Sáng nay khi đồng hồ báo thức reo lúc 4:24, tôi tỉnh dậy và thấy người lạnh toát, trời thì rả rích mưa. Bước ra khỏi phòng, không khí bên ngoài ẩm và lạnh hơn làm tôi hắt xì liên tục. Trong vừa đánh răng rửa mặt mà nước mũi chảy ròng ròng, hỉ ra mãi không hết, lại hắt xì gần chục cái, đầu nóng lên... Cơn sốt đến nhanh như một cơn mưa rào giữa trời đang nắng gắt.

Tôi lấy cái áo mặc vào, xức dầu lên thái dương và mũi, uống một ly trà nóng rồi chui vào góc phòng, bỏ qua mấy chủ đề hôm qua nghĩ tới, tôi kể cho các bạn nghe câu chuyện về sức khỏe của tôi.

Sức khỏe, hay sức sống của một người giống như đồ thị hình sin, hay hình tượng hơn là như một quả đồi thấp vậy, khi lên đến đỉnh cao là lại bắt đầu đi xuống, khác nhau ở độ cao và chiều rộng của đỉnh đồi thôi. Tôi không rõ mình đã đến đỉnh đồi chưa, nhưng có những dấu hiệu của sự suy giảm về sức khỏe và sức đề kháng rõ rệt.


Độ 3-4 năm trở lại đây, tôi rất hay bệnh vặt. Cứ mỗi mùa mưa hay trời trở lạnh là lại bị cảm lạnh, ho, đau họng. Có những cơn ho kéo dài mấy tuần khiến tôi rất mệt và nhức đầu. Tôi bắt đầu ngại những cơn mưa và cũng còn đi nhiều ngoài nắng - những điều trước đây tôi chưa bao giờ phải quan tâm.

Hồi nhỏ tôi rất ưa tắm mưa, cứ mưa lớn lớn chút là tắm. Sau lớn lên lúc học cấp hai, cấp ba tôi cũng ít khi nào mang theo áo mưa đi học, đi về gặp mưa là tắm luôn thôi. Ra trường, đôi lúc cũng dầm mưa chạy luôn về nhà, hoặc đôi khi mặc áo mưa chạy vòng vòng thành phố, coi mưa chơi vậy thôi. Mấy chuyện đó ngày xưa tôi làm mà chẳng nghĩ ngợi gì, chỉ thấy mát mẻ, thoải mái vậy thôi. Ngày nay, tôi thấy mưa như thấy những cơn cảm lạnh...

Hồi mười mấy tuổi tôi có học Karatedo được ít lâu, khi đó ngày nào cũng hít đất, nhảy xổm, luyện quyền hơn 2 tiếng mà vẫn thoải mái vô tư. Bây giờ hít liên tục 5-7 cái là nằm luôn đó, đứng tấn thì 2 phút là chân run muốn xỉu, đấm đá vài cái là gập người thở dốc như sắp hết hơi. Chỉ còn mỗi đi bộ là khá bền, đi khoảng 10km vẫn ổn, chắc do cái này ít tốn sức nhất.

Sau mấy năm học đại học và ngồi văn phòng, tôi tăng 20kg, sức khỏe giảm 30-40%. Quá trình này cũng không phải dễ dàng gì, đó là cả một sự tiêu hao có bài bản.

Thay vì vận động và tập võ, tôi ngồi máy tính mỗi ngày 14-15 tiếng. Vào đoạn thời gian mê game, có khi tôi chơi 2 ngày liên tục không nghỉ. Thức trắng đêm, chơi game đến 6-7 giờ sáng thì ngủ, 1-2 giờ trưa thức dậy ăn uống rồi tiếp tục chơi... Sau khi nghỉ game cũng vẫn thức đến hơn 2 giờ mới ngủ, nhiều khi chẳng để làm gì, vừa ngồi đọc truyện vừa ngủ gục, vậy mà nhất định không chịu lên giường trước 2 giờ. Ngày nào cũng hít đủ một khoanh nhang muỗi 8 tiếng, không sót ngày nào.

Thức đêm thì đói, đói thì ăn. Nào là các loại bánh snack, bánh ngọt, mì gói, nước ngọt, đôi khi thêm cả trái cây cho đỡ ngán. Đêm nào cũng ăn, có nhiều lúc nhìn bịch rác còn lại sau mỗi đêm mà tôi cũng ớn, không hiểu sao mình ăn được vậy luôn.

Thức đêm tất nhiên cũng có cái hay và hấp dẫn riêng của nó, nhưng tập thành thói quen rồi thì đến lúc chán ngán vẫn bỏ rất khó. Điều này làm tôi giảm sức khỏe, giảm đề kháng, và tăng cân. Tăng hẳn 20kg nhé, tập trung chủ yếu ở bụng, đùi, mông -_-

Tôi nhớ hoài, trong quyển “The time machine” của H. G. Wells có mô tả về thế giới tương lai, nơi loài người tiến hóa và chia thành hai thế giới. Một thế giới của những người lao động chân tay và sống nơi u tối, họ phát triển các cơ, lông lá như những con thú. Còn thế giới của những kẻ quý tộc, giàu có thì các cơ thoái hóa, chỉ có bộ não là phát triển, tay chân teo tóp lại như người ngoài hành tinh và sức khỏe yếu vô cùng.

Đôi lần tôi cũng cảm giác mình đang thoái hóa đi như vậy, trên ghế, trước máy tính, mà chẳng giàu lên chút nào.

Người ta tiêu hao sức khỏe để đổi lấy tiền, sau này chữa bệnh, còn tôi phung phí sức khỏe vì cái gì? Chẳng có câu trả lời nào nhưng tôi vẫn không dừng lại được.

Nếu hỏi một người bình thường điều gì là quý nhất trong cuộc sống, có lẽ họ sẽ nói là tình yêu, sự nghiệp, danh vọng, niềm tin hay một điều gì đó, rất ít người nhớ rằng sức khỏe mới là cái gốc để họ thực hiện tất cả mọi điều trên.

Tôi thấy nhiều người trẻ cũng như tôi ngày trước, khi đang có sức khỏe thì tiêu phí vô tư, đêm thức ngày ngủ là chuyện bình thường, thậm chí còn một số trò tiêu phí nhanh hơn một chút. Đôi khi muốn khuyên mà chẳng biết làm sao.

Cũng như việc chơi game, có những trò chơi rất là vô bổ, chẳng ý nghĩa gì, nhưng chỉ có đứa nào chơi rồi mới biết, còn mấy đứa chưa chơi thì nói nó chẳng tin. Lúc còn sức khỏe dồi dào chẳng đứa nào tưởng tượng được đến lúc mình suy yếu sẽ ra sao, dù có bao nhiêu tấm gương trước mắt cũng vậy.

Tôi cũng có phần may mắn. Tiền vốn còn lại của tôi chính là việc hễ thật sự muốn làm điều gì là tôi làm được. Đang thức 2-3h sáng mỗi đêm, tôi làm ra thử thách 30 ngày dậy sớm, thế là cứ 10h-11h tôi đi ngủ, nằm xuống là ngủ được luôn, và cứ nghe đồng hồ reo là thức. Sau khi thực hiện thành công thử thách đó, tôi vẫn tiếp tục dậy lúc 4:30 mỗi ngày, mấy ngày sau này tôi tập thể dục, đọc sách và viết một chút gì đó mỗi sáng. Những cảm nhận và chia sẻ từ thử thách dậy sớm này tôi có làm video mỗi ngày, post trên youtube:

https://www.youtube.com/playlist?list=PLYagToaLb5DKFwTAkR8Ad7xNT8Veqo3P7

Sức khỏe là gốc, nó không chỉ ảnh hưởng đến các hoạt động vật lý mà còn tác động nhiều đến tinh thần chúng ta. Có sức khỏe tốt thì tinh thần cũng tốt, nó giúp ta chịu được áp lực và suy nghĩ được nhiều điều hay hơn... Rèn luyện sức khỏe thì tùy vào điều kiện và sở thích của mỗi người, nhưng quan trọng nhất là giữ gìn, đừng hoang phí.

Tôi nghĩ rằng từ sau #The30EarlyDays, tôi sẽ ngừng việc hoang phí sức khỏe và tập nhiều thói quen tốt hơn. Không chắc rằng hiện giờ nếu luyện tập và ăn uống hợp lý thì có thể nâng cao sức khỏe hay không, nhưng ít nhất tôi sẽ giữ cho nó đi xuống chậm nhất có thể.

Hôm nay tôi kể câu chuyện này, hi vọng những bạn trẻ hữu duyên đọc được có thể xem xét lại tình trạng của bản thân, và thay đổi ít nhiều, bỏ qua thói quen xấu, tránh hoang phí sức khỏe và tập trung làm những việc có ích cho cuộc đời của chính các bạn nhiều hơn.

Còn nếu không, thì ai cũng có một đời, cuộc đời nào rồi cũng sẽ qua thôi.

Chúng ta cũng chỉ là những hạt bụi trong sa mạc cuộc đời, ai có thể quan tâm mình, thay đổi mình, ngoài chính mình đây chứ.

Nếu mình còn bỏ mặc mình, thì người khác cũng chỉ lướt qua thôi.

Nhất Bảo
Rất nhiều bạn sau một thời gian đọc các bài viết của mình và cảm thấy hứng thú, thì đều có chung một câu hỏi: “Anh làm nghề gì?” hay “Công việc hiện tại của anh là gì?”... Sáng nay mình muốn nói vài dòng về công việc.

Đa phần mọi người trong xã hội, khi sinh ra thì được nuôi dưỡng và lớn lên thì phải tự nuôi thân, rồi nuôi thế hệ tiếp theo, và cứ thế. Vậy nên mỗi người đều phải chọn cho mình một nghề (có người vài nghề) để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Có câu “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, “một nghề cho chín con hơn chín nghề”, có thể hiểu rằng những ai giỏi ở một nghề nào đó thì hoàn toàn có thể sống nhờ nó, và thậm chí được tôn vinh, còn những ai làm nghề không tinh thì phải làm hai, ba, bốn, thậm chí là chín nghề mới đủ sống. Hay ngược lại, những ai không tập trung tâm sức vào một nghề thì sẽ khó có được vinh quang hay tiền bạc.


Tôi là kẻ “chín nghề” như thế đó.


Đôi khi tôi thấy khá vui khi được hỏi “Anh có phải nhà văn/nhà báo/nhà thơ/nhà giáo... không?” Nhưng sau niềm vui đó là một khoảng lặng vì câu trả lời luôn là “không phải”. Có một số ít người thì ngạc nhiên khi tôi nói tôi sống ở Trà Vinh “Ơ, đó giờ em cứ tưởng anh ở SG hay HN chứ”...

Thật lòng tôi không biết nên cảm kích vì họ nghĩ tốt về tôi, hay chê trách họ sao cứ luôn tìm cách “dán nhãn” lên cuộc sống.

Với những lối mòn về tư duy, nhìn nhận về cuộc sống toàn bằng “kinh nghiệm” như vậy, thì sau niềm vui vì “được hiểu lầm” là nhà văn, nhà báo, lại là nỗi lo lắng, bất an. Tôi cứ lo là sau khi họ biết rõ nghề nghiệp, nơi sống của tôi, liệu họ có phủ nhận những điều mà họ từng cho là hay, là đúng trước đó? Kiểu: “Mày không phải nhà báo nên chắc thông tin này không thật” “Mày không phải nhà tâm lý học nên cách nhìn này có vẻ chủ quan, phán bừa hả?” Tôi thật lo lắng lắm, hehe.

Một người “dân quê” thì không thể có tư duy và cách cư xử như một người thành thị, không thể “học đòi” tao nhã hay sao? Hay phải là một nhà văn mới được viết văn, là một nhà thơ mới có quyền mơ mộng? Phải tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ tâm lý gì đó mới có quyền cho người khác lời khuyên, và phải kết hôn, li hôn mới được nói đúng về hạnh phúc?

Để “sống với đam mê” thì người ta cần phải “sống” trước đã. Những người kiếm không ra tiền từ đam mê, thứ mà thậm chí còn phải tiêu thêm tiền, thì phải tìm một hoặc vài công việc khác để nuôi sống bản thân và gia đình, rồi sau còn bao nhiêu thời gian, tiền bạc, mới tính đến đam mê. Cũng có khi lao vào cuộc đời tấp nập, chợt nhớ lại thì tuổi đã về chiều. Đam mê ngày nào giờ chỉ còn là một thoáng trầm tư trong ánh mắt.

Thậm chí trước đây còn có nhiều người từng nghi ngờ và phán xét rằng tôi là thành phần “ăn không ngồi rồi, lo chuyện thiên hạ” vì thấy tôi “suốt ngày” lên mạng nói chuyện đời. Với những ai đọc status và coi FB tôi mà nói vậy thì tôi không có gì giải thích, hehe. Chỉ là những ai yêu mến tôi xin cứ an tâm, tôi không phải thuộc “đối tượng không có nghề nghiệp ổn định” như trong các chương trình nói về tội phạm hay thanh niên lêu lổng trên Tivi đâu, tôi cũng có một nghề ổn định, các bạn cứ biết vậy trước đã.

Tôi rất ngưỡng mộ những ai có tài năng đủ để kiếm sống bằng tài năng và sống với đam mê của họ, vì thực tế số này rất ít. Đa phần mọi người không thể kiếm đủ tiền bằng việc “do what you love” nên những người hạnh phúc kế tiếp chính là khi họ “love what you do”.

Tôi không uống rượu, không hút thuốc, ít đi cà phê, không đam mê du lịch, ăn uống cũng không đòi hỏi gì nhiều, mua sắm hưởng thụ cũng có chi dùng nấy... Hàng tháng có lẽ ngoài tiền ăn, chi phí của tôi đa phần tính vào phí điện, nước, internet mà thôi. Những điều này không phải vì tôi kiếm ít tiền nên buộc mình tiêu ít, đơn giản chỉ là không có nhu cầu thôi. Về quan niệm tiêu dùng có lẽ để bàn sau, ở đây chỉ xét về nhu cầu thôi nhé. Nhu cầu cao nhất của tôi là rảnh rỗi, tôi trả tiền để thế giới đừng phiền đến tôi haha.

Ông anh tôi từng có định nghĩa: Người thành công là người có đủ thời gian và tiền bạc để làm điều họ muốn.

Tôi không thuộc dạng may mắn có thể kiếm tiền từ đam mê của mình, ngược lại khả năng kiếm tiền thuộc dạng kém cỏi. Nhưng cũng may, điều tôi muốn trong đời không quá lớn lao. Người ta hỏi tôi vì sao anh rảnh rỗi vậy? Vâng, nếu bạn không phiền, rảnh rỗi chính là mục tiêu sống của tôi. Tất cả những việc tôi làm, mục đích chỉ là để mình được rảnh rỗi. Vậy rảnh rỗi để làm gì? Để làm những việc mà bạn đang thấy đây thôi: để nhìn ngắm, để giao lưu, để suy ngẫm và viết ra những gì mình thích.

Với tôi, nghề nghiệp là công cụ kiếm tiền, để tích lũy tiền bạc như trong câu “Người thành công là người có đủ thời gian và tiền bạc để làm điều họ muốn” Tất nhiên vẫn cần có những khoản tích lũy, đầu tư... để không phải làm nô lệ cho đồng tiền nữa, đây là câu chuyện về quản lý tài chính. Tôi biết điều mình muốn ở cuộc sống này là gì: chính là có đủ thời gian. Vậy nên công việc là để giải quyết vấn đề tiền bạc.

Đến đây, có thể nhiều người cho rằng tôi bi quan yếm thế, sống mà không biết cống hiến cho xã hội, ai cũng như tôi thì xã hội làm sao phát triển, vân vân... Tôi lại cho rằng, người ta cống hiến nhiều nhất, hiệu quả nhất cho xã hội chính là khi họ được làm những gì họ thật sự yêu thích. Nếu họ phải làm điều gì đó, dù đóng góp cho xã hội nhiều hơn, nhưng họ cũng tiêu phí từ xã hội rất nhiều. Chúng ta nghĩ tiêu phí là tốt, chúng ta kích cầu và mua sắm và tiêu xài thì xã hội càng phát triển... nhưng ta không nhận ra những gì mình đang tiêu phí không cần thiết đó đều đến từ thiên nhiên, từ môi trường. Chúng ta giết trái đất để có được nhà lầu, xe hơi. Chúng ta tìm đến những bãi biển hoang sơ để biến chúng thành bãi rác... Đấy là đóng góp cho xã hội, có lẽ vậy, nhưng cho cuộc sống của con người thì chưa hẳn vậy đâu. Đó lại là một câu chuyện khác.

Nói vậy không có nghĩa là tôi phải làm những việc nhàm chán, khó chịu để kiếm tiền, thật ra tôi cũng có phần yêu thích chúng. Những việc có thể kể ra như: viên chức nhà nước, giáo viên tiếng Anh, bán mỹ phẩm, viết báo, dịch thuật... Có lúc tôi làm một việc, có khi hai việc, có khi tất cả cùng lúc, tùy hứng thú và cơ duyên chứ chưa bao giờ phải làm vì thiếu tiền cả.
Đây tôi có nói về công việc bán mỹ phẩm, nếu bạn quan tâm: http://ask.fm/NhatBaoVN/answers/136450251788

Về công việc là vậy, tôi vẫn yêu thích những việc mình làm trong thời gian rảnh rỗi hơn. Tôi thích các bài viết mình viết trên mạng, những video trên youtube, và thích thử thách 30 ngày dậy sớm vừa qua. Những điều đó, trước hết vì bản thân thôi, sau đó là mang đến những giá trị miễn phí cho người cần. Và tôi sẽ tiếp tục làm vậy chừng nào còn có thể.

Nếu bạn quan tâm, xin hãy nhìn vào bản thân từng việc tôi làm, từng lời tôi nói, có ý nghĩa nào với bạn hây không. Đừng quan tâm đến chuyện tôi làm gì để sống, trừ khi bạn có ý định cho tiền tôi, haha.

Chúc một ngày tốt lành!

Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo
Hôm qua tôi chợt nảy ra ý định này, hôm nay tôi thực hiện nó. Tôi sống chưa lâu, chưa nhiều nhưng cũng đã kinh qua vài ba chuyện thành công và muôn ngàn thất bại, tôi thấy điều này vô cùng quan trọng: hành động. 

Mọi chuyện sẽ thuận lợi và khả năng thành công sẽ cao hơn nếu ta biết lên kế hoạch và phân phối tài nguyên hợp lý. Tuy nhiên một kế hoạch dù tốt đến đâu cũng chỉ là kế hoạch mà thôi.

Đã từng rất nhiều lần tôi nghĩ mình sẽ làm một điều gì đó có ý nghĩa, thú vị, hoặc mang đến thành công nào đó cho cuộc đời mình, hoặc giúp ích cho người xung quanh... Tôi đã từng có hàng ngàn, hàng triệu suy nghĩ như vậy bất chợt đến vào những khoảnh khắc khác nhau trong đời. Khi chúng đến, tôi cảm thấy một luồng năng lượng tươi mới, mạnh mẽ tuôn chảy trong người. Đôi lúc những ý tưởng đó kích thích bộ não luôn tỉnh táo khiến tôi không tài nào ngủ được.

Nhưng rồi tôi đã chưa bao giờ bắt đầu... và những ý tưởng trôi vào quên lãng, còn lại tôi với những nuối tiếc cùng hiện thực ngày một nặng nề hơn.

Một trong những quyển sách mà tôi yêu thích nhất, và hay giới thiệu với bạn bè khi có dịp, là quyển “Eat that frog” của Brian Tracy (tựa đề tiếng Việt là “Để hiệu quả trong công việc”). Tôi rất thích khái niệm “ăn ếch sống” trong sách này: Nếu mỗi ngày ta phải ăn một con ếch sống, hãy ăn nó ngay, và sau đó ta sẽ trải qua một ngày thoải mái khi biết rằng điều tồi tệ nhất trong ngày đã qua đi, thay vì cứ mãi chịu áp lực vì bổn phận nặng nề nhất vẫn chưa được thực hiện. Nếu đó là một thứ nhiệm vụ mà ta bắt buộc phải hoàn thành, ta sẽ hoàn thành nó một cách tệ nhất. Điều nguy hiểm hơn chính là có những điều không ai bắt buộc ta như đọc sách, dọn dẹp nhà cửa, tập thể dục, ngồi thiền, quan tâm người thân... Nếu những điều đó là những con ếch mà ta phải ăn, và ta cứ trì hoãn, trì hoãn, và chúng sẽ nặng nề, nặng nề hơn cho đến khi ta trốn chạy khỏi chúng.

Một ý tưởng đã sinh ra, nếu bị trì hoãn hoặc không được thực hiện, sẽ trở nên nặng nề hơn, khó bắt đầu hơn nếu ta lại nghĩ về chúng lần hai. Giảm cân là một ví dụ điển hình. Lần đầu tiên ta sẽ rất hăng hái, khả năng bắt đầu sẽ rất cao. Nhưng nếu ta trì hoãn, bỏ cuộc, hoặc thất bại ở lần thử đầu tiên... thì khả năng có lần thứ hai sẽ thấp hơn, tâm lý sẽ càng lúc càng nặng nề hơn. Những việc khác cũng vậy. Đó là một lý do vì sao bắt đầu ngay lại quan trọng như vậy.

Những thất bại vì sự trì hoãn, hoặc những áp lực phải chịu không đáng có vì những bổn phận phải làm, tôi và bạn đều quá rõ, nên sau đây tôi nói ra vài thành công vì đã bắt đầu ngay khi ý tưởng còn đang “nóng hổi”.

1. Thành công gần đây nhất có ý nghĩa với tôi chính là việc hoàn thành thử thách “30 ngày dậy sớm” - #The30EarlyDays. Tôi đã giới thiệu khá đầy đủ và chi tiết trong các videos trên Youtube và trong Album ảnh:
https://www.facebook.com/nhatbaovn/media_set?set=a.1143788435679640.1073741870.100001454839746&type=3
https://www.youtube.com/watch?v=g6teZtxBCKg&list=PLYagToaLb5DKFwTAkR8Ad7xNT8Veqo3P7&index=1

2. Ngày này năm 2015, tôi đang có mặt tại Sài Gòn để chuẩn bị nhận giải thưởng “bạn đọc làm báo cùng Tuổi Trẻ 2015”.




Được nhận giải này là một bất ngờ với tôi, nhưng đó cũng là kết quả từ sự bắt đầu. Trước đó tôi chưa bao giờ viết một bài báo nào. Tối hôm đó, thấy Facebook cùng share đoạn clip về học sinh đánh nhau, tôi tường thuật sơ bộ về vụ việc và nêu lên cảm nhận của mình về việc không nên phát tán những clip bạo lực đó, và gửi báo Tuổi Trẻ. Bài viết đó đã mang lại cho tôi giải thưởng, mà nó còn là minh chứng cho thành công chỉ vì dám khởi đầu.
http://tuoitre.vn/tin/ban-doc/20150310/nan-quay-roi-tung-clip-tiep-tay-cho-bao-luc-hoc-duong/718553.html

http://tuoitre.vn/tin/ban-doc/20150620/tuoi-tre-hanh-phuc-khi-duoc-ban-doc-lua-chon/764085.html

Năm 2016, tôi cũng được nhận một giải thưởng “Bạn đọc làm báo cùng Tuổi Trẻ” của tháng 3/2016 với bài viết kêu cứu cho Ao bà Om. Bài này cũng là một sự tình cờ, tôi ghé lại ao, dùng điện thoại chụp ảnh và quay clip. Ban đầu cũng không định viết, nhưng có người thầy gợi ý: Hay là Bảo viết bài báo về việc này đi, thế là tôi viết. Tôi không phải dân chuyên nghiệp, ảnh tôi chụp cũng không đẹp hay rõ nét, video quay cũng không dàn dựng cắt ghép gì. Khác biệt duy nhất chỉ là tôi đã khởi đầu và theo đuổi, tôi là người đầu tiên viết về nó chứ không phải là những người chuyên nghiệp khác. 

Sau đó tôi cũng viết một số bài báo khác, tất cả đều nhờ sự khởi đầu ngày hôm đó.

3. Kênh Youtube cũng là một thành công đối với riêng bản thân tôi. Trên đó, tôi cũng có một bài về sự bắt đầu. Muốn làm một điều gì đó, cứ làm đi. Khởi đầu luôn là quan trọng nhất. Khi làm mới biết chỗ nào hay, chỗ nào dở mà hiệu chỉnh, hoàn thiện, hoặc biết chuyện đó có thật sự hợp với mình hay không.

Hiện nay www.youtube.com/NhatBaoVN đã có gần 70 Videos, 141 Subscribers và 28.644 lượt xem. Đó không phải là một thành công lớn. Nhưng sẽ chẳng có gì nếu tôi không bắt đầu làm. Thành công này đơn giản chỉ là tôi đã chiến thắng bản thân, vì tôi đã khởi đầu và theo đuổi.

4. Hơn 40 bài viết về những chủ đề khác nhau cũng là một thành công khác của sự khởi đầu chống trì hoãn. 
Ngày trước tôi tham gia quản lý một fanpage khá lớn, lúc đó tôi chỉ post các status ngắn và dịch các danh ngôn, trích dẫn hay. Được các anh em trong page khuyến khích, tôi đã viết “bài viết” đầu tiên, và từ đó hơn 40 bài tiếp theo được ra đời và được đón nhận khá tốt. Đôi khi có người gửi lời cảm ơn tôi vì một bài viết nào đó - điều mà sẽ không bao giờ có nếu tôi không bắt đầu.
Ngày nay, các bài viết đó tôi đã đăng lại về blog cá nhân http://nhatbaovn.blogspot.com/
Còn rất nhiều những chuyện nhỏ nhặt khác nữa mang lại niềm vui cho tôi và một số người xung quanh, đơn giản chỉ bằng việc khởi đầu và kiên trì theo đuổi.




Một bạn tìm thấy "30 ngày dậy sớm" từ Google. Tôi thấy việc làm của mình dần mang lại hiệu quả tích cực.


  1. Bắt đầu dậy sớm ngày đầu tiên, lặp lại sự bắt đầu đó ở ngày hôm sau...và tôi có “30 ngày dậy sớm”. Thử thách này đang được nhiều bạn cùng thực hiện và tìm thấy động lực từ nó. Tôi rất vui.
  2. Bắt đầu viết bài, và tiếp tục viết, đến nay tôi có khoảng 60-70 bài.
  3. Bắt đầu quay và upload video lên youtube, tôi có 70 videos.
  4. Bắt đầu viết và gửi bài cho Tuổi Trẻ, tôi có những giải thưởng (điều này có phần may mắn).

Tất cả những điều nói trên có một điểm chung nhất: chúng sẽ không bao giờ có nếu tôi không bắt đầu.

Hôm nay, tôi vẫn duy trì việc dậy lúc 4:30, thay vì update album ảnh và quay video như lúc còn thử thách, tôi tập thể dục (mục tiêu là hít đất và gập bụng, mỗi ngày tăng thêm 1 cái). Và tôi nghĩ mình muốn làm thêm một việc, là mỗi sáng thức dậy viết vài dòng về một điều gì đó, hoặc chỉ là những suy nghĩ chợt hiện ra trong ngày.

Hôm nay tôi viết về sự khởi đầu, với hi vọng tất cả những ai có được ý tưởng nào đó đều sẽ bắt đầu, và kiên trì đi đến thành công.
Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo