Hồi anh còn nhỏ, mỗi khi nghe đài nói về chuyện một loài nào đó là loài có tên trong sách đỏ, cảm thấy rất hoành tráng, thấy nó rất quý hiếm, rất đáng thương, nói chung là có nhiều cảm xúc, mà anh chưa bao giờ hỏi tại sao lại như vậy. Còn em, em có quan tâm và tự hỏi, hay là có câu trả lời nào cho câu hỏi: “vì sao con người phải bảo tồn động vật sắp tuyệt chủng?” không?
Trước đây anh từng đặt câu hỏi đó lên Facebook, có hơn 30 người trả lời, và đa số đều không nói ra một lí do thuyết phục những người còn lại, mấy người còn đùa là “để cho những người bảo tồn động vật có việc làm”.
66_An thit hay an chay va bao ton dong vat de lam gi
Sách đỏ là một danh sách về tình trạng bảo tồn và đa dạng của các loài động vật và thực vật trên thế giới, được tạo ra vào năm 1964, và sau này được công bố hằng năm, tên tiếng Anh của nó là IUCN red list of threatened species (danh sách đỏ về các loài đang bị đe dọa) hay IUCN Red List.
IUCN là từ viết tắt của International Union for Conservation of Nature and Natural Resources - Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên. IUCN là một tổ chức bảo vệ thiên nhiên, được thành lập năm 1948 nhằm cảnh báo thế giới về tình trạng suy thoái môi trường thiên nhiên trên toàn cầu và những tác động của con người lên sự sống của Trái Đất.

Đọc đến đây, em đã nghĩ ra lí do vì sao con người phải bảo tồn các loài sắp tuyệt chủng chưa?

Có một dạo rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng của Việt Nam cùng nhau thay avatar là hình ảnh người đó cắn móng tay để cổ động cho phong trào bảo vệ loài tê giác, vì loài này bị săn lấy sừng làm thuốc, và người ta nói rằng sừng tê giác không khác gì móng tay cả. Không biết tác động của phong trào đó ra sao, chỉ là sau này hàng năm không thấy ai để lại avatar cắn móng tay như vậy nữa. Có lẽ loài tê giác đã được bảo tồn, hoặc không cần bảo tồn nữa..

Một loài chim nào đó còn vài trăm cá thể, loài hổ nào đó còn vài chục con, loài gấu trúc, hoặc như con tê giác Sumatra cuối cùng tại Malaysia vừa chết vì bệnh ung thư… những cá thể ít ỏi này có vai trò, tác động gì đối với hệ sinh thái tại một vùng nào đó hay là đối với trái đất này?

Chẳng có vai trò gì cả. Hoặc phải nói ngược lại mới đúng: Do hệ sinh thái vốn thích hợp cho các loài đó sinh sống bị biến đổi, và chúng không thể thích nghi, hoặc có sự tác động của loài khác (như việc săn bắn của con người cao hơn năng lực sinh sản của loài đó) nên chúng mới tuyệt chủng.
Như vậy, ý nghĩa thật sự của việc bảo tồn các loài động vật sắp tuyệt chủng chính là để cảnh báo con người về những thay đổi của môi trường sống trên trái đất mà trong đó có rất nhiều nguyên nhân là từ sự tác động của con người. Bảo tồn động vật sắp tuyệt chủng hay bảo vệ các hệ sinh thái, bảo vệ môi trường vốn không phải thật sự bảo vệ trái đất này, mà chính là đang bảo vệ cho nơi sống của loài người.
66_insect disappeared
Nhà khoa học Jonas Salk từng nói: “Nếu tất cả côn trùng trên trái đất này biến mất, trong 50 năm tất cả sự sống sẽ kết thúc. Nếu loài người biến mất khỏi trái đất này, thì trong 50 năm tất cả sự sống của các loài khác đều sẽ phát triển sum suê và mạnh mẽ.”
Vậy loài người có tình nguyện biến mất để trái đất rực rỡ hơn không? Có thể, nếu họ tìm được nơi khác ngon lành hơn.

Ăn chay hay ăn thịt? Câu trả lời là ăn ít lại.

Có nghiên cứu chỉ ra rằng tài nguyên trên trái đất này chỉ đủ để nuôi tối đa 8 tỷ người, mà nhân loại đang gần đạt đến con số đó rồi. Thế nên việc tất cả mọi người chuyển sang ăn chay cũng không giúp ích gì nhiều cho trái đất, thậm chí có thể gây đảo lộn nhiều thứ và cũng không đủ lương thực, thực phẩm để đáp ứng nhu cầu ăn no của mọi người.
Những người cổ vũ việc ăn chay từng nói dạ dày của con người thích hợp cho việc ăn thực vật. Đúng là ăn thực vật dễ tiêu hóa hơn, nhưng con người là động vật ăn tạp, không phải ăn cỏ. Hơn nữa, nếu một người ăn thuần chay, người đó sẽ phải uống thuốc để bổ sung một loại chất nào đó cần cho sự vận động bình thường của cơ thể.
Tại sao nên ăn chay? Bạn Veo – 30 tuổi - người ăn thuần chay gần 12 năm cho biết lí do mạnh mẽ nhất cho việc ăn chay của bạn là: “Đối với em là lòng trắc ẩn, không muốn giết hại những sinh vật cũng muốn được sống như mình. Ăn chay vì lòng yêu thương động vật thì bền vững lắm đó anh.” Anh cũng cho rằng đây là lí do hợp lí nhất. Cũng giống như việc người ta nuôi chó và yêu thương nó nên không ăn thịt chó, nếu như có thể rải lòng thương cho nhiều loài động vật hơn, ta sẽ có thể ăn chay.

Vì sao người ta ăn thịt? Vì nó ngon.

Vị ngon của thịt, cá, hải sản… là nguyên nhân chính cho việc ăn thịt. Vị ngon đó, cũng như vị ngọt của đường và các thứ kích thích khác, gần như một loại chất gây nghiện. Việc chăn nuôi, chế biến và giết mổ gia súc, gia cầm cũng là một trong những nguyên nhân chính tác động đến việc biến đổi khí hậu toàn cầu.
Thế nhưng việc ăn thịt đã là một tập quán từ thời nguyên thủy. Có nhiều người ăn cơm mà không có thịt thì cảm thấy không no, hoặc không thể chịu được. Ngày nay người ta còn chế biến ra đủ loại gia vị để kích thích vị giác, thính giác, thị giác.. khiến người khác không thể chỉ ăn cho no, mà đa phần là ăn cho đã cơn thèm.
Một trong những quy luật cơ bản của thế giới này vẫn là mạnh được yếu thua, thích nghi tốt thì sinh sôi nảy nở, kém thì tuyệt chủng dần dần. Loài người trở thành bá chủ hành tinh này cũng vì khả năng thích nghi và sinh sản đó. Muốn họ ngừng ăn thịt là chuyện không thể, phương án khả dĩ nhất là ăn ít lại, ăn vừa đủ no thôi.
Thế giới này sắp không đủ tài nguyên để nuôi con người, nên những gì con người đang sản xuất, đặc biệt là lương thực, thực phẩm đều có những yếu tố kích thích tăng trưởng và đủ thứ độc hại khác, ăn ít được bao nhiêu thì hay bấy nhiêu. Ăn ít một chút không chỉ là bảo vệ chính mình, tự tìm hiểu chính mình qua việc ăn uống, rèn nghị lực khỏi sự thèm ăn mà còn góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ trái đất, bảo vệ loài người đó.
26.11.2019
Khi nói về giới tính, “thẳng” là chỉ việc một người có xu hướng tính dục bình thường, nghĩa là họ chỉ bị thu hút bởi những người khác giới, “cong” là khi họ chỉ bị thu hút bởi người cùng giới. Còn cụ thể hơn về LBGT thì google đã nói nhiều, tạm không bàn ở đây.
Hôm nay có một bài báo viết là tất cả đàn ông đều không “thẳng”, chỉ là họ chưa gặp đúng người có thể “bẻ cong” mà thôi. Với những người sinh ra tự nhiên là gay hoặc les thì không nói, đó là đặc tính tự nhiên của họ, còn hiện tượng “bẻ cong” thì sao? Đây không phải là chuyện khám phá ra giới tính ẩn của mình giống như trong “The Danish girl” – chuyện một người đàn ông một lần mặc đầm của vợ bỗng phát hiện mình thích là phụ nữ. Theo anh thì chuyện bẻ cong là có tồn tại, và nó không phải là nhu cầu sinh lý tự nhiên mà thuộc về tâm lý nhiều hơn.
Trong quyển “Papillon – người tù khổ sai”, nhiều tù nhân nam đã chọn giải tỏa dục vọng bằng cách quan hệ đồng tính. Đây cũng có thể xem là hiện tượng “bẻ cong” một cách tạm thời dưới tác dụng của hoàn cảnh và dục vọng. Trong triều đình hay quý tộc ngày xưa cũng có nhiều câu chuyện về quan hệ đồng tính của những ông vua hay quan thần hoang dâm vô độ. Những hiện tượng này đều là do dục vọng phát triển và không thể thỏa mãn với người khác giới nên họ tìm đến cảm giác mới lạ mà thôi.
Ngoài ra, quan hệ loạn luân ngoài việc để bảo trì “huyết thống cao quý” của dòng tộc nào đó còn là vì để thỏa mãn những dục vọng quá kiểm soát trong những người vốn đã hưởng thụ quá nhiều kia.

Khi người ta có quá nhiều mà vẫn không thấy đủ, họ sẽ tìm đến những thứ khác lạ. Đó không phải là hiện tượng sinh lý tự nhiên, mà là hiện tượng tâm lý biến thái.

Hôm nay anh còn thấy mấy bạn nữ share một clip tả cảnh một cô gái chạy trên đường và dừng lại trả giá với mấy cậu trai bán dâm. Chỉ một đoạn ngắn 2-3 phút gì đó, các bạn nữ share có vẻ lạ lạ và thích thú cùng các caption kiểu “Con đường này ở đâu ta?”, bạn khác thì nói “Phải có chỗ này để chị em đổi gió”..
Hình như người ta đã quên cách họ phỉ báng, miệt thị hành vi mua bán dâm mà khách hàng là nam còn người bán là nữ trước đó không lâu?
Có người nói thời đại này, vũ trụ ta đang sống bước vào thời âm thịnh, dương suy. Nhiều người nam cũng mang tính nữ trong người, phụ nữ thì mạnh mẽ, xuất hiện nhiều người nữ tài giỏi hơn người.. Có lẽ đúng vậy thật?
Các phong trào nữ quyền, đòi bình đẳng cho phụ nữ đang chuyển từ giai đoạn được quan tâm sang dần thắng thế, và khi phụ nữ bước lên “kèo trên” trong sự “bình đẳng” này, họ đang cảm nhận và hành xử ra sao?
Còn nam giới, ngoài chuyện xuất hiện ngày càng nhiều những anh chàng “nữ tính”, thì những người đàn ông thật sự khi “chịu thua” phụ nữ sẽ có cảm nhận gì và phản ứng ra sao?
Lòng nhân đạo là thứ quà an ủi mà bên thắng cuộc dành cho bên thua cuộc. Công bằng chỉ thật sự cần thiết ở những nơi tồn tại bất công, và nó cũng là điều bên mạnh trao cho bên yếu, thích bao nhiêu thì cho bấy nhiêu thôi. Đến khi chiến trận đổi chiều cũng vậy.

Phụ nữ cũng đang hưởng thụ cảm giác chinh phục, khống chế và coi rẻ đàn ông. Tất nhiên không phải phụ nữ nào cũng vậy. Trước đây cũng đâu phải đàn ông nào cũng vậy đâu?

65_Thang cong va thoi dai nu quyen

Thời gian này vẫn còn là buổi chuyển giao giữa rất nhiều thứ: khoa học kỹ thuật, văn hóa, tôn giáo, giới tính… nên con người ở thời này rất hoang mang. Mọi thứ đang thay đổi quá nhanh đến mức như bùng nổ.

Nhiều mối quan hệ tan vỡ do đàn ông quá yếu mềm hay phụ nữ quá cứng rắn, hoặc cả hai. Những người mạnh mẽ và thành công dần dần không tìm thấy điều họ cần ở giới còn lại, và họ chọn sống một mình, hoặc tự bẻ cong đi.

Càng sống trong thời loạn lạc, càng không được loạn. Muốn không loạn thì đừng nhìn quá nhiều vào thế giới bên ngoài mà hãy quay về an trú trong tâm, sống đúng với chính mình, làm điều mình thật sự muốn, đừng so sánh các chuẩn mực đang thay đổi chẳng có cái nào đúng được mấy phút ngoài kia.
Phụ nữ vì mạnh mẽ hơn mà thấy cô đơn, đàn ông vì không đáp ứng được tiêu chuẩn trong mắt phụ nữ mà chịu cô đơn. Tất cả là vì họ chưa thích ứng được với thay đổi trong cán cân bình đẳng nam-nữ vậy.
Dù cho thời đại có thay đổi ra sao, thì có những đặc tính riêng của từng giới không thể nào thay đổi được. Phụ nữ thích được nuông chiều, dựa dẫm, thích nũng nịu và dỗi hờn… nhưng họ sẽ không làm những điều đó với người đàn ông mà họ không tôn trọng, người đàn ông “yếu” hơn họ.
Người ta vẫn nói phụ nữ thông minh là biết tỏ ra ngu ngốc khi cần. Đó là khi người phụ nữ vì yêu một người đàn ông bằng hoặc kém hơn mình mà lui về phía sau một chút để nhường cho đàn ông tỏ chút uy phong. Nhưng một người phụ nữ nếu phải làm điều đó cho tình yêu, thì hạnh phúc của cô cũng rất khó trọn vẹn, vì đó là điều thuộc về thiên tính mất rồi.
Mà thời đại này lại là âm thịnh dương suy, nữ trung hào kiệt tầng tầng lớp lớp, thế nên cả hai giới càng lúc càng khó thỏa mãn nhau.
Thôi, thời là thế. Hiểu mình mà sống.
25.11.2019
“Có khả năng chịu đựng áp lực” hay “Làm việc tốt dưới môi trường có nhiều áp lực” đang là một tiêu chí quan trọng của ngày càng nhiều vị trí công việc trong các bản tin tuyển dụng. Người ta bắt đầu xem đó là một loại “kỹ năng mềm” và có các bài viết hướng dẫn, các khóa học dạy nhau cách “chịu áp lực”.
Rồi họ bắt đầu tâng bốc khả năng chịu áp lực đến mức một người phải có một loại áp lực nào đó trên người thì sống mới có ý nghĩa, và người càng chịu được nhiều áp lực thì càng đáng nể trọng hơn. Họ dùng các hình ảnh hấp dẫn như “không có áp lực, không có kim cương” để người khác cam tâm tình nguyện nhận lấy áp lực với mong muốn “tỏa sáng” ở tương lai.

Nhưng anh nói với em: chịu áp lực là một loại khả năng là nhảm nhí.

Nói kiểu nước đôi một chút thì có “Một quả trứng gà nếu chịu áp lực từ bên ngoài thì nó sẽ vỡ và sự sống kết thúc, nhưng khi có áp lực từ bên trong thì đó là khi một sinh mệnh mới ra đời”. Điều đó nghĩa là áp lực là thứ cực kỳ quan trọng, không thể thiếu? Không hề. Áp lực bên trong quả trứng không tự nó sinh ra, và nó vốn cũng chả phải áp lực gì, chỉ là phôi thai của con gà bên trong lớn lên, thành con gà, và nó mổ vỏ chui ra mà thôi.
Đó không phải là một loại áp lực, đó là sự trưởng thành một cách tự nhiên nhưng đã bị người ta lợi dụng để làm minh họa thuyết phục người khác chịu áp lực mà thôi. Tương tự, với kim cương, các nguyên tử cacbon bị nén lại qua hàng nghìn năm hình thành nên tinh thể kim cương, điều đó thật đẹp và quý giá, nhưng là với loài người. Bản thân các loại than gỗ hay nguyên tử cacbon thì sao, chúng có muốn thành kim cương đâu? Và chuyện thành kim cương cũng chả có ý nghĩa gì với chúng cả. Khi một viên kim cương sinh ra, bao nhiêu khối cacbon đã chết đi?
Em có tự nguyện chịu áp lực, tự hi sinh và thay đổi bản thân mình để trở thành một thứ vừa lòng, vừa mắt người khác như kim cương? Có thể ở buổi đầu em sẽ được họ trao cho rất nhiều mộng đẹp và cả những phần thưởng khiến em rất hài lòng, nhưng đến sau cùng khi em nhận ra tất cả những gì em có chỉ là áp lực, em cảm thấy mọi thành quả nhận được đều vô nghĩa, em tự hỏi vì sao mình phải chịu những áp lực này mà không có cách nào thoát ra… thì đã muộn.
Trong môi trường công việc, vì sao một người lại có áp lực? Đó là do vị trí của họ chịu trách nhiệm cao? Hay là do họ phải xử lí nhiều vấn đề, nhiều mảng cùng một lúc? Nếu cùng một công việc mà có 2-3 người cùng xử lý thì có áp lực nhiều như vậy nữa không? Đấy, những người chủ không muốn chi nhiều tiền cho một vị trí, nên họ tìm một người “có khả năng chịu áp lực” là vậy.

“Khả năng chịu áp lực” là thứ được sinh ra từ nhu cầu giảm chi phí của chủ doanh nghiệp.

Mặt khác, đúng là những người thành công thật sự luôn là người chịu áp lực giỏi hơn người khác. Tuy nhiên điểm khác biệt ở đây chính là họ không xem những thời gian biểu kín kẽ, những hoạt động phải luôn luôn tập trung và tiêu tốn hết thảy thời gian, sức khỏe, tâm trí đó là áp lực. Vì đó là thứ họ yêu thích, đó là đam mê của riêng họ.

Một người khi làm việc mà người đó yêu thích thì sẽ không có áp lực. Vậy nên “khả năng chịu áp lực” được sinh ra khi em buộc phải làm những việc mà em không thích, thật nhiều.

Có những người ban đầu do không ý thức được việc phải làm điều mình không thích tai hại đến đâu, và do người khác dạy rằng sống là phải chịu áp lực để thành công.. nên họ bắt đầu bước theo những chỉ dẫn đó. Càng khổ là họ có thể chịu đựng áp lực, họ có thể gặt hái một số thành quả khiến họ không thể ngừng chân, và họ bước ngày càng xa hơn trên con đường gồng gánh những áp lực để đổi lấy thành công mà dần dần chính họ cũng không tha thiết nữa.
64_Chiu ap luc la kha nang nham nhi
Có rất nhiều ví dụ: những bác sĩ, kỹ sư, tiến sĩ đạt đến đỉnh cao của nghề nghiệp, rồi nhận một lần thất bại, một cú sốc nào đó, hoặc chỉ là một ngày buồn chán.. họ tự tử. Hoặc những ca sĩ bị dồn ép như gà chọi, phải liên tục luyện tập, biểu diễn, đóng quảng cáo… đến lúc quá sức chịu đựng mà chẳng biết vì sao mình phải chịu đựng những thứ này.
Áp lực là một thứ công cụ khá chính xác để đo lường xem bản thân mình có thích và hợp với những việc mình đang làm hay không, việc đó có đáng cho mình làm không.
Áp lực không phải là động lực. Động lực là thứ sản sinh từ bên trong, là lực đẩy khiến mình tiến tới. Còn áp lực là thứ đến từ bên ngoài, luôn muốn đè ép, khống chế mình như một con rối.
Khi làm việc gì, nếu thấy áp lực hãy tìm cách chia sẻ công việc, đề nghị tăng thêm người hoặc giảm bớt những việc không quan trọng. Nếu đó là việc mình không yêu thích thì tìm cách thay đổi sớm nhất có thể, đừng ở đó mà chịu quá lâu, không đáng đâu.
Người ta có thể cười mình thất bại nhưng mình thấy thảnh thơi, còn hơn để họ tôn vinh bằng đủ thứ mỹ từ trong khi chính mình không vui nổi.
Hãy tìm điều mình thật sự thích để làm, khi đó chỉ có động lực, chỉ có niềm vui. Nhớ: áp lực là thứ nhảm nhí.
24.11.2019
Trong những mối quan hệ tình cảm của mình, nghĩa là khi hai người đã đồng ý làm người yêu của nhau rồi ấy, có lúc ta tự hỏi sao chẳng thấy người kia có biểu hiện gì là yêu thương mình, hoặc ngược lại ta đã yêu thương họ hết lòng sao họ vẫn thấy cô đơn…
Như Ayn Rand nói “Muốn yêu người khác, trước hết phải có khả năng tự yêu lấy chính mình”. Ta chuẩn bị cho mình một thân tâm thật tươi vui và tích cực, trao đi yêu thương cho người, nhưng sao người vẫn không cảm nhận được tình cảm của ta?
Hoặc như ai đó nói: “Hãy trao cho người khác thứ mà bạn muốn nhận”. Ta quan tâm và thể hiện tình yêu đúng như những gì ta muốn nhận, hoặc hơn. Nhưng người yêu không đáp trả lại ta bằng yêu thương như thế, cả ta và họ đều thấy có gì đó không ổn trong tình yêu này. Tại sao lại như vậy?

Hai người không hiểu nhau là do bất đồng ngôn ngữ - ngôn ngữ của tình yêu.

63_Ngon ngu cua tinh yeu
Theo tiến sĩ Gary Chapman, tình yêu có 5 loại ngôn ngữ.
1. Lời yêu thương (Words of affirmation): Có người sẽ cảm thấy được yêu thương khi nghe những lời nói ngọt ngào và khẳng định tình cảm của người kia dành cho họ. Thường nói “đàn ông yêu bằng mắt, phụ nữ yêu bằng tai”, có thể phụ nữ là những người cần “lời yêu thương” nhiều hơn đàn ông.
2. Hành động cụ thể (Acts of service): Người nói “loại ngôn ngữ” này sẽ cảm thấy được yêu thương khi có ai đó luôn quan tâm bằng cách xuất hiện giúp đỡ đúng lúc họ cần. Những hành động thiết thực luôn gây cảm động cho họ nhiều hơn là các dạng ngôn ngữ khác.
3. Quà tặng (Receiving gifts): Có người lại thấy được yêu khi nhận quà, từ một bó hoa, cái kẹo, đồ trang sức hay một chiếc ô tô. Đó không phải là do họ tham muốn vật chất, mà chỉ là một dạng ngôn ngữ của tình yêu?!
4. Dành trọn thời gian (Quality time): Những người này thích được người yêu dành cho mình thời gian của hai người một cách trọn vẹn. Không phải gặp nhau ở quán cà phê cùng nhau làm việc, không phải đi xem phim mà chốc chốc lại nhìn đồng hồ, không phải đi du lịch mà chăm chăm chụp ảnh… đó là những khoảng thời gian mà trong mắt người này chỉ có người kia.
5. Tiếp xúc thân thể (Physical touch): Đây là lí do nhiều người không thể “yêu xa”. Vì đối với họ việc xúc chạm thân thể là quan trọng, họ có thể động lòng vì một cái nắm tay, một cái xoa đầu và cảm thấy được yêu thương từ những va chạm mang tính vật lý như vậy. Ở đây tất nhiên cũng bao gồm những tiếp xúc thân mật hơn như hôn hay quan hệ tình dục. Một người yêu vì sex và chia tay vì không đủ sex cũng không phải vấn đề gì xấu cả, đó là do họ không cảm thấy được yêu thương mà, đúng không?
love languages
Hôm nay Nas Daily làm một video về chủ đề này, và có một người phụ nữ comment rằng, theo cô thì đa phần “ngôn ngữ tình yêu” của đàn ông là “hành động chăm sóc, phục vụ” của người phụ nữ dành cho anh ta, còn với phụ nữ thì họ thích việc “dành trọn thời gian” khi hai người ở bên nhau nhiều nhất. Bạn gái Nas thì nói rằng cô ấy thích Quality time 10/10, Physical touch 9/10. Còn Nas thì thích Act of service đến 12/10. Cô kết luận anh ta không cần một người bạn gái mà cần một người hầu nhiều hơn.
Nếu chưa hiểu về các loại “ngôn ngữ tình yêu” này, ta có thể đánh giá một người thích nhận quà, một người ưa được phục vụ là xấu tính, một người ưa nghe lời yêu thương là ngây thơ… nhưng đó lại là những điều thật sự mang lại cho họ cảm giác được yêu thương thì sao?
Và khi hiểu được điều này, ta cần quan sát lại bản thân xem mình đang nói loại ngôn ngữ tình yêu nào, nghĩa là mình cảm thấy được yêu khi nào. Có thể là một, hai hoặc tất cả 5 loại trên, nhưng loại nào nhiều, loại nào ít. Điều này cũng là áp dụng câu nói của Ayn Rand: hiểu mình rồi mới yêu người được.
Khi hiểu mình rồi thì phải hiểu người, trước đây ta trao cho người những thứ mà ta nghĩ là tốt, những hành động và cảm xúc mà ta nghĩ đó là yêu, nhưng người nhận đang nói loại “ngôn ngữ” nào, ta đã hiểu rõ chưa? Ta thích nói lời ngọt ngào, suốt ngày nói yêu thương thế này thế khác, và họ chẳng có phản ứng gì, ta nghĩ họ không yêu ta… Hoặc ta tặng quà cho họ mà họ chẳng vui vẻ hay trân trọng gì, nhận xong rồi bỏ qua một xó… Đó là do ngôn ngữ tình yêu của ta và họ chưa trùng khớp với nhau.
Muốn trao cho người khác thứ gì, đặc biệt là trong tình yêu, thì đó phải là thứ mà họ thích, không phải thứ ta thích. Muốn họ đón nhận và cảm nhận tình yêu của ta, thì phải nói thứ ngôn ngữ mà họ hiểu. Ngược lại ta cũng cần chia sẻ với họ rằng mình cảm thấy được yêu khi nào và không có cảm giác gì với những thứ nào mà họ đang thể hiện. Điều này sẽ giúp cho hai người dù nói những “ngôn ngữ tình yêu” khác nhau cũng sẽ luôn cảm thấy người kia thật sự yêu mình.
Đã bao giờ em cảm thấy được yêu thương, và em đã thể hiện tình yêu với người khác như thế nào? Ngôn ngữ tình yêu của em là gì? Em đã hiểu mình, và thật sự quan tâm đến người mình yêu chưa?
23.11.2019
Những người chỉ đọc cái tựa sẽ phán ngay đây là một bài viết vô duyên, bình phẩm về phong cách, tướng mạo của phụ nữ, chê tóc ngắn, cổ hủ, cực đoan... Và rõ ràng những gì một người nhìn thấy khi mới lướt qua một câu trong cả bài, nhìn qua lớp vỏ của vấn đề, chỉ là những điều họ đang tự dựng nên hoặc có sẵn trong tâm trí họ.
Bài này không có ý nói rằng tất cả phụ nữ đều phải để tóc dài, hay để tóc dài mới là đẹp, mới là phụ nữ.. cũng không chê người tóc ngắn, mà chỉ nói về những ích lợi và điểm mạnh mà việc để tóc dài mang lại cho phụ nữ, chữ “nên” trong tựa bài đại diện cho điều đó. Đơn giản tóc ngắn không phải điểm trừ, tóc dài là điểm cộng vậy thôi.
Người xưa nói “cái răng, cái tóc là gốc con người”. Ngày trước nhìn vào tục nhuộm răng, kiểu tóc và trang sức có thể biết người đó thuộc tộc người nào. Ngày nay răng và tóc cũng được chăm chút, nhưng theo những cách rất khác.
Ngày trước đàn ông cũng để tóc dài và quấn thành búi, người ta quan niệm rằng thân thể là của cha mẹ trao cho, nên mọi thứ đều quý trọng, không tùy tiện cắt bỏ. Về sau văn hóa phương Tây du nhập, đàn ông cắt tóc ngắn trước tiên, và họ thấy ồ, khỏe quá, nhẹ cả đầu. Thế là từ đó chẳng mấy người để tóc dài nữa. Còn mái tóc dài của người phụ nữ chỉ ngắn dần và đang mất hẳn đi trong hai mươi năm trở lại đây.
Thời anh còn nhỏ, ở quê, tất cả phụ nữ đều để tóc dài đến lưng, thường ngày thì búi lại. Lâu lâu lại thắng dầu dừa để bôi cho mượt tóc, gội đầu bằng bồ kết. Hồi đó không có hóa chất nên các loại côn trùng cũng sinh sôi, có loại làm tổ trên đầu tóc dài của chị em phụ nữ - bọn chí (chấy). Trưa trưa rảnh rỗi chị em lại xõa tóc ra ngồi trước hiên nhà bắt chí cho nhau. Mái tóc dài bất tiện và khó chịu, nhưng không người nào chịu cắt ngắn đi, người ta xem chuyện bị cắt tóc, cạo đầu là một điều vô cùng xấu hổ. Rồi mọi thứ dần thay đổi với tốc độ ngày càng nhanh, mái tóc của người phụ nữ cũng theo đó mà ngắn đi, đổi màu nhanh chóng.
Những người để tóc dài cũng không mấy ai để dài đến mông, chỉ đến nửa lưng là cùng, phần nhiều thì đến vai, và càng ngắn hơn. Đôi khi ta không thể phân biệt đàn ông hay phụ nữ nếu chỉ nhìn qua mái tóc.
Có một sự thật thú vị là nếu có một người ban đầu để tóc dài đến lưng và quyết định “làm mới” bản thân bằng việc cắt ngắn lên một chút, rồi một chút… mái tóc đó chỉ có thể càng lúc càng ngắn dần lên chứ rất rất khó để dài trở lại. Nguyên nhân đơn giản là sự thoải mái. Cắt ngắn lên thì thoải mái và tiện lợi hơn để dài rất nhiều lần. Vì sao phải chọn việc khó khăn vất vả trong khi vẫn xinh đẹp mà không bị phê phán gì?
Lí do thứ nhất của việc để tóc dài: Ngày nay, tóc dài là thứ đã mất đi thì không tìm lại được.
Lí do thứ hai là “không đụng hàng”: Giữa hàng trăm, hàng nghìn mái tóc ngắn, tóc uốn, duỗi, nhuộm cố gắng tỏ ra khác biệt và riêng biệt nhưng vẫn nằm trong các khuôn mẫu trong tay các anh thợ cắt tóc và nhìn na ná như nhau, một mái tóc dài đến lưng thôi đã đủ nổi bật giữa đám đông, khó lẫn vào đâu được.
62_Vi sao phu nu nen de toc dai
Thứ ba: mái tóc dài thể hiện bản lĩnh của người phụ nữ. Nhiều người nhìn một cô gái tóc ngắn ba phân bảo rằng cô ấy mạnh mẽ, nhưng chưa hẳn vậy. Đa phần các cô gái cắt ngắn mái tóc của mình, chỉ có một số ít là vì hợp với khuôn mặt, còn đa phần là vì thoải mái, nhẹ nhàng, tiết kiệm thời gian chăm sóc tóc… Và những việc nhẹ nhàng thì có hoàn thành xuất sắc cũng không ấn tượng bằng một việc khó khăn được hoàn thành ở mức bình thường. Một cô gái vừa nuôi dưỡng, chăm sóc một mái tóc dài, vừa giỏi giang, năng động, hoàn thành tốt công việc của mình chẳng phải càng mạnh mẽ hơn sao.
Ở Trung Quốc có tục bó chân cho các bé gái để khi lớn lên cô gái có đôi chân thật nhỏ, họ cho đó là xinh đẹp, và cũng để các cô có dáng đi chậm rãi, nhẹ nhàng. Một việc làm có thể nói là hành xác như vậy chỉ vì để “con gái” là “con gái”. Và những thứ khác như lời ăn tiếng nói, nấu nướng dọn dẹp, thêu thùa may vá, và cả mái tóc dài đều là những đặc tính mang tính biểu tượng cho người phụ nữ, đó là một loại phẩm chất.
Những thứ quá đáng như việc bó chân thì người ta đã nhìn nhận lại và bỏ đi rồi, nhưng nếu điều gì cũng dễ dãi và bỏ qua hết thải, thì cuối cùng mọi người sẽ nhìn vào đâu, và chính bản thân phụ nữ sẽ tự hào vì điều gì ở bản thân mình?
Ngày nay chẳng ai còn tự hào vì mái tóc, chỉ vì mọi người đã bỏ đi sự công nhận đó là một đặc điểm mang “tính nữ” trong người phụ nữ. Người ta ăn nói bừa bãi và gọi đó là tự nhiên, thoải mái. Người ta uống rượu, chửi thế, cho đó là tự do, bình đẳng.. Người ta phóng túng đến một lúc nhìn lại không còn biết giá trị của mình ở đâu, bèn quay ra nói “tôi như vậy thì mới là chính tôi, đó là điều giá trị nhất, tôi không cần ai công nhận, chỉ cần mình vui”. Người ta không còn biết theo đuổi giá trị nào ở bản thân họ, nên họ theo đuổi các thứ hàng hiệu, thời trang để khoác lên và tự thấy mình “có phẩm chất”.
Chính vì xã hội ngày càng lộn xộn, những giá trị chung không còn được tuân thủ và giữ gìn, nên một người tự tạo ra và gìn giữ giá trị riêng cho bản thân thì càng được nể trọng nhiều hơn. Một cô gái kiên định nuôi tóc dài, ăn nói nhỏ nhẹ lễ phép và có hiểu biết, thì không cần có gì khác cũng tự nhiên khác biệt với tất cả mọi người xung quanh.
Sống không nên để bản thân mình khổ sở vì góc nhìn của người khác, tuy nhiên nếu khiến bản thân quá thoải mái thì cũng không phải chuyện hay. Mỗi người cần có một điều gì đó để gìn giữ cho riêng mình như một loại giới luật. Điều đó sẽ khiến họ khác biệt, khiến họ trang nghiêm. Và một mái tóc dài là một điều tuyệt vời nếu có ở một cô gái.
22.11.2019
Khi anh viết điều gì đó đại loại như “Hạnh phúc luôn ở đây và bây giờ, ai muốn hạnh phúc thì chỉ việc chấp nhận nó mà thôi”; hay “Điều mỗi người cần làm trước nhất là tìm hiểu bản thân, chấp nhận chính mình và tìm ra lẽ sống của đời mình” hoặc những điều tương tự, thế nào cũng có ai đó nói rằng “Biết vậy, nhưng có ai làm được đâu”.

Không ai cả!

Đa phần người ta cũng vẫn quan tâm đến những chủ đề như tình yêu, hạnh phúc, lẽ sống và những giá trị cao quý khác, nhưng cuối cùng tất cả đều đi đến cùng một kết luận “Có ai làm được đâu”. Và họ nghe hết danh ngôn này đến bài giảng nọ, đọc hết kinh này đến sách kia, đạo lý thuộc làu làu đến mức vừa nghe một câu quen thuộc là biết ngay tác giả là ai, hoặc trong sách nào, trang mấy… nhưng họ không hề tin. Chỉ vì “không có ai” mà họ biết từng đạt được những điều đó cả.
Ngoài việc “chốt hạ” một câu quen thuộc kiểu “không ai cả” để rồi quay lại nếp sống và lối suy nghĩ thường ngày, một số người còn “hỏi cho vui” những câu kiểu “thế anh đã làm được chưa?” Đó là một phản ứng hết sức ngây thơ và có phần tức cười.
Một triết gia đã từng ví von: đừng thấy tôi bị xích mà nghĩ tôi không mở được gông xiềng của anh. Tôi không có chìa khóa của mình, nhưng chưa chắc không có chìa để mở khóa của anh. Thấy người ta bị trói thì khinh khỉnh bỏ qua, ấy là tự bỏ qua cơ hội giải phóng bản thân mình vậy.
Lão Tử cũng nói: Bậc thượng sĩ nghe đạo thì nhanh chóng thi hành, bậc trung sĩ nghe đạo thì nửa tin nửa ngờ, bậc hạ sĩ nghe đạo thì cười rộ. Nếu không cười, thì đạo không phải là đạo nữa. Đạo lí chỉ có một, nhưng phản ứng khác nhau, ấy là bởi căn cốt và cơ duyên của người lĩnh ngộ. Thế nên khi gặp những điều mới mẻ, hoặc có chút gì đó khiến ta để tâm suy nghĩ, thì đừng vội đưa nó vào lối mòn để rồi chốt hạ bằng câu “chẳng ai làm được”, như thế rất phí cơ duyên.
Ngoài kia có rất nhiều người sẵn sàng chứng minh rằng họ làm được thế này thế nọ, họ có bằng cấp, học vị, kinh nghiệm chỗ nọ chỗ kia, họ đạt thu nhập ABC XYZ… để làm gì thì em biết rồi đó: để bán khóa học, để mời em vào “hệ thống”, để giúp em thay đổi cuộc đời, trở thành tỷ phú. Vì sao họ phải làm tất cả để chứng minh điều họ nói? Em đã hiểu chưa?

Ai cũng vậy mà!

Nếu những điều mới, lạ và “cao xa” bị phủ nhận bằng câu “không ai cả”, thì những tính xấu quen thuộc hàng ngày được dung dưỡng bằng luận điểu “ai cũng vậy mà”. Một người nóng tính, cộc cằn (chỗ này nhiều người sai chính tả nè, hay dùng chữ “cọc” – đây là cái cọc để buộc trâu, còn tính tình thì là “cộc”), nói năng thô lỗ, vô duyên, hoặc sai chính tả hoài không chịu sửa… từ những việc nhỏ cho đến việc lớn, nếu họ không chịu sửa, đều dùng một câu “người ta ai cũng vậy mà” hoặc “là người chứ có phải thánh nhân đâu” để kết thúc câu chuyện mỗi khi có ai đó thiện ý nhắc nhở.
Chúng ta là người bình thường, có hỷ, nộ, ái, ố, điều đó là sự thật. Tuy nhiên phải biết rằng tất cả những đặc tính “mặc định” đó là nguồn gốc gây nên đau khổ cho bản thân và cho người khác. Chính vì “ai cũng vậy” nên “ai cũng khổ” cả đó. Mình chấp nhận mình là người bình thường, nhưng không phải cứ vậy mà nằm im chịu khổ mà phải có tâm “hướng thượng”, nghĩa là hướng về những điều cao đẹp, để bớt dần khổ đau không chỉ cho mình mà còn cho những người xung quanh nữa.
Nếu bình thường mình quen nói tục, chửi thề, giận dữ là quát tháo, đập phá đồ đạc hay đánh người, nhậu nhẹt bê tha hay các thói hư khác mà “ai cũng có”, bỗng nhiên một hôm muốn nói chuyện lịch sự, dùng lời hay ý đẹp, cư xử nhẹ nhàng, ăn chay, uống nước lọc… thì đó hoàn toàn không phải là điều xấu mà phải sợ “đánh mất bản thân”. Nếu có đánh mất đi nữa, thì con người cũ đó mất đi cũng là một chuyện đáng mừng cho làng xóm.
Khi mình có tâm niệm muốn trở nên khác biệt theo hướng tốt hơn, thì nên quý trọng chứ không nên ruồng bỏ bằng ý nghĩ “làm vậy đâu còn là người bình thường nữa”. Mình không cần giả vờ làm người tốt, giả bộ lịch sự, nhưng nếu mình thật muốn làm vậy, thì không việc gì phải xem nó như là một thứ xấu xa mà ngần ngại.
61_Khong ai ca va ai cung vay
Ai rồi cũng sẽ lớn lên, già đi, và sang thế giới khác, đạo lý thì luôn hiện hữu trong cuộc sống quanh ta, trước hay sau thì ta cũng sẽ hiểu, sẽ ngộ, và sẽ nhận ra đâu là điều đúng với mình, đúng với đời. Khác nhau là ở thời điểm nhận thức được đạo lý đó là lúc nào trong cuộc đời của mỗi người. Nhiều người chỉ chấp nhận những đúng-sai khi tuổi già bóng xế, họ nói lại cho thế hệ sau, những mong có thể giúp bọn trẻ tiết kiệm chút thời gian mà tận hưởng cuộc sống theo cách tốt hơn, nhưng bọn nó đâu có thèm nghe.
Có rất nhiều chuyện chỉ cần nhìn lại vài năm trước, ta sẽ nhận ra là nếu mình có tư duy, nhận thức như bây giờ thì vấn đề to lớn khi xưa làm khổ mình nhiều đến vậy đã nhẹ nhàng hơn rất nhiều, thậm chí không phải là vấn đề chi nữa.

Thế thì tại sao mình lại không thể dùng tư duy, nhận thức của bản thân ở 20 năm sau để đối mặt với những vấn đề ở ngay lúc này?

Có nhiều lí do, và có những thứ phải đi qua thời gian mới thật sự trưởng thành lên được. Tuy nhiên một trong những lí do quan trọng nhất chính là ta đã tự cản trở chính mình bằng hai luận điệu “không ai cả” và “ai cũng vậy” nói trên.
Hãy tự giải thoát cho bản thân để trưởng thành hơn.
21.11.2019
Hôm nay là ngày thứ 60 của Series “Viết cho em” rồi. Tổng số chữ đã viết ra chắc cũng gần 80 nghìn chữ. Lâu lâu mới có một bài chính mình thấy vừa lòng, và hầu như mỗi ngày đều không biết mình sẽ viết gì trước khi mở word, vậy mà cũng đến bài 60 rồi nè. Các cột mốc này nhắc đến một chút cho vui, chứ quan trọng vẫn là quá trình, là mỗi ngày mỗi viết.
Anh chưa bao giờ là người thích chinh phục. Nếu viết chỉ để hoàn thành một mục tiêu nào đó, thì có lẽ anh đã chẳng bắt đầu, dù là mục tiêu 30 ngày hay ngắn hơn nữa. Anh thường làm một việc gì đó vì những thôi thúc ban đầu hơn là hướng đến kết quả sau cùng. Đó có lẽ là điều khiến anh thấy vui vẻ thoải mái, nhưng không thành công.

Có người từng nói rằng bí quyết để tìm thấy tình yêu chân chính và duy trì tình cảm bền lâu chính là sự chinh phục?!

Theo người đó, khi ta thấy một người mà ta thật sự muốn chinh phục thì đó mới có khả năng cao là tình yêu, còn như ta chỉ chấp nhận tình cảm của họ, hoặc quá dễ dàng có được thì sẽ rất dễ dẫn đến những nhầm lẫn, hoặc nhàm chán về sau. Quá trình chinh phục cũng là quá trình tỏa ra nhiều năng lượng nhất, kích thích nhất, khiến người chinh phục tìm mọi cách để trở nên hấp dẫn hơn, thu hút hơn, hoàn hảo hơn.
Sự chinh phục còn khiến người được chinh phục cảm thấy bản thân họ được xem trọng, có thiện cảm nhiều hơn dành cho người chinh phục, xác suất thành công cũng từ đó nâng cao. Sau khi chinh phục thành công, người chinh phục sẽ cảm thấy tự hào về thành quả mình đạt được, quý trọng mối quan hệ hơn vì tất cả những điều mình đã làm trong cuộc chinh phục kia. Đó sẽ như một tượng đài kỷ niệm củng cố tình cảm của hai người theo năm tháng. Người được chinh phục thì tất nhiên vẫn sẽ luôn cảm thấy người kia quý trọng mình mới làm tất cả những điều đó. Ham muốn chinh phục thật tốt?!
Dĩ nhiên, người nói ra điều đó chính là người chuyên tổ chức các khóa tư vấn tình cảm, dạy người khác chinh phục lẫn nhau.
Trong tình cảm, từ trước đến nay anh chưa từng thành công trong việc chinh phục bất kỳ ai. Không phải chưa từng có ý định đó, mà hoặc là người ta né tránh từ xa, hoặc từ chối thẳng mặt, hoặc bắt đầu được một chút rồi thôi. Hầu hết các mối quan hệ tình cảm của anh đều là khi hai người thấy hợp ý lẫn nhau, rồi cùng tiến tới, chứ không có cuộc chinh phục gay cấn nào hết trơn.
Có lẽ vì vậy nên đôi lúc anh cảm thấy mình nợ người yêu một điều gì đó, nên trong tình cảm, anh lúc nào cũng là người sau cùng bỏ ra đi. Không phải anh nặng tình nặng nghĩa, mà có lúc thật sự không còn cảm giác, cũng không cách nào bỏ đi. Nhưng ở lại bên nhau trong tình trạng như vậy chỉ càng làm cả hai thêm nặng nề và đau khổ. Nhiều lúc ngẫm nghĩ, thấy chia tay thật sự là tốt cho cả hai, nhưng lại lo người kia tổn thương, khó xử, muốn nói rồi lại thôi. Anh chỉ có thể chờ đến lúc họ chán nản, bỏ đi.

Em nói xem, nếu một mối quan hệ tình cảm buồn tẻ và đau khổ, không có gì tốt đẹp cho cả hai, thì nó nên tiếp diễn hay dừng lại?

Có vài người bạn của anh có rất nhiều bạn gái, họ là những người thích chinh phục và có khả năng chinh phục. Đa phần các mối quan hệ của họ đến và đi tốt đẹp. Mỗi khi gặp hay nhớ về mấy người này, anh lại tự hỏi liệu ông chuyên gia tình cảm nọ nói về chinh phục có bao nhiêu phần đúng? Có phải là ham muốn chinh phục và quá trình chinh phục sẽ khiến người ta phấn chấn hơn, yêu nhiều hơn và trân quý tình yêu hơn?
Có thể mặt trái của việc chinh phục là người ta sẽ thể hiện những gì bản thân họ không có, hoặc những lời hứa hẹn đầu môi, thậm chí cả những điều giả dối, lừa lọc để đạt được mục đích. Và một điều gì đó khi đã bắt đầu bằng gian dối thì chỉ có thể duy trì bằng tất cả dối gian thôi. Đó cũng là một việc gây đau khổ. Một khả năng khác là người chinh phục cũng có thể chán ngán đối tượng sau khi chinh phục một thời gian, và ham muốn chinh phục lại khiến họ bước chân lên một hành trình mới…
Mặt khác, những người không thích chinh phục cũng có thể là người thụ động, ít khi nào suy nghĩ cho người kia, không quan tâm xem điều gì là tốt, là xấu cho mối quan hệ, không biết người kia thích gì, không có gì để trao nhau, cả khi không còn muốn tiếp tục, cũng không chủ động chia tay được.
60_ve su chinh phuc
Sự chinh phục, theo một nghĩa tích cực nhất của nó, có thể bao gồm hai mặt: chủ động quan tâm và hành động. Tình yêu không chỉ ở trong suy nghĩ, lúc nào cũng nghĩ về người kia, họ vui thì mình vui, họ buồn thì mình buồn, họ đi gặp người khác thì mình ghen, mình giận… Cảm xúc của đối phương nếu chỉ được copy, suy đoán rồi nhân lên như vậy thì sẽ trở thành gánh nặng tâm lý, khiến họ không còn dám bày tỏ thật sự cùng mình nữa. Ngược lại, nếu như mình chủ động quan tâm, thì khi họ buồn mình sẽ tìm cách chia sẻ và làm cho họ vui lên, và trong các trường hợp khác thì một người chủ động quan tâm người khác và quan tâm đến mối quan hệ sẽ biết làm thế nào để mọi thứ trở nên tốt hơn, vui hơn.
Chủ động quan tâm còn phải kết hợp với hành động thực tế, và khả năng thực thi hành động đó. Nếu chỉ lo lắng quan tâm và biết cách làm thế nào nhưng không làm hoặc không có khả năng làm thì cũng không tác động được điều gì tốt. Vậy nên một người mang tâm lí chinh phục theo nghĩa tích cực chính là người có thể bắt đầu, duy trì và cải thiện một mối quan hệ tình cảm rất tốt bằng hai khía cạnh là chủ động quan tâm và hành động.

Có bao giờ em tự hỏi: mình đã chủ động quan tâm và có hành động gì để quan tâm người mình yêu mến chưa?

Quan tâm theo nghĩa tích cực và chủ động ấy, chứ không phải là nghĩa vụ, thói quen, hay những sự giám sát, nghi ngờ..? Và nếu có lúc em thấy rằng chia tay là hợp lí, liệu em có đủ quyết tâm và dũng khí nói ra?
Sau tất cả, anh vẫn thấy rằng có một người có thể khiến mình không còn băn khoăn suy nghĩ về chinh phục hay không chinh phục, mà bằng mọi giá chinh phục là điều tuyệt vời nhất.
Và có thể nói chia tay đúng lúc cũng vậy.
20.11.2019
Trẻ con có đáng yêu không? Nhiều người sẽ đáp ngay rằng: có, cực kỳ đáng yêu, không yêu trẻ con thì còn yêu được cái gì khác trên đời! Nhiều người sẽ ngập ngừng một lúc rồi nói: ừ, đáng yêu. Và cũng không ít người sẽ cười cười cho qua chuyện. Bài này sẽ nói về trẻ con – đối tượng nhân loại từ giai đoạn mới sinh cho đến vị thành niên.
Vì sao trẻ con lại đáng yêu? Cùng một hành động đáng yêu, nếu một người lớn làm ra hành động đó sẽ không đáng yêu bằng trẻ con, hoặc có thì cũng chỉ là “đáng yêu như trẻ con”. Đó là vì trẻ con đáng yêu mà không biết rằng chúng đang đáng yêu. Chúng không tỏ ra đáng yêu nên điều đó thật sự đáng yêu.
Tương tự, khi trẻ con có những hành động gây khó chịu, hỗn hào hay độc ác, cũng có thể chúng không biết điều đó là xấu, là ác. Thế nên trong vấn đề nuôi dạy trẻ, việc giáo dục đúng đắn là vô cùng quan trọng.
Hôm trước anh gặp thằng bạn, con nó được 4 tuổi, tâm sự một hồi nó bảo: Có con rồi mới hiểu cái cảm giác: mình không mong nó xinh xắn hay tài giỏi hơn người, chỉ cần thấy nó vui vẻ, khỏe mạnh bình thường là đã mừng rồi. Con người là một loài động vật yếu ớt trong giai đoạn sơ sinh đến tận 3-4 tuổi, gần như không thể tự sống được nếu không có động vật khác chăm, nuôi. Sinh ra được một đứa con bình thường về thể chất và tinh thần là mừng một lần. Rồi trong giai đoạn nó từ sơ sinh đến 6-7 tuổi không bị các chứng bệnh này bệnh nọ quá nhiều (thế nào cũng có) lại mừng một lần. Lại phải quan tâm ăn uống, dinh dưỡng cho nó cao lớn, thông minh các thứ. Nuôi con là một quá trình được chút nào mừng chút đó của cha mẹ vậy.
Nuôi con đã phức tạp, nhưng cũng còn có những điểm chung. Dạy con mới là chuyện gian nan. Trẻ con đáng yêu hay không, tính tình tốt hay xấu phần nhiều là do giáo dục ở gia đình giai đoạn còn thơ ấu.
Những đứa trẻ biết vâng lời, lễ phép, ít la hét gào khóc đòi hỏi, yêu thương động vật, cây cỏ.. đều được cha mẹ, ông bà khuyến khích mỗi khi nó làm đúng, và ngăn cản, giải thích mỗi khi nó làm điều sai.
Có rất nhiều trường hợp trẻ con trở nên xấu xí, độc ác trong mắt người khác xuất phát từ ông bà, cha mẹ dễ dãi và không quan tâm trong việc uốn nắn nhân cách của trẻ, chỉ cần nó vui là được, hoặc câu thần chú “nó con nít mà, biết gì”. Cách giáo dục kiểu dỗ dành miễn sao cho trẻ hài lòng tạo ra một đứa trẻ từ 3 đến 7 tuổi rất thích gào khóc, la hét đòi cho bằng được thứ nó thích, bất kể ngày đêm, thích phá cây, bẻ hoa, đánh đập chó mèo và nhất định đòi mở TV hoặc điện thoại mỗi bữa ăn.. Những biểu hiện đó ban đầu chỉ vô tình xuất hiện, nhưng vì không được dạy dỗ mà lại chiều theo, dần dần hình thành một loại tính cách không khiến ai yêu nổi.
59_Ve viec nuoi day tre
Những đứa trẻ như vậy cũng không phải hoàn toàn hỏng bét. Lớn lên một chút nó sẽ có nhận thức riêng, sẽ học hỏi từ bạn bè, thầy cô, xã hội và tự nhận thức lại hành vi của bản thân để bỏ đi những sai quấy trẻ con. Tuy nhiên ảnh hưởng của những ấn tượng đầu tiên là vô cùng lớn và rất khó thay đổi.
Có người lại quan niệm rằng: trẻ con nhưng tờ giấy trắng, con cái như một loại tài sản của cha mẹ, chính cha mẹ cần phải vẽ lên đó tất cả những gì mình muốn. Điều này anh cũng không đồng tình. Giáo dục trẻ con là chỉ ra cho nó biết điều đúng, điều sai, nhưng không phải là bắt nó phải cư xử kiểu này, ăn nói kiểu khác, phải thích thứ này, ghét thứ kia. Trang giấy trắng đó chỉ cần dạy nó cách vẽ và để nó tự vẽ thì hơn. Nếu cha mẹ giành vẽ hết giấy của nó, đến lúc nó muốn tự vẽ, thì vẽ vào đâu.
Người khác thì lại nói: tôi chỉ cần con tôi vui vẻ thoải mái trưởng thành an toàn, không quan trọng nó có thành tựu gì, không cần nó học giỏi hay khá, nên không quan tâm chương trình học của con ở trường. Điều này cũng không hay. Không quan trọng thành tích nhưng vẫn phải để tâm xem con trẻ đang tiếp nhận chương trình giáo dục như thế nào, và ngoài kiến thức ra thì trường học còn dạy gì khác cho con?

“Con buồn cười nhỉ, ai lại đi cãi lý với một người có thể vì mình mà hy sinh mạng sống hả con?”

Đó là một câu trong status của chị Ngô Phương Thảo – người sáng lập AnBooks. Câu này cũng là một vấn đề khiến anh phải nghĩ tới nghĩ lui. Đúng là phần lớn cha mẹ đều có thể hi sinh mạng sống vì con. Con cái là thế hệ sau, là phần tiếp nối của họ trên đời, là tất cả những gì quan trọng nhất. Tuy nhiên có phải vì đó là người có thể (và đã) hi sinh tất cả cho mình mà nghe theo mọi thứ? Có thể ý của chị là không cần phải nghe theo, chỉ là đừng cãi lại.

Con cái mà cãi lại cha mẹ, đó là một trong những tổn thương sâu sắc nhất dành cho đấng sinh thành.

Nhưng cha mẹ cũng là người, và dù thương con đến mức nào đi nữa, không phải ai cũng đủ sáng suốt, kinh nghiệm hay kiến thức về mọi thứ trên đời để lúc nào cũng đúng, cũng đưa ra lựa chọn hoặc lời khuyên hợp lí cho con. Con cái không nên cãi cha mẹ, nhưng cũng không nên làm theo mọi điều mà cha mẹ muốn, chỉ nên lấy đó làm ưu tiên xem xét mà thôi.
Anh từng thấy nhiều người con vì muốn cha mẹ vui lòng mà làm theo lời cha mẹ, đưa ra những lựa chọn khiến bản thân mình không vui. Nếu cha mẹ thật sự thương con, thì điều làm họ vui lòng nhất không phải là con cái nghe lời mình, mà là thấy con mình vui vẻ hạnh phúc. Con cái vì nghe lời cha mẹ mà đau khổ, dằn vặt, không có tinh thần… thì điều đó làm cho cả hai đau khổ nhiều hơn.
Việc dạy con ở giai đoạn đầu đời là vô cùng quan trọng, đó là những nét đầu tiên trên trang giấy trắng, là việc uốn nắn khi cây còn non, mềm. Còn khi con đã lớn khôn thì cha mẹ đừng nên áp đặt tư tưởng và kinh nghiệm của mình mà chỉ nên trở thành những quyển sách, túi khôn luôn sẵn sàng trợ giúp, truyền cho con động lực để bước đi trên con đường riêng của nó mà thôi.
Con cái, có lẽ đến lúc làm cha làm mẹ, mới thật sự hiểu cái khó của việc nuôi dạy con. Vì sao không xem lại liệu con mình có đang nhận được cách nuôi dạy mà mình mong muốn lúc nhỏ hay không?
19.11.2019
Hôm nay không còn nhiều thời gian để suy nghĩ lắm, lại không có ý tưởng nào, nên anh tạm mượn bài “10 bad habits of unsuccessful people” của tác giả Darius Foroux trên Medium, do chị Phoenix Ho share cách đây ít lâu.
Darius kể rằng đây là bài học anh học được từ khách hàng đầu tiên của anh, năm anh 24 tuổi. Đó là một doanh nhân thành đạt ở tuổi 40. Khi họ trở thành bạn thân, người kia đã kể cho anh nghe những mặt trái của cuộc đời, những nỗi đau đằng sau những thành công trong công việc của anh ta. Và bí quyết để thành công của người doanh nhân đó là “chỉ cần cố gắng tránh khỏi những nhân tố gây thất bại”. Anh ta đã nghiên cứu, tìm hiểu xem những nhân tố khiến người khác đau khổ, tổn thương, thất vọng, mất động lực… là gì và tìm cách để bản thân không mắc phải những sai lầm tương tự.
Thường thì đa số mọi người chỉ học tập những người thành công, xem cách họ lên kế hoạch, lấy động lực, cách họ học tập, cách họ đứng dậy và thành công, theo kiểu “nếu tôi làm thế này, tôi sẽ thành công”. Nhưng nếu thành công đến dễ dàng theo cách đó, thì làm gì có cảnh nhiều người vẫn đang loay hoay tìm kiếm thành công. Darius đã học theo người bạn doanh nhân thành đạt, tìm hiểu về những thói quen khiến người ta chưa thể thành công, và anh đã tìm ra 10 thói quen xấu đó.
1. Luôn bị phân tâm: Điều này rất rõ ràng. Với những việc ta có nhiều hứng thú, những việc sở trường của mình, thường là khả năng tập trung vào việc đó cao hơn những việc khác. Nếu em học toán giỏi hơn địa lý, thì giờ toán em sẽ tập trung hơn, không nghĩ lung tung sang chuyện khác, hiểu bài nhanh hơn.. Hoặc cùng một công việc, như viết văn chẳng hạn, khi em có một chủ đề mang lại nhiều cảm hứng, có sự tập trung cao thì em sẽ có thể viết 2000 từ trong một tiếng, còn khi em không hứng thú thì ngồi 2 tiếng cũng không viết được chữ nào.

Sự tập trung có thể rèn luyện dần dần bằng cách cố gắng tập trung trong mỗi việc làm, từng chút một, từng ngày.

2. Chỉ giỏi nói: Điều này trong tiếng Việt mình là “nói trước bước không qua”. Có một số bài viết chi tiết về vấn đề này trước đây. Người ta chỉ ra rằng khi ta tuyên bố một mục tiêu, kế hoạch nào đó trước thì não ta sẽ mặc nhiên rằng mục tiêu đó đã được hoàn thành rồi, và từ đó sẽ khiến ta không có động lực để thực hiện hành động hiện thực hóa mục tiêu đó nữa. Vậy nên khi có những mục tiêu, dự định nào đó tốt đẹp thì tốt nhất là hãy làm xong một vài bước trong đó, hoặc hoàn thành dự án rồi hãy công bố thành công của mình.
3. Dành thời gian cho những người không cần thiết: Có những người bạn có thể khích lệ, động viên, cho những lời khuyên hữu ích hay tham gia cùng các hoạt động hướng tới thành công hoặc những mục tiêu tốt đẹp khác, cũng có những người luôn chê bai, chỉ trích, “bàn ra” hoặc rủ rê ta thực hiện những việc phí thời gian, rời xa khỏi mục tiêu tốt đẹp ban đầu. Thời gian và các nguồn lực khác của ta có hạn, nếu dùng sai người thì xem như lãng phí gấp đôi.
4. Chỉ tập trung vào những điều tiêu cực: Điều này có vẻ như ngược lại với mục đích ban đầu của tác giả: muốn tìm hiểu những điều tiêu cực để tránh xa. Nhưng không phải vậy. Ý của tác giả là hiện tượng chìm đắm và chỉ chấp nhận mặt tiêu cực của vấn đề. Ví dụ như một người phải đi làm vào một ngày mưa gió, giày của anh ta bị ướt, thế là anh dành cả ngày để phàn nàn về thời tiết, thay vì chỉ cần thay một đôi giày mới là xong. Ta có thể thay đổi được thời tiết đâu mà phải tập trung vào nó suốt ngày?!

Ai cũng có những ngày thật tệ, nhưng nếu vì thế mà ta ghét mọi thứ trên đời, thì chính ta đang làm khổ đời mình đó vậy.

58_Ve 10 thoi quen that bai
5. Trì hoãn: Khi Darius học đại học, anh từng xin giáo viên gia hạn thời gian nộp bài luận của mình. Khi đó, vị giáo viên trả lời rằng: Tôi rất vui lòng cho anh gia hạn thêm một tuần, chỉ có một yêu cầu duy nhất là bài luận được gia hạn kia của anh phải tốt hơn bài mà anh sẽ nộp đúng thời gian. Và họ đều biết câu trả lời là “không thể nào”. Chỉ nên kéo dài thời gian cho một công việc mà em chắc em có thể cải thiện kết quả sau cùng.
6. Không biết lắng nghe: Lắng nghe là khi mình thật sự quan tâm đến điều người khác chia sẻ. Không chỉ để hiểu ý nghĩa từng lời nói, hành động của người khác mà còn để đồng cảm, sẻ chia. Điều này ngày càng ít ỏi, vì nhiều khi người ta còn không biết hỏi thăm nhau câu gì. Chúng ta quá quan tâm cảm xúc của bản thân mà bỏ qua tâm trạng của người khác. Điều này không chỉ dẫn đến thất bại trong công việc, mà còn thất bại trong cuộc sống cá nhân, gia đình và xã hội.

7. Lười biếng.

8. Thiếu óc tò mò: Càng lớn thì ta càng tiếp nhận nhiều thông tin, kiến thức, những câu trả lời được đóng gói sẵn và tuôn vào tâm trí ta, ngay khi ta chưa kịp hỏi. Điều này Yuval Noah Harari có câu nói: Những câu hỏi mà không có câu trả lời tốt hơn nhiều so với những câu trả lời không thể đặt câu hỏi.
9. Không tử tế: Hãy tử tế theo cách định nghĩa của riêng em. Nếu em chưa định nghĩa được thế nào là tử tế, thì em biết làm gì rồi đó.
10. Bỏ cuộc: Mỗi lần thất bại là một bước gần hơn đến thành công. Thất bại không phải là tệ nhất, mà là thói quen từ bỏ khi thất bại.
Thường thì những thói quen xấu xuất hiện là khi ta quen với việc buông thả bản thân, và một thói quen xấu sẽ chiếm chỗ của một thói quen tốt: như lười biếng chiếm chỗ của siêng năng. Vậy nên khi ta tìm cách tránh những thói quen xấu này cũng chính là đang tập thói quen tốt vậy.
18.11.2019
Phàm trong vũ trụ, muốn đạt cân bằng cần có hai mặt. Mọi thứ xoay quanh con người càng là như vậy. Có tốt và xấu, buồn và vui, tích cực và tiêu cực. Còn là người thì không thể tránh khỏi buồn vui, chỉ có thể bình tâm giữ trạng thái cân bằng, chứ không phải là không có.
Người ta sống nhiều giờ dưới ánh sáng, nên cũng nghiêng về những thứ có tính dương, thích nhìn sự tích cực,vui vẻ, và cũng thích biểu hiện ra những đặc tính đó. Những nỗi buồn, u uất, thù ghét, khó chịu, giận dữ thường là những gì ta giữ cho riêng mình trong những góc tối của bản thân.

Thế nhưng sự thật là việc chấp nhận những niềm vui hay nỗi buồn thật sự, năng lượng tích cực hay tiêu cực chân chính đều khó khăn như nhau.

Những thứ tốt đẹp, vui vẻ ta thường biểu hiện quá lên so với niềm vui thật sự, và những điều tiêu cực, nỗi buồn ta lại tránh né, che giấu cùng mức độ sai lệch với niềm vui. Ta tỏ ra quá ổn và không dám thừa nhận mình không ổn. Ngay cả với chính mình.
Tất nhiên cũng có những trường hợp đặc biệt ngược lại: ta quá tập trung vào phần âm và chối bỏ phần dương, tập trung vào những bất hạnh và nỗi buồn mà bỏ qua những điều tốt đẹp mình đang có.
Hôm nay là một ngày bất ổn. Khi biểu tình ở Hồng Kông từ ôn hòa chuyển sang bạo động. Người ta bắt đầu dùng vũ khí tự chế để phản kháng, xung đột leo thang, và họ kêu cứu những vùng xung quanh và quốc tế. Ta thấy mình vô lực và nhỏ nhoi trước những biến chuyển mang tính thời cuộc, trước dòng chảy lịch sử. Ta tự hỏi mình ở trong hoàn cảnh đó sẽ lựa chọn thế nào, và ở đó có còn giữ được sự bình yên như lúc thiền tập một mình không?..
Hôm nay là một ngày bất ổn. Khi ta tiếp xúc nhiều hơn với nhiều người, ta có cảm giác mình bị kéo ra khỏi thế giới nhận thức mà mình đã xây dựng trước đó. Mọi thứ có chút lung lay, ta tự hỏi là mình sai hay thế giới này sai. Ta nhận ra mọi người đều có thế giới quan riêng biệt, nhưng họ đều chia sẻ một phần để hòa nhập vào một thế giới chung, chạy theo những khái niệm chung.. còn ta chỉ toàn tâm một mình một cõi. Đó là điều ta có chút tự hào, nhưng chẳng có giá trị nào trong mắt người khác, vậy có đáng không, và có đúng không?..
Hôm nay là một ngày bất ổn. Khi người ta thương bỗng lạnh lùng, khó hiểu, khó gần, mất cảm giác kết nối và ăn ý thường có. Ta lâm vào suy nghĩ mông lung, tự hỏi mình đã làm gì sai, hay phải chăng người đó đổi thay? Người đó có gì bất ổn, hay do mình nghĩ lung tung? Ta muốn hỏi rõ nhưng không biết hỏi thế nào, càng sợ làm tình hình tệ hại thêm hơn. Hôm nay thật bất ổn, chắc ngày mai sẽ lại bình thường thôi?..
Hôm nay bất ổn. Khi một việc ta dành nhiều tâm sức, chuẩn bị kỹ càng tưởng như sắp thành công lại đổ vỡ và hóa thành vô vọng. Khi nghĩ tới việc ta sắp phải trải qua một thời gian dài để làm những điều ta không thật sự quan tâm. Khi ta bị bệnh, hoặc tự thấy mình quá già để bắt đầu một điều gì đó.. Hôm nay ta thấy mọi người nói về những niềm vui giả, những nỗi buồn cũng giả, những niềm đau thì chán ngấy… mọi thứ đầy tiêu cực và bất an.
Hôm nay bất ổn. Khi những nỗi đau thường ngày vốn tưởng đã thành quen bỗng nhiên nhói buốt lạ thường. Khi những phương thuốc vốn luôn hữu hiệu, khiến ta mê man qua hết một ngày lại không còn tác dụng. Ta không ổn, nhất là khi thấy mình không ổn.
Ta vẫn thường nghe truyền thuyết về một rừng cây có những con quỷ vô hình trú ngụ. Rủi thay, đó lại là con đường ta phải đi qua. Ta đi qua rừng cây với một tâm trạng tò mò, hồi hộp và sợ hãi. Rồi một tiếng lá cây xào xạc đằng sau. Tiếng chân quỷ vô hình. Ta bỏ chạy. Con quỷ đuổi theo nhưng không bắt được ta. Nó chỉ đuổi sát bên lưng, hơi thở nó làm ta lạnh gáy. Ta chạy ra khỏi khu rừng với con quỷ sau lưng.
Những cơn bất ổn chính là những con quỷ vô hình trong truyền thuyết đó. Ta chỉ nghe rằng nó là quỷ, liền nghĩ nó rất đáng sợ. Ta nghe nói nó vô hình, liền nghĩ nó ở khắp mọi nơi. Ta ra sức chạy mà chưa bao giờ dám dừng lại đối mặt với nó. Với những cơn bất ổn, thứ làm ta bất ổn thật sự chỉ là cảm giác rằng mình đang bất ổn.
Sao không đơn giản chấp nhận nó – chấp nhận rằng mình bất ổn. Bình tĩnh mà tìm hiểu xem đó thật sự là con quỷ vô hình hay chỉ là cơn gió nhẹ. Con quỷ này thật sự sẽ hại mình hay nó chỉ muốn làm bạn mà thôi?
57_ve mot ngay bat on
Bình tĩnh nhìn lại mình trong một ngày bất ổn chính là việc ổn nhất có thể làm. Không phải là chối bỏ, không phải là trốn chạy hay chống lại. Cứ yên tĩnh.
Ở yên trong ngày bất ổn, để biết nó không phải là mình. Không quay đầu trốn chạy để con quỷ vô hình luôn đuổi theo sát bên lưng. Ngồi lại cùng với nó một chút, khi ổn rồi lại đứng lên mà bước tiếp đi. Mình là người có quyền ra khỏi khu rừng đó, con quỷ thì không. Mình và nó vốn chỉ gặp nhau trên một đoạn đường ngắn ngủi đó mà thôi.

Bất ổn không phải là điều cần tránh, cũng không phải là một vũng lầy. Đừng trốn chạy, cũng đừng chôn chân ở đó.

Một ngày ta thấy mình bất ổn, thì cứ bất ổn đi. Còn ngày mai là một ngày mới, có thể ta lại bước sang một khu rừng bất ổn mới, nhưng vẫn cứ nhớ: bước đi.
17.11.2019