Hôm nay là ngày 08 tháng 3 năm 2014, bây giờ là 03h43 phút sáng. Tôi xin dành câu thứ hai trong bài viết này để xin lỗi bản thân mình vì lý do là câu thứ nhất tôi đã dùng để giới thiệu thời gian. Ở câu thứ ba, tôi xin nói thật lý do tôi cần xin lỗi bản thân là vì tôi vừa mới dành 8 tiếng đồng hồ liên tục của cuộc đời mình để đau khổ vì một người phụ nữ.
Nếu như vào mười năm trước thì người phụ nữ làm tôi đau khổ kia cộng thêm thời gian tôi giới thiệu ở đầu bài có thể là nguyên nhân khiến tôi nhớ đến một ngày “lễ hội” ngay trong hôm nay mà người ta gọi là ngày “Quốc tế Phụ nữ”, có lẽ sự biết ơn sẽ làm tôi dịu bớt cơn đau phần nào. Mà thật ra 10 năm trước thì tôi cũng chưa biết đau khổ vì phụ nữ ra làm sao cho nên tôi cũng không quan tâm luôn cái ngày lễ hội này, nhỉ? Nhưng dù gì thì bây giờ không phải mười năm trước cho nên tâm trạng tôi đang không ổn lắm, sẽ nói linh tinh khá nhiều, mọi người chịu khó đọc dùm nha.
Quay lại hiện tại, cái thế giới thứ hai mà tôi tham gia là facebook đã nhắc nhở liên tục từ tuần trước cho tới bây giờ. Mấy năm rồi tôi vẫn chưa làm sao quen được cái không khí rộn ràng, náo nức mỗi khi có một cái lễ nào đó tới gần, mọi người đều nói cùng một từ khóa, sao tai tôi nghe cứ ong ong như tiếng chuông chùa Bà Đanh ấy. Ừ, đại khái đó là thứ âm thanh từ nhỏ rồi lớn dần, thánh thót trong không gian yên tĩnh khiến người ta cảm thấy từ dễ chịu cho đến rờn rợn rồi hoảng hốt không thể kềm chế! Ai cần biết thêm về chùa Bà Đanh xin tự động Google nhé.
Bạn biết gì không? Từ khi bắt đầu viết bài này tính cho đến đây, ngay tại chữ này là tôi đã gõ 371 ký tự, tất cả chỉ để nói một chuyện thôi: Hôm nay là ngày 08/3 – ngày Quốc tế Phụ nữ! Ừ thì là vậy đó, nhưng đây không phải điều tôi muốn nói trong bài này đâu. Còn tôi muốn nói gì thì mời xem tiếp sẽ rõ nhé, bạn đã bỏ công đọc vô số dòng nhảm nhí bên trên cho tới tận đây mà không biết thì phí quá rồi.
Tôi vừa xem vài clip hài, các Vlog ấy mà. Câu tiếp theo đây, tôi chẳng nhớ đến câu thứ bao nhiêu nữa, nhưng nó là ký tự thứ 480, tôi xin cảm ơn anh “Dưa Leo”, bữa nay tôi mới coi mấy clip của anh và cũng giảm được phần nào nỗi buồn bắt nguồn từ người phụ nữ ấy!
Ừ thì ngày 08/3 nhé. Đối với thế giới thì nó là một ngày kỷ niệm, còn với Việt Nam ta thì nó là một lễ hội! Cho nên trong bài này tôi sẽ thảo luận về “sống trong lễ hội là như thế nào”. Ngày 08/3 chỉ dùng làm ví dụ minh họa vậy thôi.
Đọc đến đây, những bạn quen biết tôi đã lâu hẳn sẽ nghĩ: “Ồ, nó lại sắp lên giọng phê phán, công kích cái gọi là phong trào, hiệu ứng đám đông gì gì nữa đây mà!” Ừ thì trước đây là thế, nhưng tôi không viết dài như vầy chỉ để làm chuyện đó đâu, bạn cứ an tâm và hồi hộp mà đọc tiếp đi. Còn với những độc giả mới quen qua Triết Học Đường Phố, tôi mới viết khoảng hơn chục bài nhưng trong đó theo tôi thì phần lớn là những thứ hơi “nặng nề” và khá lề mề của mấy ông cụ non không nhận mình chém gió. Cũng không phải luôn, bài này tôi nói mấy chuyện nhỏ nhỏ mà vui vui thôi, lễ hội mà ai lại đem triết lý linh tinh hay công kích làm mất hứng! Sao? Năm rồi chính tôi làm vậy chứ ai hả? Ừ thì đó là năm rồi. Quên đi.
Lễ hội và các ngày kỷ niệm
Lễ hội là một dịp để mọi người cùng nhau ăn mừng về một sự kiện nào đó, vẫn còn hít thở được oxy cũng là sự kiện đáng ăn mừng vô cùng luôn! Tại sao người ta phải đặt tên cho một ngày nào đó là cái ngày gì đó? Nếu mỗi người trong chúng ta đều tự biết ngày hôm nay mình sẽ làm gì, mình sống cho ai, mỗi người chúng ta đều vui vẻ và tự mở hội thì những ngày kỷ niệm chẳng còn ý nghĩa gì nữa rồi, chẳng ai rảnh rỗi đặt ra mấy cái ngày này nọ trong khi mọi người chẳng thèm lưu ý vì ai ai cũng có lễ hội riêng mình.
Tóm lại lý do có các ngày kỷ niệm là vì để nhắc nhở mọi người chúng ta vì một điều gì đó mà có thể ta chẳng bao giờ để ý! Đó cũng là một cái cớ cho chúng ta thể hiện tình cảm mà ngày thường ta không bao giờ dám hoặc cũng lãng quên luôn. Nói ngắn gọn trong vòng một câu: Các ngày kỷ niệm được lập ra càng nhiều là vì chúng ta ngày càng không biết mình là ai nên người ta phải lập ra thời gian biểu để mọi người cùng nhau thực hiện.
Thái độ của mọi người đối với các ngày kỷ niệm ra sao?
Có ba xu hướng chính: ủng hộ, làm lơ và phản đối. Với sự phát triển một cách khủng bố của thông tin liên lạc ngày nay thì làm lơ thật không dễ và phản đối thì không dám. Dù muốn dù không thì cũng lên facebook post một cái status: “Chúc các bạn nữ một ngày 08/3 thật ý nghĩa và tràn đầy hạnh phúc, một năm mới an khang thịnh vượng, vạn sự như ý… gì gì đó” Rồi tag một số người thân thiết vô cho gọi là tình cảm! Ủng hộ phong trào này tích cực nhất là những người bán hoa, bán gấu bông, và đặc biệt là những bạn nữ xinh đẹp với các status như: “Quà 08/3 sớm, vui vui” “Này là 08/3 của em, yêu lắm cơ!”… Còn những người phản đối thì hô hào điệp khúc: “Tại sao phải đến ngày lễ mới thể hiện cơ chứ!”
Thái độ của tôi?
Còn tôi, tôi muốn nói cái gì mà mãi tới ký tự thứ 1148 vẫn nói mấy chuyện linh tinh ai cũng biết đó? Ừ hồi đó tôi cũng làm lơ, rồi làm lơ không xong tôi quay sang phản đối, mà cái kiểu phản đối bị làm sao đó cho nên hiệu quả duy nhất của nó chỉ là làm thỏa mãn cá nhân tôi còn đâu bị người ta ghét nhiều lắm. Bữa nay tôi khác rồi, tôi trở nên ba phải. Tôi cho rằng: Ủng hộ cũng được, phản đối hay làm lơ cũng không sao, chỉ cần ta hiểu mình đang làm gì; và tôi mong muốn rằng chúng ta hãy sống trong lễ hội thật sự, thứ mang đến sự vui vẻ hạnh phúc cho bản thân và người xung quanh hơn là chạy theo các ngày kỷ niệm hay phán xét trào lưu xã hội. Thế thôi, nếu bạn hiểu rõ câu vừa rồi thì khỏi đọc tiếp cũng được. Cảm ơn bạn đã chịu khó chạy theo tới tận đây. Nếu thích thì xem tiếp tôi sẽ nói chi tiết hơn chút nữa.
Bạn cứ tham gia đi, nhưng đừng…
• Vì mọi người đều làm thế, mình cũng làm cho vui: Nếu bạn thấy vui thì làm chứ đừng đeo lên niềm vui nhân tạo đó, rồi dần bạn sẽ chẳng biết vui là gì nữa đâu.
• Vì GATO (ghen ăn tức ở): Vì nhỏ kia có hoa nên bạn cũng cần hoa, nhỏ nọ có gấu nên bạn cũng muốn gấu hay là vì… ai ai cũng có lời chúc nên bạn cũng muốn được chúc mừng. Sao phải đua đòi chạy theo những thứ có ý nghĩa với người khác nhỉ? Bạn không mệt thì người xung quanh bạn cũng mệt đấy!
Bạn cứ làm lơ đi, nhưng đừng…
• Vì bạn cảm thấy bị bỏ rơi. Bạn thật sự thích tham gia phong trào đó, ngày đó, nhưng bạn nghĩ là không ai hoan nghênh bạn, không ai chúc tụng bạn, không ai tặng quà cho bạn hay là không ai thèm nhận lời chúc, nhận quà của bạn…
• Vì thấy người khác tham gia quá nhiều nên bạn nhàm chán. Như vậy là bạn cũng đang tham gia đấy, nhưng tham gia ngày kỷ niệm ở một mặt khác mà thôi. Bạn đâu có thật sự lơ?!
Bạn cứ phản đối đi, nhưng đừng…
• Vì keo kiệt: Lễ lộc nhiều quá, ngày nào cũng phải ăn chơi, tặng hoa, tặng quà tốn tiền quá… Nên bạn nhiệt liệt phản đối?! Đừng nhé, đừng vung tay quá trán rồi đổ lỗi cho người.
• Vì GATO: Bạn không có ai để tặng quà, không ai tặng cho bạn, thấy người khác nhận bó hoa to, nhận con gấu đẹp mà mình không có, thế là nói cho bỏ tức. Đừng luôn.
Mọi người cùng sống trong lễ hội
Bạn có thể tham gia, làm lơ hay phản đối các ngày kỷ niệm, và khi bạn biết tại sao mình làm những điều đó, chính bạn là người ra quyết định cho hành động của bạn chứ không phải là ai khác, là suy nghĩ nào khác, bạn cảm thấy thoải mái vì điều đó mà không phải băn khoăn gì khác thì bạn đang sống trong lễ hội.
Lễ hội là sự giác ngộ. Lễ hội diễn ra mọi lúc, mọi nơi, trong tự thân mỗi con người. Lễ hội không bài xích một ai, mỗi người tổ chức lễ hội riêng mình, nhìn người khác bằng cặp mắt hân hoan, chấp nhận nhau, chia sẻ cùng nhau, khác biệt nhau mà không công kích nhau hay giống hệt nhau mà không so sánh nhau.
Ngày 08 tháng 4, bạn muốn tặng hoa cho bạn gái, hái một bông hoa trong vườn hay mua một bó 999 bông hoa hồng tùy ý, mang theo niềm hạnh phúc trên môi và trong ánh mắt, trao hoa là trao yêu thương chứ không phải giao nhiệm vụ. Đó là lễ hội.
Ngày 20 tháng 12 bạn đi thăm thầy cô giáo, ngày 20 tháng 5 bạn mua một món quà nhỏ cho mẹ của mình… Bạn ý thức rằng mình muốn làm điều đó, và làm bằng tất cả tấm lòng, thật chân thành và hạnh phúc. Đó là lễ hội.
Khi bạn tham gia các ngày kỷ niệm bằng sự tự giác như vậy, đó cũng là lễ hội.
Hãy sống trong lễ hội và đừng tạo thêm nhiều ngày kỷ niệm vô tri.
Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo
0 comments:
Post a Comment