Kết quả hình ảnh cho thời gian trôi

Bao nhiêu ngày xuôi ngược
bao nhiêu ngày yêu thương
bao nhiêu ngày vội vã
buồn thương như tơ vương

Rồi một ngày yên ả
sầu vơi buông hoa rơi
trở mình rồi tự hỏi
năm tháng nào đang trôi

- Nhất Bảo
Cách đây ít lâu có mấy bạn hỏi tôi những câu hỏi liên quan đến tâm linh và tôn giáo như: “Anh tin trên đời có ma không?” “Anh nghĩ gì về các linh hồn, thượng đế, thiên đường, địa ngục?” “Anh có theo đạo nào không?”… Và mới gần đây bạn tôi “thổ lộ” rằng: “Chắc em đi tu quá!” Vậy nên tôi viết bài này chia sẻ đôi điều quan điểm của tôi về tâm linh và tôn giáo để cho bạn tôi, nếu có đi tu, sẽ được thành chánh quả.

Tôi là người tâm linh

Về cơ bản, một người tâm linh là người có niềm tin và tin tưởng vào niềm tin đó. Đôi khi đó có thể là những điều bí ẩn đằng sau sự sống mà khoa học chưa giải thích, chứng minh được, đó cũng có thể là những điều rất bình thường, giản dị mà người khác chẳng thèm tin. Phật Thích Ca là một người tâm linh, niềm tin của ông là nhân quả, vô thường và từ, bi, hỷ, xả. Chúa Jesus là một người tâm linh, niềm tin của ông là tình yêu thương đồng loại, là sự soi sáng dẫn đường cho những người còn trong tăm tối – “thiên Chúa là tình yêu”…

Tôi cũng là một người tâm linh, tôi tin con người có linh hồn và hồn ma là những linh hồn của người đã chết, tôi tin mỗi người sinh ra là có một sứ mệnh và chúng ta đến với cuộc đời này là để tìm ra sứ mệnh đó, tôi tin vào sự trưởng thành của tâm thức, sự kiên định của đức tin và tôi tin mỗi người cần tìm cho mình một đức tin nào đó. Tôi cũng tin một số điều mà người khác không tin hoặc chưa nghe nói đến, tôi không bài xích niềm tin của người khác, tôi chỉ quan sát chúng với một con mắt tò mò, học hỏi…

Tuy vậy, trong phần giới thiệu về bản thân tôi có viết: “All religions are nice; all Gods are kind. I’m not religious.” Nghĩa là đối với tôi tất cả tôn giáo đều tốt, các vị thánh thần đều tuyệt vời, nhưng tôi không theo tôn giáo nào cả.


Sự khác biệt của tâm linh và tôn giáo là gì?

Một người tâm linh chưa hẳn là theo một tôn giáo nào đó, một người có đạo chưa hẳn là người tâm linh và một người tâm linh cũng có thể là người có đạo, hai điều này có liên quan nhưng không thể dùng để xác định sự tồn tại của nhau.

Theo tôi, tôn giáo đa số bắt nguồn từ một người tâm linh, một vị giáo chủ. Tôn giáo là một hệ thống, một công cụ để truyền bá những tư tưởng tâm linh của giáo chủ đến với các môn đồ. Chấm hết.

Xã hội càng phát triển, con người càng bị cuốn đi nhanh hơn, tâm linh của họ trở nên lạc lõng, bơ vơ, mong manh dễ vỡ. Họ cần một nơi để nương tựa, một nơi để quay về, họ cần người dạy dỗ như đứa trẻ cần mẹ lúc còn thơ. Đó là lý do họ cần tôn giáo – lý do tốt nhất. Tuy nhiên, giữa những người mẹ cũng có sự khác biệt không hề nhỏ. Người mẹ tốt nuôi con, dạy con, để con có thể trưởng thành và tự lập, dạy con biết thêm về cuộc đời và biết tự quyết định cuộc đời mình. Có những người mẹ không hề tốt, là do mụ phù thủy hóa thành chẳng hạn, sẽ rủ ngủ và cho con ăn thuốc lú hàng ngày, để càng lớn con càng phụ thuộc, càng u mê, trở thành một thứ con rối trong tay mụ mà thôi. Cái nguy hiểm nhất là ở chỗ: Không mấy ai mê mà biết mình mê.

Như đã nói trên, tôn giáo là một công cụ, không chỉ là công cụ truyền đạt đến môn đồ mà nó còn được sử dụng theo mục đích của những ai đủ mạnh để thao túng nó. Ví dụ như Nho giáo ngày xưa từng là công cụ để nhà nước phong kiến thống trị thiên hạ “quân xử thần tử, thần bất tử bất trung” đã giết bao nhiêu bậc trung lương, hào kiệt? Hay như Hồi giáo cực đoan ngày nay đánh bom liều chết, khủng bố… Chúng ta là người ngoại đạo, ta nghĩ họ u mê, ngu dại, điên rồ… Nhưng tôi nói cho bạn biết, cảm giác và tư tưởng của họ cũng bình thường y như cảm giác của bạn đối với tôn giáo mà bạn đang theo vậy thôi. Thậm chí có thể nói họ còn là những tín đồ thành kính hơn bạn nữa kia.

Một điểm khác cũng nguy hiểm không kém là hiện tượng “tam sao thất bản”. Đa phần những giáo lý ngày nay là những gì được “suy luận” ra từ tư tưởng, ý kiến của các vị tổ sư khai đạo. Qua nhiều thế hệ dần dần hình thành và phát triển như thế, mỗi tôn giáo lại chia thành nhiều nhánh, nhiều trường phái lớn khác nhau. Ở những nhánh lớn đã có sự khác biệt như thế, thì ở các nhánh nhỏ và siêu nhỏ, ở cấp tỉnh, huyện, làng, xã… các giáo lý đó khi được khai triển ra sẽ biến hóa đến mức độ nào? Hãy thật sự nghiêm túc suy nghĩ về điều này nếu bạn muốn gia nhập một tôn giáo nào đó. Bạn đang làm gì? Đang đi theo ai, đang thực hành những lời dạy của ai? Tất cả những điều này cho mục đích nào?! Hãy dụng tâm, hãy tỉnh táo, hãy quan sát, phân tích trước khi quyết định.

Ông Garrison Keillor có nói một câu như thế này:
“Anyone who thinks sitting in church can make you a Christian must also think that sitting in a garage can make you a car.” Nghĩa là: “Nếu bạn nghĩ rằng ngồi trong nhà thờ có thể xem như người đạo thiên Chúa thì bạn cũng phải tin rằng ngồi trong gara sẽ biến bạn thành một chiếc xe hơi.”

Nếu bạn muốn gia nhập tôn giáo nào đó, hãy xác định rằng bạn đang học tập và thực hành điều tốt, đang dâng hiến xác thân và linh hồn cho một sứ mệnh gian nan nhất là làm đẹp bản thân, làm đẹp cuộc đời. Bạn mang trong mình khát khao rực cháy, bạn muốn đốt mình để tỏa sáng soi đường cho nhân loại u mê, cứu rỗi sinh linh, đem lại an bình cho bá tánh. Ước mơ lớn đó, bạn có không?

Nếu tất cả mọi người đều phải chọn cho mình một tôn giáo, tôi xin mượn lời đức Dalai Lama:
“My religion is kindness.”
 
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này, xin hiểu rằng tôi không có ý công kích trong bất kỳ từ ngữ nào được viết ra.  Cầu chúc cho các bạn mọi điều an vui.



 
Tháng 8/ 2014
Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo

Một chút về cuộc sống

Có hai mẩu chuyện gây ấn tượng mạnh với bản thân tôi khi nghĩ về cuộc sống, xin giới thiệu lại như một lời mở đầu.

Chuyện thứ nhất: Có một người thanh niên sinh ra trong gia đình khá giả, thông minh, chăm chỉ và thành đạt. Nhưng anh ta có một vấn đề thắc mắc mà mãi không thể nào lý giải được, đó là: “Cuộc đời này là gì?” Anh nhìn quanh thì thấy đó là cảnh được mất, hơn thua, tranh danh đoạt lợi, mưu hại lẫn nhau, nhưng cũng có những yêu thương, những hy sinh và những tình cảm đẹp… Quá phức tạp, quá hỗn độn. Và anh quyết định ra đi tìm người có thể giúp anh giải đáp câu hỏi đó. 
Trải qua nắng mưa, sương gió, chịu bao nhiêu khổ hạnh, anh càng nhìn thấy thêm rất nhiều mặt khác của cuộc đời, nhưng chung quy vẫn chưa tìm được đáp án cụ thể. Cuối cùng anh cũng đến được đỉnh núi cao, nơi có một vị thiền sư đang tu tập, mọi người đều nói ông là một người có trí tuệ vô biên, có thể giải đáp được mọi câu hỏi. 
Anh đến và hỏi ông: “Thưa thiền sư, xin cho tôi hỏi: Cuộc đời này là gì?” 
Thiền sư trả lời: “À, cuộc đời là một dòng sông.” 
Rồi nhắm mắt lại không nói thêm lời nào nữa. 
Anh thanh niên tức giận quát vào mặt ông: “Ông trêu đùa gì tôi vậy? Tôi đã trải qua bao nhiêu chuyện, thấy bao nhiêu thứ rồi, đến tận đây để nghe ông nói cuộc đời là dòng sông ư?!”

Câu chuyện kết thúc như vậy, ban đầu tôi cũng chẳng hiểu ra sao, nhưng ngẫm nghĩ lại thì tôi thấy thế này: Cuộc đời của anh thanh niên là vô vàn thứ phức tạp đan xen, là hạnh phúc, khổ đau, dằn vặt.. còn cuộc đời thiền sư thì như dòng sông yên ả. Không ai đúng, ai sai cả, mỗi người đang sống chính là đang định nghĩa cuộc đời mình đó thôi.



Câu chuyện thứ hai: Một thanh niên đến gặp nhà hiền triết và nói: “Con đến để xin thầy kiến thức.” Nhà hiền triết đưa anh ta đến một bờ sông gần đó và cả hai cùng lội xuống nước. Nhà hiền triết bảo người thanh niên bám lấy tay mình rồi nhấn đầu anh ta xuống nước một lúc. Khi người thanh niên ngẩng đầu lên, nhà hiền triết hỏi: “Ngươi đến đây làm gì?” “Con đến xin kiến thức” – người thanh niên đáp một cách chân thành. Nhà hiền triết lại dìm anh ta xuống một lần nữa, và lặp lại câu hỏi. Lần này người thanh niên trả lời: “Cho tôi thở đã, cho tôi thở đã!” Ngay lúc đó, nhà hiền triết buông anh ta ra và thong thả nói: “Khi nào ngươi cần kiến thức như cần không khí để thở, ngươi sẽ tìm thấy nó!”

Câu chuyện này thì dễ hiểu hơn, ý nghĩa của nó nằm ngay câu nói cuối cùng. Nhưng tôi lại có một cách hiểu khác: Đó chính là mọi thứ trên đời này nếu muốn vươn cao, vươn xa thì cần phải bắt nguồn từ một cái gốc, một nền tảng nào đó, và nền tảng sơ khai nhất của mỗi con người chính là sự sống, là việc hít thở. Nếu dừng ở ngay câu “cho tôi hít thở đã, cho tôi hít thở đã” thì ta sẽ thấy điều gì mới là quan trọng nhất đối với người thanh niên. Đó chính là sinh mệnh, hay sức khỏe. Đó là điều quý giá nhất mà mỗi người có được, là nguồn gốc của mọi thứ khác trong đời họ.

Nếu cuộc sống chỉ toàn là đánh đổi, ta đang có những gì và muốn đổi lấy điều chi?

Sống, quan trọng nhất là phải tự biết, tự hiểu được chính bản thân mình. Cuộc đời có hai dạng người đang sống: Dạng cống hiến và dạng đánh đổi. Người cống hiến là những người có niềm đam mê gần như là tín ngưỡng về một lĩnh vực nào đó, họ làm việc, bỏ tâm sức, thời gian vào đó mà không nghĩ đến chuyện gì khác. Số này thì ít lắm. Một dạng trung gian, nhiều hơn một chút là những người thuộc dạng đánh đổi nhưng lại làm ra một số thành tựu nhất định, có thể hiểu đây là những người đầu tư có lãi. Họ bỏ công sức, trí tuệ, thời gian, sức khỏe… ra để làm một việc gì đó, mang lại giá trị cho một nhóm người nào đó và thu về danh tiếng, tiền bạc, quyền hành cho bản thân mình. Dạng cuối cùng là dạng người đánh đổi từ huề tới lỗ vốn. Sau đây tôi không nói về hai dạng người đầu tiên, chỉ nói những người nằm trong dạng cuối cùng thôi.

Theo quy tắc 80-20, tôi tin rằng 80% nhân loại là những kẻ đánh đổi lỗ vốn. Chỉ là qua bao nhiêu năm tháng, xã hội đã có nhiều tư tưởng vĩ đại của tiền nhân được truyền bá để kích thích tinh thần vươn lên của các thế hệ đi sau. Giống như câu của Nguyễn Công Trứ:
“Làm trai đứng ở trong trời đất, phải có danh gì với núi sông.”
Không đâu, có những người cần phải có danh, có người thì không cần. Ai ai cũng có vai trò riêng trong xã hội, tôi không cho rằng nếu 80% nhân loại – những kẻ trao đổi lỗ vốn kia ngừng việc bon chen của họ lại thì xã hội sẽ chậm tiến hay thụt lùi, mà thay vào đó là sự yên bình.

Trong số những người trẻ lao vào ánh hào quang của những thành phố lớn kia, có bao nhiêu người thật sự thành công, bao nhiêu người phải làm việc với số tiền nhận được thấp hơn thời gian và công sức bỏ ra chỉ để mong “bám trụ” lại thành phố? Rồi 10 năm, 20 năm sau tay trắng vẫn hoàn trắng tay. Đó là nói số người may mắn. Còn biết bao chuyện không may, tai nạn, bệnh tật.. khiến họ phải mất đi nhiều thứ hơn là những gì đạt được, thậm chí mất luôn mạng sống. Đơn giản chỉ vì đó không phải là nơi họ nên thuộc về. Có người cũng có thành tựu nhưng phải trả giá bằng sức khỏe, bằng hạnh phúc gia đình, đến khi nhận ra thì muốn lấy lại cũng không được nữa. Có thể họ sẽ học cách cân bằng, họ tin mình sẽ làm được, nhưng thực tế thì không. Nếu làm được thì họ đã ở trong dạng 1 hoặc 2 rồi. Đó là do họ đã bỏ đi thứ họ thật sự cần để đổi về thứ mà xã hội này nói họ cần.

Thường thường điều gì ta có ta hay quên đi hoặc không xem trọng, tình cảm cũng như vậy. Lúc mới yêu, mới cưa cẩm nhau thì hăng say lắm, đến khi quen lâu rồi thì mọi thứ thành thói quen và dần dần trở thành không quan trọng. Có người “hy sinh” tình yêu vì sự nghiệp, hoặc “hy sinh” một tình yêu cũ mèm bằng môt tình yêu mới tinh tươm. Phần nhiều là bỏ đi thứ mình đang có để cố mang về thứ không phải của mình, rồi hối hận cũng đành ngậm bồ hòn làm ngọt vậy thôi. Có anh chê cô người yêu quê mùa, dân dã, nhảy vào “hủ gạo” của một cô con gái rượu của đại gia. Ừ thì cũng kết hôn, cũng sinh con đẻ cái, nhưng cái “phận làm rể” nhiều lúc nó còn chua chát hơn “phận làm dâu” nhiều, đặc biệt là phải sống với một người vợ nhìn mình bằng cặp mắt khinh thường, thái độ của kẻ “bề trên”. Lúc bấy giờ khổ, kêu ai.

•    Tình yêu là tình yêu, không có tình yêu “tốt hơn” đâu. Mang tình yêu đi đổi thứ gì “tốt hơn” là lầm chắc!

•    Công danh, sự nghiệp, cống hiến cho nhân loại là những điều tốt đẹp, nhưng không phải ai cũng nên làm Bill Gates hay Shakespeare.

•    Nếu bạn không biết mình đang có những gì, đừng vội nghĩ đến những thứ cần đổi lấy.

Nếu bạn nằm trong số 20%, hẳn bạn không cần quan tâm đến bài viết này. Vấn đề ở chỗ mọi người đều nghĩ mình nằm trong số 20% đấy. 

Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo
Mấy ngày nay có nhiều thứ xoay quanh mình liên quan đến sách và chuyện đọc sách, thôi thì nói vài dòng...

1. Thằng em mình mới làm "phỏng vấn", có hỏi câu là: "Anh nghĩ sao về văn hóa đọc hiện nay?"

Mình nghĩ rằng ngày nay mọi người có điều kiện đọc nhiều hơn rất nhiều lần so với trước đây, dễ dàng tiếp cận các tác phẩm kinh điển của thế giới cũng như các tác phẩm mới nhất, đối với tài liệu tham khảo và tư liệu khoa học cũng như vậy. Tuy nhiên, cũng vì có quá nhiều lựa chọn và sự bùng nổ thông tin nhanh hơn nhiều so với sự phát triển của văn hóa đọc, cho nên người đọc dễ bị lạc vào những thứ linh tinh câu kéo, những điều bi lụy, cực đoan, tự sướng quá đáng... điều này gây hại cho họ nhiều hơn so với những người không đọc.
 
Việc chọn lọc thông tin là một điều cực kỳ quan trọng. Để làm được điều quan trọng này, mỗi người phải tự tạo một "bộ lọc" cho bản thân mình. Muốn làm được chuyện đó thì trước hết phải đọc đa dạng các thể loại, đừng xem nhẹ hay nặng một thể loại nào: Đọc các tác phẩm kinh điển và các tác phẩm "bình dân", tác phẩm cũ và mới, cao siêu và nhảm nhí... qua đó sẽ thấy được tác phẩm nào thật sự có giá trị đối với bản thân mình.

 Mỗi người cần phải quan sát sự thay đổi của bản thân sau quá trình đọc, dần dần sẽ hình thành được một bộ lọc cho bản thân. Sau một thời gian đọc như vậy, khi tâm lý và kiến thức đã vững vàng thì cho dù đọc cái gì cũng sẽ tìm được cái hay trong đó, và sẽ biết lúc nào mình cần đọc cái gì.


 2. Làm thế nào để hình thành thói quen đọc sách?

Thói quen nào cũng vậy, cần có hai điều quan trọng nhất chính là bắt đầu và kiên trì. Chuyện gì ta làm nhiều thì sẽ giỏi, càng giỏi sẽ càng thích làm, càng thích càng làm nhiều, càng giỏi... Điều quan trọng là đọc thật nhiều.

Ban đầu, khi chưa có thói quen đọc, hãy chọn những thứ gần gũi, yêu thích. Hồi nhỏ mình chỉ đọc truyện tranh, nhưng mình đọc rất rất nhiều truyện tranh, hầu như chỗ thuê truyện có bao nhiêu là mình đọc hết. Rồi sau đó chuyển dần sang truyện chữ thể loại phiêu lưu mạo hiểm như Harry Potter, Annimorph, Eragon... Sau đó lại xoay qua đọc các tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung, Cổ Long, đọc Tam Quốc Diễn Nghĩa, Tây Du Ký. Rồi lại đọc qua các tiểu thuyết phiêu lưu mạo hiểm của phương Tây, rồi dần qua các truyện kinh điển như Tom Sawyer, Không Gia Đình... Đọc các tiểu thuyết trinh thám như Sherlock Holmes, truyện của Agatha Christie, mấy quyển của Dan Brown... Sau đó lại quay lại với truyện Trung Quốc... Mãi về sau này mình mới đọc sách kinh tế, triết học, tâm lý và lịch sử - mấy thể loại mà mình không bao giờ nghĩ mình có thể đọc lúc còn đang đọc truyện tranh. Mình không kén chọn, mình đọc sách giấy, ebook, đọc trên mạng, trên máy tính, trên điện thoại, mọi lúc và mọi nơi.

Đó là một quá trình trong vô thức của mình, nên nó có phần hơi dài, nếu bạn là một người muốn hình thành thói quen đọc sách một cách chủ động, bạn cũng có thể áp dụng nhưng nhanh hơn nhiều: ban đầu đọc những gì yêu thích, đọc thật nhiều, tìm hiểu thêm về tác giả và các tác phẩm cùng chủ đề, rồi dần dần chuyển sang các lĩnh vực tương tự, khi nào cảm thấy có năng lượng thì đọc thử những thể loại bạn chưa bao giờ đọc...

Kiên trì và duy trì năng lượng là điều quan trọng. Đừng tập thói quen đọc phần đầu rồi bỏ, hãy cố gắng đọc hết cả quyển sách. Cứ đọc dần dần tốc độ đọc của bạn sẽ rất nhanh. Và tiếp tục kiên trì cho đến khi nó trở thành nhu cầu không thể thiếu.

 3. Có nhiều bạn kêu mình giới thiệu sách...

Trước hết mình muốn giới thiệu với các bạn câu nói của Frank Zappa: "Too many books, too little time", có nghĩa là "quá nhiều sách, quá ít thời gian". Đây là một câu nói dạng hài hài, châm biếm, nhưng nghĩ ra thì cũng đúng. Sách hay nhiều lắm, ngồi đếm thì không xuể đâu.

Đọc sách, thật ra quan trọng nhất không phải vấn đề tác giả đang nói gì, mà là bản thân mình nhận được điều gì cuốn sách đó. Có những quyển sách khi đọc lại lần hai ta sẽ cảm nhận khác, lần 3 sẽ khác... Quyển sách vẫn như vậy, vấn đề là nhận thức của ta đã khác đi.

Ông Gorki có nói "Văn học là nhân học", vì vậy đôi khi đọc sách người ta thường hay tìm theo tên tác giả, vì các tác phẩm thể hiện một phần con người họ, về cách nhìn và quan điểm sống của tác giả đó. Nếu yêu thích một người thì thường ta sẽ yêu thích các tác phẩm của họ.

Thôi, nói gì thì nói, cuối cùng mình cũng xin giới thiệu vài quyển sách:

- Suối nguồn của Ayn Rand
- Vừa nhắm mắt, vừa mở cửa sổ của Nguyễn Ngọc Thuần
- Eat that frog của Brian Tracy
- Rich dad, poor dad của Robert Kiyosaki
- Các truyện của Haruki Murakami
- Sách về triết lý và thiền của Osho, Thích Nhất Hạnh

 Sách hay thì nhiều lắm, mấy bạn muốn tìm thì hỏi google sẽ tốt hơn hỏi mình. Mình giới thiệu sơ vài quyển thế thôi. Ở Việt Nam gần đây thì anh Nguyễn Ngọc Thuần là tác giả mình thích nhất, vì phong cách và lời văn khá "hạp" với mình.

À, lời khuyên nhỏ dành cho các bạn nếu mới bắt đầu đọc thì đừng đọc những thứ quá kinh điển hay quá nhảm nhí, đọc mấy cái nào dễ dễ, được nhiều người giới thiêu ấy. Hồi đó mình cầm mấy cuốn đoạt giải Nobel văn học về chỉ để ôm ngủ thôi. Biết tiếng Anh là một lợi thế lớn, bạn sẽ đọc được nhiều thứ hơn.

Chúc các bạn có đủ thời gian đọc sách.
 
Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo