Kết quả hình ảnh cho thời gian trôi

Bao nhiêu ngày xuôi ngược
bao nhiêu ngày yêu thương
bao nhiêu ngày vội vã
buồn thương như tơ vương

Rồi một ngày yên ả
sầu vơi buông hoa rơi
trở mình rồi tự hỏi
năm tháng nào đang trôi

- Nhất Bảo
Cách đây ít lâu có mấy bạn hỏi tôi những câu hỏi liên quan đến tâm linh và tôn giáo như: “Anh tin trên đời có ma không?” “Anh nghĩ gì về các linh hồn, thượng đế, thiên đường, địa ngục?” “Anh có theo đạo nào không?”… Và mới gần đây bạn tôi “thổ lộ” rằng: “Chắc em đi tu quá!” Vậy nên tôi viết bài này chia sẻ đôi điều quan điểm của tôi về tâm linh và tôn giáo để cho bạn tôi, nếu có đi tu, sẽ được thành chánh quả.

Tôi là người tâm linh

Về cơ bản, một người tâm linh là người có niềm tin và tin tưởng vào niềm tin đó. Đôi khi đó có thể là những điều bí ẩn đằng sau sự sống mà khoa học chưa giải thích, chứng minh được, đó cũng có thể là những điều rất bình thường, giản dị mà người khác chẳng thèm tin. Phật Thích Ca là một người tâm linh, niềm tin của ông là nhân quả, vô thường và từ, bi, hỷ, xả. Chúa Jesus là một người tâm linh, niềm tin của ông là tình yêu thương đồng loại, là sự soi sáng dẫn đường cho những người còn trong tăm tối – “thiên Chúa là tình yêu”…

Tôi cũng là một người tâm linh, tôi tin con người có linh hồn và hồn ma là những linh hồn của người đã chết, tôi tin mỗi người sinh ra là có một sứ mệnh và chúng ta đến với cuộc đời này là để tìm ra sứ mệnh đó, tôi tin vào sự trưởng thành của tâm thức, sự kiên định của đức tin và tôi tin mỗi người cần tìm cho mình một đức tin nào đó. Tôi cũng tin một số điều mà người khác không tin hoặc chưa nghe nói đến, tôi không bài xích niềm tin của người khác, tôi chỉ quan sát chúng với một con mắt tò mò, học hỏi…

Tuy vậy, trong phần giới thiệu về bản thân tôi có viết: “All religions are nice; all Gods are kind. I’m not religious.” Nghĩa là đối với tôi tất cả tôn giáo đều tốt, các vị thánh thần đều tuyệt vời, nhưng tôi không theo tôn giáo nào cả.


Sự khác biệt của tâm linh và tôn giáo là gì?

Một người tâm linh chưa hẳn là theo một tôn giáo nào đó, một người có đạo chưa hẳn là người tâm linh và một người tâm linh cũng có thể là người có đạo, hai điều này có liên quan nhưng không thể dùng để xác định sự tồn tại của nhau.

Theo tôi, tôn giáo đa số bắt nguồn từ một người tâm linh, một vị giáo chủ. Tôn giáo là một hệ thống, một công cụ để truyền bá những tư tưởng tâm linh của giáo chủ đến với các môn đồ. Chấm hết.

Xã hội càng phát triển, con người càng bị cuốn đi nhanh hơn, tâm linh của họ trở nên lạc lõng, bơ vơ, mong manh dễ vỡ. Họ cần một nơi để nương tựa, một nơi để quay về, họ cần người dạy dỗ như đứa trẻ cần mẹ lúc còn thơ. Đó là lý do họ cần tôn giáo – lý do tốt nhất. Tuy nhiên, giữa những người mẹ cũng có sự khác biệt không hề nhỏ. Người mẹ tốt nuôi con, dạy con, để con có thể trưởng thành và tự lập, dạy con biết thêm về cuộc đời và biết tự quyết định cuộc đời mình. Có những người mẹ không hề tốt, là do mụ phù thủy hóa thành chẳng hạn, sẽ rủ ngủ và cho con ăn thuốc lú hàng ngày, để càng lớn con càng phụ thuộc, càng u mê, trở thành một thứ con rối trong tay mụ mà thôi. Cái nguy hiểm nhất là ở chỗ: Không mấy ai mê mà biết mình mê.

Như đã nói trên, tôn giáo là một công cụ, không chỉ là công cụ truyền đạt đến môn đồ mà nó còn được sử dụng theo mục đích của những ai đủ mạnh để thao túng nó. Ví dụ như Nho giáo ngày xưa từng là công cụ để nhà nước phong kiến thống trị thiên hạ “quân xử thần tử, thần bất tử bất trung” đã giết bao nhiêu bậc trung lương, hào kiệt? Hay như Hồi giáo cực đoan ngày nay đánh bom liều chết, khủng bố… Chúng ta là người ngoại đạo, ta nghĩ họ u mê, ngu dại, điên rồ… Nhưng tôi nói cho bạn biết, cảm giác và tư tưởng của họ cũng bình thường y như cảm giác của bạn đối với tôn giáo mà bạn đang theo vậy thôi. Thậm chí có thể nói họ còn là những tín đồ thành kính hơn bạn nữa kia.

Một điểm khác cũng nguy hiểm không kém là hiện tượng “tam sao thất bản”. Đa phần những giáo lý ngày nay là những gì được “suy luận” ra từ tư tưởng, ý kiến của các vị tổ sư khai đạo. Qua nhiều thế hệ dần dần hình thành và phát triển như thế, mỗi tôn giáo lại chia thành nhiều nhánh, nhiều trường phái lớn khác nhau. Ở những nhánh lớn đã có sự khác biệt như thế, thì ở các nhánh nhỏ và siêu nhỏ, ở cấp tỉnh, huyện, làng, xã… các giáo lý đó khi được khai triển ra sẽ biến hóa đến mức độ nào? Hãy thật sự nghiêm túc suy nghĩ về điều này nếu bạn muốn gia nhập một tôn giáo nào đó. Bạn đang làm gì? Đang đi theo ai, đang thực hành những lời dạy của ai? Tất cả những điều này cho mục đích nào?! Hãy dụng tâm, hãy tỉnh táo, hãy quan sát, phân tích trước khi quyết định.

Ông Garrison Keillor có nói một câu như thế này:
“Anyone who thinks sitting in church can make you a Christian must also think that sitting in a garage can make you a car.” Nghĩa là: “Nếu bạn nghĩ rằng ngồi trong nhà thờ có thể xem như người đạo thiên Chúa thì bạn cũng phải tin rằng ngồi trong gara sẽ biến bạn thành một chiếc xe hơi.”

Nếu bạn muốn gia nhập tôn giáo nào đó, hãy xác định rằng bạn đang học tập và thực hành điều tốt, đang dâng hiến xác thân và linh hồn cho một sứ mệnh gian nan nhất là làm đẹp bản thân, làm đẹp cuộc đời. Bạn mang trong mình khát khao rực cháy, bạn muốn đốt mình để tỏa sáng soi đường cho nhân loại u mê, cứu rỗi sinh linh, đem lại an bình cho bá tánh. Ước mơ lớn đó, bạn có không?

Nếu tất cả mọi người đều phải chọn cho mình một tôn giáo, tôi xin mượn lời đức Dalai Lama:
“My religion is kindness.”
 
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này, xin hiểu rằng tôi không có ý công kích trong bất kỳ từ ngữ nào được viết ra.  Cầu chúc cho các bạn mọi điều an vui.



 
Tháng 8/ 2014
Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo

Một chút về cuộc sống

Có hai mẩu chuyện gây ấn tượng mạnh với bản thân tôi khi nghĩ về cuộc sống, xin giới thiệu lại như một lời mở đầu.

Chuyện thứ nhất: Có một người thanh niên sinh ra trong gia đình khá giả, thông minh, chăm chỉ và thành đạt. Nhưng anh ta có một vấn đề thắc mắc mà mãi không thể nào lý giải được, đó là: “Cuộc đời này là gì?” Anh nhìn quanh thì thấy đó là cảnh được mất, hơn thua, tranh danh đoạt lợi, mưu hại lẫn nhau, nhưng cũng có những yêu thương, những hy sinh và những tình cảm đẹp… Quá phức tạp, quá hỗn độn. Và anh quyết định ra đi tìm người có thể giúp anh giải đáp câu hỏi đó. 
Trải qua nắng mưa, sương gió, chịu bao nhiêu khổ hạnh, anh càng nhìn thấy thêm rất nhiều mặt khác của cuộc đời, nhưng chung quy vẫn chưa tìm được đáp án cụ thể. Cuối cùng anh cũng đến được đỉnh núi cao, nơi có một vị thiền sư đang tu tập, mọi người đều nói ông là một người có trí tuệ vô biên, có thể giải đáp được mọi câu hỏi. 
Anh đến và hỏi ông: “Thưa thiền sư, xin cho tôi hỏi: Cuộc đời này là gì?” 
Thiền sư trả lời: “À, cuộc đời là một dòng sông.” 
Rồi nhắm mắt lại không nói thêm lời nào nữa. 
Anh thanh niên tức giận quát vào mặt ông: “Ông trêu đùa gì tôi vậy? Tôi đã trải qua bao nhiêu chuyện, thấy bao nhiêu thứ rồi, đến tận đây để nghe ông nói cuộc đời là dòng sông ư?!”

Câu chuyện kết thúc như vậy, ban đầu tôi cũng chẳng hiểu ra sao, nhưng ngẫm nghĩ lại thì tôi thấy thế này: Cuộc đời của anh thanh niên là vô vàn thứ phức tạp đan xen, là hạnh phúc, khổ đau, dằn vặt.. còn cuộc đời thiền sư thì như dòng sông yên ả. Không ai đúng, ai sai cả, mỗi người đang sống chính là đang định nghĩa cuộc đời mình đó thôi.



Câu chuyện thứ hai: Một thanh niên đến gặp nhà hiền triết và nói: “Con đến để xin thầy kiến thức.” Nhà hiền triết đưa anh ta đến một bờ sông gần đó và cả hai cùng lội xuống nước. Nhà hiền triết bảo người thanh niên bám lấy tay mình rồi nhấn đầu anh ta xuống nước một lúc. Khi người thanh niên ngẩng đầu lên, nhà hiền triết hỏi: “Ngươi đến đây làm gì?” “Con đến xin kiến thức” – người thanh niên đáp một cách chân thành. Nhà hiền triết lại dìm anh ta xuống một lần nữa, và lặp lại câu hỏi. Lần này người thanh niên trả lời: “Cho tôi thở đã, cho tôi thở đã!” Ngay lúc đó, nhà hiền triết buông anh ta ra và thong thả nói: “Khi nào ngươi cần kiến thức như cần không khí để thở, ngươi sẽ tìm thấy nó!”

Câu chuyện này thì dễ hiểu hơn, ý nghĩa của nó nằm ngay câu nói cuối cùng. Nhưng tôi lại có một cách hiểu khác: Đó chính là mọi thứ trên đời này nếu muốn vươn cao, vươn xa thì cần phải bắt nguồn từ một cái gốc, một nền tảng nào đó, và nền tảng sơ khai nhất của mỗi con người chính là sự sống, là việc hít thở. Nếu dừng ở ngay câu “cho tôi hít thở đã, cho tôi hít thở đã” thì ta sẽ thấy điều gì mới là quan trọng nhất đối với người thanh niên. Đó chính là sinh mệnh, hay sức khỏe. Đó là điều quý giá nhất mà mỗi người có được, là nguồn gốc của mọi thứ khác trong đời họ.

Nếu cuộc sống chỉ toàn là đánh đổi, ta đang có những gì và muốn đổi lấy điều chi?

Sống, quan trọng nhất là phải tự biết, tự hiểu được chính bản thân mình. Cuộc đời có hai dạng người đang sống: Dạng cống hiến và dạng đánh đổi. Người cống hiến là những người có niềm đam mê gần như là tín ngưỡng về một lĩnh vực nào đó, họ làm việc, bỏ tâm sức, thời gian vào đó mà không nghĩ đến chuyện gì khác. Số này thì ít lắm. Một dạng trung gian, nhiều hơn một chút là những người thuộc dạng đánh đổi nhưng lại làm ra một số thành tựu nhất định, có thể hiểu đây là những người đầu tư có lãi. Họ bỏ công sức, trí tuệ, thời gian, sức khỏe… ra để làm một việc gì đó, mang lại giá trị cho một nhóm người nào đó và thu về danh tiếng, tiền bạc, quyền hành cho bản thân mình. Dạng cuối cùng là dạng người đánh đổi từ huề tới lỗ vốn. Sau đây tôi không nói về hai dạng người đầu tiên, chỉ nói những người nằm trong dạng cuối cùng thôi.

Theo quy tắc 80-20, tôi tin rằng 80% nhân loại là những kẻ đánh đổi lỗ vốn. Chỉ là qua bao nhiêu năm tháng, xã hội đã có nhiều tư tưởng vĩ đại của tiền nhân được truyền bá để kích thích tinh thần vươn lên của các thế hệ đi sau. Giống như câu của Nguyễn Công Trứ:
“Làm trai đứng ở trong trời đất, phải có danh gì với núi sông.”
Không đâu, có những người cần phải có danh, có người thì không cần. Ai ai cũng có vai trò riêng trong xã hội, tôi không cho rằng nếu 80% nhân loại – những kẻ trao đổi lỗ vốn kia ngừng việc bon chen của họ lại thì xã hội sẽ chậm tiến hay thụt lùi, mà thay vào đó là sự yên bình.

Trong số những người trẻ lao vào ánh hào quang của những thành phố lớn kia, có bao nhiêu người thật sự thành công, bao nhiêu người phải làm việc với số tiền nhận được thấp hơn thời gian và công sức bỏ ra chỉ để mong “bám trụ” lại thành phố? Rồi 10 năm, 20 năm sau tay trắng vẫn hoàn trắng tay. Đó là nói số người may mắn. Còn biết bao chuyện không may, tai nạn, bệnh tật.. khiến họ phải mất đi nhiều thứ hơn là những gì đạt được, thậm chí mất luôn mạng sống. Đơn giản chỉ vì đó không phải là nơi họ nên thuộc về. Có người cũng có thành tựu nhưng phải trả giá bằng sức khỏe, bằng hạnh phúc gia đình, đến khi nhận ra thì muốn lấy lại cũng không được nữa. Có thể họ sẽ học cách cân bằng, họ tin mình sẽ làm được, nhưng thực tế thì không. Nếu làm được thì họ đã ở trong dạng 1 hoặc 2 rồi. Đó là do họ đã bỏ đi thứ họ thật sự cần để đổi về thứ mà xã hội này nói họ cần.

Thường thường điều gì ta có ta hay quên đi hoặc không xem trọng, tình cảm cũng như vậy. Lúc mới yêu, mới cưa cẩm nhau thì hăng say lắm, đến khi quen lâu rồi thì mọi thứ thành thói quen và dần dần trở thành không quan trọng. Có người “hy sinh” tình yêu vì sự nghiệp, hoặc “hy sinh” một tình yêu cũ mèm bằng môt tình yêu mới tinh tươm. Phần nhiều là bỏ đi thứ mình đang có để cố mang về thứ không phải của mình, rồi hối hận cũng đành ngậm bồ hòn làm ngọt vậy thôi. Có anh chê cô người yêu quê mùa, dân dã, nhảy vào “hủ gạo” của một cô con gái rượu của đại gia. Ừ thì cũng kết hôn, cũng sinh con đẻ cái, nhưng cái “phận làm rể” nhiều lúc nó còn chua chát hơn “phận làm dâu” nhiều, đặc biệt là phải sống với một người vợ nhìn mình bằng cặp mắt khinh thường, thái độ của kẻ “bề trên”. Lúc bấy giờ khổ, kêu ai.

•    Tình yêu là tình yêu, không có tình yêu “tốt hơn” đâu. Mang tình yêu đi đổi thứ gì “tốt hơn” là lầm chắc!

•    Công danh, sự nghiệp, cống hiến cho nhân loại là những điều tốt đẹp, nhưng không phải ai cũng nên làm Bill Gates hay Shakespeare.

•    Nếu bạn không biết mình đang có những gì, đừng vội nghĩ đến những thứ cần đổi lấy.

Nếu bạn nằm trong số 20%, hẳn bạn không cần quan tâm đến bài viết này. Vấn đề ở chỗ mọi người đều nghĩ mình nằm trong số 20% đấy. 

Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo
Mấy ngày nay có nhiều thứ xoay quanh mình liên quan đến sách và chuyện đọc sách, thôi thì nói vài dòng...

1. Thằng em mình mới làm "phỏng vấn", có hỏi câu là: "Anh nghĩ sao về văn hóa đọc hiện nay?"

Mình nghĩ rằng ngày nay mọi người có điều kiện đọc nhiều hơn rất nhiều lần so với trước đây, dễ dàng tiếp cận các tác phẩm kinh điển của thế giới cũng như các tác phẩm mới nhất, đối với tài liệu tham khảo và tư liệu khoa học cũng như vậy. Tuy nhiên, cũng vì có quá nhiều lựa chọn và sự bùng nổ thông tin nhanh hơn nhiều so với sự phát triển của văn hóa đọc, cho nên người đọc dễ bị lạc vào những thứ linh tinh câu kéo, những điều bi lụy, cực đoan, tự sướng quá đáng... điều này gây hại cho họ nhiều hơn so với những người không đọc.
 
Việc chọn lọc thông tin là một điều cực kỳ quan trọng. Để làm được điều quan trọng này, mỗi người phải tự tạo một "bộ lọc" cho bản thân mình. Muốn làm được chuyện đó thì trước hết phải đọc đa dạng các thể loại, đừng xem nhẹ hay nặng một thể loại nào: Đọc các tác phẩm kinh điển và các tác phẩm "bình dân", tác phẩm cũ và mới, cao siêu và nhảm nhí... qua đó sẽ thấy được tác phẩm nào thật sự có giá trị đối với bản thân mình.

 Mỗi người cần phải quan sát sự thay đổi của bản thân sau quá trình đọc, dần dần sẽ hình thành được một bộ lọc cho bản thân. Sau một thời gian đọc như vậy, khi tâm lý và kiến thức đã vững vàng thì cho dù đọc cái gì cũng sẽ tìm được cái hay trong đó, và sẽ biết lúc nào mình cần đọc cái gì.


 2. Làm thế nào để hình thành thói quen đọc sách?

Thói quen nào cũng vậy, cần có hai điều quan trọng nhất chính là bắt đầu và kiên trì. Chuyện gì ta làm nhiều thì sẽ giỏi, càng giỏi sẽ càng thích làm, càng thích càng làm nhiều, càng giỏi... Điều quan trọng là đọc thật nhiều.

Ban đầu, khi chưa có thói quen đọc, hãy chọn những thứ gần gũi, yêu thích. Hồi nhỏ mình chỉ đọc truyện tranh, nhưng mình đọc rất rất nhiều truyện tranh, hầu như chỗ thuê truyện có bao nhiêu là mình đọc hết. Rồi sau đó chuyển dần sang truyện chữ thể loại phiêu lưu mạo hiểm như Harry Potter, Annimorph, Eragon... Sau đó lại xoay qua đọc các tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung, Cổ Long, đọc Tam Quốc Diễn Nghĩa, Tây Du Ký. Rồi lại đọc qua các tiểu thuyết phiêu lưu mạo hiểm của phương Tây, rồi dần qua các truyện kinh điển như Tom Sawyer, Không Gia Đình... Đọc các tiểu thuyết trinh thám như Sherlock Holmes, truyện của Agatha Christie, mấy quyển của Dan Brown... Sau đó lại quay lại với truyện Trung Quốc... Mãi về sau này mình mới đọc sách kinh tế, triết học, tâm lý và lịch sử - mấy thể loại mà mình không bao giờ nghĩ mình có thể đọc lúc còn đang đọc truyện tranh. Mình không kén chọn, mình đọc sách giấy, ebook, đọc trên mạng, trên máy tính, trên điện thoại, mọi lúc và mọi nơi.

Đó là một quá trình trong vô thức của mình, nên nó có phần hơi dài, nếu bạn là một người muốn hình thành thói quen đọc sách một cách chủ động, bạn cũng có thể áp dụng nhưng nhanh hơn nhiều: ban đầu đọc những gì yêu thích, đọc thật nhiều, tìm hiểu thêm về tác giả và các tác phẩm cùng chủ đề, rồi dần dần chuyển sang các lĩnh vực tương tự, khi nào cảm thấy có năng lượng thì đọc thử những thể loại bạn chưa bao giờ đọc...

Kiên trì và duy trì năng lượng là điều quan trọng. Đừng tập thói quen đọc phần đầu rồi bỏ, hãy cố gắng đọc hết cả quyển sách. Cứ đọc dần dần tốc độ đọc của bạn sẽ rất nhanh. Và tiếp tục kiên trì cho đến khi nó trở thành nhu cầu không thể thiếu.

 3. Có nhiều bạn kêu mình giới thiệu sách...

Trước hết mình muốn giới thiệu với các bạn câu nói của Frank Zappa: "Too many books, too little time", có nghĩa là "quá nhiều sách, quá ít thời gian". Đây là một câu nói dạng hài hài, châm biếm, nhưng nghĩ ra thì cũng đúng. Sách hay nhiều lắm, ngồi đếm thì không xuể đâu.

Đọc sách, thật ra quan trọng nhất không phải vấn đề tác giả đang nói gì, mà là bản thân mình nhận được điều gì cuốn sách đó. Có những quyển sách khi đọc lại lần hai ta sẽ cảm nhận khác, lần 3 sẽ khác... Quyển sách vẫn như vậy, vấn đề là nhận thức của ta đã khác đi.

Ông Gorki có nói "Văn học là nhân học", vì vậy đôi khi đọc sách người ta thường hay tìm theo tên tác giả, vì các tác phẩm thể hiện một phần con người họ, về cách nhìn và quan điểm sống của tác giả đó. Nếu yêu thích một người thì thường ta sẽ yêu thích các tác phẩm của họ.

Thôi, nói gì thì nói, cuối cùng mình cũng xin giới thiệu vài quyển sách:

- Suối nguồn của Ayn Rand
- Vừa nhắm mắt, vừa mở cửa sổ của Nguyễn Ngọc Thuần
- Eat that frog của Brian Tracy
- Rich dad, poor dad của Robert Kiyosaki
- Các truyện của Haruki Murakami
- Sách về triết lý và thiền của Osho, Thích Nhất Hạnh

 Sách hay thì nhiều lắm, mấy bạn muốn tìm thì hỏi google sẽ tốt hơn hỏi mình. Mình giới thiệu sơ vài quyển thế thôi. Ở Việt Nam gần đây thì anh Nguyễn Ngọc Thuần là tác giả mình thích nhất, vì phong cách và lời văn khá "hạp" với mình.

À, lời khuyên nhỏ dành cho các bạn nếu mới bắt đầu đọc thì đừng đọc những thứ quá kinh điển hay quá nhảm nhí, đọc mấy cái nào dễ dễ, được nhiều người giới thiêu ấy. Hồi đó mình cầm mấy cuốn đoạt giải Nobel văn học về chỉ để ôm ngủ thôi. Biết tiếng Anh là một lợi thế lớn, bạn sẽ đọc được nhiều thứ hơn.

Chúc các bạn có đủ thời gian đọc sách.
 
Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo
Mười một giờ ba mươi. Trinh phóng xe một mình trên đại lộ vắng tênh. Đêm mùa hè vắng vẻ, những cơn gió ngược chiều làm cô cười khẽ. Khoảnh khắc này thật thoải mái và bình yên.

Lác đác vài chiếc xe ngược chiều. Chỉ mình cô phóng xe dưới ánh đèn vàng chóe. Dường như chưa bao giờ cô cảm thấy ít cô đơn như thế. Cũng đúng, người ta cô đơn không phải khi ở một mình, mà là khi thiếu vắng một sự quan tâm họ mong đợi từ ai đó. Không còn ai, cô đơn cũng mất dần theo.

Cô đơn đi rồi thì cơn khát lại đến. Cuộc đời con người cứ đan xen những điều như thế: giữa thực và ảo, giữa những gì cao xa thần thánh với những điều trần tục, bản năng. Cô ghé qua cửa hàng 24h mua một lon bia. Cũng nên ăn mừng một tí, mừng cho bước tiến trong mối quan hệ của cô và cái thành phố đông đúc, xa lạ này.

Cho cuộc ăn mừng nho nhỏ này, cô quay xe và đến một chỗ đông người hơn. Dù có trốn tránh bao lâu thì cũng phải trở về, cô muốn đối mặt với mọi thứ bằng một tâm thái vui tươi nhất. Bật nắp lon bia, uống từng hớp nhỏ. Nhìn từng người đi qua trên phố, cô nhớ những người đi qua cuộc đời mình. Từng ngụm bia trôi qua cổ họng, khi thì ngọt ngào, khi thì đắng nghét.

Hơn nửa lon, cô dừng lại, xỏa tóc ra, lắc lắc đầu một chút. Cô nhớ lại thì ra đây là cuộc ăn mừng. Uống vì cô và vì thành phố - hai kẻ vừa nảy sinh tình cảm với nhau. Những xúc cảm ban đầu chẳng phải luôn đẹp lắm sao. Cô dốc lon bia và uống cạn trong một hơi dài, thật ngọt.

Không ngờ bia cũng có khi ngọt ngào như vậy, còn ngọt hơn nhiều lời nói của những gã trai. Cô lẩm bẩm nói sau nụ cười khó hiểu.



Niềm vui xa lạ vừa thoáng qua đi, những phút suy tư và nỗi buồn lại tới. Có lẽ chúng ta chẳng bao giờ thoát khỏi nỗi buồn của chính mình, ta chỉ tìm cách đẩy chúng ra xa, chôn giấu vào một miền ký ức nào đó mà thôi.

Trinh lại nhớ về Hoàng, người yêu đầu tiên. Mấy năm tuổi trẻ và đam mê thoáng qua, mắt cô sáng ngời lên rất lạ. Cô nhớ về những xao xuyến bâng khuâng, những buổi hẹn hò giữa hai môn học. Hai người bên nhau như hình với bóng, có lúc cũng bàn chuyện tương lai, lên đại học thì thế nào, khi nào cưới nhau… Đúng là trẻ con, Trinh lại cười, một nụ cười như giễu cợt, mà cũng như thông cảm, bao dung.

Vì sao người ta phải lớn? Yêu nhau như trẻ con chẳng phải vui sao.

Năm đó là năm cuối cấp, bao nhiêu bài vở chất chồng, rồi áp lực chọn trường, chọn ngành, rồi thi cử, điểm sàn, tỷ lệ chọi…Trinh và Hoàng cũng ít có dịp gần nhau. Hoàng gần đây hơi khác lạ, luôn tỏ ra nhớ nhung, nồng nhiệt thái quá. Rồi một ngày Hoàng nói muốn hai người thật sự là “của nhau”. Trinh hơi bối rối, nhưng vô cùng kiên quyết. Cô chẳng phải là người quá truyền thống, cũng không có ý nghĩ “giữ cho đêm tân hôn”. Nhưng không phải lúc này. Cô nhìn Hoàng và nói từng câu, thật nhỏ nhẹ và rõ ràng

Tình cảm của Trinh dành cho Hoàng ra sao Hoàng cũng biết mà. Chúng ta là của nhau, nhưng chuyện đó để sau có được không. Trinh chưa sẵn sàng lúc này.

Khi nào mới là thời gian thích hợp? Tụi mình yêu nhau 2 năm rồi.

Trinh chưa biết, nhưng không phải bây giờ. Tụi mình cũng vui vẻ mà, Hoàng chỉ vì chuyện đó thôi sao?!

Giọng nói Trinh bỗng đanh lại như tiếng gầm gừ trong cổ họng. Trinh giật mình. Hoàng cũng giật mình. Rồi như tỉnh lại, Hoàng cười cười.

Ừ, Hoàng xin lỗi, có lẽ gần đây nhiều chuyện bức bối quá. Thôi mình đi dạo cho mát đi.
Họ đi dạo nhưng không hề mát, chẳng ai để ý xem những cơn gió đã trốn đi đâu, vì mỗi người đều chạy theo những suy nghĩ riêng mình.

Từ hôm đó, họ gặp nhau ít hơn, vì bài vở, vì những lớp học thêm, luyện thi không cùng giờ hay vì một khúc mắc không biết đường khai mở. Chiều Chủ nhật, được nghỉ lớp toán, nếu là trước đây thì Trinh đã nhắn cho Hoàng, hỏi Hoàng đang ở đâu và gọi đến cùng đi. Hôm nay Trinh đạp xe quanh phố một mình, định bụng sẽ đi ăn chút gì rồi chờ cho đến lớp học kế tiếp. Cô thấy Hoàng như đang ở một nơi nào xa lắm. Rồi như có một sự linh ứng nào đó, trước mặt cô là Hoàng – Hoàng chở Hân đi ra từ nhà nghỉ Chung Thủy ngay trước mặt. Họ đi cùng chiều và chạy vội nên không thấy Trinh. Trinh lấy điện thoại chụp vội một tấm ảnh, gửi email cho Hoàng cùng với một lời nhắn: Chúc Hoàng đậu đại học, tạm biệt.

Đó là tin nhắn cuối cùng, Hoàng cũng không hồi âm, không giải thích và không còn liên lạc nào nữa. Nhiều lúc Trinh tự hỏi không biết có cuộc chia tay nào êm đềm như thế không?

Lên Đại học, Trinh hoạt bát hơn xưa, đã biết trang điểm và chăm sóc bản thân chút ít cộng thêm tính hay cười và ăn nói có duyên nên thu hút khá nhiều chàng trai theo đuổi. Những cái tên vụt lướt qua: Trung, Toàn, An, Thắng… Quá nhiều sự hấp dẫn, chinh phục nhưng chẳng thấy chân tình. Thành phố này vội vã làm cho người dân của nó chỉ thích đánh nhanh thắng nhanh? Những kiểu tán tỉnh và hứa hẹn thì vô cùng phong phú, nhưng mục đích thì cũng chỉ như nhau. Đó cũng là bình thường, Trinh không khinh ghét họ vì điều đó, chỉ là không có cảm giác, nên phải cách xa thôi.

Xã hội tạo ra nhiều con người tinh quái, nhưng cũng còn bỏ lại đâu đó những kẻ khù khờ. Thanh là một tên như thế. Trinh đã biết tên khờ cùng lớp thích mình từ giữa năm nhất. Thế nhưng hắn chỉ thỉnh thoảng nhìn lén từ phía xa, khi cô nhìn lại thì bối rối cúi gằm xuống như đang đọc một thứ gì đó rất chăm chú trên mặt bàn vậy. Kệ. Nhát đến nỗi không dám làm quen thì chịu thôi.

Hồi sáng này vô tình đi chung thang máy. Đến chiều, thấy một số lạ nhắn tin: Trinh, tóc bạn thơm thật. Thanh.

Nghĩ đến đây, Trinh lại cười, rồi lấy điện thoại soạn tin: Cảm ơn nha. Chúc ngủ ngon, ngố.

Khen tóc thơm? Nghe cũng hay hay.

Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo
23/3/2015

Từ hôm 13/11 tới nay, "khủng bố" dần trở thành từ khóa phổ biến nhất. Qua phong trào #prayforParis người ta ít nhiều biết thêm thông tin về khủng bố, về IS và về nhiều nạn nhân của khủng bố khác ngoài Paris. Ngay cả những người theo đạo Hồi cũng là nạn nhân.

Cũng từ sau vụ 13/11, nhiều nhân vật tình nghi bị bắt, một số vũ khí và âm mưu bị phơi bày và nhiều vụ khủng bố bất thành khác xuất hiện trên truyền thông đại chúng.



Ngoài Pháp, nhiều nước châu Âu cũng đang trong tình trạng chống khủng bố cao độ, điển hình như ở Bĩ. Ngay cả Mỹ cũng xảy ra tranh luận về việc tạm thời thắt chặt chính sách nhập cư để ngăn ngừa nguy cơ khủng bố.

Có thể nói toàn thế giới đang đấu tranh, hay ít ra đang quan tâm đến khủng bố nói chung và IS nói riêng, theo cách này hay cách khác.

Trước sự nổi tiếng tầm cỡ thế giới của IS, mới đây hôm 21/11, Al Qeada - tổ chức lừng danh của trùm khủng bố Bin Laden - lên tiếng khẳng định sự tồn tại của mình bằng vụ tấn công một khách sạn ở Mali làm hơn 20 người chết.

Hai tổ chức khủng bố hàng đầu đang thi nhau dùng tính mạng dân thường để khẳng định sự tồn tại và nâng tầm ảnh hưởng của mình.

Khủng bố, mục đích của nó chính là khủng bố - là gây hoang mang, hoảng loạn, sợ hãi và qua đó tuyên truyền danh tiếng của thủ phạm.

Nếu chúng ta hoang mang, sợ hãi, hoảng loạn... nghĩa là ta đã bị khủng bố. Và nếu ta bằng cách nào đó là truyền những điều trên cho người khác, ta cũng là khủng bố.

22/11/2015
Nhất Bảo
Cần gì để viết? Câu trả lời chính xác nhưng có phần đơn giản và không kém phần lãng xẹt chính là:Cần giấy, bút và biết chữ. Nếu bạn không tìm được giấy và bút thì dùng tạm bàn phím cũng không sao, miễn sao ghi ra chữ là viết được rồi.



Thật ra điều đó đúng, mà chưa đủ. Vấn đề là bạn muốn viết về điều gì, trong bài viết của bạn có nội dung gì, lập luận ra sao, dẫn chứng thế nào và quan trọng nhất là mang đến giá trị gì cho người đọc. Điều này có thể rất khác nhau: Có thể là thơ, văn, kịch, tin tức, suy ngẫm, triết lý, vân vân và vân vân. Điều kiện đủ để có một bài viết hay một bài thơ, bài văn hoặc một quyển sách, theo tôi là giá trị cốt lõi bên trong của nó. Nghĩa là chỉ cần bạn có một giá trị nào đó muốn nói, muốn truyền đạt thông qua những con chữ của mình thì bạn có thể viết.

“Người khôn nói vì họ có điều muốn nói; Kẻ dại nói vì họ cần phải nói điều gì đó.” – Plato

Để viết văn, ngay cả học giả Nguyễn Hiến Lê viết cuốn “Luyện văn” cũng phải chia làm 3 tập, mỗi tập dày mấy trăm trang! Tôi viết bài này không phải để bàn về cách viết một bài luận, bài thơ hay bài văn, vì tôi thấy mình chưa có gì để nói trong lĩnh vực này. Tôi chỉ muốn chia sẻ với mọi người câu chuyện viết lách của bản thân tôi, và qua đó là một vài ý kiến về những điều cần thiết cho một người muốn bắt đầu viết nhưng vẫn chưa thật sự cầm bút hay đặt tay lên bàn phím.

Tôi viết…

Hồi tiểu học, khi được chọn đi thi học sinh giỏi hai môn văn và toán, cha tôi bảo tôi đừng thi văn, con trai phải học toán, phải học các môn tự nhiên thì mới là con trai. Trong suốt mấy năm trung học cơ sở, tôi được nghe thêm rằng “sau này làm gì thì làm, đừng làm nhà văn hay nhà báo”, thế nên càng ngày tôi càng xa lánh môn văn. Thế nhưng thành tích môn văn và anh văn của tôi cũng rất khá, do tôi có hứng thú tự nhiên với hai môn này.

Mỗi đầu năm học, khi vừa mua bộ sách giáo khoa mới là tôi đọc trong mấy ngày cho xong hết từ đầu đến cuối các quyển sách: Sử, địa, giáo dục công dân và đặc biệt là sách văn và anh văn. Cứ sách nào có nhiều chữ là tôi đọc hết. Lúc đó thì chả có gì chơi, với lại ham cái mới, muốn xem mình sẽ học những gì trong năm thôi chứ tôi không cho rằng mình có khái niệm “ham đọc sách” hay gì cả. Nhưng thực tế thì việc đọc này giúp tôi học tốt và dễ dàng hơn rất nhiều!

Về chuyện làm “tập làm văn” làm bài viết hay là những bài luận sau này trên đại học của tôi, tôi đềulàm theo hướng dẫn hết! Nghĩa là phải cảm thấy căm hờn khi đọc một bài dịch, cảm thấy đau khổ trước cảnh nghèo, chua xót cho thân phận con người trong xã hội… Đối với các bài luận thì đỡ hơn, nhưng họ cũng chỉ đưa ra chủ đề có sẵn và tôi cứ việc chọn một bên mà ủng hộ, đưa ra lý lẽ và dẫn chứng là xong. Điểm các bài luận của tôi khá cao vì đơn giản là tôi áp dụng đầy đủ những gì giáo viên dạy.

Nói tóm lại là sau hai mươi năm đi học từ nhỏ đến lớn điều tôi học được chính là: Viết văn cần phải có chủ đề, phải có mở bài, thân bài và kết bài, phải có dẫn chứng, lý lẽ hỗ trợ cho ý mình muốn nói và phải nêu được quan điểm cá nhân mình trong bài viết. Mấy điều này tôi nghĩ ai cũng được học hết.
Tôi biết đọc sách có lẽ là từ năm 22 tuổi, đến nay được 6 năm, tôi có nhiều thời gian rảnh lắm nên tôi đọc đủ thứ: Từ tiểu thuyết tình cảm, kiếm hiệp, dã sử, sách dạy kinh doanh, nghệ thuật sống, truyện trinh thám, sách tâm lý, tôn giáo, triết học hoặc những cuốn trộn lẫn tất cả những điều kể trên. Mấy năm đầu là khoảng thời gian tôi chán đời, ghét đời lắm, cho nên tôi đọc đủ thứ, tìm cái mình thấy hay trong đó và liên hệ với những gì đã biết, suy nghĩ thêm về nó nhưng không tin một chút gì trong sách cả. Quá trình này đã hình thành nên một cái gì đó trong tôi.

Rồi tôi bắt đầu “viết” bằng cách viết những dòng status trên facebook. Ban đầu tôi chỉ đưa mấy câu trích dẫn mà mình thấy hay, rồi nêu vài ý nghĩ của bản thân mình hay diễn giải, minh họa thêm chút ít. Rồi dần dần tôi chỉ viết những ý nghĩ của mình là chính. Chỉ là vài ba câu ngắn thôi (vì thật ra trên facebook mà viết dài cũng không ai đọc – ít ra trong danh sách bạn bè của tôi lúc đó là như thế).

Việc “tỏ ra triết lý” và “dạy đời” thì tất nhiên là nhận được vô số chỉ trích, góp ý này kia rồi, có một số bạn khá thân bắt đầu “lơ” đi.. Nhưng tôi cũng nhận được không ít lời động viên, khích lệ từ những người bạn chưa bao giờ gặp mặt. Điều này cũng làm tôi nhận thức sâu hơn về chuyện hợp tan, yêu ghét trên đời… Và tôi vẫn cứ viết.

Rồi đến ngày 16/2/2014, vì thực hiện lời hứa với một người bạn mà tôi gửi một cái “status” hơi nhiều chữ của mình lên Triết Học Đường Phố. Lúc gửi, tôi nghĩ: “Ừ thì mình thực hiện lời hứa rồi, đã gửi, còn được đăng hay không thì không phải do mình.” Và hôm sau, tôi thấy bài viết đầu tiên của mình – một cái status nhiều chữ về hình xăm xuất hiện trên trang chủ của Triết Học Đường Phố, thế là tôi lại gửi thêm một bài khác, thử xem được đăng không. Đó là bài “Ta chạy vì điều gì?”, bài này không ngờ được hơn 500 likes và xếp vào mục “bài nổi bật”. Thế là tôi bắt đầu viết. Các bài viết của tôi nói về đủ thứ chủ đề: Tình yêu, cuộc sống, thành công, đam mê, sợ hãi… Cứ mỗi ngày một bài khoảng hơn 1000 từ, đến nay đã được 26 bài liên tục.

Khi tôi viết liên tục với tốc độ 1 bài/ngày, thái độ của bạn bè tôi với việc này rất khác nhau. Có người ủng hộ, có người ngạc nhiên, có người nghi ngờ và có người dè bỉu. Có người khuyên tôi nên viết chậm lại, cứ viết ào ào như vậy thì làm sao mà có “chất” được. Nhiều lý do đến nỗi tôi cũng đâm ra nghi ngờ và tự hỏi: “Ngày mai liệu mình có thể viết một bài gì đó nữa hay không?” Nhưng rồi tôi vẫn viết tiếp mỗi ngày mà chẳng thấy gì khó khăn hay khó chịu, vì tôi có những yếu tố sau đây.

Những yếu tố cần có để viết

1. Hiểu và biết cách vận dụng ngôn ngữ. Điều đầu tiên mà ta cần để viết là ngôn ngữ, viết cho đúng chính tả, đúng ngữ pháp, đôi khi dùng các biện pháp so sánh và những điển tích nhất định. Quan trọng nhất là khả năng diễn đạt đúng những gì mình muốn nói thành chữ, thành câu. Muốn có điều này cần phải đọc, phải học và phải để tâm vào việc đọc, việc học đó.

2. Có phương pháp. Điều này tùy vào việc bạn viết văn, thơ, tiểu thuyết hay nghiên cứu khoa học mà dùng phương pháp khác nhau. Dù là công việc sáng tạo cỡ nào cũng cần có phương pháp của nó, nếu bạn muốn “think outside the box” cũng tốt thôi, nhưng bạn phải biết “the box” là cái gì trước. Ví dụ như các bài viết của tôi thường bắt đầu bằng một đoạn dẫn, sau đó là giới thiệu chủ đề muốn nói, triển khai các ý rồi kết luận (đơn giản kiểu tập làm văn ấy mà, nhưng đó cũng là phương pháp).

3. Có đủ kiến thức nền tảng. Bạn không cần phải là chuyên gia trong mọi lĩnh vực, nhưng ít nhất cần phải hiểu rõ điều bạn đang muốn nói đến trong bài viết. Nếu sử dụng một chi tiết mơ hồ trong bài viết thì phải sử dụng với ý tứ trào phúng hoặc dùng nó để minh họa hay hướng đến vấn đề chính của bài viết.

4. Có nội dung. Viết hay, viết dở, viết đúng, viết sai… để đó tính sau. Trước hết là khi đọc một bài viết cần phải biết bạn đang muốn nói về điều gì. Ý bạn là gì khi viết bài này? Tránh kiểu nói nước đôi “cái này cũng đúng mà cái kia cũng không sai”. Có thể là vậy thật, nhưng theo bạn thì bạn ủng hộ cái nào?!

5. Có giá trị cốt lõi. Điều này khó có thể thấy qua một bài viết mà phải thông qua nhiều bài viết. Ví dụ như giá trị cốt lõi của đạo Phật là: Vô ngã, nhân quả, vô thường, từ bi. Nghĩa là dù tồn tại ở dạng kinh văn hay pháp thoại thì những gì đạo Phật nói ra đều phải xoay quanh những cái lõi nói trên. Điều này rất quan trọng, bạn phải xác định giá trị cốt lõi của mình là gì, nó sẽ giúp bạn nhìn mọi vấn đề một cách có hệ thống, một cách nhất quán.

6. Có lòng tin. Nếu không có lòng tin chắc tôi đã bỏ cái “thói” viết status triết lý dạy đời, cũng không bao giờ dám viết lên mấy bài viết kiểu “Sống sao không uổng kiếp phù du” hay là “Đam mê là gì, làm sao để giữ lửa đam mê?”. Hãy giữ vững lòng tin và làm điều bạn cho rằng có ý nghĩa, miễn là nó không tổn hại lợi ích của ai! Nếu cứ quan tâm tới thị phi thì bạn chẳng bước đi nổi đâu. Và đã không quan tâm đến khen chê của thiên hạ thì bạn cũng đừng bao giờ tự chế diễu bản thân mình kiểu “mình làm sao mà viết được, bày đặt viết này kia người ta cười cho.” Tự tin lên nhé!

7. Có một khởi đầu. Hãy đặt bút xuống và viết, hãy đặt tay lên bàn phím và gõ những ký tự đầu tiên. Nếu bạn đã có đủ những yếu tố trên thì bạn sẽ ngạc nhiên với những gì mình làm được. Việc có đủ hay chưa chẳng thể nào xác định được khi bạn chưa thật sự viết. Nếu bạn thích, hãy viết bài viết đầu tiên của bạn ngay đi.

 Hãy viết thứ mà chính bản thân bạn muốn đọc. Và nhớ rằng bạn sẽ không bao giờ biết mình có thể làm được gì đến khi bạn thật sự làm điều đó!

Chúc bạn thành công.

Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo

Máy vi tính thật sự là một phát minh vĩ đại, nó ảnh hưởng đến tất cả mọi hoạt động trong cuộc sống và tạo ra thêm rất nhiều ngành, nghề, lĩnh vực. Nhưng nó chỉ thật sự trở nên gần gũi với người dân khi Bill Gates cùng các cộng sự tạo nên hệ điều hành đầu tiên và sau đó là các phiên bản Windows – những giao diện giúp người dùng khai thác, sử dụng và gần gũi với máy tính nhiều hơn. Rồi mạng internet xuất hiện để mọi người chia sẻ dữ liệu với nhau, truyền thông tin cho nhau, rồi các loại trò chơi trực tuyến, các mạng xã hội ra đời dần dần hình thành nên một thứ mà chúng ta gọi là “thế giới ảo”. Và đã là thế giới thì tối thiểu phải có hai thứ: Ánh sáng và bóng tối.

Ánh sáng ở đâu? Hãy nhìn quanh và bạn có thể dễ dàng thấy ánh sáng khắp nơi. Loài người là sinh vật sống trong ánh sáng. Ngay cả việc bạn có thể đọc những dòng này cũng là một phần ánh sáng của công nghệ thông tin. Nơi nào có ánh sáng thì nơi đó có bóng tối. Về bản chất thì bóng tối cũng như ánh sáng, nhưng bởi vì nó là cái gì người ta không thể nhìn thấu, là thứ người ta sợ hãi, xa lánh nên nó trở thành nguyên liệu tốt nhất cho những câu chuyện ma, chuyện kinh dị và dần dần thành hiện thân của cái ác, cái xấu. Đó là do chúng ta làm cho ánh sáng và bóng tối thành như vậy chứ chẳng có thánh thiện hay tà ác nào ở đây.

Internet, game online hay mạng xã hội cũng như vậy. Khi đã tạo ra một “thế giới ảo” thì ta cần biết nó cũng có ngày và đêm, cũng có ánh sáng và bóng tối. Ngày thì làm việc, đêm thì nghỉ ngơi. Sáng ngắm bình minh, chiều ngắm hoàng hôn, tối thì ngắm trăng sao. Đó mới là cách hưởng thụ cuộc sống.Thế nhưng có một số lập luận lại chỉ ra bóng đêm nguy hiểm thế này, tai hại thế kia để kéo theo rằng ánh sáng cũng chả ra gì và nên từ bỏ cái “thế giới ảo” để “trở về cuộc sống thực”?!

Ảo hay thực là cách bạn sống, không phải là thế giới mà bạn sống trong đó.

Bạn cho rằng không nên suốt ngày cắm đầu vào máy tính hay điện thoại, kéo kéo từng trang mạng xã hội, chúi mũi vào các video, không nên gửi tâm trạng vào các dòng status, không nên trò chuyện với những người bạn quen biết trên mạng xã hội… vì những điều đó là không thật? Bạn khuyên nên tắt máy tính, chạy ra ngoài xã hội, gặp gỡ người thật, làm những việc thật… thì mới là thật?! Liệu có chắc rằng những người nghe lời khuyên của bạn khi bỏ cái “thế giới ảo” này để chạy sang “thế giới thật” lại không trở thành những kẻ ngồi lê đôi mách, tụ tập chơi bời, quậy phá nhậu nhẹt…?

Cũng giống như nói về vấn đề “cai nghiện facebook” của một số bạn, tôi từng nói là: Một ngày của chúng ta ai cũng có 24 giờ thôi, nếu bạn thật sự muốn cuộc sống thú vị hơn thì cứ tìm việc thú vị, có ích mà làm, tự nhiên thời gian dành cho facebook sẽ giảm lại hoặc không còn nữa. Còn nếu bạn không có việc gì khác để làm thì bỏ facebook rồi bạn cũng sẽ tìm đến một thứ khác để giết thời gian thôi.

Quan trọng hơn là nhiều người do muốn đạt mục đích lại lập luận một cách lệch lạc, lấy cái hay của thế giới này so với cái dở của thế giới kia. Giống như một người vô công rỗi nghề, thích ăn diện, show hàng, khoác lác… từ thế giới ảo nhảy qua thế giới thực một phát là trở thành con ngoan trò giỏi, thanh niên gương mẫu vậy. Cách so sánh đó mới “ảo” làm sao!




Nếu bạn là một người năng động, thích tiệc tùng, tụ tập, cười đùa với bạn bè, hãy nghe Criss Jami nói câu này:

“Telling an introvert to go to a party is like telling a saint to go to hell.”
Nghĩa là: “Bảo một người hướng nội đi dự tiệc cũng giống như bảo một vị thánh xuống địa ngục vậy.”

Nếu muốn tìm hiểu thêm thế nào là người hướng nội, và họ khác với những người hướng ngoại như thế nào, hãy xem video “The power of an introvert” của Susan Cain. (có phụ đề tiếng Việt)

Điều tôi muốn nói qua những trích dẫn trên là: Sự khác biệt, sự phù hợp và sự lựa chọn. Đừng đắm mình trong thế giới ảo để chìm sâu trong đó nếu bạn không thật sự muốn như vậy. Nếu bạn biết mình đang làm gì và đó thật sự là cuộc sống mà bạn chọn, bạn hạnh phúc với nó, thì tại sao không?! Bạn vẫn có thể có nhiều bạn bè, vẫn có thể tạo ra giá trị trong thế giới ảo này, và những giá trị đó là giá trị thực. Đừng quan niệm giá trị ảo thì không phải là giá trị. Bạn nghĩ rằng Google là những cổ máy trong một cái xưởng khổng lồ thôi sao? Không, Google đâu phải những cổ máy đó, Google là cái ảo nhưng nó mang đến giá trị thật, nó nuôi sống và giúp ích cho hàng triệu triệu người.

Lại nói, trong “cuộc sống thực” này mọi người đều sống thật hay sao? Bao nhiêu người sống vì cách nhìn của người khác, sống theo chuẩn mực của người khác, làm việc và học tập vì lý tưởng của người khác? Bao nhiêu người chết vì cái “sĩ diện hão”? Ở xã hội thực này lại thiếu những cái “ảo” đó hay sao?! Người ta đối xử với nhau bằng chân tình cả sao, tiếp xúc với nhau thì không lừa dối nhau, tổn thương nhau sao? Những người yêu, người vợ, người chồng ngoài đời này lừa dối, phụ bạc nhau ít sao?

Nếu nhìn một cái nhìn hư ảo, thì cuộc đời này có cái gì là thật đâu bạn. Tất cả mọi thứ đều chỉ là mây gió thoảng qua thôi. Điều quan trọng để xác định một thứ gì đó là thật hay ảo đối với bản thân ta chính là ta có thật sự đặt tâm trí mình vào đó hay không, ta có đang “sống” trong đó hay không. Nơi nào ta sống thật, nơi đó là thế giới thật.






Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo
Có một điểm sai lầm mà nhiều người trong chúng ta thường mắc phải: Đó là đặt trách nhiệm cuộc đời mình lên vai người khác. Nguyên nhân thì có rất nhiều: Chưa trưởng thành, thiếu bản lĩnh, thiếu nhận thức, thiếu can đảm… Dù là nguyên nhân nào đi nữa thì chỉ cần ta còn đặt trách nhiệm của đời mình lên vai người khác thì thành công hay thất bại của ta cũng không hoàn toàn là của bản thân ta. Nếu đó là thành công thì chắc chẳng mấy ai đặt “công lao” đó lên kẻ khác, phần nhiều đều nghĩ là do mình giỏi. Và nếu mỗi khi thất bại lại tìm nơi, tìm người, tìm vật, tìm hoàn cảnh mà đổ lỗi thì sẽ chẳng bao giờ hiểu được vấn đề, chẳng bao giờ giải quyết được vấn đề.

Thế nào là trưởng thành?

Có một số bạn học sinh, sinh viên nhắn tin hỏi tôi nhiều câu có nội dung như là: “Em phải làm sao để tự lập?” “Ba mẹ/anh chị em quản lý và can thiệp vào cuộc sống của em nhiều quá, em phải làm sao?” Hoặc là những băn khoăn như: “Em nghĩ việc này chắc ba mẹ không cho phép đâu.”
 
Câu trả lời tôi dành cho họ là: “Đó là do em chưa thật sự trưởng thành trong mắt gia đình, em vẫn còn là một đứa con nít cần bảo bọc. Hãy chứng tỏ cho ba mẹ, anh chị thấy rằng em đã trưởng thành thì họ sẽ ít can thiệp vào những quyết định của em hơn.” Rồi họ lại hỏi: “Làm sao chứng tỏ được đây? Ba mẹ chẳng bao giờ chịu nghe em nói.”

Tôi trả lời: “Muốn biết một người có trưởng thành hay không không nhất thiết là dựa vào tuổi tác, theo anh tiêu chuẩn của trưởng thành là biết rõ việc mình làm; dám và có khả năng chịu được hậu quả mà việc làm đó có thể gây nên; kiên định với sự lựa chọn đó của mình. Còn việc ba mẹ không chịu nghe em nói thì do khi nói em vẫn đang dùng cách nói của trẻ con, em vẫn đang “xin phép” chứ không phải là “trao đổi” “chia sẻ”. Nếu em có thể có điều kiện cần là “trưởng thành” thì “cách nói” chỉ là điều kiện đủ mà thôi. Cứ thay đổi cách nói cho phù hợp đến khi nào thành công là được.”

Hãy tự gánh lấy cuộc đời mình!

Tự chịu và có khả năng chịu trách nhiệm cho việc mình làm là một tiêu chí quan trọng để xác định một người “lớn” hay “nhỏ”, trưởng thành hay chưa. Một người càng lớn càng có trách nhiệm hơn với chính mình và có thể gánh vác những trách nhiệm càng lớn.

Lúc bạn học mẫu giáo, lớp 1, cha mẹ có trách nhiệm nhắc nhở bạn phải học, và học tốt ra sao. Cha mẹ nấu cơm cho bạn ăn, giăng mùng cho bạn ngủ, chăm sóc bạn lúc ốm đau… Những trách nhiệm đó vốn là của bạn, nhưng vì bạn còn nhỏ, chưa thể tự làm hoặc làm chưa tốt nên trách nhiệm đó nằm trên người cha mẹ bạn. Cha mẹ hoàn toàn tự nguyện và xem đó là trách nhiệm của chính họ, nhưng đối với bản thân bạn mà nói thì lúc này bạn hoàn toàn phụ thuộc vào cha mẹ. Phạm vi phụ thuộc nhỏ dần, nhỏ dần, nhưng một ngày còn phụ thuộc là một ngày bạn còn chưa thật sự lớn.

Muốn trưởng thành hơn trong mắt cha mẹ hay mọi người xung quanh, hãy tự giác gánh vác và chịu trách nhiệm những việc liên quan đến cuộc đời bạn. Khi bạn có thể tự chăm sóc bản thân, tự hoạch định tương lai, tự giác rèn luyện đạo đức, phẩm chất, tính tình… tốt hơn thì cha mẹ bạn sẽ tự nhiên công nhận bạn là người lớn.

Đi suốt cuộc đời, cần bao nhiêu người để ta đổ lỗi?

 “Đừng đặt gánh nặng cuộc đời mình lên vai người khác” – Hiểu được điều này cũng giúp ta tránh được nhiều nỗi phiền muộn, âu lo. Khi đặt trách nhiệm của mình lên vai người khác, ta thường phải lo lắng, ưu tư, không biết người ta có thực hiện tốt nghĩa vụ với cuộc đời mình hay không!

Giống như trong tình yêu, nhiều người rất sợ bạn trai/bạn gái mình thay đổi, không còn yêu nữa hoặc có người khác. Tuy nhiên, họ lại đặt trách nhiệm cho sự “chung thủy – không thay đổi” đó lên người bạn mình theo kiểu”anh/em yêu tôi thì không được thế này, anh/em phải làm thế kia”… Điều đó sai lầm rồi. Nó sẽ làm cho bạn luôn luôn phải lo âu vì trách nhiệm cho tình cảm của bạn đã được đặt lên vai người khác. Họ thay đổi lúc nào, làm không tốt lúc nào… làm sao bạn biết được?! Dù cho đó có là người yêu hay vợ/chồng cũng thế. Hãy tự hỏi: Muốn cho tình yêu bền vững thì bạn phải làm gì? Bạn đã làm những chuyện đó tốt hay chưa?

Trong tất cả mọi vấn đề xoay quanh cuộc sống của bạn: Sức khỏe, tình bạn, tình yêu, tiền bạc, địa vị… Hãy xác định:

•    Vị trí của bạn ở đâu trong vấn đề này.
•    Bạn có thể tác động đến vấn đề này như thế nào/bằng cách nào?
•    Hãy làm tốt nhất có thể trong khả năng của bạn! Vì sao? Vì đây là nhân tố duy nhất tự thân bạn có khả năng quyết định! Nếu như đã làm tốt nhất có thể thì chẳng bao giờ phải hối hận về sau.








Khi ta tự gánh lấy mọi trách nhiệm liên quan đến cuộc đời mình, đó là lúc ta thật sự bắt đầu làm chủ bản thân, thật sự lớn.



Chúc mọi điều bình yên nhé.

Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo
 Tôi có viết một bài, tựa đề là “Nền Tảng Tốt Đẹp Nhất Của Giáo Dục Là Yêu Thương”, tôi tin yêu thương nếu được đong đầy sẽ giải quyết tốt mọi vấn đề của xã hội, của loài người. Trong cuộc sống, có nhiều tình huống rất khó khăn để đạt được “điều kiện lý tưởng” như vậy, nhưng chúng ta cần có niềm tin, cần nhắc nhở chính mình rằng có một con đường như thế.

Theo tôi, giải pháp trên là một phương án hoàn mỹ, nhưng cần có sự chuẩn bị và bước chuyển mình thật lâu để đi đến mục tiêu. Nhìn vào thực tế, để đạt được hiệu quả, kết quả mong muốn của giáo dục là tạo ra những thế hệ học sinh, sinh viên “đáng đồng tiền bát gạo”, tôi cho rằng có một giải pháp khác – đó là xem Giáo dục như một ngành kinh doanh.

“Khách hàng là thượng đế”

Trong thời đại này, tôi cho rằng slogan “khách hàng là thượng đế” mạnh hơn nhiều so với câu đầy nhân văn “vì tương lai con em chúng ta”. Nghe thì hay nhưng sự thật là con em của ai thì người nấy “vì” thế thôi, bằng chứng là rất nhiều con em Việt Nam đã, đang và sẽ ra nước ngoài du học, thậm chí là từ cấp 3.

Nếu xem học sinh, sinh viên là khách hàng, trường học là một công ty thì thầy, cô giáo là những nhân viên kỹ thuật, nhân viên chăm sóc khách hàng, Hiệu trưởng là CEO. Như vậy, mỗi công ty phải xây dựng cho mình triết lý kinh doanh, thương hiệu, chất lượng và cạnh tranh về giá cả… tất cả mọi mặt là để đáp ứng và làm vừa lòng khách hàng. Sẽ không có chuyện thầy cô giáo dạy học sinh không hiểu mà quát mắng, đánh đòn, ngược lại thầy cô phải luôn cập nhật kiến thức, tìm cách dạy mới hay hơn, hiệu quả hơn, nếu không làm vậy sẽ có thể mất việc.

Các vị lãnh đạo của công ty sẽ không phải chạy theo thành tích ảo vì lợi nhuận của công ty ảnh hưởng đến họ trước tiên. Để thu hút khách hàng, họ sẽ phải đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, nhân lực, kỹ thuật… Khi đó thì trường học tốt hơn biết bao nhiêu.



“Tiền nào của nấy”

Nếu giáo dục chỉ đơn thuần là kinh doanh, sẽ có cạnh tranh và từ đó là nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm… Điểm quan trọng cần lưu ý rằng đã là kinh doanh thì phải có lợi nhuận, cho nên bạn sẽ phải trả số tiền phù hợp với chất lượng dịch vụ bạn muốn nhận. Nếu bạn cho rằng trường này giá cao mà chất lượng thấp? Tốt thôi, chọn trường khác! Mà những trường như thế cũng chẳng tồn tại được bao lâu trong quy luật cạnh tranh đâu.

Khách hàng sẽ được phục vụ tốt hơn, nhưng bên cạnh đó cũng xuất hiện sự phân hóa giàu – nghèo. Điều này đối với xã hội nói chung là một cái gì đó hơi khó chịu, một chút buồn tủi cho người nghèo. Tuy nhiên đối với từng cá nhân, từng gia đình, tôi vẫn cho rằng đây là một chuyện tốt. Đó cũng là một nguồn động lực để mọi người vươn lên đến cuộc sống tốt hơn, đặt ra nhiều mục tiêu có thể đạt đến hơn trong cuộc sống: Có tiền nhiều – học trường sang; tiền không nhiều – học trường trung bình; nghèo – học trường bèo. Dù là trường bèo thì nó cũng tốt hơn nhiều trường miễn phí như hiện nay.
Dù muốn dù không, dù là khách hàng hay doanh nghiệp thì chỉ khi thật sự làm việc vì lợi ích của chính mình người ta mới có thể tận tâm, tận lực và cảm thấy xứng đáng với những gì mình bỏ ra. Thầy cô giáo cố gắng dạy tốt hơn để tăng lương, học sinh cố gắng học tốt hơn để khỏi phí tiền học phí. Một khi đã làm việc vì lợi ích của chính mình thì chất lượng và năng suất tăng là điều hiển nhiên, quan trọng nhất là giá trị cốt lõi của doanh nghiệp – lượng kiến thức chuyên môn phải đảm bảo, đến một mức nào đó thì sự khác nhau giữa trường sang và trường bèo chỉ là trang thiết bị cao cấp và cái thương hiệu mà thôi.

Có lần tôi xem một ảnh vui thế này: Một bên là một cái áo trắng trơn, giá 5 đồng, bên kia cũng là cái áo trắng đó, thêm một cái logo, giá 50 đồng. Vậy đó, người nghèo mặc áo trắng, người giàu mặc áo có logo, quan trọng là mọi người đều có áo để mặc, không phải mặc áo rách hay ở trần. Đó cũng chính là tác dụng tích cực khi xem giáo dục là một ngành kinh doanh.

Điều này có thực tế không?

Thực tế lắm chứ, người ta làm nhiều rồi! Hiện nay ở Việt Nam cũng xuất hiện nhiều trường quốc tế, trường tư, tuy chất lượng vẫn chưa đồng đều nhưng nhiều trường vẫn tốt hơn các trường công nổi tiếng. Nước ta vẫn còn nhiều người quan niệm rằng trường công thì tốt hơn trường tư, quan niệm đó lỗi thời lâu rồi. Về vấn đề học phí cao thì như đã nói trên “tiền nào của nấy”, nhưng dân ta ngày nay giàu lắm, nếu trong nước không có chỗ cho họ xài thì họ mang tiền ra nước ngoài xài càng lỗ hơn.
Hãy nhìn sự phát triển của các bệnh viện, phòng khám tư nhân thì rõ. Sự phát triển của nó thúc đẩy sự phát triển của chất lượng y tế trong cộng đồng, mang đến nhiều lựa chọn hơn cho người dân, góp phần giảm tải cho các bệnh viện công. Điểm khác biệt lớn nhất chính là chất lượng phục vụ. Làm kinh doanh thì phải khác so với làm bổn phận, làm cho mình thì tích cực hơn là chuyện bình thường!

Nhìn ra thế giới

Chất lượng giáo dục của các nước phương Tây tốt hơn nước ta nhiều, chuyện đó khỏi bàn, mà tôi cũng không biết nhiều để bàn, bạn nào biết xin kể cho tôi nghe với. Điều làm tôi ngạc nhiên là triết lý, cách nhìn với giáo dục của họ khác phương Đông. Dưới đây là vài điểm khác biệt thú vị:
Trong khi phương Đông chúng ta tôn sư trọng đạo, chúng ta có nhiều bài học, nhiều câu ca dao, tục ngữ, danh ngôn… nói về bổn phận của người học trò, thì ở phương Tây ngược lại, các câu danh ngôn của họ phần lớn là nói về bổn phận của người thầy!

“The mediocre teacher tells. The good teacher explains. The superior teacher demonstrates. The great teacher inspires.” — William Arthur Ward
Tạm dịch là: “Giáo viên bình thường nói. Giáo viên tốt giải thích. Giáo viên giỏi minh họa. Giáo viên tuyệt vời truyền cảm hứng.”

Một chi tiết khác là ngày Quốc tế Nhà giáo (World Teaches’ Day) được tổ chức hàng năm vào ngày 05 tháng 10, và nó chỉ bắt đầu có từ năm 1994, trong khi ngày “Nhà Giáo Việt Nam” đã có từ năm 1982. Ngoài ra, nhiều nước trên thế giới cũng không có ngày Nhà Giáo, có nước tổ chức mừng ngày Quốc Tế Nhà Giáo, có nước không tổ chức.

Tóm lại: Nếu xem giáo dục là một ngành kinh doanh chân chính, chất lượng sẽ được nâng cao, mọi người sẽ biết rõ vị trí của mình, làm việc vì lợi ích của mình, đó sẽ là một bước phát triển rất tốt về giá trị kiến thức cũng như chuyên môn của sinh viên khi ra trường. Tuy nhiên, trong môi trường như vậy thì vấn đề còn bỏ ngõ chính là làm sao đào tạo được một người có đủ cả 3T: “Có tâm, có tầm và có tài.”

Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo
Thời đi học, tôi có vài lần làm bài luận về chủ đề “Có nên bỏ án tử hình hay không?” Nên và không nên đều có lý do của nó, cái nào cũng hợp lý nếu áp dụng trong những điều kiện khác nhau. Dù viết bao nhiêu lần, tôi vẫn chọn ủng hộ việc bỏ án tử hình. Sau đây là một vài lý do từ cả hai phía.

Vì sao nên duy trì án tử hình?

– Để loại bỏ những phần tử xấu, cùng hung cực ác, không thể hối cãi ra khỏi xã hội, tránh làm hại người lương thiện.
– Để trả lại sự công bằng cho người bị hại, để công lý được thực thi, để phát huy sự tôn nghiêm của pháp luật.
– Để răn đe những tội phạm tiềm năng.
– Để tiết kiệm chi phí nhà tù: ý này tôi đọc được từ nhiều nguồn và thấy cũng có lý. Ai ai cũng nhốt vô tù, mà lại ngồi chung thân thì không đủ chỗ chứa, và phí duy trì lại cao, không biết phải cất bao nhiêu cái nhà tù cho đủ!

Vì sao nên bỏ án tử hình?

– Vì chúng ta đều là con người, không có quyền giết người khác. Tử hình cũng là giết người, cũng có nghĩa là sau một tội ác lại có thêm một tội ác.
– Tử hình không hề có chút lợi ích nào cho người bị hại.
– Tử hình tước bỏ hi vọng làm lại cuộc đời của phạm nhân. Nếu là án oan thì càng khổ.
– Tử hình răn đe tội phạm tiềm năng chỉ là suy đoán. Trong giới giang hồ thì những ai từng vào tù lại là người có “máu mặt” hơn, ai dám liều mạng hơn thì được tôn trọng hơn… Tất nhiên những ông trùm thật sự thì lại là người rất ư “trong sạch”. Nhưng giới “đàn em” mới chiếm số đông, và đối mặt với án tử hình vẫn dám hiên ngang hành động thì lại càng kích thích. Mặt khác, đối với người bình thường, họ chỉ phạm tội khi mất kiểm soát, ức chế, thù hận, ghen tuông, tham lam… và khi đó thì án tử hình có là gì.

Tất nhiên là còn nhiều lý do nên và không nên khác nữa, chẳng hạn như điều kiện kinh tế của quốc gia, nhận thức của người dân, truyền thống đạo đức, các phương tiện thông tin đại chúng, internet…ảnh hưởng đến việc sử dụng hay bãi bỏ án tử hình ở từng quốc gia. Tôi không phàn nàn gì về sự lựa chọn của bất cứ quốc gia nào, vì tôi cho rằng tầm nhìn của các vị lãnh đạo quốc gia hơn tôi rất xa. Điều tôi muốn nói đến tiếp theo là cảm giác, thái độ của con người, của dư luận, đám đông hay từng cá nhân đối với án tử hình.

Cảm giác của con người khi nhìn về những bản án tử hình là gì?

Lâu lâu báo chí lại đưa tin về một vụ án cực kỳ nghiêm trọng và khủng khiếp nào đó. Và hễ cứ có mấy vụ như vậy là báo lại bán chạy hơn rất nhiều lần! Người ta lên án, đả kích, chửi mắng, nhục mạ, đòi chém đòi giết hung thủ, trong khi những gì họ biết chỉ thông qua vài tin (thậm chí là 01 tin) một tờ báo nào đó. Rất nhiều, rất nhiều người trong số họ không biết, không quen với người bị hại, thậm chí không quan tâm đến người bị hại là ai. Vậy họ cổ vũ việc giết người (tử hình) là vì đâu? Từ rất lâu trước đây, tôi có đọc được một câu rất phũ phàng như vầy:

“Con người là động vật hưng phấn trước nỗi đau của đồng loại.” – khuyết danh

Thời trung cổ, tại các đấu trường La Mã thường có cảnh hàng trăm, hàng ngàn người reo hò khi thấy một võ sĩ giác đấu kết liễu mạng sống võ sĩ khác, họ kêu gào hưng phấn: “Giết! Giết! Giết nó đi! Kết thúc nó đi!”

Vâng, đó là một trò chơi, họ không xem những người kia là người! Phải chăng vì trò chơi đó ngày nay bị cấm cho nên người ta cổ vũ việc giết người bằng một cách khác đi? Con người mà không xem đồng loại mình là người, vậy có còn là người không? Không! Giây phút đó, cái giây phút mà họ đứng lên reo hò cổ vũ hành động giết người, họ chỉ còn phần con mà thôi.

Đừng, xin đừng nóng giận! Tôi không nói con người chính nghĩa là bạn đâu. Tôi không nói những con người mong muốn công lý được thực thi, những con người mong muốn công bằng cho nạn nhân là các bạn đâu. Tôi lại càng không dám nói những người thật sự mong muốn một xã hội công bằng, hạnh phúc, an toàn là tất cả chúng ta đâu. Những gì tôi nói là một góc khuất trong tâm trí, của một ai đó trong chúng ta, chẳng ai chứng minh được, chẳng ai phạt tù bạn vì chuyện đó hay chẳng ai tử hình bạn vì chuyện đó được cả. Tôi nói để chúng ta có dịp nhìn mặt “nó” mà thôi.


Vì rất nhiều lý do, chúng ta vẫn phải thi hành án tử hình – giết người. Tuy nhiên, bạn có nghĩ rằng, nếu tất cả mọi người khi xem báo, xem tin tức, xem thời sự… đầu tiên là tiếc thương, chia sẻ cho nạn nhân, sau đó là thương tiếc cho tội nhân, nếu người ta có thể thể hiện thái độ giống như vẻ mặt đau buồn của vị bác sĩ khi phải nói câu: “Xin lỗi, chúng tôi đã cố gắng hết sức” vì buộc lòng phải giết người tử tù thì sẽ tốt đẹp và đáng quý bao nhiêu so với vẻ háo hức và thỏa mãn kia không?

Nếu có một ngày, chúng ta có một xã hội như thế, một cộng đồng NGƯỜI như thế thì tôi tin chẳng cần đến án tử hình mà chi nữa.
Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo
Có đôi lần tôi nghĩ về định mệnh. Tôi mường tượng nó giống như một dòng chảy lớn mà mỗi kiếp người ta đều phải lênh đênh trên đó. Khi sinh ra cũng là lúc ta bị ném vào trong vòng chảy cuộc đời – dòng định mệnh. Khác nhau ở chỗ có người được ném trên chiếc thuyền to, có người là con xuồng nhỏ, có người chỉ được mỗi cái phao bơi, cũng có người rơi tòm xuống dòng định mệnh mà không có vật chi bên người cả. Rồi chúng ta bơi qua cuộc đời theo nhiều cách khác nhau như thế.

Điều tôi muốn nói trong bài viết này là trong dòng chảy đó luôn có những con sóng lớn nhỏ khác nhau mà ta phải đối mặt, dù là tiến tới hay thụt lùi thì vẫn có những con sóng quanh ta. Vậy mối quan hệ giữa ta và chúng là gì? Ta phải sống sao giữa đời bao biến động?

Ta và những con sóng

Dù đang bơi nhanh hay chậm, tiến về phía trước hay bị đẩy lùi về sau thì quanh ta vẫn luôn luôn có sóng. Chúng kéo đến chẳng biết từ đâu, có những con sóng ta nhìn thấy được và chuẩn bị, lại có những con sóng, những dòng chảy ngầm làm ta bất ngờ và luôn chực chờ đẩy ta khỏi con đường ta chọn. Sống là như vậy, luôn phải giữ cho mình nổi lên, vượt lên những con sóng của riêng mình?

Nếu ta đang ở trong dòng suối nhỏ, có thể chẳng có ngọn sóng nào, ta sẽ thấy cuộc đời quá lặng yên, quá tịch mịch. Trong dòng suối nhỏ đó, có thể ta sẽ chẳng muốn bơi, rồi một ngày ta ngủ quên và không bao giờ tỉnh dậy. Cuộc đời chẳng ai biết dưới đáy nước êm đềm kia đã chôn lấp bao nhiêu thi hài của những kẻ ngủ mê.

Nếu mạnh mẽ và quyết tâm hơn, không muốn sống cuộc đời “ăn cơm chờ chết”, ta bơi ra sông – nơi có những dòng chảy mạnh và những con sóng vừa tầm chỉ cần biết bơi là không sợ chết. Nhiều người an phận ở dòng sông vì cảm thấy thành công của mình đã đủ, cuộc sống đã có nhiều thi vị, thăng trầm. Lúc ấy ta tìm cho mình chiếc thuyền nhỏ, làm một ngư phủ cho vui. Cuộc sống ấy cũng thật an bình biết mấy.

Nhiều người biết đến biển, họ muốn bơi xa hơn, muốn tìm những điều vĩ đại hơn trong dòng định mệnh. Họ thấy cuộc đời quá ngắn và không muốn chết trên “một chiếc thuyền câu bé tẻo teo”. Ra biển đâu có dễ! Một người trước đại dương thật chẳng đáng là gì. Người ta phải hợp lại cùng nhau đóng thuyền to. Nhưng đóng thuyền xong ai sẽ là thuyền trưởng – người ra quyết định, người nhận lãnh nhiều vinh quang nhất trên thuyền?!

Chưa tính đến chuyện họ đi được bao xa, tìm được điều gì, chỉ riêng hợp lại trên cùng một chiếc thuyền đã có vô số vấn đề trong đó. Nhân tính được thử thách, và cho ra đời bao kiểu lừa lọc, dối gian, lừa thầy phản bạn hay chỉ đơn thuần là sự ganh ghét, tỵ hiềm nhau. Biển lớn bao la thế, sao con người nhỏ bé lại càng bé nhỏ hơn? Bao nhiêu là hiểm nguy, bao nhiêu là thử thách, không có mục đích nào ra khơi để mà chi?!


Ta mang theo gì trên hành trình?

Nếu tồn tại được trong dòng định mệnh, dù ít hay nhiều ta cũng gặp được vài thứ trên đường đi. Tùy vào vận may và khả năng nắm bắt cơ hội, có người lên được thuyền, có người nhặt những mảnh ván ghép lại thành bè. Nhưng cũng có nhiều người nhặt lấy những bộ quần áo sặc sỡ, mặc lên người để càng bơi càng nặng, và rồi bị dìm chết bởi chính những thứ mình đang mang.

Thuyền to, biển lớn và sóng dữ

Như người ta nói “cây to thì đón gió”. Nếu ta là ngọn cỏ đầu tường, thì chỉ cần gió chiều nào xuôi chiều ấy mà thôi. Nhưng đã là cây cổ thụ thì phải luôn luôn hứng chịu những cơn gió từ nhiều hướng khác nhau. Trong dòng đời cũng vậy, thử thách luôn chực chờ và ngày càng to lớn. Ta phải làm sao? Phải hiểu rõ khả năng và những gì mình đang có. Một thuyền trưởng tài ba hiểu rõ con thuyền như chính thân thể mình vậy. Nếu ta chỉ là một anh lái ghe chài vô tình lên làm chủ chiếc du thuyền Titanic, thì chỉ cần một cơn bão nhỏ cũng đủ làm nên thảm họa cho tất cả mọi người trên thuyền.

Cần phải hiểu rõ mình và chọn đường đi thích hợp, tránh những con sóng quá to khi không cần thiết phải đối đầu, đôi khi phải quyết tâm lao tới để đến được vùng an toàn trong tâm bão, đó mới là người thuyền trưởng khôn ngoan. Đừng oán hận vì sao biển sinh ra sóng lớn, hãy tự hào vì ta đủ sức sống ở đây.

Chìm nổi bao lâu một cuộc đời?

Dòng đời và định mệnh thật ra không phải dòng suối, dòng sông hay biển cả. Quy luật chung nhất của nó là chẳng có quy luật nào. Muốn tồn tại và tìm ra ý nghĩa đời mình trong đó, trước tiên ta phải hiểu chính mình là ai, mình có những gì, mình đi tìm điều gì. Có đôi khi mục đích cuộc đời trôi ngang trước mắt, ta lại vô tâm bỏ mặc nó trôi qua.

Sẽ có lúc những con sóng kia nhấn chìm ta xuống đáy, vừa ngoi lên lại có cơn sóng to hơn, ta chìm, chìm mãi và lạc mất phương hướng ban đầu. Những xui rủi và thất bại khiến ta chìm sâu hơn nữa. Rồi ta chạm đáy, nơi chỉ có bùn đất, rong rêu và bao nhiêu xương cốt của những người đi trước. Sẽ như thế nào nếu ta vẫn sống? Đó là món quà. Vì ta sẽ nhận ra được rằng sống trên đời không nhất thiết lúc nào cũng phải nổi lên mặt nước, không nhất thiết lúc nào cũng phải lao tới chinh phục những con sống to nhất kia. Ta đang nằm đây, dưới đáy bùn lầy, và vẫn sống.

Hãy nhớ rằng nếu ta sống được trong thất bại, hiểu được lẽ thiệt hơn và thấy được món quà của định mệnh, thì chuyện vươn lên chỉ là sự lựa chọn mà thôi.


Những ai đang phải hứng chịu nhiều con sóng lớn, những ai đang chìm trong đáy bùn lầy, hãy quên đi những điều trước mặt, hãy bình tâm nhận lấy món quà bí mật này: Bạn còn đang sống. Đó là điều tuyệt vời nhất trên đời, là căn bản của mọi thứ. Chừng nào bạn còn giữ vững món quà đó thì sẽ có lúc định mệnh làm cho bạn ngạc nhiên.

Hãy hiểu mình đi, rồi bạn sẽ biết:

Khi nào phải bơi, hãy bơi.

Khi nào phải chìm, đừng gượng.

Khi nào phải lùi, đừng tiến.

Khi nào phải tiến, đừng buông xuôi.

Trên tất cả, phải biết mình đang sống.

Chúc tất cả chúng ta, một ngày không xa sẽ tìm thấy cho mình một ốc đảo thiên đường để không còn phải lênh đênh trên dòng định mệnh.


Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo
Để nói lên hình ảnh một kiếp người mong manh, ngắn ngủi và vô thường, có người dùng câu “Đời là phù du”. Con người sống kiếp sống như phù du, nhưng họ không biết rằng đời mình ngắn ngủi, mạng sống mình mong manh, chỉ hối tiếc những chuyện đã qua nhưng mãi không làm gì cho tương lai đang tới và hững hờ với hiện tại – thứ duy nhất họ đang sống trong đó. Vậy sống làm sao để không uổng kiếp phù du?

Đời là phù du

Trên đời đúng thật có một loài vật tên gọi là “phù du”. Đây cũng là tên gọi chung của một nhóm côn trùng nhỏ. Đặc điểm của loại côn trùng này là đời sống của nó rất ngắn, từ khi nở ra đến lúc chết chỉ khoảng vài tiếng đồng hồ.

Là một con người có đời sống trên 60 năm, người ta nhìn cuộc đời con phù du mà thương tiếc cho kiếp sống ngắn ngủi của nó. Con người không tự nhìn lại cuộc sống của mình, hoặc nếu có thì họ cũng thường cho qua vì với họ 60 năm là quá dài để sống, quá lâu để khổ đau!

Tôi tưởng tượng nếu ta là một con phù du có một cuộc đời dài mấy tiếng đồng hồ, có lẽ ta cũng nghĩ cuộc đời của mình đủ dài. Và khi ta là con người, nếu có một loài sinh vật hay đấng thần linh nào đó có trí tuệ và đời sống dài hơn, cao hơn loài người, thì họ nhìn chúng ta cũng đáng thương như loài phù du thế thôi.

Vậy sao ta không sớm thức tỉnh để trân quý cuộc đời của mình hơn nữa. Sáu mươi năm cũng chỉ là 60 cái tết, thoáng qua lúc nào không hay, đến khi muốn níu giữ thì đã muộn.




Vô thường

“Đời là phù du” không chỉ vì nó ngắn ngủi, mà còn vì nó rất vô thường: Danh vọng, tiền tài, địa vị, tài sản, các mối quan hệ hay sức khỏe… có điều chi thoát khỏi vô thường chứ.

Chẳng có gì là ta thật sự làm chủ được, thật sự nắm trong tay mình cả. Tiền bạc, có thể bị mất đi do trộm cướp, thiên tai; địa vị có thể mất đi do một “chiếu chỉ” nào đó, hoặc do chiến tranh, do sự thay đổi về chính trị; các mối quan hệ cũng là sự gắn kết giữa hai hay nhiều bên, ta có thể giữ chặt phần mình nhưng làm sao dám chắc người khác không buông; thậm chỉ cả sinh mạng cũng mong manh vô thường lắm: tai nạn giao thông, ung thư, gặp cướp, bị “thanh toán” nhầm hay thậm chí đang đi ngoài đường vấp đá té đập đầu mà chết.

Trong dòng chảy của cuộc sống, vô thường có mặt ở mọi lúc, mọi nơi. Ai cũng biết, nhưng càng biết họ càng sợ, càng cố níu giữ, ràng buộc… nhưng đến khi mất thì vẫn mất thôi, lúc ấy càng đau khổ nhiều thêm vì tiếc công gìn giữ. Hay là có người lại cho rằng đời sống ngắn ngủi nên họ giữ luôn những thứ mà họ chẳng bao giờ dùng: người nghèo thì giữ lại mấy đồ dùng bị hỏng nhưng còn đẹp để dùng vào việc khác, nhưng vài năm dọn nhà thì lại phát hiện nhà mình chẳng khác nào vựa ve chai.

Họ đã phải chịu đựng ở cùng những vật hư, cũ, nhường không gian vốn đã nhỏ hẹp cho chúng mà lại chẳng có tác dụng gì. Đến lúc dọn dẹp, vất bỏ chúng đi họ mới nhận ra họ nên bỏ chúng từ lâu mới phải. Còn người giàu thì không tích trữ đồ cũ, họ mua đồ mới. Mua thật nhiều, thật nhiều nhưng cũng chỉ để bày biện cho sang, rất nhiều thứ họ không đụng đến một lần trong năm vì quá ư bận rộn kiếm tiền để mua thêm thứ khác…

Đi ngắm mặt trời

Có người khuyên ta nên dành thời gian nhìn lên bầu trời đêm để nhìn ngắm các vì sao, ta sẽ thấy vũ trụ bao la, thấy mình nhỏ bé… và ở đâu trong cái bao la đó ta sẽ tìm thấy cuộc sống thật sự của mình.

Tôi cũng thử làm nhưng do tôi cận thị khá nặng nên ngắm sao không thích lắm, tôi ngắm mặt trời. Trong phim người ta bảo cảnh mặt trời mọc hay lặn là lãng mạn, tôi không thấy vậy, tôi chỉ thấy đó như là một phần tạo hóa, một hiện tượng thiên nhiên, và tôi tự hỏi nó muốn nói gì với tôi.








Cuộc sống vô thường và tạm bợ như vậy có đáng chán lắm không? Vậy ta sống sao đây? Hãy sống như một người đang ngắm mặt trời.

Quá khứ: Đôi lúc thấy mặt trời thật đẹp, tôi cũng chụp lại vài tấm ảnh. Trong lúc xem lại những ảnh đã chụp, có vài tấm tôi không nhớ rõ đã chụp lúc nào, sáng hay tối, lúc mặt trời mọc hay lặn, và nhìn vào đó tôi cũng không thể phân biệt được. À, thì ra quá khứ cũng giống như những tấm ảnh chụp mặt trời, mặt trời trong ảnh đang mọc hay lặn là do cách nhìn của ta, lòng tin của ta. Quá khứ chỉ là những tấm ảnh mà ta nên thưởng thức theo ý thích của mình.

Hiện tại: Tôi ngồi đây ngắm mặt trời. Chỉ có tôi và mặt trời hiện hữu. Tôi không mơ về một cô gái đẹp ngồi cùng tôi, vì khi đó mặt trời biến mất. Tôi không nhớ về mặt trời của một ngày nào đó thật đẹp, vì khi so sánh cái đẹp của mặt trời hiện tại cũng biến mất trong khi cái đẹp quá khứ chẳng thể níu kéo về. Mặt trời hôm nay có đẹp, xấu, sáng, tối cũng chính là cái duy nhất tồn tại cùng tôi. Tôi nhìn nó không phán xét, so sánh, chờ mong. Tôi và nó chấp nhận nhau.

Tương lai: Ngày mai tôi có lại ngắm mặt trời không? Tôi cần sắp xếp công việc và thời gian như thế nào, chọn địa điểm nào để ngắm? Đó là những câu hỏi tôi cần trả lời. Tôi cần lên kế hoạch cho tương lai, nhưng chỉ như thế mà thôi. Tôi không mong ngày mai mặt trời sẽ tỏa ra ánh sáng bảy sắc cầu vồng hay lo sợ ngày mai sẽ có cơn mưa không thể ngắm. Ngày mai mặt trời có nổ tung tôi cũng thấy bình thường. Tương lai là vậy, tôi biết việc mình nên làm và có thể làm, không xen vào việc người khác hay mong chờ, lo sợ những chuyện mình không thể kiểm soát.

Phật nói: “Vấn đề của con người là họ nghĩ mình có thời gian.” Đâu có, tất cả những gì ta có chỉ là hiện tại – thứ đang trôi dần thành quá khứ. Đừng đứng ở hiện tại mà khóc than quá khứ hay lo lắng cho tương lai nữa. Chẳng mấy chốc mà hết đời, đời ta cũng chẳng hơn đời con phù du là mấy…

Hãy đi ngắm mặt trời, và hãy nhớ “đời là phù du”.




NGUYỄN HUỲNH NHẤT BẢO
 Sống trên đời, có lẽ ai ai cũng muốn được yêu thương, và mọi người đều biết đạo lý “muốn nhận thì hãy cho”; “muốn người khác đối xử với mình thế nào thì hãy dùng thái độ đó đối xử với họ trước” hay là câu “muốn ăn thì gắp cho người”… Vậy nhưng tại sao phần lớn chúng ta đều cảm thấy mình cho đi quá nhiều và nhận về quá ít? Ai ai cũng cho nhiều, cũng nhận ít, vậy phần thừa kia đã đổ đi đâu? Sự thật là chúng ta tự đánh giá phần cho của mình quá cao và trông chờ quá nhiều khi nhận.

Nếu yêu thương là mặt trời, còn vạn vật đều nằm trên trái đất, lúc nào cũng sẽ có một phần sáng còn phần kia tối. Nhưng cái sáng, tối đó không hề bất biến, yêu thương đi đến đâu thì nơi đó là ánh sáng. Tôi thật sự tin rằng mọi việc đều tốt đẹp nếu ta giải quyết nó bằng yêu thương! Trong các bài viết trước, tôi đã nói về “yêu thương trong giáo dục” và “dùng yêu thương để hóa giải ghen tuông”. Trong bài này, tôi sẽ nói về việc cho yêu thương để nhận lại yêu thương và làm sao để yêu thương những người ta ghét, hoặc người ghét ta.

Yêu thương “hấp dẫn” yêu thương

Tôi được biết một thứ rất thú vị gọi là “Luật hấp dẫn” (The law of attraction) khác với “Lực hấp dẫn” (Gravity). Luật hấp dẫn này bảo rằng tất cả mọi thứ ta tập trung tâm trí vào đó đều sẽ  bị hấp dẫn về phía ta, theo một cách nào đó trong cuộc đời. Ví dụ: Ta muốn có tiền bạc, tiền bạc sẽ đến; ta không muốn nợ nần, nợ nần sẽ đến.

Vậy đó, dù ta muốn hay không, nhưng thứ gì xuất hiện trong đầu ta thì nó sẽ đến với ta. Tất nhiên là đến lúc nào thì còn tùy thuộc vào sự rõ ràng trong mong muốn đó và mức độ “muốn” mãnh liệt ra sao nữa.

Nếu nghe điều này lần đầu tiên, có thể bạn sẽ thấy mới lạ và khó tin, nhưng bản thân tôi đã từng trải nghiệm và chứng kiến một vài trường hợp nhỏ, xin không kể ra đây vì tôi nghĩ có kể cũng chẳng làm tăng lòng tin của bạn lên được tí nào. Điều hay nhất mà tôi biết về luật hấp dẫn chính là: Hãy nghĩ, hãy nói, hãy hành động theo hướng mà ta thật sự muốn!

Ví dụ: Thay vì nói “đừng thức khuya nhe con” thì ta nói “con nhớ đi ngủ sớm” Hoặc là vợ nói với chồng, thay vì nói “ông đi nhậu cho nhiều đi, cho chết luôn đi nhe” thì ta nói “ông uống vài ly rồi tranh thủ về sớm nhé”… đại loại là thế, hãy nói điều ta muốn!

Cho nên: Nếu ta muốn “hấp dẫn” được yêu thương đến bên mình, thì tín hiệu ta cần phát ra phải là yêu thương. Hãy để yêu thương vào trong từng hành động, lời nói và cả trong suy nghĩ, mong muốn… rồi yêu thương sẽ tìm thấy yêu thương.

Hãy yêu thương những người ta ghét

Những người ta ghét? Ừ thì hẳn là họ có điểm đáng ghét nào đó làm ta không chịu được. Với những người này, tôi nhớ trên mạng có một câu như vầy:
“Hãy yêu thương những người đáng ghét, vì họ cần điều đó hơn ai hết.” -  Khuyết danh

Sao ta chỉ nhìn thấy những điểm đáng ghét, mà không nhìn vào điểm đáng yêu, đáng cảm thông của họ, giống như nhìn chằm chằm vào vết mực trên tờ giấy trắng rồi bảo rằng nó quá đen. Cảm giác ghét một người rất khó chịu, tới mức nó được xếp vào một trong “bát khổ” của nhà Phật với tên gọi là “oán tăng hội khổ”, nghĩa là việc phải gặp, phải nhìn thấy những người mà ta chán ghét. Nói về điều này, trên mạng cũng có lưu truyền câu:

“Có một số người giống như mây trời vậy, ngày nào không thấy họ là ngày đẹp trời.”  – Khuyết danh
 
Làm sao đây? Ta có thể vì “ngứa mắt” mà phạm tội giết người chăng? Ta cũng đâu có “công tắc độc tài” của Đôrêmon mà cho người đó biến khỏi thế gian? Trốn tránh rồi cũng sẽ gặp lại, mà bản thân việc trốn tránh đã là cái khổ cho ta rồi. Khổng Tử nói:

“Khi lên đường trả thù, hãy đào hai nấm mộ.”

Tôi nói: Nếu bạn không có can đảm trả thù mà vẫn ôm lấy mối thù đó trong lòng, thì cứ đào một nấm mộ rồi lao xuống chết quách đi cho xong!

Do vậy chỉ còn cách yêu thương họ thôi! Hãy tập dần, mỗi khi nhìn thấy họ, nghĩ về họ, hãy tìm một điểm tốt của họ: Một người khó tính, cục cằn có thể lại là một người cha rất mực thương con hay lại là người có tinh thần nghĩa hiệp; một người hay cằn nhằn, mách lẻo có thể là một người kỹ tính và đôi lúc cũng thật biết quan tâm người khác; một người keo kiệt trong chi tiêu có thể lại có tấm lòng từ thiện hoặc là người hiếu thảo, sống có trách nhiệm… Hãy cứ nhìn vào điểm tốt mà yêu quý họ, hãy học cách yêu thương, tỏa ra tình thương để dung hòa và làm đẹp thế giới xung quanh bạn, giống như mặt trời tỏa ánh sáng cho vạn vật nhưng bản thân nó mới là sáng nhất.

Và yêu thương những kẻ ghét ta

Thường thường thì ai thương mình, mình thương lại, ai ghét mình mình ghét gấp hai. Nhưng ở trên đã nói, luật hấp dẫn sẽ kéo đến cho ta những thứ giống như tín hiệu mà ta phát ra. Nếu ta phát ra tín hiệu chán ghét, giận hờn thì nhận lại sẽ cũng là như thế. Cứ yêu thương đi, hóa giải tín hiệu oán ghét, ganh tỵ của những người ghét mình đi, rồi một ngày kia họ sẽ chuyển hóa.

Bạn thử nghĩ mà xem, một người bình thường rất ít khi ghét người khác mà không có nguyên nhân nào. Vậy khi ai đó ghét bạn, đó là lúc bạn tự kiểm điểm lại bản thân mình có làm gì sai hay không, có vô tình hay cố ý tổn thương tinh thần, thể xác hay lợi ích gì của đối phương hay không? Nếu không thì rõ là đối phương là người không bình thường, họ thật đáng thương phải không?Tôi từng gặp vài người như vậy đó, ban đầu tôi nghĩ mãi không hiểu đã làm gì đụng đến họ, sau rồi tôi cứ thương, cứ thương… Đến giờ thì mỗi lần nhìn thấy họ là tôi chỉ thấy thương thôi.

Có một số người khác thì cũng là người bình thường đấy, họ ghét bạn vì họ cảm thấy bạn kiêu căng, phách lối, hay đơn giản là cảm thấy bạn… hơn họ. Đúng rồi, dân mạng gọi cái này là GATÔ. Tôi có câu này hay hơn:

“If people are trying to bring you down, it only means that you are above them.” – Khuyết danh
Nghĩa là: “Nếu có người cố công kích, dìm hàng bạn, điều đó chỉ có nghĩa là họ cảm thấy bạn hơn họ mà thôi.”

Đôi lúc sự thật là vậy đó, nhưng ta cũng đừng nên nghĩ vậy mà sinh ra tự kiêu hay tự sướng. Hơn hay thua gì cũng đâu phải là mãi mãi, chú tâm vào nó làm chi cho mệt thân. Cũng giống như trên, tập yêu thương đi, nhìn vào những mặt đáng thương của họ mà cảm thông, chia sẻ, động viên, khích lệ… Tôi tin rằng một người đáng ghét cỡ nào cũng sẽ bớt đáng ghét đi nếu họ cảm nhận được bạn thật lòng yêu thương họ.

Tôi hay thích post những suy nghĩ, suy luận của mình lên facebook cá nhân, trong đó đều là những điều hay mà tôi muốn chia sẻ, trao đổi. Tuy nhiên nhiều người không nghĩ vậy, họ bảo rằng tôi lên mặt dạy đời, họ chất vấn tôi có bằng cấp ABC chưa mà nói vấn đề XYZ, thậm chí họ còn khuyên tôi nên lo đi kiếm ăn đi, đừng ở đó suy nghĩ linh tinh, vân vân và vân vân. Ban đầu tôi khó chịu và đáp trả khá “nhiệt tình” và chua ngoa, nhưng nhận lại chỉ là càng nhiều công kích, thậm chí những người “tưởng tôi hiền” cũng cảm thấy khó chịu và kinh ngạc.

Tất nhiên họ không nói lại tôi, nhưng họ bỏ đi với sự căm ghét càng tăng và luôn chờ cơ hội để lăn xả vào công kích tiếp. Điều này làm tôi phải nơm nớp lo sợ mỗi khi muốn post cái gì lên facebook của chính mình, thật hài quá!

Rồi tôi cố thông cảm, cố hiểu cảm giác những người đó. Vâng, phải cố mới được, thông cảm cho người ghét bạn chả dễ dàng gì đâu! Tôi nghĩ thương cho họ không tiếp thu được cái hay trong những gì tôi chia sẻ mà chỉ quan tâm đến bản thân tôi. Cảm động ghê! Rồi tôi nghĩ bản thân mình cũng còn quá nhiều cái xấu mà họ chưa biết, hên ghê, vậy là họ nói còn nhẹ lắm… Tôi yêu bản thân mình lắm chứ, tôi chỉ đang cố hiểu họ vậy thôi. Mỗi khi thấy ai comment sốc óc này kia, tôi trả lời bình thản hoặc like bỏ đó không trả lời, ai nhảm quá thì xóa comment luôn cho xong chuyện.

Tôi nghĩ đã sống trên đời thì không tránh khỏi người thương kẻ ghét, Phật còn bị “ném đá” huống chi tôi là một đứa phàm phu. Tôi cũng cho rằng những “antifan” cũng là những người rất quan tâm đến mình. Ghét hay thương không đáng sợ bằng “không quan tâm”

Tóm lại: Yêu thương là chất liệu căn bản của tâm hồn mỗi con người. Chúng ta ai cũng muốn được yêu thương, hãy dùng yêu thương để “hấp dẫn” yêu thương. Hãy thương những người ta ghét. Hãy thương những kẻ ghét ta. Hãy yêu thương như mặt trời, và tỏa sáng như mặt trời.

  Nhất Bảo

Trong bài viết trước, tôi có nói rằng mọi việc trên đời đều có hai mặt tốt và xấu, và chính yêu thương là chìa khóa để ta hướng tới phần tốt của mọi vấn đề. Trong bài này, tôi muốn chia sẻ vài suy nghĩ về quan hệ giữa yêu thương và ghen tuông, và làm thế nào để dùng yêu thương chữa lành vết thương do ghen tuông mang lại.

Nhiều người cho rằng “có yêu thì mới có ghen”, tôi tạm xem điều này làm tiền đề để phân tích tiếp. Có yêu thì mới có ghen, vậy trước hết yêu là gì?

Danh từ: Tình yêu

Tình yêu bắt nguồn từ cảm giác xao xuyến, rung động khi gặp một đối tượng trùng khớp với những dao động từ phát ra từ trái tim ta. Rồi nó thăng hoa thành những vấn vương, nhung nhớ. Sau đó nữa là cảm giác lâng lâng hạnh phúc, nồng cháy đê mê khi ở bên nhau. Khi xa nhau, tình yêu lại hóa thành những khắc khoải, đợi chờ, mong gặp lại nhau…Tóm lại nó là một thứ cảm giác thay đổi theo không gian, thời gian và không thể định hình, định lượng.

Động từ: Yêu

Yêu một người là như thế nào? Trong một mối quan hệ giữa hai người yêu nhau hoặc giữa vợ chồng với nhau, người ta sẽ nói về hành động “yêu” theo những cách khác nhau. Tôi lại muốn nói về “yêu” khi nó còn là một mối tình đơn phương. Cuộc đời đâu phải là giấc mơ hay phim ảnh, nên đâu dễ có hai người vừa gặp đã yêu nhau. Có rất nhiều mối tình đơn phương âm thầm và vĩ đại.

Khi yêu đơn phương một người, ta sẽ luôn tìm cách được ở gần người đó, chỉ là ở cùng một không gian thôi chứ không mong được ngồi sát cạnh nhau. Ta sẽ luôn chú ý đến cảm giác, sở thích hay những hoạt động mà người đó tham gia. Ta vui khi người đó nở nụ cười và lo lắng khi thấy một cái chau mày suy nghĩ. Rồi khi tiếp xúc gần gũi hơn, như những người bạn thân yêu thầm người kia chẳng hạn.

Ta luôn quan tâm, lo lắng, làm mọi điều tốt đẹp cho người kia mà không đòi hỏi một điều gì ngược lại. Điều này rất quan trọng: khi yêu đơn phương, hầu như tất cả tình cảm của ta đều dành cho người, vì người. Và tôi cho rằng đây mới thật sự là yêu: yêu là thứ tình cảm vì người khác, dành cho người khác chứ không phải cho bản thân mình.

Lúc này cảm giác ghen tuông đã bắt đầu xuất hiện, nhưng rất ít, đơn giản vì ta không có quyền ghen.

Rồi khi yêu thương “nâng cấp” lên thành quan hệ hai chiều – hai người trở thành người yêu của nhau, tình cảm bắt đầu có sự biến chuyển, cái yêu cũng dần thay đổi. Ta quan tâm nhau nhiều hơn, hiểu nhau hơn, chia sẻ nhiều cảm xúc hơn… Tuy nhiên, ta cũng đòi hỏi ở đối phương nhiều hơn! Đòi hỏi sự quan tâm, lòng chung thủy, sự lãng mạn, vân vân và vân vân. Những điều đó ta cho rằng là tự nhiên, nhưng nó có phải vì đối phương nữa không? Nó là vì bản thân ta! Khi đó ta đang yêu chính bản thân mình. Rồi ta cho nhau cái quyền được ghen, vì “em là của anh” “anh là của em” “chúng ta là của nhau”. Vậy ghen là gì?

Ghen

Rõ ràng ghen không phải là thứ tình cảm dành cho người yêu hay người chồng/vợ, mà nó là thứ tình cảm vị kỷ. Nó là mộ sự tức giận, đố kỵ khi nhìn thấy (hoặc tưởng tượng) “vật sở hữu” của mình bị xâm phạm. Nó là một sự mở rộng của bản ngã lên người của người yêu. Như trên đã nói: yêu là thứ tình cảm vì người khác, dành cho người khác, cho nên ghen không phải là yêu.

Đối diện với những cơn ghen

Khi ghen người ta rất dễ mất kiểm soát, cảm xúc dâng trào, máu chảy nhanh hơn và như sôi sục trong huyết quản. Vậy làm thế nào đây?

Hãy nhận biết rằng ta và cơn ghen không phải là một. Điều tôi thích thú nhất khi học được từ các thiền sư là khái niệm “cảm giác của ta và ta không là một”. Khi giận, có một cảm giác giận xuất hiện trong tâm trí ta, ta nói: “Trong tâm tôi đang có cơn giận” chứ không phải là “tôi giận”. Tương tự như vậy, khi ghen ta nói “trong tâm tôi đang xuất hiện cơn ghen”. Nếu chưa quen, cứ niệm câu này như câu thần chú vậy cũng được. Đến khi ta không đồng hóa bản thân mình với cơn ghen, tách biệt ra khỏi nó thì ta mới có thể giải quyết được nó.


Tự hỏi xem mình yêu người kia như thế nào. Hãy nhớ lại những cảm giác yêu – tức là trao đi yêu thương cho người đó chứ không phải đòi hỏi được yêu thương. Ta yêu người ra sao, ta có thể làm gì cho người? Đừng suy nghĩ gì về người đó hay cảnh tượng khiến ta phải ghen tức. Chẳng bao giờ có thể hiểu rõ nguyên nhân ngay lúc đang ghen đâu. Hãy cứ nghĩ về tình yêu mình dành cho họ, có đến mức “chỉ cần em hạnh phúc là anh vui rồi” hay không? Chắc là không, nhưng cứ hồi tưởng về tình yêu của mình đi, có thể bạn sẽ nhận ra mình thật sự yêu người yêu kia chưa đủ, quá ít!

Hãy tự hỏi xem mình muốn kết quả gì trong chuyện này. Thật ra khi ghen tức là bạn cũng còn muốn có người yêu bên cạnh mình, nếu không thì đã chẳng có cảm giác gì nữa rồi. Vậy nên hãy bình tâm suy nghĩ đến đáp án mà mình mong muốn. Ta muốn gì? Muốn người yêu trở về bên cạnh ta. Nhưng có thể không? Phải làm sao? Làm sao để người yêu trở về bên ta chứ đừng để cơn ghen tống họ đi luôn nhé. Bạn có thể nghĩ như vầy: Mục tiêu cuối cùng là người yêu ta trở về. Muốn vậy thì ta phải: tìm hiểu rõ ràng nguyên nhân, cảm xúc, suy nghĩ… của người yêu ta khi đó rồi tìm giải pháp thỏa đáng nhất. Ngắn gọn là thế thôi.



Điều quan trọng ở đây là cần phải giữ được bình tĩnh, thậm chí bình tĩnh hơn người đang phạm lỗi lầm kia. Nếu để cơn ghen khống chế bản thân và làm ra những hành động tổn thương, sỉ nhục đối phương thì có khi đó mới chính là nguyên nhân đẩy hai người ra càng xa, càng xa nhau hơn nữa. Muốn có được sự bình tĩnh ở bước này, cần phải qua hai bước nêu trên trước.

Tóm lại

  1. Yêu thương là thứ tình cảm vì người khác, dành cho người khác.
  2. Ghen không phải là yêu, ghen là sự mở rộng bản ngã của chính mình đặt lên người của người yêu, hay nói cách khác cảm giác tức giận khi “vật sở hữu” bị xâm phạm.
  3. Muốn hóa giải cơn ghen một cách tốt đẹp cần làm ba bước: tách biệt bản thân và cơn ghen; gợi lại những yêu thương; đem yêu thương nghĩ về điều mình mong muốn và tìm giải pháp.
Vậy đó, tình yêu là cảm xúc, mà cảm xúc thì sẽ phôi pha, sẽ có lúc nhạt nhòa hay sâu sắc. Tình cảm, hay mối quan hệ, muốn bền chặt thì cần phải giữ lấy nhau, cùng nhau vượt qua khoảng lặng khó khăn kia.

“Điều cần thiết cho một cuộc hôn nhân thành công là ta phải yêu rất nhiều lần, nhưng luôn luôn với cùng một người.” – Mignon McLaughlin.

Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo

Thời gian gần đây, cộng đồng mạng quan tâm nhiều đến việc một số phụ nữ Việt Nam khi nhập cảnh vào Singapore bị kiểm tra quá “kỹ lưỡng” như yêu cầu lăn dấu vân tay, chụp ảnh… và thậm chí bị từ chối nhập cảnh. Đa số trường hợp bị kiểm tra là phụ nữ (mới gần đây lại có một người đàn ông Việt Nam cũng bị kiểm tra và từ chối nhập cảnh vào Singapore trong khi quá cảnh sang Malaysia). Điều này có phải Singapore là quốc gia không hiếu khách, hay Singapore có thành kiến với phụ nữ Việt Nam?

Theo tôi, hành động “sàng lọc” này có phần thái quá kiểu “thà giết lầm hơn bỏ sót”, tuy nhiên nó lại mang một phong cách rất… Singapore. Không phải ngẫu nhiên mà Sing được biết đến như một trong những quốc gia sạch đẹp và hiện đại, một địa điểm du lịch lý tưởng dù những danh thắng ở Singapore chủ yếu là nhân tạo.

Trong chính sách phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của Singapore đều có những điểm cực đoan nhất định. Điển hình là hình phạt roi giữa phố dành cho một số tội như ăn cắp vặt, phạt tiền thật nặng đối với tội xã rác.. những hình phạt này nếu đưa ra ở một nước khác ngoài ắt hẳn sẽ vướng phải phản đối vô cùng gay gắt, có người sẽ gọi đó là “nhục hình”, hay nhẹ thì “vi phạm nhân quyền”… nhưng ở Singapore đó chỉ đơn giản là luật pháp.

Đã có khá nhiều vụ ầm ĩ tầm cỡ quốc tế liên quan đến hình phạt roi, phạt tù của Singapore dành cho du khách người nước ngoài. Mới đây, ngày 05/3/2015, hai công dân Đức đã phải chịu hình phạt 3 roi cùng chín tháng tù giam vì tội… vẽ bậy lên một toa tàu ở Singapore. Đặc biệt là hai tội phạm người Đức sau khi phạm tội hồi tháng 11/2014 đã rời khỏi Singapore, tuy nhiên nhà chức trách Singapore vẫn truy lùng sang tận Malaysia để bắt hai người trở về “quy án”. Năm 2010, một công dân Thụy Sĩ cũng bị phạt 7 tháng tù giam và 3 roi vì tội xin sơn lên một toa tàu của Singapore. Đặc biệt là năm 1994, Michael Fay - một cậu bé người Mỹ bị kết tội phá hoại xe hơi và tài sản công cộng, tuyên phạt 6 roi, Tổng thống Mỹ khi đó là Bill Clinton đã nỗ lực tác động để cậu bé không bị đánh nhưng Singapore chỉ “nể tình” giảm hình phạt xuống còn 4 roi mà thôi.

Ngoài án phạt nặng nề như phạt roi hay phạt tù thì Singapore còn rất nhiều án phạt tiền cho những hành vi “gây rối trật tự xã hội” khác.

Nhà nước Singapore có ý thức được những hình phạt nói trên và việc kiểm tra, từ chối người Việt Nam nhập cảnh sẽ gây ảnh hưởng xấu đến hình tượng của Singapore trong lòng bạn bè quốc tế không? Họ biết chứ, nhưng họ vẫn thi hành, vì đó mới chính là những nhân tố làm nên một Singapore ngày nay. Họ không muốn một hình ảnh hiền hòa dễ dãi, họ muốn một hình ảnh nghiêm khắc, an toàn.

Sở dĩ có tình trạng kiểm tra gắt gao với người Việt, đặc biệt là phụ nữ là vì thực tế là có nhiều phụ nữ Việt nhập cảnh sang Singapore và có những hành động vi phạm luật pháp Singapore, cụ thể là mại dâm. Tôi cũng không rõ là tình trạng này đã diễn biến phức tạp đến đâu khiến chính phủ Singapore phải đưa ra giải pháp “phòng bệnh hơn trị bệnh” một cách cực đoan và phản cảm như vậy, nhưng rõ ràng nhìn từ phía Singapore thì họ bị mất lòng một ít người “nhầm lẫn” nhưng lại ngăn chặn được phần lớn những “tội phạm tiềm năng” xâm nhập vào đất nước mình.

Tôi có một số bạn bè là phụ nữ, cũng hay đi du lịch sang Sing, cũng gặp kiểm tra hạch hỏi nhưng nếu đầy đủ điều kiện thì họ vẫn chấp nhận nhập cảnh bình thường. Có mấy điều kiện cần thiết để “qua ải” khi bị kiểm tra: biết tiếng Anh, hộ chiếu còn thời hạn hơn 6 tháng (đã có dấu nhập cảnh nhiều nước là lợi thế), vé máy bay khứ hồi (hoặc quá cảnh), đặt phòng tại các khách sạn uy tín, ở những khu “an toàn” (hoặc có địa chỉ liên lạc cụ thể của người thân ở Singapore), ăn mặc gọn gàng, thái độ ứng xử lịch sự, tự tin, đem theo tiền mặt khoảng 500 USD và các loại thẻ tín dụng… Nếu có đủ các điều kiện trên và không gặp xui xẻo thì bạn hoàn toàn có thể an tâm ngẩng cao đầu nhập cảnh vào Singapore du lịch, nghỉ dưỡng thoải mái, vui vẻ, an toàn, hạnh phúc.

Nhưng vấn đề là tại sao chúng ta phải đến Singapore?!

Câu hỏi này xin để mỗi người tự trả lời vậy.

Nhất Bảo