Nói về “sợ hãi” – Được, mất và cách đối mặt với nỗi sợ

Leave a Comment

Con người chúng ta, nếu hỏi 100 người rằng họ có sợ điều gì không thì 99 người sẽ đáp là có, hoặc có rất nhiều, còn một người còn lại là người đủ “can đảm” để nói dối. Cũng có thể có những người chưa thật sự biết sợ điều gì, nhưng đó là vì họ thật sự đã đối mặt với quá ít điều trong cuộc sống mà thôi. Tôi cũng từng nghĩ mình là người chẳng sợ điều gì cả, sau này tôi nhận ra điều ngược lại, rằng mình sợ nhiều thứ lắm, chỉ là cố tình phớt lờ chúng đi thôi. Trong bài viết này tôi xin chia sẻ đôi điều về nỗi sợ hay sự sợ hãi trong mỗi người chúng ta. Sợ hãi là gì? Ta được, mất gì khi sợ hãi? Và ta nên làm gì với nỗi sợ của chính mình.

Sợ hãi là gì?

Sợ hãi hay nỗi sợ là khả năng cảm nhận nguy hiểm, là cảm giác bị đe dọa bởi một mối hiểm họa hay một nguy cơ nào đó. Ở đây tôi gộp chung cả “lo lắng” vào, nghĩa là cảm giác bất an vì một khả năng mình chưa biết có xảy ra hay không, hoặc có khi chỉ là trong tưởng tượng. Ví dụ như sợ chuột, sợ rắn, sợ ma, sợ bóng tối, sợ thất bại, lo lắng khi đứng trước đám đông, sợ ba mẹ buồn vì bị điểm kém…

Như vậy, từ “sợ hãi” hay “nỗi sợ” tôi dùng trong bài này là để chỉ tất cả những điều vừa nêu trên.

Được gì từ nỗi sợ?

Tính cảnh giác, sự an toàn: Một người không biết sợ là gì sẽ dễ dàng hơn trong việc mạo hiểm đối mặt với những nguy cơ mà nếu có nỗi sợ tồn tại thì họ sẽ cẩn thận hơn, chuẩn bị chu đáo hơn. Sợ tốc độ cao thì ta sẽ không đua xe, lạng lách trên đường phố. Sợ rắn thì khi đi vào những vùng có bụi rậm ta sẽ cẩn thận quan sát hơn. Sợ bị mất trộm thì ta sẽ kiểm tra cửa nẻo kỹ càng hơn khi ra khỏi nhà…

Một nguồn động lực: Đôi khi sợ hãi cũng là một thứ động lực để người ta hoàn thiện bản thân mình hơn, hoàn thành những công việc còn dang dở. Sợ bị điểm kém nên phải học bài. Sợ người yêu bỏ nên quan tâm, chăm sóc người yêu và chú ý hoàn thiện bản thân mình hơn…

Và mất gì?

Mất kiểm soát: Sợ hãi là một cảm giác tiêu cực, khi sợ ta thường phóng đại vấn đề lên rất nhiều lần và mất khả năng tập trung, không dám đối mặt với vấn đề đó. Ví dụ một người sợ chó khi gặp một con chó dù không biết hiền hay dữ cũng rất sợ, không dám đến gần hoặc tệ hơn là bỏ chạy. Hay một người sợ ma có thể sẽ mất ngủ nếu giật mình giữa đêm, một mình trong phòng tối. Lúc này nỗi sợ đã kiểm soát người đó hoàn toàn.

Càng sợ càng mất: Nỗi sợ nếu không làm chúng ta mất khả năng phản ứng thì cũng có thể dẫn ta đến những hành vi tiêu cực khiến dẫn đến những kết quả tai hại hơn nhiều lần so với bình thường.
Đơn cử như việc nói dối để che lấp lỗi lầm. Do ta sợ rằng lỗi lầm đó một khi bị phát hiện sẽ dẫn đến một kết quả không mong muốn, nên ta tìm cách che dấu nó, và trong quá trình đó lại càng làm cho tình hình tệ hơn rất nhiều lần. Một đứa bé bị điểm kém, sợ cha mẹ buồn nên tìm cách giấu đi. Được một lần thì có lần hai, lần ba… nhưng đến cuối cùng kết quả cả năm đâu thể nào giấu được nữa. Lúc đó thì cha mẹ càng buồn nhiều hơn, không chỉ vì con học kém mà quan trọng nhất chính là sự không trung thực của con.

Nếu đứa bé nói ra ngay từ đầu, có thể cha mẹ không trách mà còn động viên, tìm hiểu và giúp con vươn lên trong học tập. Nếu có rầy la hay đánh đòn thì chuyện đó cũng rất nhỏ so với dẫn đến hậu quả cuối cùng kia. Hay là giữa hai người yêu nhau cũng vậy. Ban đầu giấu nhau một việc nhỏ gì đó vì sợ người kia “hiểu lầm” hay buồn giận, dần dần sa chân vào vũng bùn không rút ra được nữa, lỗi lầm ngày càng lớn đến nỗi chẳng thể nói ra. Nhưng có việc gì là giấu được mãi đâu. Đến khi vỡ lở ra thì quá nhiều đau khổ. Phải chi… Ôi, phải chi… Trên đời làm gì có bán thuốc hối hận chứ!

Đối mặt với nỗi sợ ra sao?

Tìm cách để tiêu diệt hoàn toàn nỗi sợ hay luyện tập để không biết sợ là điều không tưởng. Nếu không còn chút sợ hãi nào có lẽ cũng đồng nghĩa với không còn cảm giác. Cách tốt nhất mà tôi biết là nhận diện những nỗi sợ của mình và đối mặt với nó khi cần thiết.

Hồi nhỏ tôi sợ ma lắm, chắc là chẳng mấy ai không sợ ma đâu nhỉ. Tuy chưa bao giờ gặp ma nhưng tôi nghe kể nhiều chuyện về ma, và cộng với trí tưởng tượng của mình thì xung quanh tôi chỗ nào cũng có ma cả. Tôi không dám nhìn vào gương vì sợ đứa trong đó nhìn ra không phải là mình. Đôi lúc đánh răng hay rửa mặt tôi cũng ráng nhìn qua loa rồi quay đi, vì sợ cái bóng kia nó cười với tôi. Tôi không dám nhìn cửa sổ vì sợ có một bóng trắng nào đó lướt qua. Tôi không dám nhìn xuống gầm giường… không dám nhiều thứ lắm, nhưng kể mãi thì thành dọa ma các bạn không hay.

Và tôi vượt qua cái “thế giới đầy ma” đó bằng cách như sau: Mỗi tối khi tắt đèn đi ngủ, tôi chui nhanh vào mùng và tấn thật kỹ, không để một khe hở nào. Tôi cho rằng cái mùng là một thứ mà ma không thể đi vào, chỉ cần tôi ở bên trong là an toàn tuyệt đối. Tới lúc tôi tin điều đó hoàn toàn là lúc tôi ngủ ngon đến sáng. Rồi dần tôi nghe người ta nói là trong nhà có thổ địa, ông táo và các vị thần khác trông chừng nên ma không vào được. Thế là tôi an toàn khi ở trong nhà mình.

Những lúc phải đi ra đường vào khoảng 4-5 giờ sáng hay 10-11 giờ đêm, không còn cách nào, liều mạng thôi. Tôi tự cho mình là siêu anh hùng có thể chống lại mọi con ma nếu nó xuất hiện, chỉ cần tôi cảnh giác. Tôi đi vừa đủ nhanh và chú ý mọi động tĩnh xung quanh, nhìn kỹ mọi lùm cây, bụi cỏ và… sẵn sàng chiến đấu. Thế thôi, với mấy niềm tin tự tạo ra để đối nghịch với nỗi sợ như vậy là tôi bình yên vượt qua thời thơ ấu của thế giới ma.

“Nếu tin vào sức mạnh nhiều hơn tin vào nỗi sợ thì ta sẽ không còn sợ nữa.” – Nhất Bảo.

Nếu nỗi sợ là một vấn đề có thật, thì cách giải quyết là làm quen với nó. Ví dụ nếu bạn sợ chó, hãy đến chạm vào những con chó, có thể bắt đầu bằng những con chó nhỏ, dễ thương, bắt đầu bằng việc chạm một cái nhẹ rồi run cầm cập cả ngày, hôm sau chạm lâu hơn một chút… Khi làm quen với nỗi sợ thì nó cũng như bạn ta thôi!

Hãy nghiên cứu về những thứ làm bạn sợ hãi, hay là triệu chứng tâm lý của việc sợ một điều gì đó. Ngày nay khoa học cũng như thông tin rất phát triển rồi, họ có thể chỉ ra nhiều nguyên nhân và cách giải quyết. Nếu bạn chịu tìm hiểu và hiểu rõ về một vấn đề nào đó (ví dụ như hồn ma chẳng hạn) thì bạn sẽ bớt sợ đi, kết hợp với các phương pháp khác sẽ giúp bạn tự tin đối mặt với nỗi sợ của mình. Người ta sợ nhất là những gì họ không biết!

Hãy ý thức rằng nỗi sợ không phải là chính bạn. Hãy phân biệt nó nhưng một cảm giác riêng lẻ xuất hiện trong đầu bạn, đừng để nó điều khiển bạn. Có thể bạn chẳng bao giờ hết sợ, nỗi sợ luôn thường trực ở đó, nhưng bạn nhận ra nó và hành động cùng với nó. Có câu nói rằng: “Can đảm không phải là không biết sợ, mà là hành động bất chấp nỗi sợ đó.”

Mong rằng bài viết này có thể giúp bạn thêm một phần tự tin để đối mặt với những nỗi sợ hãi của mình. Quan trọng nhất tôi muốn khuyên bạn rằng đừng bao giờ vì sợ hãi mà nói dối, đó chỉ làm cho vấn đề nghiêm trọng thêm thôi. Hãy đối mặt và giải quyết nó!

Cố lên, hãy là một chiến binh dũng cảm – người vượt lên nỗi sợ của chính mình!

Về việc phân biệt “nỗi sợ” và “bạn”, mời đọc thêm bài viết “Kiểm soát cái tôi, thả trôi cơn giận”

Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo

0 comments:

Post a Comment