Tối nay mình lại viết bài, và như mọi hôm, trước 12 giờ khuya mình vẫn chưa nghĩ ra là sẽ viết gì. Vì điều này đã diễn ra hơn 2 tuần rồi nên hôm nay mình tự nhủ sẽ bắt đầu viết trước 9 giờ tối, nhưng loay hoay mãi vẫn chưa nghĩ ra chủ đề gì. Có một vài bạn trên facebook pm nói chuyện, sẵn tiện mình hỏi xem các bạn có chủ đề nào gợi ý mình với, có bạn thì nói: “Anh không biết viết gì thì thôi ngủ sớm đi”, nhưng khá ngạc nhiên là nhiều bạn lại nói rằng “Anh viết về em đi” “Anh kể chuyện tình yêu của em đi”… Và thế là vừa qua 12h đêm một tí mình quyết định bài viết này sẽ có tựa đề là “Ta quan tâm ai và ai quan tâm ta?”

Ai quan tâm ta?

Nói một cách phũ phàng, thực tế, trực tiếp và chính xác nhất là: Chẳng ai cả!

Cũng giống như ví dụ nói trên, điều mà người ta quan tâm trước tiên và nhiều nhất là bản thân họ. Có một dạo nhiều đoạn mã rác và lừa đảo người dùng add tất cả bạn bè của họ vào một cái group vớ vẩn nào đó trên facebook mang tên “Ai quan tâm bạn nhất?” “Ai vào FB bạn nhiều nhất?”… được rất nhiều sự ủng hộ cực kỳ nhiệt tình của những người dùng “ngây thơ”. Vì sao? Vì điều đó quá hấp dẫn! Người ta đều muốn biết ai quan tâm đến họ nhiều nhất. Họ luôn nhìn quanh tìm kiếm sự quan tâm. Phải chăng vì nó quá thiếu thốn? Phải chăng ai cũng bận quan tâm xem ai quan tâm đến mình nên chẳng còn tâm trí đâu mà quan tâm người khác?!

Tiếp đến là những kiểu hỏi thăm, hỏi ý kiến nhau. Hỏi han nhau thì chắc là có quan tâm nhỉ? Không đâu, phần lớn người ta hỏi thăm bạn cũng là vì một cái gì đó xuất phát từ bên trong chính họ chứ không phải từ con người bạn. Ví dụ như họ hỏi con cái bạn học hành ra sao là khi họ có con cái học khá giỏi, và chỉ cần bạn trả lời qua lại vài câu là họ “chiếm đài” luôn.

Có người thì giả đò hỏi chuyên thiên văn địa lý gì đó, khủng bố nhân quyền gì đó để rồi vài giây sau tung ra cho bằng hết những kiến thức, lý luận mà họ vừa học được ở đâu đó… Có lần tôi thấy một tấm ảnh vui trên mạng có nội dung thế này: “Một đứa bạn lâu ngày gọi điện thoại đến tìm, có 3 nguyên nhân: 1-Mời đám cưới; 2-Mượn tiền; 3-Bán hàng đa cấp”

 Thế đấy, thực tế phũ phàng chưa?! Hay thậm chí người thân, người yêu… khi hỏi thăm nhau cũng nhằm thể hiện sự quan tâm chứ không phải quan tâm thật sự. Bạn có phân biệt được “thể hiện sự quan tâm” và “quan tâm” không? Nói chung là người ta quan tâm họ trước nhất, chả ai quan tâm bạn đâu!


Còn ta, ta quan tâm ai?

Theo hệ quả của những gì nói trên thì ta đương nhiên chỉ quan tâm mỗi mình ta thôi! Có thể bạn không đồng ý, bạn là người sống tình cảm, vì mọi người, biết quan tâm người thân, người yêu, bạn bè…Tốt thôi, mừng cho những người được sống xung quanh bạn. Giờ xin phép nói tiếp vì sao ta quan tâm chính mình thôi.

Đó là bản năng, con người luôn yếu ớt, sợ hãi. Sự sợ hãi đó nằm sâu trong tâm trí họ, dùng họ mạnh mẽ kiên cường đến đâu đi nữa, sợ hãi vẫn có đó, trong tâm trí từng người ngay từ khi mới sinh ra. Quan tâm bản thân mình là một loại bản năng, và rất ít ai trong số chúng ta thỏa mãn được sự quan tâm đó để mà “để mắt” đến những người xung quanh. Vì sao? Vì ta quan tâm bản thân, nhưng ta không biết mình là ai, mình tồn tại vì điều gì. Ta không biết hạnh phúc của mình ở đâu, giá trị của mình ở đâu. Vì không biết nên ta phải đi tìm định nghĩa của chính mình trong mắt người khác.

Thế gian này mỗi người mỗi khác, nhưng có một điều mà ai ai cũng giống nhau chính là luôn nhìn vào người khác để tìm bản thân mình. Ta luôn tự hỏi rằng: “Mình có xinh đẹp không, có thông minh không, có tài giỏi không, có hiền thục, đảm đang, thành công… hay không?” Trong mắt người khác! Tất cả những yếu tố ta có thể nghĩ ra trên đời này, ta đều vô thức đem so sánh với một ai đó. Vì nếu không có cột mốc nào để ta bám víu, để ta trông mong thì ta không biết được mình là ai, giá trị là bao nhiêu. Ta đi theo bản năng đó mà chẳng bao giờ tự hỏi điều đó có thật sự cần thiết hay không.

Như vậy, ta chẳng quan tâm đến ai cả. Và thế gian này ai nấy cũng đều giống như ta nên cũng chẳng ai quan tâm đến ta cả. Có buồn không? Đừng, đừng buồn vì nó đã xảy ra mà hãy mừng vì ta đã nhận ra nó!

Làm gì để cứu thế giới?

Sống trong một thế giới mà chả ai quan tâm nhau thì buồn thật, bạn nhỉ? Đừng lo, thật ra ở trên tôi nói quá lên thôi, cũng có những lúc chúng ta quan tâm đến người khác một cách thật sự, nhưng ít lắm. Đó là những lúc ta tạm quên đi chính bản thân mình, những lúc như vậy trong tâm ta chỉ có cảm giác, chỉ có tình trạng vui buồn, đau khổ hay hạnh phúc của đối tượng ta đang quan tâm thôi, không có một chút nào dính dáng tới bản thân ta cả!

Nhưng những khoảnh khắc hiếm hoi đó không phải là cứu cánh

Chúng ta quá bất an, ta trống rỗng trong tự chính tâm hồn mình, chúng ta như những mảnh thủy tinh trong suốt, cứ nhìn nhau, tìm hình ảnh của mình trong mắt nhau và xuyên thấu qua nhau. Đúng vậy, chúng ta là những mảnh thủy tinh, chỉ có ta mới tự hiểu mình, không ai là tấm gương nên đừng phí công tìm hình bóng của mình trong tâm tư thiên hạ nữa.

Vấn đề chính là đây: Chúng ta chưa tự hiểu mình. Cho nên, muốn quan tâm người khác, trước hết nên tự hiểu mình. Khi bạn đã hiểu mình là ai, mình sinh ra để làm gì, mình muốn gì.. Bạn không còn bị những cảm xúc mang tính bản năng chi phối nữa thì bạn sẽ có thể nhìn ra xung quanh một cách chân thực, một cách yêu thương. Bạn sẽ quan tâm, chia sẻ với người khác mà không nghĩ gì đến bản thân mình.

Sự quan tâm của bạn khi đó sẽ không còn là sự “thể hiện” mà nó đầy ắp yêu thương! Tất nhiên, nếu bạn làm được thì người khác cũng sẽ làm được, và ta càng ngày càng có nhiều người quan tâm hơn. Nhưng tôi bảo đảm với bạn rằng khi bạn biết mình là ai thì bạn chẳng phải đi tìm kiếm sự quan tâm một cách tội nghiệp như thế nữa.

 Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo

Hồi tôi còn nhỏ xíu, chẳng nhớ là khi nào, lúc đó tôi định nghĩa rằng “công bằng là việc một người nhận được kết quả xứng đáng với những gì người đó bỏ ra”. Tôi thấy người ta than vãn, kêu khóc vì “trên đời này không có công bằng” qua tivi, báo chí, phim ảnh, cải lương…Và càng nhiều ở trong đời thật. Tôi rất ngạc nhiên nhưng chẳng biết giải thích thế nào, vì theo tôi thì “công bằng có ở khắp mọi nơi”.

“Công bằng” hay “ngang bằng”?

Nếu bạn cho rằng công bằng là việc mọi người phải được đối xử như nhau, hưởng cùng một loại phúc lợi như nhau và sống trong một môi trường y chang nhau… thì đó không phải là công bằng mà là sự ngang bằng. Sự ngang bằng về cơ bản chính là bất công, vì khả năng, sự đóng góp, các mối quan hệ của mỗi người đối với một vấn đề là không giống nhau. Đầu vào chênh lệch nhưng đầu ra tương đương là ngang bằng và bất công.

Trong rất nhiều trường hợp, người ta cần đến sự ngang bằng để duy trì trật tự và bảo vệ những người yếu. Mà bạn biết rồi đó, thế giới này rất nhiều người yếu, cho nên họ xem sự ngang bằng là công bằng. Ví dụ như việc xếp hàng tại siêu thị, phòng khám, sân bay… Việc mặc đồng phục của học sinh. Uhm, sao đến đây tôi không còn nhớ được sự ngang bằng nào tốt và cần thiết nữa nhỉ. Thôi cho qua.


“Bất công”?!

Học sinh giỏi được ưu ái, thiên vị hơn học sinh kém là bất công? COCC được ưu tiên nhận việc, lên chức là bất công? Người giàu được coi trọng, tung hô, chào đón, người nghèo bị rẻ khinh là bất công? Bài làm y hệt nhau, nhưng người này điểm kém hơn người khác là bất công? Quan to thì tham nhũng nhiều, quan nhỏ tham nhũng ít, lính lác chờ lên lương là bất công?

Theo tôi thấy, trong phần lớn những trường hợp người ta cho là bất công chẳng qua chỉ là vắng mặt của sự ngang bằng do có những yếu tố chênh lệch lớn tác động vào đó thôi. Và đó mới là công bằng.

Không có công bằng nào được ban phát

Thành quả nào cũng có sự trả giá tương đương của nó. Người giàu đã phải kinh doanh vất vả, phải mạo hiểm đối mặt với việc phá sản, nếu làm chuyện lén lút phạm pháp để giàu thì họ phải đối mặt với tù tội nữa. Và quan trọng là áp lực, người giàu luôn sống trong môi trường áp lực lớn mà người nghèo không bao giờ có thể chịu được nếu bước vào đó. Những quan chức tham nhũng thì phải mạo hiểm tính mạng, hay chịu ngồi tù mới thu được món tiền bất chính. Chưa kể đến muốn lên được chức cao đủ để tham nhũng món tiền đó thì cần đến rất nhiều yếu tố khác nữa. Nếu bạn chỉ là anh viên chức ăn lương tháng thì bạn không phải chịu sự mạo hiểm kia, không cần cố gắng, bon chen chạy chọt để ngoi lên “làm quan” với người ta!

Trường hợp chờ ban phát sự ngang bằng có thể thấy rõ nhất là trong việc chấm bài của giáo viên mà tôi nêu ở trên: Tại sao hai bài làm y hệt nhau lại có điểm số khác nhau? Đó là tùy vào tâm trạng và tình cảm của giáo viên! Có thể đó là sai sót, nhưng không có gì bất công ở đây. Vì khi đó giáo viên là người quyết định có ban phát cho học sinh sự ngang bằng, bình đẳng hay không.

Như đã nói trên, trong mỗi xã hội thì việc duy trì những chế độ ngang bằng, bình đẳng là cần thiết để bảo vệ những kẻ yếu và duy trì trật tự. Nhưng ở mỗi chế độ, mỗi quốc gia đều có những khái niệm “bình đẳng” khác nhau. Nếu bạn gọi đó là “công bằng” thì sự công bằng đó được chính phủ ban phát, và chính phủ có quyền thay đổi nó bất cứ lúc nào họ thích. Như thế thì chi bằng gọi là sự ban phát quyền bình đẳng có chính xác hơn không?!

Kết: Công bằng ở đâu?

Nếu ta xét một quá trình nào đó từ nguyên nhân cho đến kết quả, từ đầu vào đến đầu ra một cách tổng quát gồm tất cả những nhân tố tham gia trong đó thì công bằng ở khắp mọi nơi. 

Nó không phải là một thứ công bằng được định nghĩa trong hiến chương của một quốc gia nào đó hay hiến chương Liên hợp quốc, nó là công bằng của tự nhiên. Quy luật chung của tự nhiên là mạnh được, yếu thua. Nếu muốn tất cả mọi chuyện đều theo ý mình thì hãy là kẻ mạnh. Nếu bạn cứ trông chờ người hay những người nào khác mang đến công bằng cho mình, thì hên xui!

Đừng nên oán trách hay đòi hỏi mà hãy hiểu và chấp nhận, vì chúng ta đang sống trong tự nhiên, nên quy luật của tự nhiên mới là chung nhất, công bằng của tự nhiên mới là công bằng cao nhất. Bạn cần phải mạnh hơn tự nhiên mới thay đổi được quy luật của nó. Nếu muốn thay đổi, hãy thử đứng lên mà xem!  

Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo

Ban đầu mình định đặt tiêu đề là "Đàn ông và đàn bà có quan hệ gì?" nhưng lại ngại các bạn hiểu lầm này kia kia nọ. Mình cũng chả sợ gì, hiểu lầm là vấn đề của các bạn không phải của mình, nhưng thôi tránh được bao nhiêu thì hay bấy nhiêu vậy, cũng là nói về nam-nữ thế thôi, từ trong sáng đến trong tối.

Điều đầu tiên mình muốn khẳng định là: Giữa nam và nữ không có tình bạn đơn thuần. Có những tình bạn bắt đầu trong sáng, nhưng dù ánh sáng kéo dài bao lâu thì cũng sẽ có lúc nó đi vào trong tối. Trong bóng tối, có thể người ta chả làm gì nhau, bình yên chờ trời sáng, nhưng khi đã đi qua bóng tối thì tình bạn không còn đơn thuần nữa. Nam và nữ trời sinh khác biệt, thu hút nhau một cách tự nhiên. Những người có thể làm bạn với nhau thì dù ít dù nhiều cũng có điểm gì đó thích hợp, có thể tìm thấy cảm giác thoải mái ở người kia. Trong quá trình "làm bạn" với nhau, một lúc nào đó, một trong hai, hoặc cả hai người sẽ có cảm giác khác thường dành cho người kia, nhưng họ lại không muốn thể hiện ra để duy trì tình bạn. Đó là một cách thường thấy để bảo vệ tình bạn khỏi tình yêu hay những cơn cảm nắng bất chợt. Có rất nhiều tình bạn chuyển thành tình yêu, hoặc tan vỡ vì những cảm xúc như thế. Cũng có vài đôi bạn thân, những người xuất hiện những đoạn cảm xúc ít hơn, cố gắng tranh đấu cho tình bạn hơn thì có thể duy trì và mỗi lần vượt qua thử thách lại giúp cho tình bạn thêm bền vững.

Nhưng đó là trường hợp hiếm hoi thôi, còn cơ bản thì nam và nữ vẫn không có tình bạn nhé. Dù bạn có cho rằng bạn và bạn của bạn có nằm trong trường hợp hiếm hoi đó đi nữa, thì tình bạn của hai bạn cũng chỉ nồng thắm thật sự ở một giai đoạn nào đó trong đời thôi, nó sẽ thay đổi, biến chất hoặc biến mất khi các bạn có người yêu, có chồng, vợ, con, cháu... Cuộc đời có quá nhiều thứ phải quan tâm hơn là một tình bạn luôn cần sự kiềm chế.

Như vậy nam và nữ có thể có những quan hệ gì?

1. Tình nhân

Quan hệ này có thể xảy ra trước và sau hôn nhân, cho cả nam và nữ. Tình nhân là những người có cảm giác thỏa mãn về giới tính khi ở cạnh nhau, đây là quan hệ dựa trên bản năng tự nhiên của mỗi người. Trong quan hệ tình nhân, không có trách nhiệm, ràng buộc cũng không có nhiều sự thấu hiểu nhưng cũng chính vì vậy mà không có nhiều sự bận tâm. Người ta có thể hoàn toàn thoải mái khi ở bên tình nhân, đó có thể xem là một dạng "tự do" trong khoảnh khắc. Có rất nhiều hành động bạn có thể làm với tình nhân một cách thoải mái nhưng rất khó khăn và không thú vị khi làm với vợ hoặc chồng, ví dụ như... khoác tay nhau đi trên phố đông người, tựa đầu vào nhau trên ghế đá công viên, cùng nhau đi mua sắm... và nhiều chuyện khác nữa, trong đó có cả chuyện bạn đang nghĩ trong đầu.



Quan hệ tình nhân đáng mơ ước nhất là khi cả hai người có những nhu cầu và mục đích giống nhau gặp được nhau. Thường thì quan hệ này được xây dựng theo kiểu "cung-cầu" nhiều hơn, nên chẳng bền vững và gây nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Tình nhân có thể cùng nhau đi qua những phút giây lãng mạn, thỏa mãn những đam mê, nhưng không thể ở cùng nhau trong tĩnh lặng, cũng không quan tâm giải quyết hay giúp đỡ các vấn đề của nhau, đó là vượt giới hạn. Khi đó người ta sẽ thật sự đi vào đời nhau, "tự do" sẽ bị xâm phạm. Mối quan hệ sẽ chuyển thành một mối quan hệ khác hoặc sẽ đổ vỡ.

2. Vợ chồng

Nếu quan hệ tình nhân được xây dựng trên bản năng thì vợ chồng là mối quan hệ lý trí, được luật pháp và hệ thống đạo đức của xã hội thừa nhận kiêm ràng buộc lẫn nhau. Vợ, chồng là người ta chọn, ta mong muốn gắn bó cuộc đời, sự nghiệp, hạnh phúc của mình và các con mình với họ. Là người ta mong muốn mang đến hạnh phúc và an vui cho họ trong phần đời còn lại của cả hai người. Cơ bản là trách nhiệm.



Ở vợ, chồng, điểm quý nhất chính là sự tin tưởng. Người sau cùng có thể phản bội ta trong đời là vợ hoặc chồng, nhưng cũng chính vì vậy mà khi họ phản bội lại trở thành điều kinh khủng nhất. Vợ, chồng còn là nguyên nhân để một căn hộ được gọi là "nhà", là nơi để ta mong muốn quay về sau những bôn ba, mỏi mệt, là người cùng ta nuôi dạy con cái, cùng ta bên nhau khi về già, là người động viên ta trong lúc khó khăn và chia sẻ những vinh quang, thắng lợi...

Vợ, chồng còn là một sự chiếm hữu với hệ quả là ghen tuông. Điều này cũng là tự nhiên thôi, chẳng thể trách ai được, nhưng khi bắt đầu từ một điều khó chịu thì hậu quả sẽ dẫn đến những điều càng khó chịu hơn. Tình cảm là một thứ năng lượng, gia đình là một cái lồng chim, ghen tuông là việc thay vì cho chim ăn, ta lại mang năng lượng đó đi xây cái lồng thiệt chắc, con chim chết đói.

3. Tri kỷ

Tình nhân là bản năng, vợ chồng là lý trí, tri kỷ lại là tâm linh.
Đó là một sự thấu hiểu không cần cố gắng, không cần tìm hiểu, càng tìm hiểu chỉ càng hiểu nhiều thêm thôi. Với tri kỷ, ta có thể chia sẻ mọi điều, đàm luận mọi việc, về vợ, về người tình, về những tội lỗi, những đam mê thậm chí những thứ chẳng bao giờ dám nói với một ai khác trong đời. Tri kỷ ở xa không nhớ, ở gần không chán. Tri kỷ là chốn bình yên cho tâm hồn nhau, không cần trách nhiệm, không cần đam mê. Tri kỷ có thể vì nhau làm những việc mà người tình không bao giờ làm, tha thứ nhau những lỗi lầm mà vợ, chồng không bao giờ tha thứ. Cơ bản mà nói, khi thấu hiểu thì người ta sẽ không đòi hỏi chi nữa hết.



Tri kỷ rất khó yêu nhau, vì mối quan hệ đó có thể đã vượt trên tình yêu, hoặc rẽ sang một hướng tâm linh khác. Tri kỷ rất đáng quý, nhưng có thể nói là "khả ngộ bất khả cầu". Cũng có nhiều lúc, ở một giai đoạn nào đó, trong tình huống nào đó ta lầm tưởng người nào đó là tri kỷ, ta có thể trút cạn nỗi lòng với họ, nhưng nếu không phải ta sẽ tự nhận ra ngay. Tri kỷ là cảm xúc của tâm hồn, là tâm linh, không thể lừa dối được. Nếu có, chỉ là ta đang tự lừa mình thôi.

Kết

Dù là đàn ông hay phụ nữ, hẳn ai ai cũng ước ao 3 người trên là một: người tình, vợ chồng, và tri kỷ là một người. Nhưng đời đâu như là mơ! Ở đâu đó cũng sẽ có sự kết hợp của hai thuộc tính: vợ chồng + người tình; vợ chồng + tri kỷ; người tình + tri kỷ, như thế đã là quá tuyệt vời rồi.

Trong ba mối quan hệ này, thì vợ chồng là người có quyền lực và cơ sở pháp lý, cơ sở đạo đức để ràng buộc, ghen tuông, cầm đoán... hơn cả. Nhưng như ví dụ về nuôi chim ở trên, điều cần làm không phải là xây cái lồng chắc, đẹp mà là nên học cách nuôi chim, cho chim ăn ngon thì có đuổi nó cũng sẽ không bay đi đâu khác.

Vợ hoặc chồng, thay vì ghen ghét với người tình, mặc cảm với tri kỷ, thì hãy cố gắng tìm hiểu, thoải mái hơn trong vấn đề "bản năng" và thấu hiểu hơn trong lĩnh vực "tâm hồn". Dù bạn có làm được hay không thì khi cố gắng làm điều đó, bạn đã ở thế bất bại rồi.

Hãy tìm hiểu và chia sẻ những điều tốt đẹp ở người thương yêu bạn, hãy thương yêu họ và hãy cùng nhau tự do hơn, thoải mái hơn, yêu thương hơn, hạnh phúc hơn.

Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo
Tôi đọc qua khá nhiều trang web, fanpage, tác giả to nhỏ khác nhau, trang nào, người nào ghi rõ nguồn gốc, tên tác giả thì tôi xem trọng, còn mấy trang "sưu tầm" hay "st" gì gì đó thì tôi chỉ lướt qua, đôi lúc thở dài ngao ngán...

“Sưu tầm” kiểu ăn cướp

Có nhiều chuyện rất buồn cười: Có những bài viết, những câu danh ngôn, những lý luận… Có nguồn rất rõ ràng và rất dễ dàng tìm thấy trên internet lại bị đóng một dấu “sưu tầm” và dán lên page của một vài người nổi tiếng (không phải tôi nói lập lờ đâu, tôi không muốn quảng cáo miễn phí cho họ thôi, bạn cứ để ý sẽ thấy). Tôi thấy hơi buồn vì chuyện đó, vì có những người tôi hâm mộ trong đó.

Ý tưởng và suy nghĩ của bạn có thể trùng khớp với một danh ngôn nào đó, điều đó rất dễ hiểu vì đạo lý trên đời là như nhau, không nhất định phải bắt nguồn từ người nào đó. Tuy nhiên nếu đó là do bạn nghĩ ra thì hãy mạnh dạn khẳng định, còn nếu đã quyết định trích dẫn thì nên ghi nguồn rõ ràng chứ đừng lập lờ như vậy, không hay chút nào!

Nghĩ mà xem, nếu bạn là một “bậc thầy” “bậc thánh” nổi tiếng nào đó, bạn ghi một câu hay thiệt là hay mà bên dưới câu đó chỉ có một chữ “st” (còn không ghi nổi chữ sưu tầm) thì bao nhiêu người hời hợt khác sẽ dễ dàng quy câu đó thành của bạn?! Thậm chí có người cho rằng chỉ cần bỏ vô ngoặc kép là “tròn bổn phận” rồi.

Không! Đó là ăn cướp!


“Sưu tầm” là giết tác giả thật sự

Một chữ “sưu tầm” có thể giúp bạn tránh tội ăn cắp (hay ít ra là bạn tự an ủi mình như vậy) nhưng lại thể hiện sự vô trách nhiệm và cũng là che dấu sự thật. Ý tưởng của người khác vừa mới đưa ra, qua tay bạn đầu tiên lại biến thành “sưu tầm” vô danh vô tính. Điều đó có nghĩa là gì? Có nghĩa là người thứ 3 nếu đọc từ bạn sẽ chẳng biết nguồn gốc thông tin nữa. Đó không phải cố tình “giết” tác giả thì là gì?

Một dạo trước nhiều tác giả trẻ mà tôi quen biết cũng hân hạnh được nhiều trang báo mạng “sưu tầm” bài của họ về, “quên” ghi tên tác giả mà chỉ ghi là “sưu tầm từ web ABC" “theo ABC”… Thế là xong, các anh/chị tác giả thành “liệt sĩ vô danh” hết ráo!

Lại còn một số bạn trẻ copy bài viết, thơ văn của người khác về đăng lên Facebook, blog của mình, không ghi nguồn hay trích dẫn chi cả. Đến lúc có người vô khen "làm thơ hay quá" hay "viết đúng quá" thì đưa cái mặt cười :) vô tội kiểu "ai hiểu sao hiểu". Thấy thương.

Nguyên nhân là gì?

Bản thân tôi hoàn toàn không hiểu vì nguyên nhân gì mà người ta đi copy y nguyên một câu nói hay bài viết của một tác giả khác mà lại cắt bỏ mỗi tên tác giả ra! Buồn cười lắm, tôi có đọc một đoạn hướng dẫn viết truyện trên mạng, trong đó lưu ý đầu tiên là

“Bạn nên ghi tên tác giả vào từng chương một, thậm chí là từng trang một trong tác phẩm của bạn, vì những người copy thường cắt tên tác giả ra, nếu bạn chỉ ghi ở đầu tác phẩm là mất trắng đấy!”

Nghe mà xót xa!

Bản thân tôi cũng từng trải qua một chuyện buồn cười không kém. Tôi thì hay viết cái này cái nọ, suy nghĩ, cảm xúc này kia lên facebook của mình. Có một lần tôi phát hiện một người bạn khá thân copy rất nhiều status của tôi đăng lên facebook của bạn đó (có bỏ vô ngoặc kép đàng hoàng), nhưng chỉ ghi mỗi chữ “sưu tầm”. Tôi ngạc nhiên quá! Rõ ràng bạn đó biết tôi, quen biết ngoài đời luôn. Thế là tôi comment thẳng vô status đó và hỏi: “Bộ em không quen anh sao mà ghi sưu tầm?” Bạn biết người đó trả lời sao không?

“Anh cũng đi copy mà có ghi nguồn đâu, em ghi sưu tầm là hơn anh rồi!” Thế là từ đó tôi rất khổ sở ký tên vào mỗi status mình post, không phải đăng ký thương hiệu hay gì, chỉ để người khác đừng ai nói tôi copy không ghi nguồn nữa thôi!

Qua chuyện đó, tôi có pm hỏi riêng một số bạn thường post mấy status “tâm trạng tràn lan” mà không ghi tác giả, phần lớn họ nói là: “Đồng cảm nên copy thôi, để tên tác giả mất cảm xúc hết!” Thế đấy, cảm xúc đấy bạn ạ!

Tôi cảm thấy dường như những người đó xem việc ghi tên tác giả là một cái gì đó làm giảm giá trị con người họ?! Trong khi sự thật hoàn toàn ngược lại mà họ không hay!

Có lần, có bạn hỏi tôi: “Làm thế nào để có được tư tưởng của riêng mình?” Tôi đã trả lời câu đó rằng: “Muốn có được tư tưởng của riêng mình, trước hết bạn nên tôn trọng tư tưởng của người khác, biết cái nào là của người thì mới biết cái nào là của mình. Bạn nên học hỏi từ nhiều người nhưng hãy nhìn đời bằng con mắt của cá nhân bạn, thế thì bạn sẽ có được tư tưởng riêng”

Xin được kết thúc bài viết này bằng câu nói của Nikola Tesla:


Nghĩa là: “Tôi không quan tâm chuyện người ta ăn cắp ý tưởng của tôi… Điều tôi quan tâm là họ không có nổi ý tưởng của riêng họ.”

“Sưu tầm” giết luôn sự sáng tạo trong chính người đi sưu tầm

 Nếu bạn cứ hay đi ăn cắp ý tưởng, lời văn của người khác một cách nhập nhằng, lờ mờ như vậy, dần dần bạn sẽ tưởng nó là của bạn, nhưng thực tế bạn chẳng có gì cả. Ghi rõ nguồn khi trích dẫn vừa học hỏi, chia sẻ được cái hay, vừa ý thức được cái nào của người ta, cái nào của mình, khi đó tâm trí mình mới có không gian phát triển.

Không ai cấm bạn học hỏi hay phát huy ý tưởng sẵn có, chỉ cần bạn làm điều đó một cách đàng hoàng hơn, sạch đẹp hơn, có tư duy hơn và lịch sự hơn.


Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo






Để mở đầu, mình xin kể lại một câu nói của một người đàn ông nói về hai người vợ của ông ta: “Hai người vợ của tôi, một người xấu và một người đẹp. Tuy nhiên tôi yêu người vợ xấu hơn. Người xấu vì biết mình xấu nên cô ta đẹp, người đẹp vì biết mình đẹp nên cô ta xấu.” Câu nói này có đúng không? Trong bài viết này mình sẽ nói về cái xấu và cái đẹp về mặt vật lý và cách mỗi người phản ứng với sự xấu-đẹp của bản thân họ.


Người xấu biết mình xấu…

Có lẽ ai trong chúng ta cũng đều tự biết mình xấu, đẹp chỗ nào. Bằng chứng cụ thể là trên facebook có nhiều bạn thích và chụp rất nhiều ảnh post lên hàng ngày, những ảnh đó khá đẹp, tuy nhiên phần lớn đều rất.. giống nhau, chỉ khác mỗi quần áo thôi. Tôi nghĩ lý do là các bạn đó chỉ chụp ở 1-2 góc nhìn mà họ cho là trông họ đẹp nhất ở góc đó. Đó là ý thức về điểm đẹp, xấu của bản thân mình. Với những người có vẻ bề ngoài xấu (theo quan điểm của bản thân họ và những người xung quanh) thì họ sẽ có những cách phản ứng như sau:

Không chấp nhận mình xấu nên tìm cách trang điểm, mặc quần áo lòe loẹt không thích hợp. Đôi khi chỉ là không thích hợp thôi, nhưng họ lại không chịu thay đổi hay lắng nghe ý kiến của người khác. Điều này làm cho họ càng xấu thêm, đặc biệt là phong cách trang điểm.

Biết mình xấu nên cảm thấy buồn tủi, tự ti, ngại giao tiếp. Điều này không làm cho cái xấu (về diện mạo) của họ tăng thêm hay giảm bớt, cũng không gây phản cảm cho người xung quanh nhưng lại mang đến cảm giác khiến người ta thương hại (nhưng ít ai dám “thương”)

Có người biết và chán ghét cái xấu của bản thân nên họ dần dần trở nên bảo thủ, gay gắt, cộc cằn, khó chịu, ngang bướng để làm thành một loại “cá tính” nào đó rất là “riêng biệt” – chẳng ai dám đến gần luôn. Họ như con nhím luôn luôn xù gai nhọn lên vì sợ bị thương tổn, nhưng lại không biết rằng cũng vô tình ngăn cách những người thật lòng quan tâm đến họ, vô tình gây nên ấn tượng xấu trong mắt những người bình thường khác. Số người xa lánh hay ghét người khác chỉ vì diện mạo xấu không nhiều và không đáng quan tâm bằng những người vừa kể trên đâu. Tại sao phải vì những người không thích mình mà làm cho tất cả mọi người khác đều không dám tới gần chứ?!

Chỉ có những người xấu biết rõ và chấp nhận cái xấu của mình thì mới trở nên đẹp hơn.Chấp nhận không phải là “có sao để vậy” mà là chọn cách ăn mặc, trang điểm phù hợp để làm sao đừng nổi bật cái xấu lên là được. Bên cạnh đó là chú ý rèn luyện cách ăn nói nhẹ nhàng lễ phép, tính tình khiêm tốn, hiền hòa, có ước mơ, có chí cầu tiến và những đức tính tốt đẹp khác. Những người này biết tập trung vào những ưu điểm mà họ có thể phát huy để đạt đến cái đẹp chân chính.

Tóm lại: Người xấu có thể trở nên đẹp mà cũng có thể trở nên xấu hơn trong mắt người khác tùy vào cách hành xử của họ. Không thể phủ nhận diện mạo là ấn tượng ban đầu, đó là một sự thiệt thòi của người xấu. Nhưng phong cách ăn mặc giản dị, hài hòa có thể làm ánh nhìn của người khác thoải mái hơn, khi cất tiếng nói có thể làm người nghe cảm thấy thu hút, thuyết phục, khi làm việc thì năng nổ, nhiệt tình… Những yếu tố này nếu được tìm thấy ở một người có diện mạo xấu lại chính là một nét đẹp hiếm có, nhẹ nhàng mà sâu lắng trong lòng người xung quanh. Đơn giản là nếu không thể sửa được điểm xấu thì tìm điểm đẹp mà phát huy, chấp nhận được cái xấu của chính mình và tự tin đúng nghĩa cũng là một cái đẹp!

Đôi khi trong mắt người khác, bạn không xấu như bạn nghĩ đâu!


Người đẹp biết mình đẹp…

Ai chà, người đẹp thì có ai không biết mình đẹp nhỉ? Họa chăng là những người đẹp.. sống trong rừng. Ngày nay, đàn ông ngày càng đông mà phụ nữ thì ngược lại nên đôi khi có nhiều anh tán tỉnh cũng quá là thô. Ai cũng khen đẹp, khen dễ thương này kia kia nọ làm cho nhiều người “hơi đẹp” cũng tưởng mình là hoa khôi. Thêm vào đó là “công nghệ” chụp ảnh, chỉnh sửa ảnh phát triển cao khiến cho những người “không xấu lắm” cũng tự tin khoe nhan sắc. Ừ thì tự tin là đức tính tốt đó chứ. Nhưng tự tin quá lố và không có cơ sở thì lại thành lố bịch. Điều đó làm mất đi cái đẹp vốn không lấy gì làm nhiều ở những người này. Đáng tiếc.


Có hai điểm đáng tiếc ở một số người đẹp là việc quá đắm chìm trong cái đẹp của chính mình và việc “khoe của” một cách quá đáng. Tuổi xuân ai cũng có một thời thôi, qua rồi thì còn lại gì. Cố níu kéo thì cũng chẳng được bao lâu. Nếu quá đam mê và tự hào về cái đẹp bề ngoài thì càng lớn tuổi, già đi em sẽ càng khổ đấy, người đẹp. Ban đầu là cái đẹp được mọi người công nhận, trầm trồ, si mê. Sau đó là cái đẹp nhàm chán. Rồi đến lúc chỉ còn mình em thấy mình đẹp mà thôi. Em cũng biết điều đó, nhưng em không chấp nhận. Em đẹp! Em phải đẹp! Khổ thân em.

Người xưa có câu “hồng nhan bạc phận”. Những người thật sự đẹp, ý thức được cái đẹp của mình có khi họ nên tìm cách “che” bớt. Họ biết rằng đó là một lợi thế mà cũng là gánh nặng. Sẽ ra sao nếu bước ra chốn đông người lại bị đám đông nhìn chằm chằm? Hay khi nói chuyện với người khác họ mãi ngắm bạn mà không nghe những gì bạn nói? Tệ hơn là họ chỉ nhìn vào ngực áo mà không nhìn mặt bạn?? Người đẹp có nhiều người theo đuổi và khó tìm được người thật lòng với họ. Đa phần những người đẹp đều lận đận tình duyên. Khi đi làm thì dễ bị lợi dụng, quấy rối tình dục… Cho nên người đẹp khôn ngoan không tập trung vào cái đẹp mà tập trung vào những giá trị khác để phát triển toàn diện hơn.


Vài dòng sau cùng xin nói về “làm đẹp”

Tôi quan sát thấy có những người lúc nhỏ rất xinh, lớn lên thì rất đẹp. Nhưng rồi họ bắt đầu trang điểm, mua sắm quần áo, làm tóc… Dần dần họ trở thành nô lệ của những mỹ phẩm, kem dưỡng da, phấn, son… Họ hoàn toàn khác so với con người ban đầu của chính họ. Giống như khoác lên người một lớp hóa trang vậy. Cũng đẹp đó, nhưng là một cái đẹp rất công nghiệp, có khi tôi tưởng mình đang nhìn mấy cô ma-nơ-canh. Đôi lúc nhìn họ với hình ảnh “sành điệu” hiện tại và nhớ lại hình ảnh thời còn “tươi trẻ”, tôi chợt nghĩ: Đêm về, khi tẩy trang và sáng sớm khi vừa thức dậy, nhìn vào gương, họ sẽ nghĩ gì?! Tôi nghĩ đến cảnh họ phải sống trong tình trạng “không trang điểm không dám ra đường” như thế trong vòng bao nhiêu chục năm còn lại của cuộc đời…

 Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo