Thành công là gì?
Điều này tùy vào khả năng và tầm nhìn của từng cá nhân. Với một người bình thường, sở hữu tài sản một triệu Mỹ kim đã là thành công rực rỡ, nhưng với Bill Gates hay Warren Buffett thì đó lại gần như táng gia bại sản. Có lần, một người anh đã nói với tôi khái niệm này: “Người thành công là người có đủ thời gian và tiền bạc để làm điều mình muốn.”
Tôi thấy rằng nếu đó là khái niệm của người thành công thì đó cũng là khái niệm của một người hạnh phúc. Nhưng có vẻ như với người trẻ thì hạnh phúc là cái gì đó quá mơ hồ, quá “ảo”, không thực tế, họ cần thành công hơn. Sao cũng được, dù cho khái niệm thành công của bạn là gì thì những nhân tố dưới đây vẫn rất cần cho bạn.
Bước 1: Bắt đầu từ đam mê
Tôi tin rằng không một người thành công nào lại không hạnh phúc với việc họ đang làm. Và muốn hạnh phúc với công việc thì 99% là đó phải là việc mà bạn thật sự đam mê. Trước khi lên đường, hãy xác định xem mình muốn đi đâu, hãy tìm kiếm đam mê thật sự của bạn. Tôi không thể chỉ cho bạn đi đâu tìm đam mê, hãy làm nhiều thứ, học hỏi nhiều và lưu tâm nhiều hơn nữa. Đặc điểm dễ nhận biết của đam mê chính là khi bạn làm việc cùng nó bạn sẽ không mệt mỏi, không chán nản, bạn sẽ có một nguồn năng lượng vô tận. Tuy nhiên cũng có những sai lầm và lưu ý cần thiết khác.
Về đam mê, tôi đã viết bài “Đam mê là gì? Làm sao để giữ lửa đam mê”.
Bước 2: Nhận mọi trách nhiệm về mình!
Bỏ qua tất cả mọi lý do, may rủi, cơ hội, bất công… đến từ môi trường, xã hội, thiên nhiên hay người nào khác. Hãy tự chịu trách nhiệm cho cuộc đời mình chính là bước tiếp theo của con đường dẫn tới thành công. Trong tất cả mọi vấn đề, hãy xác định vị trí và vai trò của bạn trong đó và làm tốt nhất trong khả năng hay vượt ngoài khả năng của bạn. Những yếu tố bên ngoài cũng có tác động và ảnh hưởng nhưng bạn chỉ kiểm soát được các yếu tố bên trong mình mà thôi. Nếu bạn đặt vấn đề của mình lên người khác hay yếu tố khác, vấn đề sẽ không bao giờ được giải quyết!
Đọc thêm bài “Hãy tự gánh mình lên để trưởng thành”
Bước 3: Không ngừng học hỏi: Quy tắc 80-20 và “Eat that frog”
Nếu xem hai bước vừa nêu trên là nền tảng vững chắc thì bước này là ngôi nhà cho thành công của bạn. Có rất nhiều thứ phải học, tùy vào từng người, từng lĩnh vực. Ở đây tôi xin giới thiệu hai vấn đề có ảnh hưởng đến tất cả mọi ngành nghề cũng như đam mê.
- Quy tắc 80-20: Đây là quy tắc do một nhà kinh tế học người Ý tên là Vilfredo Pareto lập ra dựa trên cơ sở các số liệu khảo sát về nhiều lĩnh vực. Quy tắc này nói rằng tầm quan trọng của 20% thiểu số chiếm 80% về mức độ quan trọng của vấn đề. Ví dụ như 20% dân số thế giới nắm giữ 80% tổng tài sản của thế giới; 20% nhân viên sale của một công ty bán được 80% tổng số hàng bán ra mỗi tháng của công ty đó.
Điều đó cũng có nghĩa là nếu xem tất cả những việc bạn phải làm, dự định làm là 100% thì 20% trong tổng số công việc tạo ra 80% tổng hiệu quả. Hiệu quả ở đây không phải chỉ là thu nhập mà còn nhiều yếu tố khác như cơ hội phát triển, tăng tiến kỹ năng của bản thân hay lên lương, lên chức…
Áp dụng vào quá trình lập kế hoạch của bản thân, hãy dành thời gian và sức lực của bạn ưu tiên cho 20% công việc quan trọng nhất để thu được hiệu quả cao nhất.
- Eat that frog: Đây là tên một quyển sách của tác giả Brian Tracy rất nổi tiếng. Nội dung của nó là chỉ cho bạn cách nào để thoát khỏi sự trì hoãn (procrastination) và làm việc hiệu quả hơn. Brian Tracy nói rằng: “Nếu công việc hàng ngày của bạn là phải ăn một con ếch sống, thì hãy chọn con to nhất, xấu xí nhất để ăn trước tiên”.
Nếu bạn chỉ lo ăn những con nhỏ trước, thì mối lo lắng về con ếch to lớn và xấu xí kia sẽ ám ảnh và đè nặng bạn cả ngày, rồi bạn cũng chẳng còn sức lực để mà ăn nó nữa. Thế là trì hoãn. Giải quyết được mối lo lớn nhất trong ngày khiến bạn thêm thoải mái, có thêm năng lượng và tự tin để làm những việc tiếp theo. Thêm vào đó, nếu bạn không đủ sức hay thời gian để làm tiếp, thì công việc quan trọng nhất đã hoàn thành, những việc khác có bỏ lỡ cũng không tổn thất nhiều. Hãy tìm đọc “Eat that frog” (bản tiếng Việt là “Để hiệu quả trong công việc”) của Brian Tracy để biết thêm nhé.
Tóm lại bước ba: Hãy không ngừng học hỏi.
Bước 4: Hành động!
Đến bước này, bạn gần như đã có đủ tất cả mọi hành trang cần thiết. Nhưng bạn sẽ không bao giờ đến đích nếu chẳng chịu bước đi! Hãy hành động, hành động mới là yếu tố quan trọng nhất của thành công, nó là thứ biến những công thức và lý thuyết, ước mơ và hi vọng của bạn thành hiện thực.
Hãy tập cho mình những thói quen tốt. Sở dĩ chúng ta trì hoãn, lười nhác, lo sợ… là do trong quá trình lớn lên ta mang theo nhiều thói quen xấu. Những thói quen xấu không thể bỏ đi một cách bình thường được, cách tốt nhất là thay thế nó bằng những thói quen tốt! Một thói quen tốt có thể được hình thành bằng việc lặp đi lặp lại thói quen đó trong vòng 30 ngày. Hãy kiên trì và tập thêm nhiều thói quen tốt.
Lời kết
Vấn đề còn rất nhiều, nhiều lắm. Nhưng nếu bạn đã đi được bốn bước trên thì bạn đã biết con đường của mình, có những dự định và cách làm của riêng bạn, tôi không còn vai trò gì ở đây nữa. Bạn sẽ gặp nhiều thất bại, nhưng bạn sẽ không nản lòng nếu bạn có đủ đam mê, thất bại sẽ chỉ là những bài học.
“Nếu bạn thấy tôi nói điều gì đó đúng, không hẳn là do tôi giỏi đâu, có khi chỉ là do tôi đã thất bại quá nhiều lần.” – Nhất Bảo
0 comments:
Post a Comment