Related image

Nhiều năm trước, có một người thầy kể với tôi rằng mỗi sáng thức dậy mặc áo đi làm, ông thường tự nhắc bản thân bằng cách nói thầm mỗi lần cài từng cúc áo: Nhân - Lễ - Nghĩa - Trí - Tín. Đó là những phẩm chất cần có của người quân tử, mà theo ông là những phẩm chất cơ bản của con người. Hình ảnh đó khiến tôi ấn tượng mãi đến hôm nay, mỗi khi mặc áo sơ mi là nhớ.

Với tôi, hai điều quan trọng nhất là "Nhân" và "Tín". Nhân tất nhiên là hàng đầu. Sinh ra là người những ai cũng phải làm người thì mới thành người được. Không phải nhân loại thì mặc nhiên là người đâu. Chữ nhân luôn cần tự nhắc, cần tìm hiểu, rèn luyện và thực hành. Nhân đạo, nhân hậu, chân thành, tử tế, yêu thương mọi người, mọi loài và bản thân mình.

Lễ, Nghĩa, Trí là những điều quan trọng, nhưng với tôi chỉ là những thứ phụ thêm, trang trí thêm cho đẹp, có thì tốt, nhiều ít cũng không sao.

Trong xã hội, người ta lại thường khoe ra cái Lễ, cái Nghĩa, cái Trí của họ để chứng tỏ bản thân, vì Nhân và Tín vốn là những thứ bên trong, rất khó chứng minh mà là phải luôn luôn cố gắng, cả đời cố gắng nhắc nhở và thực hành.

Chính việc có hay không chữ Tín trong mỗi người lại khiến Lễ, Nghĩa, Trí có phải là những trò hài hay không.

Có người bảo tôi rằng chưa bao giờ thấy tôi thất hứa, để ý mới thấy rằng tôi rất ít khi hứa hẹn với ai điều gì. Đúng vậy, tôi cực kỳ ít hứa hẹn. Ngay cả khi người yêu hỏi rằng "anh sẽ yêu em mãi mãi chứ?" tôi cũng chỉ trả lời "Anh chưa biết nữa, chuyện đó để thời gian chứng minh đi."

Tôi chưa bao giờ ưa nói dối, hay những lời hứa hẹn cho qua, dù biết có những khi tất cả những gì người khác cần chỉ là một lí do, để cùng nhau lừa dối thực tại, để quên đời trong một phút giây thôi.

Nếu bạn nói ít và nghĩ nhiều thì tự nhiên lời nói của bạn sẽ chính xác, tinh tế, có trọng lượng hơn. Nếu bạn hứa ít và làm nhiều thì lời hứa của bạn có giá trị hơn vậy.

Với tôi, một người dù có ưu tú cỡ nào, Lễ, Nghĩa, Trí càng cao mà lại là người bất Tín, thì cũng không đáng quan tâm. Một người không giữ nổi một lời hứa nhỏ, thì họ nói về những điều to lớn, hoặc là nói yêu thương có khác nào thổi bong bóng đâu: buông ra là xẹp, thổi nhiều nổ luôn.

Xã hội ngày càng bất tín, người ta càng cần người khác mang đến niềm tin cho họ bằng những hợp đồng, những thứ này nọ để chứng minh, và họ càng bị lừa nhiều hơn. Chữ Tín là một giá trị vô hình, không phải là hợp đồng, hóa đơn, nhà lầu xe hơi hay những lời hoa mỹ.

Một người nếu sống bất Tín, thì sẽ luôn nghi ngờ thế giới xung quanh, khiến họ luôn bất an và sẽ càng bất Tín. Lễ, Nghĩa, hay Trí có thể cao, thấp với nhiều biểu hiện khác nhau bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng Tín thì chỉ có thể là không hoặc có. Một người nếu không có Tín, tôi sẽ rất khó tin họ có lòng Nhân.

Sống bất Tín, người ta sẽ nghi ngờ chính bản thân, xem nhẹ bản thân và từ đó sống một cuộc đời thấp hơn cuộc đời của chính họ. Ngược lại, càng trọng chữ tín người ta sẽ càng trọng bản thân hơn, sống tốt và hướng thượng. Trọng chữ Tín không phải là để người khác coi trọng, mà là để tự trọng lấy mình.

Mặc một chiếc áo sơ mi, nếu quên cài cúc đầu hay cúc cuối có thể không quan trọng bằng 3 cúc giữa. Thế nhưng đừng nhầm lẫn giữa phương tiện và mục đích. Nhẩm theo từng cúc áo chỉ là cách để tự nhắc mình, không phải thứ tự của tầm quan trọng. Lễ, Nghĩa, Trí là những thứ không thể thiếu, nhưng chủ yếu là để cho người khác nhìn thôi. Nhân và Tín thường dễ bỏ qua nhất, nhưng lại là cơ bản nhất của mỗi người. Đó là những giá trị cần có để cho chính mình, là giá trị quan trọng nhất. Hãy giữ lấy, giữ lấy.

Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo
Trong đời người, từ khi sinh ra cho đến lúc làm nhân vật chính trong đám tang của mình, chúng ta đều vô tình hay cố ý chạy theo các nấc thang nhu cầu, từ thấp đến cao, có khi bị áp đặt phải theo, có lúc vì tham vọng chứng tỏ bản thân, có khi thật sự ham thích, có lúc chỉ đơn giản là bị cuốn theo đám đông và sợ cô đơn vậy.

Cũng giống như các giá trị đạo đức, cái hay của giáo dục là tạo ra những chuẩn mực để phân chia loài người thành các nhóm khác nhau, là đưa ra những bậc thang cao thấp để người ta biết xã hội đang coi trọng các giá trị nào mà cố gắng đạt tới nếu muốn được gọi là thành đạt.

Tháp nhu cầu của Maslow bắt đầu với những nhu cầu về mặt sinh học cơ bản nhất cho đến nhu cầu chứng tỏ bản thân và các nhu cầu về tinh thần, tâm linh khác. Nhiều người hiểu rằng "là con người thì phải có nhu cầu như thế", cũng tức là họ nghĩ nhu cầu thích chứng tỏ bản thân, thích thể hiện là một phần tất yếu của con người. Không đâu, tháp nhu cầu đó là kết quả của thống kê, nó là sản phẩm đến sau chứ không phải hoàn toàn là quy chuẩn định đặt mà con người phải đi theo đó.

Tháp nhu cầu của Maslow

Nếu chúng ta đi theo các quy chuẩn của con người, chúng ta sẽ sống như con người - giống loài luôn đi tìm hạnh phúc trong đau khổ, cuộc hành trình bất tận. Đạo đức, giáo dục, các loại thống kê hay chuẩn mực khác, đều tốt nếu ta biết sử dụng chúng chứ không phải áp chúng lên làm gánh nặng cho mình.

Các loại nấc thang là hữu ích nếu ta muốn leo lên đâu đó, và nếu ta đặt đúng nơi cần leo. Hơn hết, tất cả những thứ đó đều dựa trên đa số, trên những gì đã được thể hiện ra, chứ không phải là những gì nên có, trong khi mỗi người đều là một thực thể riêng biệt, tự do.

Về hai loại đạo đức

Từ nhỏ, mình được dạy về các phẩm chất đạo đức, rằng làm người cần có đức tính này kia, gương người tốt việc tốt các kiểu. Mình không hiểu vì sao những đức tính đó lại là tốt, chỉ biết nếu làm vậy người khác sẽ công nhận mình là người tốt. Trở thành một người đạo đức, sống đời sống đạo đức, xuất phát điểm là vì được công nhận. Vì nếu có hành vi xấu, trái đạo đức, thì sẽ bị rầy la quở mắng, trách phạt...

Chính vì không hiểu vì sao đạo đức lại là điều tốt, và sau này lại thấy ở mỗi nơi khác nhau có các kiểu đạo đức khác nhau, nên mình quay ra phản cảm với những gì gọi là chuẩn mực và đạo đức, cho đến khi mình đọc được một bài viết của nhà báo Đức Hoàng (trên FB Hoàng Hối Hận).

Theo cụ Hoàng, đạo đức có hai loại là đạo đức tự nguyện (moral) và đạo đức tối thiểu (ethic). Đạo đức tự nguyện là những giá trị nhận thức tự thân của mỗi người, thế nào là tốt, thế nào là xấu theo quan điểm của bản thân người đó. Đạo đức tối thiểu là những quy chuẩn của xã hội. Ví dụ moral là thấy cụ già băng qua đường thì tiến lên giúp đỡ, còn ethic là thấy cụ già băng qua đường thì không được tông chết cụ.

Và chúng ta khổ là vì nhầm lẫn giữa ethic và moral, thường khi gộp làm một. Ta đem các chuẩn mực tốt xấu của bản thân mình áp dụng lên người khác, nếu họ không có đức tính đó thì ta bảo họ là người xấu. Trong khi đó, moral cần phải xuất phát từ bên trong mỗi người và được thực hiện bằng các nguồn lực của chính bản thân người đó. Nghĩa là nếu anh không cảm thấy muốn giúp cụ già qua đường, muốn nhường ghế cho phụ nữ trên xe bus thì anh không buộc phải làm thế để trở thành người tốt, đó là moral của riêng anh.

Trường hợp chỉ trích những người giàu bỏ tiền tỷ ra để mua một món gì đó, sao không dùng tiền đó giúp người nghèo cũng là một dạng biến moral trở thành ethic.

Phân biệt rõ ràng giữa moral và ethic cũng giúp ta hiểu rõ chính mình hơn và ít áp đặt tư tưởng lên người khác, ít làm khổ nhau hơn. Ví dụ như về vấn đề mại dâm, ethic ở những vùng khác nhau là khác nhau, có vùng công nhận nó như một nghề, có vùng xem nó là một thứ xấu xa đồi bại. Công nhận hay bài trừ, đó là ethic của từng vùng. Còn tham dự hay đứng ngoài, đó là moral của chính mình. Moral của ta có thay đổi theo ethic không? Nghĩa là nếu ta ở một vùng mà mại dâm là hợp pháp thì ta có mua-bán dâm không? Vậy thì ta là người tốt hay người xấu? Đâu mới là moral thật sự?
Tóm lại: Những gì ta làm khi hoàn toàn tự do, bằng chính các nguồn lực của bản thân là moral, cách ta tuân thủ những quy luật của xã hội nơi ta sống là ethic.

Tốt hay xấu tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố, nhưng trước hết cần phân biệt rõ ràng để tránh áp đặt, hoang mang.

Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo