Trong Tam Quốc Chí, Tuân Úc nhận xét về Tào Tháo rằng: “Chúa công là người biết sai, sửa sai nhưng không bao giờ nhận sai.” Đó là một phong cách của người lãnh đạo thời xưa. Vua thì không được phép nhận sai, đó là một việc rất mất mặt đến nỗi có người ở vị trí cao nào đó nhận sai và xin lỗi thì người ta sẽ xem đó như một kỳ quan và ca ngợi hết lời?!
Việc nhất định không chịu nhận sai nhìn qua đã thấy mắc cười, mà đó là hồi xưa thôi, bây giờ người ta lại làm ngược lại: họ nhận sai như một phép xã giao. Họ nói “xin lỗi” như một lời mở đầu lịch sự hoặc là một phản xạ tự nhiên. Và chính vì xin lỗi như một phản xạ như vậy, người ta chẳng còn để tâm vào lời xin lỗi đó, họ xin lỗi mà không hề biết lỗi và tất nhiên chẳng bao giờ sửa lỗi.
Mặt khác, vẫn còn nhiều trường hợp người ta không bao giờ chịu nhận lỗi về mình. Khi có việc gì đó không hay xảy ra, những vấn đề xung quanh họ hoặc xảy ra với họ thì họ là người cuối cùng trên thế giới này có lỗi. Những người này không biết lỗi, không xin lỗi, càng không sửa lỗi.
Những tiệm tạp hóa ở quê hay trong một khu dân cư có thu nhập thấp thường sẽ phải cho khách hàng thiếu nợ khá nhiều. Có một hiện tượng là khi một người mua thiếu ở một tiệm nào đó được vài lần mà chưa trả (có thể chưa có tiền hoặc họ chưa muốn trả), thì họ sẽ đi sang tiệm khác để mua.
Tương tự như vậy, có những người biết là họ có lỗi, họ cũng thành thật nhận lỗi và xin lỗi. Và khi lỗi lầm đó tái diễn lại một lần, hai lần.. thì cũng giống như những người mua thiếu ở trên, họ sẽ dần lãng tránh người mà họ đã gây ra lỗi lầm kia.
Các trường hợp kể trên là những cách ứng xử khác nhau của một người đối với lỗi lầm của họ. Tất cả đều có điểm không ổn, và khá nhất là cách làm của ông Tào Tháo kia, vì ít nhất là ổng biết lỗi và sửa lỗi.
Đừng bao giờ xin lỗi nếu đó không phải lỗi của mình. Đừng xin lỗi như một phép xã giao, xin lỗi để giữ hòa khí hay xin lỗi cho vui vì việc đó sẽ làm cho lời xin lỗi của mình trở nên vô giá trị và dần dần mình chẳng còn biết xin lỗi như thế nào là đúng nữa. Không biết xin lỗi thì sẽ dẫn đến không biết lỗi, điều đó sẽ khiến mình phạm nhiều lỗi hoặc một lỗi nhiều lần. Chuyện này rõ là không tốt cho bản thân và những người xung quanh mình vậy.
98_biet loi xin loi sua loi
Để nói được lời xin lỗi nghiêm túc và đúng mực thì trước hết cần phải biết lỗi. Biết lỗi là biết rõ nguyên nhân, hậu quả của những thái độ, hành động của mình gây ra tác động như thế nào hoặc gây hại cho ai. Mỗi khi có một biểu hiện xấu nào đó thì mình cần nhìn nhận lại sự việc đã qua để tìm lỗi của bản thân mình. Đó là quá trình nhìn nhận để “biết lỗi”. Nếu có lỗi thì xin lỗi, không thì thôi.
Nếu có lỗi thì nên nói xin lỗi. Nếu ngại thì có thể nói ngắn gọn hai từ “xin lỗi” là được rồi, nhưng quan trọng là phải thật sự nghiêm túc và chân thành. Và hơn hết là phải biết không phải lời xin lỗi đó là sự đền bù sau chót cho người bị mình gây lỗi. Nhiều người có phản ứng kiểu “tôi đã xin lỗi rồi, còn muốn gì nữa chứ”.
Tất nhiên là muốn sửa lỗi. Nếu mình làm hư đồ đạc của người khác, thì trước hết phải xin lỗi, sau đó là phải đền. Dù vật đó có giá trị như thế nào đi nữa. Có thể đối với mình nó không giá trị gì, và đối với người đó cũng như vậy, nhưng vẫn phải có thái độ sẵn sàng đền bù lại cho người ta vì đó là lỗi của mình. Họ có cần hay không thì tính sau. Nếu lỗi lầm không phải là tổn hại về vật chất mà là tổn thương về tinh thần thì có thể nghĩ cách khác để bù đắp lại, mà hay nhất là đừng bao giờ phạm lại lỗi lầm đó một lần nào nữa.

Sửa lỗi mới là lời xin lỗi chân thành và thiết thực nhất.

Mọi lỗi lầm đều là những chuyện đã xảy ra rồi, qua rồi, không thể quay lại được. Theo nghĩa này thì có xin lỗi hay không cũng vậy thôi. Lời xin lỗi không có ý nghĩa nào với quá khứ - với chính bản thân lỗi lầm đó cả, mà ý nghĩa của nó là đối với hiện tại và tương lai. Nó như một biện pháp hóa giải khó xử giữa hai người: “hung thủ” và “người bị hại”. Lời xin lỗi chữa trị kết nối của hai người với nhau. Đó là giá trị đối với hiện tại. Còn tương lai là khi đã kết nối rồi thì việc sửa lỗi, đền bù ngoài việc khiến cho người bị hại thấy tốt hơn còn có lợi cho “hung thủ” khi ở tương lai họ sẽ không ray rứt khó chịu nữa, không phải tránh mặt người khác vì cảm giác có lỗi nữa.
Buồn cười là khi người ta nghĩ rằng mình quá thân nhau rồi nên không cần xin lỗi, không biết phải xin lỗi thế nào, nhưng họ vẫn thấy có lỗi, và thế là dần dần tránh mặt nhau. Đó đơn giản vì chỉ thấy có lỗi mà không xin lỗi, không sửa lỗi mà thôi.
Đừng một mực phủ định lỗi của mình, mình luôn đúng chỉ có thế giới này là sai. Đừng biết lỗi mà không nhận lỗi. Đừng nhận lỗi một cách qua quít cho xong, nhận lỗi như một lời nói xã giao vô nghĩa. Đừng nhận lỗi như một giải pháp sau cùng cho sai lầm của mình. Quá trình đúng đắn nhất là: biết lỗi – xin lỗi – sửa lỗi.
28.12.2019
Nhân dịp laptop bị xóa sạch dữ liệu, anh lục lại trên máy bàn xem mình còn lưu ebook nhiều không, thấy cũng còn đầy đủ. Dù đa phần quyển sách nào mà anh đọc qua rồi thì sẽ không đọc lại, nhưng cứ để đó lâu lâu lướt qua nhìn tựa cũng vui. Nhiều người thích đọc sách giấy vì cảm giác hay thế nào đó, còn với anh thì ebook là một nhân tố quyết định việc anh có đọc sách hay không. Có một đoạn thời gian hai, ba năm chi đó, mỗi ngày anh chỉ ngồi trước máy tính và làm một việc duy nhất là đọc ebook mà thôi, đọc một cách tập trung chứ không phải mấy phút lại lướt facebook. Lâu rồi không có tập trung để đọc một cuốn nào được giống vậy nữa.
Trong quá trình lục lọi ngắm nghía kể trên, anh lại thấy một cái ebook không có tác giả. Hồi đó người ta có làm các dạng tổng hợp những câu nhỏ nhỏ, bài ngắn ngắn mà hay thành cái ebook rồi đặt tên nào đó như vậy. Ebook này tên là “15 đoản khúc cuộc đời”. Và đây là một bài anh khá ấn tượng trong ebook đó, tên là “8 món quà không tốn tiền mua”.
“Có những món quà mà bạn không cần phải tốn tiền mua. Có những món quà mà bạn luôn muốn được nhận. Có những món quà mà người khác chờ đợi bạn tặng... 1. Lắng nghe: Bạn phải thực sự lắng nghe. Không ngắt lời, không nghĩ ngợi, không góp ý. Chỉ lắng nghe...”
“Chỉ lắng nghe” đơn giản vậy làm sao có thể làm quà tặng cho người khác? Thật ra cũng không đơn giản, vì bản thân mình đã tự hỏi là “ủa lắng nghe không vậy có ý nghĩa gì”, và mình sẽ luôn muốn làm một điều gì đó nữa ngoài lắng nghe thôi. Lắng nghe khó ở chỗ mình phải chủ động trong việc nghe, quan tâm đến nội dung của người nói, có thể hiểu hoặc không nhưng không làm gì khác ngoài nghe thôi. Làm được vậy thì mới là món quà tốt nhất, còn cho lời khuyên hay động viên an ủi gì đó thì hên xui.
“2. Tình yêu: Hãy tỏ ra thân thiện với tất cả mọi người. Hãy để những hành động nhỏ như những cái ôm, bắt tay... biểu lộ tình yêu của bạn với người thân và bạn bè.”
Điều này thì người Tây họ làm tốt hơn người Á Đông. Chủ yếu là do khác biệt về văn hóa và truyền thống. Với người mình thì “tỏ ra thân thiên với tất cả mọi người” sẽ có khả năng cao bị coi là “thảo mai”, “giả tạo” và không ai ưa hết. Dân mình cho rằng những thứ tình cảm được gói càng chặt trong những vòng tròn càng nhỏ thì mới là chân thật. Nhiều khi còn chuyển biến đến mức phải cùng nhau đối chọi lại với người khác thì mới chân chính cảm tình nữa. Người Tây thì họ tự nhiên, nhiệt tình, thoải mái hơn mình ở khoản giao tiếp này. Thử học theo họ xem sao, mà phải chân thành nhé. Điều đó đúng là món quà đó.
“3. Tiếng cười: Hãy chia sẻ những câu chuyện vui, thú vị; điều này có nghĩa là bạn đang muốn nói với họ: "Tôi thích lắm những lúc được cười đùa bên bạn".”
Nụ cười có rất nhiều sức mạnh, nó có thể tiếp sức cho người xung quanh cũng có thể mang lại tác dụng tích cực cho chính bản thân mình. Người thông minh chưa hẳn là hài hước, còn người hài hước thì chắc chắn là phải thông minh. Em hãy thử tập để mình có khiếu hài hước một chút, để mang lại nụ cười cho người khác và cho chính bản thân em.
“4. Viết ra những điều mình nghĩ: Có thể chỉ đơn giản là "Cảm ơn sự giúp đỡ của bạn" hay nhiều dòng hơn thế. Những dòng chữ ngăn ngắn này đôi khi lại làm cho người ta nhớ suốt đời, thậm chí có thể thay đổi cả một con người.”
Viết ra điều mình nghĩ thật sự có tác dụng trong rất nhiều hoàn cảnh khác nhau. Nếu nói thay đổi một con người hay gì đó thì to lớn quá, mà mình cũng không mong thay đổi người khác vì đâu thể biết điều đó là tốt hơn hay xấu đi. Điều mình có thể làm chỉ là cho đi những gì mình nghĩ là tốt đẹp, rồi ai cảm nhận thế nào thì tùy duyên thôi. Quan trọng là nếu có một ai đó nhận được giá trị tốt đẹp từ những gì mình viết ra, mình sẽ thật vui. Đây là một món quà quý cho cả người cho và người nhận.
97_8 mon qua mien phi va y nghia
“5. Lời khen: Những câu nói chân thành như "Hôm nay sao bạn xinh thế!", "Bạn có một công việc thật tốt!" hay "Ôi, món này ngon quá!" có thể làm cho một ngày của ai đó thêm niềm vui.”
Khen đúng là rất khó. Khen một cách chân thành khó khăn vì trước hết phải vượt qua sự đố kỵ của bản thân mình khi thấy người khác có một thứ gì đó tốt đẹp. Sự đố kỵ này là tự nhiên trong bản chất con người, cần phải nhận diện và loại bỏ nó mới có thể khen người ta một cách tự nhiên được. Rồi phải để tâm vào lời khen đó, nói ra một cách chân thật nhất chứ không phải khách sáo xã giao. Mỗi lần cho người khác một lời khen “chất lượng” là một lần tự rèn mình, tự vượt qua mình và cũng tự tặng cho mình một món quà rồi đó.
“6. Giúp đỡ: Mỗi ngày, hãy làm ít nhất một việc gì đó có ích.”
Thấy người khác cần, mình giúp được thì giúp. Còn nếu không tương tác với ai trong ngày thì cũng làm một điều gì đó có ích, cũng có thể là cho bản thân mình, chỉ cần là có ích thì giá trị đó sẽ được lan tỏa.
“7. Một mình: Có những lúc trong cuộc sống bạn muốn được ở một mình. Hãy thông cảm với người khác trong những tình huống tương tự, hãy để họ một mình.”
Có lúc nào em thật sự muốn ở một mình hông? Hay là nhiều lúc trốn ở một góc rồi tự hỏi có ai đang tìm mình không? Ở một mình cũng là một món quà, nhưng rất khó để cho và nhận, vì mình không biết lúc nào mình thật sự cần, và cần trong bao lâu… Dù sao thì nếu có thể cho và nhận món quà này cũng sẽ là điều tuyệt vời, nhưng cần phải thật cẩn thận.
“8. Vui vẻ: Cách dễ dàng nhất để cảm thấy vui vẻ là hãy nói những lời tốt đẹp với mọi người. Thật không quá khó khi nói "Xin chào!" hay "Cảm ơn nhé!".”
Cái này hơi trùng với những thứ kể trên rồi, mà không sao, điều tốt thì lặp lại vài lần cũng tốt.
Em hãy nghĩ về những món quà này và thử trao tặng cho những người xung quanh nhé. Mong em có thể làm điều đó.
27.12.2019
Hôm qua laptop của anh bị hư phần mềm: nó tự cập nhật windows phiên bản mới xong rồi khởi động lại mấy tiếng liền, không áp dụng bản cập nhật được, cũng không trả về bản chưa cập nhật được. Máy cũng không phải yếu, i7 4gb ram, nên lỗi hẳn là do vụ cập nhật kia. Anh search thấy nhiều người cũng bị lỗi tương tự.
Sau khi để nó chạy mấy tiếng, khởi động lại chán chê thì anh quyết định cài lại windows thôi. Chuyện này trước đây thì anh làm thường xuyên lắm, cứ vài tháng là ghost một lần cho nhẹ máy, bỏ mấy con spyware đi. Sau này file ghost của windows ngày càng nặng, lên tới 3-4 GB thì anh bắt đầu lười. Một phần là máy tính cũng được nâng cấp mạnh hơn nên cứ để kệ cho nó chạy, windows cũng tự update các loại phần mềm (nên nếu có ghost lại rồi sau cũng phải chạy update tiếp)… đủ thứ lí do nên mấy năm rồi không cài máy lại.
Lục cái USB hiren boot ra thì không khởi động được, format lại usb đó thì lại báo lỗi, format được rồi thì mất cái file ghost windows trong đó, lại phải chép vào, chép vào xong thì laptop lại không nhận.. Thế là phải quay ra tìm một chương trình boot khác, lại format usb, cài vào, chép file ghost vào. Lần này thì ok, khởi động bằng usb được rồi.
Nhưng mà do lâu quá không cài nên ngáo ngáo chọn restore from disk, chức năng này nó xem ổ cứng trong laptop là một disk (trong khi mình phân ra làm 3, một cái để cài win, 1 cái để lưu văn bản, một cái cài games) thế là chỉ trong mấy phút, windows được ghost xong và mọi dữ liệu trong máy mất sạch. Anh ngồi nhìn cái ổ C được gom lại thành 1 Tb mà cười một hồi.
Trong laptop này vốn là có gần 2000 ebooks, 3Gb tài liệu học tiếng Anh, tất cả những bài báo anh viết, tài liệu nhận dịch trong 2 năm qua và trước đó nữa, hình ảnh, video, các audio books, bài giảng, 200 gbs games, 100 gbs các loại phần mềm, nhạc, phim và hàng ngàn thứ không tên khác. Mất hết rồi.
Mà anh cũng chỉ cười một chút rồi thôi. Vì đây không phải lần mất mát đầu tiên và cũng không phải cái gì quá lớn so với những lần trước.
Rất lâu về trước, thời internet chưa có nhiều thứ như bây giờ, các loại phần mềm, nhạc, games hay rất hiếm, có được món nào là phải lưu lại, chép ra đĩa CD, DVD. Còn hình ảnh kỷ niệm hay các thứ tương tự lưu trong máy thì càng quý hơn, phải chép ra 2 bản. Lúc đó ổ cứng của máy cũng không nhiều, chỉ có 20 Gbs thôi, nên lâu lâu phải dọn lại một lần là vậy. Lưu hết những thứ quý hiếm ra để chứa những gì thường dùng nhất thôi. Lúc đó anh rất cẩn thận và quen tay nên tất cả mọi thứ đều nằm trong tầm kiểm soát. Rồi đến một ngày cái ổ cứng tự nhiên hư. Khởi động không lên nữa. Mọi thứ mất hết. Lúc đó anh hoang mang cả ngày, rồi sau đó tìm mọi cách, liên hệ mọi phương để cứu lại dữ liệu trong đó, rồi cuối cùng chấp nhận là mất thật rồi.
Sau đó anh dành cả ngày để nhớ lại những thứ mình từng lưu trong ổ cứng. Anh nhận ra rằng nhiều thứ mình cho là rất quý trọng, nhưng thường ngày mình chẳng khi nào đụng tới, có khi vài tháng, vài năm cũng không.
Rồi cũng phải mua một cái ổ cứng khác để cài máy tính lại. Nhìn cái ổ cứng mới trống trơn, tự nhiên anh lại thấy nhẹ nhàng hơn một chút. Ở đây cũng sẽ có nhạc, phim, tài liệu, games, phần mềm và những thứ khác. Có những thứ quen thuộc mình sẽ đi tìm lại trên internet để dùng, cũng có cái mình sẽ dùng bản mới. Và tự nhiên lại thấy khoảng trống này cũng thật thoải mái. Mình có thể chỉ lưu những thứ mình hay dùng nhất mà thôi.

Khi chấp nhận rằng những điều đã mất đi không thể nào trở lại, mình có thể bình thản đón nhận hiện tại và nhìn về tương lai.

96_mat mat chai san va binh than
Nếu em không phải là người sống nhiều giờ trên máy tính, dành tâm trí của mình cho những dữ liệu được ghi trong ổ cứng, em sẽ không hiểu được sự mất mát và hụt hẫng này.
Nó cũng giống như chuyện mình có một người yêu. Hai người yêu nhau rất nhiều và trong thời gian rất lâu, đến nỗi mình tưởng như không chuyện gì có thể chia cách nhau được nữa, chỉ còn chờ đám cưới mà thôi. Đến một ngày có một chuyện nhỏ xíu xảy ra, một vết nứt làm vỡ tan tất cả. Một tổ mối trên thân đê. Nước cuốn trôi mọi thứ. Còn mình ngơ ngác đứng đó nhìn tất cả. Trong lúc đó mình không thấy dòng nước, không thấy hiện tại vô tình mà tất cả những gì mình thấy là quá khứ, là những thứ mình từng có trước kia.

Có rất nhiều thứ mình nghĩ là hiện tại mình vẫn có, nhưng thật ra nó chỉ tồn tại trong quá khứ mà thôi.

Hay giống như một cuộc hôn nhân. Có ai kết hôn mà nghĩ mình sẽ li hôn ra sao đâu. Vậy mà anh cũng mất, nhiều khi nghĩ lại cũng còn ngơ ngác, giống như lúc đó là một cuộc đời khác, lúc này là một cuộc đời khác nữa vậy.
Những điều này có thể có ý nghĩa khác nhau với nhiều người khác nhau. Ai quý trọng thứ nào hơn thì họ sẽ tiếc nuối thứ đó nhiều hơn, đau khổ nhiều hơn, hoang mang nhiều hơn, hoặc là trống rỗng lâu hơn một chút. Điểm chung là những gì mất đi không thể nào quay lại, chỉ có chấp nhận, xem mình còn lại gì, và tiếp tục sống thôi.
Ổ cứng bị format rồi thì ta lại chia lại, cài win lại, download các phần mềm cần thiết, tìm quanh xem còn chút kỷ niệm nào lưu dấu chỗ khác không, gom góp lại một chút, đó là tất cả những gì mình có thể làm và nên làm.
Sự khác biệt giữa một cái ổ cứng bị hư, một cuộc tình và một cuộc hôn nhân tan vỡ là gì? Mất mát nào là to lớn nhất, nỗi đau nào lớn nhất đều tùy vào người cảm nhận, tùy vào không gian, thời gian cảm nhận mà thôi.
Dù là gì đi nữa thì chỉ có chấp nhận sự mất mát đó thì mới có thể trân quý những gì còn lại, và cũng là trân quý những gì đã thật sự trôi qua.
26.12.2019
Khi một thứ gì đó được cho là thông minh trở nên ngu ngu, điều đó khiến mình bực bội hơn là nếu nó vốn được cho là ngu. Hôm nay laptop bị khùng, tự update xong khởi động lại, khởi động lại, khởi động lại cả buổi trời chưa xong. Anh bực quá về nhà ngủ, bỏ cho nó khởi động lại thêm 2 tiếng nữa, vậy mà nó vẫn kiên trì khởi động lại. “undoing changes made to your computer”.. Lục lại cái usb dùng để ghost windows hồi mấy năm về trước, cắm vô khởi động không lên, lại phải tải phần mềm boot với ghost mới về, rồi lại format usb không được, format được rồi thì lại báo lỗi khác… muốn điên với nó. Thôi viết xong bài tính tiếp.
“Vì ngày mai hãy làm việc thứ 31: Đừng xâm phạm không gian riêng tư của người bạn trai.”
Đừng có dùng chung password facebook, email hay cài vân tay lên điện thoại của nhau, vậy không phải là hay đâu. Lúc đầu thấy vui vui nhưng về sau khó chịu lắm. Dù người ta có cho mình thì cũng đừng có dại mà chấp nhận, họ cho mình không lẽ mình không cho lại, rồi dần dần trở thành giám sát lẫn nhau, cảm thấy tù túng ngột ngạt và đủ thứ chuyện khác. Thà cứ để tự nhiên mỗi người có 1 chút riêng tư thì sẽ không có vấn đề gì.
“Vì ngày mai hãy làm việc thứ 32: Đừng coi thường người yêu ngốc nghếch.”
Người yêu ngốc nghếch có thể là họ chỉ tỏ ra như vậy trước mặt mình thôi, mà cũng có thể họ ngốc thật. Mà mình yêu họ mà đúng không? Nhân quả của việc coi thường người yêu là không chỉ bị người mình coi trọng coi thường mà bị tất cả mọi người coi thường luôn nha.
“Vì ngày mai hãy làm việc thứ 33: Đừng dùng mẹ làm người thay thế.”
Lại một câu tối nghĩa. Thôi chả thèm đoán. Bỏ qua.
“Vì ngày mai hãy làm việc thứ 34: Cứ đánh cuộc là tình hình sẽ chuyển biến tốt.”
Công nhận dịch chán dễ sợ. Ý ở đây là dù có chuyện gì xảy ra thì cứ tin là ngày mai sẽ tốt hơn. Ừ cái này ai cũng hiểu, cũng biết cách làm mà không ai chịu làm hết á. Những người từng thử qua cũng đã thất bại. Lúc nào chán nản hay thất vọng thì họ vẫn khóc lóc thương tâm đau khổ quằn quại vân vân.. Thật sự thì không phải chỉ tin rằng ngày mai sẽ tốt thì nó sẽ tốt, mà mình tin như vậy là để tất cả những hành động sau đó của mình sẽ đi về hướng đó. Ví dụ như mình nghĩ mọi chuyện tồi tệ thì mình sẽ khóc lóc, giận dữ rồi làm ra cái gì đó tệ hơn, hoặc là bỏ qua không thèm theo đuổi chuyện đó nữa. Còn mình tin rằng mọi chuyện sẽ tốt hơn thì mình sẽ vớt vác những gì còn lại mà sửa chữa, khắc phục hoặc ít nhất là vẫn vui vẻ thoải mái để đón nhận và xử lí những tình huống của ngày mai, rồi nó sẽ tốt hơn thật.
“Vì ngày mai hãy làm việc thứ 35: Hãy bắt tay tìm mật mã trước mắt mình.”
Những thứ ngay trước mắt thì thường mình không để ý hoặc không thể thấy, ví dụ như lông mi của mình, muốn thấy thì phải nhìn vào gương mới được. Nói vậy thôi chứ câu này anh cũng không biết tác giả và dịch giả muốn nói cái quái gì nữa.
95_50 viec truoc ket hon phan 4
“Vì ngày mai hãy làm việc thứ 36: Không nên tiếc lời khen ngợi điều gì đáng tự hào của đối phương.”
Cái này thì hiểu nè, chắc em cũng vậy đúng hông. Đúng là chúng ta rất ít khi khen người khác một cách thật lòng, thậm chí còn được dạy là cần phải tỏ ra khiêm nhường, khi người khác khen thì phải chối.. Đó là do đa phần người ta khen cho có lệ, không nói thật lòng hoặc khen mỉa mai, giả lả. Khen đúng cũng khó như chê đúng vậy, nhưng cơ bản là vẫn nên hào phóng lời khen và dè xẻng tiếng chê một chút để mọi người thoải mái hơn. Khen nhiều thì sẽ khen giỏi, không nói một cách quá đáng hay nịnh nọt mà chỉ nói đúng về những ưu điểm của người kia.
“Vì ngày mai hãy làm việc thứ 37: Có thể coi vật mình say mê như người yêu, nhưng không thể coi người yêu như đồ vật đáng say mê.”
Ở đây là nói về thái độ ứng xử. Mình có thể đối đãi với những vật mình yêu thích như người yêu: nâng niu, cưng chiều, quý trọng, chăm sóc… nhưng đừng cư xử với người yêu như một vật mình yêu thích mà thôi. Nghĩa là đừng chỉ quan tâm đến tình cảm của mình dành cho họ, những gì mình thể hiện ra với họ không chỉ xuất phát từ việc mình muốn thể hiện điều đó mà còn quan tâm xem họ có cần, có muốn như vậy hay không, họ đang cần gì, đang muốn gì, họ cảm nhận gì nếu mình làm điều này… Tình cảm và hành động dành cho người mình yêu nên đến từ sự quan tâm dành cho người đó chứ không phải từ sự cao hứng hay yêu thích của chính mình.
“Vì ngày mai hãy làm việc thứ 38: Hãy tự nấu thử món vịt tần.”
Hoặc món nào lạ lạ như món vịt tần.
“Vì ngày mai hãy làm việc thứ 39: Về đến nhà hãy gỡ bỏ mọi trang sức.”
Có ai về nhà còn đeo nguyên hông ta? Anh biết nhiều người còn gỡ nhiều thứ hơn trang sức nữa kìa. Ở đây có lẽ tác giả muốn nhắc là nên có không gian thoải mái cho bản thân khi ở nhà, đừng lúc nào cũng sẵn sàng mang mọi thứ nặng nề trên người như khi giao tiếp ngoài xã hội. Về nhà rồi thì bỏ xuống mọi gánh nặng ngoài kia đi.
“Vì ngày mai hãy làm việc thứ 40: Hãy học cách trừ ma ám.”
Câu này được tài trợ bởi học viện pháp thuật Hogwart.
Hết, đi sửa máy tính tiếp đây.
25.12.2019
Đây là chủ đề do một người bạn gửi cho anh qua Facebook: Anh nghĩ gì về “hiểu chuyện” và “biết điều”?
Về cơ bản thì hai khái niệm này gần như tương đương nhau và có thể được dùng để chỉ cùng một ý, biểu thị một người biết cách ứng xử phù hợp với những quy chuẩn xã hội và hợp lí trong nhiều khía cạnh khác, được lòng người khác. “Hiểu chuyện” thường được dùng theo nghĩa “biết điều”, khác nhau là ở mức độ nhấn mạnh: “biết điều” thì mạnh hơn và thường dùng theo nghĩa tiêu cực, “hiểu chuyện” thì dùng để khen.
Về mặt chữ nghĩa thì hai cụm này cũng tương đương nhau. Tuy nhiên, người ta cũng có câu cạnh khóe: “Gì cũng biết chỉ có biết điều là không”. Có những người rõ ràng biết tình huống này nên ứng xử thế nào là tốt nhất, nhưng lại không làm như vậy mà hành động vì lợi ích của bản thân, gia đình họ, hoặc để thỏa mãn tính tình hay ý thích của chính họ mà thôi. Trường hợp này là người đó “hiểu chuyện” nhưng không hề “biết điều”.
Mặt khác, cũng có những trường hợp mà ứng xử của một người bị đánh giá là “không biết điều” do người đó chưa “hiểu chuyện”. “Ăn coi nồi, ngồi coi hướng” là câu nói của người xưa khuyên những người trẻ cần phải học hỏi những quy tắc ứng xử đối với người trên, kẻ dưới, trong gia đình, với người ngoài và trong nhiều trường hợp khác nhau để có hành động hợp lí nhất. Gia đình nào có con cái ứng xử đúng chuẩn mực nhất thì gọi là gia đình có “gia giáo” (có dạy), ngược lại thì họ chửi là “mất dạy”.
Ở đây có thể nói qua một chút về sự khác biệt giữa “tự nhiên, ngây thơ” với “vô duyên”. Có nhiều khi thì biểu hiện của các đặc tính này là giống nhau, nhưng khi thể hiện trong ứng xử thì nhiều thường là không biết quy tắc ứng xử hoặc không để ý đến cảm xúc của người khác (ngây thơ), hoặc chỉ để ý đến cảm nhận của chính mình (tự nhiên) sẽ trở thành vô duyên: nói những lời không nên nói, thể hiện hành động một cách quá lố, khác thường ở những nơi không thích hợp, gây sốc hay tổn thương cho người khác bằng lời nói (thường là nhận xét) của mình do vô ý.. Những điều này mang lại kết quả không tốt trong giao tiếp nhưng do vô tình là chính, nên người thể hiện ra chúng bị gọi là “không hiểu chuyện” hoặc “vô duyên” chứ chưa đến nỗi “không biết điều”.
“Không biết điều” là một nhận định tiêu cực, dùng để chỉ một người rõ ràng biết điều gì là hợp lí nhưng lại hành xử theo hướng không hợp lí vì lợi ích hoặc sở thích của bản thân họ.
94_Hieu chyen va biet dieu
Có lần anh trả lời một câu hỏi: “Phụ nữ đẹp nhất khi nào?”. Anh nói rằng: “Phụ nữ đẹp nhất là khi họ biết điều”. Có người có thể giận hay khó chịu khi nghe câu trả lời đó vì nghĩ rằng như vậy là nói bình thường phụ nữ không biết điều chăng? Đâu phải, anh chỉ nói rằng phụ nữ, trừ những trường hợp rất đặc biệt, thì không hơn nhau ở nhan sắc, và cũng không cần so sánh với người khác về nhan sắc mà điều quan trọng là việc họ có “biết điều” hay không. Phần thi gây cười nhất trong các cuộc thi hoa hậu chẳng phải phần ứng xử đó sao.
Muốn trở nên “biết điều” cũng không khó, trước nhất là hiểu rõ mọi hành vi của bản thân mình khi tương tác với người khác, rồi từ đó kiểm soát được chính mình. Điều này tránh những nhận xét “không hiểu chuyện” hay “vô duyên” có thể có do mình không để ý, không kiểm soát hành vi của bản thân gây ra. Sau đó là học hỏi, quan sát, chú ý xem trong tình huống này thì ứng xử như thế nào là phù hợp nhất theo tiêu chuẩn của xã hội và tính cách của bản thân mình, dần dần hình thành nên một lối sống của người “hiểu chuyện”.
Cũng có những trường hợp mà khái niệm “biết điều” được hiểu theo những nghĩa xấu: khi mình không chấp nhận đóng một khoản tiền “bôi trơn” vô lí nào đó mà mọi người đều đóng, họ sẽ nói mình không biết điều; hoặc khi mình không tham gia cùng hội nói xấu người khác, họ cũng nói mình không biết điều; hoặc khi mình can thiệp, trợ giúp cho những người bị cả đám ức hiếp, đám đó cũng nói mình không biết điều… những khoản “biết điều” như vậy thì không cần cũng được.

“Biết điều” không phải lúc nào cũng làm vừa lòng người khác, càng không phải làm vừa lòng tất cả mọi người.

Biết điều là biết điều gì đúng, điều gì sai, điều gì hợp lí hoặc không rồi từ đó có sự lựa chọn một cách chủ động nhất, phù hợp nhất của chính mình trên cơ sở quan tâm đến cảm nhận của người khác.
Muốn trở nên “biết điều” thì trước nhất phải “biết mình”. Đây là một điều vô cùng quan trọng, làm cơ sở cho rất nhiều những điều khác trong cuộc sống. Em hãy quan sát chính mình mọi lúc, mọi nơi, xem mình nghĩ gì, làm gì, tại sao mình lại làm như vậy, tại sao mình có cảm giác này… để hiểu rõ bản thân, làm chủ bản thân rồi từ đó quyết định xem mình muốn “biết điều” với người nào, theo cách nào.

Mong em sẽ gặp nhiều người “biết điều” trong cuộc sống và là một trong số đó.

24.12.2019
Đầu tuần khá đuối, giờ này mở mắt không lên nữa, có khi cũng không biết mình đang gõ cái gì đây. Cũng may còn có quyển “50 việc cần làm trước khi kết hôn” của Akihiro Nakatani lần trước chưa bàn hết, làm tiếp haha.
Bữa trước thấy bạn kia than thở rằng có một vài quyển sách “kinh điển” kiểu đắc nhân tâm, nhà giả kim, thức tỉnh mục đích sống… mà đi đâu cũng thấy người ta trích dẫn, bàn luận, dùng làm caption facebook hay tán tỉnh nhau.. thấy mà chán, thấy mà buồn. Anh thấy bình thường thôi chứ có gì đâu mà buồn. Sách nào người ta đọc mà thấy hay thì đọc thôi. Sách quen hay nhàm hay dở gì đó với mình nhưng người khác họ chưa đọc thì họ đọc, có gì đâu mà mình phải buồn. Đọc sách trước tiên là có hiểu được điều nó muốn nói hay không, rồi sau là dùng điều đó để làm được gì cho bản thân mình hay không. Nếu ngay từ đầu đã không hiểu, hoặc không có hứng thú để đọc, thì sách mới, sách cao siêu cỡ nào cũng để trưng bày chứ làm gì đâu. Người ta đọc hết sách “phổ thông” tự động họ sẽ “nâng cấp” thôi, có gì mà căng.
Hôm nay nhìn lại danh sách ebook của mình, thấy có quá trời sách dạng “x điều trong việc y” ghê luôn á. Khi nào hết cuốn này mình lại chuyển sang cuốn khác. Hahaha. Tiếp nè.
“Vì ngày mai hãy làm việc thứ 21: Rèn luyện sự nhậy cảm, mất hoa tai có thể phát hiện ngay.”
Thường thì phụ nữ nhạy cảm hơn đàn ông. Tuy nhiên phụ nữ cũng thường ở trong tình trạng nhất tâm đa dụng, làm nhiều việc cùng lúc hoặc làm việc này nghĩ đến việc khác nên rơi rớt này nọ mà không hay cũng bình thường. Người ta vẫn nói về “sống chậm” thật ra không phải là giảm tốc độ như chiếu phim chậm đâu, mà là biết rõ từng khoảnh khắc mà mình đang sống: những gì đang diễn ra trong tâm trí mình, trong và trên cơ thể mình, rồi xung quanh mình. Ở đây tác giả khuyên rằng nên giữ vững tập trung, thu gom lại ý thức của mình để tăng khả năng nhạy cảm và cảm ứng được những điều nói trên, ví dụ như một chiếc bông tai rơi xuống là phát hiện ngay được. Khi mình có khả năng nhạy cảm như vậy, mình có thể nhìn cuộc sống một cách khác đi và thấy được nhiều điều mà trước đây mình bỏ lỡ, biết đâu mình sẽ thấy được vài điều giúp mình nghĩ lại (hoặc củng cố thêm) ý định kết hôn thì sao.
“Vì ngày mai hãy làm việc thứ 22: Đừng chỉ nghĩ để dành tiền, tiền cũng phải được tiêu cho mình.”
Nhớ là đừng “chỉ” nghĩ chứ không phải “đừng nghĩ” nhe. Nói về quản lý thu chi cá nhân thì tất cả khoản thu mình phải biết rõ ràng chi tiết, rồi cân đối khoản chi và tiết kiệm, cũng phải có một khoản chi cho nhu cầu cá nhân của mình. Nếu như chỉ toàn tiết kiệm mà gò ép bản thân thì đến một lúc nào đó mình sẽ không chịu nổi, mọi thứ sẽ bung ra như một cái lò xo, rất là không tốt. Thêm nữa là nếu chỉ kiếm tiền mà không chi tiêu gì đó theo ý mình thì một lúc nào đó mình sẽ không cảm thấy hứng thú với việc kiếm tiền nữa, cũng khổ. Lưu ý là thích thì hãy chi chứ không bắt buộc phải chi đâu nhe.
“Vì ngày mai hãy làm việc thứ 23: Tận hưởng thời gian còn sống độc thân.”
Ý này chung chung quá, nhưng phải nói là ai sắp sửa kết hôn mới nghĩ đến việc tận hưởng đời sống độc thân chứ nhỉ, còn những người đang độc thân có thật sự nghĩ rằng “hãy tận hưởng cuộc sống độc thân này khi còn có thể, vì tình yêu hay hôn nhân có thể ập đến bất cứ lúc nào” hông? Hay bất cứ dịp lễ nào cũng lên mạng than ế cho vui?
Vì ngày mai hãy làm việc thứ 24: Hãy nói to “Tôi thích”
Viết đơn xin nghỉ phép, hoặc nghỉ việc, chỗ lý do điền hai chữ thật to: tôi thích?!
93_50 viec p3

Vì ngày mai hãy làm việc thứ 25: Hãy để cho mình thay đổi 
Để cho mình thay đổi chứ không phải chạy lung tung tìm cách thay đổi chính mình. Nghĩa là nếu mình cảm thấy cần có một sự thay đổi nào đó, thì đừng ngăn cản mà hãy để nó xảy ra. Ví dụ như sắp kết hôn mà gặp người nào đó mình thấy rung động… thì đừng áp dụng lời khuyên này, haha.
“Vì ngày mai hãy làm việc thứ 26: Ở chỗ đông người, hãy nhờ người quen giới thiệu cho mình làm quen với người khác.”
Ủa cái này chắc là lời khuyên dành cho người độc thân nhỉ? Mà cái này cũng hay, khi nào có dịp đến chỗ đông người thì thuận tiện làm quen một vài người bạn mới, trao đổi vài câu để cuộc sống thêm phong phú, cũng đỡ phí công một lần ra ngoài. Nếu đến nơi đông người mà cứ đứng một mình một góc, vẻ mặt trầm tư nghĩ về triết lý nhân sinh thì cũng không hay. Đó là tác giả khuyên vậy chứ anh toàn làm y chang câu trước.
“Vì ngày mai hãy làm việc thứ 27: Trước khi gặp mặt, hãy soi gương một chút.”
Ừa, nhiều khi ở nhà mấy ngày không nhìn gương lần nào luôn, không biết mặt mình ra sao nữa. Có lúc tự hỏi có khi nào lâu quá không soi gương, lúc nào đó nhìn vào gương thấy một khuôn mặt khác trong trí nhớ của mình không ta?
“Vì ngày mai hãy làm việc thứ 28: Khi chờ thang máy, thờ ơ chậm chạp cũng chẳng sao.”
Thời đại chen chúc này mà thờ ơ chậm chạp thì nhẹ là mất chỗ, cả tiếng không đến được nơi cần đến, nặng thì chúng chửi, chúng chen lấn xô đẩy. Nếu mà chậm chạp thờ ơ thì đi than bộ cho lành. Đi vào than máy thì phải nhanh gọn, nhe.
“Vì ngày mai hãy làm việc thứ 29: Hãy nói nhiều hơn về hôm nay hoặc ngày mai.”
Có lẽ nói những người cô đơn nói quá nhiều về hôm qua, vì đó là tất cả những gì họ từng có, cũng vì vậy mà bỏ qua hôm nay và ngày mai, nên những gì họ từng có đó càng lúc càng quý giá và trở thành tất cả.
“Vì ngày mai hãy làm việc thứ 30: Thử khiêu khích người đàn ông mạo hiểm.”
Nói hông phải khen chứ câu này dịch chuối quá, đọc nghe nổi da gà. Thôi, nghỉ.
23.12.2019
Osho từng giảng rằng mọi sự trên đời cần thuận theo tự nhiên, như trái trên cây phải chín thì mới rụng, muốn buông bỏ thì cần phải có thứ gì đó trong tay.
Nói như vậy thì việc Phật Thích Ca có thể giác ngộ, theo góc độ lí luận của người thường thì ngài đã làm một điều vô cùng phi thường là buông bỏ những thứ sở hữu trân quý nhất trần đời lúc đó để đi tu?! Thế thì có phải tất cả những ai muốn giác ngộ đều cần phải đạt đến một đỉnh cao nào đó trong đời, xong rồi buông bỏ, thì mới thành đạo được?
Lại nói, giả như có hai người cùng đứng dưới chân núi: một người chưa bao giờ leo núi và một người vừa leo xuống từ ngọn núi cao kia. Vị trí của họ giống nhau, nhưng tâm cảnh hoàn toàn khác. Thế thì có phải người nào leo núi rồi trở xuống cũng đều “cao” hơn người chưa bao giờ leo núi chăng?
Cũng đúng, mà cũng sai, rất nguy hiểm.
Những điều mà Phật Thích Ca “có”: 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, cung vàng điện ngọc, quyền thế, vợ đẹp con xinh… là những điều kiện tốt, những cái “có” kinh khủng mà khi “sở hữu” được nó rồi lại có thể “buông” sẽ dễ dàng giác ngộ hơn. Hay như việc một người đã leo lên đỉnh núi, có thể nhìn thấy những điều người dưới núi chưa bao giờ thấy, thì khi xuống trở lại chân núi họ mới có thể trở nên khác biệt.
Cách hiểu trên thật ra là một cái bẫy khiến con người không thể nào buông bỏ được.
Việc Osho nói rằng trái trên cây phải chín thì mới rụng chỉ mang ý nghĩa là mọi chuyện cần phải tiến hành đúng theo vai trò, vị trí của nó trong tự nhiên. Nghĩa là khi nào cần động thì động, cần tĩnh thì tĩnh, nhận thức của mình đến đâu thì mình hành xử đúng theo mức nhận thức đó. Chưa thực sự buông được trong tâm mà thể hiện hành vi buông bỏ bên ngoài thì cũng như trái còn xanh mà rụng vậy. Vấn đề muôn thuở vẫn là phải thật sự biết mình là ai, mình đang trong giai đoạn nào để mà ứng xử. Một vấn đề khác nữa là phải phân biệt được vai trò tự nhiên và vai trò xã hội. Nhiều khi người ta cứ nhầm lẫn những tác động của xã hội loài người lên bản thân mình là “tự nhiên”, nên không sao thoát được.
92_buong bo that su la gi
Những ví dụ về Phật hay người đã từng leo núi ở trên, những điều mà họ “có” chỉ là lợi thế về hoàn cảnh. Nghĩa là những ai có các điều kiện đó sẽ dễ dàng “ngộ” hơn người không có mà thôi. Chưa chắc là người nắm giữ nhiều của cải, quyền lực mà buông được, cũng không hẳn người chưa từng có gì trong tay không thể “buông”.
Cách nhìn nhận và diễn giải vấn đề lệch lạc một cách vô tình hay cố ý nhưng dựa trên hình ảnh đầy tính thuyết phục có thể khiến người đọc, người nghe đi vào một mê cung không có đường ra: rõ ràng thấy đúng nhưng làm thì lại sai, biết sai nhưng tự an ủi rằng có lẽ phía trước là đúng.
Người ta nghĩ rằng muốn hạnh phúc, bình an hay buông bỏ thì phải lao đi tìm đi kiếm, phát huy hết khả năng của bản thân, cố gắng nắm giữ mọi thứ có thể… thì sau đó mới nhẹ nhàng bình thản với đời mình, cuối đời họ có thể đạt được điều đó không thì chưa biết, chỉ thấy cả đời đã khổ não lao đao.
Ngay từ đầu, việc nhìn nhận rằng do Phật “có” đủ thứ nên việc “buông” của ngài mới có ý nghĩa đã là góc nhìn của một người ngoài cuộc, một kẻ phàm phu đang chấp vào những cái “có” của Phật rồi, cho nên những diễn giải về sau là hoàn toàn thuộc về người đó chứ không phải là của Phật – bậc giác ngộ. Khi giác ngộ, trong mắt Phật đã không còn những thứ “có” mà người khác ngưỡng mộ, ước ao kia rồi. Ngài đã không hề cân nhắc mình có “buông” hay không.

Một người khi còn nghĩ đến những điều họ “có”, tự hỏi rằng “buông hay không” thì sẽ không thật sự buông bỏ được.

Em có lẽ cũng biết xã hội này vận hành không phải hướng về giác ngộ, giải thoát hay buông bỏ mà chỉ bằng động lực của lợi ích, đa phần lợi ích này đến từ hành vi tiêu thụ. Nó là một thứ luôn bị thúc đẩy phải đi về phía trước mà không biết phía trước là cái gì, hoặc là không cần biết. Động cơ phía sau càng lúc càng mạnh mẽ hơn. Từ đó, người ta chế ra đủ thứ lý luận mà mục tiêu là để hướng người khác cùng nhập sức lực vào cái động cơ đó, để đẩy xã hội về phía trước bằng cách tiêu thụ thật nhiều sản phẩm, dịch vụ và lao động để đổi lấy những sự tiêu thụ đó. Đó là một vòng lặp vô tận, là một sự lừa dối của xã hội khiến người ta tin rằng ngoài việc lao vào đó thì không còn cách nào khác để sống có ý nghĩa nữa.
Điều khó khăn nhất ngoài việc nhận ra chính mình là việc phân biệt giữa đâu là đạo của tự nhiên và đâu là đạo của xã hội. Những thứ xuất phát từ xã hội thì luôn nghe có lý và có đầy dẫn chứng, rất thuyết phục và mang lại nhiều sự hứng thú, khiến em muốn lao ngay đi và làm một cái gì đó tức thì.
Người ta tạo ra thật nhiều chất kích thích như vậy và rải khắp nơi. Em đến nơi này, ăn phải một miếng, chạy đi làm đủ thứ việc, rồi tỉnh lại, lại ăn phải một miếng khác… cứ vậy cho đến khi không còn giá trị nào để họ lợi dụng, không còn chất kích thích để ăn, thì mới có thể tỉnh lại.
Muốn kiểm tra xem mình có hiểu về buông bỏ hay chưa, em hãy đọc đoạn này:
“Ngạn như một người chưa sống trọn vẹn trần đời đã vội đi tu vậy, ta sẽ thấy hình ảnh đó khá phổ biến trong giới trẻ ngày nay. Lười tranh đấu, sợ đánh đổi, chưa có gì trong tay nhưng suốt ngày kêu buông bỏ. Thu mình lại sống trong một cái vỏ xinh xắn, ngày ngày điểm tô lên cái vỏ đó những bông hoa xinh xinh, những món đồ be bé, thiện lành, đẹp đẽ rồi chụp ảnh post facebook kiếm chút like để bộ não tiết ra chút serotonin đủ ve vuốt cuộc đời... Còn bên trong là chất chứa sự sợ hãi và tiếc nuối, rồi lại phải ru lòng buông bỏ, nhưng thực ra là cố dập đi những ham muốn đang trỗi dậy vì chưa một lần được thỏa mãn.”
Đây là một đoạn trong bài viết của giáo sư Xoay Đinh Tiến Dũng. Em có thấy kích thích không?
Không sao cả. Bình tĩnh đi em. Nếu là trái xanh thì cứ ở trên cành. Còn ham muốn, còn hứng thú thì cứ lao đi. Đừng ép mình buông bỏ, cũng đừng ép mình lao đi. Chỉ cần một điều là ý thức được mình đang ham muốn, mình đang lao đi. Rồi khi nào chín thì hãy rụng.

Buông bỏ không phải là mình phải từ bỏ một thứ cụ thể nào đó, mà là khi mình có thể bình tâm với mọi thứ, dù có bỏ hay không.

22.12.2019
Hôm nay lại không thấy chủ đề nào hấp dẫn nên anh tiếp tục bình về nội dung trong quyển “50 việc cần làm trước khi kết hôn” của tác giả Akihiro Nakatani nè.
“Vì ngày mai hãy làm việc thứ 11: Kết bạn với người phụ nữ chủ động tìm nam giới”
Khi nhìn vào mọi thứ, trước hết nên nhìn nó ở mặt tích cực nhất, rồi sau mới suy xét đến những mặt xấu, những góc khuất, nghĩa hẹp, nghĩa bóng… Trong câu này cũng vậy, những người phụ nữ chủ động tương tác với nam giới thường là người tự tin, cởi mở, có nhiều năng lượng tích cực. Thử chủ động kết bạn với họ cũng là một trải nghiệm hay, có khi mình không chủ động thì họ lại chủ động, nhưng là chủ động kết bạn với người khác.
Trong vấn đề giao tiếp hay kết bạn, thường thì người nào có thiện cảm với mình và sẵn sàng kết bạn thì chỉ cần tiếp xúc qua là mình có thể cảm nhận được rồi. Nếu mình cũng có cảm giác tương tự thì chỉ cần chủ động hỏi thăm vài câu tự nhiên sẽ thuận lợi giao tiếp nhiều hơn, còn người nào không có ý tương tác nhiều hơn ngoài chào hỏi xã giao thì nhìn cũng biết luôn. Trước giờ anh chỉ tin cảm giác đó, có vài lần thử làm ngược lại và thấy cảm giác của mình luôn đúng, nên là ai muốn làm bạn với mình thì mình mới chủ động, không thì thôi.
“Vì ngày mai hãy làm việc thứ 12: Đừng động một chút lại nói “rất muốn kết hôn””
Hình như càng ngày càng ít người nói câu này rồi thì phải. Kết hôn là khi mình yêu thương một người đến mức sẵn sàng chịu khổ cùng họ, vì họ, chứ không có sướng ích gì khác đâu mà.
“Vì ngày mai hãy làm việc thứ 13: Thử tìm xem đối phương có sức hấp dẫn gì không thể diễn tả bằng lời.”
Đối phương ở đây là ai ta? Là người mình sắp kết hôn hay người nào khác nhỉ. Chắc là người yêu rồi, chứ sắp kết hôn mà đi tìm sức hấp dẫn của người khác nữa thì mệt hen. Sức hấp dẫn không thể diễn tả bằng lời mới là thật sự hấp dẫn chăng, như “đạo khả đạo, phi thường đạo” mà Lão Tử vẫn nói ấy?
“Vì ngày mai hãy làm việc thứ 14: Ngẩng đầu lên, nhìn vào mắt đối phương.”
Lời khuyên dành cho những người bình thường ưa cúi đầu nhìn vào những nơi dưới mắt à? Đùa chút, chứ thật ra có một hiện tượng phổ biến là trong giao tiếp với người lạ hoặc chưa thân thuộc thì ta hay nhìn vào mắt họ để thể hiện sự chân thành, lịch sự và để hiểu họ hơn. Còn với những người thân quen thì nhiều khi rất lâu không nhìn vào mắt nhau rồi đó. Nghĩ lại mà xem.
“Vì ngày mai hãy làm việc thứ 15: Khi cuộc hẹn kết thúc, hãy nhớ định ra gặp nhau lần sau.”
Cái này thì bạn thân hay người yêu hay những người có nhu cầu gặp nhau nhiều nhiều thì làm chứ với người bình thường thì giờ giấc rảnh rỗi đâu có trùng hợp để mà tính toán lần sau nhỉ? Với người yêu thì đâu cần thiết lắm đâu?
Ok, bữa nào rảnh gặp lại.
“Vì ngày mai hãy làm việc thứ 16: Thử tự đi đặt chỗ ở nhà hàng.”
Ủa, bình thường thư ký đặt cho không hay sao? Khổ thân chủ tịch.
91_50 viec can lam truoc khi ket hon p2
“Vì ngày mai hãy làm việc thứ 17: Chớ có kết hôn vì cha mẹ.”
Nếu không phải vì cha mẹ thì sẽ có rất nhiều người không kết hôn đâu. Nhìn những đám cưới mà xem, cô dâu chú rể quen biết được bao nhiêu người trong đó? Kết hôn vì gia đình, dòng họ, vì xã hội quy định phải như vậy thì mới được công nhận đó mà. Ý của tác giả có thể là đừng kết hôn chỉ vì cha mẹ muốn mình phải có một người chồng hay người vợ, mà khi có người đó rồi thì mới kết hôn, nha.
“Vì ngày mai hãy làm việc thứ 18: Định cho mình ngày được nghỉ ngơi.”
Đúng rồi, hãy nghỉ ngơi cho thật tốt trước khi kết hôn, vì kết hôn xong sẽ không còn ngày nghỉ đâu, lêu lêu.
“Vì ngày mai hãy làm việc thứ 19: Dù không đưa tiễn ai, cũng cứ đi mua chút quà.”
Tặng quà vào những ngày không phải dịp nào cả là một ý tưởng thú vị. Có ba sự lựa chọn chính trong việc tặng quà: thứ mình thích, thứ người ta thích và thứ cả hai cùng thích. Nhiều người chỉ thường tặng người khác thứ mà họ thích thôi, đôi khi không thích hợp và không nghĩ đến cảm nhận của người mà họ tặng quà, thậm chí ngay cả việc tặng quà cũng xuất phát từ bản thân người tặng chứ không phải vì người được tặng. Điều này rất không nên. Mà lúc nào cũng chỉ tặng những thứ mà người được tặng thích thì cũng không phải là ý hay vì điều đó không có gì bất ngờ thú vị nữa. Tốt nhất là kết hợp cả ba sự lựa chọn một cách hợp lí.
“Vì ngày mai hãy làm việc thứ 20: Làm việc đừng quá cẩn thận.”
Ý là phải cẩn thận đó, chỉ đừng quá thôi. Ta không thể nào lường trước được mọi trường hợp để mà đề phòng. Có câu người thành công hành động khi họ thấy cơ hội thành công, người thất bại không hành động vì họ thấy khả năng thất bại. Liên quan đến chuyện kết hôn ấy mà, nếu cứ nghĩ mình sẽ được gì khi kết hôn, thì khả năng cao là bạn sẽ không kết hôn nữa, hoặc là thấy ngon ăn rồi kết hôn, xong rồi sáng mắt ra.
Xong, hehe. Cứ 10 việc lại đủ một bài. Hôm nào không có gì viết lại moi cái này ra, hợp lí ghê.
21.12.2019