Hôm trước có một bạn hỏi mình mấy câu về vấn đề "làm sao để nói ra điều mình muốn nói". Mình xin chia sẻ lại cho bạn nào cần. Những ý này có thể áp dụng cho nhiều việc khác.



- Làm sao để có thể nói chuyện thu hút người khác, bằng nhiều chủ đề khác nhau?

 Cần có niềm tin, có tư tưởng riêng mình. Có thể hiểu là cần tìm ra một số lý luận cơ bản làm trụ cột, làm lăng kính để nhìn vào những sự việc khác nhau trong cuộc sống.

- Có thể cụ thể hơn chút không? Em thì ko thể lí luận gì nhiều! Nhưng chỉ mong mình ít nhất ko im lặng mãi thế này!

Tức là theo em thì điều gì là đúng, là cơ bản mà mọi thứ vận hành xung quanh nó, hay hầu hết mọi thứ. Ví dụ như luật nhân quả, thuyết vô thường của Phật, hay thuyết vô vi của Lão Tử, hay là sự nhiệm màu của Thiên Chúa, quyền năng của Thánh Ala...bất cứ cái gì. Khi có 1 niềm tin rồi em sẽ nhìn mọi việc, nói ra được mọi điều dưới góc nhìn đó.

- Em ko theo bất cứ đạo nào! Chỉ có 1 niềm tin vào những thứ mình mong muốn

Đó chỉ là ví dụ thôi. Vì sao em lại muốn nói? Nói về chuyện gì? Nói để làm gì?

- À đơn giản là cảm giác cứ giam mình trong cái nhà tù do mình tạo ra

nhà tù đó như thế nào

- À! E chỉ sống 1 cuộc sống đi làm xong về hầu như ko nói chuyện với ai!

thế em muốn nói về chuyện gì

- Có cách nào để giao tiếp với mọi người thật tốt, kể cả ngừời thân?

Thì mình cứ nói ra rồi từ từ quan sát, hiệu chỉnh. Đừng hỏi làm sao mà hãy làm đi!



- Bây giờ có cách nào tập trước ko a?

Thì mấy người xung quanh em đó, nói chuyện với họ. Từ từ thôi, ban đầu nghe người ta nói rồi tham gia vô. Học hỏi thêm nhiều kiến thức để có cái mà nói, đi cafe với bạn bè, add friend trên fb nhiều hơn, suy nghĩ gì thì viết ra trên status fb, nếu nghĩ nhiều thứ thì viết thành bài viết luôn.. Coi các video bài nói chuyện của các diễn giả... nhiều thứ lắm, em cứ làm đi, đừng ngồi suy nghĩ làm gì, cởi mở lên!

- Cũng đại loại là hiểu rồi nhưng nếu mà hay thì chắc phải khiến người ta chán trước rồi 1 thời gian sau mới khác phải ko? Nói chung cảm ơn a vì đã giúp đỡ.

Ừ muốn hay thì phải tập chứ. Nhưng chắc chắn là không thể nào cứ im lặng rồi nói ra 1 phát là hay liền được. Cho dù một người nào đó có thật sự rất hay, nhưng cũng phải có thời gian thích ứng, phải lựa cách nói cho người ta hiểu mới được.

- À nhưng theo đánh giá của a! A có phải 1 người điềm đạm? Nói nhìu liệu sẽ mất chất ko?

Anh không quan tâm ^^ đừng có suy nghĩ người khác sẽ nhìn mình thế nào

- Đúng rồi ha

Như hôm nay em chịu pm hỏi anh cũng là 1 sự khác biệt rồi đó, ko phải sao. Với người khác cũng vậy, có thể phản ứng của họ sẽ không như em mong muốn, hoặc tốt hơn. Cho nên đừng nghĩ gì hết, thấy điều gì cần làm thì làm, rồi sau đó quan sát và sửa đổi.

Vậy đó, em cứ suy nghĩ và thực hiện đi. Quan sát người khác và quan sát bản thân mình, không ngừng thay đổi.

- Uhm, thank a


Chuyện học tiếng Anh cũng giống như vậy, đừng nghĩ làm gì mà hãy làm đi! Làm rồi sẽ có cách. Phải lao vào làm thì mới biết điều gì hợp với mình, điều gì không hợp...

Tất nhiên không phải mọi chuyện cứ lao đầu vào làm là được, nhưng có những việc như vậy, không hề rõ ràng cho đến khi ta thật sự bước lên đường theo đuổi nó.

Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo

Mình có người bạn sống ở Fiji - một quốc gia thuộc châu Đại dương mà khi mới nghe mình phải hỏi wikipedia mới biết. Bạn mình mới sinh em bé, chúc mừng bạn.

Bạn kể: ở Fiji, nhân viên y tế được huấn luyện để làm công tác tư tưởng tích cực cho các bà mẹ 03 việc:

1. Khuyến khích sinh thường; 

2. Vận động cho con bú sữa mẹ hoàn toàn ít nhất 01 năm và nói không với sữa công thức, cũng như không nên cho bé bú bình vì khi quen bú bình sẽ không bú mẹ nữa (thay vào đó họ hướng dẫn cách hút, bảo quản và cho bé uống sữa mẹ mỗi khi mẹ có việc không cho bú được);

3. Sau khi sinh 6 tuần sẽ có người tới trao đổi về dự định sinh con tiếp theo và cách kế hoạch hóa gia đình.

Bạn bảo rằng bạn yêu ngành y tế ở Fiji hết sức, dù cơ sở hạ tầng ở đó vẫn chưa bằng Việt Nam.



Ở Việt Nam mình, quảng cáo sữa thì thôi rồi, đủ thứ tuyệt vời, nào là tăng trí thông minh, tăng canxi, thiếu điều uống vô thành siêu nhân nữa thôi. Nhan nhãn và ra rả trên truyền hình. Trẻ con thì lớp 5, lớp 6 to bằng cha, bằng mẹ hết.. 

Một số bà mẹ trẻ thì chọn sinh mổ để đỡ đau dù họ hoàn toàn có khả năng sinh thường. Họ thường chia sẻ với nhau cách giữ dáng nhiều hơn bàn nhau xem sữa nào là tốt cho con. Rồi thì dứt sữa sớm chuyển sang bú bình để giữ cho ngực đẹp. Con "lớn" chút thì gửi ông bà hoặc người trông trẻ...

Ngành y tế thì đang phát triển nhanh, nhưng theo hướng đáp ứng nhu cầu nhiều hơn là mang đến những gì thật sự tốt đẹp. Và những clip quảng cáo long lanh vẫn đang thu hút biết bao người - những người muốn chăm lo cho con mình thật tốt, muốn đem đến những điều tốt đẹp nhất cho con, ít nhất là như con hàng xóm.

Tất nhiên đây chỉ là một góc nhỏ trong bức tranh chung - hi vọng là vậy.
Nhất Bảo
(Ảnh của bạn mình)
Nếu mọi người đều được phát miễn phí 10 triệu đồng mỗi tháng thì sao?
Bắt đầu từ việc Phần Lan xem xét việc trợ cấp 800 Euro/tháng cho mỗi công dân của nước mình, và Đức, Hà Lan cũng đang thí điểm trợ cấp trên quy mô nhỏ. Tôi thấy thú vị và khó khăn khi nghĩ về một mức trợ cấp cao như vậy cho tất cả người dân trên thế giới này. Rồi thế giới sẽ ra sao nếu điều đó xảy ra?
Sẽ không còn từ thiện nữa, hoặc gần như vậy khi mọi người đều có 10 triệu/tháng. Không còn ăn xin, trộm chó, cắp gà...? Rất nhiều người sẽ nghỉ việc, bỏ công việc họ làm vì thu nhập chuyển sang làm công việc mà họ thích được làm?
Nhưng nếu được tự do lựa chọn, ai sẽ là nông dân, ai là ngư dân, ai là người quét rác? Và bao nhiêu người sẽ thoải mái ngồi ăn chờ chết bên những game online hay những bộ phim truyền hình và gameshow? Nếu được lựa chọn, người ta sẽ chọn gì cho mình?
Những nước như Phần Lan, Hà Lan, Thụy Điển... có lẽ có thể thực hiện thành công mô hình thiên đường đó. Công dân của họ sẽ làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu thật đó. Nhưng phần lớn những sản phẩm mà họ thụ hưởng lại đến từ những nước nghèo hơn.
Nếu tất cả mọi người đều có 10 triệu, thì 10 triệu có ý nghĩa gì? Có thể mua một cái bánh mì sao?

Chung quy lại có lẽ vẫn là vấn đề ý thức. Với mức độ ý thức như hiện nay thì việc chu cấp tiền như vậy rất có thể làm cho xã hội loạn thêm lên.
Đa phần các nền kinh tế được vận hành bằng ham muốn và sợ hãi: Ham muốn hưởng thụ và nỗi sợ nghèo khó. Mọi người dù nghèo khó hay khá giả đều chạy trên một vòng tròn mà Robert Kiyosaki gọi là "rat race" - khi người ta phải không ngừng kiếm tiền mà không bao giờ thấy đủ.
Mọi người đang cùng chạy, trên vòng tròn của bản thân, và cùng nhau tạo thành một "rat race" toàn quốc, toàn thế giới. Khi nào vòng chạy này còn quay, khi nào con người còn tham lam và sợ hãi, đổ bao nhiêu tiền cũng không đủ được.
Nếu những nước giàu liên hợp lại, tạo thành khu vực của người giàu, có thể một ngày không xa thế giới sẽ chia thành 2 phần rõ rệt: Bên giàu thì điều khiển kinh tế và quân sự, bên nghèo thì cung cấp lương thực và dịch vụ
Rồi mọi chuyện sẽ lại về đâu?
(Ảnh: Andrew J. Nilsen)
Dạo này có phong trào chê bai, dè bỉu một số đề tài cấp tiến sĩ của rất nhiều những bạn sinh viên, hoặc chưa từng là sinh viên. Tôi chê phong trào này.

Đề tài đầu tiên được đưa lên có lẽ là đề tài "Đặc điểm giao tiếp với dân của chủ tịch UBND xã", sau khi bội thu một lượng like và share, nhiều đề tài khác nhanh chóng được bổ sung, đội ngũ chê bai cũng dần dần đông đảo...



Có đề tài tôi thấy rất hay, cũng nằm trong số bị công kích đó là đề tài cách dịch câu bị động từ tiếng Anh sang tiếng Việt. Trong tiếng Việt vốn không có thể loại câu bị động, nên việc dịch các câu bị động từ Anh sang Việt đôi khi nghe rất ngu ngơ, dịch hay và đúng nghĩa rất khó.

Thế mà cũng bị chê, có lẽ nhiều người nghĩ: Ôi xời, tao lớp 6 đã học câu bị động, khó gì! Này nhé, ví dụ như "It's hard to be a stupid person when we are surrounded by gieniuses" thì dịch là "Nó thì khó là một thằng ngốc khi chúng ta được bao quanh bởi những thiên tài". Đấy, dễ ợt, thế mà cũng tiến sĩ!



Trong mắt các bạn, đề tài tiến sĩ là phải khủng bố cỡ nào? Nghiên cứu về lỗ đen vũ trụ? Về điểm chung của 18000 loại virus? Hay làm cách nào để con người bay 1 phát được 10 vạn tám ngàn dặm như tề thiên?

Nhiều người lại có cùng câu hỏi: đề tài này giúp ích gì cho cuộc sống? Đọc cái này mình thấy giống lý luận của mấy bạn học sinh lười: "Tôi làm gì với môn hình học không gian sau khi tốt nghiệp? Ra chợ kêu bán một kg cam hình học không gian được không?". À, thật ra câu đó nếu muốn đặt đúng thì cần phải hỏi là "Bán 1.000 hình học không gian cam được không?" mới đúng nghĩa nhé.

Môn hình học không gian, hay vật lý, hóa học... có thể không trực tiếp giúp ích cho cuộc sống của bạn thật, nhưng các ngành khoa học đó nghiên cứu về những sản phẩm mà bạn đang sử dụng, những gì tạo nên cuộc sống bên ngoài và bên trong bạn. Học qua chúng để hiểu rõ bản thân và môi trường sống của mình hơn không phải điều nên làm sao? Tôi không bàn về tiêu chuẩn của giáo dục phổ thông bao nhiêu là đủ nên sẽ không nói thêm về điều này nữa.

Quay lại với luận án tiến sĩ, tôi không dám khẳng định những đề tài trên là hoàn toàn phù hợp để nghiên cứu ở mức độ tiến sĩ. Tôi cũng không nói rằng cơ chế công nhận thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ta hiện nay thật tuyệt vời. Điều tôi muốn nói là đừng nên đơn giản đánh giá một đề tài chỉ bằng việc đọc qua tựa của nó, bởi điều đó chỉ cho thấy sự hời hợt và GATO (ghen ăn tức ở) của người phê phán mà thôi.

Người chê càng đông thì càng nhiều hời hợt. Và với những đức tính đó, ai trong số họ sẽ thành tiến sĩ ở tương lai?


Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo