Ảnh: Xavier Arnau/Getty Images

Bữa trước thấy bạn mình share một bài báo trên The Guardian, tựa là "Paper straws won’t save the planet – we need a four-day week", đọc thấy đồng cảm ghê gớm.

Ống hút giấy không cứu được trái đất - chúng ta cần là một tuần làm việc 4 ngày thôi. Mình cũng nghĩ về điều này khá nhiều, và cũng có nói sơ qua khi người ta chuyển từ ống hút nhựa sang ống hút gạo, ống hút cỏ.. Rõ ràng vấn đề là thói quen tiêu dùng, tiêu thụ tài nguyên quá mức cần thiết, tạo ra quá nhiều công việc dư thừa mới thật sự gây tổn thương cho trái đất và cho chính những người tham gia các hoạt động trên.

Trong khi số người cần có cơm no, áo ấm ngày càng giảm đi, những người cần "ăn ngon, mặc đẹp" nhiều nhanh chóng. Hãy nhìn những bữa tiệc lớn, hay xa hơn là các tiệc buffet để xem cách người ta tiêu thụ, và bỏ phí thực phẩm ra sao. Quần áo, giày dép, phụ kiện, trang sức... có thứ nào dùng đến khi không dùng được nữa, một số người thậm chí mua về rồi dùng 1 lần thôi. Tất cả những thứ đó đều là tài nguyên thiên nhiên và ngày công lao động của người khác, trong quá trình sản xuất, vận chuyển lại góp phần ô nhiễm môi trường...

Vấn đề lúc này lại chuyển thành "bao nhiêu là đủ?". Hôm trước mình cũng có viết: Vấn đề của xã hội này không phải là nghèo đói hay bệnh tật, chiến tranh hay thảm họa, mà là làm sao cho bằng chị bằng em. Chính vì không biết đủ, người ta mới đặt mình vào tiêu chuẩn của người khác, và mong muốn đạt được càng nhiều càng tốt, muốn so kè được với những người hơn mình, trong khi những người đó cũng đang muốn được như người nào đó ở trên..

Với những mong muốn đó, người ta làm gì? Kiếm tiền.

Ở những thành phố lớn, nhiều công việc phải làm cả ngày thứ bảy, thậm chí rất nhiều việc không có ngày nghỉ cố định. 8 giờ sáng đến 8 giờ tối, đi làm xong về nhà ăn uống rồi ngủ, hết ngày. Nhiều người biến mình thành một con ốc để vận hành bộ máy khổng lồ của công ty, của xã hội, để nhận stress rồi lãnh lương xã stress.

Người ta tránh xa những câu hỏi "Mình mong muốn điều gì?" "Bao nhiêu là đủ?" "Tại sao mình ở đây?"... đến mức trong những ngày nghỉ hiếm hoi họ cũng không chịu được, phải đi tiêu tiền ở một nơi nào đó, phải ăn uống thỏa thích... Điều này lại tạo điều kiện việc làm cho nhiều người muốn kiếm tiền khác.. Hãy nhìn những ngày lễ, ngày tết mà xem, càng ngày càng có nhiều người tăng ca, làm thêm để đáp ứng nhu cầu tiêu tiền của người khác...

Với tình trạng đó, thì dù một tuần có 4 ngày làm việc, 3 ngày còn lại sẽ là những ngày tiêu tiền.. không đủ tiền tiêu thì lại kiếm.. kiếm để tiêu.

Khi người ta cứ nhìn nhau mà kiếm tiền, tiêu tiền chứ không mấy khi nhìn lại chính mình thật sự cần gì, muốn gì, thì làm sao biết bao nhiêu là đủ.

Khi người ta vẫn hút thật nhiều mỗi ngày, hút một cách vô thức, thì ống hút gạo làm được gì đây..

Nhất Bảo
Image may contain: text

Có một câu nói được cho là của Albert Einstein: "Bạn có thể sống cuộc đời mình theo hai cách: một là sống như thể không có điều chi là mầu nhiệm; hai là theo cách mọi thứ đều là một phép màu." Hai cách sống này vừa nhìn qua có vẻ như đối lập và cực đoan, nhưng tôi thấy điểm đến của chúng có phần tương tự.

Theo cách sống thứ nhất: không có phép màu nào trong cuộc sống, ta sẽ không trông chờ vào những điều ngẫu nhiên, vào sự giúp đỡ của ông bụt, ông tiên, ông thánh nào hết. Ta hiểu được vì sao mình nhận được những phần thưởng này, vì sao mình chịu những trừng phạt nọ. Sau một thời gian, ta sẽ dần nhận ra: ồ, thì ra cuộc sống không phải là không có phép màu, sẽ có những điều ngẫu nhiên xảy ra ngoài những nhân quả, logic mà ta có thể hiểu. Và ta dần trân trọng mọi thứ hơn.

Còn khi sống theo kiểu mọi thứ đều là phép màu, ta bắt đầu bằng việc trân trọng mọi thứ hiện hữu trên đời, ta quan sát cuộc đời bằng góc nhìn của sự biết ơn và cẩn trọng. Tất cả mọi thứ: từ tia nắng, hàng cây, cơn gió, hạt mưa, ánh mắt, nụ cười và cả những lời cay đắng, sự phản trắc, lọc lừa, cho đến từng hơi thở... đều là sự nhiệm màu của cuộc sống. Được một thời gian, ta sẽ dần đặt ra câu hỏi: thế thì chính mình sẽ đóng vai trò gì trong đời sống nhiệm mầu này đây? Khi đó, ngoài việc đón nhận tất cả, ta sẽ bắt đầu có thêm tính nhân quả, logic trong suy nghĩ và từng bước có trách nhiệm hơn với chính mình, với cuộc đời. Ta sẽ hiểu rằng những gì chưa xảy ra là tình cờ, những điều đã xảy ra là định mệnh, rằng cuộc sống ngoài ngẫu nhiên còn có những tất nhiên.

Một giáo sư từng nói với tôi: tất cả các ngành khoa học đều sẽ gặp nhau khi đến đỉnh cao của nó. Cuộc sống này không có phép màu nào, hay mọi thứ đều là phép màu, nếu theo đuổi nó một cách cực đoan, thì sẽ đến cùng một đích đến. Tuy nhiên quá trình đi đến đích sẽ có chút khác biệt, và lựa chọn đường nào là việc của mỗi người.

Con đường nào cũng có những khó khăn riêng, tuy nhiên khó nhất là lúc này lúc khác, đau khổ nhất là khi ta mong muốn rằng phép màu sẽ xảy ra với những điều ta muốn. Ta không thật sự tin tưởng một điều gì, không thật sự cố gắng, không biết vị trí và trách nhiệm của mình ở đâu trong cả những ngẫu nhiên và tất nhiên của cuộc sống. Ta chờ đợi phép màu, và hờn trách những khổ đau. Ta chỉ có mong muốn, mong muốn và mong muốn.

Tóm lại, khi chọn riêng một con đường, đồng nghĩa với việc ta thừa nhận sự tồn tại của con đường khác. Điều quan trọng là: ta sẽ thấy được rằng cuộc sống này diễn ra không phụ thuộc vào việc ta nhìn nhận nó như thế nào. Cuộc sống diễn ra như nó phải thế, còn nhìn nhận nó như thế nào là việc của ta.

Điều gì là tất nhiên, hay ngẫu nhiên? Điều gì là tình cờ, hay định mệnh? Cuộc sống này rốt cuộc có mầu nhiệm, hay không?

Nhất Bảo
Ảnh: Internet

Thật khó để nhận ra mình trống rỗng. Trong đầu mình có bao nhiêu là thứ thế kia, chẳng khi nào ngừng nghỉ. Làm sao mình lại trống rỗng được chứ. Mọi thứ trên đời được sinh ra từ hư không, chết đi lại thành hư không, còn trong đầu mình có thứ gì mà đầy cứng như vậy?

Mà thật ra cũng chẳng khó lắm, khi mình lục tung đầu mình để tìm một điều gì đó chỉ thuộc về chính bản thân mình, riêng mình thôi, khi mình ném ra ngoài tất cả những thứ gì có dính dáng đến một người nào khác thì chẳng còn lại gì. Trống rỗng là đây.

Sherlock Holmes từng nói rằng tâm trí chúng ta giống như cái nhà kho, nó là hữu hạn, và nếu ta cất vào đó những thứ không cần thì sẽ chẳng còn chỗ cho những thứ cần thiết nữa. 

Chắc đúng. Cái đầu mình cũng vậy, mình cất đủ thứ chẳng phải của mình, nên khi dọn hết ra thì mình không còn lại gì để nói. Thậm chí ngay cả ý vừa viết ở trên cũng chẳng phải của mình luôn.

Lúc này đây mình lại nhớ tới Leonardo Da Vinci, ổng nói rằng một nhà thơ biết rằng tác phẩm của mình là hoàn hảo không phải là khi không có gì có thể thêm vô, mà là khi không gì có thể được lược bỏ. Còn mình thì toàn làm ngược lại. Mình có thể tô vẽ, gắn tay, gắn chân, mặc quần áo, trang điểm thật huy hoàng cho một khối hình có sẵn nào đó chứ mình chưa bao giờ thử làm ra một khối nguyên phôi.

Kiến thức mới tai hại làm sao. Đầu mình như cái kho chứa đầy hoa quả và thịt hộp, nhưng chẳng có hạt mầm, không có con giống. Càng học thì cái kho càng đầy, sức chứa chẳng thể tăng thêm nữa nên mình chỉ chực chờ cơ hội vung vãi lương thực bên trong ra. Mình phân phát cho những người cũng giống như mình khi trước, đi thu nhặt những gì sẵn có và tích trữ vào kho của họ. Cảm giác làm một người hào phóng cũng thật là hay.

Thói quen cũng thật đáng sợ. Những con chuột phải liên tục gặm nhấm mọi thứ xung quanh để mài mòn răng của chúng, nếu không thì răng sẽ dài ra, đâm vào não và chúng sẽ chết. Còn mình luôn nhặt nhạnh và tích trữ mọi thứ chẳng qua chỉ là thói quen thôi. Một quá trình học tập máy móc tạo thành thói quen khó sửa. Thấy thứ gì lạ lẫm, hay hay là phải nhặt cho bằng được rồi đem bỏ vào kho. Cho đến tận bây giờ khi đã biết đó là thói quen có hại nhưng mình vẫn không cưỡng lại được mỗi khi thấy “của rơi”. Cái kho vẫn đầy vơi.

Câu hỏi là hạt giống, câu trả lời là đồ hộp. Mình thu nhặt kiến thức khắp nơi cũng vì muốn tìm câu trả lời cho ngày càng nhiều các câu hỏi của cuộc sống. Quả là một sai lầm mấy ai dễ nhận ra. Mình cứ nghĩ biết nhiều câu trả lời là người thông thái, nhưng mà ngược lại. Nếu câu hỏi mở ra một chân trời mới, mở ra những khả năng cần khám phá thì câu trả lời chỉ là nấm mộ cho mọi thứ mà thôi. Mình không tự hỏi, càng không tự trả lời những câu hỏi mình gặp mà dựa dẫm vào kiến thức, thông tin. Càng tích trữ nhiều câu trả lời trong đầu, nhà kho càng có nhiều đồ hộp, càng không còn chỗ để hạt giống.

Hồi nhỏ, lâu lâu bắt được con kỳ nhông, mình lại đi lượm mẩu thuốc lá, gắn vô miệng nó cho nó hút, xong rồi bỏ nó vô một góc tường, lấy ghế chặn xung quanh. Con kỳ nhông phê thuốc sẽ chạy liên tục, loanh quanh cái chuồng của nó. Cái đầu mình cũng như kỳ nhông phê thuốc, mọi ý nghĩ liên tục sinh ra và chạy loanh quanh, hết cái này tới cái khác. Mình phải liên tục ghi nhớ, đánh giá, bình luận về mọi thứ mình thấy, mình nghe. Nếu không thấy hay nghe cái gì thì lại nhớ chuyện hồi xưa, rồi tưởng tượng mấy chuyện sắp tới. Chẳng có lúc nào nó để cho mình được yên nghỉ để làm một điều gì đó cho riêng mình. Có lẽ trừ lúc ngủ, đôi lúc mình cũng nghĩ được vài điều hay ho trước khi chìm vào giấc ngủ, nhưng thức dậy lại quên ngay.

Lúc tập viết truyện mình mới biết là giải quyết vấn đề không khó, đặt ra vấn đề mới thật sự là hay. Mà cũng không đúng, mọi thứ đều có sẵn, chỉ cần nhìn nó khác đi thôi. Cuộc sống như một rổ bong bóng, nếu để im thì nó chỉ là những mảnh cao su dẹp lép, màu mè. Viết truyện là thổi hơi vào đó, có khi chỉ thổi vừa phải để cầm chơi, có khi bơm khí Hydro vào để nó có thể bay. Không đủ hơi thì thổi không nổi, mà thổi quá đà thì bong bóng nổ tung.

A. Phải rồi. Mình nên đi dọn lại cái kho. Đồ hộp cũng cần dùng tới vì mình không thể ăn hạt giống mà sống được. Nhưng đồ hộp có thể để bên ngoài, không cần bảo quản trong kho. 

Mình sẽ ngồi đây, trong cái kho trống rỗng này, chọn lấy một cái bong bóng và thổi. Thổi theo cách của mình. Rồi mình treo nó lên. 

Mình sẽ nhặt một nhánh cây và khắc hình mặt cười lên đó. Nó vẫn là nhánh cây nhưng mặt cười là của riêng mình. Và cái cây có mặt cười đó sẽ để trong kho.

Khi có một cái kho trống, mình sẽ phải tự làm mọi thứ cho riêng mình. Nhưng mỗi khi đói, khát, khi cần trợ giúp, cần nguồn lực, công cụ… mình vẫn bước ra khỏi cái kho mà chọn lựa, tìm kiếm.
Mình sẽ đi đây đó để xem người khác làm gì với cái kho của họ.

Cái kho đầy mà trống rỗng thật đáng sợ.

Cái kho trống lại chứa đầy sự chờ mong. 

Nhất Bảo  (17/3/2015)