Hôm qua anh thấy một bạn khoe cái bàn phím rất đẹp, anh dừng lại đó và nhìn một lúc. Kéo tới kéo lui thì facebook hiện ra ngay quảng cáo bán bàn phím cơ, cũng rất đẹp. Nhìn lại cái bàn phím e-blue đã xài 5 năm của mình, anh không thấy nhu cầu đổi mới.
Mấy người bạn xài iPhone, Mac, Ipad bảo IOS ngon lắm, xài thử đi là mê, đổi đi đừng xài Android nữa. Anh thấy windows chạy quen hơn và cái điện thoại Samsung vẫn còn xài tốt, sao phải đổi? Quần áo cũng vậy, hồi đó theo thói quen thì mỗi năm đều mua vài cái áo, quần mới. Nhưng vì không bỏ đồ cũ nên mấy năm nay thấy đồ để thay đổi cũng nhiều, nên 2 năm rồi chả mua thêm cái nào, cũng không thấy thiệt thòi hay khó chịu gì cả. Đa phần những thứ mà anh xài, thường là hết bảo hành, hư hỏng không dùng được nữa mới bỏ đi, mua mới. Anh thấy mình không có cái dục vọng sở hữu, chiếm hữu những thứ mới lạ khi mình không có nhu cầu sử dụng hoặc đã có thứ tương tự rồi.
Nói qua về định nghĩa: Khi nói về dục vọng, nhiều người có thể nhầm nó với ái dục, hay nhục dục, dâm dục… Không phải vậy, dục là mong muốn, vọng là hướng về (trong “hòn vọng phu”) Dục vọng chỉ đơn giản là tâm mong cầu. Dục vọng chiếm hữu là sự mong muốn sở hữu, chiếm hữu một điều gì đó.
Chẳng bao giờ anh mua một món gì đó vì nó giảm giá hay nó rẻ, trừ khi đó đúng là thứ anh đang tìm mua. Em biết vì sao không? Vì thà mua thứ không giảm giá mà mình đang cần dùng, còn hơn mua thứ giảm giá mà mình không cần đến. Đó không chỉ là lãng phí tiền bạc, mà còn là lãng phí tài nguyên và góp phần vào các chiến dịch kích cầu nhiều tai hại.
Nói như Simon Sinek trong bài “how great leaders inspire action” thì anh là một trong những người chỉ chịu mua điện thoại cảm ứng khi người ta không còn sản xuất điện thoại phím nữa. Cũng gần như vậy thôi, khi mua thì anh vẫn mua những thứ mới nhất, chỉ là sẽ không mua chỉ vì nó là thứ mới nhất mà thôi.
Vì sao người ta thích Apple, hay cụ thể là iPhone? Vì IOS, vì chụp ảnh đẹp, hay kiểu dáng thiết kế đẹp? Anh tin là nếu có một cái điện thoại y chang nhưng không phải là iPhone thì cũng không được giá đến vậy. Người ta chỉ kịp nghe, gọi, lướt facebook và chụp ảnh selfie thì iPhone đã ra bản mới rồi. Mà cái này mới ghê nè, mỗi lần ra bản mới là nó lại cập nhật hệ điều hành. Mà nhiều người cũng biết vụ bê bối khi Apple thừa nhận là khi cập nhật hệ điều hành nó cố tình làm cho các phiên bản cũ chạy chậm hơn, hao pin hơn để người dùng phải đổi cái mới. Mặc kệ tất cả, người ta vẫn đổi iPhone ngay khi có thể (hoặc gần có thể). Người ta đổi iPhone không phải vì những tính năng của nó, mà vì cảm giác mà họ nghĩ là nó mang lại cho họ.
Hôm nay, giáo sư Ngô Bảo Châu viết trong một status mới nhất của ông:
“Đã đến lúc hay chưa điểm lại hành vi của chúng ta trong cuộc sống hàng ngày: túi nilon, ống hút nhựa có cần cho cuộc sống của chúng ta hay không, chúng ta có cần nhiều quần ái giầy dép đến mức đấy hay không, chúng ta có cần tiêu thụ lượng thực phẩm có nguồn gốc động vật lớn như hiện nay hay không. Tôi đã biết một cuộc sống không có túi nilon, ống hút nhựa, mỗi năm may ra có được một cái áo mới, một tháng được phân phối ba lạng thịt. Tôi không muốn quay lại cuộc sông đó nhưng tôi hiểu rằng đa số những tiện nghi mà tôi được hưởng là không cần thiết đề duy trì cuộc sống của tôi và tôi cần sẵn sàng buông bỏ nếu cái giá cho tiện nghi của tôi chính là cuộc sống của thế hệ tương lai.”
Nhiều lúc anh cũng thấy thông cảm cho các bạn nữ, mỗi bộ đồ mua xong là chỉ “được phép” mặc một vài lần trong đám tiệc, chụp hình check in, nên cứ “phải” mua đồ mới. Dần dần tạo thành thói quen cứ thấy đồ mới, đẹp, rẻ là phải mua để đó. Rồi hệ quả là nhiều bộ chỉ mặc một lần, hoặc chưa mặc lần nào, mua xong rồi “thanh lý”. Các bạn khác thì “cũ người mới ta”, thấy đồ thanh lý cũng vào mua, mua xong lại về để đó.. Nhưng rốt cuộc là ai quy định quần áo chỉ được mặc một vài lần?
Hồi đó anh có viết một bài “dục vọng đang xui ta giết nhau” cũng vì bức xúc từ một vụ “cướp tóc”. Có bạn bảo là người tóc dài đi ngoài đường cũng bị người khác dùng kéo để “cướp tóc” đem bán, lại nghĩ đến bao nhiêu vụ trộm, cướp khác… có người nào là không đủ ăn, không đủ mặc mà phải đi cướp không? Toàn là con bạc, con nghiện cả. Người ta vì thỏa mãn dục vọng của bản thân chứ không phải nhu cầu cần thiết của sự sống mà thực hiện những hành vi gây hại cho người khác và bản thân như vậy.
Đó là những biểu hiện mạnh mẽ và nặng nề, dễ thấy, còn dục vọng hàng ngày đang điều khiển chúng ta thì tác động của nó rộng lớn hơn nhiều.
39_Ve duc vong chiem huu

Trước đây người ta nghiên cứu về dân số, có người nói rằng tài nguyên của trái đất chỉ đủ nuôi tối đa 8 tỷ người, vì diện tích đất nông nghiệp và diện tích đất để chăn nuôi cũng như các nguồn tài nguyên khoáng sản khác không đủ. Hiện nay dân số đã hơn 7 tỷ. Không chỉ vậy, người ta còn tiêu xài phung phí vượt qua nhu cầu cơ bản rất nhiều lần.
Đó là chưa kể nhiều người còn đang tiêu xài quá khả năng kiếm tiền của họ. Hãy nhìn những dịch vụ trả góp, các hình thức cho vay nặng lãi ngoài sáng lẫn trong tối. Đa phần là vì người ta muốn mua những thứ họ không đủ khả năng chi trả. Khi không có thái độ ứng xử tốt với tiền hoặc bị dục vọng chi phối, người ta luôn xài quá số tiền họ kiếm được, dù thu nhập của họ là 3 triệu hay 30 triệu một tháng cũng vậy. Người thoải mái là người tiêu ít hơn số tiền họ kiếm được.
Người ta cho rằng kích cầu chính là biện pháp tốt để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế, là nguồn động lực phát triển xã hội loài người. Đúng vậy, nguồn động lực đó đang đẩy loài người về phía diệt vong. Những nhà máy thải ra chất thải độc hại, những loại hóa chất kích thích tăng trưởng, thuốc bảo quản, biến thịt thối thành thịt tươi, biến nhựa thành gạo, biến dầu cống thành dầu chiên… rồi không hiểu ung thư từ đâu ra. Không phải vì ta ăn quá nhiều nên người khác không nuôi, trồng kịp sao?
Dừng lại một chút thì sao? Ăn ít một chút thì sao, mua sắm thứ mình thật sự cần thôi, thì sao? Có lẽ sẽ rất khó chịu, nhưng anh vẫn đang sống rất tốt đây.
Anh cảm thấy biết ơn vì mình không có quá nhiều dục vọng. Mong là em cũng sẽ nhận ra và giảm bớt mọi thứ, để bớt khổ phần nào.
30.10.2019
Hôm nay anh thấy trên mạng có một tấm hình vui, trong đó ghi là “Nếu bạn là trai tốt, sẽ có 1 cô gái thích bạn, nếu bạn là trai xấu, sẽ có nhiều cô thích bạn”. Tất nhiên xấu ở đây hiểu là “bad boy” ấy chứ không phải xấu trai rồi.
Tấm ảnh đó làm anh nhớ một đoạn đối thoại của hai người bạn anh trên facebook cách đây tầm mấy tháng: Một bạn đăng là “Bad boy ain’t good, good boy ain’t fun”. (Trai xấu thì không tốt còn trai tốt thì không vui (nhạt nhẽo)). Một bạn khác comment “Fun chỉ là nhất thời còn good mới là mãi mãi”.
Lúc đó anh đã định comment rằng: Thời nay người ta quan tâm chuyện trước mắt, chuyện nhất thời, chứ ai mà biết mãi mãi là bao lâu?

Em nghĩ thế nào là một chàng trai tốt? Em nghĩ trai tốt có gì hay không? Em có nghi ngờ khi thấy một chàng trai có biểu hiện là “trai tốt”? Em có nghĩ “Trai tốt chẳng có gì vui”?

Lâu lâu lại thấy có người share mấy cái ảnh kiểu “Không rượu bia, không cờ bạc, không gái gú, làm ra tiền, biết quan tâm… Trai như vậy có tồn tại không?” Biết ngay người share là nữ. Anh chỉ thấy rất rất hiếm con trai share mấy cái như vậy, có thì cũng ghi là “Đây, tôi tồn tại đây nè”. Và tất nhiên không ai quan tâm.

Thế nào là trai tốt? Tạm xem như “tốt” bao gồm: không tứ đổ tường, có ước mơ, có ý chí, biết quan tâm, trung thực, tôn trọng người khác đi nhé.

Haizz, anh nghĩ đi nghĩ lại, không nghĩ ra một cô gái như thế nào có thể thích một chàng trai tốt, chắc cũng là một cô gái tốt. Ừ, mà những người tốt ấy, nếu là tốt thật, thì thường họ chẳng có gì khác ngoài tốt. Tài năng không, nhan sắc không, không gì ngoài tốt. Cô gái tốt không có gì ngoài tốt, chàng trai dù tốt cũng sẽ khó thích cô gái tốt như vậy, khả năng không cao. Nên những người tốt vẫn cứ cô đơn vậy.
Thời đại này thành công được đo bằng tiền, nếu chàng trai tốt không kiếm tiền giỏi, thì anh ta vẫn là một kẻ thất bại (loser) mà thôi. Tiêu chuẩn “người tốt” không nói đến khả năng kiếm tiền, nhưng “bạn trai tốt” hay “chồng tốt” lúc nào người ta cũng xét đến khả năng đó hết, thậm chí là đặt lên hàng đầu.
Thế nên một chàng trai tốt muốn có người yêu tốt, anh ta phải kiếm tiền nhiều hơn, bằng cách này hay cách khác. Anh ta phải làm thêm, tăng ca, từ đó không đủ thời gian và sức lực quan tâm bạn gái. Hay phải giao tiếp bạn bè qua các cuộc rượu, tăng cường các mối quan hệ bằng những nịnh hót, dối trá. Anh ta thành công hơn, nhưng cũng biết mình không còn là trai tốt. Nhưng không sao, lúc đấy lại có nhiều cô theo, trong đó không ít cô từ tốt đến rất tốt. Hóa ra không cần phải thật tốt, chỉ cần không quá xấu, quan trọng là phải kiếm nhiều tiền, hoặc có nhiều tiền.
Nếu anh bất tài hoặc không kiếm nhiều tiền, tốt có tác dụng gì? Thật ra cũng có. Nhiều cô gái cũng đi tìm trai tốt: những cô đổ vỡ nhiều lần trong tình yêu, mất niềm tin vào đàn ông, sẽ muốn tìm một chàng trai tốt, không gì khác ngoài tốt cũng được. Có người từng lập một kế hoạch cho một cô gái đẹp “khởi nghiệp” bằng cách bán thân, từ việc bán “lần đầu tiên” làm sao cho có giá nhất, rồi tái đầu tư nhan sắc, rồi chọn đúng địa điểm uy tín, chọn đối tượng khách hàng, tiếp tục “làm việc” và tích lũy trong 10 năm, đến khoảng 30 tuổi thì “nghỉ hưu”, tìm một “chàng trai tốt” mà xây dựng gia đình hạnh phúc. Nghe có vẻ cũng là một cái kết khá viên mãn. Trong phim người ta cũng hay khuyên các cô gái ăn chơi lêu lổng, quá lứa lỡ thì hoặc dở dang hôn sự “tìm một chàng trai tốt mà yên phận”.

Trai tốt giống như một trạm dừng cuối cùng cho mọi cô gái, vì họ đầy ra đó, nào có ai thèm nhặt đâu.

Ây za, sao mà nghe thảm vậy chứ hả, thế thì có ai muốn làm trai tốt nữa đây? Đúng vậy. Trai tốt không phải muốn là làm được, thường những thằng trai xấu muốn cua các em gái tốt (những người có nhiều thứ khác, thường là xinh đẹp, ngoài tốt ấy), thì nó sẽ giả dạng làm trai tốt một thời gian, ví dụ như bỏ thuốc bỏ rượu, tóc tai ăn mặc chỉn chu (chỉn chu mới là từ đúng chính tả nhé)… nhưng được một thời gian thì mèo lại hoàn mèo. Trai tốt không phải là một dạng kỹ năng, nó là một loại thiên tính, thiên phú vậy. Trai tốt muốn thành trai xấu thì dễ, trai xấu muốn thành trai tốt thì khó gấp trăm lần.
Nếu em là một trai tốt bẩm sinh, hãy quý trọng điều đó, đừng mặc cảm hay tự ti khi xã hội này không dành cho em những vị trí cao. Dù cho một lúc nào đó, thường là vì cô gái mà em thích, em sẽ muốn xông pha một phen, giành lấy một chút danh vọng, địa vị, tiền tài để xã hội coi trọng, để không làm thất vọng người yêu, em cũng sẽ phát hiện ra những thứ đó không phải dành cho mình, sẽ thấy mệt mỏi và lạc lõng nhiều hơn nữa.
Là trai tốt, sẽ có nhiều cô gái tin tưởng em, quý trọng em, nhưng không có cô nào có cảm tình nam nữ hết. Người ta vẫn luôn nói điều họ cần là cảm giác an toàn, nhưng sự thật là thứ cảm giác an toàn chỉ cần thiết khi có nguy hiểm vây quanh - giống như các cô yêu mấy anh công tử đào hoa, cô nào cũng nghĩ anh ta chỉ yêu mình mình vậy đó, chứ có một anh chả ai thèm cạnh tranh thì có gì mà an toàn với không an toàn.
38_ban ve trai tot
Trai tốt còn một cái khổ nữa, là lúc bình thường em tốt thì là điều bình thường, lâu lâu có một cái xấu nào đó, lỡ nói bậy một câu, thì y như rằng bị thiên hạ khinh bỉ “đồ đạo đức giả”. Đó là nói nếu có người quan tâm đến em nha, chứ bình thường cũng chả mấy ai để ý cả. Trai tốt thảm ghê nha.
Chưa kể là nếu chàng trai tốt và cô gái tốt cưới nhau, họ sẽ thành một cặp vợ chồng tốt, chịu mọi thiệt thòi trong xã hội mà vẫn tươi cười như hai đứa ngu ngu. Rồi có khi con cái còn trách họ: sao cha không giàu như ông này, sao mẹ không giỏi như bà kia, sao nhà mình không giàu bằng nhà bạn..

Có câu “Gái tốt lên thiên đường, gái xấu thích đi đâu thì đi”. Trai tốt cũng vậy, trai tốt sẽ được gái tốt yêu, còn trai xấu thì mọi cô gái đều yêu cả.

Câu trích dẫn ở đầu bài thật ra là tựa đề của một bộ phim “Bad boy ain’t no good, good boy ain’t no fun” (Trai xấu không phải là không tốt, trai tốt không phải là không vui). Trai xấu cũng có thể tốt mà, trai tốt cũng có thể thú vị lắm, biết đâu.
Nè mấy trai tốt, đừng có buồn, hãy cứ sống đúng với con người của mình, vì dù em có thay đổi thì người ta cũng chưa chắc thích em hơn, mà chính em đã chán ghét bản thân trước rồi.
Còn mấy cô gái, theo đuổi trai xấu chán rồi thì thử cho trai tốt một cơ hội xem sao. Vì nếu nó thật là trai tốt, thì một ngày em có đá nó, nó cũng mỉm cười cảm ơn.
Mà chúng ta sống trên đời, cầu sống đúng bản thân, chứ đâu phải chỉ để cặp bồ, đúng hông?
29.10.2019
Để có thể nói hay viết tốt, em cần phải đọc nhiều. Đọc không phải chỉ là quá trình chuyển những ký tự trên giấy hay màn hình thành ngôn ngữ trong đầu mà còn phải để tâm lưu ý và phân tích, xem điều gì mình đã biết, chưa biết, điều gì mới mẻ, điều gì mình đồng tình, điều gì mình chưa hiểu..
Để có được nền tảng kiến thức tốt và an toàn, không lệch lạc, em cần đọc những quyển sách đã được thử thách qua thời gian, hoặc tác giả của nó là những người thật sự am hiểu trong lĩnh vực của họ. Một điều rất quan trọng cần phải hiểu rõ khi đọc hay viết là phân biệt được sự thật (fact) và quan điểm (opinion).
Sự thật là những gì đã xảy ra, hoặc chắc chắn xảy ra, khi mà người ta đo đếm được, định lượng được, hoặc đã được khoa học chứng minh. Đặc tính cơ bản của sự thật là nó phải trung tính, không mang theo cảm tình hay mục đích cá nhân nào khác. Tất nhiên sự thật vẫn có thể dùng làm vũ khí ngôn ngữ để công kích người khác hay để đạt mục đích, nhưng trước hết nó phải là sự thật đã.
Quan điểm là góc nhìn, là thiên hướng của người đọc, người viết về một sự thật nào đó. Quan điểm sẽ vững chắc khi nó được dựa trên một sự thật cùng với lập luận chặt chẽ. Tuy nhiên không phải quan điểm nào cũng cần phải dựa trên sự thật mới được xem là quan điểm hay. Tất nhiên một quan điểm mà không dựa trên sự thật sẽ rất khó thuyết phục người đọc. Khi viết thì cần tránh điều này, nhưng khi suy nghĩ thì không cần, vì những sự thật đã được biết thì không có gì mới mẻ.

Khi suy nghĩ cần phá bỏ các giới hạn của sự thật, và khi viết thì cần giới hạn suy nghĩ lại cho gọn gàng để người đọc hiểu đúng ý mình muốn nói.

Có một thứ vô cùng nguy hiểm và độc hại được hình thành khi người ta cố tình xáo trộn sự thật và quan điểm, để cho quan điểm có vẻ giống sự thật, hoặc từ sự thật này, dùng quan điểm để lôi kéo người đọc sang một sự thật khác. Đây chính là điều mà truyền thông và đặc biệt là mạng xã hội đang dùng. Em cần hiểu rõ để không phải bối rối khi thấy cái gì cũng đúng, nói kiểu gì cũng xuôi tai. Nhiều khi chỉ cần nắm rõ fact và opinion, phân biệt được hai thứ này là sẽ dễ dàng biết mục đích của người viết muốn gì ở người đọc, rất dễ dàng lọc ra thông tin và quan điểm để bình tĩnh nhận định theo góc nhìn của riêng mình.
Ví dụ như khi ta có một nhận định: “Phải đến và đập vào mặt người đàn ông này cho hả giận”. Thì tự nhiên ta biết đó là thái độ, quan điểm (opinion) của mình, và dễ dàng cảm thấy đó là điều không đúng, vi phạm pháp luật. Nhưng nếu trước đó có một “fact” là “người đó là người say xỉn và đánh con anh ta một cách dã man”. Thì tự nhiên ta có xu hướng liên kết, đồng hóa “sự thật” đó và “quan điểm” của mình lại với nhau, cho rằng nếu sự thật đó đúng thì quan điểm của mình cũng đúng. Thế là ta kéo đi tìm người kia để đánh, rồi cuối cùng biết ra cái sự thật mà ta tin tưởng cũng không phải là sự thật.
Gần đây có rất nhiều người chia sẻ nhiều góc nhìn khác nhau về vụ 39 người tử vong trong xe container. Anh sẽ nói một chút về “sự thật” và “quan điểm” trong chuyện này.
Sự thật: Có 39 người được xác định là đã tử vong trong thùng xe container di chuyển từ Bỉ sang Anh. Đây là những người di cư bất hợp pháp. Hết.
Tất cả những gì còn lại đều là quan điểm của từng người đối với sự thật này, dù nó có liên kết với sự thật nhưng không phải là bản thân sự thật, nó có tính định hướng, tính mục đích, hoặc tính cảm xúc, hoặc cả ba.
Quan điểm – Thương tiếc: Đây là một tai nạn thương tâm với việc tử vong một lúc 39 người. Mong các nạn nhân có thể yên nghỉ, gia đình nạn nhân bớt thương tâm. Ở đây em có thể quan sát thêm rằng có sự khác biệt gì giữa sự thương tâm dành cho 39 người tử vong trong container với một số lượng người tương tự tử vong trong một vụ lật xe khách, hay một vụ rớt máy bay, hay tàu hỏa trật đường ray, hay một vụ không kích vào khu dân cư trong vùng chiến loạn. Cùng là người chết, cùng là tai nạn. Sự thương tâm vì sao lại khác nhau. Những điều này là góc nhìn, là quan điểm của từng người.
Quan điểm – Tội phạm: Có người nhìn nhận rằng những người tử vong trong tai nạn nói trên đã vi phạm pháp luật trong việc xuất, nhập cảnh của nhiều quốc gia, và có thể sẽ tiếp tục vi phạm nếu họ đến nơi an toàn.
Quan điểm – Nghĩa tử là nghĩa tận: Có người lại nghĩ rằng những người nhìn nhận theo góc độ tội phạm là không có tình người, dù gì thì người cũng đã mất, để họ an nghỉ chứ đừng bới móc lên thêm..
Quan điểm – Truy quét tội phạm: Có người lại đưa ra thêm một số sự thật khác về các đường dây đưa người qua biên giới, kể cả “uy tín” hay lừa đảo đều đang phát triển và muốn mọi góc nhìn cả người dân và chính quyền tập trung vào những đối tượng này để truy quét, ngăn chặn các thảm kịch tương tự về sau.
Quan điểm – Tha hương vì không thể sống ở quê hương: Có người nhân sự kiện này mà đưa ra quan điểm rằng những người kia vì không chịu nổi cuộc sống, chế độ của quê nhà mà phải bỏ xứ ra đi…
Quan điểm – Có tiền thì ở quê lập nghiệp: Có người cho rằng với số tiền 30 ngàn bảng Anh, người ta có thể làm ăn, buôn bán và sống thoải mái ở quê nhà hơn là mạo hiểm tính mạng.
Quan điểm – Tha hương không có tương lai: Nhiều người lại đưa ra những sự kiện khác như các nông trại trồng cần sa trong nhà, thu nhập của việc làm móng, tình trạng bị đối xử phân biệt và bóc lột của những người lao động bất hợp pháp tại các nước châu Âu. Những sự thật này đưa ra để bổ sung cho quan điểm của họ là đi châu Âu một cách bất hợp pháp thì đầy rẫy nguy hiểm và khốn khổ.
Ngoài những điều này ra thì còn rất nhiều người có những mục đích xấu, lợi dụng tin tức của những người đã chết để than khóc, thương cảm câu view, thậm chí một người được cho là em của một trong số nạn nhân còn lên facebook kêu gọi cộng đồng mạng ủng hộ tiền để đưa xác chị về quê, và cũng được khá nhiều người ủng hộ.
37_su that va quan diem
Em có thể thấy tất cả những điều trên, chỉ có một điều là sự thật, còn lại là những quan điểm và các sự thật khác xuất phát từ nó mà thôi. Nếu như ta không nhìn rõ mà lại quy tất cả những điều trên đều có thể là sự thật, và tự hỏi điều nào đúng hơn, thì sẽ rất rối rắm.
Mỗi một quan điểm, mỗi góc nhìn đều có mục đích đàng sau cả, trước hết em chỉ cần phân rõ sự thật và quan điểm là tốt rồi, còn chuyện mục đích của từng quan điểm thì tính sau. Anh tin là chỉ cần nhìn được đâu là quan điểm, đâu là sự thật thì mọi sự đã sáng tỏ hơn rất nhiều.
Về sau khi em viết hay nói cũng vậy, cần phân rõ sự thật và quan điểm, suy nghĩ của riêng mình thì những điều em viết sẽ dễ hiểu hơn cho cả em và cả người đọc nữa.
28.10.2019
Series Viết cho em này anh đăng ở 3 nơi: Facebook, Spiderum và Ereka. Mấy hôm nay có thêm một số người mới đọc và gửi phản hồi tích cực, thấy vui vui. Có người đọc lại từ bài đầu tiên. Một vài bạn vẫn còn đang tiếp tục viết cùng anh từ đợt “phát động cuộc vui”, nhiều bạn đã ngừng hẳn. Viết 100 chữ là điều không khó, 2-3 đoạn là xong rồi. Kể một điều gì đó, cảm nhận về một thứ gì đó, hay là những suy nghĩ mông lung mơ mộng, cũng đủ rồi. Cái khó là viết mỗi ngày. Và đó cũng là thứ giá trị nhất, càng lâu thì giá trị càng lớn.
Có một điều mà không mấy bạn làm được khi tham gia “viết cho em” này là dùng thống nhất các hashtag anh đã gợi ý, hoặc comment link bài viết của các bạn vào bài anh đăng trên FB mỗi ngày. Mục đích của hành động này là chia sẻ động lực cho nhau, để người khác cũng biết là có nhiều người đang viết mỗi ngày như thế. Nhiều bạn vẫn còn viết, nhưng chỉ có một vài bạn vẫn đang dùng hashtag (mà lại để bài viết ở chế độ friends). Thôi thì nhân đây nhắc lại một lần về tác dụng của hashtag và comment, chia sẻ động lực cho người khác cũng là tiếp thêm động lực cho bản thân mình, các bạn nhé.
Trước khi bắt đầu “Viết cho em” thì anh đã theo dõi một số bạn thực hiện thử thách viết mỗi ngày, anh cũng từng khuyên các bạn rèn cách viết, tự quan sát bản thân mình qua việc viết, trong đó có một số bạn làm việc chuyên môn là viết, nhưng mọi người hoặc là chưa bao giờ làm theo, hoặc là làm vài hôm rồi bỏ. Điều này không hề dễ, các bạn bỏ dở là bình thường, nhưng muốn bắt đầu lại lúc nào cũng được nhé, đừng vì xấu hổ mà bỏ luôn.
Viết ra điều mình nghĩ trước hết là để mình có thể nhìn thấy suy nghĩ đó, tiếp xúc với nó ở một dạng thức khác hơn là loanh quanh trong đầu. Điều này được nhiều tác giả sách tư duy, sách dạy lập kế hoạch nêu ra rồi. Viết ra tâm trạng của mình cũng vậy, trước hết là giúp mình hiểu về tâm trạng đó nhiều hơn, hoặc ở một góc nhìn mới, có thể sẽ có điều khác hơn.
Điều làm anh thấy khó hiểu là mặc dù anh đã phân tích, động viên rất nhiều, nhưng đa phần các bạn vẫn dạ dạ rồi thôi, chẳng ai thật sự ngồi xuống viết ra những suy nghĩ trong đầu cả. Có lẽ họ không tin rằng viết ra thì sẽ có thể thay đổi được thực tại hoặc có bất kỳ tác dụng nào?
Nếu mình đang buồn, hay đang giận, thì việc viết ra có thể giúp bản thân bình tĩnh lại, ít nhất là cũng có thể dùng việc viết thay cho một hành động dại dột nào đó. Nhiều người cho rằng không phải ai cũng có thể viết, có thể diễn đạt tâm trạng hay suy nghĩ của mình dưới dạng văn bản viết, nhưng đa số những người có suy nghĩ đó đều chưa từng thử, chưa từng đặt bút hoặc đặt tay lên bàn phím lần nào.

Thử xem ta có thể nói gì khi buồn nhé.

Khi cảm thấy buồn và muốn viết về nó, lần đầu tiên, ta viết: “Tôi buồn quá.” Ồ, còn gì nữa không nhỉ. Không lẽ nỗi buồn của mình chỉ đơn điệu như vậy? Vậy thì có đáng buồn không? Tại sao mình lại buồn? Thế là ta viết thêm nguyên nhân của nỗi buồn. “Tôi buồn quá. Hôm nay cô ấy đi chơi với đám bạn thân đến khuya mới về.” Ủa, vô lý vậy ta, cô ấy đi chơi với đám bạn thì sao mình phải buồn, không lẽ cô ấy không được đi chơi với bạn? Lại viết tiếp “Cô ấy đi 4-5 tiếng mà không nhắn tin cho tôi lần nào, chắc là vui quá quên mất tôi rồi. Trong đám đó lại còn có một thằng từng thích cô ấy và vẫn luôn có ý đồ với cô ấy. Không lẽ cô ấy không biết điều đó, hay là cô ấy cũng thích như vậy?” Nhìn lại đoạn này ta thấy nguyên nhân là lo sợ và ghen hờn. Và thấy được tất cả mọi thứ đều là suy diễn của bản thân ta vậy.
Có những thứ suy nghĩ mà nếu ta chỉ để nó trong đầu và chạy theo nó, nó sẽ dẫn ta đi xa, rất xa thực tế, đến độ ta tưởng rằng nơi mà nó dẫn ta đến mới là thực.
Viết lại để thấy có những nỗi buồn là ảo vọng, cũng có những nỗi buồn chân thật, khiến lòng quặn thắt theo từng chữ, từng lời. Có khi buồn quá không viết nỗi thành câu, thì mình viết thơ vậy. Một ngày tháng tám năm 2018, anh đã viết:
36_Viet ra noi buon

Hôm nay là một ngày buồn nếm qua một thoáng ngọn nguồn khổ đau trời xanh này thật là cao ngước lên nhìn xuống xa nhau mất rồi.
Viết xong thấy trình độ làm thơ của mình còn đáng buồn hơn cả nỗi buồn hiện tại, nên cũng bớt buồn đi.
Đa phần những nỗi buồn hay cơn giận của mình, nếu viết ra thành chữ, thành thơ, ngay lúc đó đã giúp mình có một cái nhìn khác về chúng, mà vài tháng sau nhìn lại sẽ thấy ồ sao mình trẻ con, vớ vẩn vậy.

Vậy tại sao ở hiện tại mình không thể có được cái nhìn trưởng thành của tương lai để có thể nhìn những niềm đau nỗi buồn đang có này một cách nhẹ nhàng hơn, thấu triệt hơn?

Nguyên nhân có rất nhiều, trong đó quan trọng là hiện tại ta chỉ đang chạy trốn nỗi buồn hay điên tiết với cơn giận mà không thật sự bình tĩnh nhìn vào chúng, nên không biết nó nhỏ hay lớn, có điểm gì đáng sợ, điểm gì đáng yêu.. chỉ có về sau ta mới bình tĩnh nhìn lại để thấy rõ ràng như vậy. Một cách khác chính là viết ra.
Khi em buồn, hay vui, hay giận, viết ra đều có ích cả. Đó là khi mình có thể bình tĩnh để nhìn lại cảm xúc của mình. Vì sao? Vì không bình tĩnh thì không viết được. Chỉ có thể ghi “tôi buồn quá” “tôi giận quá” “tao hận mày X ơi”. Càng viết thêm về cơn giận, về nỗi buồn thì ta sẽ càng trút ra những suy nghĩ trong đầu, để cho đầu óc mình thoáng đãng hơn, để mình nhìn chúng nó rõ ràng hơn.
Cách dễ dàng nhất để viết ra là trả lời từng câu hỏi: Tại sao, như thế nào, ở đâu, ai… cứ đặt câu hỏi và tự trả lời, đọc lại và xem có góc nhìn nào khác hay không, rồi viết tiếp… Sau khi viết và đọc lại một vài lần như vậy, bắt đầu quan tâm đến câu hỏi “Mình thật sự muốn gì?”
Em thật sự muốn gì với tình huống này? Và sẽ có thể làm gì để tác động cho sự việc đi theo hướng mình mong muốn đó?
Đừng bao giờ muốn những thứ mình không thể thay đổi phải thay đổi ngay lập tức. Mong muốn đó sẽ làm em thấy khổ sở hơn. Hãy nhìn lại mọi thứ và suy nghĩ phương hướng có khả năng cao nhất.
Tất nhiên không phải cứ viết ra là mọi chuyện sẽ được giải quyết. Viết ra chỉ giúp ta bình tĩnh, sáng suốt và tránh khỏi sự điều khiển của nỗi buồn, cơn giận mà làm ra những hành động có thể gây thêm tai hại nhiều hơn.
Nhờ viết mà anh đã thoát ra khỏi nhiều thứ tiêu cực ám ảnh trong đầu mình, những thứ mà nếu chìm vào nó thì đã có thể hại mình, hại người nhiều lắm.
Em thử xem nhé. Bắt đầu bằng “Hôm nay vui quá” cũng tốt. Rồi cứ thế viết thôi.
27.10.2019
Đa phần con người, dù là hướng nội hay hướng ngoại, thì nhu cầu giao tiếp nhiều hoặc ít, chứ hiếm khi có người không có một chút nhu cầu tương tác hay kết nối nào. Nhiều người ở nơi phố xá bon chen, lâu lâu về quê, lên núi, ra biển, đến chỗ nào vắng vẻ vội vã chụp tấm hình, post ngay lên mạng, không quên kèm caption huyền thoại “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ, người khôn người kiếm chỗ lao xao” (Nguyễn Bỉnh Khiêm). Nghe mới tao nhã làm sao.
Khi đi học thì có các dạng bài tập nhóm, báo cáo, thuyết trình nhóm, trò chơi tập thể, đi làm công ty thì có đội nhóm riêng theo chuyên môn, hội thảo, tập huấn thì cũng chia theo từng nhóm. Làm việc theo tập thể là một điểm đáng tự hào của loài người so với các động vật khác, giống như Yuval Noah Harari đã nói trong “Sapiens”.
Sống thành quần thể để trao đổi, chia sẻ và bảo vệ lẫn nhau là đặc tính hình thành và duy trì từ hàng nghìn năm nay của loài người. Như Đen hát “Anh sống giữa lòng thành phố nhưng lại mơ về thị trấn hoang”, nhưng vẫn rất cần “Sống làm sao khi khó còn được có những người thăm”.

Là một người bình thường, ta đâu có chọn cô đơn?

Ta đâu có chọn cô đơn. Nhưng khi nghĩ về những người đã đi qua cuộc đời, những người ta đã phụ, hay người đã phụ ta, tất cả cảm xúc của ngày qua khi đã phôi pha thì tất cả chỉ còn lại một khối ký ức không màu, thi thoảng lóe lên một chút làm ta không biết nên buồn hay vui. Trong những ngày cũ đó, ngọt ngào hay đắng cay, đau khổ hay hạnh phúc… tất cả trôi đi cũng đều lắng lại cùng một vị cô đơn. Ta có thể rơi nước mắt, hoặc nở nụ cười, nhưng tất cả đều không còn nữa, cả ta cũng ngày xưa cũng không còn nữa. Vậy nỗi cô đơn này là của ai, sao nó vẫn còn đây?
Ta đâu có chọn cô đơn. Nhưng mỗi lúc nhìn quanh thì người ta thích không thích ta, người thích ta ta lại không thích. Bạn bè nhiều nhưng cũng chỉ xã giao, nói chuyện thời sự, chuyện sở thích vài câu rồi tản. Càng gặp nhiều người thì khoảng trống bên trong càng lớn dần lên, đầu thì nặng trĩu bao nhiêu điều không biết nói cùng ai. Ta muốn xem tất cả là vô nghĩa để không phải, muốn xem nhu cầu chia sẻ của mình là một thứ ảo mộng phù du để có thể cười nhếch mép và thấy mình trưởng thành hơn trước. Nghe nói khi trưởng thành sẽ không sợ cô đơn?
Ta đâu có chọn cô đơn. Nghe nói rằng thời gian không giúp ta giải quyết vấn đề, nhưng nó sẽ giúp ta quên đi vấn đề cần giải quyết. Không biết thời gian có giúp ta quên đi nỗi cô đơn không một ai chia sẻ này không? Ta biết rằng không thể, khi ngay cả những người không muốn gặp ai cũng vẫn có nhu cầu để cho người khác biết rằng họ thích được ở một mình, họ thích cô đơn.
Ta đâu có chọn cô đơn. Nhưng mỗi lần mở lòng ra là thêm một lần thất vọng. Là do ta quá tệ, hay vận may của ta quá tệ, do ta không thay đổi, hay cuộc đời này xấu xa… quá nhiều nguyên nhân nhưng kết quả vẫn chỉ có cô đơn là người bạn không mang đến niềm vui nhưng lại an toàn nhất. Cô đơn chọn ta, và ta thì không muốn mạo hiểm thêm nữa, ít ra là vẫn chưa sẵn sàng.
35_ta dau co chon co don
Ta đâu có chọn cô đơn. Chỉ là khi có người mới đến, ta lại thấy mình kém cỏi, thấy mình không xứng, chưa bắt đầu đã lo sợ tan vỡ ở tương lai.. ta ngập ngừng và do dự, đến khi quay lại thì chỉ còn ta với cô đơn.
Ngay cả khi có một người thích hợp ở bên cạnh mình. Ta lại làm khổ nhau vì những dục vọng chiếm hữu, vì ích kỷ bản thân, nhân danh tình cảm, nhân danh mối quan hệ mà ràng buộc, tổn thương nhau, để rồi đến cuối thì cô đơn vẫn là kẻ được lợi sau cùng.
Ta đâu có chọn cô đơn. Nhưng khi những người xung quanh dù có yêu thương và quý trọng ta thì cô đơn vẫn luôn ở đó. Chính vì yêu thương ta nên họ quá nhạy cảm với mọi biến động trong cảm xúc và suy nghĩ của ta, có những điều ta không thể nói ra vì sẽ gây hiểu lầm, khiến họ lo lắng, những tổn thương của ta cũng khiến họ đau đớn nhiều hơn thực tế ta phải chịu. Vậy là ta lại giữ lại cho riêng mình, hình thành một khoảng không mà trong đó chỉ có cô đơn và những niềm đau hay thậm chí niềm vui không thể nói.
Ta đâu có chọn cô đơn. Nhưng mạng xã hội, youtube, games và muôn vàn thứ khác với những màu sắc khác nhau luôn chờ đón để được ấp ôm tâm hồn lạc lõng của ta, để ta chìm vào trong thế giới của chúng mà quên đi thực tại, quên rằng mình cô đơn.. dù mỗi khi tỉnh ra thì càng cô đơn nhiều hơn trước.. càng về sau càng khó bước ra hơn.
Người ta không ai muốn chọn cô đơn, nhưng mọi người đều chọn cô đơn, vì nó là một thứ giải pháp an toàn, hơn là phải mạo hiểm kết nối với một người nào đó để chịu phán xét, lừa dối, phản bội hay để tổn thương nhau.
Người ta không muốn cô đơn, nên họ mang theo cô đơn đi tìm người san sẻ, và người khác cũng mang nỗi cô đơn của họ, đổ qua rồi đổ lại, rốt cuộc cả hai vẫn cô đơn.
Người ta luôn đi cùng với cô đơn nhưng lại không mấy ai chịu hiểu và làm bạn với cô đơn cả. Người ta luôn ở cạnh cô đơn nhưng lại luôn tìm ngoảnh mặt quay lưng với nó. Anh tin rằng nếu ta hiểu và có thái độ đúng với cô đơn, ít nhất cô đơn cũng không quá tệ.
Nếu một ngày em cảm thấy cô đơn, đừng chạy trốn cũng đừng tìm người chia bớt, hay ngồi im đó, nhìn nó mỉm cười.
Vì chúng ta ai mà chẳng cô đơn.
26.10.2019
Hôm trước, trong bài số 32 anh viết về porn, có một người bạn đã tham gia bình luận về vấn đề tự do và cách nhìn của xã hội đối với tình dục. Bạn cho rằng tình dục là bản năng và cần được tôn trọng chứ không phải cảm thấy ghê gớm hay né tránh. Anh đồng ý với điều đó, anh cũng cho rằng tình dục nên được xem như một nhu cầu, như hít thở, ăn uống, không nên quá xem nhẹ cũng không cần xem nặng nó như hiện tại. Tuy nhiên bài đó là anh nói về porn chứ không phải tình dục. Quan trọng hơn là khi nói về bản năng, anh cho rằng đa phần những thứ thuộc về bản năng thì càng nên kiểm soát, điều tiết để có thân tâm tốt đẹp hơn chứ không phải thứ gì thuộc về bản năng đều cần phát huy cả.
34_tieu chuan kep
Bạo lực cũng là một hành vi bản năng của con người. Rất nhiều người xem việc đồng loại bị chà đạp là niềm vui, tuy nhiên họ không muốn thừa nhận điều đó, thế nên thường thì họ chỉ hưởng thụ niềm vui khi một đồng loại bị gán cho cái tội ác nào đó, rồi bị đánh đập, nhục mạ… khi đó họ sẽ rất nhiệt tình tham gia. Trong bài này anh chỉ bàn một phần nhỏ của nhân tính là sự bạo lực thuộc về bản năng.

Tiêu chuẩn kép là gì? Nó đơn giản là cùng một dạng hành vi, nhưng nhóm người này làm thì đúng, nhóm người khác làm thì sai.

Cách đây ít lâu, có một vụ người đàn ông đánh con khi say rượu, video clip được đăng lên mạng kèm theo lời lẽ kích động, thế là mấy chục ngàn người share, không quên chửi rủa, kêu gọi tấn công người kia. Và họ làm thật. Mấy chục người kéo đến lùng sục, cắt ổ khóa vào nơi người kia trốn, bắt ra và đấm đá, tát vào người kia, cho rằng như vậy là công bằng cho đứa trẻ. Cuối cùng vỡ lẽ ra là clip đó đã có từ 2 năm trước. Người ta cho rằng lấy cái ác trả cho cái ác là không ác. Đó là tiêu chuẩn kép.
Hay như các vụ đánh ghen rồi quay clip tung lên mạng. Bao nhiêu share, bao nhiêu comment đều là những lời chửi rủa cay nghiệt, đến từ những người không chút liên quan. Rõ ràng người ta đang hưởng thụ việc làm ác tâm mà bình thường họ không thể làm. Nếu em từng tham gia đánh, chửi người như vậy, thử nhớ lại cảm giác lúc đó của em xem thế nào? Đúng là có tức giận, nhưng có hưng phấn không?
Những điều như vậy ngày nay quá nhiều, không nói hết và anh cũng chẳng thèm nói, nếu như không có sự kiện hôm nay. VTV3 quảng cáo một bộ phim truyền hình mà họ đang chiếu bằng một cảnh nhân vật nam đánh nhân vật nữ, chồng đánh vợ. Điều đó dù phản cảm đối với anh, nhưng nó là một phần của phim thì cũng đành chịu. Đàng này người đăng bài vì muốn tăng độ kích thích cho khán giả, đã thêm nội dung như vầy:
vtv
“Lúc Trà mới có bầu: Con nào anh cũng yêu. Lúc phát hiện cái thai là con gái: Anh đánh Trà không trượt phát nào... Đáng lắm, Trà Thái ạ! Xem Thái đánh Trà nó hả hê quá các bạn ạ!”
Nếu đây không phải là một kênh truyền hình quốc gia mà là một fanpage rác rưởi câu view nào khác thì anh cũng chẳng nói đâu. Nội dung bên trên, nếu chỉ đăng hai câu đầu thôi cũng đã thấy kích động rồi. Lại còn “đáng lắm” “hả hê”?? Đó là cái tâm thái gì? Đây không phải là biến kênh truyền hình quốc gia thành nơi cổ vũ bạo lực gia đình à?
Đấy chính là tiêu chuẩn kép đó em. Thấy một người đánh người khác, hay là đánh con chó, con mèo thôi là không thiếu người vào mắng chửi, nguyền rủa.. Và một người khác đánh một người khác nữa thì lại không thiếu người vào “đáng lắm” “hả hê”. Tập hợp người giao của hai tập hợp trên, tức là có người A nào đó vừa nguyền rủa bạo lực, vừa hả hê với bạo lực, đó là tiêu chuẩn kép. Còn chỉ nguyền rủa hoặc chỉ hả hê thì không gọi là tiêu chuẩn kép.

Có đôi khi tiêu chuẩn kép lại là người khác làm không đúng còn mình làm thì đúng. Kêu người khác không nói dối, không tà dâm, không sát sinh còn mình thì làm đủ cả…

Trong “Trại súc vật” của George Orwell có một đoạn trào phúng: ban đầu thì các loài viết rằng “tất cả động vật đều bình đẳng”, sau đó khi có một nhóm lãnh đạo xấu xa lên cầm quyền, chúng viết thêm rằng “nhưng có một số loài bình đẳng hơn các loài khác”
Animal_farm
Sống ở đời nên không ngừng soi xét bản thân để tránh những tiêu chuẩn kép và để nhận ra bản chất của những hành vi ứng xử của mình, từ đó xây dựng nên một thế giới quan của riêng mình và nếu có những quy tắc, quan điểm thì cố gắng áp dụng cho tất cả mọi đối tượng chứ không phải chỉ một vài đối tượng cụ thể nào đó, vì làm vậy sẽ dễ vướng vào tình huống “tiêu chuẩn kép”.
Như trên đã nói: bạo lực là một đặc tính cơ bản của nhân tính, nên việc người ta “hả hê” khi nhìn thấy bạo lực (được gắn một vài lý do để trở nên hợp lệ - dù không hợp pháp) cũng là điều “bình thường”, hàng chục ngàn người đều như vậy. Không trách họ. Nhưng nếu đó là một kênh truyền hình quốc gia thì lại rất đáng trách. Vì nhiều người sẽ xem đó là điều đúng đắn, rồi sau khi “hả hê” xong người ta sẽ ghi nhớ đó và có dịp thực hành theo, hoặc là ủng hộ reo hò khi thấy các trường hợp tương tự..
Chúc Jesus từng ngăn cản đám đông ném đá một người phụ nữ bằng câu “ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi”. Khi đó, với quyền năng của Chúa, mọi người đều tự nhìn lại mình và không ném đá nữa. Nhưng ngày nay với mạng xã hội, mỗi người đều có là chắn an toàn, có đám đông để ẩn núp, và có cả những lời kích động “hả hê”, thì việc ném đá như một trò tiêu khiển vô hại vậy.
Mà thôi, mình không quản được, cũng đừng quản đám đông. Ở đây anh chỉ nói chuyện giữa anh và em, mỗi người hãy cố gắng sống tốt phần mình, đừng oán giận khi thế giới này thật xấu xa. Mình cứ làm tốt việc của mình để không ai phải phiền giận, để có những năng lượng tích cực tỏa ra xung quanh, nhỏ thôi cũng được. Hãy nhận ra những thứ tiêu cực thuộc về bản năng – như bạo lực để tiết chế và biết tốt, biết xấu. Càng nhiều người tự soi xét và hoàn thiện bản thân thì thế giới càng tốt đẹp, chứ không ai đứng ra cứu ai khác được đâu.
25.10.2019
Trong “Suối nguồn”, Ayn Rand viết “Muốn nói “tôi yêu em/anh”, thì trước hết phải nói được chữ “Tôi””, nghĩa là phải hiểu rõ chính mình, rồi sau đó nhận đúng được tình cảm của mình dành cho người kia thì câu nói đó mới thật sự có ý nghĩa.
Tất cả những nhà triết học, huyền học, thần học từng xuất hiện trên đời đều có nhiều suy tư và giảng giải xung quanh câu hỏi “ta là ai?”, điều đó cho thấy sự quan trọng của bản thân câu hỏi này, nó như một chiếc chìa khóa mở ra một bí mật to lớn của vũ trụ dành riêng cho mỗi người, và cũng vì vậy mà khiến cho bản thân câu hỏi đó có vẻ khó khăn và xa vời với nhiều người hơn nữa.
33_TIm ra hay tao ra chinh min
Nếu một người xa lại hỏi ta “Anh/chị là ai?” thì câu hỏi đó dường như không mang thiện ý, có ý nghi ngờ, chất vấn. Có thể họ là một người bảo vệ, quản lý một tòa nhà, cửa tiệm nào đó muốn ta xuất trình chứng minh thư?
Còn nếu ta tự hỏi mình “tôi là ai?” thì có vẻ ngớ ngẩn, chẳng ai làm thế xung quanh đây cả. Hay ta hỏi bạn bè mình “Mày biết tao là ai không?”, có thể nó sẽ tưởng ta bị sốt, hoặc bị người ngoài hành tinh chiếm thân thể rồi. Không tính đến trường hợp quan chức nào đó đi ra đường va chạm với người khác, bị công an tóm thì quát lên “chúng mày biết tao là ai không?”.

Khi ta được mời giới thiệu về bản thân, ta sẽ nói gì?

Tôi là B? Đó là tên tôi. Tôi là dân Trà Vinh? Đó là quê quán. Tôi là người Việt Nam? Đó là quốc tịch. Tôi là giám đốc công ty X? Đó là chức danh. Tôi là… tất cả mọi thứ mà ta có thể gắn vào phía sau đó đều là các thuộc tính mà xã hội này gắn lên cái “tôi” của ta. Đáp án cuối cùng chỉ có thể là “tôi là tôi”.

Ý nghĩa của câu trả lời “tôi là tôi” là gì? Chính là câu hỏi đó chỉ cần tự mình trả lời với chính mình, không phải là thứ để mình mang ra nói với người khác, giới thiệu với người khác.

Đức Phật nói việc nhận ra chính mình chính là quá trình đi từ ngoài vào trong, lột bỏ từng lớp vỏ - nhận ra những thứ không phải là ta – để rồi đến cuối cùng nhận ra ta. Đó đã là một hình dung rất đơn giản và rõ ràng, nhưng thực hiện nó thì không dễ và mất nhiều thời gian, bởi vì những thứ “không phải ta” quá nhiều, và hướng vào bên trong là một quá trình không dễ chịu khi thế giới bên ngoài quá hấp dẫn và náo nhiệt.
Ngày nay có một câu nói vô cùng nổi tiếng được cho là của George Bernard Shaw “Cuộc sống này không phải là hành trình tìm ra chính mình, mà là để tạo ra chính mình” (Life isn't about finding yourself. Life is about creating yourself). Nghe có vẻ có lý và đầy tính truyền động lực, nhưng sai bét. Anh sẽ không nói nước đôi ở đây, khẳng định: câu này sai bét.
Câu này khiến người ta rất dễ hình dung rằng để trả lời câu hỏi “Tôi là ai?” chỉ đơn giản là tìm một hoặc nhiều định nghĩa nào đó gắn lên người mình, càng hào nhoáng và đúng ý mình thì càng tốt. Tôi là tiến sĩ chuyên ngành khoa học, tôi đã có rất nhiều công trình góp phần lớn vào phát triển công nghệ của nước nhà, tôi mở ra tập đoàn Y, tôi chạy bộ 5km mỗi ngày, tôi sống giản dị bla bla bla.. Hoặc tôi là nghệ sĩ Z, tôi bất cần đời, những tác phẩm của tôi luôn được giới nghệ thuật tôn vinh, tôi có nhiều bằng hữu khắp nơi trên thế giới..
Tất cả những thứ đó rõ ràng đều là các lớp vỏ bọc, chỉ đang gia cố bên ngoài, chúng chỉ là những phần tự giới thiệu đẹp hơn mà thôi. Ngược lại chúng càng cản trở quá trình đi vào bên trong để tiếp xúc với cái tôi thật sự, cái tôi mà chỉ có riêng bản thân mình cần phải nhận ra.

Đức Phật khuyên ta bỏ đi các định nghĩa không phải là ta để tìm thấy ta, các danh nhân ngày nay lại khuyên ta đi làm ngược lại. Vì sao lại có sự khác biệt này?

Tại sao các tập đoàn lớn lại thuê các chuyên gia về làm “Team building”, mở các hội thảo, tập huấn nâng cao tinh thần làm việc? Đơn giản vì họ muốn người lao động làm nhiều hơn, cống hiến cho họ nhiều hơn.
Còn gì cao đẹp và quý trọng hơn việc “tìm ra chính mình” mà lại không phải quá khó khăn khi lột bỏ từng lớp vỏ để đi vào bên trong, mà chỉ việc chạy theo các phù hiệu bên ngoài, những thứ sẽ được người khác hướng dẫn cho ta từng bước đạt tới – với một mức phí nào đó. Nếu ta làm theo những lời khuyên đó, càng lúc sẽ càng rời xa chính mình hơn. Và thật ra họ cũng không mong những người nghe theo lời khuyên đó sẽ thành công đi đến cuối cùng, đa số sẽ thất bại, và những thành quả tạo ra trên con đường đó sẽ được họ tận dụng, đó chính là điều họ mong muốn.
Nếu có một ngày ta nghe theo lời khuyên “tạo ra chính mình” đó mà đạt đến tất cả những dự định ban đầu, ta sẽ nhận ra mọi thứ thật vô vị. Mục tiêu tiếp theo là gì? Khi còn có mục tiêu tiếp theo nghĩa là ta vẫn chưa thật sự “tạo ra” được chính mình. Cứ thế cho đến chết.
Ngược lại, nếu ta không mãi chạy theo những thứ nhãn hiệu bên ngoài, mà cho mình một chút không gian yên tĩnh mỗi ngày, ngồi xuống và im lặng tiếp xúc với chính mình để trả lời câu hỏi “tôi là ai?” thì mọi chuyện cũng không phức tạp như ta tưởng tượng.
Khi ngồi im xuống, không làm gì ngoài thở, tâm trí ta dần lắng đọng, ta nhận ra có rất nhiều luồng suy nghĩ khác nhau xuất hiện, duy trì, rồi biến mất trong đầu mình. Chúng như những sợi tơ ánh sáng từ không trung xa xôi nào đó, chợt lóe lên, sáng rực rồi lụi tàn. Nếu ta chạy theo chúng, nhập vào một ý nghĩ nào đó, ta sẽ nghĩ mình và nó là một.
Nếu có một ý niệm về một người nào đó hiện ra, ta nhập vào đó, thế là “ta nhớ người đó”. Có một ý tưởng thú vị về một dự định có thể thực hiện, ta nhập vào đó, thế là “ta lên kế hoạch trong đầu”. Có một sự tức giận xuất hiện, ta nhập vào đó, thế là “ta tức giận”..

Cái tôi thật sự, đơn giản là cái đang đứng đó nhìn những ý nghĩ và hình ảnh hiện lên kia.

Trong cuộc sống hàng ngày, do ta không lắng đọng tâm hồn, ta cứ chạy theo hết suy nghĩ này đến suy nghĩ khác, không ngừng nhập vào các suy nghĩ, cảm xúc và đồng hóa “ta” với chúng, nên ta không nhận ra chính mình, ta nghĩ câu hỏi “ta là ai” là một điều siêu nhiên. Thật ra ta vẫn luôn ở đó, chỉ chờ ta nhận ra.
Nếu ta dành nhiều thời gian hơn để trải nghiệm điều này, ta sẽ càng thân thuộc với ta hơn, khi đó gọi là “ta tìm thấy ta” vậy.
Khi đã tìm thấy chính mình, ta sẽ biết mình muốn làm gì trong cuộc đời này, và khi đó ta vẫn sẽ đi đến các mục tiêu cụ thể, lập ra các kế hoạch và đạt đến những thành tựu trong cuộc đời như người khác vậy thôi.
Bên ngoài vẫn giống như vậy nhưng bên trong đã khác. Khi ta đi đến điều mình thật sự mong muốn, thì kết quả có đạt được hay không cũng không quan trọng nữa. Nhận ra chính mình đã là một điều tuyệt vời, biết mình đang đi đến điều mình muốn càng tuyệt vời hơn nữa. Đó chính là minh họa tốt nhất cho câu nói “hạnh phúc không phải là đích đến, mà là cuộc hành trình”.
Nếu ta không nhận ra mình mà chỉ theo đuổi các nhãn hiệu bên ngoài, hi vọng là có thể “tạo ra chính mình”, rõ ràng là ta đang nhắm đến “đích đến”, cuộc hành trình của ta sẽ chẳng có hạnh phúc nào, ngay cả ở đích đến cũng vậy, không có hạnh phúc nào.
Mỗi ngày em hãy dành cho mình một chút quan tâm, một chút thời gian, một chút kiên nhẫn để nhận ra chính mình. Thế giới sẽ khác đi nhiều lắm.
24.10.2019
Mấy ngày gần đây anh share nhạc của Đen, có người hỏi anh cũng nghe rap à, rồi anh share clip của 1977 Vlogs, có bạn cũng hỏi anh xem cái này luôn hả… Anh trả lời rằng cái gì anh cũng xem qua, thế là bạn đó hỏi ngay rằng “Vậy còn porn thì sao?” Em nghĩ sao?
Đầu tiên nói một chút về định nghĩa. Dạo trước có chỗ nào đó thống kê rằng Việt Nam là một trong vài quốc gia tìm kiếm về “sex” cao nhất thế giới. Và một vài người cười chê rằng dân Việt “nhà quê” vì sex không phải là từ khóa chính xác cho thể loại phim mà họ tìm, dân tây họ tìm “porn” chứ không phải “sex”. Điều này đúng, sex là tình dục, sexy là gợi cảm theo nghĩa “trong sáng”, còn porn là phim kích dục, theo từ điển thì là phim khiêu dâm, nhưng anh nghĩ chữ kích dục sẽ trực tiếp và rõ ràng hơn. Anh không nói thêm về định nghĩa hay các thể loại, trong bài này sẽ dùng chung từ porn cho tất cả các thể loại phim kích dục nhẹ hay nặng.
Trong tiếng Anh có thành ngữ "Curiosity killed the cat", con mèo chết vì sự tò mò. Và sự tò mò của con người còn nhiều hơn con mèo rất nhiều, nhưng ít người chết vì tò mò, mà là sống không bằng chết. Dính vào những thứ gây nghiện chính là cái chết dành cho những kẻ tò mò. Điều thứ hai mà anh muốn nói ở đây chính là nếu em chưa từng xem, thì đừng thử.
Với sự phổ biến của internet và điện thoại thông minh hiện nay, việc tiếp xúc với porn là vô cùng dễ dàng đối với mọi lứa tuổi. Cùng với sự tiếp sức nhiệt tình từ các thể loại truyện tranh, truyện ngắn 16+, 18+, cảnh nóng trên phim truyện và cả phim truyền hình… sự tò mò của những người chưa từng xem porn không ngừng nâng cao thì việc xem qua một hoặc vài lần là gần như không tránh khỏi.
Thời anh còn nhỏ, chưa có internet, porn chỉ là các tập phim được ghi vào băng nhựa, thường được các quán café lén chiếu trên đầu chiếu video, và đó là phạm pháp, sẽ bị phạt tiền. Anh nhớ lần đầu tiên xem porn là lúc 8-9 tuổi gì đó, lúc đó lâu lâu mới có chỗ chiếu phim để tập trung lại xem, già trẻ lớn bé. Người chiếu phim là một người chú trong cơ quan gần đó, anh không nhớ gì về bộ phim đó bằng hình ảnh “ông chú” vừa xem còn bình luận “không biết mỗi lần vậy là nó sướng hay đau”.
32_Ve Porn

Gần đây có vụ một thầy giáo u50 – u60 gì đó của một trường đại học, trong giờ ra chơi ngồi xem ảnh bikini mà quên tắt máy chiếu, sinh viên quay lại và chia sẻ ầm ầm. Em nghĩ nếu lúc đó thầy xem porn thì thế nào?
Sẽ thật khó chấp nhận, hoặc là một cú sốc với ta nếu ta vô tình biết một người mà ta kính trọng xem porn, đúng không? Thế nhưng thực tế là mọi người đều xem cả. Như vậy vấn đề không phải là có xem hay không, mà là nhìn lại xem porn có tác động như thế nào với ta trước, trong và sau khi xem, và trả lời câu hỏi có nên ngừng xem porn hay không.
Thường thì anh không muốn nói về những điều mình không thích, hoặc những điều quá khó tin, hoặc là điều mình cho là có hại, bởi vì khi nói ra có thể sẽ phản tác dụng, người khác sẽ không tin hoặc là họ sẽ tìm hiểu theo chiều hướng ngược với mong muốn của mình. Khi mình muốn giúp một người, nhưng lời nói của mình chưa đủ uy tín, chưa rõ ràng, ngược lại thành hại người. Anh rất xem trọng “phước” và “nghiệp” do những gì mình nói mang lại. Đó là lý do vì sao trước đây anh không nói về porn. Hôm nay anh thấy cần phải hi sinh một chút rủi ro để nói về chuyện này một cách cơ bản và rõ ràng nhất có thể.
Porn là một ngành “công nghiệp” tỷ đô, và hầu như ai ai cũng xem, hoặc nhiều hoặc ít, nên có rất ít người nói về mặt trái của nó, nếu có thì cũng chẳng ai quan tâm. Người ta vẫn bảo là porn giúp giảm căng thẳng, giải trí, thậm chí có người còn bảo porn giúp giảm xâm hại tình dục. Nhưng có thật vậy chăng?

Porn là phim kích dục, xem nó chỉ có một tác dụng chính là kích thích ham muốn tình dục trong người, và khi ham muốn thì phải giải tỏa, nên kéo theo porn, nhẹ nhất là thủ dâm.

Thời chưa có internet, truyền thông là báo chí và radio đã từng cố gắng ngăn những người trẻ tiếp xúc với porn và thủ dâm bằng những thông tin lệch lạc, mang tính đe dọa rằng thủ dâm sẽ gây vô sinh, liệt dương… Lúc đó có một số bác sĩ nổi tiếng cũng đã công nhận như vậy. Sau này thì chẳng ai nói thế nữa, khoa học không phải lúc nào cũng đúng. Tất nhiên ở đây chỉ đang bàn về porn, không nói về thủ dâm, nhưng hễ xem porn thì nhẹ nhất là thủ dâm.
Còn nặng hơn thì sao? Anh vẫn hay nói về “hạt giống bạo lực” khi người ta share những vụ bạo hành trên mạng xã hội, ở đây cũng giống như vậy. Porn cũng là một dạng hạt giống sẽ ký sinh vào trong tâm hồn của mỗi người và nảy nở. Khi dục vọng quá nặng và nhiều hình ảnh ám thị trong đầu, thủ dâm là không đủ, mại dâm cũng không, người ta sẽ có khuynh hướng thực hành theo những điều tưởng tượng mà họ thấy trên phim.
Có đợt anh xem một loạt các bài báo về xâm hại tình dục, hiếp dâm trên các báo lớn, anh nhận thấy hành vi của các hung thủ này đều mô phỏng theo các dạng phim porn, có tên còn ngây ngô đến mức không biết là mình phạm tội.
Thường thì người ta vẫn nghĩ mình có khả năng làm chủ, kiểm soát ham muốn, và xem porn hay thủ dâm giúp mình tự thỏa mãn, nhưng tất cả những điều đó chỉ đúng khi tinh thần còn đủ vững vàng và trong hoàn cảnh bình thường nhất, đó là những hạt giống mà nếu không ngừng tăng lên và tưới tẩm cho nó, thì sẽ đến lúc mất kiểm soát mà mình không lường trước được.
Có một tên tội phạm ngang nhiên đi vào trường tiểu học và ôm hôn các em học sinh, hay như vụ “Linh nựng” – một người có học thức và làm quan chức đến lúc về hưu vẫn “sa chân”. Họ xem porn nhiều quá đó.
Về vấn đề xem hay không xem porn, video clip đầu tiên mà anh xem tên là “Why I stopped watching porn” – lý do khiến tôi ngừng xem porn của Ran Gavrieli trên TEDx. Theo Ran, có hai lý do chính khiến anh ấy ngừng xem porn, đầu tiên chính là “Porn đem quá nhiều bạo lực và sự nóng giận vào trong trí tưởng tượng cá nhân tôi”. Như đã nói thì porn là một ngành “công nghiệp” tỷ đô, và muốn tăng thêm thu nhập, tăng lượng khách hàng, đa dạng hóa sản phẩm, thì họ phải nghĩ ra đủ trò. Porn không phải chỉ là tình dục, mà nó là sự kích dục theo nhiều cách khác nhau. Trong đó, theo Ran, thì là sự thống trị của đàn ông đối với phụ nữ (có những thể loại phim làm theo hướng ngược lại dành cho phụ nữ xem).. nói chung trong porn có những thứ vốn không có sẵn trong trí tưởng tượng của người bình thường.
Có thể Ran là một người nhạy cảm, rất dễ ám ảnh, nhớ dai và tưởng tượng nhiều về những thứ mình đã xem. Nếu em là người nhạy cảm, đừng xem porn. Điều này thì anh rất đồng cảm, vì anh cũng là người dễ tưởng tượng và ghi nhớ rất lâu. Anh vẫn thường nói mình không xem phim ma, vì xem 1 mà tưởng tượng 10. Anh chưa bao giờ nói mình không xem porn, vì nói chả ai tin.
Lý do thứ hai của Ran là anh ta nhận ra xem porn chính là đang ủng hộ cho việc sản xuất một thể loại mà Ran gọi là “phim mại dâm”. Ran từng làm tình nguyện viên giúp đỡ phụ nữ và cả đàn ông là nạn nhân của việc buôn người, từng đến hiện trường của những cảnh làm phim porn và thấy được để sản xuất ra những bộ phim đó thì những diễn viên phải thực hiện các động tác “vô lý” ra sao…
Một ví dụ minh họa mà Ran đưa ra là sau khi 20 phút xem các video ca nhạc khiến anh ấn tượng và hào hứng, thì một đoạn thời gian sau đó anh có hứng thú với việc ca hát, nghĩ mình giống như một ca sĩ nào đó, dù bản thân không hề có năng khiếu hay chưa từng có mơ ước trở thành ca sĩ, nhạc sĩ nào. Điều này chính là sự ám ảnh, là hạt giống gieo vào tâm hồn, cũng đúng với porn.
Đó là với những người nhạy cảm như Ran, còn người bình thường, ai ai cũng nghĩ xem một chút thì không sao cả, nhưng những hạt giống vẫn đang xâm nhập tâm hồn họ và mọi người đều đang cố kiềm nén, cố giữ mình ứng xử theo chuẩn mực xã hội… rồi khi không thể kiềm giữ hoặc trong hoàn cảnh không có luật lệ hay đạo đức nào ước thúc thì sao?
Hơn nữa, xem porn có thật sự giải quyết được vấn đề gì không, hay chỉ mang thêm càng nhiều vấn đề? Porn là một loại nước muối gây nghiện, chỉ càng uống càng khát mà thôi.
Cảm giác của một người thủ dâm là gì? Đầu tiên là ham muốn (điều này porn sẽ đóng vai trò kích thích, tăng cường), sau đó là thực hành, rồi thỏa mãn trong vài giây, rồi hụt hẫng, cảm thấy tội lỗi và tự nhủ mình sẽ không bao giờ làm vậy nữa.
Nhưng sau đó ít lâu, khi ham muốn nổi lên, người ta lại xem porn (hoặc xem porn như một thói quen để cho ham muốn nổi lên).. rồi lại lặp lại chuỗi tiếc nuối đó.

Cảm giác tội lỗi và hụt hẫng đó không bao giờ mất đi, nhưng porn và cơn nghiện khiến người ta không thể dừng lại.

Về điều này, có một nhóm người trên mạng lập nên các nhóm gọi là “no FAP” (không thủ dâm), người ta nghiên cứu được những lợi ích khi chuyển hóa năng lượng của sự ham muốn tính dục thành một loại năng lượng khác nếu một người ngưng thủ dâm trong thời gian dài. Anh không rõ lắm về nhóm này, chỉ biết là có những người như vậy tồn tại.

Tóm lại, theo anh thì porn là một loại ám ảnh có hại cho trí tưởng tượng và các hoạt động bình thường khác của tâm trí, là một loại hạt giống xấu cho tâm hồn. Porn là một loại nước muối gây nghiện, càng uống càng khát. Nếu ngừng được thì sẽ có nhiều mặt tốt. Và ai chưa xem thì đừng nên thử.

Em hãy bỏ đi ý nghĩ kiểu “người ta ai cũng vậy mà”, “là người chứ có phải thánh đâu”… Ừ người ta ai cũng vậy nên ai cũng khổ. Con đường thoát ra khổ ải lúc nào cũng sẵn đó, đi hay không tùy em thôi. Đừng nghĩ những gì mình chưa thấy là không tồn tại, những gì khác với đám đông là không đúng, nghen em.
23.10.2019