No photo description available.

Hôm nay người ta bảo Hà Nội không chỉ dẫn đầu về chỉ số ô nhiễm, mà còn vượt mức cảnh báo đến mức độ nguy hiểm ở một vài nơi trong thành phố. Anh thấy nhiều người chia sẻ, mà không có ai #PrayforHaNoi hay #PrayforVietNam hết, em biết vì sao không?

Hôm nay anh đọc được một bài viết của một nhóm làm phim kêu gọi khán giả đến rạp xem phim vì phim “không muốn chết”. Những người đã xem đều nhận xét tích cực, nhóm làm phim cũng viết rất hay, nhưng lượng phản hồi vẫn quá ít so với con số họ đề ra. Em biết vì sao không?

Hồi trước anh cũng từng thất vọng với loài người khi họ liên tục share các tin giả, tin nhảm, các clip hài nhảm, thậm chí hình ảnh hành hạ động vật, hình ảnh con người bị bệnh tật mang ra câu view… anh tự hỏi sao người ta có thể làm vậy nhỉ?

Cũng như anh thất vọng khi page Nhất Bảo của anh có hơn 2500 likes mà bạn bè (friend list hơn 3000) của anh chỉ có không đến 500 người like. Anh cũng buồn khi kênh Youtube của anh dù kêu gọi tới lui cũng không đạt 1000 subs.

Rồi tại sao một nghệ sĩ mất đi (như anh nhớ một lần là diễn viên chính của series fast and furious) thì được cả thế giới tiếc thương, trong khi một danh nhân khác lại ít người tưởng niệm?

Tất cả những điều này dù là tích cực hay tiêu cực, có một điểm chung là: người ta làm điều mà họ cho là đúng.

Có thể người ta cho rằng bây giờ có pray kiểu gì thì cũng không phải là cách để cứu vãn tình trạng môi trường của Hà Nội; người ta cho rằng bộ phim kia không hay; người ta cho rằng các clip, ảnh kia có giá trị để chia sẻ; người ta nghĩ rằng là bạn bè mà like page của nhau là chuyện không hay… Thôi, nói chung ai làm gì cũng có lý do riêng cả. Có thể 10 – 20 năm sau nhìn lại, người ta sẽ thấy bộ phim kia hay, hoặc bạn bè anh sẽ có hứng đăng ký kênh Youtube của anh vậy. Lúc đó điều đó đúng với họ, lúc này thì không.

Anh đã thôi không còn tự hỏi vì sao người khác không có lựa chọn giống như mình, hay mình không thấy vừa mắt cái mà người ta yêu thích. Mọi thứ đều có thể thay đổi, và anh tập trung vào các lựa chọn của mình: làm điều mình cho là đúng.

Nhân quả cuộc đời này rất sâu xa, em không bao giờ có thể biết chắc em sẽ nhận lại điều gì khi làm một điều gì đó, chỉ có một điều chắc chắn là khi gieo một hạt mầm thì sớm hay muộn em cũng phải tự mình thu hoạch nó. Vậy nên trước khi làm một điều gì, hãy cố làm thật đúng trước.

Trước hết, làm điều đúng rất vui. Vui nhất là tìm được điều mình thích rồi bắt tay vào làm điều đó. Tuần trước anh đột nhiên muốn viết loạt bài này, anh bắt đầu ngay, mỗi ngày viết khoảng 2 tiếng. Mỗi ngày một bài thôi, đến nay bài này là bài thứ 8 rồi, nếu không bắt đầu thì một tuần qua có thể anh đã bỏ qua dự định đó rồi.

Niềm vui thích của việc được làm điều mình thích, điều mình cho là đúng mang đến cho bản thân nhiều năng lượng, có một mục tiêu mà em tha thiết hướng về sẽ giúp em vượt qua mọi trở ngại, khó khăn trong ngày.

Cũng giống như lúc anh làm thử thách 30 ngày dậy sớm #The30earlydays vậy, khi ý tưởng đó vừa bùng nổ, anh bắt tay làm ngay trong ngày, và hoàn thiện hơn từng ngày một. Đến bây giờ nhìn lại, nếu lúc đó mình bỏ qua, thì đã chẳng có gì.

Quan trọng nhất không phải là kết quả, kết quả chỉ là thứ em chắc chắn sẽ nhận được – ít hay nhiều thôi. Quan trọng là khi em nhận định một điều đúng, em bắt đầu làm. Quá trình đó là một sự hưởng thụ rất khó tả.

Khi em hoàn thành được một dự định mà em cho là ý nghĩa, thì người khác nhìn nhận ra sao, với em cũng đã là một thành công.

Hơn nữa, giá trị thứ hai của việc làm những điều tích cực là tính lan tỏa, cộng hưởng. Lần trước cũng có một số bạn tham gia dậy sớm cùng anh. Và mãi tận đến năm 2018 vừa rồi anh cũng vẫn thấy có một bạn thực hiện lại thử thách đó và trích dẫn câu nói của anh “Thức khuya là thức với dư âm của ngày hôm trước, dậy sớm là tận hưởng sự bắt đầu của ngày hôm sau”.

Mấy ngày vừa qua cũng vậy, anh viết liên tục mỗi ngày, và nhận ra một số bạn bè của mình cũng cùng nhau cộng hưởng năng lượng tích cực đó. Có người đăng video đầu tiên lên youtube, có người viết status chia sẻ tâm trạng một cách thật lòng hơn, viết dài hơn mà không ngần ngại những comment kiểu “dài quá lười đọc” “mày hôm nay sao vậy” “phải mày không đó” “xàm”…Người ta bắt đầu làm những điều mà họ cho là có ý nghĩa, cho là đúng, hơn là quan tâm đến kết quả.

Làm điều mình thấy đúng là một niềm vui, truyền cảm hứng cho người khác lại càng vui hơn, khi đó chính em cũng sẽ nhận lại năng lượng tích cực để tiếp tục làm điều đúng. Đó là sức mạnh cộng hưởng của điều tích cực.

Khi em làm điều em cho là đúng, trước hết là vì bản thân em. Những bài anh viết đây có thể có bài nhiều like, nhiều người ủng hộ, có bài không ai thích, không ai hiểu, không ai quan tâm… nhưng miễn là không hại đến ai là được.

Có nhiều trường hợp các tác phẩm văn học, hội họa không được đón nhận cho đến khi tác giả qua đời. Cũng như bộ phim kể trên, biết đâu mấy mươi năm sau sẽ nổi tiếng, nếu nó thật sự giá trị.

Như đã nói, những việc ta làm ra giống như gieo nhân, gieo hạt giống vào trong mảnh đất cuộc đời. Ta không thể biết khi nào hạt giống kia sẽ đơm hoa, kết trái, không biết có bị gió cuốn đi đến những miền xa nào đó hay không, không biết ai sẽ là người ăn quả ngọt. Ta gieo, trước hết là vì ta muốn gieo.

Ta gieo những hạt giống thiện lành từ tâm hồn để hưởng thụ quá trình gieo hạt đó, còn quả sớm muộn gì cũng đến thôi.
Đừng gieo hạt vì muốn có nhiều quả ngon, làm vậy dễ gây thất vọng. Trước khi làm thì hướng đến điều đúng đắn.
Hãy làm điều mình cho là đúng, nhưng đừng cho điều mình làm là đúng.

Làm việc thiện mà chỉ thấy quả báo xấu, đừng trách nhân quả bất công mà hãy xem mình sai ở đâu. Viết một bài cảm thấy rất hay mà không ai thèm đọc, làm một video lên youtube không ai xem, bán một món hàng không ai mua… đừng nghĩ là mình tốt vậy sao người ta không đón nhận, đừng cho việc mình đã làm là đúng mà hãy nhìn lại xem mình thiếu sót ở đâu, hay tìm ra nguyên nhân vì sao người ta lại có phản ứng như vậy. Có thể mình đã sai sót ở đâu đó, cũng có thể mình đúng nhưng chưa tìm được đúng người… Cũng như bộ phim kia vậy, không thể trách khán giả vì sao không đến rạp xem khi chúng tôi đã đầu tư như vậy, làm nên bộ phim ý nghĩa như vậy như vậy…

Cũng như một câu nói nổi tiếng trong bộ phim Forrest Gump bất hủ: “Life is like a box of chocolate, you never know what you’re gonna get.” Ta không bao giờ biết mình sẽ nhận lại điều gì, vậy nên hãy dồn tâm trí để quan tâm xem liệu mình muốn làm gì, muốn gieo loại hạt nào vào cuộc đời này. Hãy gieo thứ tốt đẹp nhất bằng tâm thái vui vẻ nhất. Đó là cách tốt nhất để vui sống.

Và mọi điều tốt đẹp nhất sẽ đến, không đến thì phần đời gieo hạt vui vẻ của mình cũng đủ hạnh phúc rồi, không phải sao?

Giờ thì em thích làm gì nhất, điều gì khiến em vui, điều đó có đúng không? Đúng thì làm ngay đi, chờ chi nữa!

29.9.2019
No photo description available.

Ngày nay, người ta bắt đầu nói nhiều về đời sống sau hôn nhân, còn ngày trước, những câu chuyện tình chỉ đi đến hôn nhân là kết thúc. Mọi người đều nghĩ đó là một kết thúc có hậu, khi người có tình được mãi mãi bên nhau. Sở dĩ như vậy là vì sau hôn nhân, hầu như sẽ không có gì thay đổi nữa, giống như lời dạy về hôn nhân của Thiên Chúa giáo: “Chỉ có cái chết mới chia lìa chồng vợ”, “Những gì Thiên Chúa đã tác hợp thì loài người không được phép phân ly”.

Khi yêu ai chẳng muốn thành chồng vợ? Nhưng có bao giờ em tự hỏi rằng ý nghĩa thật sự của hôn nhân là gì không? Vì sao mình muốn kết hôn? Ý nghĩa của hôn nhân từ xưa đến nay thay đổi như thế nào? Và hôn nhân của em có ý nghĩa với ai?

Có một mẩu chuyện cũng khá nổi tiếng: Người con trai bảo cha mình rằng anh ta muốn kết hôn. Người cha đáp: con xin lỗi đi. Người con ngạc nhiên: ơ, xin lỗi gì ạ? Người cha chỉ lặp lại yêu cầu “xin lỗi đi” cho đến khi người con nói “con xin lỗi”. Rồi người cha kết luận rằng: chỉ khi nào con có thể nói xin lỗi mà không cần biết mình có lỗi gì, có thể nhường nhịn để gia đình hòa thuận thì con mới đủ tư cách cưới vợ. Tất nhiên đây chỉ là một mẩu chuyện cười.

Lại có bài viết nói rằng kết hôn không phải là cho bản thân, không phải khi em muốn có một người chồng, người vợ, không phải vì “đến tuổi kết hôn”, mà là khi em muốn quan tâm, chăm sóc một người cả một đời. Đây không phải chuyện cười.

Vậy em đã rõ ý nghĩa của hôn nhân chưa?

Ở mỗi độ tuổi khác nhau, vai trò khác nhau, tôn giáo khác nhau, xã hội khác nhau sẽ có góc nhìn khác nhau về ý nghĩa của hôn nhân. Theo anh, ý nghĩa cơ bản và quan trọng nhất của hôn nhân là sự ràng buộc.

Từ “ràng buộc” nghe có vẻ tù túng, khổ sở và tiêu cực, tuy nhiên đó là một cái giá phải trả cho hạnh phúc hôn nhân. Hai, ba thế hệ trước, người ta cưới nhau khi mười lăm, mười tám tuổi. Đâu có mấy cặp tình nhân yêu nhau đến bốn, năm năm. Ngày nay thì ngược lại.

Một thực trạng dễ thấy là yêu nhau lâu ngày không cưới, thường sẽ chia tay. Tình yêu là cảm xúc có giai đoạn, có lên rồi có xuống, khi người này xuống thì người kia nâng lên, giữ lại để cho tình cảm của người kia “lên” trở lại, đó gọi là nuôi dưỡng tình yêu. Nhưng sẽ có lúc cảm xúc của cả hai đều xuống thấp, đó là những đoạn dễ dẫn đến chia tay.

Các cặp tình nhân chia tay sau mấy năm yêu nhau nồng thắm, có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng cơ bản nhất là họ không có sự ràng buộc nào khác ngoài tình cảm – thứ vốn đã trở nên cay đắng và chua chát, hay vô vị từ lâu.

Có người đến hỏi anh rằng họ cảm thấy quá buồn chán và thất vọng, không còn cảm giác gì với người yêu hiện tại sau 3-4 năm yêu nhau, họ nên làm gì đây. Anh hỏi là em đã nghĩ đến giải pháp kết hôn chưa. Họ đáp: hiện tại không còn tình cảm, thì làm sao kết hôn được anh. Anh lại hỏi: nếu em chỉ yêu 1-2 năm rồi kết hôn, và ở vào tình trạng hiện giờ, nghĩa là hiện tại em và người yêu đã kết hôn rồi, thì em sẽ làm sao?

Có người đã kết hôn, có con, rồi tích tụ quá nhiều bất mãn, muốn quay lại cuộc sống tự do. Anh nói rằng em nên nghĩ lại, nhìn nhận những mặt tốt, nghĩ xem mình thật sự muốn gì và bản thân có thể làm gì để đạt được mong muốn đó. Em luôn có lựa chọn nắm hay buông, nhưng đó là trước khi kết hôn, còn sau khi kết hôn, em phải có thêm một điều nữa chính là trách nhiệm. Trách nhiệm với lựa chọn của mình, trách nhiệm với con.

Cả hai trường hợp trên đều cho thấy tính chất “ràng buộc” của hôn nhân là quan trọng trong việc duy trì các mối quan hệ. Nếu như em phủ định tính ràng buộc đó bằng việc hở ra là nghĩ đến chia tay, thì em đã nhổ vào ý nghĩa thật sự của hôn nhân vậy.

Tất nhiên hôn nhân còn có nhiều ý nghĩa khác. Một trong số đó là sự tuyên bố và thừa nhận, như khi người chủ trì hôn lễ nói “Ta tuyên bố từ nay hai con là vợ chồng”. Hoặc như chính quyền thừa nhận hai người là vợ chồng hợp pháp của nhau. Như bà con làng xóm biết người này là vợ/chồng của người kia…

Tất cả những ý nghĩa đó chỉ là ý nghĩa của hôn nhân của em đối với người khác. Còn ý nghĩa giữa riêng hai người với nhau thì vẫn chỉ là sự ràng buộc, là sợi dây níu giữ lại với nhau mỗi khi không còn sức lực nắm tay nhau. Hôn nhân là cam kết chịu trách nhiệm với nhau cả đời.

Người ta hay nói việc hai người đến với nhau là “đi tìm một nửa”. Thật sự không phải vậy đâu. Mỗi người là một cá thể hoàn hảo rồi. Hai người đến với nhau thì giống như tách một phần của mình ra gắn vào trong người kia, và cũng nhận một phần của người kia gắn vào mình vậy. Điều đó thật đau đớn, và chẳng khi nào hai mảnh ghép kia có thể hoàn toàn trùng khớp cả. Đó là cái giá phải trả khi quyết định ở bên nhau, cũng là ý nghĩa của tình yêu hay hôn nhân.

Trước khi kết hôn em nên cố gắng lường trước mọi khả năng và cam kết sẽ làm mọi thứ để vượt qua tất cả. Kết hôn cơ bản là chịu khổ cùng nhau. Nếu ở trong một hoàn cảnh tệ hại nào đó, đừng nghĩ đó là tệ nhất. Đừng đi đọc mấy bài than khổ trên mạng, đừng oán than với người nhà hay nghe lời khuyên của mấy cô bạn thân. Trước khi kết hôn em có thể làm mọi chuyện, sau khi kết hôn là chuyện của riêng em và vợ/chồng em. Nghe lời người ngoài là hỏng.

Nếu em chưa từng nghĩ qua những điều trên, mà chỉ đơn giản là “ai cũng vậy nên mình cũng vậy”, thì tốt nhất là nghĩ lại đi.

Nếu em không chịu trách nhiệm, không muốn bị ràng buộc, thì hôn nhân chỉ là một trò đùa. Mà đời ngắn lắm, đùa trò khác vui hơn.

28.9.2019
No photo description available.

Hai hôm nay bàn dân Facebook móc đâu ra cái bài kem trộn đa cấp từ 2018 rồi thay ảnh minh họa share tùm lum tá lả, có lẽ hiệu ứng từ vụ lừa đảo Alibaba nên quá trời người vừa share vừa gật đầu tâm đắc.

Em đã bao giờ bị lừa chưa? Anh thì có rồi, mà anh cũng quên là việc gì rồi. Chỉ là lúc đó hiểu ra anh vẫn không nghĩ đó là cú lừa. Nếu em từng bị lừa hoặc biết ai đó bị lừa, thử ngẫm điều tiếp theo xem anh nói đúng không.

Theo anh, một người chỉ có thể bị lừa khi người đó vướng phải một trong hai, hoặc cả hai điều sau: thiếu kiến thức và tham. Trong đó lòng tham là yếu tố quan trọng nhất.

1. Bị lừa vì thiếu kiến thức:

Từ những dạng nhỏ nhặt như việc mua phải hàng dỏm, hàng giả cho đến bị lừa đầu tư mua đất, mua nhà, đầu tư chứng khoán hay góp vốn làm ăn với lãi suất cao.. Những trường hợp này có thể có mặt lòng tham hoặc không, nhưng trước hết là thiếu kiến thức. Khi không tìm hiểu, không có thông tin về sản phẩm, dịch vụ mà mình sắp chi trả nhưng vẫn quyết định chi tiền, thường là nạn nhân của lừa đảo.

Điều này dễ hiểu, đúng không em? Ở đây lại có một chuyện buồn cười. Người ta đâu có dễ dàng bỏ tiền ra, người ta phải có lòng tin nhất định thì mới bị dụ. Chính vì không có kiến thức, thông tin chính xác nên họ bị những tin giả, những lời chót lưỡi đầu môi của bọn lừa đảo thuyết phục đến u mê rồi mất tiền lúc nào không hay.

Nói đến thuyết phục anh lại thấy mắc cười. Vì nhiều người hễ nghe ai đó nói ra một điều gì đó khác với suy nghĩ của họ, tự nhiên họ sẽ có xu hướng muốn người kia phải thuyết phục họ thì họ mới tin. Em thử nghĩ xem, nếu điều người kia nói là đúng, thì việc gì người ta phải thuyết phục em? Hãy tưởng tượng em đang bị lạc trong một khu rừng, gặp một người bản địa biết đường ra, họ chỉ đường cho em xong có cần phải cõng em ra bìa rừng luôn không? Nếu người đó tiện đường và em không đi nổi nữa thì họ có thể làm thế thật. Nhưng người ta có làm hay không đó là quyền, chứ không phải nghĩa vụ. Người ta chỉ đường ra cho em đã là tốt lắm rồi, việc của em là phải tự đi. Chưa kể là em phải biết rõ mình muốn ra hướng nào nữa, có thể đường họ chỉ cũng là đường ra, nhưng em vào hướng Nam, họ chỉ lối ra hướng Bắc. Nếu điều đó xảy ra thì cũng là do em thiếu kiến thức, thiếu cẩn trọng.

Những người biết những điều đúng (chân lý) trong cuộc sống này cũng vậy, không ai có nghĩa vụ giảng giải, chứng minh cho em tin điều đó là đúng cả. Nói cho em là may rồi, việc của em là phải tự mình nghiệm chứng các chân lý đó qua việc tìm hiểu thông tin và tự mình trải nghiệm.

Những người lúc nào cũng cố thuyết phục, chứng minh thì một là bản thân họ cũng chưa thật sự tin vào điều họ nói, còn trường hợp khác họ là kẻ lừa đảo.

2. Bị lừa vì tham

Tham có thể không bị lừa, nhưng đã bị lừa chắc chắn là tham.

Khi em bị lừa, ngoài chuyện thiếu kiến thức, thiếu thông tin, lúc nào cũng thích người khác thuyết phục, chứng minh như trên đã nói, điều kiện cần và đủ cho một cú lừa là lòng tham của nạn nhân.

Những vụ như bán hàng đa cấp, đầu tư dự án ma thì quá rõ ràng, đó là tham lợi. Dù biết hay không biết thông tin, hiểu hay không hiểu bản chất lừa đảo của sự việc, nạn nhân sở dĩ là nạn nhân là vì tham lợi. Thấy lãi suất cao quá, nghĩ mình chắc không phải là nạn nhân cuối cùng đâu, vướng vào rồi lại đi lừa người khác cũng được. Nhiều người tự cho là thông minh nghĩ rằng cú lừa này mới lập ra, mình có thể “lướt sóng” để thu lợi xong rồi rút. Họ nghĩ mình là “early birds get the worms” (chim đến sớm thì ăn được sâu), tuy nhiên trong cuộc sống vẫn còn có trường hợp “second mouse gets the cheese” (con chuột đến thứ hai mới lấy được phô mai – trong bẫy chuột). Nói vậy thôi chứ tính kiểu gì miễn tham là dính.

Có người lại bảo: tôi bị lừa nhưng tôi không tham, tôi làm từ thiện, tôi giúp người mà? Đúng rồi, đâu phải chỉ có tham tài mới bị lừa. Mà còn các dạng khác là tham danh, tham lợi, tham phước báu, tham tình thân, tham sự nể nang của bà con dòng họ… những cái tham vi tế nấp dưới nhiều lớp vỏ đẹp đẽ cao quý khiến người ta sẵn sàng chui vào bẫy lừa đảo. Cuối cùng tiền mất mà các giá trị họ tham kia cũng chẳng còn.

Thấy người bạn thân mình tin tưởng bao nhiêu năm rủ đầu tư một thứ gì đó “chắc ăn lắm, tao bảo đảm, chỗ anh em tao mới tiết lộ…” sau đó là một mớ thông tin nửa hư nửa thực (giai đoạn thuyết phục nè), rồi, thôi nể anh em, chắc nó không lừa mình đâu…

Thấy người ăn xin lê lết ôm đứa trẻ “cho xin 10 nghìn ăn cơm”, kế bên lại có đồng nghiệp hoặc mỹ nhân đang nhìn, cho luôn 200 nghìn… biết đâu đó là kẻ chăn dắt trẻ con chuyên nghiệp.

Thấy người bà con xa chạy vạy khắp nơi vay mỗi người 10 triệu, cũng ít, móc tiền ra đưa liền, thỏa mãn vì được cảm ơn rối rít, đâu biết người đó vừa trúng chiêu “vay 100 người, mỗi người 10 triệu” của Alibaba. Nghĩ mình không tham, thật ra vừa tham vừa thiếu kiến thức.

Nhiều người chống chế, nói rằng tôi làm vì tâm thiện, tôi không cần biết gì khác, làm sao có thể quan tâm hết mọi thứ rồi mới làm? Anh không kết tội ai, điều anh khẳng định là nếu họ bị lừa thì họ phải tham. Còn tham thế nào thì chỉ trong lòng họ mới rõ. Và việc bảo rằng tôi có ý tốt nên tôi không quan tâm hậu quả không phải thể hiện lòng tốt mà là thể hiện sự vô trách nhiệm khi hành động mà thôi.

Ở đời, muốn không bị lừa, trước hết phải nhìn rõ con người mình, xem mình tham cái gì, rồi tìm cách sống tự tại an nhiên rời xa nó. Khi muốn làm điều gì phải tìm hiểu kỹ, từ nhiều nguồn, tự mình suy xét và quyết định chứ đừng van cầu ai đó thuyết phục mình. Giảm được lòng tham và tăng thêm kiến thức, có trách nhiệm với bản thân thì tỷ lệ bị lừa sẽ giảm xuống thấp nhất.

Quan trọng là khi nghe, đọc cái gì mới lạ, thì tự mình kiểm chứng, hoặc nếu học hỏi thì cũng suy nghĩ rồi đặt câu hỏi với tinh thần khiêm hạ, cầu thị, chứ không phải hất hàm biểu “anh chứng minh đi”. Méo ai có nghĩa vụ đó, trừ bọn lừa đảo.

Nhớ nha em.

27.9.2019
No photo description available.

Có lẽ em cũng thường nghe người này chửi người nọ ngu, hoặc em cũng từng chửi, hoặc em nghĩ mình ngu. Hồi trước thì người ta thường chửi kèm “ngu dốt” cơ. Thế em có bao giờ định nghĩa xem ngu là gì, dốt là gì hông? Đối với mọi thứ mà chúng ta tiếp xúc mỗi ngày, em nên tập thói quen chiêm nghiệm, quan sát lại tất cả chứ không dùng theo thói quen, dùng theo cách dùng của người khác.

Khi một người không biết một thông tin nào đó, không thể lý giải một hiện tượng nào đó, thường là sẽ bị chửi “ngu”. Nhưng thật sự thì đó có thể chỉ là “dốt” thôi. Dốt là việc thiếu thông tin, thiếu kiến thức về một vấn đề nào đó do chưa từng được học, chưa tìm hiểu qua. Ngu là khi có thông tin, có kiến thức và được giảng giải mà đối tượng vẫn không hiểu, hoặc chậm hiểu. Khái niệm về ngu thường gắn liền với chỉ số thông minh IQ (intelligence quotient) để chỉ năng lực trí tuệ trong việc xử lý thông tin, phần lớn là thiên về tính toán, logic. Ngày nay người ta còn đưa thêm EQ (chỉ số thông minh cảm xúc), thông minh về thể chất.. để không ai phải ngu cả.

Em có thể hình dung người dốt là một quyển tập trắng, người không dốt là một quyển từ điển, người không ngu là một phần mềm có công nghệ big data. Với quyển tập, em có thể nhập dần những dữ liệu em cần vào đó tùy vào khả năng trí tuệ (độ ngu) mà các thông tin đó chính xác hay không, trình bày sạch đẹp không và có tác dụng gì không. Quyển từ điển dù có nhiều thông tin, nhưng nó không có khả năng gợi ý thông tin nào em cần, thông tin nào chính xác nhất mà chỉ có thể đưa ra các khả năng có thể có. Từ điển là thứ không dốt, mà ngu. Phần mềm big data ban đầu cũng giống như quyển sổ trắng, nó hấp thu tất cả số liệu và học hỏi, ghi nhớ các khả năng đúng nhất, từ đó nó có thể thể hiện chức năng cuốn từ điển, vừa có thể đưa ra đáp án đúng nhất, cải thiện dần theo thời gian.

Đa số những người bình thường, không ai ngu cả, họ chỉ dốt thôi. Hay nói đúng hơn là họ không quan tâm đến lĩnh vực mà họ bị xem là ngu, không có thông tin, không suy nghĩ về vấn đề đó thì làm sao có thể lí giải được. Ở đây điểm khác biệt chính là mục tiêu mà họ quan tâm, thông tin mà họ tiếp cận, kiến thức họ tiếp thu. Những người suốt ngày lên FB hóng phốt, lên báo đọc tin tội phạm, share các bài giật gân, xem clip hài nhảm… thì làm sao có thông tin để lý giải về các hiện tượng trong cuộc sống.

Các cấp độ hiểu biết: cũng là mức độ tiếp nhận và lý giải thông tin.

1. Không biết gì: không có thông tin nào, chưa từng tiếp xúc với sự vật hiện tượng đó, không biết rằng nó tồn tại.. Đây là dốt.

2. Có nghe nói đâu đó: đã tiếp cận với thông tin qua một số nguồn tin nào đó, chưa quan tâm và không có lý giải riêng, chỉ có thể lặp lại thông tin từ người khác (hoặc không).

3. Hiểu biết về thông tin một cách chính xác và có thể lý giải rõ ràng, nhưng còn chưa có quan điểm riêng, chỉ có thể hiểu theo cách người khác giải thích.

4. Có thông tin, hiểu thông tin, có lý giải riêng, có thể sử dụng lý giải áp dụng vào các tình huống khác.

5. Hiểu và cảm nhận, trải nghiệm thật sự riêng. Điều này chỉ áp dụng với các lý giải đạo lý. Ví dụ “sống trong hiện tại”, “hạnh phúc là con đường không phải điểm đến”… những thứ mà nhiều người nghe, có thể lý giải, nhưng mỗi người chỉ có thể tự mình cảm nhận và trải nghiệm. Hiểu chưa chắc cảm.

Anh cho rằng những người bị đánh giá thấp (do người khác hay do chính bản thân họ) chẳng qua là do họ thiếu sự tập trung, không muốn tìm hiểu thông tin, không muốn suy nghĩ và thực hành các kiến thức nào đó mà thôi (do họ bận quan tâm thứ khác như đã nói ở trên).

Vì sao người giỏi thường có cái tôi lớn?

Theo anh thấy, những người giỏi, người đạt được thành tựu nhất định trong các lĩnh vực, đa phần đều có cái tôi (bản ngã) lớn. Thường thường người ta phải có một loại lòng tin vào chính mình, có một niềm yêu thích cuồng nhiệt, một sự đam mê mãnh liệt nào đó để dựa vào thì mới có động lực tìm hiểu thông tin, suy ngẫm kiến thức, thử nghiệm và thất bại rồi dần dần bước lên đỉnh cao.

Ngược lại, cũng có thể vì có năng khiếu, vì có một loại trí thông minh hơn người nào đó (khả năng tính toán, ngoại hình xinh đẹp, chơi thể thao giỏi, nghệ thuật giỏi…) khiến cho bản ngã của họ lớn dần lên theo những khả năng và thành tựu mà người bình thường khó có được.

Trong việc ngộ đạo, có 3 loại cảnh giới cơ bản: thấy núi là núi, thấy núi không phải núi, lại thấy núi là núi.

Thường thì người giỏi sẽ tiến vào loại cảnh giới thứ hai, họ sẽ nhìn mọi việc khác người bình thường (những người được xem là ngu và/hoặc dốt - thậm chí chưa thể thấy núi là núi), khi ở cảnh giới này họ thấy mọi thứ thật huyền diệu, họ cho rằng bản thân mình khác lạ với người khác, mình hiểu biết hơn, thông tuệ hơn, từ bi hơn... Cảnh giới này tuyệt vời đến mức đa phần những người đạt tới đều đắm mình trong đó đến hết đời.

Nhiều người sẵn sàng bảo vệ thứ mà họ thấy, dù biết không phải lúc nào nó cũng đúng như họ thấy, dù chính bản thân họ cũng nghi ngờ, nhưng không muốn bước chân ra, không muốn lại “thấy núi là núi”. Núi không phải núi thì mới hay! Từ đó sinh ra tính bảo thủ, cũng là sự cầm tù dành cho những người có may mắn vượt lên trên nhiều người, nhưng không đủ can đảm bỏ xuống thứ mình đã cầm lên để bước cao hơn.

Phật nói đạo của ta không phải là bến bờ giải thoát, chỉ là con thuyền giúp người vượt biển mê. Nhiều người đến bờ mà tiếc con thuyền nên cứ ngồi mãi đó.

Đối với Phật, chứng ngộ là khi tiến về vô ngã, là không còn bản ngã. Nhưng vấn đề là khi nào biết mình chứng? Nếu tự cho mình chứng, thì đó là bản ngã đang chứng cho mình chứ ai, vậy là vẫn còn bản ngã, vẫn chưa chứng. Đó là cái bẫy của bản ngã vậy.

Những người giỏi hơn người giỏi, về sau họ sẽ buông xuống những kiến thức, thông tin, lý giải mà họ biết trước đó để tìm tòi những thứ mới mẻ hơn, họ quay lại soi xét điều họ cho là đúng để xem còn khả năng nào khác hay không, như câu nói nổi tiếng của Socrates: “Tôi chỉ biết một điều là tôi chẳng biết gì cả”.

Cuộc đời này ngắn lắm, anh mong em sống thật vui và nhìn ngắm mọi thứ xung quanh bằng con mắt của riêng mình, để một lần dạo qua thế gian này không uổng phí.

26.9.2019
No photo description available.

Trong ba ngày vừa qua, anh đã nói về lý do anh viết bài, em là ai và chúng ta sẽ trao đổi với nhau như thế nào. Hôm nay đúng ra anh định kể về những gì anh đã trải qua cùng Facebook, đó cũng là một điều kiện quan trọng trong việc chúng ta có thể có cuộc nói chuyện này đây. Nhưng rồi anh thấy Facebook hai hôm nay sao hỗn loạn quá, nào là tin sốc về tập đoàn lớn trong nước, rồi khoe iphone, rồi các bình luận cãi nhau của các nhà bảo vệ môi trường, các nhà kinh tế, cùng với những người bán quần áo, thức ăn, mỹ phẩm online, những người kinh doanh đang gọi vốn còn anh thì đang phải chạy tới chạy lui để chuẩn bị cho một hoạt động của ngày Doanh nhân. Mọi thứ có vẻ loạn và chồng chất lên nhau nhưng rất ư rời rạc. Thế nên anh sẽ nói về sự hỗn loạn.

Người ta vốn cho rằng mọi thứ bắt đầu từ hỗn độn, rồi một vụ nổ xảy ra, phân hóa và tiến hóa hình thành nên thế giới. Thế nên cuộc nói chuyện của chúng mình bắt đầu bằng sự hỗn loạn, hay hỗn độn thế này, anh thấy cũng hay.

Không biết em sinh vào thời đại nào, nhưng có lẽ dù là thời nào đi nữa thì các bậc tiền nhân vẫn luôn than vãn “Ôi, thời đại của tụi mày sướng hơn tao nhiều, thời tao phải abc, thời tao không có xyz”. Thế em có cảm thấy sướng hơn không? Rồi đến khi em có lớp hậu sinh, có lẽ em cũng nói với chúng những câu như thế.

Với anh thì thời đại nào cũng có sướng, khổ riêng, nhưng giai đoạn hiện tại này có thể gọi là hỗn loạn. Không phải là chiến tranh mà chính là hỗn loạn trong tư tưởng và sự tiến bộ về mọi mặt: khoa học kỹ thuật, y học, triết học, tôn giáo… mọi thứ đều đang thay đổi quá nhanh và có nhiều mặt khiến người ta không biết phải tin ai, không biết đâu mới thật là điều đúng đắn. Điều sau phủ định các điều trước đó, và ngay lập tức bị phủ định.

Con người sống trong thời đại này muốn nhắm mắt bình an cũng không xong, vì nếu em làm vậy thì cũng sẽ có người đến vỗ vai em và bảo: này, bình an kiểu đó chỉ là giả tạm, là hèn nhát mà thôi.

Thường khi anh vẫn ở trong thế giới của riêng mình, nơi đó mọi thứ rất vững vàng và anh rất tự tin khi mình đúng, không hoang mang khi mình sai và không quan trọng sai hay đúng. Đôi khi anh tiếp xúc với thế giới chung nơi người ta gọi là xã hội, anh thấy mọi người khá giống nhau, nhưng họ chia làm nhiều nhóm. Đa phần người ta sống theo các công thức được hình thành theo thời gian, vui buồn cũng theo công thức cả. Ở giai đoạn nào thì dùng công thức đó, ai áp dụng tốt hơn thì vui vẻ hơn, hoặc không.

Nhưng thế giới này đang chia thành nhiều nhóm người rất khác. Lâu lâu anh lại tiếp xúc với vài thế giới lạ kỳ: có người ăn thuần chay, người bỏ lên rừng sống, người làm kinh doanh, người học rộng hiểu nhiều, người tin vào những điều siêu nhiên, người luôn tràn đầy năng lượng và sự bùng nổ, người thì im lặng, người bất mãn cuộc đời và người luôn khiêm tốn… Họ cũng có những nhóm giống nhau nhưng nhỏ thôi, và mỗi cá thể trong đó cũng khác biệt. Mỗi khi tiếp xúc với một người khác biệt như vậy, anh thấy thế giới này rộng lớn hơn, không còn tù túng như bài tập hàng ngày và những công thức phải điền vào kia nữa.

Nhiều khi anh nghĩ giai đoạn này tốt hơn 20 năm trước nhiều, đặc biệt là sự phát triển của CNTT và internet. Người ta có thể tiếp xúc với rất nhiều tri thức, kiến thức, lý giải về cuộc sống, có thể liên lạc với nhiều người và trao đổi mọi thứ để hiểu rõ bản thân mình hơn, để vui vẻ hạnh phúc hơn.. Đó là anh nghĩ vậy.

Còn thực tế là ai hiểu cứ hiểu, ai không hiểu vẫn không thèm hiểu. Nhiều lúc anh cảm giác là chỉ cần người ta muốn, họ sẽ dễ hạnh phúc hơn trong thời đại này, hay nói cách khác là những người đau khổ là do họ chọn đau khổ.

Có người bảo rằng thời đại này là bước chuyển giao, là sự chuẩn bị cho một loại tiến hóa của nhân loại. Đôi khi anh cũng mơ hồ cảm thấy vậy. Ngoài những tiến bộ nói trên, càng lúc càng nhiều người tách ra thành nhóm khác biệt với số đông, nhiều người tuyên bố rằng mình giác ngộ, mình hiểu thế giới này nọ, các nhà khoa học cũng biến nhiều thứ viễn tưởng thành hiện thực..

Mọi thứ thật là hỗn loạn. Đây giống như một dạng hỗn độn khác, không phải của thiên nhiên mà là của loài người.
Các “thế giới” của loài người đang không ngừng phân tách, tiếp xúc, ma sát hay va chạm kịch liệt với nhau. Rồi sẽ có một “vụ nổ” hoặc một khoảng lặng bao trùm, đông cứng mọi thứ lại, và những gì phải mất đi sẽ mất đi, những gì vượt qua sẽ tiến hóa thành loài người mới.

Và em lúc đó sẽ ở đâu? Còn em lúc này đang ở đâu? Em có bao giờ quan sát thế giới này, quan sát chính mình và nghĩ về những điều này, em có nhìn thấy hỗn độn, thấy sự hỗn loạn, thấy sự hứng thú hay cảm thán trước sự phát triển của loài người đến giai đoạn hỗn độn này không?

Mong em sẽ tìm thấy chính mình trong hỗn độn, hoặc không.

Đó là tên một quyển sách anh đã đặt đi đặt lại nhiều lần và chưa bao giờ viết ra một dòng nào. Hồi trước có một vài dòng mà anh không nhớ rõ từ đâu, nhưng rất có tính ám ảnh đối với anh: Ở Mỹ, mỗi năm có hàng trăm ngàn quyển sách được xuất bản, nhưng bên cạnh đó là hàng triệu triệu bản thảo chưa bao giờ được hoàn thành.

No photo description available.

Đã đôi lần anh hơi có hứng thú với việc viết sách, với một cuốn sách của mình ấy, nhưng điều đó không nhiều và không đủ lâu, khi anh nhìn thấy sách của người khác thì càng nản, chả ý nghĩa gì luôn. So với việc viết ra một quyển sách thì việc không dám đối diện với chính quyển sách của mình viết ra đáng sợ hơn nhiều. Mà điều anh muốn không phải là bản thân quyển sách, mà là có thứ gì đó muốn nói, quyển sách, nếu có, chỉ là thứ đến sau, là sản phẩm của điều đó mà thôi.
Và anh đã thật sự “giữ mình” được cho đến lúc này, đến lúc anh cảm thấy muốn viết mỗi ngày như thế này đây. Khi em tìm được điều em muốn, tìm thấy sự hứng thú của bản thân, và được làm điều đó mỗi ngày, khi em có thứ gì đó để hướng về, điều đó tuyệt vời lắm em.

Hôm trước anh đã nói qua vì sao anh bắt đầu viết cho em, và em là ai. Hôm nay anh muốn nói về việc chúng ta sẽ nói và nghe (hay chính xác là viết và đọc) những bài viết từ đây về sau với tâm thế như thế nào (How).

Anh thích văn của Nguyễn Ngọc Thuần và Murakami, đặc biệt là những đoạn kể chuyện như đang đối thoại giữa hai người – người viết và người đọc. Còn một quyển sách khác mà anh rất thích, có lẽ ít người biết, là quyển “Suy nghĩ vẩn vơ của kẻ nhàn rỗi” của Jerome K. Jerome. Quyển sách đó cũng viết theo phong cách như đối thoại giữa tác giả và người đọc, như kể từng câu chuyện một, trong đó có mô tả và nhận định, cảm xúc của tác giả chia sẻ cho người đọc, như hai người bạn đang chuyện trò. Anh thích điều đó và anh muốn làm như vậy ở đây.

Không có lời thoại, không có tình tiết hay cao trào, tất cả chỉ là những lời kể nhè nhẹ, nho nhỏ, êm êm. Rất trực tiếp và dịu dàng. Người kể chỉ việc kể, người nghe chỉ việc nghe, không ngắt lời, không đánh giá.

Ngày trước, anh tự đặt cho mình một cái tên phụ trên FB là “người kể chuyện”, có lẽ anh đã thích điều đó lâu rồi mà không nhận ra. Và buồn là lúc đó anh chẳng có mấy chuyện để mà kể, giờ thì cũng có kha khá chuyện rồi. Mà cũng từ lâu rồi anh đã đổi sang “người ngoài cuộc”.

Hồi đó, mẹ anh dạy mẫu giáo, dì năm thì dạy cấp một, nên anh được nghe rất nhiều truyện cổ tích, truyện dân gian. Có cái hiểu, cái không nhưng anh rất thích. Sau đó lúc biết đọc thì anh bắt đầu đọc tất cả truyện cổ tích Việt Nam, rồi truyện cổ thế giới, rồi lớn một chút là các truyện ngắn của Nguyễn Nhật Ánh, Đoàn Thạch Biền.. anh thích đọc truyện lắm.

Anh còn nhớ có một lần, dì năm kể chuyện hai con bò, bò con và bò mẹ. Bò con ham chơi mãi không về. Mẹ nó đi tìm nó, tìm hoài tìm mãi, đến cuối cùng chỉ tìm thấy cái đuôi. Lúc đó anh khóc quá trời. Mà dì năm khoái lắm, cứ kể đi kể lại.

Rồi mấy câu chuyện như Tấm Cám hay Thạch Sanh Lý Thông, bây giờ người ta đem ra phân tích rồi bảo ác ôn ảnh hưởng tâm hồn trẻ thơ gì đó. Nói thật với em, lúc đó anh nghe mà thấy bình thường, có hơi ghê một chút đoạn ăn mắm thôi. Với tư cách trẻ con, và góc nhìn trẻ con, những điều phi lý hay vô nhân đạo gì gì đó không phải được cảm nhận giống như cách người lớn nghĩ vậy đâu. Anh biết mấy cái đó không có thật. Và anh chỉ thích nghe kể chuyện vậy thôi.

Đó cũng là cách anh với em trao đổi nhau qua những bài “Viết cho em” tiếp theo nhé. Anh chỉ kể ra điều anh muốn kể, còn em chỉ nghe để mà nghe. Không có phán xét, không có hạch hỏi số liệu dẫn chứng gì gì. Bỏ qua hết mọi thứ mà chỉ kể cho nhau nghe những câu chuyện về cuộc đời, về thế giới mà thôi.

Thật ra anh lại không ngại em đánh giá anh hay gì khác, chỉ là trong các bài sắp tới có thể sẽ có điều khiến em khó chịu, khiến em mất hứng hay nghĩ xấu về anh. Dù không cố ý nhưng anh cũng không muốn trường hợp đó xảy ra, và anh biết thế nào cũng có xảy ra, nên nói trước vậy đỡ được bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu em ạ.

Những gì anh nói chỉ là một góc nhìn, nó không phải là anh, anh cũng không chỉ nhìn đúng một góc đó. Và anh sẽ không nói kiểu rào đón, kiểu thận trọng đề phòng phản biện như cách anh hay viết trên mạng nữa, anh sẽ kể những câu chuyện với một sự đoan chắc rằng em sẽ không phán xét gì về câu chuyện hay về bản thân anh. Nếu có thì em sẽ không phải là “em” nữa. Và những câu chuyện này, hoặc riêng một câu chuyện đó, không phải dành cho em.

Nên nếu có thì em đừng buồn, đừng giận anh nhé.
Giận kệ em.
No photo description available.

Hôm qua, trong số những phản hồi cho bài viết đầu tiên của anh, có một số bạn bảo rằng mình cũng muốn nhưng không có “em” nào để viết cho, có người bảo em là nàng thơ, hay người tình nào đó. Anh nghĩ các bạn đó có thể chỉ là đùa giỡn vậy, chứ phần lớn mọi người vẫn biết em trong “viết cho em” không phải chỉ một người nào. Với những ý tưởng ban đầu, “viết cho em” cũng không giống “viết cho người yêu tương lai” “Viết cho con”.. còn khác ra sao thì chính anh cũng chưa rõ. Điều anh xác định rõ đầu tiên là: Em là ai.

Khi tự hỏi bài viết thứ hai là gì, anh đã có ngay đáp án, và ngay sau đó anh nhận ra mình đang thực hành theo một phương pháp mà anh dùng cho rất nhiều việc: 4W+1H (Why-Who-What-When và How). Tùy từng sự việc mà thứ tự của những câu hỏi này có thể thay đổi, nhưng đa phần với anh thì quan trọng nhất là Why – Tại sao mình lại làm việc này? Điều đó anh đã trả lời một phần cơ bản ở bài 1.

Tiếp theo là Who – Anh làm việc này cho ai? Anh cũng đã nói: cho em và cho anh. Thế thì em là ai? Một cách đơn giản nhất: em là những người đọc những gì anh viết, và tự nhận mình là “em”.

Những người không thấy thoải mái, cảm thấy anh đang dạy đời, đang ba hoa khoác lác, không cảm nhận được tâm ý của anh dành cho “em” trong bài viết… thì không phải là “em”.
Anh bắt đầu viết, chia sẻ, trả lời các câu hỏi của bạn bè, chủ yếu là của các “em” từ năm 2014. Cũng có lúc anh tham gia một vài cộng đồng lớn, nên lượng bạn bè tương tác khá nhiều. Anh lại hay để ý, nên chỉ cần không phải tàu ngầm siêu cấp chuyên lặn thật sâu trong friendlist anh đều biết. Và anh nhìn em trưởng thành, thay đổi từng ngày. Có những em là bạn bè từ lúc học lớp 10, đến giờ ra trường đi làm, có em thì từ thời sinh viên, giờ đã thành "mẹ người ta" luôn rồi.

Anh đã ở bên em những lúc vui, buồn, giận, ghét và trong những hoàn cảnh khó có thể nói với ai. Và đã nhìn em thay đổi từng ngày, đi qua những vui buồn và trưởng thành hơn, hạnh phúc hơn. Ngày trước có em còn nhận là nghe lời anh hơn cả phụ huynh, anh vừa vui vừa thấy trách nhiệm nặng nề, vì anh cũng chỉ là một người trẻ chẳng có gì ngoài thế giới quan của chính anh.

Anh thấy em ít nói tục chửi thề hơn, thấy em ghi nguồn rõ ràng trong các bài viết thay vì “sưu tầm”, thấy em bình tĩnh hơn trong tình yêu, hạnh phúc hơn trong các mối quan hệ, thấy em chia sẻ bài viết từ các page anh giới thiệu, thấy em bắt đầu chia sẻ các quan điểm, góc nhìn riêng.. tất cả làm anh thấy những điều anh nói với em không mang đến tác dụng tiêu cực. Đôi khi, có em chia sẻ những thay đổi đó với anh cùng với lời chúc mừng sinh nhật. Đôi khi em không ý thức được sự thay đổi đó, em bận bịu với cuộc sống và công việc nên không còn tương tác với anh. Chủ yếu em vui khỏe là được.

Hồi 2015 hay 2016 chi đó, thời mà confession nở rộ ấy, anh cũng lập một cái form trên google để các em chia sẻ câu chuyện của mình một cách ẩn danh, rồi sau đó là đến trang ask.fm, và những em pm trực tiếp trên page hay fb cá nhân. Anh thấy có quá nhiều người cần giúp đỡ. Không phải đơn giản là giải pháp hay lời khuyên, vì anh đã thấy quá nhiều người dạ vâng rồi thích làm gì thì làm, nhưng ai cũng cần một điểm tựa vào lúc yếu lòng nhất.

Điều quan trọng là anh thường chia sẻ lại các trường hợp bằng cách tóm tắt nội dung hoặc các câu hỏi ẩn danh, những điều không thể tác động người này sẽ được người khác đón nhận. Và đó là cách em thay đổi, em thay đổi từ những lời khuyên anh dành cho các em khác, từ cách anh ứng xử trên chính FB của anh. Từ đó hình thành trong anh một “em” chung nhất. Và đây là những bài viết, những chia sẻ, suy nghĩ, quan điểm mà anh muốn nói cùng em.

Thật lòng anh cảm ơn em vì những câu chuyện, các tình huống, câu hỏi, quan điểm mà em đã chia sẻ với anh, đó cũng là lúc anh nhìn lại thế giới quan của mình, có những điều chỉ khi em hỏi anh mới biết là anh biết, cũng có những điều chỉ khi em hỏi anh mới nghĩ đến.

Từ tất cả những điều trên, anh muốn chia sẻ nhiều hơn đến em – những người cũ và người mới. Những dòng anh đang viết đây, và cả những bài sắp tới là dành cho những ai tự nhận là “em”.

Trong bài 3, anh sẽ nói tiếp về việc: viết gì, và viết như thế nào? Sơ lược về cách trình bày, thái độ của “anh” và “em”.

Anh đã lên một danh sách khá dài những bài kế tiếp. Nếu em có điều gì muốn chia sẻ, hay câu hỏi nào muốn anh nói thì pm cho anh, hoặc gửi qua ask.fm/nhatbaovn nhé. Anh sẽ suy nghĩ và trả lời trong những lần sau.
No photo description available.

Đối với anh, điều quan trọng nhất là hứng thú, vì anh thật sự rất ít hứng thú với bất cứ thứ gì. Ngày trước anh chưa ý thức được điều đó, cứ chạy theo cuộc đời mình như một kẻ mộng du. Mấy năm nay anh dần tỉnh lại nhưng vẫn mất phương hướng, vẫn luôn tìm kiếm xem rốt cuộc mình muốn làm gì với cuộc đời mình.

Anh từng thử qua rất nhiều thứ, làm theo một số người, và không thấy vui, không hứng thú. Nó như là một cuộc tìm kiếm vô vọng trong một không gian mờ mịt đa chiều. Khi anh nhìn quanh hoặc mở rộng vòng tròn để tiếp xúc thì có rất nhiều con đường để đi, nơi những người khác đang đi trên đó. Anh vẫn không thấy hứng thú với các kiểu mẫu hạnh phúc và thành công kia, em ạ. Anh vẫn đang tiếp tục tìm kiếm con đường mình thích đi đây.

Trên hành trình hơn 5 năm qua, anh đã gặp rất nhiều người và học nhiều điều thú vị. Một trong những điều đó là sự kỷ luật thông qua việc làm việc mỗi ngày: của cố soạn giả Viễn Châu, của nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh và gần đây là của Nas Daily.

Anh không phải muốn thành công như họ, chỉ đơn giản thấy làm một điều gì đó mỗi ngày không gián đoạn là một điều tuyệt vời. Nhưng anh vẫn chưa có hứng thú để làm.

Anh đã xem Nas Daily từ hồi vài chục nghìn followers, nay đã hơn 10 triệu. Lúc anh ta còn đang thực hiện dự án mỗi ngày 1 video trong 1000 ngày liên tục. Hồi đó anh cũng được truyền động lực ghê gớm lắm, nhưng chưa thật sự bắt đầu hành động gì cả. Thay vào đó anh đã cố truyền động lực đó cho một vài bạn, bảo họ làm một việc gì đó mỗi ngày, và tất cả dừng lại sau một hay hai tuần lễ.

Uhm, thực tế là hồi tháng 5 năm 2016, anh cũng hoàn thành một dự án nhỏ “30 ngày dậy sớm”, nhưng việc đó không tạo được đà cho những điều tiếp theo, không đủ hứng thú và nhiều nguyên nhân khác nữa, nên mọi thứ diễn biến đến hôm nay.

Hôm nay không phải là ngày đẹp, cũng không phải ngày vui, anh vẫn đang buồn chán với những suy tư chưa thành hình thành dạng, và loài người lại khiến anh hơi chán, và hơi mệt nữa. Chán đến độ chẳng muốn chơi game hay đọc truyện - thứ anh đã bỏ rất nhiều thời gian trong những năm qua.

Trong lúc vô tình anh lại xem Nas Daily, anh xem qua 4-5 videos, trong đó tác động mạnh nhất là “Why I love to fail” và “The serect to my success”. Nội dung cũng không có gì mới lạ cả, nó chỉ đến đúng lúc thôi. Nó nhắc anh về việc làm một điều gì đó mỗi ngày, về tầm quan trọng của deadline (điều này chính anh cũng đã từng nói trong một video của series 30 ngày dậy sớm).

Và chỉ vậy thôi, anh bắt đầu làm album “Viết cho em” này, để viết về một điều gì đó mà anh muốn nói với em, mỗi ngày. Anh chưa rõ là sẽ đến bao nhiêu ngày, có lẽ ít nhất là 100, và mỗi ngày là một bài viết.

Về ý tưởng thì anh đã nghĩ về “Viết cho em” rất nhiều khi nghĩ về cuốn sách mình sẽ viết, chỉ là anh chưa bao giờ bắt đầu, chưa bao giờ nghiêm túc, chưa bao giờ cam kết viết mỗi ngày như hôm nay.

Cảm hứng hay hứng thú là một điều kiện cần, rất quan trọng khi muốn làm gì đó, nhưng chưa bao giờ là điều kiện đủ - ít nhất là đối với anh. Có lẽ cảm hứng phải đủ lớn và có một cơ duyên nào đó thúc đẩy như hôm nay thì mới đủ để anh bắt đầu. Điều quan trọng nhất là kỷ luật, là giới hạn, là các deadlines. Phải có động lực nào đó thúc đẩy để anh tự nguyện vui vẻ hoàn thành các mục tiêu nhỏ, mỗi ngày, như cách anh đã làm album 30 ngày dậy sớm.

Anh đã có nhiều đêm không ngủ được, nằm im đến gần sáng vì các ý tưởng, cảm hứng bừng bừng trong đầu, và anh đã quên gần hết vì chưa bao giờ bắt đầu.

Còn hôm nay, anh sẽ bắt đầu với Facebook – nơi đã mang đến cho anh nhiều cơ duyên, thay đổi cuộc đời anh rất nhiều. Và anh sẽ viết, cho anh và cho em.

22/9/2019
Đúng là nếu thay ống hút nhựa bằng ống hút cỏ hay thay túi nilông bằng túi giấy là góp một tay bảo vệ môi trường. Nhưng nếu cứ xài thoải mái ống hút cỏ, túi giấy thì chưa hẳn môi trường được bảo vệ.

Mốt "organic"

Ống hút được làm bằng bột gạo - Ảnh: TTO

Cách đây khoảng 1-2 năm, một vài người bạn của tôi bắt đầu chia sẻ nhiều về rác thải nhựa, sau đó tập trung vào tác hại của ống hút nhựa, tôi thấy các bạn rất tích cực trong việc phổ biến thông tin bảo vệ môi trường, cũng khá ngưỡng mộ.

Một thời gian sau, các bạn đăng bán ống hút kim loại. Loại ống hút này khá bất tiện vì phải tẩy rửa, nên tiêu thụ không tốt lắm. Sau đó, có bạn bán ống hút tre, rồi ống hút gạo.

Mới đây trên Shark Tank vừa có một start-up kêu gọi đầu tư được các nhà đầu tư tranh giành quyết liệt, với dự án sản xuất ống hút cỏ đã và đang thành công.

Khởi nghiệp thành công, kiếm được tiền, tạo việc làm cho xã hội là việc tốt. Góp phần bảo vệ môi trường lại càng tốt hơn. Tuy nhiên ống hút cỏ, túi giấy hay các vật dụng được tạo từ "vật liệu thân thiện môi trường" thật sự đóng góp gì cho việc bảo vệ môi trường?

Khi tham dự một khóa tập huấn về lồng ghép môi trường vào các hoạt động dự án trước đây, tôi khá ngạc nhiên khi biết rằng việc trồng lúa nước phát thải nhiều khí (cụ thể là mêtan CH4) gây hiệu ứng nhà kính. Ngoài ra, sản xuất lúa gạo cũng là một ngành sản xuất được cho là tiêu phí nhiều nước sạch.

Nhưng chúng ta có thể không ăn cơm sao? Và nếu không ăn lúa gạo nữa, chuyển sang ngũ cốc, bánh mì, thậm chí là thuần rau xanh thì sao? Cũng vậy, có thứ nào không phải từ môi trường mà ra? Việc sản xuất, chế biến, vận chuyển và tiêu thụ có khâu nào không tác động xấu đến môi trường?

Lại nói về việc "thực phẩm sạch" hay siêu sang chảnh là "hữu cơ" (organic), những thứ này có giải quyết vấn đề môi trường không? Không, nó chỉ tốt cho sức khỏe con người mà thôi.

Bởi vì nếu sản xuất hoàn toàn hữu cơ thì sản lượng sản xuất ra sẽ không thể nào đủ cung ứng cho nhu cầu khổng lồ của con người ở thời điểm hiện tại. Nhưng đó có phải là giải pháp không? Cũng không, đó cũng chỉ là một hình thức con người đang tiêu tốn tài nguyên trái đất một cách "hữu cơ" mà thôi.

Tại sao không bỏ hẳn ống hút, túi giấy?

Quay lại thay đổi ống hút nhựa bằng ống hút cỏ có tốt không? Có, điều đó giúp con người không thải thêm nhựa khó phân hủy ra môi trường nữa.

Nhưng đổi lại là sẽ có thêm một diện tích lớn đất đai, nước, nhân công, máy móc thiết bị dồn vào việc sản xuất ống hút cỏ, ống hút gạo, giấy hay các loại ống hút khác và nguy hiểm là ở chỗ: khi an tâm rằng mình đang đối xử tốt với môi trường, người ta sẽ vẫn giữ mức tiêu thụ thực phẩm, đồ dùng và mọi thứ khác ở một mức độ mà tôi cho rằng quá nhiều so với nhu cầu như hiện nay.

Ngay cả lúa gạo - một loại lương thực cơ bản - vẫn là một nguyên nhân gây hại cho môi trường, thì nói gì đến một cái ống hút - thứ có thể lược bỏ.

Tại sao là ống hút cỏ mà không phải là bỏ hẳn ống hút? Hay giảm uống một ly trà sữa mỗi tuần? Tại sao là túi giấy mà không phải là bỏ hẳn túi đi? Đồng ý là mọi thứ cần quá trình, nhưng nếu bước đệm quá êm đềm thì sẽ rất lâu người ta mới bỏ.

Tóm lại: việc thay thế các vật liệu khó phân hủy, có hại cho sức khỏe, trước hết là tốt. Tuy nhiên nếu vì vậy mà an tâm rằng mình không hề hại gì cho môi trường mà thoải mái tiêu thụ tài nguyên thì vẫn là lợi bất cập hại.

Điều tốt nhất có thể làm là giảm bớt tác động của bản thân, theo cách trực tiếp hay gián tiếp vào môi trường, bớt tiêu thụ tài nguyên dù là "xanh, đỏ, tím, vàng". Không có thứ nào thật sự "thân thiện môi trường" khi chúng được lấy từ môi trường.

Giảm thiểu việc tiêu tốn tài nguyên là bảo vệ môi trường chân chính vậỵ.

Một nghiên cứu được đăng tải trên phiên bản trực tuyến của Nature Climate Change cho biết: Nhiều khí carbon dioxide hơn trong khí quyển và nhiệt độ tăng cao là nguyên nhân khiến cho việc trồng lúa phát thải nhiều khí mê-tan (CH4) gây hiệu ứng nhà kính/kg gạo sản xuất ra.
Báo cáo của Bộ Tài nguyên môi trường Việt Nam công bố năm 2014 cho thấy, lượng phát thải khí nhà kính từ nông nghiệp chiếm 38,5% tổng lượng phát thải khí nhà kính quốc gia, trong đó phát thải khí nhà kính từ canh tác lúa nước chiếm 50,5%.

Bài đăng trên TTO: https://tuoitre.vn/ong-hut-co-tui-giay-co-bao-ve-moi-truong-nhieu-nhu-ban-nghi-20190914094659074.htm

Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo