Trong dòng đời hối hả ngược xuôi, người ta thường hướng về một cuộc sống bận rộn, hoặc ít ra cũng là có việc gì đó để làm. Họ ước một ngày nhiều hơn 24 tiếng, họ kêu than về những deadlines (một cách tự hào), họ nói về những thành tích trong quá khứ và những dự định tương lai... Người ta bài bác sự rảnh rỗi, tôn vinh sự bận rộn bằng nhiều hình thức khác nhau như “nhàn cư vi bất thiện”, “lao động là vinh quang”...

Ngoài các tu sĩ, thiền sư Phật giáo, rất ít ai nói về “biết đủ” hay tìm hiểu về sự rảnh rỗi. Người ta lúc nào cũng phải tìm một việc gì đó để làm. Tôi lớn lên trong sự hoang mang và ám ảnh về việc “bận rộn mới là tốt” như thế. Và một ngày tôi đọc được một bài viết có tựa đề “Rảnh nhưng không nhảm”

Chuyện đó xảy ra rất lâu rồi, bài viết đó được đăng trên một blog cá nhân, bây giờ tìm lại không thấy nữa. Người viết là nữ, dường như làm nghề viết văn hay sao đó. Tôi chỉ nhớ là bài đó nói về việc làm sao để được rảnh rỗi, và làm gì để không nhảm nhí, ấn tượng nhất là cái tiêu đề “rảnh nhưng không nhảm” đến nỗi sau này tôi chọn đó làm mục tiêu cho cuộc sống của mình.

Tôi từng có dịp tiếp chuyện một vị tiến sĩ rất nổi tiếng với nhiều bằng sáng chế và có nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước. Khi nghe chú ấy kể về quá trình vượt khó và những thành tựu trong đời, tôi cảm thấy năng lượng tràn trề, tâm huyết dâng cao, cũng muốn cống hiến cho đời một điều gì đó, muốn làm nên sự nghiệp một phen... Nhưng tôi hơi chững lại khi chú so sánh hình ảnh những người ngày ngày ngồi quán cafe là “những xác chết biết đi”.

Ngồi cafe không phải là việc gì hay đối với xã hội, hay với bản thân chú, thậm chí với tôi cũng không có gì hay, nhưng đâu hẳn là nó không có ý nghĩa nào với bản thân những người đó? Và tôi tự hỏi “lao động là vinh quang” phải chăng cũng là một kiểu đánh đồng, giống như chú đang làm?!

Trong một cuộc hội thảo khác, một vị tiến sĩ bảo rằng một trong những điều kiện cần của tư duy sáng tạo là mong muốn được làm việc. Tôi đã hỏi ông rằng: thưa thầy, vậy làm sao để có được mong muốn đó, trong khi con cảm thấy bản thân mình đã đủ, không mong có thêm gì. Thầy trả lời rằng: Vậy con hãy nghĩ về những người xung quanh, họ cần gì, con hãy làm việc vì họ.

Tôi im lặng và ghi nhớ câu trả lời đó. Và sau đó tôi nhận thấy những người xung quanh cần quá nhiều điều. Nhu cầu đó là vô tận, khi đáp ứng cái này họ lại cần cái khác cao hơn. Thậm chí nhiều khi những gì họ nghĩ họ cần không thật sự cần. Nếu chạy theo những nhu cầu như vậy, người ta chẳng bao giờ có thể dừng chân.

free-time
Ảnh: The Hero Journal

Tôi nghĩ, nếu tôi làm vậy, thì ai đó sẽ phải làm việc vì nhu cầu của tôi, và mọi người sẽ phải đáp ứng nhu cầu của người khác? Vậy sao mọi người không thể cảm thấy đủ như tôi?

Nếu ai cũng tự lo được cho mình, thì chuyện quan tâm người khác không còn là nghĩa vụ. Và quan trọng là những thứ nhu cầu không còn làm khổ được ai.

Khi đầy đủ và an vui, người ta có thể quan tâm nhau một cách tự nguyện và thoải mái, thay vì bị kéo chìm vào những đau khổ, ưu tư của nhau.

Đời tôi hôm nay đi đến bước này cũng có nhiều cơ duyên lắm. Như đã nói ở các bài trước, tôi làm việc, kiếm tiền, tích lũy, đầu tư... tất cả chỉ vì để được rảnh rỗi. Rảnh nhưng không nhảm! Rảnh rỗi để làm điều tôi yêu thích.

Gần đây, có người bảo rằng nhờ theo dõi những bài viết, cách ứng xử của tôi mà đã thay đổi, cuộc sống trở nên nhẹ nhàng hơn, và mong một lúc nào đó sẽ có được sự “ung dung” như tôi vậy. Sự thật là nếu người đó biết đến tôi từ 5 năm trước, hẳn là điều đó đã không xảy ra. Tôi thấy vui vì mình đã không bỏ cuộc khi đi trên con đường “rảnh nhưng không nhảm” này.

Ngày tôi mới viết những dòng status đầu tiên từ chính suy nghĩ của mình, tôi đã nhận rất nhiều những góp ý như vậy. Bạn bè tôi ngạc nhiên và không quan tâm nữa, những người xa lạ thì nghi ngờ, hỏi xéo hỏi xiêng... Tôi là ai mà nói những lời này? Tôi thường nhận các comment kiểu “Hãy dành thời gian để làm việc gì có ích hơn đi”.

Từ những chuẩn mực thành công của xã hội, những lời dè bỉu, chê bai, cho đến những lời khuyên chân thành của những người xung quanh, ai ai cũng thúc giục tôi hãy làm khác đi, hãy tìm nhiều việc hơn, kiếm nhiều tiền hơn, đừng nên rảnh rỗi suốt ngày lý sự, chẳng được gì đâu...

Đến hôm nay, tôi thậm chí không tưởng tượng được mình sẽ thành công đến đâu, hay trở thành người như thế nào nếu nghe theo những lời khuyên đó. Tôi chỉ chắc chắn rằng dù có thành công và danh vọng cao đến đâu đi nữa, tôi cũng không hứng thú bằng sự “rảnh rỗi” hiện nay. Càng đi trên con đường này, tôi càng gặp nhiều dấu hiệu chứng tỏ nó là con đường đúng đắn, con đường của chính mình.

Vậy tôi rảnh rỗi để làm gì? Ngoài rất ít thời gian viết lên Facebook, tôi post bài lên blog, làm video, đọc sách, đọc các bài viết trên mạng về những chủ đề khác nhau, nghiên cứu tâm linh và các giới hạn của cơ thể người, tập thể dục để cải thiện sức khỏe, và đôi khi ngồi im để quan sát suy nghĩ của mình thôi. Tôi cũng trả lời câu hỏi, chia sẻ, bình luận về một ít việc xã hội để giúp đỡ cho những người cần giúp. Đó là những gì tôi làm khi rảnh rỗi.

Nhất Bảo
rocks-balancing-on-driftwood--sea-in-background-153081592-591bbc3f5f9b58f4c0b7bb16
Ảnh: Lifewire

Có người từng nhận xét tôi: "Sau một thời gian không biết xếp anh vào loại nào, cuối cùng nhận ra anh thuộc nhóm tư tưởng cực đoan". Có lẽ người đó đúng, có điều tôi cực đoan theo cách không ngả theo bên nào, cực đoan đứng trung lập trong mọi tình huống.

Người thật sự trung lập là người hiểu nhiều phía, công nhận mọi phía nên không thiên về bên nào. Điều này khác với "ba phải" là ai nói gì cũng thấy đúng mà không biết rõ đúng-sai, khác với "gió chiều nào xuôi chiều ấy". Người trung lập rất dễ nhầm với người hoàn toàn không có lập trường.

Xã hội ta đang sống, xét theo một khía cạnh vẫn là tồn tại theo bè phái. Từ tư tưởng, đạo đức, chính trị, dân tộc... vẫn chỉ công nhận những người cùng quan điểm, cùng đặc điểm với mình và ít nhiều phủ nhận, khinh ghét, thù địch với những người không cùng phe.

Bởi vậy nên chuyện nhất quyết ngã hẳn theo một phía nào đó được tuyên dương nhiều nhất. Anh phải chọn một phe và tận trung với nó, thì sự tồn tại của anh mới có ý nghĩa, hay nói đúng hơn là mới được người khác công nhận. Chuyện kiên định tuyệt đối với một lý tưởng nào đó cũng không hề dễ dàng.

Nhưng kiên định, cực đoan bảo trì trung lập còn khó hơn. Người trung lập, tôi hình dung giống như những char hybrid trong game. Người khác có thể tăng full strength, full vitality hay Agility để đi thuần theo sức mạnh, tanker hay damage dealer. Điều đó sẽ giúp họ mạnh lên rất nhanh vì tính chuyên nghiệp, tập trung một hướng. Còn char Hybrid phải tăng toàn diện hoặc 2-3 thuộc tính cùng một lúc, sự phân chia điểm vào các thuộc tính khác nhau sẽ khiến họ tiến chậm hơn trong giai đoạn đầu, nhưng sẽ thành trùm về cuối. Vấn đề là có mấy ai chịu nổi sự yếu đuối, bất lực, lạc lõng và bị khinh ghét đến cuối game?

pexels-photo-317157
Photo: Melody Wilding

Điểm khó của trung lập là phải hiểu rõ tất cả mọi phía để biết phía nào khi nào đúng, khi nào sai và không phủ nhận cả cái đúng và cái sai của mọi phía. Trong khi phe cực đoan thì chỉ chăm chăm vào cái đúng của mình và cái sai của đối thủ, đó là sự khác biệt cơ bản.

Trung lập cũng khó vì không có đồng minh. Trong điều kiện bình thường thì chơi chung với ai cũng được, nhưng khi có xung đột thì không ai đứng sau bảo vệ anh cả. Mọi nhà đều đóng cửa, chỉ nhận phe của họ mà thôi. Thậm chí khó hơn là ngay cả những người trung lập cũng không mấy người chấp nhận nhau.

Cảm giác đơn độc khiến tôi nhiều lần hoài nghi chính mình, liệu đây có phải là một con đường thật sự hay chỉ là sự tưởng tượng, chỉ là ngộ nhận? Nhiều lúc tôi đã muốn ngả về một hướng nào đó cho xong...

Nhưng càng về sau tôi càng vững vàng và thoải mái hơn khi giữ mình trung lập. Tôi yêu thương và chấp nhận càng nhiều người hơn. Tôi xem mọi người là bạn, họ xem tôi là gì cũng chả sao. Những người nghi ngờ tôi, tôi cũng không chấp nữa, vì chính bản thân tôi cũng nghi ngờ mà.

Điều đáng quý nhất chính là trên đường tôi đã gặp nhiều người cũng giống như tôi, có người đi trước, có người đi sau nhưng tất cả đều đi trên con đường do chính họ định hướng. Họ không cổ xúy hay bài xích người khác, điều họ ghét chỉ có một: chính là những người tìm cách điều khiển người khác bằng các quy định, luật lệ... Gặp những người như vậy tôi thấy rất vui.

Những người trung lập không hề mong muốn thay đổi cuộc đời, cũng như tôi, chỉ mong mỗi một người đều có thể sống tự nhiên nhất với chính mình là đủ.

Nếu không thì cũng chả sao.

Nhất Bảo