Dè bỉu luận án tiến sĩ chỉ bằng việc đọc tên đề tài?

Leave a Comment
Dạo này có phong trào chê bai, dè bỉu một số đề tài cấp tiến sĩ của rất nhiều những bạn sinh viên, hoặc chưa từng là sinh viên. Tôi chê phong trào này.

Đề tài đầu tiên được đưa lên có lẽ là đề tài "Đặc điểm giao tiếp với dân của chủ tịch UBND xã", sau khi bội thu một lượng like và share, nhiều đề tài khác nhanh chóng được bổ sung, đội ngũ chê bai cũng dần dần đông đảo...



Có đề tài tôi thấy rất hay, cũng nằm trong số bị công kích đó là đề tài cách dịch câu bị động từ tiếng Anh sang tiếng Việt. Trong tiếng Việt vốn không có thể loại câu bị động, nên việc dịch các câu bị động từ Anh sang Việt đôi khi nghe rất ngu ngơ, dịch hay và đúng nghĩa rất khó.

Thế mà cũng bị chê, có lẽ nhiều người nghĩ: Ôi xời, tao lớp 6 đã học câu bị động, khó gì! Này nhé, ví dụ như "It's hard to be a stupid person when we are surrounded by gieniuses" thì dịch là "Nó thì khó là một thằng ngốc khi chúng ta được bao quanh bởi những thiên tài". Đấy, dễ ợt, thế mà cũng tiến sĩ!



Trong mắt các bạn, đề tài tiến sĩ là phải khủng bố cỡ nào? Nghiên cứu về lỗ đen vũ trụ? Về điểm chung của 18000 loại virus? Hay làm cách nào để con người bay 1 phát được 10 vạn tám ngàn dặm như tề thiên?

Nhiều người lại có cùng câu hỏi: đề tài này giúp ích gì cho cuộc sống? Đọc cái này mình thấy giống lý luận của mấy bạn học sinh lười: "Tôi làm gì với môn hình học không gian sau khi tốt nghiệp? Ra chợ kêu bán một kg cam hình học không gian được không?". À, thật ra câu đó nếu muốn đặt đúng thì cần phải hỏi là "Bán 1.000 hình học không gian cam được không?" mới đúng nghĩa nhé.

Môn hình học không gian, hay vật lý, hóa học... có thể không trực tiếp giúp ích cho cuộc sống của bạn thật, nhưng các ngành khoa học đó nghiên cứu về những sản phẩm mà bạn đang sử dụng, những gì tạo nên cuộc sống bên ngoài và bên trong bạn. Học qua chúng để hiểu rõ bản thân và môi trường sống của mình hơn không phải điều nên làm sao? Tôi không bàn về tiêu chuẩn của giáo dục phổ thông bao nhiêu là đủ nên sẽ không nói thêm về điều này nữa.

Quay lại với luận án tiến sĩ, tôi không dám khẳng định những đề tài trên là hoàn toàn phù hợp để nghiên cứu ở mức độ tiến sĩ. Tôi cũng không nói rằng cơ chế công nhận thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ta hiện nay thật tuyệt vời. Điều tôi muốn nói là đừng nên đơn giản đánh giá một đề tài chỉ bằng việc đọc qua tựa của nó, bởi điều đó chỉ cho thấy sự hời hợt và GATO (ghen ăn tức ở) của người phê phán mà thôi.

Người chê càng đông thì càng nhiều hời hợt. Và với những đức tính đó, ai trong số họ sẽ thành tiến sĩ ở tương lai?


Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo

0 comments:

Post a Comment