Khi yêu, ai chẳng muốn được yêu?

Leave a Comment

Trong cuộc đời chúng ta, đau khổ thường bắt nguồn từ “không biết” và “nhầm lẫn”. Người ta nói yêu là khổ, nhưng thật ra đó là phiên bản rút gọn của câu: “Yêu là chấp nhận chịu khổ trong vui sướng.” Ai chà, nghe có vẻ biến thái quá nhỉ, thôi quay lại với tiêu đề. Khi yêu, ai chẳng muốn được yêu? Nghĩa là khi ta yêu một người thì ta muốn được họ yêu lại, hay là cảm giác mong chờ, ham muốn tình yêu của một người nào đó mới là yêu? Nghe thì có vẻ hợp lý thật: ai lại không muốn người mình yêu yêu lại mình đâu chứ?! Nhưng đây là một sự nhầm lẫn, chính nó là một phần nguyên nhân gây đau khổ trong tình yêu. “Yêu” và “muốn được yêu” không giống nhau, cũng chẳng liên quan hay có họ hàng gì với nhau cả.

Lúc mới yêu…

 “Những kẻ đang yêu thường quá bận yêu đến nỗi họ cảm thấy định nghĩa tình yêu là một thứ gì vô nghĩa lắm.” – Nhất Bảo

Vậy đó, khi mới vào yêu, mới cảm nhận những rung động của con tim và mơ màng trong ảo mộng tình yêu, thế giới trở nên tuyệt vời đến nỗi chẳng ai còn muốn tỉnh. Tỉnh táo chẳng có nghĩa lý gì với tình yêu cả. Xuân Diệu nói:

“Đố ai định nghĩa được tình yêu,
Có nghĩa gì đâu một buổi chiều,
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt,
Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu”

Xuân Diệu nhìn buổi chiều tà, nắng nhạt và mây, và gió cũng thấy tình yêu trong đó. Còn Xuân Quỳnh nhìn sóng:

“Sóng bắt đầu từ gió,
Gió bắt đầu từ đâu,
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau”

Có thể ta không biết làm thơ hay làm văn để diễn tả tình yêu, nhưng chắc hẳn ai cũng có một tình yêu đẹp, dịu dàng và nên thơ như thế. Nhưng với phần lớn chúng ta thì đó chỉ là khúc dạo đầu êm ái cho đoạn đường đầy đau khổ phía sau thôi.

Rồi thì yêu…

Ta biết mình yêu một người khi ta bỗng dưng biết tất cả những nơi người đó thường tới, và ta cũng “tình cờ” có mặt tại đó, chỉ để trao nhau một ánh nhìn lướt qua, người ta thì chẳng biết ra sao chứ riêng ta thì mỗi ngày một lượt tình cờ là hạnh phúc.

Ta biết mình yêu một người khi ta biết tên tuổi, quê quán, tính tình, sở thích, ước mơ, tài năng, tật xấu… và cả những đặc điểm mà người đó không biết là họ có… ngay cả khi chưa thật sự trò chuyện lần nào.

Ta biết mình yêu một người khi ta bất chấp đám bạn thân, phim Hàn Quốc hay game online để được ở bên cạnh họ, dù rằng chỉ để nói những chuyện vu vơ. Ta đã nghĩ ra rất nhiều điều hay ho muốn nói nhưng khi gặp nhau lại chẳng nhớ được gì…

Ta biết mình yêu một người khi những lúc xa nhau, ta tự hỏi giờ này họ đang làm gì, vui, buồn ra sao. Ta luôn lo lắng và suy nghĩ cho người đó, và khi họ đáp lại sự lo lắng, quan tâm của ta dù chỉ bằng cách trả lời câu hỏi: “Đang ở đâu, làm gì vậy?”…

Nhiều, nhiều điều khác nữa, điểm chung của tình yêu lúc này là một thứ tình cảm nào đó mà ta mang đi trao tặng cho người ta yêu, có thể là nhớ, có thể là quan tâm hay lo lắng… nhưng đó là món quà, chỉ cần họ nhận là ta vui rồi. Tất cả những gì ta muốn là trao đi yêu thương kia thôi.

Muốn được yêu…

Khi đã đến giai đoạn “yêu nhau” tình yêu đang trong giai đoạn đơn phương trao đi yêu thương sẽ xuất hiện thêm một thái cực khác, đó là sự mong muốn nhận lại yêu thương. Đây cũng là điều bình thường và tất yếu, vì mấy ai có thể mãi mãi, vô tận yêu thương để trao cho một người mà không hề nhận lại. Sự “có qua có lại” này chính là phương thức nuôi dưỡng mối quan hệ tốt nhất có thể chấp nhận được.

Sở dĩ tôi nói “mối quan hệ” chứ không phải “tình yêu” là vì theo tôi tình yêu là thứ tình cảm đơn phương mà ta trao cho người khác, khi đã phát sinh chuyện “muốn được yêu” thì đó là một mối quan hệ.

Tình yêu là cảm giác, mà cảm giác khi được sinh ra thì sẽ lớn lên, đến lúc nào đó nó sẽ già đi, và chết. Một mối quan hệ tình cảm muốn duy trì và phát triển thì cần phải vượt qua những lúc tình yêu “chết” và làm “tái sinh” tình yêu để duy trì.

“Điều cần thiết cho một cuộc hôn nhân thành công là ta phải yêu rất nhiều lần, nhưng luôn luôn với cùng một người.” – Mignon McLaughlin.

Muốn được yêu thì cũng không phải là điều gì sai trái cả. Nhưng ta cần phải ý thức rõ ràng rằng đó không phải là yêu. Đó không còn là tình cảm ta dành cho người ta yêu mà là dành cho chính mình. Điều này rất quan trọng, ta cần nhận biết rõ nó để phân biệt với những tình cảm, quan tâm mà ta dành cho người ta yêu, và để cân bằng hai thứ tình cảm đó.

Nếu cứ cho đi quá nhiều mà không nhận lại, trong một thời gian dài sẽ làm ta sinh ra cảm giác hụt hẫng, đến một lúc nào đó ta sẽ không còn sức lực và không muốn tiếp tục cho đi nữa. Chẳng may là người ta yêu lại cũng không quan tâm đến điều đó… thế thì mối quan hệ cũng đến hồi chấm dứt.

Còn nếu cứ mong muốn nhận lại quá nhiều, cứ lẫn lộn đó là tình yêu thì ngược lại sẽ làm cho người yêu mệt mỏi, đến lúc nào đó chính họ là người đuối sức, buông tay.

Tạm kết: Nếu chỉ yêu thôi thì tình yêu rất đẹp, đẹp như thơ! Nhưng muốn được yêu thì nên cân nhắc và đừng lẫn lộn. Cảm giác yêu là điều tự nhiên, nhưng cách yêu thì phải học. Một mối quan hệ nếu muốn duy trì thì chỉ bằng cảm giác là chưa đủ, mọi nhầm lẫn đều sẽ gây đau khổ. Hãy luôn tự hỏi: “Mình đang yêu ai, yêu người hay yêu chính mình?!”

Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo

0 comments:

Post a Comment