Vì sao người ta không chịu cách ly mà còn đi khắp nơi lây bệnh cho cộng đồng? Vì sao người ta thấy vui khi ném đá vào xe khách? Vì sao người ta có thể kiếm tiền bằng cách hại người khác?
Hay đơn giản như vì sao học sinh đánh giá 1 sao cho ứng dụng dạy học online?
TNG15_VoMinh_cOVER
Mình cho rằng tất cả đau khổ và độc ác của con người đều do vô minh mà ra. Vậy vô minh là gì và làm sao hết vô minh?
Hôm nay #TNGKNV đau khổ và vô minh.

Hình tượng về người khác là tốt hay xấu? Có nên xây dựng hình tượng, thần tượng một ai đó?
Có người nói tôi sao lạ quá, hình chụp lúc thì nhìn như 20 tuổi, lúc lại thấy giống… ngoài 40. Bình thường tôi hay để mấy hình chụp kiểu “nghiêm túc” làm avatar trên facebook, hôm nay đổi thành một cái hình hơi bị xì-teen một chút, thế là có thằng em bảo: “Trời, sụp đổ hình tượng rồi”. Hoặc đôi lúc có người PM cho tôi, tôi trả lời kèm theo mấy cái biểu tượng dễ thương này kia, họ lại ngạc nhiên bảo: “Trời, anh teen dữ vậy hả, không ngờ…” Người thì cho rằng tôi khó tính, người thì thấy tôi thân thiện, người nói tôi tài giỏi, người chê tôi lười biếng… Nhiều nhiều trường hợp khiến tôi quyết định viết bài này – “Đừng xây dựng hình tượng về người khác”

Hình Tượng Là Gì? Nó Được Xây Dựng Như Thế Nào?

Nói một cách đơn giản: Hình tượng là một hay nhiều thuộc tính về thể chất và tinh thần mà ta gán cho một người nào đó sau khi tiếp xúc để rồi sau đó mỗi lần gặp lại người đó, hình tượng đó lại được “gọi” ra một cách tự động. Hình tượng về một người được tô, đắp ngày càng nhiều, càng dày đến mức độ nào đó thì một ngày ta không còn nhìn thấy người đó nữa mà chỉ thấy hình tượng về họ mà thôi.
Phần lớn những cảm xúc trong ta đều không thật sự xuất phát từ trái tim, từ nhận thức mà là từ những “hình tượng” ta mãi xây dựng theo thời gian. Ta yêu, ghét, kính trọng, khinh bỉ, tin tưởng, nghi ngờ… một người nào đó không phải bằng nhận thức khách quan của ta với đối tượng đó, tại thời điểm đó mà thường bắt nguồn từ “hình tượng” về người đó mà ta đã xây dựng.
Ấn tượng ban đầu cũng là một loại hình tượng, nó là một thứ hình tượng sơ khai mà ta xây dựng về một đối tượng mới dựa trên những khuôn mẫu là các hình tượng mà ta đã xây dựng cho những người quen cũ: Người như thế này là trí thức, người như thế kia là thành công, người như thế nọ là trung thực…

Vì Sao Không Nên Xây Dựng Hình Tượng?

Con người đâu phải là pho tượng. Họ có vui buồn, có khi hứng thú, lúc chán nản, khi khỏe, lúc yếu, khi dư dả, lúc khó khăn.. và còn nhiều nhiều nguyên nhân khác tác động đến họ nữa. Cho nên khi tiếp xúc với một ai đó, dù rất thân quen, đừng mang hình tượng trong đầu ta ra mà áp lên người họ rồi chỉ nhìn vào hình tượng đó mà nói chuyện. Điều đó giống như bạn đang nói chuyện cùng pho tượng của người đó vậy. Hãy dùng cảm nhận thật sự của mình tiếp xúc trực tiếp với họ, trong điều kiện hiện tại, ở hoàn cảnh hiện tại họ đang ra sao, họ lo lắng, mệt mỏi, buồn bực hay đang vui vẻ, phấn khởi… Đừng để câu hỏi “Anh/Chị khỏe không?” Chỉ là một câu chào xã giao.
Có những lúc hình tượng sụp đổ có thể gây shock. Và chúng ta chẳng thể hiểu hết một người nào đâu, dù là người thân nhất cũng có những góc khuất mà chỉ trong điều kiện nhất định mới biểu hiện ra thôi. Những điều vừa nói trên giải thích rằng tại sao ta “tin lầm” hay “trách lầm” người khác. Do lười biếng cả thôi.
Nếu bạn tin lầm hay trách lầm ai đó, thì thật ra bạn đã tin, đã trách cái hình tượng do chính bạn tạo nên chứ không phải bản thân người đó. Những ngôi sao hay các bậc đế vương rất ít có bạn bè và rất quý trọng những người xem họ là bạn, vì những người đó là người tiếp xúc gần gũi và chân thật nhất với chính bản thân họ, chứ không phải với cái “hình tượng” của họ.
Những ký ức, tư liệu, thông tin, ấn tượng… Trước đó đều có thể và nên đem ra để so sánh, đối chiếu trong việc chọn cách ứng xử nhưng không nên xem nó như một căn cứ duy nhất mà phải khách quan, chủ động trong nhận thức. Có người lại nhìn nhận những người mà họ cho là xấu theo cách nói: “Ngựa quen đường cũ” “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”… Vì sao ta thích dùng những câu đó? Vì lười suy nghĩ, lười nhận xét, lười quan sát. Nếu ta chẳng cảm nhận gì ở cuộc sống xung quanh thì ta có đang sống hay không?!
Nếu bạn đánh giá một ai đó là người xấu vì họ làm một điều gì bạn cho là xấu…. Hãy nhớ lại xem: Bạn cần phải thấy bao nhiêu điều tốt ở một người để cho rằng người đó là tốt? Tốt hay xấu, là chuyện đã qua rồi, và quá khứ chỉ mang tính tham khảo chứ không thể làm căn cứ phán xét cho tương lai. Người xấu hay người tốt – đó là bạn đang nói về một người-trong-quá-khứ mà thôi.
Hãy đập bỏ hết hình tượng để sống thật với nhau
Hãy sống tỉnh giác! Hãy quan sát nội tâm của bạn và phát triển nó. Hãy tin tưởng chính mình. Bạn tin tưởng được chính mình bao nhiêu thì sẽ có thể tin người khác bấy nhiêu.
Hãy cho những người xấu một cơ hội, tìm mặt tốt của họ, nhìn nhận con người của họ ngay lúc này chứ không phải trong quá khứ. Hãy cảnh giác với người tốt, vì hôm nay có thể họ khác rồi. Bạn nên nhớ rằng cái tốt hay cái xấu trong mỗi người đều có như nhau cả, quan trọng là người nào dùng cái nào nhiều hơn mà thôi.
Hãy bỏ đi hết những “hình tượng”, đối xử với nhau bằng cảm xúc thật, giữa người với người, ngay lúc này và tại nơi đây. 
Tôi nghĩ gì về hình tượng?


6.3.2020
Từ hôm nay thay vì viết thành văn bản, mình sẽ làm dạng video nè. Mỗi ngày một chủ đề, một video.

Câu mà người xưa hay nói là "An cư lạc nghiệp". Câu này cũng từ quan niệm của người xưa là cần phải có một nơi an ổn rồi mới có thể phát triển lâu dài. Có "an cư" trước rồi mới "lạc nghiệp" (vui vẻ trong sự nghiệp, phát triển sự nghiệp) Nếu chỗ ở không ổn định thì ảnh hưởng đến tinh thần và nhiều thứ khác khó mà tập trung phát triển sự nghiệp. Đó là góc nhìn và kinh nghiệm của người xưa.

Ngày nay thì mọi sự có những biến hóa riêng, người ta không còn theo các khuôn khổ mà lựa chọn những thứ hợp với họ nhất. Nhiều người trẻ vẫn còn đặt mục tiêu mua nhà, mua xe khi bắt đầu công việc, vì đơn giản công việc chỉ là công cụ kiếm tiền để đạt các mục tiêu kia.

Nên theo đường nào, vẫn là tùy khả năng và hoàn cảnh của mỗi người. Nếu bạn có người yêu và hai người cảm thấy muốn kết hôn, thì kết hôn rồi cùng xây dựng sự nghiệp. Không cần phải đi tìm một người, kết hôn xong mới tính đến chuyện sự nghiệp. Nếu bạn chưa có người yêu và muốn mua nhà, đầu tư tài chính trước để làm cơ sở vững vàng cho hôn nhân, thì cũng tốt thôi. Nếu bạn muốn làm cả hai điều đó cùng lúc, vừa yêu đương vừa xây dựng sự nghiệp, đến lúc "ổn định" rồi kết hôn, cũng hay.

Theo quan sát cá nhân tôi thì những đôi kết hôn trẻ (tầm 20-22 tuổi) thường ít thành công trong sự nghiệp (do những thử thách mới trong đời sống hôn nhân, con cái..). Họ sẽ bị chậm khoảng đôi ba năm. Cũng có nhiều đôi vì quá trẻ mà không hạnh phúc như họ tưởng.. tất nhiên cũng có đôi hạnh phúc và thành công, mà ít lắm. Kết hôn có lẽ ít nhất cũng từ 25 trở đi thì tốt hơn.

Nhà cũng vậy, có tiền mua nhà thì tốt, nhưng cần xét xem nó là tài sản hay tiêu sản. Mua nhà mà vẫn thoải mái trong tài chính thì ok, đừng vì đua đòi chúng bạn mà vay tiền để mua sớm, phí.

Mua nhà khi nó là một khoản đầu tư, hoặc 1 khoản dư, thì mới gọi là "an cư", còn mỗi ngày phải áp lực vì trả nợ thì không an rồi. Kết hôn cũng vậy, nếu nó giúp mình có thêm động lực và cảm thấy an toàn, hạnh phúc khi về nhà, thì đó là "an cư". An cư thì lạc nghiệp.


Hôm nay có một bạn nick là Tôm Lê đăng bài trong group “Osho Việt Nam: Thiền và Yêu” nói về bốn loại “giải”: giải đáp, giải thích, giải buồn và giải ngu. Lời của bạn thế này:
Tôi được nghe: có 4 loại Giải: Giải đáp: là dạng trả lời đúng câu hỏi, đúng đáp số. Nhưng người nghe có câu trả lời vẫn không hiểu nguyên lý, không thông minh, không tiến bộ thực sự; Giải thích: là dạng trả lời làm sao khiến người nghe thích thú nhưng không tiến bộ thực sự, khiến người nghe hâm mộ người nói; Giải buồn: dạng trả lời giúp người nói giải tỏa căng thẳng bực mình; Giải ngu: là dạng trả lời giúp ích cho người nghe hiểu biết thật, giúp xóa bớt ngu si, ảo tưởng. Ví dụ: Khi có một cô gái hỏi vì sao một chàng trai thích cô ấy: Người giải đáp: anh ta thích em vì anh ta thích thôi, chả vì sao cả. Người giải thích: anh ta thích em vì em đẹp và em tốt tính, anh ta chăm sóc em vì anh ta rất yêu em. Người giải ngu: anh ta quan tâm đến em là do anh ta ham muốn thân thể của em đấy. Anh ta nhắn tin cho em nhiều để em phụ thuộc anh ta dần. Anh ta đưa em đi chơi, chăm sóc em rất nhiều, nhưng có khi mục đích đằng sau chỉ là muốn sở hữu em. Đằng sau một câu nói, một hành động tốt hoàn toàn có thể do tâm hồn xấu quyết định.
Sự thật thì bốn khái niệm này dùng chung chữ “giải” – nghĩa là giúp cho một điều gì đó thoát khỏi trói buộc (trong “giải cứu, giải khai”). Thằng em mình cũng có làm một cái page tên “Giải ảo bảo hiểm”. Chữ “giải thích” lại là một từ ghép, không phải giải cho người ta thích như ý của bạn nói. Về mặt từ ngữ thì bốn khái niệm trên được hiểu theo một nghĩa khác, không chính xác so với khái niệm gốc của chúng, tuy nhiên đó là một cách hiểu thú vị.
Bài này mình sẽ dùng cách lý giải của bạn Tôm Lê để nói thêm về bốn loại “giải” này. Thứ tự của các loại “giải” do mình sắp xếp lại theo một thứ tự mà mình cho là tăng dần.
164_giai thich giai dap giai buon giai ngu
1. Giải đáp: là đưa ra đáp án cho những vấn đề mà một ai đó đang gặp. Cùng một câu hỏi, đáp án này có thể khác nhau theo từng cấp độ, từng hoàn cảnh. Nhiều khi nó chỉ là một quy ước hay luật lệ nào đó. Đáp án có thể không phải là câu trả lời chính xác và duy nhất, nó mang tính thống nhất và quy ước nhiều hơn. Giống như việc đứa bé hỏi mẹ nó con từ đâu sinh ra, mẹ nó bảo: mẹ lượm ngoài bãi rác về. Đó là một loại giải đáp.
Giải đáp theo ý của tác giả thì lại là việc đưa ra đáp án đúng nhất có thể và giúp cho người hỏi có đầy đủ thông tin và kiến thức để lý giải về vấn đề, nhưng không gợi ý sâu xa hơn, không giúp họ tiến bộ. Điều này giống như google vậy, nó có thể có mọi thông tin cần thiết, vấn đề là đọc, hiểu và vận dụng thông tin đó như thế nào là việc của mỗi người.
2. Giải thích: Cái này thật ra đúng nghĩa của nó là cùng nghĩa với giải đáp bên trên, nhưng bạn này lại diễn chữ “thích” ra thành việc nói sao cho người ta thích, sao cho người ta hâm mộ người nói, chỗ này rất vui mà cũng đúng. Có rất nhiều biểu hiện ở các diễn giả, những người chuyên khích lệ tinh thần làm việc hoặc các nhà lãnh đạo tôn giáo, người làm sale, marketing, bảo hiểm hoặc bán hàng đa cấp… Những người này thường rất giỏi, hoặc học thuộc bài do những người rất giỏi soạn ra, rồi sau đó dùng lý lẽ và tài hùng biện để khiến cho người nghe thật thích thú, say mê, tràn đầy năng lượng, bước ra khỏi vùng an toàn gì gì đó để làm theo ý họ.
3. Giải buồn: Cũng là một loại cảm xúc, mà thiên về an ủi người ta hơn. Dạng này thường thấy ở những người bạn thân với nhau hoặc mấy tổng đài tư vấn. Người ta nghe tâm sự của người buồn, tỏ ra đồng cảm, phân tích một chút rồi chuyển hướng cảm xúc sang chỗ khác hoặc nói điều gì đó gây hứng thú để khiến người nghe bớt buồn, có thể có vài lời khuyên vô hại nào đó nữa. Dạng câu hỏi và câu trả lời “giải buồn” này thường thì sẽ nhanh chóng bị lãng quên.
4. Giải ngu: Đây là một trạng thái khó đạt được, vì nó không chỉ liên quan đến khả năng truyền đạt của người nói mà còn ở khả năng tiếp thụ của người nghe. Mà không chỉ là khả năng, phần nhiều còn ở cái duyên giữa hai người. Cùng một điều nhưng người này nói thì người ta không nghe, không hiểu, người khác nói thì người ta lại nghe, lại hiểu.
Tác giả Tôm Lê thì cho rằng: Người giải ngu có thể sẽ chẳng trả lời được, vì họ chỉ trả lời nếu điều ấy có ích cho người nghe.Để hiểu được người nghe, họ tốn thời gian hỏi han, thấu hiểu trình độ, vấn đề mà người nghe đang gặp phải.
Mình cũng đồng ý với quan điểm đó. Muốn giải đáp hay giải thích, giải buồn thì dễ thôi, còn giải ngu thì còn phải tùy duyên, có khi mình biết rõ mình không thể nào đủ khả năng nói cho người kia hiểu, họ không trùng với tầng năng lượng của mình, không kết nối được với nhau thì không nói còn tốt hơn.
Nhìn lại thì các bài viết của mình đều ở trạng thái “giải thích” theo nghĩa đúng của nó: giảng giải về ý nghĩa, nói ra suy nghĩ, góc nhìn về một chủ đề nào đó. Không có kích thích cho người ta ham muốn cái gì, cũng không chủ động “giải buồn” cho ai, tất nhiên càng không cao đến độ “giải ngu”.
Mình vẫn luôn cố gắng nói điều muốn nói một cách dễ hiểu, rõ ràng và đơn giản nhất, và đôi lúc cũng tự hỏi có thể làm gì đó tốt hơn, cao hơn một chút được không. Có nhiều thứ trải nghiệm mà mình không nghĩ có thể giải thích cho người khác hiểu, mình chưa viết ra. Thôi để từ từ, khi nào đến lúc đủ duyên thì viết, giờ cứ tiếp tục “giải thích” thôi.
Không biết các bạn đọc qua bài này thấy bốn khái niệm kia thế nào, mình thấy thú vị ghê.
03.3.2020
Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo
Mấy năm trở lại đây càng lúc càng nhiều người tìm hiểu, vận dụng, giải thích và chỉ dẫn cách vận dụng luật hấp dẫn vào cuộc sống. Có nhiều video trên mạng và cả sách được viết ra. Những khóa học lập trình tư duy cũng dạy kèm luật hấp dẫn trong đó. Mình từng viết một vài bài giới thiệu và giải thích đơn giản về luật hấp dẫn rồi, trong loạt “viết cho em” cũng có một bài số 80 là nói về luật hấp dẫn.
Mình nghĩ trên đời này chỉ có thứ mình không biết với không thấy chứ không gì là không thể. Luật hấp dẫn cũng là một trong những quy luật khá.. hấp dẫn, nếu mọi người biết về nó, để ý đến nó một chút thì sẽ thấy nó thật sự đang vận hành, và khi hiểu về nó thì có thể tránh điều họa hại, thu hút điều lành, cũng là một chuyện tốt.
Hôm nay mình viết bài này vì thấy có người thắc mắc về cách vận dụng luật hấp dẫn để đạt được điều họ mong muốn. Nếu search những từ khóa liên quan trên mạng, ta sẽ được rất nhiều kết quả, các video và sách dạy thực hành từng bước… trong số đó sẽ có cách đúng với ta và có hiệu quả nếu ta tập trung thực hành nghiêm túc và kiên trì. Luật hấp dẫn là có thật mà.

Tuy nhiên, cũng như trong bài 80 mình đã có nói: đừng mong cầu những thứ bản thân không có khả năng trả giá, không xứng đáng.

Một là thứ đó vẫn bị thu hút nhưng sẽ không đến trong thời gian rất lâu; hai là thứ đó sẽ đến, nếu thuận tiện thì nó sẽ ghé qua, nhưng vì bản thân mình không xứng đáng, nên nó sẽ lấy đi của mình những giá trị tương đương. Vậy nên cần phải hết sức cẩn thận và hiểu về điều này.
Những chỗ dạy vận dụng luật hấp dẫn, đa phần đều không nói tới khía cạnh này. Họ chỉ nói rằng bạn hãy tập trung thu hút những điều bạn mong muốn để nó có thể tới; vũ trụ là người đầy tớ thực hiện mọi ước muốn của bạn, chỉ cần bạn biết câu thần chú, kiểu vậy. Họ không nói rằng người đầy tớ cũng cần được trả công.
163_Luat hap dan va nhan qua
Một trong những quy tắc lớn và bao trùm cả vũ trụ này là quy tắc về sự cân bằng, giống như gió là sự di chuyển của không khí khi có sự khác biệt về áp suất của khí quyển, như ngày và đêm, nóng và lạnh… có những thời điểm ta nghĩ rằng chỉ có một mặt nào đó hiện hữu, nhưng mặt trái ngược với nó vẫn đang tồn tại.
Nói một cách đơn giản là khi ta nhận được x điều tốt, thì cũng sẽ nhận x điều xấu, hoặc phải cho đi x điều tốt tương đương. Chính vì vậy, ở bài trước mình đã nói: muốn nhận được điều tốt trước hết hãy làm những điều tốt cho người khác để “tích đức”. Phần “đức” đó có thể giống như một loại tiền tệ để chi trả cho điều tốt mà ta mong muốn thu hút, như vậy sẽ cân bằng. Nếu như ta chỉ mong muốn điều tốt cho mình, khi điều tốt đó đến và ta đón nhận mà không có “tiền” trả, thì vũ trụ sẽ cho ta một điều xấu, hoặc lấy đi thứ tốt nào đó của ta để cân bằng. Nếu ta không ý thức về quá trình này trước khi nó xảy ra thì ta sẽ hoàn toàn bị động, sẽ suy sụp trước điều xấu phải nhận hay điều tốt mà mình mất đi khiến cho điều mà ta mong muốn không còn đúng như mong đợi nữa.
Ý thức được điều này còn giúp ta trân trọng năng lượng và ước mong của mình hơn, không vận dụng luật hấp dẫn để chỉ thử xem nó có hoạt động không bằng những mong ước tào lao, vì mọi thứ đều có giá cả.
Để hiểu và vận dụng tốt luật hấp dẫn, theo mình thì cần hiểu và áp dụng luật nhân quả song song. Khi mình mong muốn một điều gì đó xảy ra, ít nhất cần biết nó có thể đến với mình qua những cách nào, và mình cần phải có sự chuẩn bị gì để đón nhận một cách tốt đẹp. Có những điều thật tốt, thật vui nhưng mình không nhận nổi đâu.
Khi hiểu về nhân quả, những mong muốn của mình cũng sẽ hợp lý và gần gũi hơn, không tổn hại đến người khác cũng càng nằm trong khả năng đón nhận của mình. Kết hợp với việc “tích đức” để có “tiền” trả cho những mong muốn từ luật hấp dẫn, mình sẽ có thể hoàn toàn thu hút được điều tốt vừa không phải chịu điều xấu hay mất đi thứ gì đáng quý một cách bất ngờ.
Khi hiểu về nhân quả, mình cũng sẽ không còn mong muốn những thứ tốt đẹp chỉ vì lợi ích và lòng tham, chỉ vì nghĩ mọi thứ đều miễn phí, nghĩ rằng chỉ cần luyện tâm trí theo một cách nào đó là có thể ngồi không hưởng phước…
Càng hiểu nhiều thì mình càng nhìn rõ các quy luật vận hành của vũ trụ, từ đó sẽ hòa nhập vào những nhịp điệu vận chuyển đó tốt hơn. Mình có thể cố gắng trả giá để đạt được thứ mình muốn theo đúng luật hấp dẫn và nhân quả một cách chủ động hơn, rõ ràng hơn.
Về sau, khi hiểu nhân quả hơn, mình sẽ bớt mong cầu, bớt quan tâm đến luật hấp dẫn mà chỉ còn tập trung năng lượng gieo những nhân lành, vì mình biết những điều tốt đẹp rồi sẽ đến. Những thứ đáng để cho mình trả giá sẽ ngày càng ít, khi đó cuộc sống của mình hợp với quy tắc vũ trụ hơn, cũng sẽ bình an hơn.
Bạn hoàn toàn có thể thu hút những điều lớn lao, quá sức, nhưng không ăn gian vũ trụ được đâu. Cái giá phải trả chắc chắn sẽ làm bạn hết hồn. Vũ trụ này là cân bằng, không có gì miễn phí. Nhớ lấy, nhớ lấy.
Điều cần hướng tới trong việc tìm hiểu các quy tắc của vũ trụ này chính là làm mọi thứ một cách chủ động và tỉnh thức.
02.3.2020
Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo
Chiều nay mình gặp thằng em Thái Cường – nhà văn kiêm nhà thơ - để mua tập thơ mới của nó, nghe được mấy ý thú vị. Đầu tiên là nếu giữ tư duy của một nhà phê bình thì không thể sáng tác được. Điều thứ hai là khi một nhà văn đưa ra hết chất liệu trong người họ vào các tác phẩm, sẽ rất dễ có sự nhàm chán, tức là dù viết ra 100 tác phẩm cũng vẫn chỉ có bao nhiêu đó chất liệu mà thôi. Nghĩ cũng phải, điều này mình cũng thấy ở một số người.
Ngẫm lại chính mình thì rõ là mình không thể sáng tác ra cái gì có thể vì đầu óc mình vẫn còn ưa đánh giá, phê bình người khác. Nhìn lại hơn 160 bài viết của đợt này có thể nhiều “độc giả” của mình cũng cảm thấy nhàm chán, thấy bài viết của mình chỉ có một kiểu làm tới làm lui chăng?
Trước đây khi lâu lâu mình mới viết một bài dài, đăng lên các nơi được đón nhận khá hơn bây giờ nhiều, ít nhất là gấp đôi số tương tác. Trong khi một vài bài trong series “viết cho em” này mình khá vừa ý, tự thấy hay hơn các bài trước nhiều, lại chẳng có mấy người ủng hộ, phản hồi.
Dù có một vài lời khen tặng, mình vẫn tự thấy có chút ngại vì mức độ đầu tư cho những bài viết này. Thực tế là thời gian mình dành để vừa suy nghĩ vừa viết khá ít, tối đa chỉ có hai tiếng, thường thì là 45 phút một bài. Tất nhiên không phải là mình vô trách nhiệm mà mục tiêu và ý nghĩa mình xác định ngay từ đầu chỉ là viết mỗi ngày thôi.
Mấy hôm nay mình đã nghĩ về việc thay đổi từ việc viết mỗi ngày một bài sang mỗi ngày một video, cũng như viết bài vậy thôi, như lần trước mình làm #The30earlydays – 30 ngày dậy sớm vậy, mỗi ngày nói về một chủ đề thử xem có gì khác biệt không.
162_noi ve su lua chon
Hôm trước có một bạn nói với mình “tự do nào cũng có một cái giá”. Tất nhiên là vậy rồi, trước đây mình vẫn hay nói “Nếu tự do cần có một cái giá, cô đơn phải xếp ở hàng đầu”.

Tự do và những sự lựa chọn có quan hệ với nhau như thế nào?

Đa phần người ta cho rằng con người sẽ tự do hơn khi họ có thể có nhiều sự lựa chọn hơn. Mình thì nói: Khi có quá nhiều sự lựa chọn được đưa ra, ta sẽ có ảo giác rằng mình cần phải chọn một thứ gì đó.
Ảo giác về sự lựa chọn này cũng được những người làm kinh doanh áp dụng để khiến khách hàng chọn đúng gói sản phẩm, dịch vụ mà họ muốn bán. Hình thức phổ biến trong đó là đưa ra ba gói: nhỏ, vừa và lớn. Đa số khách hàng đều sẽ chọn gói vừa.

Nhiều khi ta nghĩ mình có nhiều sự lựa chọn, cho rằng mình thật tự do, nhưng thật vậy sao?

Tự do luôn đi cùng với khả năng và trách nhiệm, chứ không phải từ người khác trao cho, hoặc ban cho. Nếu như tất cả sự lựa chọn của ta đều do người khác trao cho, thì đó chỉ là họ cố tình khiến cho ta có cảm giác rằng mình đang tự do, chỉ là cảm giác về tự do thôi.
Sự khác biệt về đời sống và học tập của học sinh và sinh viên cũng là một ví dụ để hình dung về vai trò của những sự lựa chọn. Học sinh bị cha mẹ bắt phải học, thầy cô bắt trả bài, dặn học bài… Lên đại học thì xa nhà, cha mẹ cũng không kèm cặp nữa, thầy cô thì chỉ có nhiệm vụ giảng bài và kiểm tra bài, ai qua ai rớt là chuyện của họ. Rõ ràng sinh viên có nhiều quyền lựa chọn hơn học sinh, ít nhất cũng là quyền học hoặc không học. Chỉ có thêm lựa chọn như vậy nhưng cũng phân chia ra thành rất nhiều dạng sinh viên. Có người tự do cúp học, chơi bời rồi đến nỗi nợ môn không trả nổi, hoặc học mấy năm ra trường mà chẳng biết làm gì. Có người lại chọn học thật giỏi, lấy học bổng rồi tiếp tục học lên cao. Có người chọn vừa học vừa làm, tiếp thu lý thuyết và thực hành để có chuyên môn và kinh nghiệm thật giỏi, có việc làm tốt hơn.

Mỗi một sự lựa chọn đều không phải là điểm cuối mà sẽ đưa ta đến càng nhiều lựa chọn hơn.

Bởi thế cho nên nếu như ta đủ vững vàng, mạnh mẽ, bản lĩnh thì ta có thể chọn lựa bất kỳ điều gì, và đủ sức đón nhận những lựa chọn càng về sau nữa. Còn khi không có thực lực, thì càng có nhiều sự lựa chọn càng bất lực, đau khổ hơn thôi. Khi không có thực lực, những thứ mà ta có thể chọn cũng đều nằm trong dự đoán và sắp xếp của người khác, đó cũng không thật sự là những lựa chọn.
Người càng tự chủ với những lựa chọn của mình thì càng thận trọng, vì họ biết đó không phải là điểm cuối, còn những ngã rẽ khác mà họ phải tiếp tục đi khi chọn con đường này.
Có những người bị buộc phải lớn lên, có những lúc bỗng nhiên phải tự mình đối mặt với các ngã rẽ cuộc đời, tự mình lựa chọn, người ta lại hoang mang, ước gì lúc này có người bắt mình phải đi con đường nào đó cho xong. Khi không có thực lực thì sự bảo hộ, ép buộc, định hướng cũng là một loại hạnh phúc.
Như vậy thì “quyền được chọn lựa” là tốt hay không tốt, cần hay không cần? Không có điều gì hoàn toàn tốt hoặc không tốt, chỉ có hợp với chính mình hay không.
Nếu bạn cảm thấy mình không được tự do, thoải mái, không được lựa chọn điều mình thích, hoặc không thấy có gì thích thú trong đời mình, thì cách tốt nhất là tăng cường khả năng và thực lực bản thân lên: có thể là về tư duy nhận thức, kiến thức, sức khỏe, tài chính, quyền lực… khi thực lực nâng cao tự nhiên sẽ có nhiều lựa chọn hơn.
Nếu bạn thấy mình bị áp lực, khổ đau vì có quá nhiều lựa chọn, khi đó bạn cũng đang ở một vị trí không phù hợp với thực lực của chính mình. Trường hợp trước là ở quá thấp, trường hợp này là quá cao. Giải pháp cũng vẫn là tăng thực lực lên.
Hãy điều hòa mọi thứ cho đến khi ta cảm thấy hoàn toàn thoải mái khi quyết định lựa chọn một con đường, và sẵn sàng cho nhiều lựa chọn hơn khi bước lên con đường đó. Và nhớ là: không chọn đường nào cũng là một sự lựa chọn.
01.3.2020
Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo
Từ đầu năm 2020 đến giờ hình như có khá nhiều ngày đặc biệt, nhiều hơn mọi năm: riêng tháng Hai này thôi đã có mấy ngày rồi, từ 02.02.2020 đến 20.20.2020 rồi đến 29.02.
Nhiều năm về sau thì có lẽ sự kiện đặc biệt nhất được nhớ tới năm nay là kỳ nghỉ tết đặc biệt của học sinh, sinh viên vẫn đang tiếp tục kéo dài đến 08.3 kia. Mình hay cập nhật thông báo nghỉ học lên page Trà Vinh Today để bà con theo dõi, một số em than phiền rằng sao không thông báo một lần mà cứ lắt nhắt từng tuần một. Thời đại dịch này mọi thứ khó khăn mà, ngành giáo dục cũng muốn các em có thể sớm đi học lại, nghỉ chỉ là bất đắc dĩ thôi nên mới ra thông báo từng tuần như vậy. Tuần này vừa định cho đi học thì có diễn biến mới nên lại phải nghỉ, có ai muốn “bẻ cua” này kia đâu. Thà đến sát bên rồi thông báo nghỉ, chứ báo nghỉ rồi lại kêu đi học thì còn kỳ hơn.
Trong việc nghỉ học phòng dịch này, như mình nói mấy ngày trước thì đối tượng cần nghỉ nhất là sinh viên, vì sinh viên đi học sẽ di chuyển qua nhiều vùng, nhiều tỉnh khác nhau, phức tạp hơn các em học sinh ở địa phương. Một vài người đã giả thuyết đến chuyện phải hủy cả năm học này để năm sau học rồi. Đó không phải là bi quan mà để nhìn nhận rõ ràng hơn tính nguy hại của cơn dịch này. Các đài truyền hình cũng có chương trình ôn tập, mong là các em nghỉ học thì ở nhà tự rèn luyện thêm chứ đừng đi chơi lung tung mà thêm hại.
Quay lại chuyện “ngày đặc biệt”. Hôm nay có người bảo là ngày phụ nữ cầu hôn. Có người nói là ngày tỏ tình gì nữa. Chưa thấy ai cầu hôn hay tỏ tình thành công cả, mọi người chỉ nói và đợi xem.
161_lai la ngay dac biet
Mà đúng là cả facebook đều “đợi xem”, ai ai cũng đăng ảnh để 4 năm sau nhắc lại. Mấy bạn trẻ thì viết thư gửi tương lai, tự hỏi bốn năm sau mình có người yêu chưa. Bạn ít trẻ hơn thì hỏi bốn năm sau có chồng chưa, ít trẻ hơn chút nữa thì hỏi có con chưa… Cũng toàn những điều tích cực cả, mình chưa thấy ai hỏi bốn năm sau còn sống hông, chắc là cũng có mà hông muốn làm mất hứng của người khác, thật đáng khen.
Ngày hôm nay internet cũng đặc biệt, nó không còn lag vào khung giờ 20:00 đến 23:00 nữa mà đứng im hẳn luôn.
Mình từng nghĩ là nếu được chọn ngày sinh nhật, mình sẽ chọn 29/02, năm nay mới là sinh nhật lần thứ 8. Nghĩ tào lao vậy thôi, nghiêm túc mà nói có vẻ như thứ gì càng lâu thì người ta càng xem trọng hơn một chút, những ngày kỷ niệm lâu lâu như vậy thường được để tâm hơn. Mình thấy có người còn để trạng thái “In a relationship” vào ngày hôm nay nữa, có lẽ để xem bốn năm sau có còn không… cũng hay.
Nghiêm túc hơn một chút mà nói thì ngày nào lại không phải ngày đặc biệt. Có ngày đặc biệt vui, ngày đặc biệt buồn, ngày đặc biệt vì không có gì đặc biệt. Ngày của tháng, của năm thì lâu lâu còn lặp lại, còn ngày của mình thì đâu có ngày nào lặp lại trong đời mình đâu.
Mình lại nhớ câu của Einstein mà mình hay trích dẫn: “Có hai cách để ta sống trên đời: một là xem mọi thứ đều là phép màu, hai là sống như thể chẳng có phép màu nào trên đời cả”. Ta có thể xem mọi ngày đều là một ngày đặc biệt, hoặc chẳng có ngày nào là ngày đặc biệt hết trơn. Vì sao phải cực đoan như vậy? Pha trộn một chút cũng được thôi, nhưng nếu làm vậy thì lâu lâu ta lại có một ngày đặc biệt, mà trong những ngày đó ta chẳng làm gì ngoài việc trầm trồ: ồ hôm nay đặc biệt ghê ha, rồi đăng một cái ảnh lên facebook.
Mình rất thích khi thấy ai đó đặt ra một mục tiêu của mấy năm sau và bắt tay vào thực hiện nó từ hôm nay. Đó là điều đặc biệt ý nghĩa cho một ngày đặc biệt.
Và mình thích nhất là thấy một người sống như thể mọi phút giây đều đặc biệt. Có lẽ chúng ta rất thường nghe về điều này. Hãy trân trọng cuộc sống này kia, rất dễ hiểu và cũng hay hay. Nhưng thường thì ta chỉ nhớ lại khi nghe người khác nói, hoặc khi đến những dịp đặc biệt như giao thừa, hoặc những ngày đặc biệt ta mới nhớ lại một chút. Đó cũng là ý nghĩa tích cực của ngày đặc biệt vậy.
Tuy nhiên dù có bao nhiêu ngày đặc biệt đi nữa, có ngày mấy trăm năm mới có một lần như 20.20.2020 thì cũng không thể tạo nên sự khác biệt nào cho ta nếu những ngày bình thường ta sống một cách bình thường.
Bốn năm sau có lẽ sẽ có nhiều thay đổi, hay ít nhất tuổi tác của ta cũng tăng lên, nhưng đó có phải là những thay đổi mà ta mong muốn hay không, tất cả đều bắt đầu từ hành động của ta hôm nay. Liệu rằng ta có làm ra những chọn lựa theo đúng mong muốn của chính mình không hay là phó mặc cho dòng đời như bông hoa trôi theo dòng nước.

Mình chọn cách nghĩ rằng mọi phút giây hiện tại đều đặc biệt,và những gì đã qua đi đều không đặc biệt nữa rồi.

Mong rằng mỗi người trong chúng ta đều mạnh mẽ và tự chủ để về sau nhìn lại thấy rằng dù thành công hay thất bại, hạnh phúc hay khổ đau, mình đã tự đi qua đoạn đời này.
29.02.2020
Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo
Hôm nay mình định viết bài về nỗi khổ của những sự lựa chọn nhưng lại vô tình thấy được câu nói của danh hài Sạc Lô (Charlie Chaplin): “The six best doctors in the world are Sunlight, Rest, Exercise, Diet, Self Confidence and Friends”. (Sáu bác sĩ giỏi nhất thế gian là Ánh Dương, Ngơi Nghỉ, Tập Luyện, Ăn Kiêng, Tự Tin và Bạn Bè). Mình sẽ viết một chút về sáu “người” này.
Hôm qua 27/02 là ngày Thầy thuốc Việt Nam, mình đã định viết gì đó nhưng rốt cuộc không có viết. Bình thường mình không thích các ngày kỷ niệm nhưng năm nay thật sự muốn gửi lời chúc sức khỏe đến tất cả những bác sĩ, y tá, lương y ở Việt Nam cũng như toàn thế giới. Cầu chúc cho quý vị đầy đủ sức khỏe và tinh thần đối mặt với dịch bệnh corona này.
1. Ánh Dương: Nhiều người nói ánh nắng mặt trời tốt cho sức khỏe, trẻ nhỏ cũng hay được phơi nắng buổi sáng để tăng sức đề kháng, những người làm việc ở các văn phòng máy lạnh, ít ra nắng cũng dễ bị bệnh về da. Tuy nhiên đó là ngày xưa, theo sự bào mòn của tầng khí quyển, ánh nắng mặt trời càng lúc càng có hại và thậm chí gây ung thư da. Mà chẳng cần đợi tới ung thư, chỉ cần đen da thôi là người ta đã không thích. Chị em phụ nữ ra đường trùm kín từ đầu đến chân để tránh bụi và nắng. Nhiều người dùng các loại kem tẩy trắng, kích trắng, dưỡng trắng… khiến cho cả Việt Nam không còn mấy “người con gái Việt Nam da vàng, yêu quê hương như yêu đồng lúa chín”. Một khi đã “tẩy trắng” thì da có đặc điểm là rất dễ bị đen. Thậm chí mình còn từng đọc được tin tức rằng ở một nước châu Phi nào đó cũng đang có ý kiến phản đối vì nhiều phụ nữ da đen cũng bắt đầu tẩy trắng da của họ. Trong khi đó người da trắng (các nước phương Tây) thì lại thích màu da bánh mật, thích phơi nắng cho đen bớt đi. Có lẽ thứ gì hiếm thì quý vậy. Dù sao thì 50% thế giới đã xa lánh vị bác sĩ Ánh Dương này rồi.
2. Ngơi Nghỉ: Khi một trong những yêu cầu cần thiết để xin việc làm là “khả năng chịu áp lực”, và chuyện “OT” (Over Time – làm thêm giờ) trở thành bình thường ở các thành phố lớn, người ta phải làm việc 10 đến 12 giờ một ngày. Tuy nhiên nếu sắp xếp hợp lý thì đa số đều còn thời gian trống, và thời gian để ngủ. Nhưng thực tế người ta không dành thời gian để nghỉ ngơi thật sự. Khi cảm thấy stress, họ đến vũ trường, quán rượu hay ít ra cũng là cà phê, karaoke… Những nơi đó chỉ đem lại sự thỏa mãn, có thể là giải tỏa tâm lý chứ không hề là nơi nghỉ ngơi. Những người không đi chơi thì cũng vùi mình vào phim, gameshow, games, truyện… cho đến khi nào thật sự phải đi ngủ nếu không ngày mai không dậy nổi thì họ mới đi ngủ. Giấc ngủ còn không đủ, huống chi nghỉ ngơi không chỉ là ngủ. Thế là chúng ta cũng chia tay vị bác sĩ thứ hai.
160_nhung bac si gioi nhat
3. Tập Luyện: Mình đọc nhiều truyện của Murakami, nhưng đọc hết cả quyển thì rất ít, một trong số đó là “tôi nói gì khi nói về chạy bộ”. Đọc xong mà cảm giác muốn chạy luôn vậy. Hôm nay lại có tin một ông cụ phá kỷ lục thể giới khi plank (một động tác thể dục) liên tục 8 tiếng. Việc luyện tập thân thể không chỉ tăng cường thể chất, giữ gìn vóc dáng mà cũng có lợi cho tinh thần nữa, không tính đến việc thể chất và tinh thần có liên hệ tỷ lệ thuận với nhau. Mình thấy các phòng gym mọc lên nhiều và cũng đông nghịt người. Đối với việc tiếp cận “vị bác sĩ” này thì mình không rõ lắm.
4. Ăn Kiêng: Sạc Lô dùng từ diet, có thể đó là việc ăn kiêng để giữ gìn vóc dáng, nhưng nếu là “bác sĩ” thì nó hẳn nghiêng về ăn những thức bổ dưỡng và điều độ với cơ thể, sức khỏe hơn. “Bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra”, điều này quá rõ ràng. Hồi mình học phổ thông, ở tất cả các độ tuổi đều rất ít người béo phì, thừa cân, đa số đều ốm như cây sậy. Bây giờ thì ngược lại, tìm người ốm cũng khó, mà người nào ốm thì cũng là bị suy dinh dưỡng hay gì đó. Thức ăn thì quá nhiều, các món đông tây nam bắc, trên trời dưới biển, trên núi trong rừng… mỗi món lại chế biến cùng những gia vị hấp dẫn khiế người ta chỉ muốn ăn, ăn và ăn. Có lẽ người ta chỉ kiêng ăn khi bệnh, hoặc cần giảm cân.
5. Tự Tin: Self confidence có chỗ dịch là tự trọng. Tự trọng khác tự tin. Dù tự trọng cũng là một tính tốt, nhưng nó cũng có khi hại người. Mình cho là tự tin mới đúng là vị bác sĩ hơn. Nếu mình ăn uống, tập thể dục điều độ, nghỉ ngơi hợp lý thì thường cũng có cơ sở để tự tin rồi, ít nhất là về sức khỏe và tinh thần. Thường thì khi có một cơ sở nào đó, có một điểm mạnh nhất định người ta sẽ dựa vào đó mà tự tin, nhưng tự tin thật sự là vị bác sĩ khi nó là thứ để bạn dựa vào, chứ không phải nó cùng bạn dựa vào một thứ khác. Nói đơn giản là khi chưa có gì để tự tin mà vẫn tự tin thì điều đó mới thật hữu ích. Tự tin để bắt đầu làm một điều gì đó tốt đẹp chứ không phải tự tin rằng mình tốt đẹp mà không cần làm gì.
6. Bạn Bè: Người ta hay mất lòng tin vào bạn bè qua những cách nói như bạn thì thì mà bè thì nhiều. Mình thì nghĩ trong mối quan hệ bạn bè, trước hết mình cần là một người bạn tốt thì mới có thể có bạn tốt. Tốt không phải là ngu ngốc. Câu nói thú vị gần đây mình nghe được là “Hãy sống và làm việc cho đến khi thần tượng trở thành bạn của bạn” (nguyên văn là “Work until your idols become your rivals” – khuyết danh). Trong sáu vị bác sĩ này, bạn bè là người có ảnh hưởng đến ta nhất và cũng là nhân tố duy nhất ta không thể tự mình chủ động hoàn toàn.
Nếu như có lúc thấy cuộc sống mình uể oải, èo ọt quá, thử nhìn lại coi mình có ở chung với bác sĩ hay toàn là virus, vi trùng đây.
28.02.2020
Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo
Hôm qua mình trả lời comment của một bạn: “Anh rất hay để ý nhưng rất ít để tâm”. Bạn bảo mình viết một bài về câu này đi. Ừ cũng có lí.
Để ý và để tâm giống hay khác nhau? Hôm qua mình có nói thêm là có thể hình dung nó giống như sự khác biệt giữa hear và listen, see và watch vậy. Một cái là nghe vì không bị điếc, nghe một cách tự động, dù có muốn cũng không ngăn lại được (hear), còn một cái là chú ý lắng nghe (listen). See là thấy vì không mù, watch là chăm chú nhìn một thứ gì đó (TV, phim..)
“Để ý” có thể có cả hai chế độ là tự động (automatic) hoặc chủ động (manual). Tự động thì giống như hear và see vậy, khi mình gặp qua, tiếp xúc qua hoặc trải qua một điều gì đó, trong đầu mình sẽ tự động ghi nhớ những điều khiến mình cảm thấy ấn tượng, có thể lúc đó mình cũng không biết là mình đã để ý điều đó, đến thời điểm khác tự nhiên nhớ lại. Chế độ chủ động của “để ý” rất lợi hại và có thể luyện tập để nâng cao dần. Khả năng để ý chủ động là khi mình để cho tâm trí tập trung cao độ kèm theo chủ động ghi nhớ và phân tích một điều gì đó. Tùy vào tâm tính và thể chất, trí não riêng của từng người mà khả năng để ý này cao hay thấp, với những đối tượng khác nhau thì lực ghi nhớ và phân tích cũng khác nhau. Điều này thể hiện ở việc đứa này học giỏi hơn đứa khác (mức độ chăm chỉ như nhau), hoặc cùng một đứa nhưng học môn này nhanh hơn, giỏi hơn các môn khác..
Để tâm là khi mình để cho một điều gì đó tác động đến tình cảm, cảm xúc của mình, hay nói đơn giản là mình để nó xâm chiếm tâm trí, đi vào trong tim mình. Thường thì người ta không thể chủ động được trong việc để tâm này, đặc biệt là với người hay việc mà họ ghét. Người thương thấy vậy mà bỏ dễ hơn.
159_de y va de tam
Khi đến một nơi xa lạ hoặc gặp một người lạ, người để ý sẽ nhanh chóng quan sát, ghi nhớ, phân tích mọi thông tin và những suy đoán liên quan. Nếu thấy không có gì đặc biệt đáng chú ý, họ sẽ không để tâm những thứ mới lạ đó tác động đến cảm xúc của mình nhiều nữa, chỉ bình đạm như thường. Trái lại một người khác có thể quá hào hứng hoặc hồi hộp mà bị thu hút hoàn toàn bởi người mới, cảnh mới đến độ chẳng để ý đến điều gì, họ không chỉ “để tâm” mà tâm trí hoàn toàn bị dẫn dắt và chiếm lĩnh.
Khả năng “để ý” cũng tạo nên sự khác biệt đối với việc đọc sách hay tìm hiểu thông tin. Cùng đọc một quyển sách giống nhau nhưng một người có thể rút ra 20 điều ghi nhớ, người khác cho dù thuộc lòng cũng chỉ ấn tượng đôi ba điều và sẽ nhanh chóng quên đi hoặc không hề vận dụng.
Nếu để ý mọi lúc mọi nơi, ta có thể học tiếng Anh trên bản tin, khi chơi games hoặc cả khi đang đi trên đường; cập nhật kiến thức xã hội từ tất cả những nguồn mà ta tiếp xúc… Điều này giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian tra cứu và học hỏi, vì gọi là “để ý” thì sẽ rất khó quên.
Khả năng này có thể luyện tập và phát triển. Trước hết cần dọn sạch tâm trí. Như các bài trước mình đã nói qua: tâm trí người bình thường sẽ có rất nhiều suy tưởng miên man liên tục xuất hiện để khiến mình mất tập trung. Nhiều khi ta nhìn mà không thấy, nghe mà không nhớ là do tâm trí đang bị dẫn dắt theo một điều gì đó trong đầu. Việc dọn dẹp này có thể làm mọi lúc, mọi nơi. Cứ khi nào “thấy” mình đang chạy theo suy nghĩ hay cảm xúc trong đầu thì dừng lại, chiếm lại quyền chủ động để tập trung (để ý) vào thứ mình muốn. Đó là cách tăng trưởng khả năng “để ý”.
Nếu như để ý là việc chủ động đưa thứ gì đó vào trong tâm trí mình, giống như việc in lên giấy, thì đối với việc để tâm mình lại phải chủ động ngăn chặn để không cho cảm xúc không mong muốn in vào tâm trí mình. Yêu thương một ai đó thì không nói, nhưng oán ghét, thù hận hoặc bị hấp dẫn thì rất nên kiểm soát vì nếu không sẽ đánh mất bản thân và làm ra nhiều thứ tai hại, hoặc chẳng làm được gì. Từ chuyện đơn giản như ai đó đánh giá mình một câu, mình buồn bực mấy ngày, mỗi khi gặp lại người đó là khó chịu cho đến ấn tượng xấu hay “cuồng” một người nào, những điều này một người làm chủ được tâm trí sẽ không rơi vào bị động.
Cũng giống như cách thực hành việc “để ý”, khi tâm trí mình sạch sẽ, trống trải, dần dần khả năng kiểm soát của mình đủ mạnh, mình có thể quyết định xem thứ gì được phép xuất hiện ở đây, thứ gì thì không. Điều này không quá khó, chỉ cần thường xuyên luyện tập, mỗi phút mỗi giây thôi. Việc luyện tập này khi có chút thành tựu thì nó sẽ trở thành một cơ chế tự động, không cần lúc nào cũng phải khó chịu vì những suy nghĩ lung tung trong đầu nữa.

Khi thành công kiểm soát tâm trí thì mình có thể để ý đến mọi thứ và không để tâm điều gì cả.

Việc kiểm soát tâm trí này giống như phát quang bụi rậm, dọn rác vậy. Khi thành công thì tâm mình như một vùng bằng phẳng, sạch đẹp giữa một khu rừng rậm của nội tâm. Lúc này những cảm xúc và suy nghĩ không mong muốn sẽ không thể xuất hiện trong tâm mình nữa.
Sau đó chính là việc buông bỏ khả năng kiểm soát đó. Không cần kiểm soát nữa. Mở cửa tự do cho mọi thứ đến và đi. Khi đó chuyện vui cũng không khiến mình phát cuồng, chuyện buồn cũng không khiến mình thê thảm, chuyện bực bội không khiến mình phát điên.. Mình nhận ra tụi nó có đến đây và biết là nó chỉ đi ngang qua thôi. Ở giai đoạn này, dù mình mở cửa thoải mái nhưng mấy thứ bậy bạ cũng ít khi dám xuất hiện lắm, giống như nơi sạch sẽ thì sẽ ít có côn trùng vậy.
Mình có thể bỏ qua bước “kiểm soát” mà trực tiếp “thả rông” không? Theo mình thì không. Điều này có thể hình dung hai người cùng đứng dưới chân núi, nhưng một người đã leo lên đỉnh núi còn một người chưa leo lên bao giờ. Cùng đứng đó nhưng cảm nhận và mọi thứ đều hoàn toàn khác nhau. Phải qua bước kiểm soát thì tâm trí mình mới đủ mạnh để bình thản với việc thả rông.
Như vậy có phải biến mình thành một cái máy đầy lý trí, không cảm tình không? Không, mình chỉ không để tâm những thứ không đáng, thứ gì mình để tâm thì sẽ thật sự nghiêm túc, bình tĩnh, sâu sắc, đúng mực và an toàn.
Đó là để ý mà không để tâm.
27.02.2020
Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo
Bạn có thể tin hoặc không, những gì mình viết trong các bài “viết cho em” này chỉ cho chính mình một phần nhỏ, còn lại là mình nghĩ có ai đó sẽ cần. Mình đã nhiều lần nghĩ đến chuyện ngừng viết, khi nhiều khi ít. Hôm nay mình không hề nghĩ tới chuyện đó nhưng lại là lần mình muốn ngưng viết nhất từ trước đến nay. Mình có một loại cảm giác là “loài người không xứng đáng”. Tất nhiên đó chỉ là cảm giác của mình chứ không phải là mình, nên mình lại tiếp tục viết.
Nay mình đăng cái status trên FB: “Chậm một chút có thể bỏ lỡ vài thứ nhưng đó là cách hiệu quả để nhìn ra nguyên nhân, bản chất của nhiều điều.”, có em Đỗ Minh Hòa comment thế này: “Ừm nhưng mà em vẫn nghĩ mình chỉ nhìn gì mình muốn thôi.Mấu chốt lại anh gửi gắm niềm tin ở đâu.”
Mình trả lời: “Thấy thứ mình muốn nhìn là 1 cách nói thôi. Đó là khi mình nhìn đúng vấn đề rồi và mình lựa chọn góc để nhìn vào nó. Còn ở đây đang nói là có nhiều thứ nó biểu hiện sai khác, giả tạo khi mình mới lần đầu tiên nhìn vào nó đó.”
Em Hòa lại nói: “Em vẫn phân vân: Thế nào là đúng, thế nào là sai? Mọi thứ đều mang tính quy ước thôi mà. Cái gì là chân thật? Cái gì là giả tạo. Ủa anh có kinh nghiệm và nhận định về nó anh mới phán đoán và nhận xét được chứ đúng hem?”
Cái gọi là “đúng sai chỉ là tương đối” là một trạng thái lưng chừng. Khi một người bắt đầu tìm hiểu và vượt lên một chút khỏi cái đúng và cái sai, họ bắt đầu phủ định cả hai. Lúc thì đúng, lúc thì sai, vậy thì đúng và sai đều vô nghĩa? Không phải vậy. Ý nghĩa của nó là khi nào đúng, khi nào sai, đúng với ai, sai với ai… đến từng chi tiết nhỏ nhất.
Tất nhiên nếu nói chỉ có đúng hoặc sai là cấp 0, không đúng không sai là cấp 1, đúng sai chính xác cực kỳ là cấp 2, thì vẫn còn cấp 3, cấp 4.. Một thứ gì đó khi đã gọi là tương đối thì phải có tuyệt đối, ít nhất là tuyệt đối trong một điều kiện nhất định như tuyệt đối trong vũ trụ này chẳng hạn.
Biểu hiện phủ định cả đúng và sai giống như một người vừa mới tìm hiểu về tính không, cảm thấy đạo lý đó tuyệt vời quá. Mọi sự “có” trên đời không phải cuối cùng rồi cũng về không cả hay sao? Thế thì cái không mới là chân lý. Thế thì mọi thứ đều là không.. nhìn đâu cũng thấy không không.
Nếu cái có không hiện hữu thì cái không cũng là không thôi. Phải biết đâu là có mới xác định được đâu là không.

Ta có thể dùng các loại đạo lý như một lăng kính để nhìn và diễn giải mọi sự dưới lăng kính đó và sai lầm nhất cũng chính là đồng hóa đạo lý là mọi sự.

“Mọi thứ đều mang tính quy ước thôi mà” là một ý hay nhưng cũng rất nguy hiểm. Nó giống như một đứa trẻ mới lớn, nổi loạn, phá bỏ mọi luật lệ và bước vào trạng thái vô luật lệ. Lúc đó luật lệ của nó là vô luật lệ. Khi thoát ra khỏi quy ước, người ta bèn nghĩ và làm mọi thứ trái với quy ước, hoặc xem thường quy ước, từ đó bỏ qua bản chất của vấn đề. Khi thấy một thứ gì đó mang tính quy ước là người ta lập tức phủ định, vì cho rằng quy ước là tạm bợ, là sai lầm, đó mới là sai lầm.
158_tinh tuong doi cua dung va sai
Ở level 0, người ta thấy những người xung quanh làm sao thì họ làm như vậy, người xung quanh nói điều này xấu thì họ cho là xấu, điều kia tốt họ cho là tốt, đó là khi họ chịu ước thúc bởi các quy ước của xã hội mà không biết quy ước tồn tại, hoặc không nghĩ đến điều gì khác ngoài những quy ước. Level 1 là khi người ta biết đó chỉ là những quy ước của một nhóm người, ở nơi khác họ quy ước kiểu khác, cho nên những thứ này chỉ mang tính tương đối. Người ở Level 1 có thể sinh ra cảm giác hoang mang không biết điều gì mới đúng, hoặc cho rằng mọi thứ đều là sai.
Tuy nhiên những quy ước cũng có giá trị tồn tại của nó, và ngoài những đúng và sai được gói gọn trong các quy ước, vẫn có những đúng sai lớn hơn ở phía sau. Lúc nào cũng phủ định quy ước là đang dừng lại level 1. Khi bước lên cấp cao hơn, người ta lại thấy có những quy ước mới rộng lớn hơn, những thứ mang tính đúng sai nhiều mặt hơn và họ lại xem trọng quy tắc và đúng sai theo một cách khác hơn.
Trong một status khác, mình nói về việc con người sử dụng trực tiếp các loại tài nguyên thiên nhiên thay vì dùng những vật được sản xuất nhân tạo, vật sử dụng nhiều lần hoặc tái chế là không phải “thân thiện với môi trường”. Em Hòa lại bình rằng “Nói như anh thì chết đi cho rồi”. Đoạn này mình biết em ấy đùa, nhưng đây cũng là một biểu hiện của tư duy cực đoan level 1: mọi thứ là có, hoặc không, hoặc cả có và không đều vô nghĩa.
Con người tất nhiên không chọn cái chết để bảo vệ môi trường, vì rốt cuộc mục đích của việc bảo vệ môi trường chính là bảo vệ không gian sinh tồn cho chính loài người mà.
Nếu con người biến mất, trên trái đất này sẽ hình thành nên các hệ sinh thái mới, hệ sinh thái đó sẽ tiến tới một trạng thái cân bằng, rồi vì một nguyên nhân nào đó (như sự phát triển của loài người trước đó) có một loài ăn thịt trở nên đông đúc ăn hết các loài ăn cỏ và chết đói, hoặc thực vật biến mất, loài ăn cỏ chết, loài ăn thịt cũng chết theo.. Những khả năng này rất khó vì các loại động, thực vật khó lòng tác động đến môi trường mạnh mẽ như con người.
Con người muốn sử dụng trực tiếp các loại tài nguyên thiên nhiên như nấu mọi thứ bằng ống tre, dùng tre làm chén đũa, trải giường bằng lá cây, xây nhà bằng cây… thì con người phải đạt tới trạng thái cộng sinh với thực vật như loài Elf trong thần thoại, hoặc sống đời sống du mục như người tiền sử: tìm một nơi có nguồn nước và thức ăn, ăn hết thức ăn ở đó xong rồi di chuyển đến nơi khác để cho bãi thức ăn này hồi phục lại.
Nhưng tất nhiên với số lượng nhân loại trên trái đất ngày nay, đời sống du mục là không thể. Nên người ta bắt đầu sản xuất chén đũa, nồi niêu, xây nhà bằng các loại vật liệu khác, những thứ có thể sử dụng nhiều lần chính là các biện pháp giảm thiểu việc sử dụng trực tiếp tài nguyên thiên nhiên. Người ta cũng bắt đầu trồng trọt, chăn nuôi, vì thiên nhiên chẳng đủ cho họ ăn nữa. Đó là cách con người kéo dài thời gian tuyệt chủng của chính mình.
Thế nhưng chính các loại vật liệu được xem là những biện pháp “bảo vệ môi trường” lại trở thành “không thân thiện với môi trường” và người ta lại kêu gọi nhau sử dụng những vật dụng có “nguyên liệu từ thiên nhiên”. Đó là nghịch lý hay thuận lý?
Vấn đề chính không nằm ở vật liệu nào, mà ở chỗ người ta dùng nhiều hơn mức họ thật sự cần, và sản xuất còn nhiều hơn mức đó.
Đúng sai đều có tính tương đối, ngay cả điều này cũng có tính tương đối, ngay cả tính tương đối cũng là tương đối, đừng bao giờ dừng lại sự tương đối.
26.02.2020
Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo