Làm thế nào để kiểm soát, làm chủ cơn giận?
Mặc dù phương pháp này không giúp giải quyết tận gốc vấn đề, vì cơn giận vẫn còn đó, và đôi lúc ta không đủ mạnh để kiểm soát thì nó vẫn bộc phát gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng tôi vẫn muốn giới thiệu qua một chút để các bạn thực hành nếu chưa thành công với cách khó hơn. Để kiểm soát cơn giận, có thể làm một hoặc tất cả các bước sau:- Hít thở:Tìm một nơi an tĩnh, không khí trong lành, hít thật sâu, cho hơi thở đi xuống bụng, theo dõi đường đi của hơi thở và cảm nhận sự thoải mái của việc hít thở không khí, và thở ra. Cố gắng tập trung vào hơi thở và bỏ cơn giận qua một bên
- Đọc thần chú:Tự nói lầm thầm với chính mình “không được giận” “chuyện này không đáng”… hoặc là đọc một từ duy nhất OMMMMM (kéo dài phụ âm M). Người ta cho rằng việc đọc từ OM với âm M kéo dài có thể giúp thư giãn đầu óc.
- Hướng đến những điều khiến bạn mỉm cười: Mở điện thoại ra xem ảnh người yêu, con cái, hoặc nhìn ngắm diễn viên bạn yêu thích, hoặc ảnh chụp thú cưng, ngôi nhà của bạn…
- Tập thể dục: Tập vài động tác thể dục nhẹ như xoay cánh tay, xoay cổ, xoay hông…
- Sử dụng óc hài hước: Nên tìm đọc nhiều truyện cười một chút, đôi khi những tình huống căng thẳng có thể hóa giải chỉ bằng một câu nói gây cười.
- Tránh đi: Nếu dùng hết những bước trên vẫn không thể kiềm chế cơn giận thì bạn nên tạm thời tránh mặt, rời xa nơi xảy ra vấn đề và quay lại khi đủ bình tĩnh.
Cái tôi có vai trò gì?
Bài viết này không phải nói về cái tôi, tôi chỉ muốn nói những khía cạnh mà cái tôi ảnh hưởng đến cơn giận. Theo tôi: Cái tôi là tất cả những gì thuộc về vật chất hay tinh thần mà mỗi con người đồng hóa chính mình với nó, hóa thân vào nó. Và cơn giận xuất hiện khi ta cảm nhận được cái tôi của mình bị xâm phạm.Cái tôi có thể là những gì rất gần gũi, như là thân thể của ta. Trong đám đông chen lấn, một ai đó đạp chân ta mà không xin lỗi, ta giận. Cái tôi có thể là cái gì đó rất ý nghĩa, như cái tên ta chẳng hạn: Ví dụ như tôi đang đi ngang một dãy phòng trọ, và có ai đó lớn tiếng nói: “Ê, thằng Bảo cà chớn kìa tụi bây” hoặc câu gì đó tương tự thế là tôi giận dữ nhìn quanh xem thằng nào nói… Hoặc ai đó mà tôi quen post lên facebook của họ một dòng status bâng quơ: “Mấy người tên B là không tin được, gian lắm…” là tôi cho rằng họ đang nói mình, lại giận.
Cái tôi có thể rộng hơn như là ngôi nhà tôi ở, mảnh sân trước nhà, ngôi trường tôi học, vùng quê tôi sống… hoặc trừu tượng hơn như là những ý kiến của tôi nói ra. Ví dụ như có ai đó đọc bài này xong phán là: “Bài gì nhạt nhẽo, chả có gì hay” thì tôi giận ngay và luôn!
Qua một số ví dụ trên có thể nói: Cái tôi của ta càng lớn, bao trùm càng nhiều thứ thì ta càng dễ bị chọc giận. Nhưng nhìn kỹ lại mà xem, những thứ đó có phải là ta hay không? Cái tôi đó là giả. Ý kiến, quan điểm không phải là ta, ngôi nhà, ngôi trường không phải là ta, chữ B hay tên Bảo cũng không phải là ta. Thu hẹp cái tôi lại. Càng thu hẹp thì ta càng khó giận dữ và nếu bỏ luôn cái tôi thì ta chẳng bao giờ giận ai nữa hết.
Nên nhớ rằng không giận không phải là hèn nhát, ta vẫn ứng xử lại những tác nhân bên ngoài, nhưng bằng thái độ bình tĩnh, hòa nhã chứ không phải ứng xử trong cơn giận.
Thả trôi cơn giận
Cũng giống như khái niệm ở trên về việc đồng hóa bản thân mình với những thứ xung quanh hình thành nên cái tôi. Mối quan hệ giữa ta và cơn giận cũng vậy, khi giận, ta cũng đồng hóa chính mình với nó. Ta thường nói: “Tao đang giận” hay “Tao giận mày lắm”, chứ không ai nói “Tao đang cảm thấy có một cơn giận xuất hiện trong tâm.”
Có một cách khác để tránh những cơn giận đó chính là nhận dạng, gọi tên nó và buông cho nó trôi đi. Để làm điều này, khi gặp phải tình huống khiến ta giận dữ, hãy nhắm mắt lại, hít thở thật sâu và theo dõi hơi thở, sau đó nhìn vào tâm trí ta xem những suy nghĩ nào đang tự do chạy nhảy trong đó: “Nó sốc mình” “Nó chửi mình” “Mình phải chửi lại” “Bà mẹ nó”… nhiều, nhiều lắm. Mỗi khi cảm thấy mất bình tĩnh thì ngừng quan sát lại và theo dõi hơi thở, hít sâu.. rồi quay lại quan sát cơn giận. Tự ý thức điều đó “Ta đang quan sát cơn giận trong tâm ta”.
Đây là một điều đơn giản, nhưng không hề dễ dàng. Cứ thực hành mỗi khi bạn thấy cảm thấy giận, dần dần cho đến khi cơn giận vừa nổi lên là bạn nhận ngay ra “trong tâm ta lại nổi lên một cơn giận”. Khi đó, hãy tiến vào nội tâm và nói: “Chào cơn giận, lâu ngày mới gặp lại, đi thong thả nhe”. Giận dữ là một thứ cảm giác rất kỳ lạ, nếu bạn nhận ra nó, gọi tên nó thì nó chạy mất ngay.
Khi đã ý thức được ta và cơn giận không phải là một, chẳng liên quan gì nhau thì không cần phải kiểm soát nó nữa, không cần níu kéo mà cứ việc thả cho nó trôi đi.
Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo
0 comments:
Post a Comment