Từ nhỏ tôi được nghe rằng con người vốn thiện, do xã hội dạy họ điều ác thôi. Tôi đã nghe điều đó mà không hỏi xem những cái ác trong xã hội từ đâu mà tới? Xã hội là gì nếu không phải là tập hợp những con người?!

Hồi nhỏ, tôi được dạy phải kính trọng và yêu thương những người lớn tuổi, bất kể ngoại hình hay xuất thân của họ ra sao. Tôi sống cạnh bến xe, nơi có rất nhiều dân lao động nghèo. Tôi yêu quý và hầu như tìm thấy điểm tốt ở tất cả mọi người. Với tôi, dù họ có xấu trong mắt người khác, bản chất họ vẫn tốt đẹp đó thôi.

Nhà tôi có nuôi một con gà trống, do người nhà dưới quê đem cho để làm thịt ăn, nhưng thấy nó đẹp nên để nuôi luôn. Một ngày tôi định rải cơm cho nó ăn mà không thấy, tôi đi ra đường tìm. Tới bên lề bến xe, tôi thấy một đám đông, trong đó có nhiều chú, bác tôi biết đang vây quanh, hò hét: “Đá đi, đá chết nó, mạnh lên...” Tự dưng có linh cảm chẳng lành, tôi chen vào vòng vây, thì thấy bên trong là con gà của mình đang đá với một con gà khác. Nhìn sứt lông, chảy máu, tìm đường chạy ra thì bị đẩy trở vào, tôi hoang mang không biết làm sao. Tôi nhìn kỹ xem nó phải con gà của mình không, và hỏi một người “Chú ơi, gà của ai vậy chú?” “Không biết, có đá thì coi đi, đang hay”. Tôi lao vào giữa vòng vây ôm lấy con gà, xua con gà kia đi. Đám đông hò hét “Mày làm gì vậy, đang đá mà” .... nhiều câu nữa tôi không nghe rõ. Tôi chỉ cố la lên “Gà của tao, gà của tao”. Mãi một lúc sau có mấy người nhận ra tôi rồi đám đông mới tản đi.

Càng về sau, khi cuộc sống dần phát triển, con người văn minh hơn, họ bắt đầu phê phán những hủ tục như tế sống động vật, những thứ mà trước đó được xem là linh thiêng, truyền thống.

Có một dạo, tôi nghe về những vụ tai nạn xe khách, tàu hỏa do dân dọc đường ném đá... để mua vui! Bạn nghĩ thú vui khi ném đá vào xe khách đang chạy, có thể giết hàng chục người như vậy là được dạy hay tự nhiên? Không phải hành động ném đá đâu, là cái thú vui đàng sau hành động đó. Rồi cả những trò bạo hành, biến thái... để làm gì nếu không phải để mua vui? Vui ư? Niềm vui đó không hề được dạy. Người ta chỉ có thể dạy làm cách nào để tìm vui trong cái lương thiện hơn thôi, còn niềm vui được hành hạ, giết chóc chính là cái “tự nhiên”.

Mạng xã hội cũng có trò ném đá, cũng là nơi con người thể hiện cái ác nguyên thủy bên trong mỗi người. Điều này có lẽ mỗi người đọc bài này cũng biết ít hay nhiều.

Không thể dùng hình ảnh một đứa trẻ mới sinh để đại diện cho “nhân tính”. Đứa trẻ hoàn toàn chưa đủ nhận thức và năng lực để thể hiện cái ác của con người. Một đứa trẻ nếu không được dạy dỗ hướng thiện, hoàn toàn có thể biểu hiện ra những thú vui hoang dã như hành hạ người khác, hành hạ động vật, đập phá đồ đạc hay tự hại bản thân.

Đa phần cái thiện không phải tự nhiên, nó là quá trình đấu tranh và lựa chọn. Khi đói và có thức ăn, bản tính tự nhiên là ăn hết, chỉ có qua giáo dục, nhận thức và suy nghĩ mới khiến người ta biết nhường nhịn, sẻ chia. Đối mặt với quyền lợi, bản chất tự nhiên là tranh giành phần mình, chỉ có đầu tranh với chính mình mới khiến người ta biết bao nhiêu là đủ.

Xã hội không dạy người ta ác, nó chỉ dạy người ta cách làm điều ác mà thôi. Ác hay không là động lực, là sự thôi thúc bên trong họ, đó mới là bản chất.

Hãy nhìn lại chính mình, nhìn những người xung quanh, ta sẽ thấy người thiện chính là do họ chiến thắng cái ác bên trong và sẽ thấy sự thỏa mãn khi làm ác, mong muốn làm ác của con người rõ ràng hiển hiện.

Trở thành một con người tốt đẹp hơn con người vốn có, là một chuỗi lựa chọn và đấu tranh. Phải nhìn rõ ra điều đó, ta mới trở về được bên trong chính mình, vì những tính ác đó là những trở lực tồn tại tự nhiên trong mỗi người. Sâu tận bên trong con người là cái thiện, là cái rỗng không, nhưng cái lõi đó lại bị bao bọc bởi muôn vàn lớp ác - cũng là những thứ tồn tại tự nhiên được sinh ra cùng với con người.

Nếu chỉ nói con người vốn thiện thì không bao giờ bỏ được những cái ác kia, chỉ có nhìn nhận nó, nhận ra rằng con người có nhiều cái ác tự nhiên thì mới đấu tranh, trừ bỏ, và quay về với cái thiện, về với chính mình - hoặc cũng không phải là chính mình nữa, là một cái ta tốt đẹp hơn.

Nhất Bảo

Chắc hẳn nhiều người đều nghe qua câu “Thà lấy đĩ về làm vợ hơn lấy vợ về làm đĩ.” À, ai chưa nghe thì giờ nghe rồi đó. Câu này không nhằm đề cao “đĩ” mà nhằm hạ thấp một cô “vợ làm đĩ”. Nghĩa đen, nghĩa bóng của nó thì hẳn mọi người đã hiểu. Vấn đề là lý do: Tại sao lấy đĩ về làm vợ lại tốt hơn lấy vợ về làm đĩ? Điểm chung của “vợ” và “đĩ” là đều làm “chuyện đó” với đàn ông, điểm khác nhau là vợ làm với chồng còn đĩ làm với nhiều người, vợ làm vì tình yêu, đĩ làm vì tiền (các trường hợp ngoại lệ bỏ qua)

Về phía “đĩ”

Cô ta biết cách thỏa mãn đàn ông, cô gặp qua, tiếp xúc qua, “thân mật” qua nhiều người, nhiều tầng lớp nên có thể nói cô ta hiểu đàn ông, hay nói đúng hơn là hiểu những gì đàn ông che dấu và chỉ bộc lộ trong những tình huống hiếm hoi mà “vợ” không bao giờ có thể biết.

Với “đĩ”, không có thằng chạy xe ôm, ông giám đốc, ông bác sĩ, tiến sĩ, ngài giáo sư, anh nhà văn, nhạc sĩ, ca sĩ hay ông thủ tướng, tất cả chỉ là “đàn ông”. “Đĩ” không thần tượng một ai hết, cô biết rõ bên trong lớp áo của từng người là thứ gì.

“Đĩ” nghe mòn tai những lời ngon ngọt và cũng chịu đựng đủ nhiều những ánh mắt rẻ khinh. Những cử chỉ galăng, những món quà bất ngờ hay những bông hồng xinh đẹp chỉ đổi lại sự ngạc nhiên thích thú giả tạo của cô thôi. Cô biết sau những thứ đó là gì.

Chính những lý do đó mà khi yêu, “đĩ” dễ dàng biết được ai thật lòng yêu mình và càng trân trọng tình yêu đó. Khi “đĩ” về làm vợ, cô càng trân trọng cơ hội thay đổi cuộc đời và sự rộng lượng của chồng nên tất cả mọi cám dỗ từ “đàn ông” khác không thể nào lay chuyển được cô.

Về phía “vợ”

Do chỉ quan hệ với mỗi một ông chồng nên dễ gây nhàm chán, đôi lúc lại “ngại ngùng” nên không thể “thỏa sức đam mê”, có nhiều trường hợp cô chỉ đáp ứng nhu cầu của chồng nên đâm ra cứng nhắc, dần dần dưỡng thành thói quen khiến những lần “gần nhau” chẳng còn cảm giác gì hoặc rất ít…

Vợ ra ngoài làm việc, giao tiếp với nhiều tầng lớp khác nhau: Anh này ăn nói hay, anh kia chuyên môn giỏi, anh nọ rất ga lăng; có anh rất giàu, anh rất thành công, anh rất lãng mạn… Đối mặt với tất cả những thứ tuyệt vời vô cùng vô tận đó, cô chỉ có một lá chắn để phòng thủ là “mình là gái đã có chồng”

Rồi có những “dịp tình cờ” hoặc do “điều kiện công tác” khiến cô thường xuyên tiếp xúc với một vài đối tượng, và “lửa gần rơm” cộng thêm chút gió thì còn gì bằng..

Đó là những lý do khiến “vợ” thành “đĩ”. Thông thường mà nói, đã là “vợ” thì không ai muốn vậy, sở dĩ điều này xảy ra là do nhiều cô vợ tưởng mình mạnh mẽ, thông minh đủ để nhìn thấu và xử lý hết mọi tình huống đối với mọi loại đàn ông bên ngoài xã hội. Các cô giao tiếp nhiều, nói chuyện “mạnh dạn” hơn lúc còn con gái, đôi lúc “đùa giỡn” bằng vài câu nói, cử chỉ hay ánh mắt “chọc gan” chơi. Tiệc tùng thì chén chú chén anh, tự cho mình là “ngàn ly không say”… cứ đưa đẩy như đi trên dây như thế rồi lúc té nhào mới giật mình tỉnh ngộ. Có người quay về xin tha thứ, có người càng lún càng sâu, có người bỏ chồng con chạy theo “con tim”…

“Vợ” làm “đĩ”, trách nhiệm của đàn ông ở đâu?

Thờ ơ: Đàn ông thiếu quan tâm, chỉ làm tròn “bổn phận” và không có gì mới mẻ trong mối quan hệ vợ chồng khiến cho vợ cảm thấy “cô đơn” trong chính ngôi nhà của mình, trong chính tình yêu của mình, nên một chút “ấm áp” bên ngoài sẽ dần dần trở thành hạnh phúc của vợ.

Ghen tuông, kiểm soát: Việc này là con dao hai lưỡi, nếu bỏ qua mà không quan tâm, không hay biết thì mất lúc nào không hay, còn kiểm soát chặt chẽ quá sẽ dẫn phát phản ứng càng mãnh liệt, mong muốn được “tự do” của vợ càng cao và đến lúc nào đó vì “tự do” mà vợ sẽ phát sinh một mối quan hệ hoàn toàn không thể dự đoán

Làm gì với chuyện đã rồi?

Nếu vợ có một (đôi) lần “lỡ dại” hay “bị hại” thì phải làm sao? Nếu đó không phải là do họ thật sự thay lòng thì hãy tha thứ và yêu thương họ nhiều hơn. Có câu nói rằng:
“Nửa ly vơi hay nửa ly đầy thật sự không quan trọng. Hãy vui và biết ơn vì bạn có cái ly và có chút gì bên trong đó.” – khuyết danh

Cái gì mất thì đã mất rồi, những gì còn lại mới là những điều ta thật sự đang có, đừng để mất thêm nữa. Nếu hai người vượt qua được chuyện đó thì tình cảm sẽ càng bền chặt hơn xưa, ở đây cũng giống như lấy một cô “đĩ” về làm “vợ” vậy.

“Một vết nứt nhỏ không có nghĩa là bạn bị vỡ, nó muốn nói lên rằng bạn đã vượt qua thử thách mà không tan thành từng mảnh vụn mà thôi.” – Linda Poindexter

Để kết bài này, xin chia sẻ bài thơ “Những Phút Xao Lòng”

Có thể vợ mình xưa cũng có một người yêu
(Người ấy gọi vợ mình là người yêu cũ)
Cũng như mình thôi, mình ngày xưa cũng thế
Yêu một cô, giờ cô ấy đã lấy chồng
Có thể vợ mình vì những phút mềm lòng
Nên giấu kín những suy tư, không kể về giấc mộng
Người yêu cũ vợ mình có những điều mình không có được
Cô ấy không nói ra vì sợ mình buồn
Mình cũng có những phút giây cảm thấy xao lòng
Khi gặp người yêu xưa với những điều vợ mình không có được
Nghĩ về cái đã qua nhiều khi nuối tiếc
Mình cũng chẳng nói ra vì sợ vợ buồn
Sau những lần nghĩ đâu đâu mình thương vợ mình hơn
Và cảm thấy mình như người có lỗi
(Chắc vợ mình hiểu điều mình không nói
Cô ấy cũng thương yêu và chăm chút mình hơn)
Mà có trách chi những phút xao lòng
Ai cũng có một thời để yêu và một thời để nhớ
Ai cũng có những phút giây ngoài chồng ngoài vợ
Đừng có trách chi những phút xao lòng
- Thuận Hữu  (Trích trong tập thơ Biển Gọi, NXB Đà Nẵng – 2000)

Hãy để cho mọi chuyện qua đi và hướng tới tương lai tốt đẹp. Cả hai người cùng như thế nhé!

Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo

Tại sao ta phải sống? Câu hỏi này quá đơn giản, quá chung chung, quá dễ và cũng quá khó để trả lời.

Mark Twain nói:
“Cuộc đời mỗi người có hai ngày quan trọng nhất: Ngày bạn được sinh ra và ngày bạn hiểu được tại sao.”

Có thể nói đây là một câu hỏi mà mỗi người chúng ta trong vô tình hay cố ý đều đi tìm kiếm đáp án suốt cuộc đời mình, dù có cố tình lờ đi nhưng chẳng bao giờ bỏ được trước khi tìm ra đáp án. Câu hỏi “tại sao ta phải sống?” Thay vì “ta sống vì điều gì?” hay “tại sao ta có mặt trên đời này?”… Dường như có một sự khó chịu, bức bối, đau khổ hay thất vọng về cuộc sống tập trung ở từ “phải”.

Lý do thật sự để một người tồn tại trên đời này chỉ có thể được trả lời bởi chính bản thân người đó, tất cả những ai nói về số phận của người khác chỉ là sự định hướng mà thôi. Tất nhiên mình cũng không ngoại lệ, chẳng thể trả lời câu hỏi này một cách đúng đắn hoàn toàn. Ở đây mình chỉ có vài ý muốn bàn về chuyện “Tại sao ta phải sống?”

Đã sinh thì phải sống

Ta đến cuộc đời này một cách không tự chủ. Ta không được lựa chọn mình sẽ là con người hay con cọp, con chim, con heo, con gà… Lỡ sinh vào kiếp người rồi thì phải sống cho hết kiếp. Ý thức cầu sinh là bản năng cơ bản của mọi loài sinh vật, có câu “đến con kiến còn muốn sống” huống chi là con người. Dù trong hoàn cảnh thiếu thốn, nghèo khó, già yếu, bệnh tật… thì tất cả mọi người đều muốn được sống, dù có thể họ chẳng biết sống để làm gì! Tất nhiên cũng có nhiều trường hợp tự tử, nhưng đó chỉ là một số nhỏ những người đang ở trong trạng thái tâm thần bị kích động, bị cú sốc bất ngờ nào đó mà thôi. Lý do thứ nhất: Ta phải sống vì ta đã được sinh ra.

Phải sống vì người khác

Đây cũng là một lý do khác để ta sống trên đời, cũng có thể nói là một nguồn động lực. Khi tôi hỏi câu này với một số người quen thì nhận được câu trả lời là: “Phải sống để không phụ lòng ba mẹ, sống vì những người thân, người yêu…” Thế là tôi lại hỏi: “Vậy khi ba mẹ qua đời và những người thân, người yêu cũng bỏ ta đi thì sao?” […]

Khi ta chưa thật sự hiểu mình sống vì điều gì, thì những người thân xung quanh hay là một mục tiêu nào đó (trở thành tỷ phú chẳng hạn) cũng chỉ là lý do tạm bợ để ta bám víu mà thôi. Nhưng dù sao đó cũng là một lý do, nó sẽ trở nên vững chắc và tuyệt vời khi ta thật sự hiểu được mục đích sống của mình. Lý do thứ hai: Sống vì người khác.

Phải sống vì đam mê, sống vì mơ ước

Có những người may mắn tìm thấy ước mơ của họ từ rất sớm, và càng may mắn hơn là họ sở hữu những tiêu chuẩn, kỹ năng có thể theo đuổi ước mơ đó. Thế là họ xác định rằng: “Đời này của ta sinh ra là để làm cầu thủ/nhà tạo mẫu/ca sĩ/diễn viên/nhà khoa học/kỹ sư….” Họ sống chỉ vì mục tiêu đó, bất chấp tất cả những điều khác như gia đình, tình thân, các mối quan hệ xã hội… Thậm chí đôi lúc họ cảm thấy gia đình là rào cản ràng buộc bước tiến của họ nên nhiều người chọn cuộc sống cô đơn trên đỉnh cao danh vọng. Lý do thứ ba: Sống vì đam mê.

Phải sống để hưởng thụ

Loài người có được những thứ khoái cảm và ham muốn mà nhiều loài khác trên trái đất này không hề có, trong đó: Ăn ngon, mặc đẹp, tình dục, danh vọng, quyền lực và cả những thứ kích thích như rượu, thuốc lá, ma túy… Nhưng nếu đã nếm trải tất cả và nhàm chán tất cả thì sao?! Tất cả những cảm giác đó là đặc quyền của con người, nhưng đó là sự ban ân hay trừng phạt thì còn chưa rõ. Hiển nhiên nhiều người vẫn lấy đó làm một lý do để sống. Lý do thứ tư: Sống để hưởng thụ.

Vậy rốt cuộc thì “Tại sao ta phải sống?”

Có lẽ có những lý do khác nữa nhưng mình cảm thấy nêu ra vài lý do tiêu biểu như vậy đã đủ nhiều. Quay lại với câu hỏi “Tại sao ta phải sống?” Robin Sharma nói:
“The purpose of life is a life of purpose.”
Tạm dịch: “Mục đích của cuộc đời là một cuộc sống có mục đích.”

Bạn đã thấy qua những lý do để sống của người khác, chúng đều tồn tại và đều có thể tan vỡ bất kỳ lúc nào. Điều bạn cần làm là tìm ra mục đích riêng của bản thân bạn, giống như Robin nói: Lý do ta sống trên đời là để đi tìm lý do đó. Bạn cũng thấy những từ “phải” được lặp lại bên trên rất nặng nề phải không? Dù theo sau nó là một lý do thật hay, thật tốt, nhưng nếu ta không hiểu rõ, không chấp nhận được thì nó cũng chỉ là gánh nặng mà thôi. Nếu có một ngày bạn tìm ra câu trả lời, thì câu hỏi hẳn là sẽ mất đi chữ “phải”.

Hãy dành thời gian suy ngẫm về chính mình, tìm hiểu chính mình, xem bản thân mình muốn gì, mình có thể làm gì cho cuộc đời này. Đừng nhầm lẫn lý do ta sống với nhu cầu cuộc sống của ta (xem thêm tháp nhu cầu của Maslow)

Khi bạn đã hiểu được chính mình ở một mức độ nào đó, bạn chấp nhận rằng mình đã được sinh ra trên cõi đời này, bạn biết ơn cha mẹ, biết ơn tạo hóa ban cho hình hài và giác quan, trí óc, cảm nhận và biết ơn cuộc sống này mang đến cho bạn nhiều tri thức, bạn có thể quan tâm người xung quanh, làm những điều tốt đẹp cho họ, bạn có thể theo đuổi đam mê và thành công với đam mê, bạn cũng có thể hưởng thụ từng mẩu nhỏ của cuộc sống này.

Chúc bạn sớm tìm được đáp án cho riêng mình.

Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo


Trong cuộc đời chúng ta, đau khổ thường bắt nguồn từ “không biết” và “nhầm lẫn”. Người ta nói yêu là khổ, nhưng thật ra đó là phiên bản rút gọn của câu: “Yêu là chấp nhận chịu khổ trong vui sướng.” Ai chà, nghe có vẻ biến thái quá nhỉ, thôi quay lại với tiêu đề. Khi yêu, ai chẳng muốn được yêu? Nghĩa là khi ta yêu một người thì ta muốn được họ yêu lại, hay là cảm giác mong chờ, ham muốn tình yêu của một người nào đó mới là yêu? Nghe thì có vẻ hợp lý thật: ai lại không muốn người mình yêu yêu lại mình đâu chứ?! Nhưng đây là một sự nhầm lẫn, chính nó là một phần nguyên nhân gây đau khổ trong tình yêu. “Yêu” và “muốn được yêu” không giống nhau, cũng chẳng liên quan hay có họ hàng gì với nhau cả.

Lúc mới yêu…

 “Những kẻ đang yêu thường quá bận yêu đến nỗi họ cảm thấy định nghĩa tình yêu là một thứ gì vô nghĩa lắm.” – Nhất Bảo

Vậy đó, khi mới vào yêu, mới cảm nhận những rung động của con tim và mơ màng trong ảo mộng tình yêu, thế giới trở nên tuyệt vời đến nỗi chẳng ai còn muốn tỉnh. Tỉnh táo chẳng có nghĩa lý gì với tình yêu cả. Xuân Diệu nói:

“Đố ai định nghĩa được tình yêu,
Có nghĩa gì đâu một buổi chiều,
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt,
Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu”

Xuân Diệu nhìn buổi chiều tà, nắng nhạt và mây, và gió cũng thấy tình yêu trong đó. Còn Xuân Quỳnh nhìn sóng:

“Sóng bắt đầu từ gió,
Gió bắt đầu từ đâu,
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau”

Có thể ta không biết làm thơ hay làm văn để diễn tả tình yêu, nhưng chắc hẳn ai cũng có một tình yêu đẹp, dịu dàng và nên thơ như thế. Nhưng với phần lớn chúng ta thì đó chỉ là khúc dạo đầu êm ái cho đoạn đường đầy đau khổ phía sau thôi.

Rồi thì yêu…

Ta biết mình yêu một người khi ta bỗng dưng biết tất cả những nơi người đó thường tới, và ta cũng “tình cờ” có mặt tại đó, chỉ để trao nhau một ánh nhìn lướt qua, người ta thì chẳng biết ra sao chứ riêng ta thì mỗi ngày một lượt tình cờ là hạnh phúc.

Ta biết mình yêu một người khi ta biết tên tuổi, quê quán, tính tình, sở thích, ước mơ, tài năng, tật xấu… và cả những đặc điểm mà người đó không biết là họ có… ngay cả khi chưa thật sự trò chuyện lần nào.

Ta biết mình yêu một người khi ta bất chấp đám bạn thân, phim Hàn Quốc hay game online để được ở bên cạnh họ, dù rằng chỉ để nói những chuyện vu vơ. Ta đã nghĩ ra rất nhiều điều hay ho muốn nói nhưng khi gặp nhau lại chẳng nhớ được gì…

Ta biết mình yêu một người khi những lúc xa nhau, ta tự hỏi giờ này họ đang làm gì, vui, buồn ra sao. Ta luôn lo lắng và suy nghĩ cho người đó, và khi họ đáp lại sự lo lắng, quan tâm của ta dù chỉ bằng cách trả lời câu hỏi: “Đang ở đâu, làm gì vậy?”…

Nhiều, nhiều điều khác nữa, điểm chung của tình yêu lúc này là một thứ tình cảm nào đó mà ta mang đi trao tặng cho người ta yêu, có thể là nhớ, có thể là quan tâm hay lo lắng… nhưng đó là món quà, chỉ cần họ nhận là ta vui rồi. Tất cả những gì ta muốn là trao đi yêu thương kia thôi.

Muốn được yêu…

Khi đã đến giai đoạn “yêu nhau” tình yêu đang trong giai đoạn đơn phương trao đi yêu thương sẽ xuất hiện thêm một thái cực khác, đó là sự mong muốn nhận lại yêu thương. Đây cũng là điều bình thường và tất yếu, vì mấy ai có thể mãi mãi, vô tận yêu thương để trao cho một người mà không hề nhận lại. Sự “có qua có lại” này chính là phương thức nuôi dưỡng mối quan hệ tốt nhất có thể chấp nhận được.

Sở dĩ tôi nói “mối quan hệ” chứ không phải “tình yêu” là vì theo tôi tình yêu là thứ tình cảm đơn phương mà ta trao cho người khác, khi đã phát sinh chuyện “muốn được yêu” thì đó là một mối quan hệ.

Tình yêu là cảm giác, mà cảm giác khi được sinh ra thì sẽ lớn lên, đến lúc nào đó nó sẽ già đi, và chết. Một mối quan hệ tình cảm muốn duy trì và phát triển thì cần phải vượt qua những lúc tình yêu “chết” và làm “tái sinh” tình yêu để duy trì.

“Điều cần thiết cho một cuộc hôn nhân thành công là ta phải yêu rất nhiều lần, nhưng luôn luôn với cùng một người.” – Mignon McLaughlin.

Muốn được yêu thì cũng không phải là điều gì sai trái cả. Nhưng ta cần phải ý thức rõ ràng rằng đó không phải là yêu. Đó không còn là tình cảm ta dành cho người ta yêu mà là dành cho chính mình. Điều này rất quan trọng, ta cần nhận biết rõ nó để phân biệt với những tình cảm, quan tâm mà ta dành cho người ta yêu, và để cân bằng hai thứ tình cảm đó.

Nếu cứ cho đi quá nhiều mà không nhận lại, trong một thời gian dài sẽ làm ta sinh ra cảm giác hụt hẫng, đến một lúc nào đó ta sẽ không còn sức lực và không muốn tiếp tục cho đi nữa. Chẳng may là người ta yêu lại cũng không quan tâm đến điều đó… thế thì mối quan hệ cũng đến hồi chấm dứt.

Còn nếu cứ mong muốn nhận lại quá nhiều, cứ lẫn lộn đó là tình yêu thì ngược lại sẽ làm cho người yêu mệt mỏi, đến lúc nào đó chính họ là người đuối sức, buông tay.

Tạm kết: Nếu chỉ yêu thôi thì tình yêu rất đẹp, đẹp như thơ! Nhưng muốn được yêu thì nên cân nhắc và đừng lẫn lộn. Cảm giác yêu là điều tự nhiên, nhưng cách yêu thì phải học. Một mối quan hệ nếu muốn duy trì thì chỉ bằng cảm giác là chưa đủ, mọi nhầm lẫn đều sẽ gây đau khổ. Hãy luôn tự hỏi: “Mình đang yêu ai, yêu người hay yêu chính mình?!”

Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo

Thiên đường là nơi tất cả mọi người đều trân trọng và biết ơn những gì họ có, biết ơn những gì người khác làm cho họ dù ít hay nhiều. Địa ngục là nơi tất cả mọi người than vãn vì những điều họ không có hay đã mất đi, nơi ai ai cũng đều lấy oán trả ơn, nơi người ta vì đau khổ mà gây thêm đau khổ. Chúng ta ở trần gian, nơi lưng chừng giữa thiên đường và địa ngục. Vậy ta chọn đi lên hay đi xuống?

Địa ngục – khổ vì không biết ơn

Không biết ơn, hay là không trân trọng những gì mình đang có, không nhớ và cảm kích những gì người khác làm cho mình. Điều đó không chỉ làm cho bản thân ta khổ mà còn làm buồn, khổ những người chẳng may tiếp xúc với ta.

Để tôi kể cho bạn nghe câu chuyện này: Có một anh nhà giàu nọ rất hay làm từ thiện, hàng tuần anh ta đều phát cơm, phát gạo cho những người nghèo khổ trong vùng. Người ta rất vui vẻ và tôn xưng anh là đại thiện nhân, cũng như rất vui vẻ mỗi lần đến lãnh gạo. Rồi anh làm ăn thất bại, phải bán đi phần lớn gia sản, tuy không đến nỗi nghèo nàn nhưng gia cảnh không còn được như xưa. Anh không thể nào tổ chức bố thí, phát cơm, phát gạo như trước nữa. Thế là những người dân từng nhận bố thí kia lại quay sang trách mắng, chửi rủa anh là kẻ keo kiệt. Họ nói xấu về anh và không thèm nhìn mặt anh mỗi khi anh xuất hiện trên phố… Vậy đó, cho họ ăn hàng ngày họ không nhớ, mà chỉ cần thiếu một ngày là họ nhớ ngay.

Làm người cũng vậy, bạn sống tốt thì không mấy ai khen, có khen cũng chẳng thật lòng, thậm chí có người còn mang nghi ngờ xem bạn có phải “đạo đức giả” hay không. Bạn làm trăm việc tốt cũng không bằng lộ ra một việc xấu. Bạn nói lời nhỏ nhẹ họ nghe quen, đến khi chửi thề một tiếng họ bảo luôn “thằng mất dạy”.

Những điều đó làm nên địa ngục, chúng ta đang tạo ra một địa ngục xung quanh nhau. Và hơn nữa, ta còn tạo ra địa ngục trong bản thân mình. Ta luôn đau khổ vì những gì không đạt được, những thứ không có chứ chẳng bao giờ thấy hài lòng vì những gì mình đang có trong tay.

Thiên đường – nơi của lòng biết ơn và trân trọng

Ralph Marston nói như thế này:

“Bạn tặng cho ai đó một món quà, và họ chẳng thèm cảm ơn, vậy bạn có muốn tiếp tục tặng quà cho họ không? Cuộc sống này cũng vậy. Nếu bạn muốn nhận được nhiều điều tuyệt vời mà cuộc đời có thể ban tặng, bạn phải thành thật biết ơn những gì cuộc đời đã ban cho.”

Tôi kể cho bạn nghe một câu chuyện khác: Hôm qua là một ngày xui xẻo đáng ghét của tôi. Hơn 1 giờ sáng mà tôi vẫn chưa biết mình sẽ viết gì, nên kết quả là đến 3 giờ tôi mới viết xong. Điều đó làm tôi ngủ quên tới hơn 7 giờ 30 và đi làm muộn 1 tiếng. Đến khi về tôi phát hiện bánh xe của mình xẹp lép tự bao giờ. Vá xe xong, về nhà tôi thấy ngay hóa đơn tiền điện, tiền internet khi chưa kịp lãnh lương. Vừa ngồi xuống ghế xoa đầu thì người yêu gọi điện hủy cuộc hẹn… Tôi tự hỏi đã bao giờ trong cuộc đời mình gặp nhiều chuyện xui rủi, không như ý đến vậy chưa?!

Rồi tôi cũng bình tâm mà nghĩ: Tôi thức đến 3 giờ sáng nhưng vẫn viết xong bài, tôi viết được – đó là hạnh phúc! Tôi đi làm muộn nhưng vẫn không bị ai la mắng hay trễ nải công việc – đó là may mắn! Tôi phải đi vá xe nhưng điều may mắn là tôi có xe, và có tiền vá xe, và có cả tiệm vá xe gần đó! Tuyệt vời! Tôi phải trả tiền điện, tiền net chứng tỏ hàng tháng tôi vẫn hưởng thụ những dịch vụ đó, hiện giờ chưa có tiền nhưng rồi sẽ có thôi! Người yêu hủy hẹn?! Điều may mắn là có người yêu, không phải sao! Vì sao tôi lại không thấy may mắn, hạnh phúc như thế ngay từ đầu? Vì tôi chỉ nhìn thấy cái mất, cái thiếu mà không thấy cái mình đang có!

“Khi một người cảm thấy hạnh phúc vì có thể hít thở, hạnh phúc trong từng hơi thở, thì chẳng có gì trên đời khiến họ cảm thấy bất hạnh được nữa.” – Nhất Bảo

Trần gian hỗn tạp

Khi ta biết ơn những gì mình đang có, những gì được trao tặng, biết ơn người khác vì những gì họ mang đến cho ta, ta đang sống trong thiên đường của chính mình. Nhưng muốn xã hội này trở thành thiên đường, thì mỗi con người trong đó đều phải biết ơn và trân trọng.

Tôi cũng hay thích giúp người này người nọ, chỉ bằng cách cho họ lời khuyên hay chỉ bảo cái này cái nọ trong khả năng của mình. Tôi chỉ khuyên khi người ta hỏi hoặc tôi xem người đó thật sự thân thiết với mình. Thấy ai chịu nghe tôi mới nói còn người lạ nhiều khi cũng không dám nói nhiều đâu. Đôi lúc có người hỏi về cuộc sống, tình yêu, gia đình… thậm chí có bạn nhờ tôi giải bài tập hay dịch giúp vài đoạn tiếng Anh tôi cũng không ngại.

Có điều trong một vài trường hợp, tôi thật thấm thía câu “làm ơn mắc oán” khi có một số người tôi đã giúp đỡ, đã quen biết nhau, đã từng khá thân thiết với nhau lại quay ra nói xấu, không nhìn mặt tôi trong khi tôi chưa từng làm chuyện gì xúc phạm đến họ. Có lẽ họ bỗng dưng “ghét cái thái độ” lên mặt dạy đời của tôi chăng? Hay họ ghét cách tôi phê phán các lề thói “phong trào” mà họ luôn có mặt trong đó? Và tôi thấy mình vẫn đang ở trần gian – nơi người ta căm ghét nhau thì dễ mà trân trọng nhau thì khó!

Trần gian lúc nào cũng có thể thành thiên đường hay thành địa ngục, tất cả đều là ở lòng biết ơn của những con người sống trong đó! Hãy luyện tập bằng cách ghi ra những điều mà bạn biết ơn cuộc sống này, những người mà bạn biết ơn họ vì điều gì đó, hãy đọc danh sách đó mỗi ngày và bổ sung nó trong suốt cuộc đời hạnh phúc của bạn!

Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo


Con người chúng ta, nếu hỏi 100 người rằng họ có sợ điều gì không thì 99 người sẽ đáp là có, hoặc có rất nhiều, còn một người còn lại là người đủ “can đảm” để nói dối. Cũng có thể có những người chưa thật sự biết sợ điều gì, nhưng đó là vì họ thật sự đã đối mặt với quá ít điều trong cuộc sống mà thôi. Tôi cũng từng nghĩ mình là người chẳng sợ điều gì cả, sau này tôi nhận ra điều ngược lại, rằng mình sợ nhiều thứ lắm, chỉ là cố tình phớt lờ chúng đi thôi. Trong bài viết này tôi xin chia sẻ đôi điều về nỗi sợ hay sự sợ hãi trong mỗi người chúng ta. Sợ hãi là gì? Ta được, mất gì khi sợ hãi? Và ta nên làm gì với nỗi sợ của chính mình.

Sợ hãi là gì?

Sợ hãi hay nỗi sợ là khả năng cảm nhận nguy hiểm, là cảm giác bị đe dọa bởi một mối hiểm họa hay một nguy cơ nào đó. Ở đây tôi gộp chung cả “lo lắng” vào, nghĩa là cảm giác bất an vì một khả năng mình chưa biết có xảy ra hay không, hoặc có khi chỉ là trong tưởng tượng. Ví dụ như sợ chuột, sợ rắn, sợ ma, sợ bóng tối, sợ thất bại, lo lắng khi đứng trước đám đông, sợ ba mẹ buồn vì bị điểm kém…

Như vậy, từ “sợ hãi” hay “nỗi sợ” tôi dùng trong bài này là để chỉ tất cả những điều vừa nêu trên.

Được gì từ nỗi sợ?

Tính cảnh giác, sự an toàn: Một người không biết sợ là gì sẽ dễ dàng hơn trong việc mạo hiểm đối mặt với những nguy cơ mà nếu có nỗi sợ tồn tại thì họ sẽ cẩn thận hơn, chuẩn bị chu đáo hơn. Sợ tốc độ cao thì ta sẽ không đua xe, lạng lách trên đường phố. Sợ rắn thì khi đi vào những vùng có bụi rậm ta sẽ cẩn thận quan sát hơn. Sợ bị mất trộm thì ta sẽ kiểm tra cửa nẻo kỹ càng hơn khi ra khỏi nhà…

Một nguồn động lực: Đôi khi sợ hãi cũng là một thứ động lực để người ta hoàn thiện bản thân mình hơn, hoàn thành những công việc còn dang dở. Sợ bị điểm kém nên phải học bài. Sợ người yêu bỏ nên quan tâm, chăm sóc người yêu và chú ý hoàn thiện bản thân mình hơn…

Và mất gì?

Mất kiểm soát: Sợ hãi là một cảm giác tiêu cực, khi sợ ta thường phóng đại vấn đề lên rất nhiều lần và mất khả năng tập trung, không dám đối mặt với vấn đề đó. Ví dụ một người sợ chó khi gặp một con chó dù không biết hiền hay dữ cũng rất sợ, không dám đến gần hoặc tệ hơn là bỏ chạy. Hay một người sợ ma có thể sẽ mất ngủ nếu giật mình giữa đêm, một mình trong phòng tối. Lúc này nỗi sợ đã kiểm soát người đó hoàn toàn.

Càng sợ càng mất: Nỗi sợ nếu không làm chúng ta mất khả năng phản ứng thì cũng có thể dẫn ta đến những hành vi tiêu cực khiến dẫn đến những kết quả tai hại hơn nhiều lần so với bình thường.
Đơn cử như việc nói dối để che lấp lỗi lầm. Do ta sợ rằng lỗi lầm đó một khi bị phát hiện sẽ dẫn đến một kết quả không mong muốn, nên ta tìm cách che dấu nó, và trong quá trình đó lại càng làm cho tình hình tệ hơn rất nhiều lần. Một đứa bé bị điểm kém, sợ cha mẹ buồn nên tìm cách giấu đi. Được một lần thì có lần hai, lần ba… nhưng đến cuối cùng kết quả cả năm đâu thể nào giấu được nữa. Lúc đó thì cha mẹ càng buồn nhiều hơn, không chỉ vì con học kém mà quan trọng nhất chính là sự không trung thực của con.

Nếu đứa bé nói ra ngay từ đầu, có thể cha mẹ không trách mà còn động viên, tìm hiểu và giúp con vươn lên trong học tập. Nếu có rầy la hay đánh đòn thì chuyện đó cũng rất nhỏ so với dẫn đến hậu quả cuối cùng kia. Hay là giữa hai người yêu nhau cũng vậy. Ban đầu giấu nhau một việc nhỏ gì đó vì sợ người kia “hiểu lầm” hay buồn giận, dần dần sa chân vào vũng bùn không rút ra được nữa, lỗi lầm ngày càng lớn đến nỗi chẳng thể nói ra. Nhưng có việc gì là giấu được mãi đâu. Đến khi vỡ lở ra thì quá nhiều đau khổ. Phải chi… Ôi, phải chi… Trên đời làm gì có bán thuốc hối hận chứ!

Đối mặt với nỗi sợ ra sao?

Tìm cách để tiêu diệt hoàn toàn nỗi sợ hay luyện tập để không biết sợ là điều không tưởng. Nếu không còn chút sợ hãi nào có lẽ cũng đồng nghĩa với không còn cảm giác. Cách tốt nhất mà tôi biết là nhận diện những nỗi sợ của mình và đối mặt với nó khi cần thiết.

Hồi nhỏ tôi sợ ma lắm, chắc là chẳng mấy ai không sợ ma đâu nhỉ. Tuy chưa bao giờ gặp ma nhưng tôi nghe kể nhiều chuyện về ma, và cộng với trí tưởng tượng của mình thì xung quanh tôi chỗ nào cũng có ma cả. Tôi không dám nhìn vào gương vì sợ đứa trong đó nhìn ra không phải là mình. Đôi lúc đánh răng hay rửa mặt tôi cũng ráng nhìn qua loa rồi quay đi, vì sợ cái bóng kia nó cười với tôi. Tôi không dám nhìn cửa sổ vì sợ có một bóng trắng nào đó lướt qua. Tôi không dám nhìn xuống gầm giường… không dám nhiều thứ lắm, nhưng kể mãi thì thành dọa ma các bạn không hay.

Và tôi vượt qua cái “thế giới đầy ma” đó bằng cách như sau: Mỗi tối khi tắt đèn đi ngủ, tôi chui nhanh vào mùng và tấn thật kỹ, không để một khe hở nào. Tôi cho rằng cái mùng là một thứ mà ma không thể đi vào, chỉ cần tôi ở bên trong là an toàn tuyệt đối. Tới lúc tôi tin điều đó hoàn toàn là lúc tôi ngủ ngon đến sáng. Rồi dần tôi nghe người ta nói là trong nhà có thổ địa, ông táo và các vị thần khác trông chừng nên ma không vào được. Thế là tôi an toàn khi ở trong nhà mình.

Những lúc phải đi ra đường vào khoảng 4-5 giờ sáng hay 10-11 giờ đêm, không còn cách nào, liều mạng thôi. Tôi tự cho mình là siêu anh hùng có thể chống lại mọi con ma nếu nó xuất hiện, chỉ cần tôi cảnh giác. Tôi đi vừa đủ nhanh và chú ý mọi động tĩnh xung quanh, nhìn kỹ mọi lùm cây, bụi cỏ và… sẵn sàng chiến đấu. Thế thôi, với mấy niềm tin tự tạo ra để đối nghịch với nỗi sợ như vậy là tôi bình yên vượt qua thời thơ ấu của thế giới ma.

“Nếu tin vào sức mạnh nhiều hơn tin vào nỗi sợ thì ta sẽ không còn sợ nữa.” – Nhất Bảo.

Nếu nỗi sợ là một vấn đề có thật, thì cách giải quyết là làm quen với nó. Ví dụ nếu bạn sợ chó, hãy đến chạm vào những con chó, có thể bắt đầu bằng những con chó nhỏ, dễ thương, bắt đầu bằng việc chạm một cái nhẹ rồi run cầm cập cả ngày, hôm sau chạm lâu hơn một chút… Khi làm quen với nỗi sợ thì nó cũng như bạn ta thôi!

Hãy nghiên cứu về những thứ làm bạn sợ hãi, hay là triệu chứng tâm lý của việc sợ một điều gì đó. Ngày nay khoa học cũng như thông tin rất phát triển rồi, họ có thể chỉ ra nhiều nguyên nhân và cách giải quyết. Nếu bạn chịu tìm hiểu và hiểu rõ về một vấn đề nào đó (ví dụ như hồn ma chẳng hạn) thì bạn sẽ bớt sợ đi, kết hợp với các phương pháp khác sẽ giúp bạn tự tin đối mặt với nỗi sợ của mình. Người ta sợ nhất là những gì họ không biết!

Hãy ý thức rằng nỗi sợ không phải là chính bạn. Hãy phân biệt nó nhưng một cảm giác riêng lẻ xuất hiện trong đầu bạn, đừng để nó điều khiển bạn. Có thể bạn chẳng bao giờ hết sợ, nỗi sợ luôn thường trực ở đó, nhưng bạn nhận ra nó và hành động cùng với nó. Có câu nói rằng: “Can đảm không phải là không biết sợ, mà là hành động bất chấp nỗi sợ đó.”

Mong rằng bài viết này có thể giúp bạn thêm một phần tự tin để đối mặt với những nỗi sợ hãi của mình. Quan trọng nhất tôi muốn khuyên bạn rằng đừng bao giờ vì sợ hãi mà nói dối, đó chỉ làm cho vấn đề nghiêm trọng thêm thôi. Hãy đối mặt và giải quyết nó!

Cố lên, hãy là một chiến binh dũng cảm – người vượt lên nỗi sợ của chính mình!

Về việc phân biệt “nỗi sợ” và “bạn”, mời đọc thêm bài viết “Kiểm soát cái tôi, thả trôi cơn giận”

Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo


“Mỗi sáng thức dậy, con linh dương biết rằng nó sẽ bị giết nếu không chạy nhanh hơn con sư tử nhanh nhất. Mỗi sáng thức dậy, con sư tử biết rằng nó sẽ chết đói nếu không chạy nhanh hơn con linh dương chậm nhất.”

Hai câu trên rất hay, dùng hình ảnh thiên nhiên để động viên con người nỗ lực làm việc. Sau khi hoàn toàn hiểu rõ ý nghĩa trong thông điệp, tôi cảm ơn tác giả, và tôi nhìn thấy một khía cạnh khác: Linh dương không bị sư tử rượt thì sẽ không chạy mà tung tăng, nhởn nhơ trên đồng cỏ. Sư tử săn được con mồi cũng sẽ thôi không chạy nữa, và khi nào không đói thì nó sẽ không săn.

Vậy còn chúng ta, chúng ta đang chạy vì điều gì?

Chúng ta lao vào cuộc đời rồi bị cuốn theo cơm-áo-gạo-tiền, khi đã đạt được thì ta hướng đến danh lợi, xa hoa, quyền lực… Ta cứ chạy, chạy mãi trên một con đường không có điểm cuối. Ta nhận lấy stress để rồi… Xả stress để rồi lại nhận thêm càng nhiều stress.

Cứ như vậy, dần dần chúng ta sợ trống trải, sợ cô đơn, sợ những lúc không có việc gì làm…Ta cứ phải làm một việc gì đó, giống như mở Tivi chỉ để cho có tiếng động, chuyển kênh liên tục mà chẳng biết xem gì… Ngày nay thì có internet, có Facebook, ta “nhập hồn” vào thế giới này để lảng tránh sự trống trải trong tâm hồn, ta sợ, không dám đối diện với chính ta.

Ta tìm vui trong rượu bia, tiệc tùng hay “bay” trên sàn nhảy. Càng ngày người ta càng tạo ra nhiều nguồn “giải thoát” như thế để kiếm chác lợi nhuận cá nhân, chẳng mấy ai đưa ra giải pháp thật sự, chỉ là giải thoát khỏi hiện thực một chốc lát, sau đó trở về thấy càng phũ phàng hơn, và lại tìm lối thoát.

Có một lúc nào đó, ta cũng len lén tự hỏi: “Hạnh phúc của mình là gì?” “Tại sao ta đang làm những việc này?” “Tại sao ta phải chịu những áp lực và khổ đau này?” Và những đáp án sẽ hiện ra, gần như ngay lập tức. Chúng là những lý do mà cuộc đời mớm cho ta, để ta trở thành con rối của nó. Ngày qua ngày, cứ khi nào tự hỏi thì những đáp án “tự động” kia lại hiện ra, rồi theo thời gian những phút giây tự hỏi đó sẽ ít dần và biến mất.

Chỉ đến khi sức cùng lực kiệt, lúc về già, ta lại có nhiều thời gian nhìn lại… Nhưng khi đó cũng chỉ còn để tiếc nuối mà thôi. Ta lại mang điều tiếc nuối đó nói lại cho con cháu mình nghe, mong chúng không đi vào vết xe đổ của mình. Nhưng cuộc đời này cứ tiếp diễn mãi trong vòng lặp nhàm chán đó là vì phải chơi hết trò chơi mới biết nó chán, và những người chưa chơi thì không ai tin điều đó cả.

Ta nghĩ rằng tuổi trẻ phải làm việc để tuổi già an nhàn ư? Không đâu. Nếu hạnh phúc không ở đây thì nó chẳng ở đâu khác cả. Nếu tuổi trẻ ta lao đi mà chẳng cần biết gì thì về già ta cũng chẳng yên ổn nổi đâu, ta vẫn phải lo, vẫn phải làm, và vẫn chẳng biết mình lo gì, làm gì.

Chúng ta đều phải chạy, chạy thật nhanh, nhưng phải hiểu rõ khi nào chạy, lúc nào dừng, và quan trọng nhất là: “Ta đang chạy vì điều gì?”

Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo

Vì sao người ta sinh ra có 2 tai, 2 mắt mà chỉ có một cái miệng? Đó là bởi vì con người cần nghe và nhìn nhiều hơn nói. Người xưa có câu: “Bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra.” Ấy vậy mà ít ai chịu hiểu, thậm chí họ còn dùng tai, dùng mắt để hỗ trợ cho cái miệng liên tục “phát thanh”. Nói nhiều cũng không phải cái gì tệ lắm, khổ một nỗi là người ta không kiểm soát cái “nói” của họ cho tốt nên tạo thành biết bao chuyện “thị phi” làm khổ bản thân và người xung quanh.

Thị phi là gì?

Thị phi hiểu đơn giản là dư luận, là lời đồn. Trong đó tiếng Hán Việt thì “thị” là đúng, “phi” là sai, “thị phi” đi chung với nhau ý muốn nói miệng đời không lường được, ai muốn nói đúng nói sai thế nào thì nói. Trong bài viết này tôi tạm hiểu thị phi là lời lẽ dành cho một người từ phía những người khác nhau trong xã hội.

Có mấy loại thị phi?

1. Nói quá: Loại này thường gặp nhất, cùng với tư tưởng “không có lửa làm sao có khói” và tinh thần “tam sao thất bản” nên sau vài lần truyền miệng cho nhau thì “sự thật” trở nên vô cùng to lớn và nguy hiểm. Ví dụ: người A thấy cô Y về nhà lúc 11h đêm, gặp người B nói: “Dạo này con Y hay đi đâu về khuya lắm, có hôm 1 giờ sáng mới mò về.” Xong người B gặp người C nói: “Con Y giờ ăn chơi nhậu nhẹt dữ quá, khuya lơ khuya lắc mới về nhà.” Người C lại nói với người D: “Con Y hư hỏng thật rồi, bỏ nhà đi mấy hôm mới về đấy!”….(truyện dài kỳ, thôi không kể nữa)

2. Đặt điều nói xấu: Loại này ít hơn, nhưng cũng ác hơn! Thường là họ ghen tức một điểm gì đó ở đối tượng nên tìm cách bôi nhọ cho thỏa lòng, họ sẽ đặt ra một số “giả thuyết” và suốt ngày nói về nó kiểu: “Không làm gì bất chính làm sao giàu thế được” hay “Nhìn nó xinh vậy chứ ai biết nó che dấu chuyện gì, hôm nọ tôi thấy @$@$@%…”

3. Châm chích quá khứ của người khác: Loại này là ác nhất. Họ nói những chuyện có thật, nhưng đó là những lỗi lầm của đối tượng trong quá khứ. Chuyện đã qua rồi nhưng họ cứ nhai đi nhai lại, hiện tại người ta đã thay đổi nhưng với họ thì người đó vẫn xấu xa và họ muốn cả thế giới biết điều đó. Có vẻ như người khác tốt lên thì họ không cam tâm vậy.

Như 3 loại tôi vừa kể trên là những loại thị phi từ những kẻ vô tri cho đến kẻ xấu, có thể còn một số loại khác nữa.

Làm sao để bình tâm với thị phi?

1. Tuyệt đối đừng tranh cãi, thanh minh với những người cố tình đặt điều nói xấu bạn, điều đó chỉ tạo thêm hứng thú cho họ mà thôi. Càng nói nhiều sẽ càng xuất hiện nhiều điểm sai lầm để cho họ phanh phui, mổ xẻ. Hơn nữa những người ngoài cuộc cũng sẽ bắt đầu nghi ngờ bạn.

2. Im lặng, phớt lờ: đây là giải pháp được khá nhiều người lựa chọn, và nó cũng hữu hiệu trong khá nhiều trường hợp, nhưng không phải là giải pháp ổn thỏa và lâu dài. Hãy tưởng tượng giống như bạn mặc áo mưa và đi trong mưa vậy, dù áo mưa có tốt cỡ nào nhưng nếu bạn đi lâu, thật lâu trong mưa thì vẫn lạnh và ướt. Im lặng và nhẫn nhịn với những cơn mưa nhỏ thôi.

3. Giải pháp hữu hiệu nhất nhưng cũng khó khăn nhất là thông cảm: đây cũng giống như việc mua một cái áo mưa và mua một cái nhà để che mưa vậy, nhưng nếu bạn mua được cái nhà thì sẽ không còn sợ mưa gió nữa, lúc đó bạn có thể thoải mái ngồi ngắm mưa. Khi có người công kích, nói xấu bạn, trước hết hãy dành thời gian nhìn lại bản thân mình theo những gì người đó nói, có bao nhiêu phần trăm là đúng. Đừng tức giận, bỏ quên người nói đó đi và tập trung tìm hiểu bản thân bạn, như vậy vừa lợi vừa không tức giận. Bước tiếp theo là thông cảm cho người nói xấu mình: tại sao họ phải làm điều đó? Họ tức giận như thế nào, họ được giáo dục ra sao? Nói vậy thì có lợi, có hại gì cho họ…. Lúc này bạn hoàn toàn đi suy nghĩ cho người kia mà quên luôn họ đang nói xấu bạn. Khi hoàn thành bước này, bạn lại thấy thương, thấy tội nghiệp cho họ, chỉ vậy thôi.

4. Dùng biện pháp mạnh khi cần: Cuộc đời không phải thiên đường nên vẫn còn nhiều kẻ ác. Vâng, ác chứ không phải xấu bình thường nữa. Nghĩa là khi bạn đã phớt lờ, lặng im, thông cảm mà họ vẫn cứ làm tới, làm hoài. Có thể họ bị sai khiến hay là nguyên nhân nào khác nhưng họ không chịu buông tha bạn mà vẫn tiếp tục đặt điều nói xấu, bôi nhọ danh dự bạn thì tốt nhất là bạn lẳng lặng thu thập chứng cứ và kiện ra tòa. Xin nhớ nguyên tắc đầu tiên là đừng tranh cãi với họ làm chi vô ích nhé. Hy vọng bạn không bao giờ phải dùng đến bước này.

Theo Phật giáo, khẩu nghiệp là một trong những nghiệp nặng nề nhất mà một người có thể tạo ra. Vết thương bạn gây ra trên thân thể người khác còn có ngày lành, còn vết thương gây ra do lời nói thì chẳng biết khi nào mới lành lặn được. Hãy cẩn trọng với lời nói của mình, đừng gây ra thị phi vì vô ý thức, cũng đừng nên vì một ai đó đã gây ra lỗi lầm trong quá khứ mà dùng lời lẽ nặng nề để hành hạ họ, như Oscar Wilde có nói:
“Every saint has a past, every sinner has a future.”
Nghĩa là: “Vị thánh nào cũng có một quá khứ, và tội đồ nào cũng có một tương lai.”

Chúng ta đều là người, chẳng ai hoàn hảo. Hãy tha thứ và nhìn nhau bằng những mặt tốt đẹp, hãy khen tặng và động viên nhau để cùng phát triển chứ đừng trù dập, mỉa mai nhau. Bạn chẳng thể nào cao hơn chỉ bằng việc đạp người khác xuống đâu. Xin được kết thúc bài viết này bằng một câu chuyện của Socrates mà tôi rất tâm đắc:

Chuyện gì nên nói?

Nguời hàng xóm đến gặp Socrates.- “Này ông Socrates ơi, ông có nghe chuyện này chưa?”
– “Khoan đã!” -Socrates ngắt lời người hàng xóm- “Anh có chắc rằng tất cả những gì anh sắp kể cho tôi đều đúng sự thật không?”
– “Ồ… cũng không chắc nữa. Tôi chỉ nghe người ta kể lại thôi.”
– “Thế à, Vậy chúng ta không cần quan tâm đến nó trừ phi nó là một chuyện tốt. Đó có phải là một chuyện tốt không?”-Socrates hỏi.
-“À không, không tốt. Đây là một chuyện xấu.”
– “Chà, anh có nghĩ tôi cần phải biết chuyện ấy để giúp ngăn ngừa những điều không hay cho người khác không?”
– “Ờ, ờ… quả thực cũng không cần lắm,”- Người hàng xóm trả lời.
“Tốt lắm,”- Socrates kết luận – “Vậy thì chúng ta hãy quên nó đi, bạn nhé. Còn có vô số chuyện đáng giá hơn trong đời sống. Chúng ta không thể mất công bận tâm tới những chuyện tầm phào, những chuyện vừa không đúng, vừa không tốt, vừa không cần thiết cho ai.”

Chúc bạn luôn an lành, và mong bạn để người xung quanh được an lành.

Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo


Qua quan sát và trao đổi với nhiều người, tôi nhận thấy một thực tế là không phải ai cũng ý thức được họ đang tương tác với môi trường, xã hội dựa trên những cơ sở nào. Chúng ta thường phản ứng lại những tác động của môi trường xung quanh theo những gì được dạy từ môi trường hay từ một người nào đó, và ngay cả người đó cũng đi học từ người khác.

Ta vui, buồn, giận, ghét, yêu thương, căm hờn, tự hào… hoặc đánh giá người khác tốt, xấu, hiền, dữ… đánh giá một sự việc là hay, dở, đúng, sai… theo một cơ chế gần như là “tự động”. Chúng ta góp nhặt những tư tưởng xung quanh và xem nó như một công thức để rồi áp dụng mà không hề hiểu tại sao. Qua bài viết này, tôi muốn thảo luận về vấn đề “làm sao để hình thành nên tư tưởng cho bản thân mình?”

Tư tưởng cá nhân là gì?

Trong năm vừa qua, tôi nhận được khoảng 5 câu hỏi dạng “làm thế nào để tìm ra hay hình thành tư tưởng cho bản thân mình?” Từ những người rất trẻ. Họ ý thức được rằng mình đang phản ứng, đang suy nghĩ và hành động theo những quy chuẩn không phải của riêng mình. Họ mong muốn tìm kiếm và hình thành nên một hệ thống quan điểm do chính họ tạo ra để hiểu và áp dụng cho bản thân.

Tư tưởng hay quan điểm, hay thế giới quan của một người là một hệ thống lý luận, lập luận được hình thành trong tâm hồn mỗi người mà dựa trên đó người ta đưa ra những suy luận và phản ứng khi gặp kích thích từ môi trường bên ngoài. Nó giống như một bộ lọc để chọn lọc những gì ta muốn hấp thu và giống như một cặp kính khi ta nhìn ra ngoài thế giới.

Làm sao để hình thành tư tưởng cá nhân?

1. Quan sát nội tâm:

Mỗi ngày, hãy dành ra khoảng 15 phút, tìm một nơi yên tĩnh, thoải mái để ngồi trong im lặng. Chỉ ngồi thôi, không làm gì khác. Chọn một tư thế ngồi thoải mái để không phải xoay tới xoay lui. Hít thở sâu, cho hơi thở đi xuống bụng rồi thở ra chậm rãi. Sau một vài hơi thở, thân thể ta sẽ thả lỏng, thoải mái…và buồn ngủ. Nhưng nhớ đừng ngủ, ta đang luyện tập, ta đang tìm hiểu nội tâm mình. Tiếp tục hít thở và “nhìn” vào tâm trí mình, xem có những suy nghĩ nào đang xuất hiện và chạy nhảy trong đó. Ví dụ: “Có ai nhìn mình không ta?” “Tại sao mình lại nghe lời làm việc ngu ngốc này?” “Giờ này TV chiếu phim gì?” “Vừa nãy có em hot girl mới add friend…” Bạn sẽ thấy có rất nhiều, rất nhiều suy nghĩ chạy lung tung, và những suy nghĩ càng về sau càng hấp dẫn, rồi nó sẽ dẫn bạn chạy theo luôn.

Dừng lại, hít thở và tiếp tục quan sát. Đừng chạy theo những suy nghĩ đó trong 5 phút là thành công ban đầu rồi. Đây là một bài tập thiền căn bản, điểm quan trọng là nó giúp ta phân biệt được những suy nghĩ xuất hiện trong đầu và bản thân ta, giúp ta không bị những suy nghĩ đó làm chủ bản thân. Quan sát nội tâm cũng giúp ta hiểu bản thân mình hơn, có lợi cho những hoạt động về sau.

2. Dừng một nhịp:

Trước khi muốn nói câu gì đó, làm hành động nào đó hãy dừng lại một nhịp và quan sát nội tâm, xem suy nghĩ nào đang có ở đó, rồi tự hỏi xem đó có phải là suy nghĩ của chính mình hay không, hay đó là một “cơ chế tự động” của não bộ đã được lập trình từ bao nhiêu năm qua? Bước này rất quan trọng. Nó giúp ta tránh nhiều sai lầm không đáng, hạn chế cơn giận.

3. Để tâm vào những việc mình làm:

Ta có thể học được rất nhiều thứ chỉ bằng việc quan sát cuộc sống, trong những sinh hoạt hàng ngày hoặc trong những bài học nhàm chán trên giảng đường, chỉ cần ta để tâm khi làm những việc đó. Để tâm là sao? Là khi lái xe chỉ lái xe, khi ăn cơm chỉ ăn cơm, khi học tiếng Anh thì không nhớ sang “tiếng em”. Lúc làm việc, hãy thử quan sát nội tâm xem có bao nhiêu suy nghĩ chạy đến quyến rũ tâm trí bạn làm bạn xao lãng khỏi hiện tại. Đuổi nó đi hết và tập trung tâm trí vào việc đang làm.

Cũng như việc đọc sách: Không phải cứ đọc nhiều sách là tốt, chỉ đọc một vài quyển mà hiểu hết những điều hay trong đó mới tốt hơn. Có những điều tác giả không nói, nhưng nếu chú tâm ta sẽ liên hệ với thực tế của mình để nghĩ ra nhiều điều hay hơn!

4. Học hỏi từ người khác:

Chúng ta có quá nhiều bậc tiền bối tài ba, họ cũng đã đi qua con đường mò mẫm tìm hiểu thế giới, tìm hiểu nội tâm.. Không việc gì ta phải tự mò nữa, hãy đi theo bước chân họ. Ngày nay, chỉ cần muốn học, ai ai cũng có thể dễ dàng tiếp xúc với tri thức, cụ thể nhất là thông qua sách. Hãy đọc sách và học hỏi nghiêm túc. Điểm lưu ý quan trọng trong việc học hỏi chính là phải tôn trọng ý tưởng của người khác. Đừng bao giờ cố tình lãng tránh, bỏ quên tác giả hay thậm chí nhận vơ kiến thức, lý luận, câu nói nào đó là của mình. Muốn có lý luận của riêng mình thì hãy tôn trọng lý luận của người khác, nếu không thì ta sẽ mãi chỉ là con vẹt, không hơn.

5. Hãy im lặng:

Muốn hấp thu và cảm thụ được những đạo lý, tư tưởng trên đời thì cần phải im lặng. Cũng giống như ăn cơm vậy, không thể vừa nhai cơm vừa mở miệng được. Im lặng, chậm rãi “tiêu hóa” những gì đã học, đừng vội vàng “phát thanh” lên cho cả thế giới biết mình cũng là “học giả” cao siêu. Làm vậy giống như vừa ăn được miếng ngon, chưa kịp nuốt thì đã ói ra bằng hết. Như vậy cả đời cũng không bổ béo lên được mà còn làm ô nhiễm môi trường.

Lời kết: Hãy nhìn thế giới bằng con mắt của bạn!

Tôi viết bài viết này, cũng như những bài viết khác từ trước đến nay, với tâm thái của một người học trò chia sẻ những gì mình học được cho các bạn học khác. Xin chúc cho tất cả chúng ta đều có một cuộc sống minh triết và trọn vẹn.

Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo


Bạn bè tôi, nhiều người có kiến thức rộng, hiểu biết uyên tâm và tầm nhìn cao xa luôn chủ trương không khuyên bảo, chỉ dạy gì ai cả. Nhiều người đồng ý rằng: những người đi xin lời khuyên chỉ muốn tìm một người nghe, và cao hơn là một người cùng quan điểm để ủng hộ ý muốn còn đang lưỡng lự bên trong họ, đơn giản là tìm một đồng minh. Những điều đúng đắn hay giải pháp là thứ họ không cần và sẽ không bao giờ làm theo lời khuyên của bạn, nếu không phải đồng minh. Tóm lại: nghe tâm sự và cho lời khuyên là chuyện hoàn toàn phí thời gian và công sức.

Tôi cũng đồng ý với ý kiến đó. Tuy nhiên tôi vẫn luôn lắng nghe và chia sẻ với những người tìm đến mình. Vì biết đâu mình có thể giúp họ một chút ít nào đó, trong một giai đoạn ngắn ngủi cũng hay rồi. Còn sau đó họ quyết định thế nào thì cũng không cần nghĩ nhiều. Hơn nữa qua những câu chuyện và câu hỏi, chính tôi cũng thấy được nhiều hơn, hiểu được thế giới và chính mình hơn.

Mới đây có một người bạn thân, sau khi kể một câu chuyện dài, cùng nhiều câu hỏi và nhiều lời khuyên, gợi ý từ tôi, bạn tóm lại một câu: "Thôi được rồi, mình tự lo chuyện của mình vậy. Dù gì thì chính bạn cũng có những khó khăn chưa giải quyết được kia mà!"

Câu đó cũng làm tôi choáng váng một hồi, hehe. Đó là một người bạn thân, không phải người xa lạ. Câu đó như rũ bỏ tất cả những tâm huyết và chia sẻ, những kiên nhẫn trong lắng nghe của tôi. Và tôi không nói gì thêm nữa.

Tôi không nói cho bạn biết rằng đừng nhìn một người đang bị giam cầm mà nghĩ anh ta không có chìa khóa để giải thoát cho bạn, vì vấn đề của hai người là khác nhau. Thậm chí anh ta cũng có chìa khóa cho vấn đề của chính bản thân, nhưng anh chưa muốn mở khóa. Việc đúng sai của vấn đề không phụ thuộc vào bản thân người nói ra vấn đề đó. Câu nói "không tự giải quyết được vấn đề của mình thì đừng bàn vấn đề của người khác" hoàn toàn là ngụy biện và vô tri.

Vì sao người ta nói ra đạo lí cho bạn, rồi còn phải dùng chính cuộc đời của họ để chứng minh, làm gương cho bạn? Không có đâu.

Và cũng chính vì tâm lí "thấy mới tin" mà rất nhiều người bị dắt mũi, bị lừa. Khi người khác cố gắng chứng minh, thuyết phục bạn tin tưởng điều họ nói, tất phải có mục đích đàng sau. Những trào lưu, tin tức thật giả "theo nghiên cứu, theo chuyên gia, theo các nguồn tin đáng tin cậy"... tràn lan trên mạng ngày nay chính là như vậy.

Còn về một số người không thích nói, cũng chẳng thích nghe, chỉ thích dè bỉu kiểu "Những đứa hay nói đạo lí sống như L". Tôi thật không biết họ có sống như L không, trước mắt là thấy nói như L rồi :V :))

Hết, hehe.

Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo


Mười mấy năm trước, cái thời internet được câu từ dây điện thoại, mười mấy ngàn 1 tiếng, chưa có google và youtube, thì phương tiện thông tin tôi tiếp cận chính là mấy tờ báo MT, HHT do mấy đứa em mua mỗi tuần.

Khi đó tôi thích đọc nhất là lời mở đầu do anh Đoàn Công Lê Huy viết, cùng với mục truyện ngắn, truyện cười, còn lại chỉ lướt qua. Đặc biệt là mấy mục như xu hướng giới trẻ hay cung tên gì đó hoàn toàn không đọc.

Dù vậy, cứ vài tuần tôi lại phải nhíu mày khi thấy họ giới thiệu một "trào lưu" mới của một nhóm giới trẻ ở vài góc nào đó của các thành phố lớn dưới dạng thông điệp "cảnh báo". Họ bảo rằng đó là những thứ nguy hại cần tránh xa và đề phòng các thứ, nhưng phương cách đề phòng thì chỉ nói qua loa, còn bản thân các trào lưu hay làm thế nào để tìm thấy chúng thì viết rất rõ ràng, dễ hiểu.

Rồi đến khi internet phổ biến, các hình thức báo mạng, trang mạng, diễn đàn ra đời và cạnh tranh kịch liệt, tất cả vì view và share, thì các hình thức "cảnh báo" này lại càng trở nên trơ trẽn hơn bao giờ hết, và cũng được share nhiều hơn bao giờ hết.

Một tôn giáo từ trong xó nào đó được mang ra để cùng nhau đùa cợt, cảnh báo hay quảng cáo? Trong số bạn bè tôi, có ai từng tiếp xúc qua chưa? Hôm nay truyền thông lại cảnh báo một trào lưu nguy hiểm khác.. và người ta cũng cứ thế share đi.

Bất kỳ một hiện tượng nào thu hút sự chú ý của dư luận, khiến "cộng đồng mạng" "phát sốt" thì đều dễ dàng trở thành tâm điểm của truyền thông, thậm chí lên sóng truyền hình quốc gia. Và để làm được điều đó, chỉ cần đủ nhảm nhí là được.

Có lẽ những điều cảnh báo đó cũng thật nguy hại, có lẽ đã có vài người, vài chục hay hàng trăm người bị hại, nhưng "thông điệp cảnh báo" đó phát đến hàng chục triệu người khác lại sinh ra thêm vài ngàn người tham gia, người có khả năng trở thành kẻ "thủ ác" kế tiếp thì sao(?)

Cảnh báo hay quảng cáo, giới hạn này thật ra rất rất mong manh. Tôi không dám khẳng định, không chỉ trích đối tượng cụ thể nào. Điều tôi khẳng định chính là chuyện câu view luôn là ưu tiên hàng đầu của truyền thông. Những người phát đi thông tin và thông điệp họ luôn biết rõ chúng lợi hại ra sao, ít ra là rõ hơn người nhận, nhiều lúc cũng chán ghét chính điều mình làm, nhưng tất cả cũng chỉ vì view, mình không làm thằng khác cũng làm. Cứ có một cái gì đó giật gân một chút, là bao nhiêu người đua nhau share, đua nhau chế biến xào nấu đủ kiểu để phục vụ các "thượng đế"... Và nếu bạn nghĩ rằng thông tin là vô hại, thì bạn đã bị hại rồi.

Nhìn các trào lưu đang được tạo ra và lan truyền vô tội vạ, thấy được những thứ ẩn đàng sau nó, tôi cảm thấy mình vô lực và nhỏ bé. Tôi chẳng thể làm gì để thay đổi, chỉ có thể tự nhắc mình mỗi khi muốn nói về một điều xấu nào đó, rằng: Mình đang cảnh báo hay đang quảng cáo?

Dù sao đi nữa cũng mong thế giới bình an, chừng nào hay chừng ấy.

Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo


Hôm nay, nhà đài đưa tin: ở nước Anh đang có một căn bệnh nguy hiểm hơn bệnh béo phì, đó là bệnh cô đơn. Bệnh này phổ biến đến nỗi người ta phải cử ra hẳn một ông bộ trưởng để chuyên lo về vấn đề cô đơn của toàn dân.

Có người nói cô đơn là khi mình chỉ biết nghĩ cho bản thân, chỉ mong muốn sự quan tâm của người khác. Nếu mình làm ngược lại, là cho đi sự quan tâm đến những người mình quan tâm, thì cô đơn cũng không còn.

Mình cũng vài lần nói rằng người ta không thể cô đơn khi chỉ có một mình, mà cô đơn khi cần một ai đó quan tâm mà không có.

Dù thế nào đi nữa, thì cô đơn cũng là sự đứt gãy mối liên kết giữa những người muốn được quan tâm và đối tượng họ cần.

Ngày nay, người ta có quá nhiều giá trị để theo đuổi, công việc và các hoạt động, thiết bị điện tử, phương tiện giải trí chiếm hết thời gian và tâm trí họ, đến nỗi việc liên kết giữa người này và người khác trở nên dần xa lạ, yếu ớt, và kém quan trọng. Người ta nghĩ rằng những thứ mà họ đang theo đuổi: tiền bạc, danh tiếng, các món đồ xa xỉ, những dịch vụ tốt nhất mà xã hội có thể cung cấp... chính là mục tiêu cao nhất của đời mình. Họ cho rằng khi đạt được các mục tiêu cao xa đó thì lo gì mà không có bạn, và không có thật thì cũng chẳng sao?!

Thế rồi đến khi về già, danh lợi đều thu, mọi thú chơi đều đã qua, mọi của ngon vật lạ đều đã thử... người ta mới phải đối mặt với sự thiếu vắng mà họ vẫn đau đáu mang theo trong cả quãng đời tuổi trẻ của mình. Người ta nhận ra mình không thể kết nối với ai khác một cách thật lòng và thoải mái. Những người có vợ, chồng và con cái thì đỡ hơn một chút, nhưng rất nhiều khi người ta cũng cô đơn trong chính gia đình mình.

Mối quan hệ giữa người với người không chỉ đơn thuần là khoảng cách mà là sự kết nối giữa hai tâm hồn. Ta có chịu mở lòng ra với ai đó và họ cũng đồng ý làm điều đó với ta không? Sự liên kết đó là một điều mọi người đều mong đợi, nhưng một khi liên kết xảy ra, khi ta mở lòng với ai đó, thì khả năng chịu tổn thương cũng rất cao, đến nỗi không ai sẵn lòng đó nhận nguy hiểm nữa... người ta thà cô đơn.

Với tuổi trẻ, người ta điền vào chỗ trống bằng công việc, bằng khát vọng, bằng các mục tiêu, người ta nhận stress và xả stress, kiếm tiền là hết thời gian. Đến khi về già hoặc quá chán ngán với những thứ kia, họ quá mệt mỏi và sợ hãi, không biết làm thế nào để có một liên kết mới với một người mới, hoặc cũ. Thế là họ cô đơn.

Cô đơn thì không chết, nguy hại của nó là chỗ đó. Cô đơn không giết ai cả, nó chỉ khiến cho họ rơi vào một trạng thái không biết mình sống để làm gì.

Khi người ta đi qua một đoạn đường đời, dù dài hay ngắn, theo sự sắp xếp, leo lên các nấc thang có sẵn trong xã hội, đi theo lộ trình vinh quang nào đó một cách bị động, thì một khi dừng lại hoặc dứt ra, họ sẽ lạc lõng và thấy đời sống chẳng có gì để thiết tha, vì họ đã sống bao nhiêu tháng năm không phải là chính họ.

Đi theo các tiêu chuẩn của xã hội để được công nhận, để thu danh lợi và quyền uy, điều đó cũng tốt, nhưng nếu vì vậy mà bỏ đi sức khỏe, bỏ đi những tình cảm xung quanh và những mối liên kết thật lòng. Đến một lúc nào đó chẳng còn ai để có thể nói được một câu thật lòng, để thả lỏng người ra và thở một hơi mệt nhọc.. thì sống có đáng không?

Cô đơn liệu có phải là một căn bệnh mới của xã hội lúc về già, hay là của mọi lứa tuổi, khi người ta chỉ có thể tin vào chính mình, mà lại không biết chính mình là ai?

Bạn à, hãy nhìn quanh xem, có ai đang quan tâm bạn, và bạn có quan tâm đến ai không? Bạn có thể chia sẻ nỗi lòng với ai mà không phải thảo mai hay giả tạo? Hãy cho và nhận, trước khi quá muộn, trước khi mọi thứ chẳng còn ý nghĩa gì.

Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo


Năm 1898, nhà Thanh thua trận nên bị buộc phải ký hiệp ước cho thuê đặc khu Hồng Kông cho nước Anh với thời hạn 99 năm. Người Trung Quốc xem đây là như cái gai trong thịt, và kiên quyết đòi lại Hongkong vào năm 1997. Khi đó, và cho đến tận bây giờ, đa số người Hongkong đều không thừa nhận mình là người TQ. Những đặc khu và vùng lãnh thổ khác như Đài Loan, Macao cũng có tình trạng tương tự.

Người Trung Quốc có một sở thích là làm nhục người khác bằng chính cách họ bị làm nhục. Một mộng tưởng chung nhất của các đế vương TQ là muốn "thống nhất thiên hạ" hoặc ít nhất cũng đem các nước man di mọi rợ, ngoại bang xung quanh trở thành thuộc địa, từ xưa đến nay tham vọng đó chưa từng tắt. Họ bắt đầu chiêu trò thuê đất 99 năm với các nước nghèo, cần gấp về viện trợ kinh tế. Đó là Campuchia, Lào. Hãy google cụm "Trung Quốc thuê đất 99 năm" nếu bạn quan tâm.

Campuchia nhận được viện trợ và có nhiều bước phát triển. Tuy nhiên ở Campuchia hiện nay, người dân ưa xài USD, Nhân dân tệ, Đồng VN nhiều hơn tiền Ria (đồng tiền của Campuchia). Ngoài ra còn nhiều bất cập về xã hội, kinh tế và chính trị khác cũng đã được nhiều bài báo phân tích (khi nói về nước khác thì VN cũng có phân tích sự bành trướng của TQ, nhưng vụ đặc khu 99 năm tại VN này thì chưa nói nhiều nhỉ?)

Nước ngoài tôi không rõ, nhưng tình trạng công nhân TQ di dân vào lao động tại các khu công nghiệp do TQ đầu tư ở nước ta thì diễn biến rất phức tạp. Như ở Trà Vinh có khu nhiệt điện Duyên Hải với hàng ngàn người TQ đang sinh sống và làm việc. 10 năm 20 năm sau, tất cả đều là anh em, dòng họ??

Sau bao nhiêu năm thực hiện chính sách kế hoạch hóa gia đình triệt để, TQ lại bắt đầu "thả giàn" cho dân sinh con, thậm chí khuyến khích. Khi biết tin này tôi cứ nghĩ họ giàu lên rồi, nên bỏ đi chính sách xâm phạm nhân quyền đó, cũng mừng. Khi liên kết với những tin tức vừa nêu trên... À, thì ra họ cần thêm dân...?!

Quay lại với Hongkong, đặc khu này phát triển kinh tế mạnh mẽ, hiện đại giàu có thật, họ cũng không bị người Anh vào đó chiếm đất mà sống, nhưng họ có còn là người TQ không? Hay chỉ cần phát triển, cần giàu mạnh là đủ? Cho TQ thuê có giống cho nước Anh thuê không?

Cho thuê đất 99 năm hay không là một quyết định vô cùng quan trọng. Và nên nhớ, đó là nỗi nhục của Trung Quốc.

Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo

Nếu bạn có lòng tham (dù ít dù nhiều), bạn không có kiến thức kha khá về tin học và đặc biệt hơn hết là bạn có tư tưởng “được chăng hay chớ, chẳng hại gì ai” thì thế nào bạn cũng từng là một con cừu trong tay kẻ khác. Tất nhiên không phải ai cũng vậy, nhiều người trong các bạn sẽ cười khẩy với những gì tôi kể dưới đây và tự hào mình chả bao giờ “dính chưởng”, nhưng hẳn ai ai trong chúng ta cũng từng là “nạn nhân” của những con cừu: có thể thấy khó chịu, có thể bị spam, có thể bị “cừu hóa” bởi những con cừu trước đó hoặc là như tôi đang viết bài này vì buồn cười đây. 

Trong bài này tôi sẽ nêu ra một số tình huống chăn cừu tôi quan sát thấy trên Facebook (trên Email và SMS điện thoại cũng có nhiều, mà thôi không nói ở đây), đồng thời cũng nói lên vài cách suy nghĩ và hành động của bản thân tôi dành cho các trường hợp đó, bạn nào đọc thấy đồng ý thì gật đầu, không đồng ý thì lắc đầu bỏ qua, tôi không công kích cá nhân nào cũng không muốn dạy đời ai trong đây nên các bạn đừng đánh giá thái độ hay con người tôi nhé. 

1. Ai quan tâm đến bạn/ Vẽ Chibi/ Tăng Like, tăng Sub…. 

Dạng này là cùi bắp nhất, thô sơ nhất, thô thiển nhất. Ban đầu thì bắt người dùng nhập một đoạn code mà họ chả hiểu gì vào trình duyệt để biết “ai quan tâm đến bạn” hoặc để được“Vẽ Chibi miễn phí và nhanh chóng”… Sau tiến hóa hơn một chút thì chỉ cần click vào link là được, sau siêng năng hơn chút thì viết thành những cái ứng dụng rác tung lên Facebook, “cừu” chỉ cần vài cái click là xong. Rất nhiều sai lầm là do đôi tay hành động trước cái đầu, nhiều người cứ làm theo mà không biết mình đang làm gì. Ban đầu tôi tức cười mấy đứa “chăn cừu” ngớ ngẩn và lạc hậu này, nhưng nghĩ lại thấy xót cho “đàn cừu” kia nhiều hơn – vậy mà cũng bị “cừu hóa” là sao?! 

2. Tập đoàn “có ông chú làm Viettel” 

Cái này thì ngớ ngẩn hết chỗ nói, chỉ có 3 chữ dành tặng cho trường hợp bị “cừu hóa” ở đây: tham thì chết. 

3. Nhân đạo không tốn gạo 

Chỗ này xin nói qua Phật giáo một chút: làm phúc không phải dễ đâu, bố thí cũng cần phải có tâm và phải hiểu nhân quả mới được, không phải cứ cho, cứ giúp người là có phúc đâu. Nhiều trường hợp tôi thấy giống như cho tên cướp mượn cây dao đi giết người – phúc phải nói luôn! Không dễ dàng là thế, nhưng nhiều người nghĩ chỉ cần like và share là giúp người rồi! 

Hồi đó thì mấy cái trò “like để em hết bệnh”, “Mỗi share là một lời chúc bình an” thậm chí tới mức Like page để cầu cho ai đó sống lại…. chuyện thật như đùa, mấy chục ngàn like. Sau này bọn chăn cừu lại tiến hóa (tôi nghĩ trước đó bọn nó đã khôn rồi, nhưng thấy cứ ngu ngu mà cũng cừu hóa được cả chục ngàn con thì để dành trí não lại dùng dần), bắt đầu chuyển qua các hình thức như kêu gọi giúp đỡ người già, người bị lạc, bị bệnh… Có nhiều thông tin được đăng cả năm trước sau này lấy đăng lại cũng mấy chục ngàn lượt share. Thậm chí có nhiều hình ảnh kêu gọi cứu giúp người già mà tôi thấy rõ ràng là tận bên Trung Quốc! Nhưng mà: 

“Đàn cừu vẫn như thế,
Vẫn cứ like rồi share,
Được gì? Hỏng biết nữa
Nhưng chẳng hại gì ai!” 

4. Căm phẫn và bức xúc – Ừ, bứt đi rồi xúc 

Thể loại này lập mấy cái Facebook giả, đưa hình hot girl lên hút friends vô xong rồi đưa ra mấy cái phát ngôn gây sốc kiểu như chửi cha mắng mẹ, công kích vùng miền, giới tính… thế là ầm ầm lượt share, follow, friends. Đứa nào đầu tư hơn một chút thì có cả hình ảnh minh họa (vâng, lại có hình bên TQ nhập qua, chắc bên đó cũng chơi trò này rồi, VN học theo). Mình chỉ chửi người khi mình biết người đó nghe mình chửi, và cũng ít khi nào chửi để thỏa mãn bản thân, đặc biệt là khi mình ghét cái gì mình không bao giờ share nó lên Facebook, vì làm vậy chỉ là quảng cáo cho nó thôi. Càng share nó càng khoái, còn nói gì nó đâu có quan tâm. Khi nhìn thấy mấy thể loại này được “cộng đồng mạng” thi nhau chửi, mình tức nó thì ít mà thương đàn cừu kia thì nhiều. 

5. Hốt boi èn hốt gơ 

Đây là thể loại chăn cừu đẳng cấp cao và chuyên nghiệp, rất có tinh thần hi sinh vì nghề nghiệp, đã trải qua quá trình huấn luyện cực kỳ nghiêm khắc và đã luyện xong “kim cương bất hoại” với da mặt của mình. Mấy anh chị này cũng đẹp xinh, tài giỏi, nhưng cũng đi con đường thu hút like, share, view bằng cách làm những hành động cho “chúng chửi chơi”. Hình thức này là phiên bản phát triển của mấy scandal của các ngôi sao, lâu lâu làm một cái để thu hút dư luận, các anh chị hốt boi hốt gơ chưa ai biết đến cho nên phải gây scandal thường xuyên và liên tục. Ban đầu mình định điểm qua một vài nhân vật tiêu biểu cho trường phái này, mà nghĩ lại thì thôi không nói nữa, chắc nhiều bạn biết rồi, bạn nào chưa biết thì khỏi cần biết đi ha. Ở đây mình chỉ thấy một điều là cho dù mấy anh chị này có như thế nào đi nữa thì họ vẫn “cao” hơn những người đang chửi mắng (nhưng lại liên tục share) họ một vài cái đầu. Việc bị “dắt mũi” bởi những người mình “ghét cay ghét đắng” không biết có vui không?! 

6. Cao thủ, cao thủ! 

Hôm trước có đứa em hỏi mình “Anh Bảo có làm page hông anh? Làm đi bảo đảm nhiều like hơn page của ông ABC”. Mình định hỏi là “Nhiều like để chi em?” nhưng nghĩ lại nó cũng có ý tốt nên mới nói “Anh có làm cái page, mấy năm rồi mà có vài like thôi hà,hehe.” Nó vào xem qua xong rồi nói “Anh phải chế ảnh và quảng cáo lên thì like nhiều thôi.” 

Đây là trường hợp page của các vị “cao thủ FB”. Dùng nhiều danh nghĩa khác nhau, mỗi vị có từng cái hay riêng, cũng có người bị chửi không ít nhưng đàn cừu vẫn cứ gọi là đông như quân Mông quanh các page đó. Vì sao? Vì ngoài những lúc chen vô mấy cái nhảm nhí xàm xí thì phần lớn là những thứ “vui vui” “hay hay” “ngộ ngộ” “hợp tâm trạng” để share về FB khoe với bạn bè. Những người này luôn luôn bọc đường bên ngoài viên thuốc, nhưng bên trong không phải thuốc trị bệnh mà là thuốc độc mãn tính, ngấm lâu, chết lúc nào không hay! Cao thủ này ở Việt Nam mình cũng thấy qua vài người, mà thôi, cũng không muốn nhắc. 

Quan điểm của mình trong tình huống này là: không share những thứ dù là rất hay ho trên những nơi chứa nhiều rác rến, lợi bất cập hại! 

7. Truyền thông chính thống cũng chăn cừu. 

Mấy người này lợi hại hơn hết, được đào tạo bài bản và được cấp phép hẳn hoi. Mình không nói nhiều trong trường hợp này vì rất khó tránh, trừ khi các bạn đều giống mình – không xem tivi và báo chí. Chỉ là trong tháng vừa qua mình thấy có vụ này buồn cười phải nói luôn: có một anh ca sĩ bị “tố” là đạo nhạc, thế rồi chuyển dần dần lan truyền và biến chuyển thế nào không biết, thành lập ban bệ để xét xử này kia mãi không xong. Anh ta thì vẫn đi hát, vẫn tiếp tục “sáng tác”. Quan trọng nhất là những thông tin về vụ việc của anh ta liên tục được đưa tin cập nhật trên kênh truyền hình “siêu hot” vào “giờ vàng”. Nếu phải trả tiền quảng cáo, mình nghĩ đây là con số không hề nhỏ và không phải ai cũng có thể mua. 

Bạn thấy sao? Đời đúng hài, nhỉ?! 

Nếu bạn chọn làm một con cừu, đừng tức giận khi bị xén lông ;)

Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo
Thành công là khái niệm xuất hiện nhiều nhất trong đầu những người trẻ, dù họ có tin hay không, có muốn thành công hay không thì đó vẫn là từ khóa họ được nghe nhiều nhất. Adam Khoo từng nói: “Vấn đề không phải là bạn có muốn thành công hay không mà là bạn có sẵn sàng làm tất cả để thành công hay không.” Trong bài viết này, tôi muốn chia sẻ cùng các bạn một vài nhân tố cần thiết cho thành công.


Thành công là gì?

Điều này tùy vào khả năng và tầm nhìn của từng cá nhân. Với một người bình thường, sở hữu tài sản một triệu Mỹ kim đã là thành công rực rỡ, nhưng với Bill Gates hay Warren Buffett thì đó lại gần như táng gia bại sản. Có lần, một người anh đã nói với tôi khái niệm này: “Người thành công là người có đủ thời gian và tiền bạc để làm điều mình muốn.”

Tôi thấy rằng nếu đó là khái niệm của người thành công thì đó cũng là khái niệm của một người hạnh phúc. Nhưng có vẻ như với người trẻ thì hạnh phúc là cái gì đó quá mơ hồ, quá “ảo”, không thực tế, họ cần thành công hơn. Sao cũng được, dù cho khái niệm thành công của bạn là gì thì những nhân tố dưới đây vẫn rất cần cho bạn. 

Bước 1: Bắt đầu từ đam mê

Tôi tin rằng không một người thành công nào lại không hạnh phúc với việc họ đang làm. Và muốn hạnh phúc với công việc thì 99% là đó phải là việc mà bạn thật sự đam mê. Trước khi lên đường, hãy xác định xem mình muốn đi đâu, hãy tìm kiếm đam mê thật sự của bạn. Tôi không thể chỉ cho bạn đi đâu tìm đam mê, hãy làm nhiều thứ, học hỏi nhiều và lưu tâm nhiều hơn nữa. Đặc điểm dễ nhận biết của đam mê chính là khi bạn làm việc cùng nó bạn sẽ không mệt mỏi, không chán nản, bạn sẽ có một nguồn năng lượng vô tận. Tuy nhiên cũng có những sai lầm và lưu ý cần thiết khác.

Về đam mê, tôi đã viết bài “Đam mê là gì? Làm sao để giữ lửa đam mê”

Bước 2: Nhận mọi trách nhiệm về mình!

Bỏ qua tất cả mọi lý do, may rủi, cơ hội, bất công… đến từ môi trường, xã hội, thiên nhiên hay người nào khác. Hãy tự chịu trách nhiệm cho cuộc đời mình chính là bước tiếp theo của con đường dẫn tới thành công. Trong tất cả mọi vấn đề, hãy xác định vị trí và vai trò của bạn trong đó và làm tốt nhất trong khả năng hay vượt ngoài khả năng của bạn. Những yếu tố bên ngoài cũng có tác động và ảnh hưởng nhưng bạn chỉ kiểm soát được các yếu tố bên trong mình mà thôi. Nếu bạn đặt vấn đề của mình lên người khác hay yếu tố khác, vấn đề sẽ không bao giờ được giải quyết!

Đọc thêm bài “Hãy tự gánh mình lên để trưởng thành” 

Bước 3: Không ngừng học hỏi: Quy tắc 80-20 và “Eat that frog”

Nếu xem hai bước vừa nêu trên là nền tảng vững chắc thì bước này là ngôi nhà cho thành công của bạn. Có rất nhiều thứ phải học, tùy vào từng người, từng lĩnh vực. Ở đây tôi xin giới thiệu hai vấn đề có ảnh hưởng đến tất cả mọi ngành nghề cũng như đam mê.
  • Quy tắc 80-20: Đây là quy tắc do một nhà kinh tế học người Ý tên là Vilfredo Pareto lập ra dựa trên cơ sở các số liệu khảo sát về nhiều lĩnh vực. Quy tắc này nói rằng tầm quan trọng của 20% thiểu số chiếm 80% về mức độ quan trọng của vấn đề. Ví dụ như 20% dân số thế giới nắm giữ 80% tổng tài sản của thế giới; 20% nhân viên sale của một công ty bán được 80% tổng số hàng bán ra mỗi tháng của công ty đó. 

Điều đó cũng có nghĩa là nếu xem tất cả những việc bạn phải làm, dự định làm là 100% thì 20% trong tổng số công việc tạo ra 80% tổng hiệu quả. Hiệu quả ở đây không phải chỉ là thu nhập mà còn nhiều yếu tố khác như cơ hội phát triển, tăng tiến kỹ năng của bản thân hay lên lương, lên chức…

Áp dụng vào quá trình lập kế hoạch của bản thân, hãy dành thời gian và sức lực của bạn ưu tiên cho 20% công việc quan trọng nhất để thu được hiệu quả cao nhất.

  • Eat that frog: Đây là tên một quyển sách của tác giả Brian Tracy rất nổi tiếng. Nội dung của nó là chỉ cho bạn cách nào để thoát khỏi sự trì hoãn (procrastination) và làm việc hiệu quả hơn. Brian Tracy nói rằng: “Nếu công việc hàng ngày của bạn là phải ăn một con ếch sống, thì hãy chọn con to nhất, xấu xí nhất để ăn trước tiên”. 

Nếu bạn chỉ lo ăn những con nhỏ trước, thì mối lo lắng về con ếch to lớn và xấu xí kia sẽ ám ảnh và đè nặng bạn cả ngày, rồi bạn cũng chẳng còn sức lực để mà ăn nó nữa. Thế là trì hoãn. Giải quyết được mối lo lớn nhất trong ngày khiến bạn thêm thoải mái, có thêm năng lượng và tự tin để làm những việc tiếp theo. Thêm vào đó, nếu bạn không đủ sức hay thời gian để làm tiếp, thì công việc quan trọng nhất đã hoàn thành, những việc khác có bỏ lỡ cũng không tổn thất nhiều. Hãy tìm đọc “Eat that frog” (bản tiếng Việt là “Để hiệu quả trong công việc”) của Brian Tracy để biết thêm nhé.

Tóm lại bước ba: Hãy không ngừng học hỏi

Bước 4: Hành động!

Đến bước này, bạn gần như đã có đủ tất cả mọi hành trang cần thiết. Nhưng bạn sẽ không bao giờ đến đích nếu chẳng chịu bước đi! Hãy hành động, hành động mới là yếu tố quan trọng nhất của thành công, nó là thứ biến những công thức và lý thuyết, ước mơ và hi vọng của bạn thành hiện thực.

Hãy tập cho mình những thói quen tốt. Sở dĩ chúng ta trì hoãn, lười nhác, lo sợ… là do trong quá trình lớn lên ta mang theo nhiều thói quen xấu. Những thói quen xấu không thể bỏ đi một cách bình thường được, cách tốt nhất là thay thế nó bằng những thói quen tốt! Một thói quen tốt có thể được hình thành bằng việc lặp đi lặp lại thói quen đó trong vòng 30 ngày. Hãy kiên trì và tập thêm nhiều thói quen tốt. 

Lời kết

Vấn đề còn rất nhiều, nhiều lắm. Nhưng nếu bạn đã đi được bốn bước trên thì bạn đã biết con đường của mình, có những dự định và cách làm của riêng bạn, tôi không còn vai trò gì ở đây nữa. Bạn sẽ gặp nhiều thất bại, nhưng bạn sẽ không nản lòng nếu bạn có đủ đam mê, thất bại sẽ chỉ là những bài học.

“Nếu bạn thấy tôi nói điều gì đó đúng, không hẳn là do tôi giỏi đâu, có khi chỉ là do tôi đã thất bại quá nhiều lần.” – Nhất Bảo
Đầu tiên xin nói với những người không biết lỗi, những người u mê và chấp nhận sống trong sai lầm, sợ hãi khi người khác nói về lỗi lầm của họ. Bạn à, trừ khi bị khuyết tật bẩm sinh, ai ai rồi cũng sẽ có lúc tỉnh ngộ, có lúc nhận ra lỗi lầm của mình. Vậy cho nên thời gian càng dài lâu, hậu quả càng lớn thì nỗi đau sẽ càng nặng nề hơn.  Mình hay nói với bạn mình: “Tôi thấy thương cho những người sống u mê, tôi mong họ tỉnh ngay hoặc cứ u mê cho đến hết đời, chứ để lâu dài mà tỉnh lại thì tội lắm.” Đó là mong muốn của tôi thế thôi, chứ chẳng ai u mê mãi được, nên tốt nhất là hãy đối diện với lỗi lầm và tỉnh ngộ ngay đi.

Làm người cần “Biết lỗi”


Biết lỗi là khả năng đối diện với những sai lầm, thiếu sót của bản thân mình, hiểu rõ những tác động và ảnh hưởng mà nó gây ra cho bản thân và những người xung quanh. Làm người cần phải biết lỗi, nhưng không phải để đau khổ, hối hận, dằn vặt hay mặc cảm, tự ti. Những thái độ tiêu cực đó sẽ dẫn đến nhiều lỗi lầm càng nghiêm trọng hơn.

Ví dụ như một người chạy xe gây tai nạn cho người khác thì chuyện đưa nạn nhân đến bệnh viện, bồi thường tiền thuốc men chưa phải là biết lỗi, đó chỉ là nghĩa vụ. Biết lỗi là hiểu được sự đau đớn và những thiệt hại có liên quan đến người kia xuất phát từ lỗi lầm của mình như sự suy giảm về sức khỏe, ảnh hưởng kinh tế (do nạn nhân phải nghỉ làm), ảnh hưởng đến thành viên trong gia đình nạn nhân, ảnh hưởng tâm lý… Hiểu được những điều đó để thông cảm và có thái độ đúng đắn, tích cực trong việc khắc phục sai lầm chứ không phải làm qua loa, lấy có hay bỏ một mớ tiền rồi vui vẻ ra đi. Biết lỗi còn là việc từ đó về sau chạy xe trên đường cẩn thận hơn để không gây tai nạn nữa.

Biết rồi thì “bỏ lỗi” đi

Nếu đã biết lỗi rồi, ta còn cần phải “bỏ lỗi” để sống tốt hơn. Bỏ lỗi không phải là phủ nhận hoàn toàn những sai lầm mình đã phạm hay cố tìm cách quên chúng đi, mà là vẫn ghi nhớ nhưng không xem đó là gánh nặng, là tập trung vào những điều tốt đẹp.

Ví dụ như có đứa học sinh lười biếng, mê chơi, trốn học chơi game, học hành sa sút, cha mẹ phát hiện rầy la. Học sinh này có thể biết lỗi, rằng cha mẹ làm lụng cực khổ kiếm tiền cho đi học mà trốn đi chơi, rằng chơi game ảnh hưởng đến thành tích học tập, rằng chơi game sau này không có việc làm… Nhưng tất cả chỉ có vậy!

Trong đầu nó chỉ có những suy nghĩ, hình ảnh về “lỗi lầm” mà nó phạm phải: Nó nhớ đến những lúc trốn học chơi game, dù là nhớ theo hướng biết lỗi, nhưng nếu chỉ như vậy thì nó làm gì với thời gian nhàn rỗi, làm gì với những tiết học trống, làm gì với sự chán chường khi lên lớp? Nó không có khái niệm nào về việc đó, và sự “biết lỗi” kia lại dẫn nó trở về con đường cũ: Nó tiếp tục chơi game vì không biết phải làm gì khác nữa.

Sau khi biết lỗi rồi cần phải bỏ nó đi, để sang một bên và nghĩ về những điều tốt đẹp ta có thể làm thay vì tiếp tục với lỗi lầm cũ. Trong trường hợp đứa bé nói trên, cha mẹ có thể hướng dẫn nó sắp xếp thời gian biểu học tập, chơi thể thao, trò chuyện cùng gia đình, xem tivi, đọc sách hay thậm chí là chơi game nếu thích. Điều quan trọng là tất cả những lịch trình đó, thời gian biểu đó phải được tuân thủ và thực hiện đúng, phải để đứa bé tự sắp xếp theo sự gợi ý của người lớn, làm những điều đúng theo cách nó thích nhất.

Hãy nghĩ về câu này:
“The greatest mistake you can make in life is to be continually fearing you will make one.” ― Elbert Hubbard
“Sai lầm lớn nhất trong cuộc đời mà bạn có thể phạm là luôn luôn lo lắng bạn sẽ phạm sai lầm.”

Bạn luôn có quyền sống tốt dù mọi người nghĩ bạn xấu xa

Thử tưởng tượng tình huống như vầy: Trong vòng 10 ngày, ngày thứ nhất bạn làm một điều gì đó thật ghê gớm, xấu xa, có 3 người biết, cả họ và bạn đều đồng ý rằng bạn là người xấu. Từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 10, bạn chỉ làm việc tốt, 3 người kia sẽ vẫn cho bạn là người xấu, nhưng nếu bạn gặp thêm 27 người khác thì 27 người này lại cho rằng bạn là người tốt. Khổ nỗi là nếu họ gặp 3 người ở ngày thứ nhất và biết chuyện bạn đã làm ở ngày thứ nhất thì tất cả 30 người này đều sẽ nói bạn xấu xa, thậm chí 27 người phía sau còn thêm một câu là: “Tôi đã nhìn lầm anh/cô” nữa!

Đời là vậy, đó là phản ứng của “người đời”, nếu bạn cứ chạy theo suy nghĩ của họ thì chắc là lỡ phạm một sai lầm nào đó thì cả đời phải là người xấu mất! Đừng như vậy, kệ họ. Bạn luôn có quyền sống tốt, bạn phải biết rõ bản thân bạn tốt hay xấu và bạn muốn gì ở cuộc sống này, bạn muốn sống ra sao! Bỏ qua hết đi mấy cái khái niệm “trót nhúng chàm” hay “đâm lao phải theo lao”. Nếu lỡ “đâm lao” mà không rút lại được thì bỏ luôn cây lao đó đi, con người bạn mới là cái gốc, con người còn đó thì lúc nào bạn cũng có thể làm một cây lao khác!

Hãy biết lỗi, nhưng hãy bỏ nó đi, nếu mang theo nó như một hành trang rồi một ngày “không biết làm gì” bạn sẽ lại mang nó ra sử dụng! Nguy hại hơn là những “mặc cảm tội lỗi” nhiều khi không hướng người ta tới điều tốt đẹp mà lại hướng họ ra xa. Giống như có người bình thường hay nói tục, chửi thề, bỗng dưng một hôm thật sự muốn nói ra vài câu triết lý hay mấy tiếng lịch sự, lời cảm ơn nhưng lại “ngại miệng” và “không biết thiên hạ sẽ nghĩ sao”. Chẳng sao đâu bạn, đừng sống vì người khác kiểu đó, nếu thấy đúng thì cứ làm!

Chuyện của ngày hôm qua đã qua rồi, ngày hôm nay bạn là con người mới, hãy chọn cách sống của bạn!

Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo