Hôm nay mình định viết bài về nỗi khổ của những sự lựa chọn nhưng lại vô tình thấy được câu nói của danh hài Sạc Lô (Charlie Chaplin): “The six best doctors in the world are Sunlight, Rest, Exercise, Diet, Self Confidence and Friends”. (Sáu bác sĩ giỏi nhất thế gian là Ánh Dương, Ngơi Nghỉ, Tập Luyện, Ăn Kiêng, Tự Tin và Bạn Bè). Mình sẽ viết một chút về sáu “người” này.
Hôm qua 27/02 là ngày Thầy thuốc Việt Nam, mình đã định viết gì đó nhưng rốt cuộc không có viết. Bình thường mình không thích các ngày kỷ niệm nhưng năm nay thật sự muốn gửi lời chúc sức khỏe đến tất cả những bác sĩ, y tá, lương y ở Việt Nam cũng như toàn thế giới. Cầu chúc cho quý vị đầy đủ sức khỏe và tinh thần đối mặt với dịch bệnh corona này.
1. Ánh Dương: Nhiều người nói ánh nắng mặt trời tốt cho sức khỏe, trẻ nhỏ cũng hay được phơi nắng buổi sáng để tăng sức đề kháng, những người làm việc ở các văn phòng máy lạnh, ít ra nắng cũng dễ bị bệnh về da. Tuy nhiên đó là ngày xưa, theo sự bào mòn của tầng khí quyển, ánh nắng mặt trời càng lúc càng có hại và thậm chí gây ung thư da. Mà chẳng cần đợi tới ung thư, chỉ cần đen da thôi là người ta đã không thích. Chị em phụ nữ ra đường trùm kín từ đầu đến chân để tránh bụi và nắng. Nhiều người dùng các loại kem tẩy trắng, kích trắng, dưỡng trắng… khiến cho cả Việt Nam không còn mấy “người con gái Việt Nam da vàng, yêu quê hương như yêu đồng lúa chín”. Một khi đã “tẩy trắng” thì da có đặc điểm là rất dễ bị đen. Thậm chí mình còn từng đọc được tin tức rằng ở một nước châu Phi nào đó cũng đang có ý kiến phản đối vì nhiều phụ nữ da đen cũng bắt đầu tẩy trắng da của họ. Trong khi đó người da trắng (các nước phương Tây) thì lại thích màu da bánh mật, thích phơi nắng cho đen bớt đi. Có lẽ thứ gì hiếm thì quý vậy. Dù sao thì 50% thế giới đã xa lánh vị bác sĩ Ánh Dương này rồi.
2. Ngơi Nghỉ: Khi một trong những yêu cầu cần thiết để xin việc làm là “khả năng chịu áp lực”, và chuyện “OT” (Over Time – làm thêm giờ) trở thành bình thường ở các thành phố lớn, người ta phải làm việc 10 đến 12 giờ một ngày. Tuy nhiên nếu sắp xếp hợp lý thì đa số đều còn thời gian trống, và thời gian để ngủ. Nhưng thực tế người ta không dành thời gian để nghỉ ngơi thật sự. Khi cảm thấy stress, họ đến vũ trường, quán rượu hay ít ra cũng là cà phê, karaoke… Những nơi đó chỉ đem lại sự thỏa mãn, có thể là giải tỏa tâm lý chứ không hề là nơi nghỉ ngơi. Những người không đi chơi thì cũng vùi mình vào phim, gameshow, games, truyện… cho đến khi nào thật sự phải đi ngủ nếu không ngày mai không dậy nổi thì họ mới đi ngủ. Giấc ngủ còn không đủ, huống chi nghỉ ngơi không chỉ là ngủ. Thế là chúng ta cũng chia tay vị bác sĩ thứ hai.
160_nhung bac si gioi nhat
3. Tập Luyện: Mình đọc nhiều truyện của Murakami, nhưng đọc hết cả quyển thì rất ít, một trong số đó là “tôi nói gì khi nói về chạy bộ”. Đọc xong mà cảm giác muốn chạy luôn vậy. Hôm nay lại có tin một ông cụ phá kỷ lục thể giới khi plank (một động tác thể dục) liên tục 8 tiếng. Việc luyện tập thân thể không chỉ tăng cường thể chất, giữ gìn vóc dáng mà cũng có lợi cho tinh thần nữa, không tính đến việc thể chất và tinh thần có liên hệ tỷ lệ thuận với nhau. Mình thấy các phòng gym mọc lên nhiều và cũng đông nghịt người. Đối với việc tiếp cận “vị bác sĩ” này thì mình không rõ lắm.
4. Ăn Kiêng: Sạc Lô dùng từ diet, có thể đó là việc ăn kiêng để giữ gìn vóc dáng, nhưng nếu là “bác sĩ” thì nó hẳn nghiêng về ăn những thức bổ dưỡng và điều độ với cơ thể, sức khỏe hơn. “Bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra”, điều này quá rõ ràng. Hồi mình học phổ thông, ở tất cả các độ tuổi đều rất ít người béo phì, thừa cân, đa số đều ốm như cây sậy. Bây giờ thì ngược lại, tìm người ốm cũng khó, mà người nào ốm thì cũng là bị suy dinh dưỡng hay gì đó. Thức ăn thì quá nhiều, các món đông tây nam bắc, trên trời dưới biển, trên núi trong rừng… mỗi món lại chế biến cùng những gia vị hấp dẫn khiế người ta chỉ muốn ăn, ăn và ăn. Có lẽ người ta chỉ kiêng ăn khi bệnh, hoặc cần giảm cân.
5. Tự Tin: Self confidence có chỗ dịch là tự trọng. Tự trọng khác tự tin. Dù tự trọng cũng là một tính tốt, nhưng nó cũng có khi hại người. Mình cho là tự tin mới đúng là vị bác sĩ hơn. Nếu mình ăn uống, tập thể dục điều độ, nghỉ ngơi hợp lý thì thường cũng có cơ sở để tự tin rồi, ít nhất là về sức khỏe và tinh thần. Thường thì khi có một cơ sở nào đó, có một điểm mạnh nhất định người ta sẽ dựa vào đó mà tự tin, nhưng tự tin thật sự là vị bác sĩ khi nó là thứ để bạn dựa vào, chứ không phải nó cùng bạn dựa vào một thứ khác. Nói đơn giản là khi chưa có gì để tự tin mà vẫn tự tin thì điều đó mới thật hữu ích. Tự tin để bắt đầu làm một điều gì đó tốt đẹp chứ không phải tự tin rằng mình tốt đẹp mà không cần làm gì.
6. Bạn Bè: Người ta hay mất lòng tin vào bạn bè qua những cách nói như bạn thì thì mà bè thì nhiều. Mình thì nghĩ trong mối quan hệ bạn bè, trước hết mình cần là một người bạn tốt thì mới có thể có bạn tốt. Tốt không phải là ngu ngốc. Câu nói thú vị gần đây mình nghe được là “Hãy sống và làm việc cho đến khi thần tượng trở thành bạn của bạn” (nguyên văn là “Work until your idols become your rivals” – khuyết danh). Trong sáu vị bác sĩ này, bạn bè là người có ảnh hưởng đến ta nhất và cũng là nhân tố duy nhất ta không thể tự mình chủ động hoàn toàn.
Nếu như có lúc thấy cuộc sống mình uể oải, èo ọt quá, thử nhìn lại coi mình có ở chung với bác sĩ hay toàn là virus, vi trùng đây.
28.02.2020
Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo
Hôm qua mình trả lời comment của một bạn: “Anh rất hay để ý nhưng rất ít để tâm”. Bạn bảo mình viết một bài về câu này đi. Ừ cũng có lí.
Để ý và để tâm giống hay khác nhau? Hôm qua mình có nói thêm là có thể hình dung nó giống như sự khác biệt giữa hear và listen, see và watch vậy. Một cái là nghe vì không bị điếc, nghe một cách tự động, dù có muốn cũng không ngăn lại được (hear), còn một cái là chú ý lắng nghe (listen). See là thấy vì không mù, watch là chăm chú nhìn một thứ gì đó (TV, phim..)
“Để ý” có thể có cả hai chế độ là tự động (automatic) hoặc chủ động (manual). Tự động thì giống như hear và see vậy, khi mình gặp qua, tiếp xúc qua hoặc trải qua một điều gì đó, trong đầu mình sẽ tự động ghi nhớ những điều khiến mình cảm thấy ấn tượng, có thể lúc đó mình cũng không biết là mình đã để ý điều đó, đến thời điểm khác tự nhiên nhớ lại. Chế độ chủ động của “để ý” rất lợi hại và có thể luyện tập để nâng cao dần. Khả năng để ý chủ động là khi mình để cho tâm trí tập trung cao độ kèm theo chủ động ghi nhớ và phân tích một điều gì đó. Tùy vào tâm tính và thể chất, trí não riêng của từng người mà khả năng để ý này cao hay thấp, với những đối tượng khác nhau thì lực ghi nhớ và phân tích cũng khác nhau. Điều này thể hiện ở việc đứa này học giỏi hơn đứa khác (mức độ chăm chỉ như nhau), hoặc cùng một đứa nhưng học môn này nhanh hơn, giỏi hơn các môn khác..
Để tâm là khi mình để cho một điều gì đó tác động đến tình cảm, cảm xúc của mình, hay nói đơn giản là mình để nó xâm chiếm tâm trí, đi vào trong tim mình. Thường thì người ta không thể chủ động được trong việc để tâm này, đặc biệt là với người hay việc mà họ ghét. Người thương thấy vậy mà bỏ dễ hơn.
159_de y va de tam
Khi đến một nơi xa lạ hoặc gặp một người lạ, người để ý sẽ nhanh chóng quan sát, ghi nhớ, phân tích mọi thông tin và những suy đoán liên quan. Nếu thấy không có gì đặc biệt đáng chú ý, họ sẽ không để tâm những thứ mới lạ đó tác động đến cảm xúc của mình nhiều nữa, chỉ bình đạm như thường. Trái lại một người khác có thể quá hào hứng hoặc hồi hộp mà bị thu hút hoàn toàn bởi người mới, cảnh mới đến độ chẳng để ý đến điều gì, họ không chỉ “để tâm” mà tâm trí hoàn toàn bị dẫn dắt và chiếm lĩnh.
Khả năng “để ý” cũng tạo nên sự khác biệt đối với việc đọc sách hay tìm hiểu thông tin. Cùng đọc một quyển sách giống nhau nhưng một người có thể rút ra 20 điều ghi nhớ, người khác cho dù thuộc lòng cũng chỉ ấn tượng đôi ba điều và sẽ nhanh chóng quên đi hoặc không hề vận dụng.
Nếu để ý mọi lúc mọi nơi, ta có thể học tiếng Anh trên bản tin, khi chơi games hoặc cả khi đang đi trên đường; cập nhật kiến thức xã hội từ tất cả những nguồn mà ta tiếp xúc… Điều này giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian tra cứu và học hỏi, vì gọi là “để ý” thì sẽ rất khó quên.
Khả năng này có thể luyện tập và phát triển. Trước hết cần dọn sạch tâm trí. Như các bài trước mình đã nói qua: tâm trí người bình thường sẽ có rất nhiều suy tưởng miên man liên tục xuất hiện để khiến mình mất tập trung. Nhiều khi ta nhìn mà không thấy, nghe mà không nhớ là do tâm trí đang bị dẫn dắt theo một điều gì đó trong đầu. Việc dọn dẹp này có thể làm mọi lúc, mọi nơi. Cứ khi nào “thấy” mình đang chạy theo suy nghĩ hay cảm xúc trong đầu thì dừng lại, chiếm lại quyền chủ động để tập trung (để ý) vào thứ mình muốn. Đó là cách tăng trưởng khả năng “để ý”.
Nếu như để ý là việc chủ động đưa thứ gì đó vào trong tâm trí mình, giống như việc in lên giấy, thì đối với việc để tâm mình lại phải chủ động ngăn chặn để không cho cảm xúc không mong muốn in vào tâm trí mình. Yêu thương một ai đó thì không nói, nhưng oán ghét, thù hận hoặc bị hấp dẫn thì rất nên kiểm soát vì nếu không sẽ đánh mất bản thân và làm ra nhiều thứ tai hại, hoặc chẳng làm được gì. Từ chuyện đơn giản như ai đó đánh giá mình một câu, mình buồn bực mấy ngày, mỗi khi gặp lại người đó là khó chịu cho đến ấn tượng xấu hay “cuồng” một người nào, những điều này một người làm chủ được tâm trí sẽ không rơi vào bị động.
Cũng giống như cách thực hành việc “để ý”, khi tâm trí mình sạch sẽ, trống trải, dần dần khả năng kiểm soát của mình đủ mạnh, mình có thể quyết định xem thứ gì được phép xuất hiện ở đây, thứ gì thì không. Điều này không quá khó, chỉ cần thường xuyên luyện tập, mỗi phút mỗi giây thôi. Việc luyện tập này khi có chút thành tựu thì nó sẽ trở thành một cơ chế tự động, không cần lúc nào cũng phải khó chịu vì những suy nghĩ lung tung trong đầu nữa.

Khi thành công kiểm soát tâm trí thì mình có thể để ý đến mọi thứ và không để tâm điều gì cả.

Việc kiểm soát tâm trí này giống như phát quang bụi rậm, dọn rác vậy. Khi thành công thì tâm mình như một vùng bằng phẳng, sạch đẹp giữa một khu rừng rậm của nội tâm. Lúc này những cảm xúc và suy nghĩ không mong muốn sẽ không thể xuất hiện trong tâm mình nữa.
Sau đó chính là việc buông bỏ khả năng kiểm soát đó. Không cần kiểm soát nữa. Mở cửa tự do cho mọi thứ đến và đi. Khi đó chuyện vui cũng không khiến mình phát cuồng, chuyện buồn cũng không khiến mình thê thảm, chuyện bực bội không khiến mình phát điên.. Mình nhận ra tụi nó có đến đây và biết là nó chỉ đi ngang qua thôi. Ở giai đoạn này, dù mình mở cửa thoải mái nhưng mấy thứ bậy bạ cũng ít khi dám xuất hiện lắm, giống như nơi sạch sẽ thì sẽ ít có côn trùng vậy.
Mình có thể bỏ qua bước “kiểm soát” mà trực tiếp “thả rông” không? Theo mình thì không. Điều này có thể hình dung hai người cùng đứng dưới chân núi, nhưng một người đã leo lên đỉnh núi còn một người chưa leo lên bao giờ. Cùng đứng đó nhưng cảm nhận và mọi thứ đều hoàn toàn khác nhau. Phải qua bước kiểm soát thì tâm trí mình mới đủ mạnh để bình thản với việc thả rông.
Như vậy có phải biến mình thành một cái máy đầy lý trí, không cảm tình không? Không, mình chỉ không để tâm những thứ không đáng, thứ gì mình để tâm thì sẽ thật sự nghiêm túc, bình tĩnh, sâu sắc, đúng mực và an toàn.
Đó là để ý mà không để tâm.
27.02.2020
Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo
Bạn có thể tin hoặc không, những gì mình viết trong các bài “viết cho em” này chỉ cho chính mình một phần nhỏ, còn lại là mình nghĩ có ai đó sẽ cần. Mình đã nhiều lần nghĩ đến chuyện ngừng viết, khi nhiều khi ít. Hôm nay mình không hề nghĩ tới chuyện đó nhưng lại là lần mình muốn ngưng viết nhất từ trước đến nay. Mình có một loại cảm giác là “loài người không xứng đáng”. Tất nhiên đó chỉ là cảm giác của mình chứ không phải là mình, nên mình lại tiếp tục viết.
Nay mình đăng cái status trên FB: “Chậm một chút có thể bỏ lỡ vài thứ nhưng đó là cách hiệu quả để nhìn ra nguyên nhân, bản chất của nhiều điều.”, có em Đỗ Minh Hòa comment thế này: “Ừm nhưng mà em vẫn nghĩ mình chỉ nhìn gì mình muốn thôi.Mấu chốt lại anh gửi gắm niềm tin ở đâu.”
Mình trả lời: “Thấy thứ mình muốn nhìn là 1 cách nói thôi. Đó là khi mình nhìn đúng vấn đề rồi và mình lựa chọn góc để nhìn vào nó. Còn ở đây đang nói là có nhiều thứ nó biểu hiện sai khác, giả tạo khi mình mới lần đầu tiên nhìn vào nó đó.”
Em Hòa lại nói: “Em vẫn phân vân: Thế nào là đúng, thế nào là sai? Mọi thứ đều mang tính quy ước thôi mà. Cái gì là chân thật? Cái gì là giả tạo. Ủa anh có kinh nghiệm và nhận định về nó anh mới phán đoán và nhận xét được chứ đúng hem?”
Cái gọi là “đúng sai chỉ là tương đối” là một trạng thái lưng chừng. Khi một người bắt đầu tìm hiểu và vượt lên một chút khỏi cái đúng và cái sai, họ bắt đầu phủ định cả hai. Lúc thì đúng, lúc thì sai, vậy thì đúng và sai đều vô nghĩa? Không phải vậy. Ý nghĩa của nó là khi nào đúng, khi nào sai, đúng với ai, sai với ai… đến từng chi tiết nhỏ nhất.
Tất nhiên nếu nói chỉ có đúng hoặc sai là cấp 0, không đúng không sai là cấp 1, đúng sai chính xác cực kỳ là cấp 2, thì vẫn còn cấp 3, cấp 4.. Một thứ gì đó khi đã gọi là tương đối thì phải có tuyệt đối, ít nhất là tuyệt đối trong một điều kiện nhất định như tuyệt đối trong vũ trụ này chẳng hạn.
Biểu hiện phủ định cả đúng và sai giống như một người vừa mới tìm hiểu về tính không, cảm thấy đạo lý đó tuyệt vời quá. Mọi sự “có” trên đời không phải cuối cùng rồi cũng về không cả hay sao? Thế thì cái không mới là chân lý. Thế thì mọi thứ đều là không.. nhìn đâu cũng thấy không không.
Nếu cái có không hiện hữu thì cái không cũng là không thôi. Phải biết đâu là có mới xác định được đâu là không.

Ta có thể dùng các loại đạo lý như một lăng kính để nhìn và diễn giải mọi sự dưới lăng kính đó và sai lầm nhất cũng chính là đồng hóa đạo lý là mọi sự.

“Mọi thứ đều mang tính quy ước thôi mà” là một ý hay nhưng cũng rất nguy hiểm. Nó giống như một đứa trẻ mới lớn, nổi loạn, phá bỏ mọi luật lệ và bước vào trạng thái vô luật lệ. Lúc đó luật lệ của nó là vô luật lệ. Khi thoát ra khỏi quy ước, người ta bèn nghĩ và làm mọi thứ trái với quy ước, hoặc xem thường quy ước, từ đó bỏ qua bản chất của vấn đề. Khi thấy một thứ gì đó mang tính quy ước là người ta lập tức phủ định, vì cho rằng quy ước là tạm bợ, là sai lầm, đó mới là sai lầm.
158_tinh tuong doi cua dung va sai
Ở level 0, người ta thấy những người xung quanh làm sao thì họ làm như vậy, người xung quanh nói điều này xấu thì họ cho là xấu, điều kia tốt họ cho là tốt, đó là khi họ chịu ước thúc bởi các quy ước của xã hội mà không biết quy ước tồn tại, hoặc không nghĩ đến điều gì khác ngoài những quy ước. Level 1 là khi người ta biết đó chỉ là những quy ước của một nhóm người, ở nơi khác họ quy ước kiểu khác, cho nên những thứ này chỉ mang tính tương đối. Người ở Level 1 có thể sinh ra cảm giác hoang mang không biết điều gì mới đúng, hoặc cho rằng mọi thứ đều là sai.
Tuy nhiên những quy ước cũng có giá trị tồn tại của nó, và ngoài những đúng và sai được gói gọn trong các quy ước, vẫn có những đúng sai lớn hơn ở phía sau. Lúc nào cũng phủ định quy ước là đang dừng lại level 1. Khi bước lên cấp cao hơn, người ta lại thấy có những quy ước mới rộng lớn hơn, những thứ mang tính đúng sai nhiều mặt hơn và họ lại xem trọng quy tắc và đúng sai theo một cách khác hơn.
Trong một status khác, mình nói về việc con người sử dụng trực tiếp các loại tài nguyên thiên nhiên thay vì dùng những vật được sản xuất nhân tạo, vật sử dụng nhiều lần hoặc tái chế là không phải “thân thiện với môi trường”. Em Hòa lại bình rằng “Nói như anh thì chết đi cho rồi”. Đoạn này mình biết em ấy đùa, nhưng đây cũng là một biểu hiện của tư duy cực đoan level 1: mọi thứ là có, hoặc không, hoặc cả có và không đều vô nghĩa.
Con người tất nhiên không chọn cái chết để bảo vệ môi trường, vì rốt cuộc mục đích của việc bảo vệ môi trường chính là bảo vệ không gian sinh tồn cho chính loài người mà.
Nếu con người biến mất, trên trái đất này sẽ hình thành nên các hệ sinh thái mới, hệ sinh thái đó sẽ tiến tới một trạng thái cân bằng, rồi vì một nguyên nhân nào đó (như sự phát triển của loài người trước đó) có một loài ăn thịt trở nên đông đúc ăn hết các loài ăn cỏ và chết đói, hoặc thực vật biến mất, loài ăn cỏ chết, loài ăn thịt cũng chết theo.. Những khả năng này rất khó vì các loại động, thực vật khó lòng tác động đến môi trường mạnh mẽ như con người.
Con người muốn sử dụng trực tiếp các loại tài nguyên thiên nhiên như nấu mọi thứ bằng ống tre, dùng tre làm chén đũa, trải giường bằng lá cây, xây nhà bằng cây… thì con người phải đạt tới trạng thái cộng sinh với thực vật như loài Elf trong thần thoại, hoặc sống đời sống du mục như người tiền sử: tìm một nơi có nguồn nước và thức ăn, ăn hết thức ăn ở đó xong rồi di chuyển đến nơi khác để cho bãi thức ăn này hồi phục lại.
Nhưng tất nhiên với số lượng nhân loại trên trái đất ngày nay, đời sống du mục là không thể. Nên người ta bắt đầu sản xuất chén đũa, nồi niêu, xây nhà bằng các loại vật liệu khác, những thứ có thể sử dụng nhiều lần chính là các biện pháp giảm thiểu việc sử dụng trực tiếp tài nguyên thiên nhiên. Người ta cũng bắt đầu trồng trọt, chăn nuôi, vì thiên nhiên chẳng đủ cho họ ăn nữa. Đó là cách con người kéo dài thời gian tuyệt chủng của chính mình.
Thế nhưng chính các loại vật liệu được xem là những biện pháp “bảo vệ môi trường” lại trở thành “không thân thiện với môi trường” và người ta lại kêu gọi nhau sử dụng những vật dụng có “nguyên liệu từ thiên nhiên”. Đó là nghịch lý hay thuận lý?
Vấn đề chính không nằm ở vật liệu nào, mà ở chỗ người ta dùng nhiều hơn mức họ thật sự cần, và sản xuất còn nhiều hơn mức đó.
Đúng sai đều có tính tương đối, ngay cả điều này cũng có tính tương đối, ngay cả tính tương đối cũng là tương đối, đừng bao giờ dừng lại sự tương đối.
26.02.2020
Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo
Trong bài hôm qua, có em hỏi là ngoài cách trải nghiệm, tiếp xúc với thực tế để nhận ra “chính mình” thì còn cách nào khác không. Hôm qua mình nói là ta cứ thay đổi khi cảm thấy cần thiết, cứ làm những điều mình cho là đúng đồng thời quan sát cảm nhận của mình khi thực hiện những thay đổi đó. Đó là một điều kiện thuận lợi để giúp mình nhận ra những hình tượng mà ta xây dựng nên đó không phải là ta. Có thể nói đó là một “đường vòng” để trở về với ta.
Tất nhiên cũng có cách khác, đó là đường thẳng, không cần phải thay đổi vòng vèo bên ngoài mà trực tiếp quay ngược lại, đi vào trong và nhận ra chính mình. Đó là con đường ngắn nhất, có khi chỉ là một khoảnh khắc mà người ta gọi là giác ngộ hay thức tỉnh.

Đường vòng thì dài nhưng dễ đi, đường thẳng thì ngắn mà khó đi hơn.

Cũng có nhiều con đường khác như thông qua các pháp môn tu luyện, đây là các dạng con đường vòng ngắn hơn một chút, khó hơn một chút.

Con đường ngắn nhất chỉ là những khoảnh khắc “khả ngộ, bất khả cầu”. Đa phần những người bình thường sống trong xã hội thậm chí chưa từng bước chân lên bất kỳ con đường trở về nào. Những người bắt đầu quan sát, bắt đầu nhận ra “chính mình” và những suy nghĩ, hình tượng của mình không phải là một xem như đã bước chân lên con đường trở về rồi.
Thật ra mỗi người đều có những khoảnh khắc “là chính mình” thật sự, ai ai cũng từng có lúc “trở về” chân chính bên trong mình để “nhập” vào “chính mình”. Tuy nhiên đó chỉ là những khoảnh khắc thoáng qua chứ không phải là trạng thái thường hằng, ta không an trú bên trong mà luôn bị thu hút, hấp dẫn và chạy theo những thứ bên ngoài. Ngay cả khi ở một mình ta cũng luôn chạy theo những suy nghĩ trong đầu chứ không an ổn được.

Vậy thì trở về để được gì? Trở về rồi ta sẽ luôn hạnh phúc dù sống trong cảnh nghèo khó, bệnh tật chăng?

Không. Khi trở về rồi thì không còn gì sau đó nữa. Nếu ta bước lên một con đường nào đó mà vẫn còn mục đích trong đầu, muốn được cái gì đó, thì đó không phải là đường về.
157_Tro Ve
Đến đây mình nhớ đến một đoạn trong Forrest Gump, một ngày kia khi đang lái máy cắt cỏ trong vườn, Forrest bỗng nhiên muốn chạy và anh liền chạy. Chạy ra khỏi nhà, ra khỏi thị trấn, rồi chạy hết tiểu bang, rồi chạy hết nước Mỹ, cứ thế chạy liên tục trong hai năm. Hành trình đó gây tò mò và truyền cảm hứng cho rất nhiều người, họ cũng chạy theo anh. Rồi đến một ngày không định trước, anh ngừng lại và bảo: tôi mệt rồi, tôi về nhà đây.
Tất cả những người quan sát, suy đoán, ủng hộ và chạy theo Forrest đều có mục đích, chỉ có anh thì không.

Vì sao cần phải có mục đích nào khác khi mình muốn chạy?

Và vì sao phải tiếp tục chạy khi mình muốn ngừng?

Gia đình, xã hội, đạo đức, tôn giáo, trường học… sẽ cho ta những đáp án khác nhau cho các câu hỏi đó, nhưng câu trả lời thật sự thì không tồn tại.

Mình vốn có sẵn một ít căn cơ như việc tự phân định rõ ràng giữa chính mình và những cảm xúc, suy nghĩ trong mình từ rất lâu trước khi mình nghe về nó, tất cả những giấc mơ của mình đều là những giấc mơ tỉnh (lucid dream). Sau này mình bắt đầu tìm hiểu một vài pháp môn và các quy luật vũ trụ thì lại gặp khá nhiều trở ngại, có thể do nghiệp lực còn nhiều nên cứ mỗi lần sắp tiến lên một bước lại bị đánh lùi về hai bước.
Năm nay mình bị tác động khá nhiều, nhìn đâu cũng thấy cơ hội với rủi ro, hay đó đếm các thứ bằng tiền bạc, tự nhiên lại hay tính toán chuyện mua đất, mua nhà, đầu tư, thậm chí còn chạy đi tìm hiểu về chứng khoán, suýt nữa thì lập tài khoản đầu tư luôn rồi. Lại còn nghĩ đến chuyện vợ con các thứ nữa. Cảm giác như đi tu rồi lại hoàn tục vậy. Khổ ghê.
Rồi mình đọc được bài viết giới thiệu về Tehching Hsieh và cách ông trình diễn với thời gian. Màn trình diễn một năm đầu tiên của ông vào năm 1978-1979:
“Hsieh làm một cái chuồng bằng gỗ, kích thước 2,4 x 2,7m, đặt trong studio của mình trên đường Hudson. Trong chuồng có một bồn rửa mặt, một cái giường đơn, một cái xô, đèn. Anh tự nhốt trong đó từ ngày 29-9-1978 tới ngày 30-9-1979. Trong suốt 365 ngày đó, anh buộc mình không nói chuyện, không đọc, không viết, không nghe đài, không xem TV.” (theo Tuổi Trẻ)
Hết một năm, ông lại trình diễn tiếp 1980-1981 (cạo trọc đầu, mỗi tiếng bấm giờ một lần và chụp một tấm ảnh) rồi 1981-1982 (chỉ sống trên đường phố); 1983-1984 (ông và một cô gái cột với nhau bằng một sợi dây dài 2,5m trong một năm)
Những màn trình diễn nói trên là cho công chúng xem, ông còn làm một màn trình diễn cho riêng mình kéo dài suốt 13 năm, đến năm 2000 thì thôi không trình diễn nữa.
Những điều Hseih từng làm, đa số người trong xã hội đều xem như vô giá trị, tào lao thậm chí là điên khùng. Vậy mà ông lại làm suốt 365 ngày, rồi mỗi năm lại nghĩ ra một trò mới. Cuộc đời ông có mấy lần trình diễn, còn người khác có gì ngoài cơm áo gạo tiền, công danh lợi lộc, sinh lão bệnh tử đây.
Ông anh mình nói rằng khi một người làm một việc gì đó đủ để quên đi mọi sự trên đời, thậm chí quên đi ý nghĩa của việc đang làm thì đó là một trạng thái tuyệt vời nhất, dù việc đó quái đản đến đâu đi nữa.
Có vài lần mình đã nghĩ sẽ đi đến mọi miền trên đất nước này, mỗi nơi dừng lại vài tháng để sinh sống, kiếm tiền, rồi lại đi tiếp. À, mình nghĩ nhiều thứ lắm mà chưa làm thứ nào.
Có điều đọc bài này, mình không dấy lên cảm xúc hào hứng muốn đi làm thứ gì đó quái đản tương tự mà chỉ nhận ra rằng mình đã đi quá xa. Mình thấy bản thân lại bị dẫn dắt trở ra trên những con đường của xã hội. Mình thấy mình cần trở về.
Sẽ thế nào khi người ta chỉ cần đảm bảo nhu cầu cơ bản của việc sinh tồn là đủ, còn lại thời gian, sức lực và tâm trí thì sử dụng tùy ý mình, như cách mà Hseih đã làm trong các màn trình diễn của ông chẳng hạn?
Mình cho đó là tự do.
25.02.2020
Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo
Tựa đề của bài này bắt chước theo tựa một tập bút ký của nhà thơ Vũ Hoàng Chương: “Ta đã làm chi đời ta”. Tập bút ký này mình đọc qua một lần và thật sự chỉ nhớ mỗi cái tựa. Đó là một câu hỏi, một sự trăn trở, cũng có thể là một tiếng thở dài. Hình như mình cũng đã đặt tựa bài viết của mình một lần ở đâu đó rồi thì phải. Chuyện hôm nay cũng đơn giản, nhưng đặt tựa đao to búa lớn vậy cho một số người dị ứng, khỏi đọc, chơi vậy thôi.

Một điều khá vô lí nhưng vẫn thường xảy ra là người ta cứ sống mà lại ngại nghĩ về cuộc đời.

Đa phần họ cho rằng những câu hỏi như: Ta là ai, ta từ đâu tới, ý nghĩa cuộc sống là gì hay “ta đã làm chi đời ta” chỉ dành cho các triết gia hay những người rảnh rỗi. Những câu hỏi đó vốn chẳng giải quyết được gì và chẳng thể thay đổi điều gì trong cuộc sống hiện tại của họ. Nếu như có một câu trả lời nào khác thì càng đáng sợ hơn: biết được mình muốn làm gì nhưng không dám thay đổi để thực hiện thì thật đáng sợ, sợ quá thì thôi không nghĩ nữa cho “lành”.
Mà thôi, ai lựa chọn thế nào cũng được, nói mãi thì người ta lại bảo mình cạnh khóe. Sống mà không nghĩ về cuộc sống cũng là một cách sống, vậy đi.
Tối qua có em trai vào nhắn tin chia sẻ với mình, rằng trước đây em ấy sống ích kỷ, không quan tâm đến người khác, gần đây em ấy thử thay đổi bản thân, làm những điều mà trước đây không làm như chủ động quan tâm thăm hỏi, giúp đỡ người khác. Sự thay đổi đó khiến em thấy vui mà cũng có phần khác lạ, lo lắng, em không biết đó có phải là bản chất thật của mình không hay mình chỉ đang cố gắng “sống tốt” như định nghĩa của người khác. Em cảm thấy sợ cụm “fake it till you make it”.
Theo mình thấy, khi một người bắt đầu chủ động quan sát đời sống nội tâm và đời sống xã hội của bản thân mình như trường hợp của em, quan sát những thay đổi trong ứng xử và tâm lý của chính mình như vậy, trước hết là một chuyện tốt. Mặt khác, em còn chủ động thay đổi hành vi ứng xử, cảm nhận và quan sát, so sánh, suy nghĩ về những thay đổi đó thì lại càng tốt hơn. Chỉ cần không ngừng quan sát và điều chỉnh, thay đổi như vậy thì sẽ càng lúc càng “đúng” với chính mình nhất.
156_Ta se lam chi doi ta
Cụm “Fake it until you make it” chỉ được dùng để luyện tập một kỹ năng nào đó. Thứ gì đó lặp đi lặp lại nhiều lần thì sẽ trở thành một kỹ năng, một loại phản xạ có điều kiện, một phần đặc tính nào đó của ta, chứ không bao giờ thành “ta” được.
Khi ta luyện tập những hành vi ứng xử tốt, lặp đi lặp lại thật nhiều đến độ thành thói quen, thì đó cũng chỉ là hành vi tốt. Con người của ta có thật sự tốt hay không là ở chỗ vì sao ta lại muốn làm những điều tốt đó. Có những người chỉ thể hiện là người văn minh, lịch sự khi có mặt người ngoài, có người thể hiện cả khi không có ai. Có người làm điều tốt vì muốn người khác, hoặc chính bản thân mình công nhận mình là người tốt. Có người thì vì là người tốt nên họ làm điều tốt.
Trong bài viết cho em số 33 – “Nhận ra hay tạo ra chính mình”, mình đã bàn về câu nói nổi tiếng của George Bernard Shaw “Cuộc sống này không phải là hành trình tìm ra chính mình, mà là để tạo ra chính mình” (Life isn't about finding yourself. Life is about creating yourself). Ta có thể tạo cho mình một hình tượng là người thành công, người tốt, người mạnh mẽ, người tự tin… nhưng tất cả những thứ đó chỉ là hình tượng mà không phải là “ta”.

Ta có thể tạo ra những hình tượng về ta, chứ không thể tạo ra ta, vì ta là cái đứng sau quyết định xem ta muốn tạo ra một hình tượng như thế nào về ta.

Mình nói em đừng hoang mang. Những việc em đang làm đều rất tốt. Khi cuộc sống có những thay đổi như vậy chính là lúc ta có dịp để quan sát và tìm hiểu “ta” tốt nhất. Đừng quan trọng thay đổi có phải là “giả” hay không vì đó cũng chỉ là những biểu hiện. Nếu em thấy điều gì đó là đúng, thì cứ làm. Rồi sau đó nếu thấy mình không phải dạng người như vậy, điều đó không đúng với mình, thì lại thay đổi sang một phong cách khác phù hợp hơn…
Quan sát chính mình theo cách đó mình sẽ biết những gì mình làm điều gì là do mình lựa chọn, điều gì là làm theo ý của người xung quanh và xã hội. Nhiều lần và liên tục như vậy mình mới tách biệt ra từng thứ một liên quan đến bản thân mình.
Cụ thể là cách hành xử cũ của em (không quan tâm người khác) hay cách mới (quan tâm nhiều hơn) đều không phải là em. Em là cái đằng sau lựa chọn mình quan tâm hay không quan tâm, “em” là cái cảm nhận những điều đó, là cái nhận ra mình ích kỷ, là cái cảm thấy thoải mái khi kết nối, là cái nghi ngờ rằng đó có thật hay không...
Tương tự, khi một người muốn thành công, họ sẽ tìm tòi và học hỏi, tạo ra một hình tượng người thành công: đọc sách, tập thể thao, tham gia các khóa học, làm thêm giờ, đầu tư vào các ngành kinh doanh mới… tất cả những cái đó đều không phải là đang “tạo ra chính mình” mà là tạo ra một hình tượng về chính mình, những cái đó do “chính mình” quyết định (hoặc mình bị người khác thuyết phục rằng mình nên như thế thì mới đáng sống, đáng ngưỡng mộ…)
Chính vì nhầm lẫn giữa cái ta và những hình tượng về ta, cho rằng hình tượng là ta, nên khi những hình tượng không còn phù hợp nữa, khi đã đạt đến mức độ thành công nào đó ta sẽ thấy chán ngán, thất vọng về “chính mình” (thật ra là hình tượng do chính mình tạo ra); cũng có thể có một cái hình tượng nào đó cao xa ngoài khả năng mà ta thất bại khi cố gắng đạt tới nó, ta cũng sẽ đau khổ vì không thể là “chính mình” (thật ra chỉ không tạo được hình tượng đó mà thôi).
Khi nhận định rõ ràng đâu là ta, đâu là những hình tượng ta đang tạo ra, đâu là lựa chọn của ta, đâu là những thứ mà ta bị người khác hoặc xã hội tác động… ta sẽ thoải mái hơn trong các lựa chọn của mình. Việc này hợp thì làm, việc kia không hợp thì thay đổi, việc này chưa thành công thì thử lại… mấy cái đó chỉ toàn là biểu hiện của ta thôi, ta vẫn luôn ở ngay đây, vẫn làm chủ mọi thứ.
Thành công hay thất bại chỉ là những kết quả. Được trọng thị hay rẻ khinh chỉ là những nhận định của người khác về biểu hiện của ta. Ta là thứ đằng sau mọi thứ. Ta luôn có thể thay đổi mọi thứ, nói chính xác là bắt đầu thay đổi, hành động thay đổi, còn kết quả thì là chuyện khác. Kết quả của sự thay đổi, hay các hình tượng mà ta xây dựng được không phải là ta. Đó là điều quan trọng nhất cần nhận ra.
Tạo ra chính mình là tạo ra những hình tượng cho mọi người (bao gồm cả ta) xem, nhận ra chính mình mới thật sự là sống.
24.02.2020
Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo
Hôm qua có một chị nhắn tin cho mình, hỏi mình có thể viết một bài giúp người bạn của chị “tỉnh ra” được không. Người bạn này yêu một người làm nhiều việc xấu, cư xử tệ và bỏ rơi bạn này, nhưng bản vẫn “thần tượng” và yêu người đó. Mình nói với chị điều này mình không giúp được, và cũng không muốn giúp. Những điều mình viết có thể bắt nguồn từ một tình huống nào đó, nhưng chưa bao giờ mình có ý muốn tác động đến quyết định hay hành động của một người nào (dù đôi lúc mình có ghi “hãy” hay “đừng” này nọ, nhưng chỉ là gợi ý trong chủ đề thôi, không phải nói riêng ai).
Dù rằng nhiều người vẫn còn nhầm lẫn đối với nhiều giá trị trong xã hội và cuộc sống nhưng mình tin mỗi người vẫn có lý do riêng cho sự lựa chọn của mình. Sống trong một tình trạng mà người khác cho là vô lý, không đáng, khổ sở… cũng là một loại lựa chọn. Miễn sao lựa chọn đó không gây hại cho người khác, thì mình tôn trọng tất cả. Yêu một người không đáng yêu là một nỗi khổ ngọt ngào mà. Ít ra người ta còn có thể yêu.
Điều mình có thể nói cho những người đang khốn khổ hay bị kẹt lại trong những tình trạng rối rắm, mất phương hướng, cảm thấy khổ đau mà không biết phải làm sao chỉ là những lựa chọn khác, cách làm khác vẫn còn rất nhiều. Người ta luôn có thể thay đổi mọi thứ, chỉ cần dám từ bỏ mọi thứ: từ bỏ những nỗi khổ niềm đau mà họ đang mang, quay trở về điểm xuất phát ban đầu – khi chưa “có” gì hết, kể cả những khổ đau. Trở về điểm xuất phát để đi sang một hướng mới tươi sáng an lành hơn. Thường người ta khổ là do luyến tiếc vị trí hiện tại, không muốn quay về nhưng lại muốn đổi thay.
Nhưng mình không khuyên cụ thể với một ai, mình không đủ uy tín và chuyên môn, cũng không được trả phí để làm điều đó. Mình chỉ nói về những trường hợp có thể có, ai thấy cần thay đổi thì tự họ thay đổi thôi. Khi người ta không muốn thay đổi, nói gì cũng là vô ích. Trong phim Dexter có câu nói: “Bạn có thể dẫn con ngựa đến cái máng nước, nhưng không thể bắt nó uống nước được”.
 Tối qua bạn Mai Thương đại nhà báo viết một bài về “tình yêu và sự gắn bó” (Love and attachment) với câu hỏi là bạn thật sự yêu một người nào hay chỉ đang đi tìm sự gắn bó theo “phong cách” riêng của bạn mà thôi. Kết hợp với tình huống nói trên, mình nghĩ một chút về một “người không đáng yêu”.
Là mình đây. Từ hơn 5 năm trước, mình đã tự nhận thấy mình là người không đáng yêu, không xứng đáng với tình yêu.
155_Nguoi khong dang yeu
Tình yêu vốn là cảm xúc, chẳng ai định nghĩa rõ ràng và biết mình thật sự đang yêu một người theo “kiểu” nào, nên người ta chia những mối quan hệ yêu đương theo cách một người đến với một người khác vì muốn tìm kiếm sự gắn bó. Khi một người muốn gắn bó cuộc đời, hay một đoạn thời gian của cuộc đời mình, với một ai đó, thì có thể vì yêu hoặc vì muốn “kết đôi”. Có bốn dạng người chính trong việc tìm kiếm sự gắn bó (attachment) như vậy: an toàn – lo âu – tránh né – lo âu tránh né.
Nhóm “an toàn” là những người luôn có cảm giác an toàn trong mối quan hệ tình cảm của họ. Họ là người có thể quan tâm, chăm sóc, trấn an những người thuộc nhóm còn lại. Các nhà nghiên cứu cho rằng nhóm này chiếm 50% dân số.
Nhóm “lo âu” thì luôn bị khủng hoảng vì sự đổ vỡ, họ có nhu cầu được quan tâm, yêu thương, chăm sóc rất cao và thích kiểm soát người khác. Người lo âu luôn tìm cách kết nối, duy trì liên lạc với người kia và dễ suy tính về những đổ vỡ, mất mát trong tình yêu đến mức họ không làm gì khác để vun đắp tình yêu, hoặc vun quá nhiều đến mức nó ngộp mà chết.
Nhóm “tránh né” là những người có ít lo âu, độc lập, hay nhìn vào khuyết điểm của người khác, không tin tưởng người khác và không muốn người khác dựa dẫm vào mình. Những người này “tránh né” một mối quan hệ lâu dài, vì tính cách của họ như vậy.
Nhóm “lo âu tránh né” là những người từng bị tổn thương trong quá khứ, họ vừa sợ đổ vỡ vừa tìm cách tránh né mọi kết nối dài lâu. Mai Thương viết mấy dòng này y như đang tả mình vậy nè “Anh muốn yêu em nhưng anh sợ tổn thương. Anh biết chắc rằng rồi nó sẽ tan vỡ, vậy nên anh sẽ không bắt đầu. Làm sao chắc chắn được ngày mai lúc em ngủ dậy, tự dưng em thấy mình không yêu anh nữa và đá anh như cách em đá lon bia vào thùng rác?”
Câu hỏi đặt ra là: vì sao nhóm người “an toàn” chiếm hơn 50% dân số nhưng chúng ta – những người thuộc các nhóm còn lại ít khi gặp được họ để kết đôi? Có lẽ vì họ kết đôi với nhau cả rồi. Hoặc giả không có nhóm nào là an toàn, chỉ khi gặp đúng người, cùng nhau xây dựng một mối quan hệ an toàn thì họ mới trở thành nhóm an toàn vậy.
Những nhóm người nói trên sở dĩ được xếp vào các nhóm là vì với những đặc tính đó nhưng họ vẫn có thể tìm được người cùng họ kết đôi, họ vẫn đáng yêu theo một cách nào đó, hoặc ít nhất có người sẵn sàng yêu họ bất chấp những khó khăn hay sự xấu xí, khó chịu của các nhóm kia.
Mình là người không đáng yêu, vì mình có đủ các tính xấu của các nhóm. Mình có đặc tính của nhóm an toàn, khi đã bước vào một mối quan hệ, mình không hề nghĩ đến chuyện đổ vỡ hay lo sợ vẩn vơ, mình không thích thay đổi và luôn tìm cách duy trì mối quan hệ lâu dài nhất có thể. Tuy nhiên vì quá an toàn sinh ra chủ quan, nên khi tình cảm có những rạn nứt, cả hai có những vết thương ngầm, mình vẫn tin rồi mọi thứ sẽ qua, nhưng mà rốt cuộc không qua như mình tưởng.
Mình cũng không thật sự thuộc vào nhóm an toàn vì mình không mang đến cảm giác an toàn cho người khác. Trước đây mình còn có đặc tính của nhóm lo âu là luôn thích kiểm soát người khác, kiểm soát đến từng chi tiết, nghi ngờ mọi thứ, điều đó gây đau khổ cho cả hai người. Sau này, khi đã đi qua nhiều mối quan hệ, thậm chí là một cuộc hôn nhân, mình lại có đặc tính của nhóm lo âu tránh né. Mình luôn thích một mối quan hệ lâu dài nhưng lại sợ nó không được lâu dài. Thứ mình nhìn thấy luôn là trở ngại mà không phải là cơ hội. Mình sợ bắt đầu sẽ mất thời gian của cả hai. Mình nghĩ cho người ta rất nhiều nhưng lại không làm gì để khiến cho những lo âu đó trở nên an toàn cả.
Mình không đáng được yêu.
Có lẽ một ngày nào đó mình sẽ thay đổi, hoặc không.
23.02.2020
Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo
Một bài nào đó trước đây, mình đã nói về ý nghĩa của hôn nhân, nay nói thêm một chút ý nghĩa của việc ly hôn cho đủ bộ.
Có lần mình tự hỏi vì sao khi kết hôn người ta làm đủ thứ thủ tục, đám tiệc rình rang, còn khi ly hôn cũng phải làm nhiều thủ tục mà không thấy ai đãi tiệc. Kết hôn thường là việc vui lớn trong đời, còn ly hôn thường là buồn hay vui, điều này phải xét đến nguyên nhân của việc kết hôn và ly hôn vậy.
Nguyên nhân của việc kết hôn thì chủ yếu là do hai người muốn gắn kết trọn đời với nhau, dọn về ở chung một nhà, được pháp luật và xã hội thừa nhận, trong khi đó nguyên nhân của ly hôn là do một trong hai, hoặc cả hai không thể chịu được việc sống chung với người kia nữa.
Nguyên nhân của tình trạng “không chịu được” đó có thể có rất nhiều: ngoại tình, bạo lực gia đình, thói hư tật xấu hoặc có khi chỉ đơn giản là không thích ở chung nữa vậy, nhưng nhìn chung mà nói thì đây có thể xem là một loại gánh nặng. Khi bỏ xuống được gánh nặng thì chẳng phải là việc vui sao? Có lẽ nên ăn mừng.
Có khi mình lại nghĩ: ngày xưa ly hôn không phổ biến là do tình trạng trọng nam khinh nữ, chỉ có đàn ông được phép bỏ vợ chứ đâu có đàn bà nào được bỏ chồng. Từ khi đàn bà được bỏ chồng thì ly hôn xuất hiện và tăng mạnh theo thời gian. Từ đó có thể nói trong hôn nhân đàn ông thường là gánh nặng cho phụ nữ, và nhiều người đã thực hiện quyền của họ bằng cách ly hôn?
Ly hôn tất nhiên có ý nghĩa tích cực với những cuộc hôn nhân quá bế tắc và đau khổ. Tuy nhiên với những trường hợp do ích kỷ và “tự do” mà lựa chọn ly hôn, thì việc ly hôn trở thành một dạng phủ định giá trị của hôn nhân. Kết hôn và ly hôn cùng tồn tại không phải để bổ trợ cho nhau, mà để người ta nhìn nhận rằng kết hôn không còn thiêng liêng và duy nhất như trước đây nó từng là như vậy nữa. Mọi thứ chỉ còn là các loại thủ tục. Thích thì kết, hết thích thì ly.
154_Y nghia cua viec ly hon
Khi hai người đồng ý thuận tình ly hôn, điều đó “khỏe” cho cả hai, nếu có ảnh hưởng thì con cái có lẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Đó cũng là nguyên nhân khiến nhiều người ở lại trong cuộc hôn nhân không hạnh phúc của họ: vì con.
Tuy nhiên việc con cái cảm thấy khổ đau, thiếu thốn cũng phần nhiều là do nó được dạy cần phải như vậy. Không phải chỉ có cha mẹ mà cả xã hội này dạy nó như vậy: một đứa trẻ không có cha, hoặc mẹ, cần phải cảm thấy mình bất hạnh, cảm thấy cô đơn, thiếu thốn tình thương… Cha mẹ nó nghĩ về điều đó trước khi nó xảy ra và thấy thương cho nó, nên họ ở lại dằn vặt nhau, hoặc đáng buồn hơn là mặc kệ nhau trong cuộc hôn nhân chỉ còn là danh nghĩa.
Ly hôn còn ảnh hưởng đến việc kết hôn lần nữa, nếu người đó vẫn còn trẻ và muốn kết hôn. Đối tượng của họ sẽ phải vượt qua một phần ái ngại, đắn đo, đó là một vấn đề không nhỏ. Chính bản thân người đó cũng sẽ gặp chướng ngại khi nghĩ về hôn nhân lần nữa trong tương lai. Có nhiều người sau một lần đổ vỡ, ngay cả khi chưa kết hôn, cũng đã chọn cuộc sống độc thân. Điều này thường chỉ đúng với kết hôn lần hai, còn khi đã vượt qua được một lần, thì lần ba, lần bốn… dễ hơn nhiều. Quen tay hay việc mà.
Càng có nhiều tự do, nhiều sự lựa chọn, người ta càng dễ tiếp cận với bản chất của mọi vấn đề. Ly hôn xuất hiện và phổ biến để cho người ta nhìn rõ hơn, nhiều góc độ hơn đối với hôn nhân. Người nào tôn trọng hôn nhân sẽ càng cẩn thận trong việc giữ gìn hạnh phúc gia đình, người nào cảm thấy nặng nề thì cũng không cần kết hôn nữa, nếu có thì đó cũng chỉ là một loại thủ tục như đăng ký làm giấy phép lái xe hay chứng minh nhân dân vậy thôi.
Ở giai đoạn hiện nay, mình thấy người ta vừa mới tiếp xúc với khái niệm “tự do” nên có nhiều nhầm lẫn, đặc biệt là khi cho rằng tự do đồng nghĩa với muốn làm gì thì làm. Lại còn những thứ như “hãy yêu bản thân” vô cùng độc hại biến người ta thành những người ích kỷ, khiến họ chiều theo những mong muốn của cái tôi nhiều hơn là thật sự yêu bản thân.
Đa phần người ta đều thoải mái sau khi ly hôn, nhưng cũng không ít người hối hận. Hối hận vì đã ly hôn, càng hối hận vì đã kết hôn. Tất cả những quyết định đó đều được đưa ra vì họ quá tự do, quá yêu bản thân mình.
Trong màn đêm trước bình minh của tự do, người ta dễ mất phương hướng. Khi không còn gì kìm kẹp, áp đặt họ, cũng là khi không có gì để họ bám víu, lần dò theo. Mọi gông cùm xung quanh được dở bỏ đi, người ta sẽ có một chút hụt hẫng và choáng váng, đó là một cơn say “tự do”. Khi màn đêm đen đó qua đi, bình minh ló dạng, người ta mới có thể định vị chính mình, giữ thăng bằng và bước đi trong tự do thật sự.
Thoát khỏi mọi ràng buộc cũng chưa phải là chính thức tự do. Huống chi đây chỉ là giai đoạn phá bỏ ràng buộc còn đang dang dở. Người ta rất dễ đưa ra những quyết định mà không biết tại sao mình quyết định như vậy.
Kết hôn rồi ly hôn đều dễ dàng như vậy, vậy còn cần kết hôn không? Có lẽ mọi người đều có đáp án riêng, nhưng đó chưa hẳn là câu trả lời của họ.
22.02.2020
Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo