Singapore từ chối phụ nữ Việt?

Leave a Comment

Thời gian gần đây, cộng đồng mạng quan tâm nhiều đến việc một số phụ nữ Việt Nam khi nhập cảnh vào Singapore bị kiểm tra quá “kỹ lưỡng” như yêu cầu lăn dấu vân tay, chụp ảnh… và thậm chí bị từ chối nhập cảnh. Đa số trường hợp bị kiểm tra là phụ nữ (mới gần đây lại có một người đàn ông Việt Nam cũng bị kiểm tra và từ chối nhập cảnh vào Singapore trong khi quá cảnh sang Malaysia). Điều này có phải Singapore là quốc gia không hiếu khách, hay Singapore có thành kiến với phụ nữ Việt Nam?

Theo tôi, hành động “sàng lọc” này có phần thái quá kiểu “thà giết lầm hơn bỏ sót”, tuy nhiên nó lại mang một phong cách rất… Singapore. Không phải ngẫu nhiên mà Sing được biết đến như một trong những quốc gia sạch đẹp và hiện đại, một địa điểm du lịch lý tưởng dù những danh thắng ở Singapore chủ yếu là nhân tạo.

Trong chính sách phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của Singapore đều có những điểm cực đoan nhất định. Điển hình là hình phạt roi giữa phố dành cho một số tội như ăn cắp vặt, phạt tiền thật nặng đối với tội xã rác.. những hình phạt này nếu đưa ra ở một nước khác ngoài ắt hẳn sẽ vướng phải phản đối vô cùng gay gắt, có người sẽ gọi đó là “nhục hình”, hay nhẹ thì “vi phạm nhân quyền”… nhưng ở Singapore đó chỉ đơn giản là luật pháp.

Đã có khá nhiều vụ ầm ĩ tầm cỡ quốc tế liên quan đến hình phạt roi, phạt tù của Singapore dành cho du khách người nước ngoài. Mới đây, ngày 05/3/2015, hai công dân Đức đã phải chịu hình phạt 3 roi cùng chín tháng tù giam vì tội… vẽ bậy lên một toa tàu ở Singapore. Đặc biệt là hai tội phạm người Đức sau khi phạm tội hồi tháng 11/2014 đã rời khỏi Singapore, tuy nhiên nhà chức trách Singapore vẫn truy lùng sang tận Malaysia để bắt hai người trở về “quy án”. Năm 2010, một công dân Thụy Sĩ cũng bị phạt 7 tháng tù giam và 3 roi vì tội xin sơn lên một toa tàu của Singapore. Đặc biệt là năm 1994, Michael Fay - một cậu bé người Mỹ bị kết tội phá hoại xe hơi và tài sản công cộng, tuyên phạt 6 roi, Tổng thống Mỹ khi đó là Bill Clinton đã nỗ lực tác động để cậu bé không bị đánh nhưng Singapore chỉ “nể tình” giảm hình phạt xuống còn 4 roi mà thôi.

Ngoài án phạt nặng nề như phạt roi hay phạt tù thì Singapore còn rất nhiều án phạt tiền cho những hành vi “gây rối trật tự xã hội” khác.

Nhà nước Singapore có ý thức được những hình phạt nói trên và việc kiểm tra, từ chối người Việt Nam nhập cảnh sẽ gây ảnh hưởng xấu đến hình tượng của Singapore trong lòng bạn bè quốc tế không? Họ biết chứ, nhưng họ vẫn thi hành, vì đó mới chính là những nhân tố làm nên một Singapore ngày nay. Họ không muốn một hình ảnh hiền hòa dễ dãi, họ muốn một hình ảnh nghiêm khắc, an toàn.

Sở dĩ có tình trạng kiểm tra gắt gao với người Việt, đặc biệt là phụ nữ là vì thực tế là có nhiều phụ nữ Việt nhập cảnh sang Singapore và có những hành động vi phạm luật pháp Singapore, cụ thể là mại dâm. Tôi cũng không rõ là tình trạng này đã diễn biến phức tạp đến đâu khiến chính phủ Singapore phải đưa ra giải pháp “phòng bệnh hơn trị bệnh” một cách cực đoan và phản cảm như vậy, nhưng rõ ràng nhìn từ phía Singapore thì họ bị mất lòng một ít người “nhầm lẫn” nhưng lại ngăn chặn được phần lớn những “tội phạm tiềm năng” xâm nhập vào đất nước mình.

Tôi có một số bạn bè là phụ nữ, cũng hay đi du lịch sang Sing, cũng gặp kiểm tra hạch hỏi nhưng nếu đầy đủ điều kiện thì họ vẫn chấp nhận nhập cảnh bình thường. Có mấy điều kiện cần thiết để “qua ải” khi bị kiểm tra: biết tiếng Anh, hộ chiếu còn thời hạn hơn 6 tháng (đã có dấu nhập cảnh nhiều nước là lợi thế), vé máy bay khứ hồi (hoặc quá cảnh), đặt phòng tại các khách sạn uy tín, ở những khu “an toàn” (hoặc có địa chỉ liên lạc cụ thể của người thân ở Singapore), ăn mặc gọn gàng, thái độ ứng xử lịch sự, tự tin, đem theo tiền mặt khoảng 500 USD và các loại thẻ tín dụng… Nếu có đủ các điều kiện trên và không gặp xui xẻo thì bạn hoàn toàn có thể an tâm ngẩng cao đầu nhập cảnh vào Singapore du lịch, nghỉ dưỡng thoải mái, vui vẻ, an toàn, hạnh phúc.

Nhưng vấn đề là tại sao chúng ta phải đến Singapore?!

Câu hỏi này xin để mỗi người tự trả lời vậy.

Nhất Bảo


0 comments:

Post a Comment