Hình ảnh có liên quan

Yêu một cô gái yêu lần đầu, tình yêu của cô ấy, bên cạnh màu hồng mơ mộng, sẽ luôn có nhiều bỡ ngỡ, đớn đau và nghi hoặc: vừa mong muốn, vừa tự hỏi đây có phải là tình yêu thật sự và cuối cùng của mình không. Cô ấy thật mong manh và trong sáng. Và dù tình yêu đó êm đẹp hay khó khăn, sự nghi hoặc đó có thể xuất hiện ít hay nhiều, nhưng luôn tồn tại: tình yêu thứ hai có tồn tại hay không.. Tình yêu đầu tiên có thể đi đến hôn nhân rất hiếm, tình đầu càng đi xa, câu hỏi đó sẽ càng được chôn sâu nhưng không bao giờ biến mất: Liệu rằng yêu một người khác sẽ khác với người này ra sao...

Yêu một cô gái yêu lần hai, lần ba, cô ấy sẽ luôn so sánh bạn với người yêu cũ. "Tình đầu là tình chia ly", nhưng tình đầu cũng luôn ghi dấu thật sâu trong tâm hồn, đặc biệt là phụ nữ. Những cô gái này có thể sẽ mất đi một ít niềm tin vào sự vững bền và sức mạnh của tình yêu, hoặc cô ấy càng tin vào tình yêu hơn trước. Dù thế nào đi nữa, tình yêu lần 2, lần 3 của một cô gái sẽ có thêm một ít cực đoan, hơi lệch lạc và méo mó do ảnh hưởng của tình đầu. Cô đã hiểu được không phải cứ yêu là đi hết trọn đời với nhau, và nếu bạn có cùng khuyết điểm nào đó với người yêu cũ (mà thế nào cũng có), cô ấy sẽ có thêm nhận định "đàn ông trên đời cũng đều như vậy mà thôi".

Một cô gái có nhiều hơn ba lần yêu thì sao? Khó nói. Cô ấy có thể hiểu và trân trọng tình yêu nhiều hơn hai cô trước, cũng có thể cho rằng tình yêu chỉ là cái cớ đẹp đẽ cho mọi thứ khác mà thôi. Cô ấy có thể đặt nặng hơn, hoặc xem nhẹ hơn một mối quan hệ, sự ràng buộc và tương tác giữa hai người trong mối quan hệ đó hơn là cảm xúc. Cô ấy dễ bị tổn thương, hoặc chọn cách làm tổn thương người khác trước, hoặc luôn chừa cho bản thân một đường lui... Dù gì đi nữa, một người con gái sau khi đi qua những đổ vỡ trong tình yêu, vẫn còn có thể yêu, là người mạnh mẽ và đáng quý. Nếu có duyên gặp phải, đừng làm họ tổn thương thêm.

Nhất Bảo
Một lần nọ, ở một trạm dừng chân, có hai bạn nữ đến ngồi ở hàng ghế trước mặt, xoay lưng về phía mình. Một bạn mặc quần tây, áo sơ mi ca rô, đóng thùng, tóc hơi ngắn ngang tai. Một bạn mặc áo thun đỏ, quần jean, tóc dài uốn cong cong, đeo kính trắng, trừ lúc nói chuyện ra thì miệng luôn cười tươi. Bạn nữ mặc sơ mi ngồi thẳng, nhìn thẳng, từ lúc bạn ngồi xuống cho đến lúc đứng dậy bước ra xe mình vẫn không thấy được mặt bạn chút nào. Bạn nữ áo đỏ thì khác hẳn, dù hai ghế đặt song song, bạn vẫn ngồi xoay mặt sang bạn nữ áo sơ mi. Vì tạo hình và cách ngồi của hai bạn khá lạ, nên mình quan sát một tí.

Bạn áo đỏ vừa ngồi xuống ghế đã xoay qua bạn kia, cười nói ríu rít nho nhỏ, mình không nghe được, chỉ thấy mắt bạn rất vui, miệng luôn cười. Lúc sau bạn lấy trong túi ra một chai nước, đưa bạn kia và nói: Mệt hông, có nước nè. Lúc này hơi lớn nên mình nghe. Bạn kia xoay mặt qua một tí, khoảng 15 độ gì đó, cầm chai nước, uống một miếng và đưa lại. Bạn này nhìn bạn kia uống, nụ cười có chút tươi hơn, mắt híp cả lại. Cất chai nước vào túi, bạn này lại nhìn bạn kia, đưa tay lau gì đó trên mặt bạn kia một chút, lại cười. Tầm 10 phút sau thì họ đứng dậy rời đi, bạn áo đỏ đứng lên sau, cầm lấy mũ bạn kia để trên ghế và nói: Mũ nè, lại quên.

Hồi nhỏ mình hay nghe người ta đọc câu vè: Thương nhau chẳng biết để đâu, để trên lỗ mũi lâu lâu át xì. Hồi đó mình bắt đầu quan sát và tự hỏi, thương một người là như thế nào, và người ta thương nhau thì để ở đâu?

Khi ta thương một người, mọi thứ của ta đều hướng về người đó, bỏ qua hoàn cảnh xung quanh, bỏ qua cả chính mình. Khi thật sự thương một người, hạnh phúc không phải là được người đó quan tâm chăm sóc, mà bắt đầu từ việc quan tâm, chăm sóc người đó. Làm một việc gì cho người đó cũng đều thấy vui, ở cạnh nhau, nhìn nhau thôi cũng vui.

Tất nhiên do tính cách và đặc điểm của mỗi người khác nhau, nên cách quan tâm và thái độ chăm sóc dành cho người thương sẽ khác. Nhưng mình luôn cho rằng yêu thương không phải chỉ từ biểu hiện mà còn là sự kết nối từ tâm hồn, từ trái tim. Dù biểu hiện có giống nhau, nhưng tâm hồn sẽ cho ta biết ta và người có tình cảm gì với nhau hay không.

Vui nhất là được thấy niềm vui trong mắt nhau.


Mình cũng từng quan sát nhiều cặp đôi đi cùng nhau, ở nhiều hoàn cảnh khác nhau và cách ứng xử khác nhau. Đôi khi mình nghĩ họ không yêu thương nhau, đôi lúc lại thấy một người yêu người kia rất nhiều, người kia cũng có yêu mà yêu ít ít. Có khi một người không yêu đi với một người yêu...

Khi một người yêu đi với một người không yêu, trong ánh mắt của họ cũng chất chứa yêu thương và sự quan tâm nồng đậm, nhưng đâu đó là chút thất lạc và một ít cô đơn.

Khi tình yêu là hai chiều, thì trong mắt của người yêu nhiều hơn sẽ có niềm hạnh phúc, tựa như chỉ cần giây phút này là đủ.Tựa như họ chỉ đang sống trọn vẹn trong phút giây hiện tại của tình yêu.

Khi một người thật sự thương một người, đó bắt đầu là một trạng thái bị động (rơi vào bể tình - fall in love cơ mà), rồi sau đó là một sự trao đi: trao cảm xúc, trao sự quan tâm và tất cả.

Hạnh phúc có nhiều dạng, trong đó có một dạng bắt đầu khi ta biết mình thương một ai đó. Và tiếp tục khi người đó tiếp nhận tình cảm của ta, và viên mãn khi người đó cũng yêu thương ta.

Thương nhau để đâu? Theo mình là để hết trong ánh mắt, đôi khi trong nụ cười và những lần khẽ chạm người thương.

Nhất Bảo
Kết quả hình ảnh cho purpose life

Lần trước mình có post một câu hỏi, rằng điều gì là niềm vui, động lực trong cuộc sống của bạn. Đa số các bạn cho biết rằng đó là gia đình, là người thân yêu, một số trả lời là tiền, một số là đam mê, sự nghiệp. Có vài bạn hỏi lại mình, vậy niềm vui và động lực sống của mình là gì? Mình chưa trả lời.

Hôm nay lại thấy bạn khác tự hỏi câu tương tự và tự trả lời rằng điều khiến bạn tiếp tục cuộc sống đầy đau khổ hiện tại là những người thân yêu xung quanh bạn ấy. Mình từng hỏi khá nhiều người, trùng hợp là người đưa ra đáp án tương tự đều là những người có đạo, trong đó có cả một vị thiền sư khá nổi tiếng cũng cho rằng con người sẽ không có giá trị nào, thậm chí không có mong muốn được tồn tại nếu không có người khác xung quanh họ.

Điều này xảy ra khi người ta gán ý nghĩa cuộc đời mình lên một hoặc nhiều người, vật khác ở xung quanh.

Chuyện đó không có đúng hay sai, chỉ là nó có thật sự xảy ra với mỗi người chúng ta hay không, hay chỉ là sự lầm tưởng vậy. Có rất nhiều người cả đời đều sống trong lầm tưởng. "This world is an illusion".

Tôi không nói chính mình hay bạn đang lầm tưởng, chỉ là mỗi lần ta đoan chắc một điều gì, mỗi lần tâm trí ta tâm niệm một chuyện gì đó, ta tự hỏi xem đó có phải là một ảo ảnh, một lầm tưởng không, tự cho mình một cơ hội thức tỉnh, vậy thôi.

Với tôi, bản thân sự sống đã là một niềm vui, mọi điều khác xảy ra trong khi sống chỉ là những thăng trầm trong niềm vui sống đó. Như những giai điệu khi trầm khi bổng, một bức tranh có các gam màu sáng tối khác nhau, vui sướng hay khổ đau, người ta thương, người thương ta, người ta ghét hay người ghét ta đều chỉ là những phần tử xuất hiện trên bức tranh, mà không phải bản thân bức tranh đó.

Những người có đạo sẽ nói được sinh ra làm người là một đặc ân quý giá, sinh ra để phụng sự Chúa, phụng sự nhân loại, để làm điều tốt điều lành, làm người để có thể tu tập, chuyển hóa, để có cơ hội cao hơn (so với cây cỏ, chim, thú...) trở thành những gì tốt đẹp hơn, ở kiếp này hoặc kiếp sau.

Tôi nói rằng được sinh ra làm người, ta có một số vốn cơ bản là sức khỏe và thời gian sống để làm điều mình thích. Tiền vốn cơ bản của mỗi người là sức khỏe và thời gian sống, tuy nhiều ít có khác biệt nhau, nhưng cơ bản là vậy. Chưa chắc người có nhiều vốn hơn sẽ sử dụng vốn tốt hơn, thậm chí có nhiều người không xem trọng số vốn cơ bản đó, để dễ dàng phung phí, bỏ bê, đến khi mất đi mới tiếc nuối muộn màng.

Ta có thể dùng tiền vốn đó để tích lũy thêm những vốn khác như tiền bạc, kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng, mối quan hệ.. bất kỳ điều gì giúp ta đạt đến điều ta muốn.

Thế nhưng ta muốn làm chi đời ta?

Từ nhỏ, được sinh ra và nuôi dưỡng: ăn thứ người ta đưa cho, thích thì ăn nhiều, không thích ăn ít, hoặc khóc, hoặc đòi. Lớn chút thì được cho đi học, thế là đi học, không đi học thì làm gì? Không biết, nên đi học. Rồi học xong thì làm gì? Xin việc làm. Làm gì? Việc gì người ta nhận và trả lương cho, cao nhất trong khả năng có thể. Nếu không có việc mình thích thì làm gì? Lại học tiếp. Học xong lại làm gì? Lại học tiếp. Hết học được nữa thì làm gì? Đi làm việc cao nhất có thể. Rồi làm gì tiếp? Lập gia đình, nuôi con..

Từ lúc được sinh ra cho đến gần hết 1/3, thậm chí 1/2 cuộc đời ta đều sống theo sự tác động, sắp đặt sẵn của người khác, hoặc bắt chước theo cuộc sống của người khác - những người cũng đã và đang bắt chước người đi trước.

Ta không thấy mình chủ động sử dụng vốn liếng mình đã được ban cho, và có những lúc ta thấy mình chỉ là một mắt xích trong guồng quay của xã hội này. Một mắt xích mà ta phải vất vả giành giật và gìn giữ. Một mắt xích có cũng được mà không có cũng chả sao.

Thế là ta tự nhủ mình làm những điều đáng chán này là vì những người xung quanh.

Nghe hay đó, thế những người xung quanh lại đang sống vì điều gì? Họ sống vì ta và những người khác.

Nghe lại càng thêm hay. Thế hóa ra tất cả chúng ta, vì nhau, mà phải chịu đựng khổ đau và vô nghĩa của cuộc đời này? Và đó lại là ý nghĩa cao nhất của đời người ư? Phải thế, thật không?

Tất cả những điều nói trên sẽ không u ám và đáng chán đến vậy, nếu ta trả lời rõ ràng được câu hỏi "Ta muốn làm chi đời ta?"

Thực tế là vẫn có không ít người sống trong hạnh phúc được làm những điều mình yêu thích mỗi ngày. Họ cảm nhận được mỗi phút giây đời sống trôi qua họ đang đến gần hơn với những mục tiêu cao cả trong đời sống, quan trọng là hành trình đó là một niềm vui bất tận chứ không phải là sự chịu đựng chán chường, không phải là một mắt xích vô cảm nào đó.

Được sống bản thân nó đã là một niềm vui. Nếu có thêm điều gì đó tốt đẹp, thì càng vui hơn, không có cũng không sao.

Sống là một cuộc hành trình để theo đuổi những giá trị tốt đẹp mà mình mong muốn. Nếu chưa biết rõ mình muốn gì, thì sống là để tìm ra điều đó.

Nhất Bảo