Vì sao nên duy trì án tử hình?
– Để loại bỏ những phần tử xấu, cùng hung cực ác, không thể hối cãi ra khỏi xã hội, tránh làm hại người lương thiện.– Để trả lại sự công bằng cho người bị hại, để công lý được thực thi, để phát huy sự tôn nghiêm của pháp luật.
– Để răn đe những tội phạm tiềm năng.
– Để tiết kiệm chi phí nhà tù: ý này tôi đọc được từ nhiều nguồn và thấy cũng có lý. Ai ai cũng nhốt vô tù, mà lại ngồi chung thân thì không đủ chỗ chứa, và phí duy trì lại cao, không biết phải cất bao nhiêu cái nhà tù cho đủ!
Vì sao nên bỏ án tử hình?
– Vì chúng ta đều là con người, không có quyền giết người khác. Tử hình cũng là giết người, cũng có nghĩa là sau một tội ác lại có thêm một tội ác.– Tử hình không hề có chút lợi ích nào cho người bị hại.
– Tử hình tước bỏ hi vọng làm lại cuộc đời của phạm nhân. Nếu là án oan thì càng khổ.
– Tử hình răn đe tội phạm tiềm năng chỉ là suy đoán. Trong giới giang hồ thì những ai từng vào tù lại là người có “máu mặt” hơn, ai dám liều mạng hơn thì được tôn trọng hơn… Tất nhiên những ông trùm thật sự thì lại là người rất ư “trong sạch”. Nhưng giới “đàn em” mới chiếm số đông, và đối mặt với án tử hình vẫn dám hiên ngang hành động thì lại càng kích thích. Mặt khác, đối với người bình thường, họ chỉ phạm tội khi mất kiểm soát, ức chế, thù hận, ghen tuông, tham lam… và khi đó thì án tử hình có là gì.
Tất nhiên là còn nhiều lý do nên và không nên khác nữa, chẳng hạn như điều kiện kinh tế của quốc gia, nhận thức của người dân, truyền thống đạo đức, các phương tiện thông tin đại chúng, internet…ảnh hưởng đến việc sử dụng hay bãi bỏ án tử hình ở từng quốc gia. Tôi không phàn nàn gì về sự lựa chọn của bất cứ quốc gia nào, vì tôi cho rằng tầm nhìn của các vị lãnh đạo quốc gia hơn tôi rất xa. Điều tôi muốn nói đến tiếp theo là cảm giác, thái độ của con người, của dư luận, đám đông hay từng cá nhân đối với án tử hình.
Cảm giác của con người khi nhìn về những bản án tử hình là gì?
Lâu lâu báo chí lại đưa tin về một vụ án cực kỳ nghiêm trọng và khủng khiếp nào đó. Và hễ cứ có mấy vụ như vậy là báo lại bán chạy hơn rất nhiều lần! Người ta lên án, đả kích, chửi mắng, nhục mạ, đòi chém đòi giết hung thủ, trong khi những gì họ biết chỉ thông qua vài tin (thậm chí là 01 tin) một tờ báo nào đó. Rất nhiều, rất nhiều người trong số họ không biết, không quen với người bị hại, thậm chí không quan tâm đến người bị hại là ai. Vậy họ cổ vũ việc giết người (tử hình) là vì đâu? Từ rất lâu trước đây, tôi có đọc được một câu rất phũ phàng như vầy:“Con người là động vật hưng phấn trước nỗi đau của đồng loại.” – khuyết danh
Thời trung cổ, tại các đấu trường La Mã thường có cảnh hàng trăm, hàng ngàn người reo hò khi thấy một võ sĩ giác đấu kết liễu mạng sống võ sĩ khác, họ kêu gào hưng phấn: “Giết! Giết! Giết nó đi! Kết thúc nó đi!”
Vâng, đó là một trò chơi, họ không xem những người kia là người! Phải chăng vì trò chơi đó ngày nay bị cấm cho nên người ta cổ vũ việc giết người bằng một cách khác đi? Con người mà không xem đồng loại mình là người, vậy có còn là người không? Không! Giây phút đó, cái giây phút mà họ đứng lên reo hò cổ vũ hành động giết người, họ chỉ còn phần con mà thôi.
Đừng, xin đừng nóng giận! Tôi không nói con người chính nghĩa là bạn đâu. Tôi không nói những con người mong muốn công lý được thực thi, những con người mong muốn công bằng cho nạn nhân là các bạn đâu. Tôi lại càng không dám nói những người thật sự mong muốn một xã hội công bằng, hạnh phúc, an toàn là tất cả chúng ta đâu. Những gì tôi nói là một góc khuất trong tâm trí, của một ai đó trong chúng ta, chẳng ai chứng minh được, chẳng ai phạt tù bạn vì chuyện đó hay chẳng ai tử hình bạn vì chuyện đó được cả. Tôi nói để chúng ta có dịp nhìn mặt “nó” mà thôi.
Vì rất nhiều lý do, chúng ta vẫn phải thi hành án tử hình – giết người. Tuy nhiên, bạn có nghĩ rằng, nếu tất cả mọi người khi xem báo, xem tin tức, xem thời sự… đầu tiên là tiếc thương, chia sẻ cho nạn nhân, sau đó là thương tiếc cho tội nhân, nếu người ta có thể thể hiện thái độ giống như vẻ mặt đau buồn của vị bác sĩ khi phải nói câu: “Xin lỗi, chúng tôi đã cố gắng hết sức” vì buộc lòng phải giết người tử tù thì sẽ tốt đẹp và đáng quý bao nhiêu so với vẻ háo hức và thỏa mãn kia không?
Nếu có một ngày, chúng ta có một xã hội như thế, một cộng đồng NGƯỜI như thế thì tôi tin chẳng cần đến án tử hình mà chi nữa.
Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo
0 comments:
Post a Comment