Đôi điều về tâm linh và tôn giáo

Leave a Comment
Cách đây ít lâu có mấy bạn hỏi tôi những câu hỏi liên quan đến tâm linh và tôn giáo như: “Anh tin trên đời có ma không?” “Anh nghĩ gì về các linh hồn, thượng đế, thiên đường, địa ngục?” “Anh có theo đạo nào không?”… Và mới gần đây bạn tôi “thổ lộ” rằng: “Chắc em đi tu quá!” Vậy nên tôi viết bài này chia sẻ đôi điều quan điểm của tôi về tâm linh và tôn giáo để cho bạn tôi, nếu có đi tu, sẽ được thành chánh quả.

Tôi là người tâm linh

Về cơ bản, một người tâm linh là người có niềm tin và tin tưởng vào niềm tin đó. Đôi khi đó có thể là những điều bí ẩn đằng sau sự sống mà khoa học chưa giải thích, chứng minh được, đó cũng có thể là những điều rất bình thường, giản dị mà người khác chẳng thèm tin. Phật Thích Ca là một người tâm linh, niềm tin của ông là nhân quả, vô thường và từ, bi, hỷ, xả. Chúa Jesus là một người tâm linh, niềm tin của ông là tình yêu thương đồng loại, là sự soi sáng dẫn đường cho những người còn trong tăm tối – “thiên Chúa là tình yêu”…

Tôi cũng là một người tâm linh, tôi tin con người có linh hồn và hồn ma là những linh hồn của người đã chết, tôi tin mỗi người sinh ra là có một sứ mệnh và chúng ta đến với cuộc đời này là để tìm ra sứ mệnh đó, tôi tin vào sự trưởng thành của tâm thức, sự kiên định của đức tin và tôi tin mỗi người cần tìm cho mình một đức tin nào đó. Tôi cũng tin một số điều mà người khác không tin hoặc chưa nghe nói đến, tôi không bài xích niềm tin của người khác, tôi chỉ quan sát chúng với một con mắt tò mò, học hỏi…

Tuy vậy, trong phần giới thiệu về bản thân tôi có viết: “All religions are nice; all Gods are kind. I’m not religious.” Nghĩa là đối với tôi tất cả tôn giáo đều tốt, các vị thánh thần đều tuyệt vời, nhưng tôi không theo tôn giáo nào cả.


Sự khác biệt của tâm linh và tôn giáo là gì?

Một người tâm linh chưa hẳn là theo một tôn giáo nào đó, một người có đạo chưa hẳn là người tâm linh và một người tâm linh cũng có thể là người có đạo, hai điều này có liên quan nhưng không thể dùng để xác định sự tồn tại của nhau.

Theo tôi, tôn giáo đa số bắt nguồn từ một người tâm linh, một vị giáo chủ. Tôn giáo là một hệ thống, một công cụ để truyền bá những tư tưởng tâm linh của giáo chủ đến với các môn đồ. Chấm hết.

Xã hội càng phát triển, con người càng bị cuốn đi nhanh hơn, tâm linh của họ trở nên lạc lõng, bơ vơ, mong manh dễ vỡ. Họ cần một nơi để nương tựa, một nơi để quay về, họ cần người dạy dỗ như đứa trẻ cần mẹ lúc còn thơ. Đó là lý do họ cần tôn giáo – lý do tốt nhất. Tuy nhiên, giữa những người mẹ cũng có sự khác biệt không hề nhỏ. Người mẹ tốt nuôi con, dạy con, để con có thể trưởng thành và tự lập, dạy con biết thêm về cuộc đời và biết tự quyết định cuộc đời mình. Có những người mẹ không hề tốt, là do mụ phù thủy hóa thành chẳng hạn, sẽ rủ ngủ và cho con ăn thuốc lú hàng ngày, để càng lớn con càng phụ thuộc, càng u mê, trở thành một thứ con rối trong tay mụ mà thôi. Cái nguy hiểm nhất là ở chỗ: Không mấy ai mê mà biết mình mê.

Như đã nói trên, tôn giáo là một công cụ, không chỉ là công cụ truyền đạt đến môn đồ mà nó còn được sử dụng theo mục đích của những ai đủ mạnh để thao túng nó. Ví dụ như Nho giáo ngày xưa từng là công cụ để nhà nước phong kiến thống trị thiên hạ “quân xử thần tử, thần bất tử bất trung” đã giết bao nhiêu bậc trung lương, hào kiệt? Hay như Hồi giáo cực đoan ngày nay đánh bom liều chết, khủng bố… Chúng ta là người ngoại đạo, ta nghĩ họ u mê, ngu dại, điên rồ… Nhưng tôi nói cho bạn biết, cảm giác và tư tưởng của họ cũng bình thường y như cảm giác của bạn đối với tôn giáo mà bạn đang theo vậy thôi. Thậm chí có thể nói họ còn là những tín đồ thành kính hơn bạn nữa kia.

Một điểm khác cũng nguy hiểm không kém là hiện tượng “tam sao thất bản”. Đa phần những giáo lý ngày nay là những gì được “suy luận” ra từ tư tưởng, ý kiến của các vị tổ sư khai đạo. Qua nhiều thế hệ dần dần hình thành và phát triển như thế, mỗi tôn giáo lại chia thành nhiều nhánh, nhiều trường phái lớn khác nhau. Ở những nhánh lớn đã có sự khác biệt như thế, thì ở các nhánh nhỏ và siêu nhỏ, ở cấp tỉnh, huyện, làng, xã… các giáo lý đó khi được khai triển ra sẽ biến hóa đến mức độ nào? Hãy thật sự nghiêm túc suy nghĩ về điều này nếu bạn muốn gia nhập một tôn giáo nào đó. Bạn đang làm gì? Đang đi theo ai, đang thực hành những lời dạy của ai? Tất cả những điều này cho mục đích nào?! Hãy dụng tâm, hãy tỉnh táo, hãy quan sát, phân tích trước khi quyết định.

Ông Garrison Keillor có nói một câu như thế này:
“Anyone who thinks sitting in church can make you a Christian must also think that sitting in a garage can make you a car.” Nghĩa là: “Nếu bạn nghĩ rằng ngồi trong nhà thờ có thể xem như người đạo thiên Chúa thì bạn cũng phải tin rằng ngồi trong gara sẽ biến bạn thành một chiếc xe hơi.”

Nếu bạn muốn gia nhập tôn giáo nào đó, hãy xác định rằng bạn đang học tập và thực hành điều tốt, đang dâng hiến xác thân và linh hồn cho một sứ mệnh gian nan nhất là làm đẹp bản thân, làm đẹp cuộc đời. Bạn mang trong mình khát khao rực cháy, bạn muốn đốt mình để tỏa sáng soi đường cho nhân loại u mê, cứu rỗi sinh linh, đem lại an bình cho bá tánh. Ước mơ lớn đó, bạn có không?

Nếu tất cả mọi người đều phải chọn cho mình một tôn giáo, tôi xin mượn lời đức Dalai Lama:
“My religion is kindness.”
 
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này, xin hiểu rằng tôi không có ý công kích trong bất kỳ từ ngữ nào được viết ra.  Cầu chúc cho các bạn mọi điều an vui.



 
Tháng 8/ 2014
Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo

0 comments:

Post a Comment