Trong quá trình công tác và tham dự các tập huấn về khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp, tôi có điều kiện tiếp xúc với các bạn sinh viên và những doanh nghiệp trẻ, qua đó thấy được khá nhiều "lầm tưởng" của các bạn sinh viên nói riêng và giới trẻ nói chung (ngay cả một số bạn đã có doanh nghiệp riêng) về khởi nghiệp và làm giàu.

Lầm tưởng #1: Khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh

Mấy năm gần đây từ khởi nghiệp (start-up) được dùng nhiều đến mức người ta mở một quán cà phê, một xe bánh mì, một quầy bánh tráng trộn cũng tự gọi là khởi nghiệp. Tôi không phải đang chê các ví dụ nói trên về mặt quy mô của việc kinh doanh của họ, vấn đề ở đây chỉ là khái niệm khởi nghiệp được dùng chưa chính xác mà thôi.

Trong một cuộc điều tra nhỏ, tôi hỏi các bạn sinh viên về ý tưởng "quán cà phê khởi nghiệp", rằng theo các bạn thì đến quán cà phê này bạn có thể nhận được lợi ích gì, không ít bạn trả lời rằng đến "cà phê khởi nghiệp" sẽ được ... giới thiệu việc làm.

Khi một người bắt đầu sản xuất, mua bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, ta gọi đó là khởi sự kinh doanh (to do business, to start an entrepreneurship): mở quán cơm, mở khách sạn, dịch vụ photocopy, trung tâm dạy tiếng Anh... những mô hình tương tự với những thứ đã và đang hoạt động, đầu tư tiền bạc, thời gian, chất xám... để sinh lợi gọi chung là khởi sự kinh doanh.


Việc khởi sự kinh doanh được gọi là start-up khi: 1. Quá trình kinh doanh ở giai đoạn bắt đầu; 2. Phải có một hoặc nhiều yếu tố sau: sáng tạo, mới lạ, ứng dụng khoa học công nghệ mới hoặc tạo ra hình thức kinh doanh mới, phân khúc thị trường mới...

Một điểm khác biệt giữa khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp là ở khâu đầu vào của kế hoạch kinh doanh, khởi sự kinh doanh dựa vào những nguồn lực nội tại từ chủ doanh nghiệp là chính (ý tưởng, mối quan hệ, vốn...) trong khi đó khởi nghiệp dựa vào chính là giá trị khác biệt mà họ có thể tạo ra (core value, "bird in hand"), từ đó mới kêu gọi vốn (từ các nhà đầu tư thiên thần (angel investors), quỹ đầu tư mạo hiểm và các mối quan hệ khác).

Ở đầu ra cũng lại có sự khác biệt: các doanh nghiệp khởi sự kinh doanh cung cấp sản phẩm, dịch vụ mà thị trường cần, nhưng là những cái đã có với chất lượng và giá cả phù hợp, cạnh tranh với các sản phẩm, dịch vụ cùng phân khúc khách hàng, cùng thị trường tiêu thụ. Trong khi start-up đưa ra sản phẩm, dịch vụ mới, tập trung chủ yếu giải quyết những nhu cầu của khách hàng còn chưa được giải quyết (jobs to be done) với giá cả và chất lượng hoàn toàn mới.

Lầm tưởng #2: Làm chủ, không làm thuê

Với "hiện tượng" khởi nghiệp hiện nay, càng lúc càng có nhiều sinh viên bỏ học, hoặc ra trường rồi bỏ bằng đại học để "khởi nghiệp". Các bạn xem thường việc đi làm thuê với tư tưởng "nếu bạn không tự xây ước mơ của mình, người khác sẽ thuê bạn xây ước mơ của họ" (Tony Gaskins). Điều đó đúng, nhưng ước mơ của bạn là gì? Chỉ muốn là một chủ doanh nghiệp, là một doanh nhân start-up dù không có gì khác trong tay?
Làm chủ tất nhiên oai hơn làm thuê, nhưng quan trọng là làm điều gì phù hợp với bản thân bạn mới là tốt nhất. Làm thuê có ngày nghỉ, có người trả lương, có thể học hỏi kinh nghiệm, thất bại cùng lắm là mất việc. Làm chủ trăm nghìn thứ phải lo. Nếu bạn chỉ muốn sở hữu một công việc kinh doanh riêng, chỉ muốn làm doanh nhân, thì trừ khi nhà bạn quá giàu, hãy nghĩ lại.

Khởi sự kinh doanh cũng tốt, khởi nghiệp cũng được, vấn đề là bạn cần tìm hiểu kỹ càng và chính xác công việc mình đang muốn làm, và xem bản thân có đáp ứng hay chưa. Nếu chưa có "bird in hand" nào để tạo ra giá trị mới, chưa giải quyết được "job to be done" nào cho khách hàng tiềm năng, thì cần nghiên cứu tiếp.
Làm thuê với mức lương xứng đáng, phúc lợi tốt, có thời gian để dành cho những sở thích, đam mê, gia đình, bè bạn... chẳng phải thoải mái hơn sao? Ai cũng làm chủ thì ai làm thuê chứ?

Lầm tưởng #3: NGU (Never Give Up)

Bạn có một ý tưởng kinh doanh mới lạ, độc đáo, đột phá, chưa từng có... Bạn tạo ra một phần mềm ưu việt, tiện lợi, hỗ trợ khách hàng giải quyết vấn đề tuyệt vời nhất... Bạn sản xuất ra một sản phẩm mà ai cũng sẽ muốn mua.. Và bạn nghĩ rằng bạn nhất định phải thành công với nó! Bạn sẽ kiên trì theo đuổi và không bao giờ từ bỏ? Đó chính là hành trình của nhiều start-up từ bàn tay trắng làm nên nợ nần.

Có lẽ ở lần thứ 1000, 10.000 bạn sẽ thành công đó, nhưng mất bao lâu để đến được đó, và bạn có tiền, có đồng sự cùng đi sao?

Sự thật là, để khởi nghiệp cần phải tranh thủ kiểm chứng ý tưởng, sản phẩm, dịch vụ của mình để nếu có thất bại thì phải thất bại một cách nhanh chóng và ít tổn thất nhất! Đó là tinh thần fail fast trong khởi nghiệp.

Nguồn ảnh: knowledgehut blog

Khi sản phẩm, dịch vụ của ta còn trong giai đoạn ý tưởng, nó luôn luôn tuyệt vời. Nhưng mọi thứ đều phải được kiểm chứng bằng thực tiễn, dựa vào đánh giá của khách hàng, sự tiếp nhận của thị trường...

Đừng bao giờ cho rằng một sản phẩm, dịch vụ của mình đưa ra thì nhất định phải thành công. Đừng dồn tất cả trứng vào một rổ, đừng cược mọi thứ trong một ván.

Build - Measure - Learn

Thay vào đó, hãy lập kế hoạch, chuẩn bị tốt, đưa vào thử nghiệm, rút ra bài học, cải tiến sản phẩm, tiếp tục thử nghiệm... cho đến khi giải quyết được nhu cầu của khách hàng, được thị trường tiếp nhận. Trong quá trình đó, có thể sản phẩm, dịch vụ của bạn đã trở thành một thứ hoàn toàn khác so với ý tưởng ban đầu. Hãy ứng dụng mô hình Build - Measure - Learn như trên. Đừng NGU mà hãy luôn thay đổi để phù hợp và phát triển. Sản phẩm bán được cho khách hàng là sản phẩm tốt cho doanh nghiệp (chưa bàn khía cạnh đạo đức kinh doanh).

Trên đây là 3 lầm tưởng cơ bản của sinh viên và các bạn trẻ khởi nghiệp mà tôi quan sát được, xin chia sẻ cùng các bạn.

Dù có khởi nghiệp hay không, làm chủ hay làm thuê, mong bạn luôn có nhiều may mắn và an vui.

Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo

Rất lâu trước đây mình có đọc một bài viết, đại ý là nhận thức của con người chỉ tự nhiên phát triển đến độ 13-14 tuổi gì đó, còn lại phần sau là do người đó tự chăm sóc, học hỏi mà nên. Bởi thế sự trưởng thành của mỗi người cần tự thân quan tâm và vun đắp là chính.

Vậy nên tuổi đời có thể không tỉ lệ thuận với sự trưởng thành, nếu như đó là một người bảo thủ, thích bám vào các khái niệm và đi theo đám đông để được an toàn.

Ngày trước có một quyển sách mà mình không nhớ nội dung nhưng vẫn luôn rất ấn tượng về cái tựa "Già quá sớm, khôn quá muộn".

Cũng vẫn là ngày trước, lúc mình mới ra đời, mới tiếp xúc internet, học hỏi được nhiều thứ mới, trở nên "mục hạ vô nhân", lại xem thường những người "có lớn mà không có khôn". Gần đây mình mới hối hận về thái độ đó.

Nếu chủ động học hỏi và quan sát bản thân, người ta sẽ trưởng thành, có thể trưởng thành hơn cả tuổi của mình, tuy nhiên cũng có rất nhiều điều mà chỉ có đi qua cuộc sống, thật sự trải qua, chỉ có thời gian và tuổi tác mới có thể mang lại cho một người.

Người ta có thể không chủ động học hỏi, không chủ động trưởng thành, cũng không nhận thức được thay đổi trong con người họ, nhưng đâu ai biết được một người đã thật sự trải qua những câu chuyện riêng gì?

Mình nghĩ một người càng trưởng thành thì càng hiểu rõ câu "Kính lão đắc thọ" vậy.

Nhất Bảo

Hồi tôi 18 tuổi, một ngày người yêu tôi bảo "Tự nhiên dạo này em cảm giác không muốn yêu ai nữa". Thế là tôi tự ái, hỏi ý em là gì, em muốn chia tay sao? Cô ấy xác nhận, thế là chia tay. Sau đó cũng vì tự ái, tôi từ chối khi cô ngỏ lời quay trở lại.

Ngày trước, tôi đả kích rất nhiều thứ mình không hiểu. Chẳng hạn như tôi không hiểu được vì sao người ta có thể chủ động chia tay trong khi vẫn còn yêu. Quá vô lí. Làm sao có thể khi hai người vẫn yêu nhau, nhưng một người lại lựa chọn từ bỏ vì nghĩ đó là điều tốt hơn cho cả hai? Không phải việc "có nhau" là tốt nhất hay sao? Bỏ đi cái tốt nhất thì làm sao còn tốt hơn được? Ngày đó tôi cho rằng tốt nhất vẫn là còn yêu thì phải luôn cố gắng ở bên nhau.

Rất nhiều thứ khác tôi có thể thấy, có thể lí giải, nhưng không thể hiểu (hay nói đúng hơn là "cảm") được cảm giác của những người trong cuộc khi họ lựa chọn, hành động theo cách họ đã làm.

Tôi không hiểu sao người ta cứ phải thể hiện mình thế này, thế khác để được người khác công nhận, tung hô, trong khi sự tung hô đó cũng chỉ là đầu môi, giả dối. Tôi không hiểu sao người ta lựa chọn từ bỏ cuộc sống của mình, dù có gì xảy ra thì không phải còn sống là vẫn còn có thể làm khác đi sao? Tôi không hiểu sao những cặp đôi hoàn hảo lại chia tay. Tôi không hiểu vì sao người ta có thể đi copy bài viết, thơ văn của người khác xong ký tên và tự nhận đó là của mình. Tôi không hiểu sao người ta có thể lừa dối nhau vì những chuyện rất nhỏ, rời bỏ nhau dù chẳng có chuyện gì...

Sau này, có đôi lần chính tôi rơi vào những trạng huống mà tôi cho là vô lí nhất, qua đó tôi hiểu rằng một điều gì đó khi đã xảy ra, thì dù xuất phát từ nguyên nhân gì, kết quả gì đi nữa, nó cũng là một tồn tại. Có nhiều chuyện khi nó đã xảy ra thì tất cả phân tích hay phán xét cũng chỉ là những thứ đến sau..

Thế nên tôi bớt công kích và nói về những điều mình chưa từng trải, có chăng cũng chỉ là cảm nhận, là suy nghĩ về điều đó, không phải là khẳng định hay phủ định, bởi vì cuộc đời này có rất nhiều điều xảy đến mà không cần phải hợp lí với ai, chỉ những người thật sự trải qua mới hiểu, hoặc không.

Một sáng thức dậy tự dưng muốn chia tay. Một ngày đẹp trời lại không thiết sống. Muốn bỏ đi thật xa. Muốn trộm cắp hay đốt nhà. Tất cả những ý muốn vô lí khác đều có thể xảy đến, chỉ là mình có chủ động tiếp nhận nó, từ chối nó, hoặc bị động tiếp nhận nó hay không.

Tôi dần tiếp nhận rằng mình không thể lí giải hết mọi sự, mà điều mình có thể "cảm" lại càng ít hơn, bởi vì khi chính mình ở trong những tình huống vô lí, có cảm xúc vô lí, làm ra những hành động vô lí, lại hoàn toàn hợp lí, hoặc không quan tâm lí là cái gì luôn.

Có rất nhiều điều chỉ có chân chính trải qua mới rõ. Mà cuộc đời thì quá ngắn. Than ôi.

Nhất Bảo
No automatic alt text available.

Chẳng mấy khi chúng ta đủ kiên trì để hỏi chính bản thân câu hỏi đó. Thay vào đó, ta hỏi thầy bói, pháp sư, hoặc các app trên Facebook kiểu "cuộc đời bạn màu gì"... kiểu để nghe cho vui, rồi quên, rồi thôi.

Mấy hôm nay tôi dự một khóa học, giảng viên cũng hỏi mọi người câu hỏi đó: mục tiêu cuộc đời bạn là gì? Theo anh thì mỗi người đều nên thiết lập một mục tiêu để vươn tới trong đời, để mang đến ý nghĩa cho cuộc đời mình. Cách xác định mục tiêu đúng đắn như sau: Mục tiêu hợp lí của cuộc đời sẽ được chọn trong tập hợp con là giao của ba tập hợp: điều bạn thích nhất + điều bạn làm tốt nhất + điều xã hội cần.

Theo tôi đó là một cách hay, thực tế là tôi cũng hướng dẫn một số bạn trẻ xác định theo cách đó, nhưng vấn đề phát sinh nhiều lắm: điều mình thích thì mình không giỏi, điều mình giỏi thì xã hội không cần, điều xã hội cần thì mình không thích... Ba tập hợp kia không phải lúc nào cũng giao nhau, và không phải tập hợp những điều giỏi, điều thích của mỗi người đều đủ lớn. Điều bạn làm giỏi nhất là hát, nhưng không đủ để trở thành ca sĩ, đại khái vậy.

Thế thì điều kiện cần thiết để khiến một người trở nên thành công là gì? Kiên trì. Điều này tôi cũng đồng ý với giảng viên. Chỉ cần kiên trì thì sẽ có lúc thành công. Có thể thành công lớn hay nhỏ, ở tuổi 20 hay tuổi 70, còn tùy, nhưng không có kiên trì thì không bao giờ thành công được.

Lại nói về sự thay đổi. Giảng viên hướng dẫn cho một học viên cách thay đổi bản thân, bằng việc lấy đà rất nhỏ. Ví dụ như học viên có thói quen thức dậy lúc 6h30, thì lần đầu tiên thay đổi là 6h27. Vừa đến đó thì có người bảo: nếu vậy chắc tới năm sau em mới thức được lúc 6h. Có thể lắm, nhưng nếu không làm thì năm sau bạn vẫn thức dậy lúc 6h30 như cũ. Ví dụ này có rất nhiều. Nhiều người hỏi tôi cách học tiếng Anh, tôi chỉ dẫn xong thì lại hỏi có cách nào nhanh hơn không. Tôi bảo cứ kiên trì đi rồi vài tháng hoặc 1 năm sau em sẽ giỏi. Họ im lặng cho qua rồi 2-3 năm sau vẫn như cũ, thậm chí quên hết luôn rồi.

Quay lại mục tiêu cuộc đời. Giảng viên hỏi: thế các anh chị đã biết cách xác định mục tiêu, các anh chị có muốn thay đổi, hoặc đặt ra mục tiêu cho đời mình theo cách này không? Tôi nghe một câu trả lời thật nhỏ: Với tôi thì quá muộn rồi.

Theo bạn, người trả lời "với tôi thì quá muộn" kia bao nhiêu tuổi? Người đó lớn hay nhỏ hơn bạn? Còn với bạn thì sao?

Nếu đặt ra mục tiêu, tìm ra lẽ sống cho đời mình là quá muộn, thì phần còn lại của cuộc đời này, ta định dùng để làm gì đây?

Nhất Bảo