Thế giới chúng ta đang sống rộng lớn và muôn màu như thế, chưa kể đến thế giới riêng trong tâm trí mỗi con người. Từ khá lâu rồi, tôi bắt đầu quan sát thế giới, qua con mắt của nhiều người đi trước rồi qua con mắt của chính tôi. Có lẽ chưa đủ nhiều nhưng tôi thấy rằng trong mọi chuyện đều tồn tại hai mặt đối lập: Tốt và xấu, hầu hết chân lý đều có thể tìm thấy điều ngược lại hoàn toàn. Vậy thì cái gì có thể giúp ta nắm bắt và phát huy được mặt tốt? Câu trả lời là: Yêu thương.
Có lần, một người bạn làm trong ngành giáo dục hỏi tôi rằng: “Học trò tôi nhiều em cứng đầu quá, ông có biện pháp nào hay bày tôi với?” Tôi suy nghĩ một lúc rồi trả lời: “Tui chưa học qua nghiệp vụ sư phạm, nhưng tui nghĩ giáo dục muốn thành công là phải dựa trên sự yêu thương.”
Vì sao người Việt Nam ta lại có truyền thống tôn sư trọng đạo đến độ “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”? Tôi cho rằng đó là vì ngày xưa kiến thức và chữ nghĩa rất quý giá, nhưng hơn hết là một người thầy đúng nghĩa là người xem học trò như con, thương yêu học trò như con đẻ của mình. Muốn cho một người lắng nghe và học hỏi từ bản thân mình, không gì hay bằng việc cho họ thấy tình yêu thương mình dành cho họ. Rõ ràng chúng ta đều vui thích và hứng thú hơn khi học với giáo viên mình thích mà chẳng cần biết đó là môn gì.
Tuy vậy, đối với trẻ nhỏ chưa nhận thức đầy đủ, vẫn cần có những hình phạt. Và chính tại đây lại là nơi ta có thể biểu lộ tình yêu thương tốt nhất. Phạt làm sao để cho trẻ biết rằng ta phạt là do trẻ làm điều không đúng, phạt là để muốn trẻ trở nên tốt hơn, hoàn thiện hơn chứ không phải để thỏa mãn cơn giận của cá nhân ta.
Hồi tôi học lớp một, đó là một trường bán trú, học sinh ăn trưa, ngủ trưa tại trường và học cả hai buổi. Hôm đó, mẹ tôi mua cho tôi một túi trái cây mang theo để ăn sau bữa cơm trưa. Trong giờ học toán của cô chủ nhiệm, có lẽ do hơi chán, và đói, và thèm, tôi lẳng lặng móc ra một trái, lột vỏ quẳng xuống chân bàn và ăn ngon lành. Rồi tôi bóc trái thứ hai, thứ ba… Ban đầu thì còn cố tìm góc nào khuất để quăng vô, sau vỏ nhiều quá, tôi cứ quăng đại xuống. Tôi nghĩ rằng cô không thấy và rất lấy làm thích thú vì “nghệ thuật ăn vụng” của mình.
Đến giờ ngủ trưa, cô đến chỗ tôi và nói: “Bảo, trước khi đi ngủ em hãy lượm hết những vỏ trái cây em bỏ dưới gầm bàn đi.” Tôi bối rối, toan chối là không phải mình ăn “Dạ, thưa cô, em… em…” Cô nói: “Trong giờ học cô thấy em ăn, lúc đó nhìn em ăn ngon quá, cô cũng không muốn em quê với các bạn nên cô không phạt ngay lúc đó. Nhưng em phải chịu trách nhiệm việc mình làm, ăn vụng trong giờ học là không tốt, lần sau em không được như vậy nữa.” Cô tôi nói vậy đó, tôi lồm cồm đi lượm vỏ trái cây, rươm rướm nước mắt vì xúc động. Từ đó tôi không bao giờ ăn vụng trong giờ học nữa.
Tất nhiên, thời tôi học, các thầy cô còn dùng nhiều hình phạt khác như: Vặn tai, khẻ tay (dùng thước bảng đánh vào lòng bàn tay – chỉ lòng bàn tay thôi nhé), quỳ gối và phạt roi (dùng roi mây, đánh vào mông). Tôi học cũng thuộc hàng giỏi trong lớp, lại không quậy phá gì nên cũng không mấy khi bị đòn, và nhờ đó tôi có dịp quan sát thái độ của nhiều thầy cô khác nhau khi thực hiện hình phạt.
Theo những gì tôi thấy, cùng một hình phạt nhưng thầy cô nào phạt vì tình yêu thương học sinh thì sẽ được học sinh kính nể chứ không phải là sợ sệt hay căm ghét. Đến lượt tôi bị phạt đòn, nói thật tôi chả thấy đau gì, chỉ thấy “quê” là chính. Tôi nghĩ cái “quê” đó mới là cảm giác mà thầy cô muốn tôi nhận ra trong mỗi hình phạt, đó cũng là yêu thương.
Kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ tuy cũng rất quan trọng, nhưng những kỷ niệm đẹp và nguồn động lực tuyệt vời nhất cho mỗi học sinh chỉ có thể đến từ tình yêu thương của người thầy, người cô.
Tôi mong rằng từng học sinh có thể ý thức được học tập là trách nhiệm của mình, đừng đổ lỗi cho thầy cô hay giáo dục. Tôi mong rằng từng học sinh đều có thể có những kỷ niệm đẹp về thầy cô như tôi từng có, đều tìm thấy sự yêu thương từ những bậc “cha mẹ” ở trường. Và tôi mong rằng từng vị giáo viên đều có thể truyền đạt yêu thương vào trong từng tiết học.
Chân thành gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất đến từng người thầy, người cô trong đoạn đời tôi đã đi qua.
Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo
0 comments:
Post a Comment