Tại sao ta phải sống?

Leave a Comment

Tại sao ta phải sống? Câu hỏi này quá đơn giản, quá chung chung, quá dễ và cũng quá khó để trả lời.

Mark Twain nói:
“Cuộc đời mỗi người có hai ngày quan trọng nhất: Ngày bạn được sinh ra và ngày bạn hiểu được tại sao.”

Có thể nói đây là một câu hỏi mà mỗi người chúng ta trong vô tình hay cố ý đều đi tìm kiếm đáp án suốt cuộc đời mình, dù có cố tình lờ đi nhưng chẳng bao giờ bỏ được trước khi tìm ra đáp án. Câu hỏi “tại sao ta phải sống?” Thay vì “ta sống vì điều gì?” hay “tại sao ta có mặt trên đời này?”… Dường như có một sự khó chịu, bức bối, đau khổ hay thất vọng về cuộc sống tập trung ở từ “phải”.

Lý do thật sự để một người tồn tại trên đời này chỉ có thể được trả lời bởi chính bản thân người đó, tất cả những ai nói về số phận của người khác chỉ là sự định hướng mà thôi. Tất nhiên mình cũng không ngoại lệ, chẳng thể trả lời câu hỏi này một cách đúng đắn hoàn toàn. Ở đây mình chỉ có vài ý muốn bàn về chuyện “Tại sao ta phải sống?”

Đã sinh thì phải sống

Ta đến cuộc đời này một cách không tự chủ. Ta không được lựa chọn mình sẽ là con người hay con cọp, con chim, con heo, con gà… Lỡ sinh vào kiếp người rồi thì phải sống cho hết kiếp. Ý thức cầu sinh là bản năng cơ bản của mọi loài sinh vật, có câu “đến con kiến còn muốn sống” huống chi là con người. Dù trong hoàn cảnh thiếu thốn, nghèo khó, già yếu, bệnh tật… thì tất cả mọi người đều muốn được sống, dù có thể họ chẳng biết sống để làm gì! Tất nhiên cũng có nhiều trường hợp tự tử, nhưng đó chỉ là một số nhỏ những người đang ở trong trạng thái tâm thần bị kích động, bị cú sốc bất ngờ nào đó mà thôi. Lý do thứ nhất: Ta phải sống vì ta đã được sinh ra.

Phải sống vì người khác

Đây cũng là một lý do khác để ta sống trên đời, cũng có thể nói là một nguồn động lực. Khi tôi hỏi câu này với một số người quen thì nhận được câu trả lời là: “Phải sống để không phụ lòng ba mẹ, sống vì những người thân, người yêu…” Thế là tôi lại hỏi: “Vậy khi ba mẹ qua đời và những người thân, người yêu cũng bỏ ta đi thì sao?” […]

Khi ta chưa thật sự hiểu mình sống vì điều gì, thì những người thân xung quanh hay là một mục tiêu nào đó (trở thành tỷ phú chẳng hạn) cũng chỉ là lý do tạm bợ để ta bám víu mà thôi. Nhưng dù sao đó cũng là một lý do, nó sẽ trở nên vững chắc và tuyệt vời khi ta thật sự hiểu được mục đích sống của mình. Lý do thứ hai: Sống vì người khác.

Phải sống vì đam mê, sống vì mơ ước

Có những người may mắn tìm thấy ước mơ của họ từ rất sớm, và càng may mắn hơn là họ sở hữu những tiêu chuẩn, kỹ năng có thể theo đuổi ước mơ đó. Thế là họ xác định rằng: “Đời này của ta sinh ra là để làm cầu thủ/nhà tạo mẫu/ca sĩ/diễn viên/nhà khoa học/kỹ sư….” Họ sống chỉ vì mục tiêu đó, bất chấp tất cả những điều khác như gia đình, tình thân, các mối quan hệ xã hội… Thậm chí đôi lúc họ cảm thấy gia đình là rào cản ràng buộc bước tiến của họ nên nhiều người chọn cuộc sống cô đơn trên đỉnh cao danh vọng. Lý do thứ ba: Sống vì đam mê.

Phải sống để hưởng thụ

Loài người có được những thứ khoái cảm và ham muốn mà nhiều loài khác trên trái đất này không hề có, trong đó: Ăn ngon, mặc đẹp, tình dục, danh vọng, quyền lực và cả những thứ kích thích như rượu, thuốc lá, ma túy… Nhưng nếu đã nếm trải tất cả và nhàm chán tất cả thì sao?! Tất cả những cảm giác đó là đặc quyền của con người, nhưng đó là sự ban ân hay trừng phạt thì còn chưa rõ. Hiển nhiên nhiều người vẫn lấy đó làm một lý do để sống. Lý do thứ tư: Sống để hưởng thụ.

Vậy rốt cuộc thì “Tại sao ta phải sống?”

Có lẽ có những lý do khác nữa nhưng mình cảm thấy nêu ra vài lý do tiêu biểu như vậy đã đủ nhiều. Quay lại với câu hỏi “Tại sao ta phải sống?” Robin Sharma nói:
“The purpose of life is a life of purpose.”
Tạm dịch: “Mục đích của cuộc đời là một cuộc sống có mục đích.”

Bạn đã thấy qua những lý do để sống của người khác, chúng đều tồn tại và đều có thể tan vỡ bất kỳ lúc nào. Điều bạn cần làm là tìm ra mục đích riêng của bản thân bạn, giống như Robin nói: Lý do ta sống trên đời là để đi tìm lý do đó. Bạn cũng thấy những từ “phải” được lặp lại bên trên rất nặng nề phải không? Dù theo sau nó là một lý do thật hay, thật tốt, nhưng nếu ta không hiểu rõ, không chấp nhận được thì nó cũng chỉ là gánh nặng mà thôi. Nếu có một ngày bạn tìm ra câu trả lời, thì câu hỏi hẳn là sẽ mất đi chữ “phải”.

Hãy dành thời gian suy ngẫm về chính mình, tìm hiểu chính mình, xem bản thân mình muốn gì, mình có thể làm gì cho cuộc đời này. Đừng nhầm lẫn lý do ta sống với nhu cầu cuộc sống của ta (xem thêm tháp nhu cầu của Maslow)

Khi bạn đã hiểu được chính mình ở một mức độ nào đó, bạn chấp nhận rằng mình đã được sinh ra trên cõi đời này, bạn biết ơn cha mẹ, biết ơn tạo hóa ban cho hình hài và giác quan, trí óc, cảm nhận và biết ơn cuộc sống này mang đến cho bạn nhiều tri thức, bạn có thể quan tâm người xung quanh, làm những điều tốt đẹp cho họ, bạn có thể theo đuổi đam mê và thành công với đam mê, bạn cũng có thể hưởng thụ từng mẩu nhỏ của cuộc sống này.

Chúc bạn sớm tìm được đáp án cho riêng mình.

Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo

0 comments:

Post a Comment