Từ vụ việc điều tra vụ khủng bố tại San Bernadino, Cục điều tra Liên bang Mỹ FBI yêu cầu hãng Apple tạo ra một hệ điều hành mới, bỏ qua một số tính năng bảo mật và tạo một "chìa khóa vạn năng" để unlock iPhone phục vụ cho việc điều tra của chính phủ, Apple phản đối lệnh này. Dưới đây là bản dịch thông điệp trên website của Apple.




Một thông điệp gửi khách hàng của chúng tôi
Chính phủ Hoa Kỳ vừa yêu cầu Apple thực hiện một hành động chưa từng có tiền lệ, có thể đe dọa đến sự bảo mật của quý khách hàng của chúng tôi. Chúng tôi phản đối lệnh này vì những tác động của nó có thể vượt xa yêu cầu hợp pháp cần thiết.
 Đây là lúc cần thảo luận công khai, và chúng tôi muốn quý khách hàng của mình và người dân trên toàn nước Mỹ hiểu rõ về mối đe dọa này.

Nhu cầu mã hóa thông tin (Encryption)
Điện thoại thông minh, điển hình là iPhone, đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống của chúng ta. Mọi người dùng điện thoại để lưu trữ một lượng cực kỳ lớn thông tin cá nhân, từ những cuộc hội thoại cá nhân đến hình ảnh, nhạc, các ghi chú, thời gian biểu, danh bạ, thông tin tài chính, tình trạng sức khỏe, thậm chí là những nơi chúng ta từng đến và nơi ta định đến.

Tất cả những thông tin đó cần được bảo vệ khỏi hackers và những tên tội phạm muốn truy cập, trộm cắp và sử dụng chúng mà chưa có sự đồng ý của chủ nhân, hoặc chủ nhân không hề hay biết. Khách hàng mong muốn Apple và những công ty công nghệ khách làm tất cả những gì có thể để bảo vệ thông tin cá nhân của mình, và công ty Apple chúng tôi cam kết nghiêm túc bảo vệ an toàn cho những thông tin đó.

Nguy hại đối với việc bảo mật thông tin cá nhân có thể đặt ta vào những mối nguy hiểm khôn lường. Đó là lí do vì sao việc mã hóa thông tin trở nên vô cùng quan trọng với tất cả chúng ta.

Trong nhiều năm, chúng tôi đã dùng kỹ thuật mã hóa để bảo vệ thông tin cá nhân của khách hàng, vì chúng tôi tin rằng đó là cách duy nhất để thông tin được an toàn. Thậm chí chính bản thân chúng tôi cũng không truy cập vào những thông tin đó, vì chúng tôi cho rằng nội dung chứa trong những chiếc iPhone không phải là việc của mình.

Vụ án San Bernardino

Chúng tôi đã bị sốc và vô cùng phẫn nộ bởi hành động khủng bố chết chóc ở San Barnardino tháng Mười hai vừa qua. Chúng tôi tiếc thương những sinh mạng mất đi và muốn đòi lại công bằng cho tất cả những ai bị ảnh hưởng của chuyện đó. Cục điều tra FBI yêu cầu sự giúp đỡ của chúng tôi trong những ngày lần theo dấu vết vụ tấn công, và chúng tôi đã làm tất cả những gì có thể để hỗ trợ chính phủ trong việc xử lý tội ác kinh khủng này. Chúng tôi không có chút cảm thông nào cho những kẻ khủng bố.

Khi FBI yêu cầu cung cấp những dữ liệu chúng tôi sở hữu, chúng tôi đã cung cấp. Apple tuân thủ những trát lệnh hợp lệ và các yêu cầu khám xét trong vụ án Bernardino. Chúng tôi cũng cung cấp những kỹ sư của Apple sẵn sàng tư vấn cho FBI, và chúng tôi đề xuất những ý tưởng tốt nhất cho những cuộc điều tra của họ.

Chúng tôi vô cùng tôn trọng công tác nghiệp vụ của FBI, và chúng tôi tin rằng mục đích của họ là tốt. Trên quan điểm đó, chúng tôi đã làm tất cả trong năng lực của mình và trong giới hạn của luật pháp để hỗ trợ FBI. Nhưng giờ đây chính phủ Hoa Kỳ lại yêu cầu chúng tôi thứ mà chúng tôi thật sự không có, thứ mà chúng tôi cho rằng quá nguy hiểm để tạo ra. Họ yêu cầu chúng tôi chế tạo một “cửa sau” (backdoor) trên iPhone.

Cụ thể là FBI muốn chúng tôi tạo ra một phiên bản hệ điều hành iPhone mới, bỏ qua một số tính năng bảo mật quan trọng và cài đặt nó trên một chiếc iPhone được phục hồi trong quá trình điều tra. Phần mềm chưa tồn tại này nếu nằm trong tay kẻ xấu có thể dùng để mở khóa bất kỳ iPhone nào mà không cần phải là chủ sở hữu của nó.

FBI có thể dùng những thuật ngữ, từ ngữ khác để mô tả công cụ này, nhưng không gì khác hơn là: Xây dựng một phiên bản iOS có thể bỏ qua bảo mật và điều này không gì khác hơn là tạo ra một backdoor. Và khi chính phủ biện minh rằng công cụ này chỉ được sử dụng trong vụ án này thôi, thì cũng chẳng có gì bảo đảm cho việc kiểm soát nó.

Nguy cơ cho việc bảo mật thông tin

Có thể ai đó cho rằng việc tạo ra một backdoor trên chỉ một iPhone là giải pháp đơn giản, rõ ràng. Nhưng điều đó bỏ qua cả những nền tảng cơ bản của việc bảo mật kỹ thuật số và tầm quan trọng của những gì chính phủ đang yêu cầu trong trường hợp này.
Trong thế giới công nghệ số ngày nay, “chìa khóa” cho một hệ thống được mã hóa là một mẩu thông tin có khả năng mở khóa dữ liệu, và nó cũng phải được bảo vệ an toàn như những gì nó đang bảo vệ. Khi thông tin đó có người biết được, hoặc là cách bỏ qua bảo mật được tìm ra, việc mã hóa thông tin có thể bị khai thác bởi bất kỳ ai biết được thông tin đó.

Chính phủ đề nghị rằng công cụ này chỉ dùng một lần duy nhất, với một chiếc điện thoại duy nhất. Nhưng điều đó hoàn toàn không đúng sự thật. Một khi được tạo ra, công nghệ đó có thể bị sử dụng hết lần này đến lần khác, trong bất kỳ thiết bị nào. Trong thế giới thực, nó có thể được xem như một chiếc chìa khóa vạn năng có thể mở hàng triệu ổ khóa – từ ổ khóa nhà hàng, ngân hàng, cửa hàng cho đến nhà dân. Không một người sáng suốt nào có thể chấp nhận việc đó.

Chính phủ đang yêu cầu Apple hack chính những khách hàng của chính mình và phá hoại hàng thập niên phát triển bảo mật trong việc bảo vệ thông tin khách hàng của chúng tôi – bao gồm mười triệu công dân Mỹ - khỏi những hacker thành thạo và những tội phạm công nghệ cao. Khôi hài thay, những kỹ sư đã xây dựng nên hệ thống mã hóa mạnh mẽ trên iPhone để bảo vệ khách hàng có thể bị ra lệnh làm yếu đi sự bảo vệ đó và làm giảm đi sự an toàn của khách hàng.

Chúng tôi không thấy một tiền lệ nào mà một công ty Mỹ bị buộc phải để lộ thông tin khách hàng của mình cho một nguy cơ tấn công vô cùng cao như vậy. Nhiều năm qua, các chuyên gia an ninh quốc gia và chuyên gia mật mã đã cảnh báo và phản đối chuyện làm suy yếu sự mã hóa thông tin. Điều này sẽ làm hại đến những công dân lương thiện và tuân thủ luật pháp, những người chủ yếu dựa vào những công ty như Apple bảo vệ thông tin cá nhân của họ. Bọn tội phạm và kẻ xấu vẫn sẽ mã hóa, sử dụng những công cụ sẵn có cho chúng. 


Một tiền lệ nguy hiểm

Thay vì yêu cầu một hành động lập pháp thông qua Quốc hội, FBI đang đề xuất việc sử dụng chưa từng có của đạo luật All Writs năm 1789 để biện minh cho việc mở rộng quyền lực của mình.

Chính phủ muốn chúng tôi loại bỏ các chức năng bảo mật và thêm vào những tính năng mới cho hệ điều hành, cho phép mật mà có thể được nhập bằng điện tử. Điều này khiến cho iPhone có thể bị mở khóa dễ dàng hơn bằng kỹ thuật “brute force” – thử nhập hàng ngàn hay hàng triệu tổ hợp khác nhau bằng một máy tính hiện đại, tốc độ cao.

Chính phủ đang có nhiều tác động với những yêu cầu nói trên. Nếu họ có thể sử dụng đạo luật All Writs để khiến iPhone dễ bị bẻ khóa hơn, chính phủ có thể có khả năng truy cập bất kỳ thiết bị nào và thu thập thông tin trong đó. Chính phủ có thể mở rộng phạm vi riêng tư này và yêu cầu Apple xây dựng phần mềm giám sát để chặn các tin nhắn của bạn, truy cập các thông tin sức khỏe hay dữ liệu tài chính của bạn, theo dõi địa điểm của bạn, hay thậm chí kết nối với microphone hay camera trên điện thoại của bạn mà bạn không hề hay biết.

Chúng tôi rất nghiêm túc và xem trọng việc chống lại yêu cầu này. Chúng tôi cảm thấy mình phải nói lên và đối mặt với những gì chúng tôi cho là quá đáng, lừa dối từ chính phủ Hoa Kỳ.

Chúng tôi đang chống lại những yêu cầu của FBI bằng sự tôn trọng sâu sắc nhất với nên dân chủ Mỹ và tình yêu dành cho đất nước này. Chúng tôi tin rằng tốt nhất là mọi người nên dừng lại và xem xét những ảnh hưởng có thể có.

Dù chúng tôi tin mục đích của FBI là tốt, nhưng sẽ là sai trái nếu chính phủ buộc chúng tôi chế tạo backdoor trên những sản phẩm của mình. Và hơn hết, chúng tôi e rằng yêu cầu này có thể xâm hại đến quyền tự do và dân chủ mà chính phủ được lập ra để bảo vệ.

Tim Cook
 Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo dịch




 Hôm nay là ngày 08 tháng 3 năm 2014, bây giờ là 03h43 phút sáng. Tôi xin dành câu thứ hai trong bài viết này để xin lỗi bản thân mình vì lý do là câu thứ nhất tôi đã dùng để giới thiệu thời gian. Ở câu thứ ba, tôi xin nói thật lý do tôi cần xin lỗi bản thân là vì tôi vừa mới dành 8 tiếng đồng hồ liên tục của cuộc đời mình để đau khổ vì một người phụ nữ.

Nếu như vào mười năm trước thì người phụ nữ làm tôi đau khổ kia cộng thêm thời gian tôi giới thiệu ở đầu bài có thể là nguyên nhân khiến tôi nhớ đến một ngày “lễ hội” ngay trong hôm nay mà người ta gọi là ngày “Quốc tế Phụ nữ”, có lẽ sự biết ơn sẽ làm tôi dịu bớt cơn đau phần nào. Mà thật ra 10 năm trước thì tôi cũng chưa biết đau khổ vì phụ nữ ra làm sao cho nên tôi cũng không quan tâm luôn cái ngày lễ hội này, nhỉ? Nhưng dù gì thì bây giờ không phải mười năm trước cho nên tâm trạng tôi đang không ổn lắm, sẽ nói linh tinh khá nhiều, mọi người chịu khó đọc dùm nha.

Quay lại hiện tại, cái thế giới thứ hai mà tôi tham gia là facebook đã nhắc nhở liên tục từ tuần trước cho tới bây giờ. Mấy năm rồi tôi vẫn chưa làm sao quen được cái không khí rộn ràng, náo nức mỗi khi có một cái lễ nào đó tới gần, mọi người đều nói cùng một từ khóa, sao tai tôi nghe cứ ong ong như tiếng chuông chùa Bà Đanh ấy. Ừ, đại khái đó là thứ âm thanh từ nhỏ rồi lớn dần, thánh thót trong không gian yên tĩnh khiến người ta cảm thấy từ dễ chịu cho đến rờn rợn rồi hoảng hốt không thể kềm chế! Ai cần biết thêm về chùa Bà Đanh xin tự động Google nhé.

Bạn biết gì không? Từ khi bắt đầu viết bài này tính cho đến đây, ngay tại chữ này là tôi đã gõ 371 ký tự, tất cả chỉ để nói một chuyện thôi: Hôm nay là ngày 08/3 – ngày Quốc tế Phụ nữ! Ừ thì là vậy đó, nhưng đây không phải điều tôi muốn nói trong bài này đâu. Còn tôi muốn nói gì thì mời xem tiếp sẽ rõ nhé, bạn đã bỏ công đọc vô số dòng nhảm nhí bên trên cho tới tận đây mà không biết thì phí quá rồi.

Tôi vừa xem vài clip hài, các Vlog ấy mà. Câu tiếp theo đây, tôi chẳng nhớ đến câu thứ bao nhiêu nữa, nhưng nó là ký tự thứ 480, tôi xin cảm ơn anh “Dưa Leo”, bữa nay tôi mới coi mấy clip của anh và cũng giảm được phần nào nỗi buồn bắt nguồn từ người phụ nữ ấy!

Ừ thì ngày 08/3 nhé. Đối với thế giới thì nó là một ngày kỷ niệm, còn với Việt Nam ta thì nó là một lễ hội! Cho nên trong bài này tôi sẽ thảo luận về “sống trong lễ hội là như thế nào”. Ngày 08/3 chỉ dùng làm ví dụ minh họa vậy thôi.

Đọc đến đây, những bạn quen biết tôi đã lâu hẳn sẽ nghĩ: “Ồ, nó lại sắp lên giọng phê phán, công kích cái gọi là phong trào, hiệu ứng đám đông gì gì nữa đây mà!” Ừ thì trước đây là thế, nhưng tôi không viết dài như vầy chỉ để làm chuyện đó đâu, bạn cứ an tâm và hồi hộp mà đọc tiếp đi. Còn với những độc giả mới quen qua Triết Học Đường Phố, tôi mới viết khoảng hơn chục bài nhưng trong đó theo tôi thì phần lớn là những thứ hơi “nặng nề” và khá lề mề của mấy ông cụ non không nhận mình chém gió. Cũng không phải luôn, bài này tôi nói mấy chuyện nhỏ nhỏ mà vui vui thôi, lễ hội mà ai lại đem triết lý linh tinh hay công kích làm mất hứng! Sao? Năm rồi chính tôi làm vậy chứ ai hả? Ừ thì đó là năm rồi. Quên đi.


Lễ hội và các ngày kỷ niệm

Lễ hội là một dịp để mọi người cùng nhau ăn mừng về một sự kiện nào đó, vẫn còn hít thở được oxy cũng là sự kiện đáng ăn mừng vô cùng luôn! Tại sao người ta phải đặt tên cho một ngày nào đó là cái ngày gì đó? Nếu mỗi người trong chúng ta đều tự biết ngày hôm nay mình sẽ làm gì, mình sống cho ai, mỗi người chúng ta đều vui vẻ và tự mở hội thì những ngày kỷ niệm chẳng còn ý nghĩa gì nữa rồi, chẳng ai rảnh rỗi đặt ra mấy cái ngày này nọ trong khi mọi người chẳng thèm lưu ý vì ai ai cũng có lễ hội riêng mình.

Tóm lại lý do có các ngày kỷ niệm là vì để nhắc nhở mọi người chúng ta vì một điều gì đó mà có thể ta chẳng bao giờ để ý! Đó cũng là một cái cớ cho chúng ta thể hiện tình cảm mà ngày thường ta không bao giờ dám hoặc cũng lãng quên luôn. Nói ngắn gọn trong vòng một câu: Các ngày kỷ niệm được lập ra càng nhiều là vì chúng ta ngày càng không biết mình là ai nên người ta phải lập ra thời gian biểu để mọi người cùng nhau thực hiện.

Thái độ của mọi người đối với các ngày kỷ niệm ra sao?

Có ba xu hướng chính: ủng hộ, làm lơ và phản đối. Với sự phát triển một cách khủng bố của thông tin liên lạc ngày nay thì làm lơ thật không dễ và phản đối thì không dám. Dù muốn dù không thì cũng lên facebook post một cái status: “Chúc các bạn nữ một ngày 08/3 thật ý nghĩa và tràn đầy hạnh phúc, một năm mới an khang thịnh vượng, vạn sự như ý… gì gì đó” Rồi tag một số người thân thiết vô cho gọi là tình cảm! Ủng hộ phong trào này tích cực nhất là những người bán hoa, bán gấu bông, và đặc biệt là những bạn nữ xinh đẹp với các status như: “Quà 08/3 sớm, vui vui” “Này là 08/3 của em, yêu lắm cơ!”… Còn những người phản đối thì hô hào điệp khúc: “Tại sao phải đến ngày lễ mới thể hiện cơ chứ!”

Thái độ của tôi?

Còn tôi, tôi muốn nói cái gì mà mãi tới ký tự thứ 1148 vẫn nói mấy chuyện linh tinh ai cũng biết đó? Ừ hồi đó tôi cũng làm lơ, rồi làm lơ không xong tôi quay sang phản đối, mà cái kiểu phản đối bị làm sao đó cho nên hiệu quả duy nhất của nó chỉ là làm thỏa mãn cá nhân tôi còn đâu bị người ta ghét nhiều lắm. Bữa nay tôi khác rồi, tôi trở nên ba phải. Tôi cho rằng: Ủng hộ cũng được, phản đối hay làm lơ cũng không sao, chỉ cần ta hiểu mình đang làm gì; và tôi mong muốn rằng chúng ta hãy sống trong lễ hội thật sự, thứ mang đến sự vui vẻ hạnh phúc cho bản thân và người xung quanh hơn là chạy theo các ngày kỷ niệm hay phán xét trào lưu xã hội. Thế thôi, nếu bạn hiểu rõ câu vừa rồi thì khỏi đọc tiếp cũng được. Cảm ơn bạn đã chịu khó chạy theo tới tận đây. Nếu thích thì xem tiếp tôi sẽ nói chi tiết hơn chút nữa.

Bạn cứ tham gia đi, nhưng đừng…

Vì mọi người đều làm thế, mình cũng làm cho vui: Nếu bạn thấy vui thì làm chứ đừng đeo lên niềm vui nhân tạo đó, rồi dần bạn sẽ chẳng biết vui là gì nữa đâu.

Vì GATO (ghen ăn tức ở): Vì nhỏ kia có hoa nên bạn cũng cần hoa, nhỏ nọ có gấu nên bạn cũng muốn gấu hay là vì… ai ai cũng có lời chúc nên bạn cũng muốn được chúc mừng. Sao phải đua đòi chạy theo những thứ có ý nghĩa với người khác nhỉ? Bạn không mệt thì người xung quanh bạn cũng mệt đấy!


Bạn cứ làm lơ đi, nhưng đừng…

Vì bạn cảm thấy bị bỏ rơi. Bạn thật sự thích tham gia phong trào đó, ngày đó, nhưng bạn nghĩ là không ai hoan nghênh bạn, không ai chúc tụng bạn, không ai tặng quà cho bạn hay là không ai thèm nhận lời chúc, nhận quà của bạn…

Vì thấy người khác tham gia quá nhiều nên bạn nhàm chán. Như vậy là bạn cũng đang tham gia đấy, nhưng tham gia ngày kỷ niệm ở một mặt khác mà thôi. Bạn đâu có thật sự lơ?!

Bạn cứ phản đối đi, nhưng đừng…

Vì keo kiệt: Lễ lộc nhiều quá, ngày nào cũng phải ăn chơi, tặng hoa, tặng quà tốn tiền quá… Nên bạn nhiệt liệt phản đối?! Đừng nhé, đừng vung tay quá trán rồi đổ lỗi cho người.

Vì GATO: Bạn không có ai để tặng quà, không ai tặng cho bạn, thấy người khác nhận bó hoa to, nhận con gấu đẹp mà mình không có, thế là nói cho bỏ tức. Đừng luôn.


Mọi người cùng sống trong lễ hội

Bạn có thể tham gia, làm lơ hay phản đối các ngày kỷ niệm, và khi bạn biết tại sao mình làm những điều đó, chính bạn là người ra quyết định cho hành động của bạn chứ không phải là ai khác, là suy nghĩ nào khác, bạn cảm thấy thoải mái vì điều đó mà không phải băn khoăn gì khác thì bạn đang sống trong lễ hội.

Lễ hội là sự giác ngộ. Lễ hội diễn ra mọi lúc, mọi nơi, trong tự thân mỗi con người. Lễ hội không bài xích một ai, mỗi người tổ chức lễ hội riêng mình, nhìn người khác bằng cặp mắt hân hoan, chấp nhận nhau, chia sẻ cùng nhau, khác biệt nhau mà không công kích nhau hay giống hệt nhau mà không so sánh nhau.

Ngày 08 tháng 4, bạn muốn tặng hoa cho bạn gái, hái một bông hoa trong vườn hay mua một bó 999 bông hoa hồng tùy ý, mang theo niềm hạnh phúc trên môi và trong ánh mắt, trao hoa là trao yêu thương chứ không phải giao nhiệm vụ. Đó là lễ hội.

Ngày 20 tháng 12 bạn đi thăm thầy cô giáo, ngày 20 tháng 5 bạn mua một món quà nhỏ cho mẹ của mình… Bạn ý thức rằng mình muốn làm điều đó, và làm bằng tất cả tấm lòng, thật chân thành và hạnh phúc. Đó là lễ hội.

Khi bạn tham gia các ngày kỷ niệm bằng sự tự giác như vậy, đó cũng là lễ hội.

Hãy sống trong lễ hội và đừng tạo thêm nhiều ngày kỷ niệm vô tri.

 Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo


Hồi hơn chục năm trước, một trong những niềm vui của ngày tết là được xem chương trình truyền hình đặc biệt. Lúc đó các đài truyền hình sẽ chiếu từ sáng đến khuya (thay vì ngày thường chỉ chiếu buổi sáng - tối), chiếu nhiều phim hay, nhiều chương trình ca nhạc..



Người lớn thì đi ra đi vô chuẩn bị nấu nướng dọn dẹp, trang hoàng vừa xem tivi, trẻ con thì xúm lại ngồi trên bộ vạc (cái giường tiếng miền Nam) gần đó, ăn thèo lèo, hột dưa, dưa hấu.. vừa chơi đánh bài quỳ gối, vừa coi tivi...

Sáng dậy sớm, nhìn mặt trời lên trước cổng, ở đàng xa chiếu ánh sáng vào sân. Khoảng sân đất được dọn dẹp, quét sạch bong, mấy cây mai đầy nụ và bông vàng rực, nghe tiếng đàn gà lúc nhúc chờ ăn và thấy khói bếp nhà ai nấu cơm buổi sớm... Nhìn nắng dần lên, xuyên qua những kẻ lá ở khu vườn trước mặt, nghe mùi dưa hấu, củ kiệu, thịt kho...thấy xuân làm sao!



Ngày nay, tivi chiếu "chương trình đặc biệt" xuyên suốt, đủ thể loại. Dưa hấu thì lúc nào cũng có thể ăn, tết đến thịt cá, bánh mức đủ loại Tây Tàu... Vì sao càng nhiều người than chán, than "không có không khí tết". Niềm vui có nhất thiết phải là thứ gì đó ngoài tầm với hoặc rất hiếm hoi chăng?



Tết chỉ là một thời điểm, một mốc thời gian, một khái niệm người ta quy định với nhau để cùng nhau làm một việc gì đó cho thống nhất - như đón giao thừa chẳng hạn. Tết có vui hay không là do ở mỗi người đón nhận nó ra sao nữa.
  
Được nghỉ tết, về nhà vẫn giữ thói quen của mấy ngày thứ bảy - chủ nhật: thức đêm online, rồi ngủ đến trưa, dậy ăn cái gì đó rồi lại lăn ra ngủ, hoặc là thêm tiết mục "cà phê bạn cũ", "họp lớp"... thì thấy cái "không khí" mới lạ! Tết đi du lịch xa, đi ăn quán ăn tiệm, đi cà phê đến 80% thời gian, còn 20% lại thì về nhà... ngủ. Hay ăn dưa hấu mà nhớ... bưởi, nhớ bom thì lại chẳng biết mùi vị gì nữa rồi. Chơi đánh bài thì vừa đánh vừa lướt FB.. và nhiều thứ như vậy nữa.

Để có không khí tết thì mỗi người cần phải góp phần tạo ra nó, cái hào hứng của tết là tập hợp sự hào hứng của mỗi người mà góp lại. Góp thêm một nụ cười, một câu chuyện vui trong bữa ăn. Góp thêm một tay gói bánh, nấu bánh, làm mứt hoặc đơn giản là chỉ cần... ăn mấy thứ đó một cách ngon lành... Làm gì cũng được, hãy thật tập trung và bỏ chút hứng thú, chút niềm vui của mình ra góp vô, rồi bạn sẽ thấy niềm vui đó cộng hưởng và nhân lên rất nhiều lần. 



Tết vẫn thế thôi, xuân của đất trời thì cứ một năm lại tới, còn xuân của lòng người thì phải cần có sự tham gia, cần có sự quan tâm của từng thành viên trong gia đình.

Hãy bỏ hết những muộn phiền năm cũ, rũ hết đi, để cho tâm thanh bình, vui vẻ mà cảm thụ từng thứ một, rồi bạn sẽ thấy rằng tết vẫn là tết, vẫn vui, chỉ có bạn là khác xưa nên tết của bạn không vui nữa.
Hào hứng lên, đừng xem tết là một kỳ nghỉ, hãy xem nó là một lễ hội. Nhập tâm vô nó, vui lên, thế mới tết.

Chúc mọi người một năm mới thật vui.

Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo