 

Thật ra, có một cách để truy cầu hạnh phúc.
Mỗi người đều không dễ dàng đạt được hạnh phúc tự thân, không dễ dàng nhận ra hạnh phúc bên trong mình. Nếu cần phải làm một điều gì đó để đạt được hạnh phúc, để nhận ra hạnh phúc bên trong bản thân mình thì điều đó chỉ có thể là: làm cho người khác hạnh phúc.

Như đã nói trên, một người hạnh phúc mới có thể làm cho người khác hạnh phúc. Ngược lại, nếu ta có thể làm cho một ai đó hạnh phúc, thì ta cũng đã có phần hạnh phúc của mình trong đó rồi. Đây là một sự thực tập, một thí nghiệm của sự tốt đẹp.

Hãy nghĩ về những điều tốt đẹp, hãy nói lời hay, hãy hành động giúp người và cảm nhận xem người mà ta giúp có hạnh phúc không. Nếu người đó hạnh phúc thì bạn thành công rồi. Hãy thật cẩn thận đừng tạo ra những ràng buộc và điều kiện (như đã nói ở trên).

Rồi sau cùng, tất cả chúng ta đều sẽ nhận ra, hạnh phúc là vô điều kiện, hạnh phúc là vô cầu.

Và hạnh phúc là nhận ra điều đó càng sớm càng tốt.

Chúc bạn hạnh phúc, bây giờ.

NGUYỄN HUỲNH NHẤT BẢO

Mình vừa thấy mấy bạn nữ share một tin cảnh báo có thể bị "trộm tóc" ngoài đường, với mấy bạn tóc dài, vì nghe nói bây giờ tóc bán có giá.

Cách đây gần một năm, nhà mình bị cướp con chó. Chính xác là cướp. Hai thằng đó bắt con chó ngay trước mặt mẹ mình. Tới nay mẹ mình còn ám ảnh.

Vài hôm trước thì có một page nào đó đưa cái clip tổng hợp những màn cướp giật ngoài đường. Rồi TV thì đưa clip dạy cách phòng thủ khi bị giật đồ, thậm chí là bị giật trẻ con giữa đường.

Cướp tóc, nghe khó tin và khó tưởng tượng đến vậy. Bọn chúng còn cướp cả trẻ con đấy thôi. Đỡ nhất là bán làm con nuôi, cũng là ít nhất vì nguy cơ bị lộ cao. Tiếp đến là chăn dắt ăn xin. Và tệ hơn là mổ xẻ lấy nội tạng mà bán.

Tại sao xã hội chúng ta lại đi đến bước này? Nguyên nhân do đâu? Chỉ hai từ thôi: dục vọng.

Ngày nay, không một thằng trộm chó, bán ma túy, bắt cóc trẻ con, cướp của giết người nào phải làm những việc đó để có tiền mua gạo cho mẹ già hay mua sách cho con thơ đi học cả. Bọn nó kiếm tiền để ăn chơi, hoặc để trả nợ từ những cuộc chơi trước đó. Tất cả là dục vọng.

Dục vọng còn đến từ chính chúng ta - những người đang hưởng thụ và tìm kiếm sự hưởng thụ ngày càng nhiều, quá nhiều hơn mức cần thiết.

Vì sao có trộm tóc, nếu không có nhu cầu mua tóc giả? Vì sao có trộm chó, nếu nhu cầu ăn thịt chó không quá cao so với số thịt mà mấy quán thịt chó có thể có bằng con đường chân chính không trộm cắp? Vì sao có chuyện buôn bán nội tạng?

Rồi đến chuyện ăn uống ngày nay cũng đang nóng sốt. Hôm nay TV đưa tin người ta có thể bị xử tù nhiều năm nếu dùng chất cấm trong chăn nuôi, nhưng còn nhiều bất cập, vì không biết nên xử lý người nuôi hay đầu nậu thu mua. Chưa kể đến rất rất nhiều vụ tẩm hóa chất độc hại vào thức ăn để bảo quản, đổi màu, nhuộm màu... Không phải vì ta muốn ăn nhiều, ăn nhanh, ăn rẻ sao? Không phải người nuôi muốn nhanh xuất chuồng, muốn rau năng suất cao, muốn bảo quản lâu sao? Không phải người bán buôn muốn lời nhiều hơn sao? Không phải dục vọng cả hay sao?

Chính là một chuỗi dài những dục vọng đã đưa chúng ta đến ngày nay.

Vì lẽ đó, mỗi người chúng ta có thể cứu lấy thế giới này bằng cách giảm bớt dục vọng của bản thân, bỏ qua những nhu cầu hưởng thụ không cần thiết, thậm chí là hi sinh bớt những nhu cầu cần thiết nữa. Đó là cứu mình và cứu người vậy.

Nếu ta cảm thấy tất cả nhu cầu hưởng thụ của bản thân mình là chính đáng, là cần thiết, thì tất cả những người khác cũng vậy. Rồi chúng ta sẽ giết nhau như vậy.

NGUYỄN HUỲNH NHẤT BẢO